Đất nước và Giáo Hội Công Giáo
Maroc
Nhà Thờ Chánh Tòa Rabat thủ đô Maroc |
Cộng đoàn Công giáo tại Maroc chỉ là một đoàn chiên rất bé
nhỏ: 23 ngàn người trên tổng số 37 triệu dân, trong đó 99% là tín hữu Hồi giáo
Sunnit.
G. Trần Đức Anh OP - Vatican
Đất nước Maroc
Maroc rộng 446.500 cây số vuông, với dân số gần 37 triệu
dân cư. Quốc gia này ở dưới sự bảo hộ của Pháp từ năm 1912 và một phần khác dưới
sự bảo hộ của Tây Ban Nha. Maroc được độc lập 44 năm sau đó, tức là ngày 28-3
năm 1956, nay được xếp vào số các nước có lợi tức trung bình và đứng thứ 61 về
kinh tế, theo bảng xếp hạng hồi năm 2016. Nền kinh tế của Maroc trong những năm
gần đây tiếp tục tăng trưởng và đứng hàng thứ I ở Bắc Phi và thứ 3 trong toàn đại
lục Phi châu. Dầu vậy tỷ lệ người Maroc xuất cư để tìm công ăn việc làm vẫn
cao, nhất là nơi giới trẻ. Có khoảng 5 triệu người Maroc sinh sống tại nước
ngoài.
Công giáo tại Maroc
Về mặt tôn giáo, 99% dân Maroc là tín đồ Hồi giáo
Sunnit cũng là quốc giáo tại đây. Số tín hữu Công Giáo tại Maroc thật khiêm nhượng,
chỉ có 23 ngàn người, tương đương với 0,07% theo thống kê mới nhất của Tòa
Thánh. Họ thuộc hơn 100 quốc tịch khác nhau. Nếu tính cả các hệ phái khác như
Tin Lành, Chính Thống và Anh giáo, thì số Kitô hữu toàn quốc lên tới 35 ngàn
người. Phần lớn họ là người Âu và người nhập cư từ Phi châu nam sa mạc Sahara.
Nhân sự
Có một đặc điểm là tuy cộng đoàn Công Giáo Maroc bé nhỏ,
nhưng có 2 tổng giáo phận là Rabat và Tanger, với tổng cộng 4 GM, trong đó có 2
vị về hưu, 35 giáo xứ, 46 linh mục trong đó có 15 vị là LM giáo phận và 31 vị
là LM dòng. Hai vị TGM đương nhiệm đều là người Tây Ban Nha, đó là là Đức Cha
TGM Cristobal Lopez, 66 tuổi, thuộc dòng Don Bosco, coi sóc Tổng giáo phận thủ
đô Rabat, có 20 ngàn tín hữu Công Giáo và Đức Cha Angrelo Martinez, 76 tuổi,
thuộc dòng Phanxicô, coi sóc tổng giáo phận Tanger chỉ có 3 ngàn tín hữu Công
Giáo. Cả hai đều trực thuộc Tòa Thánh. Cả nước Maroc có 10 tu huynh và 178 nữ
tu, và 14 đại chủng sinh. Giáo Hội đảm trách 25 cơ sở bác ái xã hội, giúp đỡ
nhiều người nghèo, phần lớn là những người nhập cư.
Tự do tôn giáo tại Maroc chỉ là tự do phụng tự
Nói chung, các tín hữu Công Giáo tại Maroc được tự do
hành đạo, tự do phụng tự, nhưng không được phép truyền đạo. Ai lỗi qui luật này
có thể bị phạt 3 năm tù. Trong những năm qua, một số nhà truyền đạo Tin Lành bị
trục xuất. Người Maroc nào từ Hồi giáo trở lại Kitô giáo, sẽ bị nhà cầm quyền
xách nhiễu và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Tự do tôn giáo thực sự theo nghĩa như
tại các nước Âu Mỹ vẫn còn là điều xa vời tại nước này.
Nhà vua là thủ lãnh của Hồi giáo Maroc
Quốc vương Mohammed VI của Maroc năm nay 55 tuổi, lên
ngôi từ năm 1999, kế vị phụ vương Hassan II. Nhà Vua có quyền tuyệt đối nhưng vẫn
cố gắng chứng tỏ một hình ảnh tân tiến, và tinh thần bao dung của đất nước
Maroc. Nhà Vua cũng là thủ lãnh của các tín hữu Hồi giáo về mặt tôn giáo. Năm
2016 nhà vua triệu tập hàng trăm học giả Hồi giáo trên thế giới, nhóm họp tại
thành Marrakesch để bàn về việc đối xử với các nhóm tôn giáo thiểu số.
Cố gắng cởi mở
Từ năm 2017, những người Hồi giáo cải đạo để theo tôn
giáo khác không còn bị luật pháp Maroc trừng phạt nữa, nhưng cũng như tại hầu hết
các nước Hồi giáo, vẫn có những luật lệ xã hội chèn ép những người bỏ Hồi giáo,
và họ có thể bị mất công ăn việc làm. Vì Hồi giáo là quốc giáo tại Maroc, nên
người nào từ bỏ Hồi giáo thì họ có thể bị gia đình từ bỏ. Vì thế nhiều người trở
lại đạo Kitô phải sống lén lút để khỏi bị xách nhiễu. Cảnh sát Maroc có thể
ngăn chặn các tín hữu Kitô Maroc ngay tại cửa nhà thờ. Khi rửa tội họ không được
lấy tên thánh Kitô, và cũng không được kết hôn với người Hồi giáo, không được
an táng trong nghĩa trang Kitô. Các giáo xứ Công Giáo ở Maroc được chính quyền
cảnh giác, yêu cầu đừng nhận người Maroc bản xứ.
Hoạt động từ thiện của Công Giáo Maroc
Tuy có nhiều khó khăn, nhưng Giáo Hội Công Giáo tại
Maroc cố gắng tăng cường các hoạt động trong lãnh vực giáo dục và xã hội. Trên
toàn quốc có 15 trường Công Giáo với 15 ngàn học sinh, đa số là người Hồi giáo.
Tổ chức Caritas có các văn phòng tại nhiều thành phố lớn ở Maroc và săn sóc,
giúp đỡ khoảng 4 ngàn người Phi châu di dân, trong đó có nhiều người Công Giáo.
Maroc này là nước chuyển tiếp của nhiều người di dân từ miền nam sa mạc Sahara
tìm đường vào Âu Châu. Những dấn thân xã hội và từ thiện của các tổ chức
Caritas khiến cho nhiều người Maroc nhìn Giáo Hội với lòng kính trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét