24/07/2016
Chúa Nhật tuần 17 thường niên năm C
(phần I)
Bài Ðọc I: St 18, 20-32
"Lạy
Chúa, nếu con nói, xin Chúa đừng nổi giận".
Trích
sách Sáng Thế.
Trong
những ngày ấy, Chúa phán: "Tiếng kêu la của dân Sôđôma và Gômôra đã gia
tăng, và tội lỗi chúng quá nặng nề! Ta sẽ xuống coi việc chúng làm có như tiếng
kêu thấu đến tai Ta hay không, để Ta sẽ biết rõ".
Các vị
ấy bỏ nơi đó, đi về hướng thành Sôđôma. Nhưng Abraham vẫn còn đứng trước mặt
Chúa. Ông tiến lại gần Người và thưa: "Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người
công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong
thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục
người công chính đang ở trong đó sao? Xin Chúa đừng làm như vậy, đừng sát hại
người công chính cùng với kẻ dữ! Xin đừng làm thế! Chúa phán xét thế giới, Chúa
không xét đoán như thế đâu". Chúa phán cùng Abraham rằng: "Nếu Ta tìm
thấy trong thành Sôđôma năm mươi người công chính, Ta sẽ vì họ mà tha thứ cho cả
thành". Abraham thưa lại: "Dù con chỉ là tro bụi, con đã bắt đầu nói,
nên con xin thưa cùng Chúa. Nếu trong số năm mươi người công chính đó còn thiếu
năm người thì sao? Vì bốn mươi lăm người công chính, Chúa có tàn phá cả thành
không?" Chúa phán: "Nếu Ta tìm thấy bốn mươi lăm người công chính, Ta
sẽ không phá huỷ cả thành". Abraham lại thưa cùng Chúa rằng: "Nhưng nếu
có bốn mươi người thì Chúa sẽ làm gì?" Chúa phán: "Ta sẽ vì bốn mươi
người đó mà không trừng phạt cả thành". Abraham thưa: "Lạy Chúa, nếu
con lên tiếng, xin Chúa đừng nổi giận. Nếu ở đây tìm được ba mươi người công
chính thì sao?" Chúa phán: "Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ
không phạt". Abraham nói: "Vì con đã trót nói thì con sẽ thưa cùng
Chúa: Nếu trong thành tìm được hai mươi người công chính thì sao?" Chúa
phán: "Vì hai mươi người đó Ta sẽ không tàn sát". Abraham thưa:
"Lạy Chúa, xin đừng nổi giận, con chỉ xin thưa lần này nữa thôi: Nếu tìm
được mười người công chính ở đó thì sao?" Chúa phán: "Vì mười người
đó, Ta sẽ không tàn phá".
Ðó là
lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 6-7ab.
7c-8
Ðáp: Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa
đã nhậm lời con (c. 3a).
Xướng:
1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin:
trước mặt các Thiên Thần, con đàn ca mừng Chúa; con sấp mình thờ lạy bên thánh
điện Ngài. - Ðáp.
2) Và
con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con
kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con; Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. -
Ðáp.
3) Quả
thật Chúa cao cả và thương nhìn kẻ khiêm cung; còn người kiêu ngạo thì Ngài ngó
tự đàng xa. Nếu con đi giữa cảnh gian truân, Chúa giữ gìn con sống; Chúa ra tay
phản đối quân thù giận dữ. - Ðáp.
4) Tay
hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi
sự. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời; xin đừng bỏ rơi công cuộc
tay Ngài. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Cl 2, 12-14
"Người
đã khiến anh em chung sống với Người và tha thứ mọi tội lỗi".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôssê.
Anh em
thân mến, nhờ phép rửa tội, anh em đã được mai táng làm một với Ðức Kitô, anh
em cũng được sống lại với Người, bởi đã tin vào quyền năng Thiên Chúa, Ðấng đã
cho Người từ cõi chết sống lại.
Anh em
vốn đã chết vì tội lỗi anh em và bởi không cắt bì tính xác thịt của anh em,
nhưng Thiên Chúa đã cho anh em được chung sống với Người, Người đã ân xá mọi tội
lỗi chúng ta, đã huỷ bỏ bản văn tự bất lợi cho chúng ta, vì làm cho chúng ta bị
kết án; Người đã huỷ bỏ bản văn tự đó bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.
Ðó là
lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia,
alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời,
và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 11, 1-13
"Các
ngươi hãy xin thì sẽ được".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày
kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn
đệ thưa Người rằng: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy
môn đệ ông". Người nói với các ông:
"Khi
các con cầu nguyện, hãy nói: 'Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị
đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con,
như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước
cám dỗ'".
Và Người
còn bảo các ông rằng: "Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến
nói với người ấy rằng: 'Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn
đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy'. Và từ trong nhà
có tiếng người ấy đáp: 'Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và
tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được'. Thầy
bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người
đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những
gì anh ta cần.
"Và
Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ
mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.
"Người
cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin
cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ
cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của
tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người".
Ðó là
lời Chúa.
Suy Niệm: Cầu nguyện không ngừng
Rõ
ràng Lời Chúa hôm nay muốn dạy chúng ta về việc cầu nguyện. Bài sách Khởi
nguyên cho chúng ta thấy gương cầu nguyện nơi Abraham. Thánh Luca trong bài Tin
Mừng ghi lại giáo huấn của Chúa về sự cầu nguyện. Còn bài thư Phaolô khẳng định
Thiên Chúa đã chấp nhận chúng ta nên chúng ta không còn lý do gì để ái ngại khi
cầu nguyện. Chúng ta hãy suy nghĩ những bài Kinh Thánh hôm nay để đổi mới việc
cầu nguyện của chúng ta.
1. Abraham Cầu Nguyện
Chúng
ta hẳn còn nhớ chuyện Abraham tiếp khách. Ông đã tỏ ra quảng đại khiêm cung lạ
thường. Ông mời khách vào nhà, nhào bột làm bánh, bắt dê làm thịt và đứng hầu hạ
khách. Xong rồi ông lại tiếp khách lên đường. Chính đang lúc khách đi về phía
Sôđôma đã xảy ra câu chuyện hôm nay.
Khách
đây là chính Chúa. Người nói cho Abraham biết: có tiếng cáo tội Sôđôma vang đến
tai Người. Người muốn đến tận nơi xem có đúng như vậy không?
Sự thật
thì Chúa đâu cần phải đi quan sát như vậy? Có gì che dấu được mắt Người, ngay cả
những uẩn khúc đen tối nhất của lòng người mà ca dao tục ngữ các dân tộc vẫn bảo
là không thể dò thấu? Ðối với Chúa, chẳng có gì che dấu được. Nhưng sở dĩ tác
giả sách Khởi nguyên viết rằng: Chúa muốn đến tận Sôđôma để biết sự thật thế
nào là để mạc khải sự thật đó cho Abraham, và nhất là để gợi lên ý tưởng Chúa
còn để thời gian cho Abraham có thể thỉnh cầu Người cho dân thành tội lỗi.
Abraham
hiểu như vậy. Hơn nữa tác giả sách Khởi nguyên vừa nhắc (18,18) ơn gọi phổ cập
của ông. Chúa đã chọn ông để mọi dân tộc được chúc phúc. Thế nên hạnh phúc của
Sôđôma, bề ngoài như không dính dáng gì tới ông, nhưng thật sự cũng đang tùy ở
ông.
Abraham
đã đóng vai trò là cha muôn dân của mình. Ông mạnh dạn thưa với Chúa: "Phải
chăng Người sẽ tiêu diệt kẻ lành làm một với người dữ?". Ông muốn nại đến
công bình và công lý sao? Không, ông đã đi xa hơn nữa. Vì nếu chỉ muốn nói đến
công lý và công bình thì ông sẽ xin Chúa đưa người lành ra khỏi thành trước khi
giáng phạt Sôđôma. Công việc tất nhiên Chúa sẽ làm. Không ai phải nhắc Người điều
ấy. Và Abraham cũng chẳng có giá trị gì khi xin một ơn như thế. Nhưng sự thật
ông đã không muốn nói đến công lý và công bình. Ông đã đi xa hơn để đóng đúng
vai trò trở thành nguồn hạnh phúc cứu độ của muôn dân. Ông thỉnh cầu cho chính
dân thành tội lỗi, cho chính những kẻ lẽ ra sẽ bị phạt... Ông muốn xin Chúa, vì
sự hiện diện của những người lành, tha thứ cho kẻ tội lỗi.
Lời cầu
xin của Abraham vì thế là lời cầu bầu. Ông là vị trung gian bầu chữa cho kẻ có
tội. Những người này chẳng thuộc gia đình dòng dõi ông, thành ra Abraham ở đây
là người của mọi người và của mọi dân tộc. Ông đang đóng vai trò tổ phụ muôn
dân. Ông đang thực hiện Lời Chúa hứa làm cho ông trở nên nơi chúc phúc cho các
dân tộc.
Chúng
ta không thể nào không mến phục ông khi thấy ông vừa kính trọng công lý của
Chúa nhưng đồng thời vừa tha thiết với sự rỗi của mọi người. Mỗi khi ông xin
Chúa giảm con số những người công chính từ 50 xuống 45, 40, 30 rồi 20, chúng ta
thấy rõ hai tâm tình ấy. Kiểu cách ông xin cũng tỏ ra rất tế nhị và không thiếu
những ám chỉ thần học. Lúc thì ông thú nhận mình chỉ là tro bụi trước mặt Chúa,
lúc thì ông lại xin Chúa nghĩ xem nếu để kẻ lành bị phạt lây với một kẻ dữ há
chẳng bất công hơn là tha thứ cho một số đông người có tội, vì sự hiện diện của
những người lành kia sao? Có lẽ điểm thần học đáng lưu ý nhất trong câu chuyện
này là sự có mặt của người công chính ở giữa tội nhân có thể là một sự che chở
cho những người này. Nói đúng hơn, xã hội loài người nhiều khi còn được hưởng sự
khoan dung của Chúa, là vì trong xã hội ấy còn có một số ít người công chính.
Và điều
này là một khích lệ đối với chúng ta, những người có niềm tin. Chúng ta giúp
ích cho xã hội trước hết bằng nỗ lực sống thánh thiện. Nếu nơi nào có một số những
con người cố gắng nên thánh, Chúa còn có thể khoan dung đối với xã hội nơi ấy,
cho dù ở đó có nhiều kẻ tội lỗi muốn lôi kéo sự trừng phạt của Chúa công minh.
Nhất là khi những nơi ấy lại có những con người nguyện giúp cầu thay cho kẻ tội
lỗi, tiếp nối thái độ cầu bầu của Abraham trong câu chuyện này.
Và đây
cũng là lý do vì sao trong tôn giáo chúng ta luôn luôn có việc thúc đẩy nhau cầu
nguyện cho mọi hạng người, kể cả những người xa lạ với chúng ta.
Chỉ có
điều tiếc trong câu chuyện này là Abraham đã không dám tiếp tục nài xin Chúa
thương tha cho dân thành tội lỗi, nếu không tìm được 10 người công chính. Ông
đã dừng lại nơi con số này vì ông tưởng đó là con số tối thiểu có thể sánh bằng
được với con số đông đảo những kẻ tội lỗi. Ông chưa hiểu hết lòng Chúa. Người sẽ
phán trong sách Giêrêmia rằng: nếu tìm được ở Giêrusalem một người mà thôi biết
giữ công lý, Người cũng sẽ tha tội cho cả thành (5,1). Và trong sách Êzêkien,
Người cũng nói: nếu tìm được người nào đứng trước nhan Người để bầu chữa cho xứ
sở, Người cũng sẽ ngưng trút thịnh nộ xuống (22,30). Những lời khẳng định ấy phải
làm chúng ta phấn khởi hơn nữa trong nỗ lực nên thánh và cầu nguyện cho xã hội...
Nhưng
cũng chính những lời này có lẽ lại biện minh cho thái độ của Abraham. Có thể
tìm được một người công chính trong thành Sôđôma không? Vẫn biết Chúa sẽ cứu
ông Lot với gia đình ông, nhưng có thể vì Abraham hơn là vì Lot là "người
công chính". Không chỗ nào trong Kinh Thánh, Lot được tuyên dương như vậy.
Bởi vì nói cho cùng mọi xác phàm đều là tội lỗi. Người công chính duy nhất có
thể cứu được loài người tội lỗi và có khả năng giúp cầu thay cho mọi người, là
người tôi tớ Thiên Chúa trong sách của Isaia (53,5-10). Nhưng đó là nhân vật mầu
nhiệm, chưa rõ rệt trong sách Cựu Ước. Phải đợi đến khi Ðức Giêsu Kitô chịu chết
trên thập giá và cầu xin Thiên Chúa "tha tội cho chúng vì chúng lầm chẳng
biết", bấy giờ nhân loại mới có người công chính thật và người cầu bầu có
thế lực. Lúc ấy câu chuyện Abraham hôm nay mới được hoàn toàn; và chúng ta mới
thấy hết ý nghĩa của nó.
Dù sao
câu chuyện này cũng rất sống động và ý nghĩa. Nó khiến chúng ta thêm lòng cảm mến
vị tổ phụ và kính yêu Thiên Chúa nhân lành nhiều hơn. Nó thúc đẩy chúng ta cố gắng
nên thánh hơn nữa cho xã hội và cầu nguyện nhiều hơn cho mọi người nhất là cho
kẻ tội lỗi. Lời cầu nguyện của chúng ta có cơ may hiệu nghiệm nhiều hơn lời cầu
xin của Abraham, nếu chúng ta được phép so sánh như vậy, bởi vì chúng ta đã được
chính Ðức Giêsu Kitô dạy cho biết phải cầu nguyện thê� nào,
như trong bài Tin Mừng chúng ta đã nghe đọc.
2. Chúng Ta Phải Cầu Nguyện
Tác giả
Luca không cho chúng ta biết rõ lần ấy là lần nào và đã xảy ra ở đâu. Nhưng những
lời đầu tiên Người đã viết ra rất là ý nghĩa. Người nói hôm ấy Ðức Giêsu vừa cầu
nguyện xong không những Người muốn nhắc nhở chúng ta nhớ rằng: Ðức Giêsu là con
người cầu nguyện. Ngài hay đi cầu nguyện nơi vắng vẻ; Ngài thường cầu nguyện lúc
đêm khuya; Ngài cầu nguyện thiết tha đặc biệt trước khi làm những công việc ý
nghĩa trọng đại và trong những trường hợp hơi khác thường. Nhưng tác giả Luca
còn muốn làm chứng rằng: luôn luôn Ðức Giêsu làm và dạy. Ngài làm trước và dạy
sau. Ngài cầu nguyện và dạy chúng ta cầu nguyện.
Ở đây,
Luca nói rằng các môn đệ đến xin Ngài dạy họ cầu nguyện như Gioan đã dạy các
môn đệ của ông. Vì sao họ phải nại đến Gioan? Cách Chúa cầu nguyện không đủ lôi
kéo họ muốn cầu nguyện sao? Có lẽ không phải như vậy. Ðúng hơn khi thêm chi tiết,
Gioan đã dạy môn đồ ông cầu nguyện, Luca có ý làm chứng rằng câu chuyện các môn
đệ xin Chúa dạy họ cầu nguyện là có thật vì có chi tiết lịch sử kia làm chứng
và kinh Chúa dạy hôm nay có một nguồn gốc chắc chắn; nhưng đồng thời Luca cũng
muốn ám chỉ rằng cầu nguyện là một yếu tố không thể thiếu trong bất cứ tôn giáo
và phong trào đạo đức nào. Ðến như nhóm Gioan còn có cách cầu nguyện riêng, huống
nữa là chúng ta, các môn đệ của Ðức Giêsu.
Vậy
khi cầu nguyện, chúng ta hãy nói: Lạy Cha...
Tác giả
Luca bỏ chữ "chúng con" hay chúng tôi trong bản văn của Matthêu. Cũng
như Người không viết thêm: "Cha chúng con ở trên trời". Dường như Người
muốn để câu kinh được trực tiếp và gần gũi; Người muốn nó như thật là lời nguyện
thoát ra từ môi miệng Ðức Giêsu... Bản văn của Matthêu có màu sắc Do Thái hơn
vì nói đến Thiên Chúa là Ðấng ngự trên trời và là Cha của mọi loài. Bản văn của
Luca đưa chúng ta vào đạo nhập thể nhiều hơn vì Con Chúa Trời sinh ra làm người,
Ngài vẫn đang ở giữa chúng ta và dạy chúng ta cầu nguyện như Ngài vẫn cầu nguyện.
Rồi
chúng ta cũng thấy Luca bỏ câu "xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như
trên trời". Theo ý người tư tưởng này đã được bao hàm trong hai lời xin
cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến. Việc rút gọn này khiến chúng ta phải để
ý đến tính cách tổng hợp đầy đủ của phần đầu kinh Lạy Cha, chứ không phân tách
và trải rộng ra quá nhiều khía cạnh khiến làm mất sức mạnh và sự chú ý của sự cầu
nguyện. Theo ý Luca, đối tượng cầu nguyện của chúng ta là sự hiển thánh của
Danh Thiên Chúa, thể hiện trong việc Nước Cha trị đến (và Ý Cha thể hiện dưới đất
cũng như trên trời). Tức là chúng ta phải cầu xin cho Nước Chúa lan rộng, cho
Danh Người được thể hiện. Tất cả những điều đó chỉ là một, diễn tả theo ba lối
khác nhau.
Và như
vậy khi cầu nguyện chúng ta phải lập tức đặt mình vào quan điểm của lịch sử cứu
độ. Và cầu nguyện là kết hợp ngay với Thiên Chúa đang muốn cứu độ loài người
thêm nữa. Cầu nguyện là tiến bộ, và tiến bộ trong phạm vi đạo đức, là muốn lịch
sử tiến lên, lịch sử Thiên Chúa cứu độ loài người.
Không
có một chút quan điểm cá nhân ích kỷ nào trong lời cầu nguyện như thế. Phải có
tinh thần cứu thế mới xứng đáng đọc lời cầu nguyện này. Và tinh thần cứu thế ấy
bao trùm tất cả hạnh phúc loài người, cả phần hồn và phần xác. Nó là nguyện ước
và khát vọng đạo đức vì quan niệm hạnh phúc kia nằm trong tình yêu của Chúa và
đang ở trong tay Người.
Ước gì
khi cầu nguyện và khi đọc câu đầu của kinh Lạy Cha, không những chúng ta có
lòng sốt sắng kính mến Chúa, nhưng cũng phải chan chứa tinh thần yêu thương
loài người, tha thiết cho nhân loại được hạnh phúc trong ơn nghĩa của Chúa. Một
lời cầu xin như thế vừa cao cả lại vừa phổ quát hơn lời cầu nguyện của Abraham
hôm nay, vì trong khi vị tổ phụ chỉ quan tâm đến xã hội hiện tại của một thành
Sôđôma, chúng ta mỗi khi đọc kinh Lạy Cha lại trực tiếp muốn đưa lịch sử của tất
cả loài người đến chỗ tốt đẹp hơn.
Như vậy
phần sau của kinh Lạy Cha này có vẻ không còn đẹp nữa sao? Chúng ta xin cho được
lương thực hằng ngày, được ơn tha tội, được thoát cơn thử thách. Thật ra đây là
những lời xin cụ thể và cần thiết để áp dụng lời cầu nguyện trên và làm cho lời
cầu xin này không phải chỉ là ước nguyện suông. Ở trên chúng ta đã cầu nguyện để
lịch sử cứu độ tiến lên, thì giờ đây chúng ta phải muốn điều ấy thực hiện trong
đời sống cụ thể của mọi người. Và ở đây chúng ta thấy bản văn của Luca có nhiều
nét khác bản văn của Mátthêu.
Luca
không xin cho "hôm nay" có của ăn nuôi sống mình, nhưng nguyện rằng mỗi
ngày trong đời sống được Chúa nuôi dưỡng. Người ta có thể tự hỏi cả hai tác giả
muốn nói đến thức ăn phần xác hay lương thực phần hồn tức là Lời Chúa và Thánh
Thể? Nhưng tại sao chúng ta lại không nghĩ đến cả hai, bởi vì con người hằng
ngày vẫn cần cả hai thứ lương thực hồn xác để được đầy đủ. Tuy nhiên điều đáng
chú trọng hơn nữa trong lời xin này chính là thái độ và tư cách đạo đức. Xin
cho hằng ngày dùng đủ là gì nếu chẳng phải là ước nguyện không rơi vào những
thái cực hoặc giàu có hoặc nghèo nàn vì cả hai theo truyền thống của Kinh Thánh
đều không tốt. Ðàng khác thái độ hằng ngày phải cầu xin cho được dùng đủ là tư
cách đạo đức của những thành phần mà Kinh Thánh gọi là "những nghèo khó của
Thiên Chúa", tức là những người được Ngài quan tâm ưu ái nhất. Và như vậy,
đây là lời xin để cho mình luôn được kể trong hàng ngũ những người được Chúa chọn
và dưỡng nuôi, những kẻ khó nghèo được rao giảng Tin Mừng và sống hoàn toàn cậy
dựa vào tình thương của Chúa.
Thế mà
điều cản trở người ta ở trong dân Người chính là tội lỗi. Cũng như điều kiện để
Danh Cha hiển thánh là Nước Cha trị đến. Do đó người ta phải lập tức xin ơn tha
thứ tội lỗi. Và ở đây Luca cũng muốn trải rộng lời xin này ra khắp cả đời sống
bởi vì khác với Mátthêu nói đến những lời "đã" xúc phạm đến chúng ta,
Luca viết chúng ta tha cho mọi kẻ có nợ với mình để tỏ ra mình đang khao khát
ơn được tha thứ.
Luca
cũng không nhắc đến việc xin cho khỏi quỷ dữ mà chỉ kết thúc kinh Lạy Cha bằng
câu xin cho khỏi sa cơn thử thách; vì Người đã hiểu rằng mọi thử thách có hại
cho người đạo đức đều đến bởi Satan, nên câu của Người có tính cách tổng hợp.
Nó cũng có tính cách phổ cập vì cơn thử thách mà Người nói ở đây là bất cứ thử
thách nào có hại cho Nước Trời, chứ không tất nhiên chỉ là những thử thách lớn
lao thời thế mạt thường được nhắc đến trong tác phẩm của Mátthêu.
Chúng
ta có thể kết luận, bản kinh "Lạy Cha" trong cái nhìn của Luca, là lời
cầu nguyện cho Nưới Cha được trị đến, khởi sự từ chính nơi mỗi người, đem kết
quả là ân sủng và đặc biệt là ơn tha thứ đến cho mỗi người và xa tránh hết mọi
thử thách có hại cho ơn cứu độ. Lời cầu nguyện như vậy rõ ràng vừa phổ quát
nhưng đồng thời lại có ý nghĩa dấn thân, xin cho ơn cứu độ phổ quát đến với mọi
người, biến mọi người nên thành phần dân Chúa luôn được hưởng ân huệ và sự bảo
hộ của Người.
Ý
nghĩa của lời kinh này được hai ví dụ sau xác định: dĩ nhiên câu chuyện người bạn
xin bánh và người con xin cá trực tiếp muốn nói lên lời khuyên phải cầu nguyện
kiên trì và tin tưởng. Nhưng câu kết luận của hai câu chuyện ấy và của bài Tin
Mừng hôm nay rõ ràng khẳng định là lời cầu nguyện của chúng ta phải nằm trong
viễn tượng Nước Trời. Tác giả Luca viết: Cha các ngươi sẽ ban Thánh Thần cho những
ai xin Người. Ðiều này dường như muốn đáp lại một lời khác của Chúa, là
"các ngươi hãy tìm Nước Thiên Chúa trước và mọi sự khác sẽ được thêm
cho".
Chúng
ta có đủ lý do để kiểm điểm lại việc cầu nguyện của mình. Và ước gì bài Tin Mừng
hôm nay giúp chúng ta đổi mới được việc cầu nguyện! Nhất nữa theo thư Phaolô
hôm nay, chúng ta còn có tư thế hơn Abraham ngày trước nếu chúng ta có thể nói
được như vậy.
3. Tư Thế Của Chúng Ta
Vị tổ
phục không dám nài xin Thiên Chúa cho đến cùng để dân thành Sôđôma khỏi bị phạt,
là vì một đàng Người còn sợ đức công minh của Chúa, và đàng khác Người không chắc
chắn chúng ta ngày nay có một tư thế khác. Thánh Phaolô khuyên ta suy nghĩ về
ơn gọi của mình. Há phép Rửa đã không biến đổi chúng ta nên những người con mới
sao? Chúng ta đã cùng được mai táng với Ðức Kitô và đã cùng được sống lại với
Người. Phép Rửa đã làm cho chúng ta công việc ấy. Và như vậy chúng ta đã chết
cho tội lỗi và đã hồi sinh trong Ðức Kitô. Ân sủng do mầu nhiệm thánh giá của
Người đã ân xá cho ta mọi điều sa ngã, đã thủ tiêu văn khế tội nợ của ta. Chúng
ta đã được trở nên công chính và trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa. Ðiều cần
duy nhất là chúng ta phải ở lại luôn mãi trong tư thế ấy để luôn luôn nhận được
lòng thương xót của Chúa. Nhưng giả như chúng ta không chắc chắn về ân sủng nơi
mình chúng ta vẫn phải tin tưởng chắc chắn vào ân sủng nơi thánh giá Ðức Kitô.
Người đã trở nên của lễ đền tội đời đời cho nhân loại, để Hội Thánh không ngừng
có thể được ơn tha thứ tội lỗi. Như thư Hipri viết: Chúng ta đã có Ðấng cầu bầu
đảm bảo ở trước mặt Thiên Chúa... Thế nên chúng ta hãy dạn dĩ tiến gần đến ngai
ân sủng...
Chúng
ta hãy dạn dĩ cầu nguyện, và cầu nguyện không ngừng. Hãy cầu nguyện cho mình và
cho xã hội. Hãy cầu nguyện như Chúa đã dạy trong kinh Lạy Cha và hãy cầu nguyện
tin tưởng như thư Phaolô khuyên bảo. Chúng ta có tư thế mà trước đây Abraham
không có. Không những chúng ta có Ðấng cầu bầu bảo đảm là Ðức Giêsu Kitô. Chính
chúng ta cũng có khả năng để được Chúa nghe lời vì chúng ta đã trở nên nghĩa tử
của Người và được cầu nguyện bằng chính lời của Con yêu dấu Người... Giờ đây
tham dự thánh lễ chúng ta lại được đổi mới tâm hồn và được đồng hóa với Ðức
Giêsu Kitô nhiều hơn. Ðể làm gì nếu không phải một phần nào để trở nên tư tế của
các dân tộc, luôn luôn cầu nguyện cho thế giới được ơn cứu độ? Chúng ta hãy suy
nghĩ về nhiệm vụ cầu nguyện của mình để không ngừng đổi mới công việc ấy nhờ
giáo huấn của Lời Chúa hôm nay.
(Trích dẫn từ tập sách Giải
Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô
Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 17 Thường Niên, Năm C
Bài đọc: Gen 18:20-32; Col 2:12-14; Lk 11:1-13.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cầu nguyện
Có
nhiều định nghĩa khác nhau về cầu nguyện. Có người định nghĩa đơn giản là nâng
tâm hồn lên cùng Thiên Chúa. Người khác cho cầu nguyện là thương lượng với
Thiên Chúa. Người khác nữa cho cầu nguyện là nói chuyện với Thiên Chúa như hai
người bạn nói chuyện với nhau. Và cũng có những người cho cầu nguyện là cầu xin
những gì mình đang túng thiếu và cần Thiên Chúa ban ơn. Tất cả những định nghĩa
trên đây nói lên một khía cạnh của cầu nguyện, tổng hợp tất cả cho chúng ta cái
nhìn toàn bộ về việc cầu nguyện.
Các
bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy những khía cạnh khác nhau của việc cầu nguyện.
Trong bài đọc I, tổ phụ Abraham xót thương dân thành Sodom, nên ông can đảm và
mạnh bạo đến thương lượng cùng Thiên Chúa để Ngài bỏ ý định luận phạt dân thành
đó. Tuy không nhận được sự ân xá cho thành, nhưng ông chứng tỏ cho chúng ta thấy
chúng ta có thể thương lượng với Thiên Chúa, và những việc lành của một số người
có sức mạnh để Thiên Chúa tha thứ cho toàn thể dân cư trong thành. Trong bài đọc
II, lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người được biểu tỏ qua việc
Thiên Chúa ban cho con người Đức Kitô. Ngài đến để xóa sạch sổ nợ cho con người
bằng cái chết trên Thập Giá và mang nguồn hy vọng cho con người được sống đời đời
với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Thiên Chúa dạy cho các môn đệ biết cách cầu nguyện
cách xứng hợp qua Kinh Lạy Cha, và hai thái độ cần có trong khi cầu nguyện là
tin tưởng và kiên trì.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Abraham cầu xin cho
dân thành Sodom.
1.1/
Trách nhiệm hỗ tương giữa người và người trong điều thiện cũng như trong tội lỗi:
Đây
là một trong những trình thuật viết bởi truyền thống J: gọi Thiên Chúa là
Jahveh và mô tả sự thân mật giữa Thiên Chúa và con người. Tuy là Thiên Chúa,
nhưng vì tình bạn đối với Abraham, Ngài muốn tỏ cho Abraham biết những gì Ngài
sắp làm.
Hai đặc
tính quan trọng của Thiên Chúa là công bằng và nhân từ. Nhiều người, trong đó
có tác giả của Sách Sáng Thế Ký và Abraham, thắc mắc: đặc tính nào Thiên Chúa sẽ
dùng để xét xử và luận phạt con người? Ông Abraham muốn xin Thiên Chúa thương
xót và tha thứ cho dân thành Sodom, nên ông tiến lại gần lại gần Ngài và thưa:
"Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong
thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ
Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? ... Giết
chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không
được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?"
Qua lời
van xin của Abraham, tác giả của Sách muốn nhấn mạnh tội lỗi và sự thánh thiện
không chỉ có tính cá nhân, mà còn mang tính cộng đồng: một người làm lành mọi
người đều hưởng; một người làm ác mọi người đều phải chịu lây. Thiên Chúa cũng
đồng ý như vậy khi Ngài chấp nhận lời khẩn cầu đầu tiên của Abraham.
1.2/
Thiên Chúa công bằng và nhân từ trong việc luận phạt.
Abraham
muốn khêu gợi lòng nhân từ của Thiên Chúa, vì sự thiện của một nhóm người, để
xin Thiên Chúa ân xá cho dân thành Sodom, trong đó có cháu của ông là Lot và
gia đình của ông này. Abraham thương lượng với Thiên Chúa: bắt đầu từ 50 và giảm
dần cho tới 10, nhưng ông không thể giảm tới con số nhỏ hơn 10. Vì thế, Sodom
đã bị tiêu diệt bởi lửa diêm sinh từ trời, chỉ có ông Lot và gia đình của ông
thoát nạn.
Đâu
là tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để phán xét và luận phạt con người? Mặc dù không
tìm được câu trả lời rõ ràng; nhưng tác giả cho thấy cách phán xét của Thiên
Chúa: không quá khắt khe đến độ không thể cầu nguyện hay thương lượng cho được
và cũng không quá dễ dàng đến độ hễ cầu xin là được nhận lời.
2/ Bài
đọc II: Đức Kitô là người bầu
chủ cho chúng ta trước Thiên Chúa.
2.1/ Bí
tích Rửa Tội hoàn hảo hơn phép cắt bì.
Nhiều
người Do-thái tin tưởng phép cắt bì là dấu họ thuộc về Thiên Chúa, là dân riêng
của Ngài. Tuy nhiên, nhiều ngôn sứ đã đả phá quan niệm này và chứng minh việc cắt
bì xác thịt không đủ để Thiên Chúa bảo vệ. Họ phải cắt bì cả đôi tai để lắng
nghe lời Thiên Chúa, và cắt bì cả lòng trí để vâng phục và làm theo ý của Ngài.
Thánh
Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Colossê sự quan trọng của bí tích Rửa Tội: “Trước
kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không
được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Kitô: Thiên
Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.”
Thần học
của thánh Phaolô về bí tích Rửa Tội giải thích: khi một tín hữu bị dìm mình
trong nước Rửa Tội, mọi tội lỗi của người đó bị cuốn trôi đi vì cái chết và mai
táng của Đức Kitô; để khi trồi lên khỏi nước, họ là một con người mới trong Đức
Kitô. Họ cùng được trỗi dậy và cùng sống với Ngài. Sự sống của người tín hữu từ
nay gắn liền với sự sống của Đức Kitô, đến nỗi họ có thể thốt lên như thánh
Phaolô: “Từ nay tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong
tôi.” Qua cái chết của Đức Kitô, Thiên Chúa đã xóa bỏ mọi tội lỗi cho con người,
và nhờ đó, con người được hòa giải với Thiên Chúa.
2.2/ Người
đã huỷ bỏ sổ nợ của chúng ta đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.
Sổ nợ
(cheirógraphon) là chữ chỉ được dùng một lần ở đây trong toàn Tân Ước.
Danh từ này có nghĩa là những gì viết bằng tay trên giấy trắng mực đen. Trong
thương mại, nó có nghĩa là những gì một người có bổn phận phải trả cho chủ nợ.
Trong Lề Luật, nó có nghĩa là những tội lỗi của một người.
Con
người đã nợ Thiên Chúa rất nhiều về mọi phương diện. Ở đây, thánh Phaolô có lẽ
muốn nhấn mạnh đến sổ nợ của con người theo Lề Luật. Mỗi lần con người không
thi hành Luật, con người phạm một tội, hậu quả của tội nặng và cố tình là sự chết.
Cái chết là hình phạt của sự không vâng phục (Gen 2:17; Deut 30:19). Nếu xét
như thế, mỗi người đã phải chết bao nhiêu lần rồi!
Trong
Thư Rôma, thánh Phaolô giải thích rõ ràng hơn làm thế nào Đức Kitô giải thoát
con người khỏi Lề Luật, tội lỗi, và sự chết (Rom 6-8). Trong Ephesians 2:15,
Phaolô cũng cắt nghĩa lý do của sổ nợ là những Lề Luật. Tất cả sổ nợ của con
người bị hủy diệt đi, khi Đức Kitô đại diện cho toàn thể nhân loại, gánh mọi
hình phạt của tội trên Ngài, khi Ngài tình nguyện đóng đinh vào Thập Giá.
3/
Phúc Âm: Chúa Giêsu dạy các
môn đệ cách cầu nguyện và thái độ phải có.
3.1/ Lời
cầu nguyện lý tưởng nhất: Con
người không biết cách cầu nguyện làm sao cho đúng, vì điều cần cầu xin nhất lại
không cầu xin, mà chỉ chú tâm đến điều phụ thuộc; hay cầu xin những gì không có
lợi cho mình trong tương lai, chẳng hạn xin giầu có hay chức tước, để rồi dần dần
lún sâu trong tội và sống xa Chúa.
Khi
các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cho biết cách cầu nguyện, Ngài dạy cho các ông
Kinh Lạy Cha. Kinh này được Giáo Hội coi là kinh quan trọng nhất, vì nó phát xuất
từ Đức Kitô, Đấng duy nhất biết và thi hành trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa.
Có
hai sự khác biệt giữa kinh Lạy Cha của Luke và Matthew: Thứ nhất, trình thuật của
Luke thiếu câu “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Thứ hai, trình thuật
của Luke cũng thiếu câu “xin cứu chữa chúng con khỏi sự dữ.”
Cả
hai trình thuật đều đặt sự quan trọng của việc cầu xin cho Danh Chúa được cả
sáng và Nước Chúa được trị đến, trước khi hướng tới những nhu cầu căn bản của
con người. Lương thực hằng ngày, sự tha thứ, và sức mạnh để vượt qua mọi cơn
cám dỗ là ba điều quan trọng trong đời sống thường nhật của một Kitô hữu.
3.2/
Thái độ phải có khi cầu nguyện
(1)
Kiên trì: Ví dụ Chúa Giêsu đưa ra có mục đích đòi hỏi con người phải có thái độ
kiên khi cầu nguyện. Truyền thống Do-thái rất hiếu khách, nhất là những khách từ
xa tới. Người kêu xin bị đặt trong thế kẹt: một là chịu thất lễ với khách, hai
là chịu làm phiền hàng xóm, anh đã chọn giải pháp thứ hai để bảo vệ sự sống cho
người bạn mình.
Nhà của
người Do-thái ngày xưa không rộng mà nhân số trong nhà lại đông, nên cả gia
đình thường ngủ chung dưới sàn trên chăn chiếu. Vì thế, nếu một người phải thức
và ra mở cửa sẽ làm cho những người khác phải thức theo. Đó là lý do người hàng
xóm từ chối lúc đầu; nhưng khi anh bạn có khách cứ gõ và nói mãi, anh phải chỗi
dậy lấy bánh cho mượn, không phải vì tình bạn; nhưng vì sự lỳ lợm của anh. Lúc
này, chắc những người trong gia đình đang ngủ chung cũng đã thức dậy hết!
(2)
Tin tưởng: Thái độ này còn quan trọng hơn cả thái độ kiên trì, vì nó là động lực
giúp con người chạy đến với Thiên Chúa. Hầu như trong tất cả các phép lạ, Chúa
Giêsu chỉ làm khi Ngài nhận thấy có dấu chỉ của niềm tin. Ngài từ chối không
làm bất cứ phép lạ nào khi chỉ thấy sự cứng lòng hay thử thách.
Chúa
Giêsu mời gọi các môn đệ so sánh người Cha trên trời với các người cha dưới đất:
“Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn
mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ
xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại
không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?"
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta có bổn phận cầu xin Thiên Chúa cho những người tội lỗi được ăn năn trở
lại, vì đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa.
- Đức
Kitô là căn nguyên của tha thứ, hòa giải, và mọi ơn lành. Để lời cầu nguyện
chúng ta được Thiên Chúa lắng nghe, chúng ta phải cầu xin nhờ danh và công nghiệp
của Ngài.
- Để
lời cầu nguyện có hiệu quả, chúng ta cần có thái độ tin tưởng và kiên trì nơi
Thiên Chúa. Chúng ta cứ việc cầu xin mọi sự đẹp ý Thiên Chúa, nhưng phải sẵn
lòng để chấp nhận thánh ý của Ngài.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
24/07/16 CHÚA NHẬT TUẦN 17 TN – C
Lc 11,1-13
Lc 11,1-13
Suy niệm: Xem ra hôm nay Lời Chúa thật hấp dẫn với ước muốn của mọi người: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho.” Thế nhưng thực tế lại không như vậy. Ngày nay vẫn còn nhiều người quan niệm Thiên Chúa như vị thần của Alibaba, chỉ cần đọc câu thần chú “Vừng ơi! Mở cửa!” là tự khắc cánh cửa kho tàng sẽ mở ra cho họ. Có những người xin mà không được, tìm mà không thấy, gõ mà không cánh cửa nào mở ra cho họ. Thực ra khi chúng ta cầu xin, Chúa luôn luôn đáp lời và ban cho chúng ta điều tốt nhất “hơn cả những gì lòng người dám ước mong” (Lời nguyện Chúa Nhật XX Thường niên); Chúa không chỉ “mở cửa” khi chúng ta gõ mà hơn thế nữa, Ngài còn đứng ngoài cửa tâm hồn chúng ta gõ (x. Kh 3,20) mong
chúng ta tỉnh thức mở cửa đón Ngài (x. Lc 12,36tt) để Ngài vào ân thưởng cho chúng ta, những người tôi trung của Ngài.
Mời Bạn: Bạn rất vui khi có được điều mình mong muốn, nhưng đồng thời lại thật buồn khi không được như ý. Phải chăng bạn cầu xin được như ý bạn chứ không phải cầu xin cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”? Phải chăng bạn đòi Chúa phải theo ý Bạn thay vì Bạn phó thác để Ngài dẫn dắt?
Chia sẻ: Người ta hay nói: “Trong cái rủi có cái may.” Bạn có thấy mình gặp may khi
đối diện với rủi ro không?
Sống Lời Chúa: Cố gắng tìm thánh ý Thiên Chúa trong mọi biến cố vui - buồn của ngày sống, để biết rằng Chúa luôn có mặt khắp mọi nơi và mọi lúc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin Chúa đang hiện diện trong cuộc đời con, xin thêm đức tin cho con để con nhận ra thánh ý Chúa và quyết tâm thi hành.
HÃY XIN THÌ SẼ ĐƯỢC
Cần có đức tin mới nhận ra rằng Chúa đã nhận lời mình rồi, nhưng theo một kiểu khác với kiểu ta muốn.
Suy niệm:
Một thách đố lớn đối với đức tin của người
Kitô hữu
đó là sự thinh lặng của Thiên Chúa.
Gặp cơn cùng khốn, con người cầu cứu Ngài
nhưng không nghe thấy tiếng đáp lại.
Người lành bị trù dập, kẻ vô tội bị hàm oan,
nỗi đau khổ thể xác tinh thần vây bọc lấy đời người.
Con người quằn quại, rên xiết, gào thét, nổi loạn.
“Chúng tôi tố cáo Thiên Chúa vì Ngài vắng mặt.”
Ngài không được quyền vắng mặt và thinh lặng.
Nếu Ngài là Thiên Chúa quyền năng,
Ngài phải tiêu diệt sự dữ và kẻ dữ.
Nếu Ngài là Cha yêu thương,
Ngài không thể quay lưng trước nỗi khổ của con người.
Có nhiều người đã lý luận như thế và kết luận:
“Vì có đau khổ, nên không có Thiên Chúa.”
đó là sự thinh lặng của Thiên Chúa.
Gặp cơn cùng khốn, con người cầu cứu Ngài
nhưng không nghe thấy tiếng đáp lại.
Người lành bị trù dập, kẻ vô tội bị hàm oan,
nỗi đau khổ thể xác tinh thần vây bọc lấy đời người.
Con người quằn quại, rên xiết, gào thét, nổi loạn.
“Chúng tôi tố cáo Thiên Chúa vì Ngài vắng mặt.”
Ngài không được quyền vắng mặt và thinh lặng.
Nếu Ngài là Thiên Chúa quyền năng,
Ngài phải tiêu diệt sự dữ và kẻ dữ.
Nếu Ngài là Cha yêu thương,
Ngài không thể quay lưng trước nỗi khổ của con người.
Có nhiều người đã lý luận như thế và kết luận:
“Vì có đau khổ, nên không có Thiên Chúa.”
Có lúc người ta tưởng đau khổ là một vấn
đề
có thể đem ra mổ xẻ, giải quyết.
Nhưng rồi người ta thấy đó là một mầu nhiệm.
Chỉ ai tin mới đến gần được mầu nhiệm ấy,
và đón nhận nó trong bình an.
có thể đem ra mổ xẻ, giải quyết.
Nhưng rồi người ta thấy đó là một mầu nhiệm.
Chỉ ai tin mới đến gần được mầu nhiệm ấy,
và đón nhận nó trong bình an.
Ðức Giêsu đã không trình bày con đường
diệt đau khổ,
nhưng Ngài mang lấy đau khổ vào thân.
Trên thập giá, Ngài nghe được sự thinh lặng của Thiên Chúa,
và thấy được sự vắng mặt của Người.
“Lạy Thiên Chúa của tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?”
Như ta, Ngài cũng bước đi trong bóng tối của lòng tin,
dù bị thử thách, vẫn một niềm tín thác:
“Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha.”
Thiên Chúa vẫn là Ðấng toàn năng và yêu thương,
nhưng Ngài hành động không giống điều ta nghĩ.
Ngài không đưa Ðức Giêsu xuống khỏi thập giá
nhưng đưa Con của Ngài ra khỏi nấm mồ,
điều đó khó hơn nhiều.
nhưng Ngài mang lấy đau khổ vào thân.
Trên thập giá, Ngài nghe được sự thinh lặng của Thiên Chúa,
và thấy được sự vắng mặt của Người.
“Lạy Thiên Chúa của tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?”
Như ta, Ngài cũng bước đi trong bóng tối của lòng tin,
dù bị thử thách, vẫn một niềm tín thác:
“Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha.”
Thiên Chúa vẫn là Ðấng toàn năng và yêu thương,
nhưng Ngài hành động không giống điều ta nghĩ.
Ngài không đưa Ðức Giêsu xuống khỏi thập giá
nhưng đưa Con của Ngài ra khỏi nấm mồ,
điều đó khó hơn nhiều.
Hôm nay Ðức Giêsu mời chúng ta cứ xin, cứ
tìm, cứ gõ
và tin chắc sẽ được, sẽ thấy, sẽ mở cho.
Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu,
Ngài chỉ ban cho ta những điều tốt lành,
những điều có lợi thực sự cho ta,
những điều làm ta trưởng thành và triển nở,
những điều đưa ta gặp hạnh phúc đích thực,
thứ hạnh phúc không chỉ hạn hẹp ở đời này.
Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu,
nhưng Ngài không nuông chiều con cái,
Ngài dám cắt tỉa để chúng ta sai trái hơn.
và tin chắc sẽ được, sẽ thấy, sẽ mở cho.
Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu,
Ngài chỉ ban cho ta những điều tốt lành,
những điều có lợi thực sự cho ta,
những điều làm ta trưởng thành và triển nở,
những điều đưa ta gặp hạnh phúc đích thực,
thứ hạnh phúc không chỉ hạn hẹp ở đời này.
Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu,
nhưng Ngài không nuông chiều con cái,
Ngài dám cắt tỉa để chúng ta sai trái hơn.
Bạn hãy cứ cầu xin
nhưng hãy để cho Ngài định liệu,
vì Ngài biết rõ điều gì là tốt hơn cho bạn
trong hoàn cảnh này, ở đây, bây giờ.
Cần cầu nguyện nhiều, bạn mới biết điều bạn phải xin,
vì những điều chúng ta xin còn mang nhiều cặn bẩn.
Lắm khi chúng ta xin rắn mà không hay.
Cũng có khi ta tưởng Chúa cho chúng ta bọ cạp.
Cần có đức tin mới nhận ra rằng
Chúa đã nhận lời mình rồi,
nhưng theo một kiểu khác với kiểu ta muốn.
Cần đợi đến một lúc nào đó bạn mới thấy
mọi biến cố trong đời đều là quà tặng yêu thương.
nhưng hãy để cho Ngài định liệu,
vì Ngài biết rõ điều gì là tốt hơn cho bạn
trong hoàn cảnh này, ở đây, bây giờ.
Cần cầu nguyện nhiều, bạn mới biết điều bạn phải xin,
vì những điều chúng ta xin còn mang nhiều cặn bẩn.
Lắm khi chúng ta xin rắn mà không hay.
Cũng có khi ta tưởng Chúa cho chúng ta bọ cạp.
Cần có đức tin mới nhận ra rằng
Chúa đã nhận lời mình rồi,
nhưng theo một kiểu khác với kiểu ta muốn.
Cần đợi đến một lúc nào đó bạn mới thấy
mọi biến cố trong đời đều là quà tặng yêu thương.
Cầu nguyện:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự
nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng
ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn
hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con.
Lm
Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
24
THÁNG BẢY
Tạo
Vật Mang Dấu Ấn Của Đức Kitô
Trong
Thư Cô-lô-sê, chúng ta thấy rằng chân lý về sự tiền định trong Đức Kitô có mối
gắn kết chặt chẽ với chân lý về việc sáng tạo trong Người. Thánh Phao-lô viết: “Người
là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo.
Vì nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất” (Cl 1,15-16).
Ở đây
chúng ta nắm bắt được một sự thật kỳ diệu. Ngay từ thuở đầu sáng tạo, thế giới
mang trong mình nó ơn gọi và thậm chí mối đảm bảo được tiền định trong Đức
Kitô, bởi vì thế giới được tạo dựng trong Đức Kitô và được cung hiến cho Thiên
Chúa như tặng phẩm đầu tiên của sự quan phòng. Thế giới đã được tạo thành nhờ
Ngôi Lời Thiên Chúa là Đức Kitô, Đấng mở ơn cứu độ ra cho mọi con người và, cuối
cùng, cho thế giới. “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện
ở nơi Người” (Cl 1,19).
Sự
viên mãn cuối cùng của trái đất, nhất là sự chuyển hóa của con người, được đạt
đến chính là nhờ tác động của sự viên mãn vốn hiện diện nơi Đức Kitô. Đức Kitô
đem lại cho chúng ta sự viên mãn của Thiên Chúa. Theo một nghĩa nào đó, chính
trong Đức Kitô mà chương cuối cùng của lịch sử thế giới – nhất là lịch sử con
người – được hoàn tất.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
24 – 7
Chúa
Nhật XVII Thường niên
St
18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13.
Lời
suy niệm: “Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia.
Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: Thưa
Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông.”
Đối với
người Kitô hữu, cầu nguyện là một sự tối cần thiết cho đời sống đức tin và sự
bình an trong tâm hồn, giúp đem lai sự sống đời đời cho mỗi người, mỗi gia đình
và cho cả cọng đoàn chúng ta đang sống và làm việc. Như xưa các Tông Đồ xin
Chúa Giêsu dạy cho biết cách cầu nguyện, và Chúa đã dạy “Kinh Lạy Cha”. Bởi vậy,
ngay trong cầu nguyện riêng của mỗi người cũng phải đi vào nguyên tắc này của
Chúa Giêsu: trước hết là cầu nguyện thờ lạy, tôn vinh, cảm tạ; sau đó mới xin
ơn cần thiết cho mình cho gia đình và cho cộng đoàn.
Lạy
Chúa Giêsu, mặc dầu chúng con là những kẻ tội lỗi, không xứng đáng đứng trước mặt
Chúa mà dâng lời cầu nguyện, nhưng xin Chúa ban cho chúng con ơn đức tin; vững
tin vào tình thương của Chúa: Chúa thấu suốt mọi sự, Chúa luôn trợ giúp chúng
con trong cầu nguyện, để những lời cầu xin của chúng con được đẹp lòng Chúa. Để
Chúa ban ơn.
Mạnh
Phương
24
Tháng Bảy
Một Lời Thề Hứa
Từ
tháng 5 đến tháng 7 năm 1990 vừa qua, du khách trên khắp thế giới đã đổ xô về
làng Oberammergau bên Tây Ðức để thưởng thức tuồng Thương Khó Chúa Giêsu... Việc
diễn tuồng Thương Khó này là một lời thề hứa mà dân làng Oberammergau đã trung
thành giữ từ trên 400 năm nay.
Năm
1633, một nạn dịch khủng khiếp đã giết hại không biết bao nhiêu sinh mạng trong
vùng Bavaria. Ðể đề phòng nạn dịch, dân làng Oberammergau đã đóng kín các cửa
làng để không một người lạ mặt nào có thể lọt vào trong làng... Chẳng may, một
người đào huyệt trong làng đã bị lây. Anh ta quyết định được chết trong ngôi
làng thân yêu của mình. Anh đã qua mắt được những người canh cửa để lọt vào
trong và rồi lây bệnh cho nhiều người khác trong làng...
Chỉ
trong vòng hai tuần lễ, 88 người dân làng đã bị thiệt mạng, ngay cả hai vị linh
mục trong xứ cũng không tránh khỏi ôn dịch. Một vị linh mục khác được sai đến.
Dân làng không biết làm gì khác hơn là cùng với vị linh mục đến trước Thánh Thể
Chúa để thề hứa. Qua sự cam đoan của linh mục chính xứ cũng như của những người
đại diện, toàn dân đã cam kết rằng nếu được Chúa cho tai qua nạn khỏi, họ sẽ
trình diễn tuồng Thương Khó của Chúa cứ 10 năm một lần...
Năm
1634, nghĩa là một năm sau khi nạn dịch chấm dứt, dân làng Oberammergau đã giữ
lời hứa với Chúa. Già trẻ lớn bé, tất cả mọi người trong làng đã sốt sắng tham
dự vào việc trình diễn tuồng Thương Khó. Lần trình diễn đầu tiên ấy chỉ thu hút
được khoảng 200 khán giả đến từ các làng lân cận. Và kể từ năm 1680, họ đã quyết
định trình diễn 10 năm một lần. Ðến năm 1770 thì khách thập phương đã bắt đầu đổ
xô về Oberammergau...
10
năm một lần: khoảng cách của 10 năm là để dân làng được chuẩn bị chu đáo hơn.
Diễn viên của vở tuồng phải là người dân làng. Các nhân vật được chọn lựa và huấn
luyện kỹ càng. Riêng người được chọn đóng vai Chúa Giêsu và Ðức Mẹ sẽ được dân
làng chào hỏi một cách kính cẩn bằng chính danh hiệu của Chúa Giêsu và Ðức Mẹ.
Và trong suốt thời gian chuẩn bị cũng như trình diễn, tất cả mọi nhân vật đều
được mời gọi để sống chính tâm tình của các nhân vật lịch sử trong vở tuồng...
Vì là một lời thề của tổ tiên để lại, cho nên đêm trước buổi trình diễn đầu
tiên, toàn dân làng sẽ tham dự Thánh lễ và sốt sắng rước Mình Thánh Chúa. Buổi
tình diễn sẽ bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng và kết thúc vào lúc 5 giờ chiều... Và
vì đây là một buổi trình diễn có tính cách tôn giáo, cho nên toàn dân làng
Oberammergau không cho phép bất cứ một cuộc thu hình nào.
Kinh
thánh thuật lại rằng trên đường tiến về Ðất Hứa, có lần nhiều người Do Thái bị
rắn cắn chết giữa sa mạc.. Chúa đã truyền lệnh cho Môi Sen đúc một con rắn đồng
và treo lên cây. Tất cả những ai bị rắn cắn nhìn vào con rắn đồng ấy đều được
chữa lành...
Chúa
Giêsu đã ví con rắn đồng ấy với chính Ngài bị treo trên thập giá. Ngài mời gọi
chúng ta hãy ngắm nhìn Ngài trong cảnh bị treo ấy. Cái chết của Chúa Giêsu trên
thập giá đã gắn liền với tội lỗi của từng người trong chúng ta. Người dân làng
Oberammergau đã hiểu được mối tương quan ấy. Họ diễn lại cuộc tử nạn của Chúa
Giêsu để tưởng nhớ công lao cứu sống của Ngài.
Một
cách nào đó, mỗi người chúng ta cũng là một diễn viên của vở tuồng Thương Khó
Chúa Giêsu. Mỗi người chúng ta được mời gọi để sống chính tâm tình của Chúa
Giêsu. Tân tình của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn chính là cảm mến, vâng phục,
yêu thương đối với Chúa Cha và quảng đại, tha thứ đối với tha nhân. Ngắm nhìn
Ngài trên thập giá, chúng ta cũng được mời gọi sống lại tâm tình ấy. Và đó cũng
chính là sức sống của người Kitô chúng ta, bởi vì người Kitô luôn được mời gọi
để sống cho Thiên Chúa và tha nhân...
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét