18/06/2015
Thứ Năm sau Chúa Nhật
11 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm I) 2 Cr 11, 1-11
"Tôi
đã rao giảng không công cho anh em Tin Mừng của Thiên Chúa".
Trích
thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh
em thân mến, phải chi anh em chịu đựng một phần nào sự ngu dại của tôi, chắc là
anh em đành chịu đựng: vì tôi yêu mến anh em như Chúa có lòng yêu mến. Tôi đã
đính hôn anh em cho một người, như dâng một trinh nữ trong trắng cho Ðức Kitô.
Nhưng tôi lại sợ rằng như con rắn đã dùng mưu chước mà cám dỗ bà Evà thế nào
thì lòng anh em cũng ra hư đốn, không còn chân thành đối với Ðức Kitô như vậy.
Vì nếu có ai đến rao giảng một Ðấng Kitô nào khác mà chúng tôi không hề rao giảng,
hay anh em nhận lãnh một Thánh Thần nào khác hoặc một Phúc Âm nào khác không phải
như anh em đã nghe, thì chắc là anh em chịu theo ngay. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi
đã làm việc không thua kém gì các vị tông đồ cả kia đâu. Bởi vì dầu tôi có ăn
nói không thanh lịch, nhưng về sự thông biết thì không phải thế đâu, vì trong mọi
mặt, chúng tôi đã tỏ cho anh em thấy rõ rồi.
Hay
là tôi đã phạm tội gì khi hạ mình không để anh em được nhắc lên? Hoặc vì đã rao
giảng không công cho anh em Tin Mừng của Thiên Chúa. Tôi đã bóc lột các giáo
đoàn khác, khi lãnh trợ cấp nơi họ, để phục vụ anh em. Khi tôi ở giữa anh em,
mà phải lâm cảnh túng thiếu, tôi đã không làm phiền lòng ai: vì tôi có thiếu thốn
điều gì, thì các anh em ở Macêđônia đến giúp đỡ cho. Trong mọi sự, tôi đã giữ
mình không làm phiền lòng ai, sau này, tôi vẫn giữ mình như thế. Ðã có sự thật
của Ðức Kitô trong tôi, nên tôi không để ai giựt khỏi tôi được sự tôi khoe như
thế trong khắp miền Akaia. Vì sao thế? Có phải vì tôi không yêu mến anh em
chăng? Ðã có Thiên Chúa biết.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 110, 1-2. 3-4. 7-8
Ðáp: Lạy Chúa,
công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính (c. 7a).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại
thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi!
- Ðáp.
2)
Công cuộc của Chúa là sự hùng vĩ oai nghiêm, và đức công minh của Ngài muôn đời
tồn tại. Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thực là Ðấng nhân hậu từ
bi. - Ðáp.
3)
Công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính, mọi giới răn của Người đều
đáng cậy tin. Những giới răn đó được lập ra cho tới muôn ngàn đời, được ban
hành một cách chân thành và đoan chánh. - Ðáp.
Alleluia:
Tv 144, 13bc
Alleluia,
alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi
việc Chúa làm. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 6, 7-15
"Vậy
các ngươi hãy cầu nguyện như thế này".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi cầu nguyện, các con đừng
nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm
như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin.
Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:
"Lạy
Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương
thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng con,
xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
"Vì
nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng
ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta,
thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Kinh
Lạy Cha
Kinh
Lạy Cha là một kinh quan trọng đối với đời sống người Kitô hữu, vì đó là kinh
do chính Chúa Giêsu đặt ra, là kinh được Giáo Hội đọc nhiều hơn cả trong các cử
hành phụng vụ và các cử hành khác, là kinh tóm gọn tất cả những gì phải làm
trong khi cầu nguyện.
Chúng
ta cần cầu nguyện với Chúa Cha để sống và hoạt động tông đồ đắc lực, khi cầu
nguyện như thế, chúng ta cậy nhờ Chúa Giêsu và nhờ chính lời cầu nguyện của
Ngài. Có một điểm Chúa Giêsu căn dặn là trong khi cầu nguyện đừng có thái độ
thuyết phục Thiên Chúa theo ý muốn của mình bằng những lời khéo léo dài dòng
như những người ngoại giáo đối với các thần minh của họ. Chúa Giêsu dạy chúng
ta đừng làm như thế, bởi vì "Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước
khi các con cầu xin". Nói khác đi, khi cầu nguyện, chúng ta chỉ cần đơn sơ
khiêm tốn nhìn nhận mình hèn mọn thiếu thốn, vạch rõ con người của chúng ta trước
mặt Thiên Chúa, rồi vững dạ cậy trông tin tưởng. Thiên Chúa chẳng những sẽ lấp
đầy cái trống rỗng của chúng ta, mà còn dằn lắc, còn ban cho chúng ta nhiều ơn
hơn chúng ta khấn xin.
Kinh
Lạy Cha là kiểu mẫu cho tất cả việc cầu nguyện. Theo thánh Luca, Kinh Lạy Cha
có 5 lời nguyện, trong khi đó ở Phúc Âm Matthêu có 7 lời nguyện: 3 lời cầu đầu
tiên nói về Thiên Chúa, Ðấng mà Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi là Cha: Cha chúng
con ở trên trời, sau đó chúng ta xin cho Danh Thánh Cha được hiển vinh, nước
Cha được lan rộng trên thế gian, nhất là trong tâm hồn con người, và xin cho
thánh ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời. Trong phần hai, có 4 lời
nguyện: xin lương thực hàng ngày, nghĩa là xin cơm bánh nuôi thân xác và của ăn
nuôi hồn, tức là Lời Chúa và Mình Chúa; xin tha thứ các tội xúc phạm đến Thiên
Chúa, nhưng để được tha thứ, chúng ta cũng phải tha thứ lỗi lầm của anh em; xin
ơn kiên trì để lướt thắng cám dỗ hàng ngày, nhất là trong cơn thử thách sau
cùng trước sức tấn công của tà thần muốn đưa chúng ta xa lìa Chúa; xin ơn thoát
khỏi mọi sự dữ để có thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân mọi ngày trong
đời sống chúng ta.
Chúng
ta hãy dốc quyết không bao giờ bỏ đọc Kinh quan trọng và hiệu nghiệm này trong
đời sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn chúng ta.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 11 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: 2 Cor 11:1-11; Mt
6:7-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải đặt cùng đích
của cuộc đời lên trên những lợi lộc vật chất.
Mục
đích chính của cuộc đời chúng ta là cố gắng sống làm sao để mưu cầu ơn cứu độ
cho chính chúng ta và cho mọi người. Vì thế, chúng ta phải dồn mọi thời gian, cố
gắng, và sức lực để đạt được mục đích này. Nhưng thực tế chứng minh chúng ta đã
không làm những điều đó: Có những người dành hết mọi thời gian và sức lực để kiếm
tiền hưởng thụ. Có những người đặt quyền lợi cá nhân lên trên việc mở mang Nước
Chúa. Có những người lợi dụng ngay cả Tin Mừng để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Các
Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những trường hợp cụ thể để suy gẫm xem
chúng ta đã làm gì để đạt mục đích của cuộc đời. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô
muốn chứng tỏ cho các tín hữu Corintô biết ông đã lo lắng mọi cách để chuẩn bị
cho họ sống mối liên hệ với Đức Kitô; chứ không quan tâm đến việc đáp trả lợi lộc
vật chất của họ, như kẻ thù tố cáo. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn các môn đệ đặt
việc làm vinh danh Chúa, làm Nước Chúa trị đến, làm theo thánh ý Chúa, trước
khi lo việc có lương thực hằng ngày và các nhu cầu khác.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô.
1.1/
Phaolô chú trọng đến phần linh hồn của các tín hữu Corintô.
(1)
Phaolô yêu hội thánh Corintô bằng tình yêu chân thành: Mục đích của Phaolô khi
nhiệt thành rao giảng Tin Mừng là mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người.
Nỗi lo âu của ngài là lo lắng làm sao để các tín hữu được kết hiệp mật thiết với
Đức Kitô, và không bị lôi cuốn bởi những cám dỗ của thế gian. Vì yêu Đức Kitô
và yêu các tín hữu, Phaolô muốn liên kết cả hai trong cuộc "kết hôn "
mà Isaiah, Hosea, và tác giả của Sách Diễm Tình Ca đã xử dụng: "Thật thế,
vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một
người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ
thanh khiết."
(2)
Phaolô lo sợ các tín hữu bị đánh lừa bởi những người rao giảng giả hiệu: Phaolô
chắc đã nhìn thấy những dấu hiệu phản bội nơi các tín hữu, nên ngài đã cảnh cáo
các tín hữu: ''Nhưng tôi sợ rằng như xưa con rắn đã dùng mưu chước mà lừa dối
bà Evà thế nào, thì nay trí lòng anh em cũng dần dần đâm ra hư hỏng, mất sự đơn
sơ đối với Đức Kitô như vậy.'' Phaolô nói mỉa mai các tín hữu; nhưng cũng đề
phòng họ phải xác quyết ba điều chân thật: Đức Kitô, Thánh Thần, và Tin Mừng:
''Quả thật, nếu có ai đến rao giảng một Đức Giêsu khác với Đức Giêsu mà chúng
tôi rao giảng, hay nếu anh em lãnh nhận một Thần Khí nào khác với Thần Khí anh
em đã lãnh nhận, hoặc nếu anh em lãnh nhận một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng
anh em đã đón nhận, thì anh em sẵn lòng chịu đựng được ngay!''
1.2/
Lời biện hộ của Phaolô: Phaolô
muốn dùng việc làm để chứng minh những gì ông đã làm cho hội-thánh ở Corintô, để
vạch ra những gian trá của các "tông đồ giả hiệu." Các tín hữu có thể
chứng nhận những gì ông nói.
(1)
Về sự hiểu biết: ''Tôi nghĩ rằng tôi chẳng có thua gì các Tông Đồ siêu đẳng
kia. Giả như tôi có thua kém về khoa ăn nói, thì về sự hiểu biết, tôi chẳng
thua kém đâu! Trong mọi dịp và trước mặt mọi người, chúng tôi đã tỏ cho anh em
thấy điều đó rồi.'' Sự hiểu biết của Phaolô chính là khôn ngoan của Thiên Chúa
mà kiến thức của các tông đồ giả hiệu không thể so sánh được.
(2)
Về sự rao giảng không công: Phaolô rao giảng cho các tín hữu Corintô không vì
lý do tài chánh, nhưng ông đã tự mưu sinh bằng nghề chế lều và sự giúp đỡ của
các hội-thánh khác. Ông nhắc nhở họ: ''Phải chăng tôi có lỗi, vì đã hạ mình xuống
để tôn anh em lên, khi rao giảng không công cho anh em Tin Mừng của Thiên Chúa?
Tôi đã bóc lột các Hội Thánh khác, ăn lương của họ, để phục vụ anh em. Hồi ở giữa
anh em, những khi lâm cảnh túng thiếu, tôi đã chẳng phiền luỵ ai, bởi vì các
anh em từ Macedonia đến đã cung cấp đầy đủ những gì tôi cần. Trong mọi dịp, tôi
đã tránh không trở nên gánh nặng cho anh em, và tôi cũng sẽ còn tránh như vậy.''
(3)
Về sự yêu mến của các hội-thánh khác dành cho ông: Không phải vì bị các hội-thánh
khác từ bỏ mà Phaolô đến ở với hội-thánh Corintô; nhưng vì tình yêu chân thành
Phaolô dành cho họ. Ông muốn họ nhận thức điều này: ''Nhân danh chân lý của Đức
Kitô ở trong tôi, tôi xin nói với anh em rằng: chẳng ai cấm được tôi có niềm
vinh dự đó trong các miền xứ Achaia. Tại sao thế? Có phải vì tôi không yêu mến
anh em chăng? Có Thiên Chúa biết!''
2/
Phúc Âm:
Chúa Giêsu dạy môn đệ cách cầu nguyện.
2.1/
Thái độ phải tránh khi cầu nguyện: Chúa Giêsu dạy các môn đệ một thái độ cần phải
tránh: "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng:
cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh
em cần gì, trước khi anh em cầu xin.''
Chúng
ta đừng lấy những gì con người suy nghĩ và hành động để áp dụng cho Thiên Chúa.
Nhiều người phải lải nhải nhiều lần, vì họ không biết Thiên Chúa có nghe thấy
tiếng họ kêu xin hay không; nhưng Chúa Giêsu dạy: Thiên Chúa là Đấng thông suốt
mọi sự, Ngài biết rõ tất cả nhu cầu của từng người trước khi chúng ta mở miệng
cầu xin.
Như
vậy, có cần phải cầu xin vì Thiên Chúa đã biết? Chúng ta cần phân biệt giữa cầu
xin và cầu nguyện. Chúa Giêsu không ngăn cấm việc cầu xin; ngược lại, Ngài luôn
khuyến khích các môn đệ phải cầu nguyện. Tuy nhiên, việc cầu nguyện không phải
thuần túy chỉ cầu xin, nhưng còn để đào sâu mối liên hệ giữa chúng ta và Thiên
Chúa.
2.2/
Cách cầu nguyện đúng: Kinh
Lạy Cha. Chúng tôi đã phân tích chi tiết Kinh Lạy Cha nhiều lần. Trong bài chia
sẻ này, chúng tôi muốn chú trọng đến thứ tự ưu tiên của các lời cầu.
(1)
Cầu xin cho nhu cầu của Thiên Chúa: Phần đầu của Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu chú
trọng đặc biệt đến "nhu cầu" của Thiên Chúa. Ngài dạy: Anh em hãy cầu
nguyện như thế này: "Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm
cho danh thánh Cha vinh hiển, Nước Cha mau
đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.'' Nếu người
con thực tình yêu thươngCha, người con sẽ chú tâm đến nhu cầu của Cha hơn
nhu cầu của mình. Hơn nữa, những "nhu cầu" của Cha, thực sự
chẳng phải cho Cha, nhưng là cho phần rỗi linh hồn của mọi người
con.
(2)
Cầu xin cho nhu cầu của con người: Chỉ sau khi chú tâm đến nhu cầu của Thiên
Chúa, con người mới chú tâm đến nhu cầu của mình khi cầu xin: "Xin Cha cho
chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.'' Chúa Giêsu chú trọng đến việc xinlương
thực hằng ngày, chứ không xin để có tiền mua lương thực cả đời!
Sau đó, Chúa trở lại với nhu cầu thiêng liêng: "Xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.'' Và lời cầu nguyện
sau cùng cũng hướng về ơn cứu độ: ''Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.''
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Thiên Chúa cho chúng ta sống trong cuộc đời này không phải để kiềm tiền hưởng
thụ; nhưng muốn chúng ta sống làm sao để đạt tới ơn cứu độ cho mình và cho mọi
người. Ngài đã từng nhắc nhở: "Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn,
được ích chi!"
-
Nếu mục đích cuộc đời là ơn cứu độ, chúng ta phải chú trọng và dành mọi thời
gian và nỗ lực cho việc làm vinh danh Chúa, làm cho Nước Chúa trị đến, làm theo
thánh ý Chúa; chứ không dành toàn thời gian và nỗ lực để mưu cầu các lợi lộc vật
chất.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
18/06/15 THỨ NĂM TUẦN
11 TN
Mt 6,7-15
Mt 6,7-15
Suy niệm: Có
thể nói rằng niềm tin vào “Ông Trời” là tín ngưỡng bình dân của người Việt Nam.
Những câu ca dao như: “lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi
cày,..” cho thấy việc tưởng nhớ, thở than với “Ông Trời” không phải là thái độ
xa lạ với tâm hồn người Việt nói chung. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý: việc cầu
nguyện của người Ki-tô hữu rất khác biệt với việc “cầu Trời” trên đây. Chúa
Giê-su dạy ta cầu nguyện với Chúa như người con thân thưa với Cha. Trước hết,
với tấm lòng tin tưởng và yêu mến Cha, chúng ta xin những gì tốt đẹp nhất,
thánh thiện nhất cho Cha, và sau đó, chúng ta xin cho cuộc sống của chúng ta
được am hợp theo điều Cha mong muốn.
Mời Bạn: Như
vậy, chúng ta thấy rõ: cần phải học để biết cầu nguyện theo cách thức Chúa dạy;
làm sao để mỗi người có thể nói: lời kinh của Chúa là lời nguyện của tôi. Cha
mẹ và các giáo lý viên cần quan tâm dạy cho trẻ em biết và yêu mến việc cầu
nguyện. Muốn thế, chính họ phải là những người siêng năng cầu nguyện với lòng
xác tín nơi hiệu quả của lời cầu xin.
Chia sẻ: “Đọc
kinh” là một trong những cách cầu nguyện chung rất phổ biến. Thử xét lại cung
cách đọc kinh của chúng ta: Có điểm nào chúng ta cần chỉnh đốn để việc đọc kinh trở thành một giờ cầu nguyện ấm cúng, tràn đầy
tình Chúa tình người?
Sống Lời Chúa: Gia
đình tôi quyết tâm duy trì giờ kinh tối trong gia đình. Cần có những thích nghi
cần thiết (ví dụ: thay đổi kinh hay giờ đọc kinh) để giờ kinh được sốt sắng,
sống động.
Cầu nguyện: Hát Kinh Lạy Cha.
Lạy Cha chúng con
Kinh Lạy Cha giúp chúng ta trò chuyện với chính
Thiên Chúa là Cha. Chúng ta được mở ra trước thế giới trên trời nơi Cha ngự trị,
nhưng cũng được mở ra trước thế giới dưới đất của con người.
Suy niệm:
Chúng ta không thể lèo lái
hay ép buộc Thiên Chúa
bằng những lải nhải dài dòng
hay bằng những câu thần chú.
Cầu nguyện không phải là
thông báo cho Chúa biết nhu cầu của ta (c. 8).
Cha
Teilhard de Chardin đã viết:
“Chúng
ta phải cầu xin Chúa không phải vì lề luật buộc như thế,
cũng
không phải vì Chúa không biết ta cần gì.
Không,
kinh nguyện là tình yêu, là cách diễn tả tình yêu.”
Thiên
Chúa thích nghe miệng chúng ta nói lên nhu cầu của mình.
Đức
Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, Abba, như Ngài đã gọi.
Abba là
tiếng gọi âu yếm thân thương của đứa con đối với người cha.
Khi gọi
Thiên Chúa là Cha, chúng ta thấy mình hết sợ hãi và xa cách.
Cha
siêu việt và quyền uy, nhưng Cha không áp bức và bắt con làm nô lệ,
Cha cao
sang ở trên trời nhưng Cha lại gần gũi với nhu cầu của con cái.
Ba lời
cầu xin đầu tiên đều hướng về Cha: Danh Cha, Nước Cha, và Ý Cha.
Danh
Cha được vinh hiển khi Nước Cha được thành tựu, Ý Cha được thể hiện.
Nước
Cha đã đến rồi với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu,
nhưng
chúng ta vẫn phải cầu xin cho Nước ấy mau đến cách viên mãn.
Ý Cha
và quyền tối cao của Cha đã được thể hiện trọn vẹn trên trời rồi,
nhưng
còn phải được thể hiện dưới đất nữa, nơi mọi người và nơi từng người.
Ba lời
cầu đầu tiên, là những lời trực tiếp nài xin Cha.
Làm cho
Danh Cha được biết đến, Nước Cha được nhìn nhận,
Ý Cha
được tuân hành : đó là công việc của Cha cho đến tận thế.
Nhưng
việc đó cũng cần sự cộng tác hằng ngày của mỗi Kitô hữu
qua
việc họ sống tận căn những đòi hỏi gai góc của Nước Trời,
để cho
thấy Nước Trời đã đến trên mặt đất.
Bốn lời
cầu xin sau nhắm đến nhu cầu cụ thể của các môn đệ.
Xin
lương thực hàng ngày là điều cần thiết cho họ,
những
người nay đây mai đó, sống nhờ lòng tốt của người nghe.
Xin ơn
tha thứ là điều ta cần mỗi ngày từ Chúa, sau bao sai lỗi,
mà cũng
là điều ta phải trao lại cho anh em.
Xin
Chúa đừng đưa chúng ta vào cơn thử thách quá sức chịu đựng
đến mức
mất đức tin và quỵ ngã.
Nhưng
xin Chúa gìn giữ và giải thoát chúng ta khỏi Ác Thần.
Kinh
Lạy Cha giúp chúng ta trò chuyện với chính Thiên Chúa là Cha.
Chúng
ta được mở ra trước thế giới trên trời nơi Cha ngự trị,
nhưng
cũng được mở ra trước thế giới dưới đất của con người.
Một thế
giới có bao người thiếu bánh ăn, cần được chia sẻ.
Một thế
giới có nhiều xung đột và hận thù, cần sự bao dung thứ tha.
Một thế
giới hỗn loạn với bao điều phải chấn chỉnh cho hợp Ý Chúa.
Một thế
giới không biết mình là anh em, con cùng một Cha.
Kinh
Lạy Cha bao giờ cũng nhắc chúng ta về những điều dang dở…
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin hãy đến.
Xin
đừng mỉm cười mà nói rằng
Chúa đã
ở bên chúng con rồi.
Có cả
triệu người chưa biết Chúa.
Nhưng
biết Chúa thì được cái gì ?
Chúa
đến để làm gì
nếu đời
sống con cái của Chúa
cứ tiếp
tục y như cũ ?
Xin hoán cải chúng con.
Xin lay chuyển chúng con.
Ước gì sứ điệp của Chúa
trở nên máu thịt của chúng
con,
trở nên lẽ sống của cuộc đời
chúng con.
Ước gì sứ điệp đó
lôi chúng con ra khỏi sự an
nhiên tự tại,
và đòi buộc chúng con,
làm chúng con không yên.
Bởi lẽ chỉ như thế,
sứ điệp đó mới mang lại cho
chúng con
bình an sâu xa,
thứ bình an khác hẳn,
đó là
Bình An của Chúa.
(Helder
Câmara)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
18
THÁNG SÁU
Sự
Chọn Lựa Của Ta Và Kế Hoạch Không Dang Dở Của Thiên Chúa
Hãy
nhớ rằng chúng ta không lẻ loi một mình khi cố gắng nhận hiểu hoạt động cứu độ
của Thiên Chúa trong thế giới. Các triết gia lớn, các bậc thầy của các tôn giáo
lớn, và ngay cả những người bình dân thất học cũng vẫn trăn trở với dấu hỏi khó
khăn này. Thậm chí một số người còn cố giải thích hành động của Thiên Chúa bằng
một loại luận cứ nào đó.
Rất
nhiều câu trả lời đã được đề ra. Và không phải tất cả đều có thể được chấp nhận.
Không có câu trả lời nào trong đó đạt mức toàn triệt. Từ những thời xa xưa, một
số người đã nại đến định mệnh mù quáng hay số phận. Cũng có nhiều người coi thường
ý chí tự do của con người khi nhấn mạnh đến sự tiền định. Trong thời đại của
chúng ta, một số người cho rằng họ cần phải phủ nhận Thiên Chúa để khẳng định
con người và sự tự do của con người.
Tất
cả những quan điểm ấy đều cực đoan và phiến diện, nhưng ít nhất chúng giúp
chúng ta nhận ra những sự thật nào bật ra khi chúng ta cố gắng nhận hiểu sự
quan phòng của Thiên Chúa. Làm thế nào có thể hòa hợp hành động toàn năng của
Thiên Chúa và sự tự do của chúng ta? Làm thế nào sự tự do của chúng ta có thể
hòa hợp với những kế hoạch không thể gãy đổ của Thiên Chúa? Tương lai của chúng
ta sẽ thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu hiểu biết và nhìn nhận chân
lý và sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa giữa những sự dữ ngập tràn thế giới
này? Ta nghĩ sao về sự xấu xa của tội lỗi? Ta nghĩ sao về những đau khổ của bao
con người vô tội?
Lịch
sử của chúng ta – với bao thăng trầm của các quốc gia, với những tai họa khủng
khiếp lẫn những hành động cao cả và thánh thiện tuyệt vời – tất cả có nghĩa gì?
Phải chăng có thể xảy ra một đại nạn cuối cùng chôn vùi vĩnh viễn hết mọi sự sống?
Hay phải chăng thật sự có một Đấng Quan Phòng yêu thương mà chúng ta gọi là
Thiên Chúa? Đó là Đấng Thiên Chúa vẫn luôn bao bọc chúng ta bằng thượng trí,
khôn ngoan và lòng trìu mến của Ngài. Đó là Đấng Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta thật
quyết liệt nhưng cũng thật êm ái. Đó là Đấng Thiên Chúa hướng dẫn thế giới, hướng
dẫn cuộc đời chúng ta, và thậm chí hướng dẫn ý chí phản loạn của chúng ta – nếu
chúng ta chấp nhận để cho Ngài hướng dẫn. Đó là Đấng Thiên Chúa hướng dẫn chúng
ta đến sự nghỉ ngơi của “ngày thứ bảy”, sự nghỉ ngơi của công trình tạo dựng
đang tiến gần đến điểm thành toàn của mình.
Đây
là câu trả lời. Lời Chúa đứng chênh vênh giữa hai bờ hy vọng và thất vọng.
Vâng, Lời Chúa trao cho chúng ta những lý do tuyệt vời để hy vọng. Lời Chúa
luôn luôn mới mẻ tinh khôi. Lời Chúa xoáy vào trong tâm trí người ta với sứ điệp
lạ kỳ của nó.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY
18-6
2Cr
11, 1-11; Mt 6, 7-15
LỜI
SUY NIỆM: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lãi nhãi như dân ngoại; họ
nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã
biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.”
Chúa
Giêsu muốn mọi con cái của Người khi cầu nguyện không chỉ là những lời cầu xin
dong dài cho bản thân mình, không chỉ độc thoại một mình. Nhưng còn phải tin có
sự hiện diện của Chúa nữa. Chúa đang nhìn thấy; Chúa đang lắng nghe; và Chúa đã
thấu hiểu những nhu cầu cần thiết của mỗi người một. Nhưng Chúa cũng đang muốn
trò chuyện với chúng ta nữa. Chúng ta cần phải lắng nghe lời Chúa đang nói,
đang nói với từng người một, những lời yêu thương của Người; yêu thương tha thứ
và ban ơn.
Lạy
Chúa Giêsu. Xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết cầu
nguyện bằng cách lắng nghe Lời Chúa, trong những lời kinh mà chúng con đang đọc.
Và luôn tín thác mọi sự trong sự quan phòng của Chúa, mà đón nhận với tâm tình
tạ ơn Chúa.
Mạnh
Phương
18
Tháng Sáu
Tạ ơn Chúa
Thi
sĩ Lamartine của Pháp có kể lại một giai thoại như sau: Một hôm, tình cờ đi qua
một khu rừng, ông nghe một âm thanh kỳ lạ. Cứ sau mỗi tiếng búa gõ vào đá lại
vang lên một tiếng "Cám ơn". Ðến gần nơi phát ra âm thanh, thi sĩ mới
nhận thấy một người thợ đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ vào phiến đá, ông
lại thốt lên "Cám ơn'.
Thi
sĩ Lamartine mới nấn ná đến trò chuuyện, người thợ đập đá giải thích: "Tôi
cảm ơn Chúa". Ngạc nhiên về lòng tin của một con người mà cuộc sống hẳn phải
lầm than lam lũ, thi sĩ mới nói: "Giả như bác được giàu có, thì tôi hiểu tại
sao bác không ngừng thốt lên hai tiếng cám ơn. Ðằng này, Thiên Chúa chỉ nghĩ tới
bác có mỗi một lần duy nhất đó là lúc Ngài tạo nên bác. Sau đó, Ngài ban cho
bác có mỗi cái búa này để rồi không còn ngó ngàng gì đến bác nữa. Thế thì tại
sao bác lại mỏi miệng để cám ơn Ngài?".
Nghe
thế, người đập đá mới hỏi vặn lại thi sĩ: "Ngài cho rằng Chúa chỉ nghĩ đến
tôi có một lần thôi sao". Thi sĩ Lamartine bèn thách thức: "Dĩ nhiên,
Chúa chỉ nghĩ đến bác có mỗi một lần mà thôi".
Người
thợ đá nghèo, nhưng đầy lòng tin, mới mếu máo thốt lên: "Tôi nghĩ rằng điều
đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ngài nghĩ rằng Thiên Chúa đã đoái thương đến
một người thợ đá thấp hèn như tôi, dù chỉ một lần thôi. Vậy không đủ cho tôi
cám ơn Ngài sao? Vâng, cám ơn Chúa, cám ơn Chúa". Nói xong, ông bỏ mặc cho
thi sĩ đứng đó và tiếp tục điệp khúc quen thuộc của ông, vừa đục đá vừa tạ ơn
Chúa.
Thiên
Chúa yêu thương con người. Ðó là bài ca mà chúng ta không chỉ hát lên trong mùa
Giáng Sinh, mà phải được lập lại trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Nhưng
khi chúng ta nói: Thiên Chúa yêu thương con người, điều đó trước hết phải có
nghĩa là Ngài yêu thương tôi. Thiên Chúa không yêu thương con người bằng một
cách chung. Thiên Chúa yêu thương mỗi người bằng một tình yêu cá biệt, riêng rẽ.
Ðiều đó cũng có nghĩa là mỗi người là một chương trình trong trái tim của Thiên
Chúa.
Ðối
với Thiên Chúa, không có đám đông vô danh, cũng không có những con số. Ngài gọi
mỗi người bằng tên gọi riêng... Chúng ta không thể đo lường Tình Yêu của Thiên
Chúa bằng thước đo hẹp hòi, thiển cận của chúng ta. Trong Tình Yêu Quan Phòng của
Ngài, mỗi một con người là một chương trình và mỗi một chương trình đều cao cả.
Thiên Chúa không tạo dựng chúng ta theo một khuôn mẫu, mà theo một chương trình
riêng cho mỗi người. Mỗi một biến cố xảy đến đều được Ngài sử dụng để đem lại
điều thiện hảo cho chúng ta. Nói như thánh Phaolô, Thiên Chúa quy mọi sự về điều
thiện cho những kẻ Ngài yêu thương. Cũng chính vị thánh này nói: "Tất cả nọi
sự đều là ân sủng của Chúa".
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét