08/04/2014
Thứ Ba sau Chúa Nhật
V Mùa Chay
Bài
Ðọc I: Ds 21, 4-9
"Kẻ
nào bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống".
Trích
sách Dân Số.
Trong
những ngày ấy, các người Do-thái rời bỏ núi Hor, theo con đường về phía Biển Ðỏ,
để vòng quanh xứ Eđom. Dân chúng đi đường xa mệt nhọc, nên nản chí, kêu trách
Chúa và Môsê rằng: "Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho
chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã
ngán thức ăn nhàm chán này".
Bởi
đó Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người, họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng:
"Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản
nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn". Môsê cầu
nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ngươi hãy đúc một con rắn đồng
và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống".
Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn
lên rắn đồng, thì được chữa lành.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 101, 2-3. 16-18. 19-21
Ðáp: Lạy Chúa, xin
nhậm lời con cầu nguyện, và cho tiếng con kêu lên tới Chúa (c. 2).
Xướng:
1) Lạy Chúa, xin nhậm lời con cầu nguyện, và cho tiếng con kêu lên tới Chúa.
Xin Chúa đừng ẩn giấu thánh nhan, trong ngày con phải phiền muộn. Xin Chúa lắng
tai nghe con, khi con cầu nguyện, Chúa mau nhậm lời. - Ðáp.
2)
Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý
trọng vinh quang Ngài; khi Chúa sẽ tái lập Sion, Ngài xuất hiện trong vinh
quang xán lạn; Ngài sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ
kêu van.- Ðáp.
3)
Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng
Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã ngó
xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án
tử. - Ðáp.
Câu
Xướng Trước Phúc Âm: Tv 94, 8ab
Hôm
nay các ngươi đừng cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa phán.
Phúc
Âm: Ga 8, 21-30
"Khi
nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi
ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: "Ta ra đi, các ông sẽ
tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới
được".
Người
Do-thái nói với nhau rằng: "Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói "Nơi
Ta đi các ông không thể tới được"?"
Chúa
Giêsu nói tiếp: "Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các
ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. Ta đã nói:
Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết
trong tội của các ông".
Vậy
họ liền hỏi: "Ông là ai?" Chúa Giêsu trả lời: "Là Nguyên thuỷ
đang nói với các ông đây! Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông,
nhưng Ðấng đã sai Ta là Ðấng chân thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây,
chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài".
Nhưng
họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha, vì thế Chúa Giêsu nói: "Khi nào
các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai. Ta không tự mình
làm điều gì. Ðiều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Ðấng đã sai Ta đang
ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng
Ngài". Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người.
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Nhiều
Kẻ Tin Phục Người
Alexina là một thanh niên hâm
mộ thể thao, âm nhạc, đồng thời cũng là một người có đức tin nhiệt thành và rất
thực tế. Năm lên 25 tuổi, anh viết cho chính mình một bức thư, bỏ vào phong bì,
đề tên tuổi hẳn hoi, bên dưới có ghi: Sẽ mở đọc vào năm tôi đúng 60 tuổi".
Bức thư được anh để ngay trên bàn viết, dưới chân cây Thánh Giá nhỏ bằng gỗ.
Ngày tháng trôi qua, thấm thoát anh
Alexina đã trở thành cụ già 60 tuổi, đầu tóc bạc phơ. Vào đúng ngày sinh nhật
thứ 60, cụ Alexina mời con cháu, bạn bè đến chung vui trong một bữa tiệc tràn
đầy thân mật. Sau bữa tiệc, cụ mở thư ra trước mặt mọi người đang dự tiệc, một
bức thư có nội dung như sau:
Bạn thân mến, mùa kỷ niệm sinh
nhật thứ 60 của bạn. Hôm nay bạn bắt đầu bước đi trên một đoạn đường mới, 60
tuổi đã qua là kể như đời bạn đã xế chiều. Dù bạn vẫn còn khỏe, nhưng sức dẻo
dai đã kém thua trước nhiều lắm. Bạn hãy bảo vệ sức khỏe để còn phục vụ cho
phúc lợi chung. Bạn hãy biết ra đi, biết rút lui cách nhẹ nhàng và nhường chỗ
cho đàn em trẻ hơn bạn, có khả năng thể xác hơn bạn, nhưng không phải rút lui
để cầu an nhàn hạ.
Bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm của
60 năm trước đây đầy nụ cười và nước mắt cho đàn em. Và bạn hãy sung sướng khi
thấy họ thành công hơn bạn, vì nhờ họ Thiên Chúa được vinh danh hơn. Bạn hãy
tích cực dấn thân cho đến hơi thở cuối cùng theo sức bạn, theo tuổi bạn. Bạn
hãy chuộc lại những thời giờ lãng phí trong suốt 60 năm qua.
Hãy kiểm điểm trước mặt Chúa.
Hãy rút kinh nghiệm từ quá khứ. Hãy cảm tạ Thiên Chúa và sám hối trước mặt
Người. Bạn hãy dành một phần của đời bạn để làm một việc gì cho Chúa mà giờ đây
Chúa đang mời gọi bạn cộng tác dấn thân. Bạn đừng quên rằng, bạn đang tiến về
nhà Cha mỗi một phút giây cách gần gũi hơn. Bạn hãy sẵn sàng đừng bám víu vào
của cải trần gian. Hãy sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng của đời bạn sao cho
đẹp lòng Chúa, vui lòng gia đình và bè bạn trong xã hội. Hãy dứt khoát, hãy
quyết tâm mãnh liệt, hãy nghiêm chỉnh thực hiện, hãy kết hợp với Chúa Giêsu, Mẹ
Maria và thánh Giuse. Ân sủng và bình an của Chúa ở cùng bạn.
Ngày sinh nhật thứ 25 của
Alexina.
Ðọc xong bức thư, cụ Alexina nói
tiếp: Cách đây 35 năm tôi nghĩ rằng, khi đã 60 tuổi tôi sợ mình vẫn còn sức, sẽ
bám víu vào của cải và địa vị trần gian, nên tôi viết bức thư này để nhắc nhở
tôi trong lúc tôi xế chiều là hãy cố gắng thực hiện những ước nguyện của tôi.
Hôm nay, tôi tha thiết xin con cháu, bạn bè cầu nguyện cho tôi thực hiện những
gì Chúa muốn trong giây phút hiện tại này.
Anh chị em thân mến!
Thành tâm thiện chí của cụ Alexina
trong câu chuyện vừa kể trên đáng chúng ta bắt chước. Thực hiện thánh ý Chúa
trong giây phút hiện tại là gì? Nếu không phải là tin nhận Chúa Giêsu Kitô là
Thiên Chúa và là Ðấng cứu rỗi, để đừng chết trong tội lỗi.
Bài Tin Mừng hôm nay thánh Gioan
nhắc lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái. Qua đó, Chúa
Giêsu mạc khải cho họ biết rằng: Ngài là Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu
đóng đinh và chết trên Thập Giá để giao hòa con người với Thiên Chúa Cha.
Như vậy, khi mạc khải chính mình
cho con người, Chúa Giêsu Kitô cũng đồng thời mạc khải mối tương quan chặt chẽ
giữa Ngài và Thiên Chúa Cha. Tin nhận Chúa Giêsu thì cũng phải tin nhận Thiên
Chúa Cha, Ðấng đã sai Con Một Mình là Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian làm
người. Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Ðây là một mầu nhiệm đáng
được con người chiêm ngưỡng và dâng lời chúc tụng hơn là chối từ bắt bẻ.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn
Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã lập lại lời chúc tụng
Thiên Chúa như sau: Chúc tụng Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Chúa
chúng ta. Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã thể theo lòng thương xót hải hà mà tái sinh
chúng ta cho hy vọng hằng sống, nhờ sự Phục Sinh từ cõi chết của Ðức Kitô.
Sau đó, ngài khuyên những người con
tinh thần của mình như sau: Con không hiểu tại sao thánh Ignatiô cầu nguyện
rằng: "Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con". Vì Chúa nói với
Philipphê: "Hỡi Philipphê, con ở với Thầy lâu nay mà con chưa biết Thầy
sao? Nếu biết thật, đời con sẽ đổi hẳn". Ðúng vậy! Biết Chúa rõ ràng, tin
Chúa thật lòng thì cuộc đời chúng ta sẽ đổi hẳn.
Lạy Chúa, không có ơn Chúa trợ
giúp, con không thể tin Chúa. và nếu không tin thì chắc chắn con sẽ không có
thể canh tân đời sống mình được. Xin Chúa hãy thương ban ơn đức tin cho con.
Amen.
(Veritas
Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần V MC
Bài đọc: Num 21:4-9; Jn
8:21-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết nắm lấy
cơ hội để được sống.
Để
thành công trong thương trường, một người cần 4 yếu tố: con người, cơ hội, thời
gian, và sản phẩm; điều quan trọng hơn cả là cơ hội. Cơ hội sẽ đến với mọi người,
nhưng để có thể sinh lợi ích, con người phải nắm lấy cơ hội. Khi cơ hội đã qua,
có thể chúng sẽ không bao giờ trở lại. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế:
con người không sống mãi, họ chỉ có nhiều nhất 100 năm để học hỏi và tin vào
Thiên Chúa và vào Đức Kitô. Ngài sẽ ban cho mọi người có cơ hội để học biết và
tin tưởng vào Đức Kitô. Họ phải biết lợi dụng thời gian và nắm lấy cơ hội để học
biết Đức Kitô và tin vào những gì Ngài rao giảng. Nếu họ không biết dùng thời
gian và bỏ lỡ cơ hội để học biết và tin vào Ngài, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về
cuộc đời của họ: được cứu độ hay phải hư đi.
Các
Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc con người phải biết nắm lấy cơ hội. Trong Bài Đọc
I, Sách Dân Số tường thuật việc dân chúng không biết nắm lấy cơ hội luyện tập
trong sa mạc. Họ kêu trách Thiên Chúa và Moses vì thiếu thức ăn hợp khẩu và nước
uống. Hậu quả của việc kêu trách là họ bị rắn lửa tiêu diệt. Nhưng Thiên Chúa vẫn
thương yêu và cho họ cơ hội thứ hai: ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng mà
Moses giương cao trên cây, sẽ được cứu sống. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải
cho người Do-thái ý nghĩa của biến cố trong Sách Dân Số: Họ phải tin vào Ngài,
nếu không họ sẽ chết trong tội của họ. Nếu họ không tin vào Ngài khi còn sống,
họ phải tin Ngài khi Ngài bị giương cao trên Thập Giá. Nếu họ bỏ lỡ cả hai cơ hội
để tin vào Ngài, họ sẽ chết trong tội của họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Ông Moses giương cao “con rắn” trong sa mạc để cứu dân khỏi chết.
1.1/
Thiên Chúa thanh luyện dân 40 năm trong sa mạc: Mục đích của Thiên Chúa khi bắt
dân phải lang thang trong sa mạc suốt 40 năm là để chuẩn bị cho dân trước khi
vào Đất Hứa. Họ phải tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa bằng cách vượt qua những
trở ngại trên đường đi: thức ăn, nước uống, khí hậu khắc nghiệt, mệt mỏi …
Trong cuộc hành trình qua sa mạc, nhiều lần dân chúng Israel mất kiên nhẫn và
kêu trách Thiên Chúa và Moses như trình thuật hôm nay. Họ kêu trách Thiên Chúa
và ông Moses rằng: "Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng
tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi
đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này." Bấy giờ Đức Chúa cho rắn độc đến hại
dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Israel phải chết.
Mỗi
năm, Giáo Hội đều cử hành biến cố này bằng cách kêu gọi các tín hữu ăn chay, cầu
nguyện, và làm các việc lành trong 40 ngày của Mùa Chay. Mục đích là để các tín
hữu có cơ hội luyện tập con người để đừng quá lệ thuộc vào vật chất, biết dành
thời giờ để định vị lại cuộc đời và trau dồi cho đời sống thiêng liêng, xét
mình và thú tội để lãnh nhận ơn tha thứ, và biết chia sẻ của cải với các người
thiếu thốn. Nếu các tín hữu biết lợi dụng cơ hội, họ sẽ có sức mạnh để chế ngự
các tính hư nết xấu, và thăng tiến trên đường thiêng liêng.
1.2/
Thiên Chúa cứu dân khỏi chết bằng nhìn lên rắn đồng: Rắn được nhiều dân
tộc thờ như thần, nhất là các quốc gia Á Châu và Cận Đông. Ngành khảo cổ tìm ra
nhiều hình ảnh con rắn đồng khắc trên các tấm bia tại Timnah, gần Biển Chết.
Timnah, nằm trong vùng sa mạc Sinai, là vùng có nhiều đồng nhưng cũng rất nhiều
rắn lửa, thợ đến đây tìm đồng thường bị rắn cắn chết nên họ rất tin và thờ phượng
thần rắn. Rắn được coi như biểu tượng của cả thần chết và chữa lành. Rắn độc cắn
người và làm cho chết, nhưng nọc độc của rắn được dân tộc Ân-độ dùng để chữa
lành nhiều bệnh như tục ngữ Việt-nam nói “lấy độc trị độc.” Rắn cuộn tròn trên
cây cột đã trở thành biểu tượng của ngành y khoa từ lâu đời. Câu truyện rắn cám
dỗ bà Evà phạm tội và trình thuật hôm nay có thể có ít nhiều liên hệ với lịch sử
của lòai rắn.
Khi
dân Israel bị rắn cắn và nhiều người tử thương, họ đến nói với ông Moses:
"Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách Đức Chúa và kêu trách ông. Xin ông
khẩn cầu Đức Chúa để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi." Ông Moses khẩn cầu
cho dân. Đức Chúa bảo ông: "Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây
cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống." Ông
Moses vâng lời Đức Chúa, làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và
hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.
2/
Phúc Âm:
Chúa Giêsu chịu giương cao trên Thập Giá để cứu chuộc con người.
2.1/
Cơ hội lần đầu để tin vào Đức Kitô khi Ngài còn sống: Chúa Giêsu đối thọai
với người Do-thái và thuyết phục họ tin vào Ngài, bằng cách mặc khải cho họ những
điều sau:
(1)
Những gì sẽ xảy ra cho Ngài và cho họ trong tương lai: Ngài sẽ trải qua
Cuộc Thương Khó và sẽ sống lại về cùng Chúa Cha. Họ sẽ hối tiếc và tìm Ngài,
nhưng quá muộn; vì họ không thể lên Trời với Ngài. Họ phải tin Ngài, tội của họ
mới được tha; vì họ không tin Ngài, tội của họ vẫn còn. Người Do-thái không hiểu
những gì Ngài mặc khải, họ nghĩ chỉ khi nào Ngài tự tử, họ mới không trông thấy
Ngài; và theo truyền thống, những ai tự tử sẽ bị giam cầm dưới địa ngục; và như
vậy câu Ngài nói "Nơi Tôi đi, các ông không thể đến được," là đúng sự
thật.
(2)
Sự khác biệt giữa Ngài và họ: Ngài có nguồn gốc từ Trời, nguồn gốc của họ là ở thế gian này.
Ngài không thuộc về thế gian này, nhưng họ thuộc về thế gian. Chúa Giêsu nhắc họ
lần nữa: Họ phải tin Ngài để tội của họ được tha. Họ không hiểu những gì Ngài mặc
khải, nên họ hỏi Người: "Ông là ai?"
(3)
Sự liên hệ giữa Thiên Chúa và Ngài: Thiên Chúa Cha sai Ngài đến thế gian để chịu chết và
gánh tội cho con người. Nếu họ không chịu tin vào Ngài, tội của họ vẫn còn, và
họ sẽ chết trong tội của họ. Tất cả những điều này Thiên Chúa, Đấng Chân Thật,
muốn Ngài loan báo cho họ, và Ngài đã loan báo; nhưng họ không tin vào lời
Ngài.
2.2/
Cơ hội thứ hai để tin vào Đức Kitô khi Ngài bị giương cao: Ngài cho họ biết
trước Ngài sẽ phải chết cách nào: Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu nói cho dân
chúng biết Ngài sẽ phải chết cách nào trong Tin Mừng Gioan. Lần đầu tiên, khi
Chúa Giêsu đàm đạo với Nicodemus, Ngài gợi lại cho họ về biến cố rắn lửa cắn
người Do-thái trong sa mạc Sinai như chúng ta đọc trong Sách Dân Số hôm nay:
“Như ông Moses đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được
giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Jn 3:14-15).
Trong trình thuật hôm nay, Người bảo họ: "Khi các ông giương cao Con Người
lên, bấy giờ các ông sẽ biết Tôi Hằng Hữu, và biết Tôi không tự mình làm bất cứ
điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy Tôi thế nào, Tôi nói như vậy. Đấng đã sai Tôi vẫn
ở với Tôi; Người không để Tôi một mình, vì Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người."
Chúa
Giêsu muốn nói với người Do-thái: Tuy các ông không tin Tôi bây giờ; nhưng các
ông phải tin Tôi khi nhìn thấy những gì Tôi đã nói với các ông xảy ra: cách
chính xác, khi các ông giương Tôi cao trên Thập Giá. Lúc đó, các ông sẽ biết tất
cả những gì Tôi nói với các ông là sự thật: sự liên hệ giữa Chúa Cha và Tôi, Kế
Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, các ông phải tin Tôi thì tội của các ông mới được
tha … Khi Đức Giêsu nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải biết nắm lấy cơ hội để học hỏi và để tin tưởng vào Thiên Chúa và
vào Đức Kitô; vì cơ hội có thể qua đi và không bao giờ đến nữa.
-
Đừng bao giờ đợi đến khi về già, vì chúng ta không biết sẽ sống được bao năm;
và có còn đủ trí khôn sáng suốt để hiểu, hay đủ nghị lực để học mà tin vào
Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM MÙA CHAY
Ds
21,4-9 ; Ga 8,21-30
A.
Hạt giống...
1.
Bài đọc 1 kể chuyện con rắn đồng : Khi đó dân do thái đang đi trong sa mạc. Vì
khổ cực và thiếu thốn, họ luôn miệng trách Môsê và còn trách cả Chúa. Chúa cho
những con rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Khi đó họ kêu cầu Môsê. Chúa bảo
Môsê đúc một con rắn bằng đồng treo lên cây, kẻ nào bị rắn lửa cắn mà nhìn lên
con rắn đồng thì được cứu sống.
2.
Bài Tin Mừng : Chúa Giêsu chính là Đấng mà con rắn đồng là hình ảnh tiên báo.
Ngài nói với những người do thái : “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các
ông sẽ nhận biết Ta là ai”. Như thế, việc Chúa Giêsu chết trên thập giá không
phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị” mà “được” đưa lên
cao để trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài.
B....
nẩy mầm.
1.
Chính khi Chúa Giêsu “bị” giết chết trên thập giá là lúc Ngài “được” tôn vinh
và là nguồn ơn cứu độ cho loài người. Khi chúng ta “bị” đau khổ nhưng biết nhìn
lên thập giá Chúa Giêsu là lúc chúng ta “được” cứu độ. Nhìn ngược lại ngày xưa,
khi nguyên tổ tưởng mình “được” bằng Chúa thì lại “bị” đuổi khỏi vườn địa đàng.
Hãy suy nghĩ thêm về cái nghịch lý “bị” và “được” này.
2.
Nhìn lên Thập giá, ta có thể thấy được rất nhiều điều :
-
Thấy tội lỗi của mình
-
Thấy tình thương của Chúa
-
Thấy giá trị của đau khổ
-
Thấy ơn cứu độ
-
Thấy giải pháp cho vấn đề sự dữ v.v.
3.
Một bà goá đến xin cha sở chứng nhận để bà xin trợ cấp, vì con trai bà đi lính
và đang phục vụ ở nước ngoài. Cha sở chợt nhớ đến sứ điệp Thánh Kinh nên nói với
bà :
-
Có phải công lao của bà đáng lãnh số tiền đó ?
-
Không ạ. Đó là công của con trai con. Cháu muốn con được hưởng. Con chỉ việc kí
tên và lãnh tiền.
-
Phải, cũng như không phải công lao của bà mà bà được cứu độ, mà là công lao của
Con Thiên Chúa trên núi Can vê. Ngài muốn bà hưởng công lao đó. Bà chỉ việc kí
tên và lãnh nhận (Góp nhặt)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ
08/04/2014 - THỨ BA
TUẦN 5 MC
Th. Ta-nít-lao,
giám mục, tử đạo
Ga 8,21-30
TIN VÀO ĐẤNG HẰNG HỮU
“Khi các ông giương cao
Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu.” (Ga 8,28)
Suy
niệm: “Tôi Hằng Hữu”
có nghĩa Chúa Giê-su là Thiên Chúa, vô thủy vô chung, hiện hữu từ muôn đời. Thế
nhưng, Ngài không phải là vị chúa xa cách, xa lạ với con người. Ngài là
Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, Đấng đã nhập thể làm người, đồng
hành với con người, thấu hiểu nỗi khổ của con người. Thế nhưng, cả hai danh hiệu
ấy chỉ có thể tỏ hiện khi Ngài được giương cao trên thập giá. Nhìn lên thập
giá, ta nhận ra tình yêu đến cùng của Thiên Chúa dành cho con người. Nơi thập
giá, ta nhận ra tình yêu quá lớn Chúa Cha dành cho nhân loại, khi ban tặng món
quà quý nhất là chính Con Một mình. Nhìn lên thập giá và tin vào tình yêu Chúa
qua Đức Giê-su, ta nhận được ơn cứu độ, được cất khỏi gánh nặng của tội lỗi.
Mời Bạn: Cái
chết của Đức Giê-su, Đấng vô tội, là dấu chỉ tình yêu vô biên của Thiên Chúa và
nguồn mạch ơn tha thứ cho muôn người. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để bạn cảm
nhận được điều đó khi nhìn ngắm Đấng vô tội trở thành con chiên gánh tội, và chịu
giương cao trên thập giá để xoá bỏ tội trần gian. Rồi chính bạn cũng được mời gọi
gương cao trên thập giá của đời mình, qua những hy sinh, khổ chế... để kéo người
khác lên với Chúa.
Sống Lời Chúa: Tôi
sốt sắng tham dự các nghi thức mùa Chay như đi đàng Thánh Giá, ngắm 15 sự
Thương Khó...
Cầu
nguyện: Lạy Chúa là Chúa và
là Thiên Chúa của con! Xin cho con nhận ra Chúa luôn ở với con, đồng hành và sống
trong con để mọi việc con làm góp phần làm rạng Danh Chúa và mưu ích cho anh chị
em. Amen.
(5
Phút Lời Chúa)
Giương cao Con Người lên
Đức Giêsu đã sống trung tín như một Người Con,
người được Cha sai. Cha lúc nào cũng ở với Ngài, nên Ngài không biết đến cô đơn
Suy niệm:
“Khi các ông giương cao Con
Người lên…” (c.
28).
Đó là cách diễn tả về cái
chết của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan.
Cái chết trên thập giá đúng
là một sự giương cao nhục nhã, đau đớn.
Đức Giêsu bị treo lên cây gỗ
như một kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa.
Những kẻ giương cao Ngài lên
là các ông, các nhà lãnh đạo Do-thái.
Họ đã giết Đức Giêsu vì
nhiều lý do.
Lý do lớn nhất là vì Ngài đã
dám sống trọn vẹn cho Cha và cho con người.
Sống công chính đã khiến
Ngài trở nên nạn nhân cho cái chết bất công.
Cái chết của Đức Giêsu gắn
kết Ngài với muôn triệu cái chết khác
của những người vô tội trong
suốt dòng lịch sử.
Nhưng cái chết của Đức Giêsu
còn nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã biến cái chết
ghê rợn của Con Ngài thành dấu chỉ của tình yêu.
Nhìn lên thánh giá, chúng ta
thấy tình yêu của Cha tặng trao cho nhân loại.
Cha đã tặng tình yêu lớn
nhất là chính Con Một của mình.
Vì thế có thể nói chính Cha
đã giương cao Con mình trên thánh giá.
“Như ông Môsê đã giương cao
con rắn trong sa mạc,
Con Người cũng sẽ phải được
giương cao như vậy” (Ga
3, 14).
Đức Giêsu được
giương cao bởi chính Thiên Chúa qua cái chết của Ngài.
Như dân Do thái xưa đã nhìn
lên con rắn bằng đồng để được sống,
ai nhìn lên thánh giá và tin
vào tình yêu, người ấy sẽ được cứu độ.
Thập tự giá không còn là dấu
hiệu của cái chết bất lực của một nạn nhân.
Nó đã trở nên thánh giá với
sức mạnh phi thường.
“Phần tôi, một khi được
giương cao lên khỏi mặt đất,
tôi sẽ kéo mọi người lên với
tôi” (Ga 12, 32).
Qua việc giương cao này, sức
thu hút mạnh mẽ của thánh giá được bày tỏ.
Cả nhân loại được nâng lên
khỏi cái nặng nề tội lỗi của chính mình.
Đấng chịu đóng đinh vẫn lôi
kéo cả vũ trụ này mãi cho đến tận thế.
Cuối cùng, có thể nói chính
Đức Giêsu đã tự giương cao mình trên thánh giá.
“Mạng sống của tôi, không ai
lấy đi được,
nhưng chính tôi tự ý hy sinh
mạng sống mình” (Ga
10, 18).
Cái chết là kết quả tất yếu
của một cuộc sống dám để Cha chi phối trọn vẹn.
“Tôi không tự mình làm bất
cứ điều gì…
Chúa Cha dạy tôi thế nào thì
tôi nói như vậy…
Tôi luôn luôn làm những điều
đẹp ý Người” (cc.
28-29).
Đức Giêsu đã sống trung tín
như một Người Con, người được Cha sai.
Cha lúc nào cũng ở với Ngài,
nên Ngài không biết đến cô đơn (c. 29).
Mỗi Kitô hữu cũng được
giương cao trên thánh giá riêng của đời mình.
Và khi tôi gắn thánh giá của
tôi với thánh giá của Giêsu,
thánh giá nhỏ bé ấy sẽ có
sức kéo nhiều người lên với Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,
đó là ơn nhận ra Thánh giá
của Con Cha
trong mọi nỗi khổ đau của
đời con,
và ơn bước theo Con Cha trên
đường Thánh giá,
bao lâu tùy ý Cha định liệu.
Xin đừng để con trở nên chua chát
nhưng được trưởng thành nhờ
đón nhận đau khổ
với sự kiên nhẫn, quảng đại,
nhân từ
và lòng khát khao nóng bỏng
có ngày sẽ được ở nơi không
còn khổ đau.
Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi
giọt lệ
của những người đã yêu mến
Cha,
đã tin vào tình yêu Cha giữa
nỗi thống khổ,
tin vào ánh sáng của Cha
giữa đêm đen.
Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con
nói lên lòng tin của con
vào những lời hứa của Cha,
lòng cậy của con vào tình
yêu trung tín của Cha,
và lòng mến mà con dành cho
Cha.
Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân,
và yêu Cha chỉ vì Cha,
chứ không mong phần thưởng.
Ước gì Thánh giá trở nên mẫu gương cho con,
là ánh sáng cho đêm tăm tối,
nhờ đó con không còn coi khổ
đau
như một tai họa hay một điều
vô lý,
nhưng như một dấu chỉ cho
thấy
con đang thuộc về Cha mãi
mãi.
Karl Rahner
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy niệm
Trong dịp lễ Lều của người
Do thái, Chúa Giêsu đã giảng rất nhiều bao gồm nhiều đề tài khác nhau. Bài
Tin Mừng hôm nay nằm trong loạt bài giảng đó và nói về những lời Đức Giêsu đe
phạt Dân Do Thái, vì họ không tin lời Ngài. Chúa Giêsu đã khuyến cáo người Do
Thái nếu không tin vào Người, Đấng Cứu Độ, sẽ bị chết trong tội.
Đức
Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất, hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Bài Tin Mừng hôm
nay đã gợi lại niềm tin vào Ngài cho ta. Tuy rằng khi đó người Do Thái đã không
tin nhận Ngài. Còn hôm nay đối với chúng ta, mỗi người tự xét mình lại: niềm
tin vào Đấng cứu Độ trong tôi như thế nào? Tôi đã làm gì để biểu lộ Đức tin đó.
Chính khi Đức Giêsu “bị” giết trên thập giá, là lúc Ngài “được” tôn vinh và là
nguồn ơn cứu độ cho mọi người. Khi chúng ta “bị” đau khổ chúng ta có biết
“nhìn” lên thập giá Chúa là nguồn ơn cứu độ của chúng ta? Vậy hàng ngày chúng
ta có biết nhìn lên thập giá Chúa những khi gặp đau khổ buồn chán không? Nhìn
lên thập giá, ta thấy được rất nhiều điều:
- Thấy
tội lỗi mình.
- Thấy
tình thương của Chúa.
- Thấy
giá trị của đau khổ.
- Thấy ơn cứu độ.
Xin Chúa cho chúng con luôn biết tin nhận Chúa là Đấng cứu độ duy nhất của
con. Xin Cho chúng con luôn biết chấp nhận mọi thập giá Chúa gởi đến trong đời
và xin giúp sức để chúng con đủ sức vác thánh giá Chúa gởi đế trong đời.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
8
THÁNG TƯ
Chia Sẻ Kinh Nghiệm
Riêng Của Mình Cho Người Khác
“Thiên
Chúa đã nâng Đức Giêsu dậy, và tất cả chúng tôi làm chứng về điều đó” (Cv
2,32).
Chứng
từ của đức tin về Chúa Phục Sinh là một mối dây gắn kết tất cả các thành viên của
Dân Thiên Chúa lại bằng một cách thế đặc biệt. Công Đồng đã đúc kết tiếng gọi
này thành một lời hiệu triệu rõ ràng cho tất cả mọi giáo dân. Công Đồng tuyên bố
rằng sứ mạng này đúng thực thuộc về mọi người giáo dân, do họ đã tháp nhập vào
Đức Kitô qua Phép Rửa: “Mỗi người giáo dân phải là một chứng nhân cho thế giới
về sự sống lại và về sự sống của Chúa Kitô” (GH 38).
Một
cách thiết yếu, làm chứng nghĩa là chứng thực về sự chắc chắn của một sự thật –
và sự chắc chắn này, một cách nào đó, là kết quả của kinh nghiệm bản thân. Một
số phụ nữ đã là những người chứng đầu tiên về cuộc Phục Sinh của Chúa (Mt
28,5-8). Khi họ đến cửa mộ, họ không thấy Đức Giêsu, nhưng họ bắt đầu chắc chắn
về sự Phục Sinh của Người vì ngôi mộ trống rỗng và vì thiên thần nói với họ rằng
Người đã sống lại. Đó là cuộc hạnh ngộ nguyên sơ nhất của họ với mầu nhiệm Phục
Sinh. Kinh nghiệm của họ về Chúa càng đạt thêm giá trị khi Đức Giêsu hiện ra với
các Tông Đồ và các môn đệ trên đường về Emmau.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY 08-4
Ds 21, 4-9; Ga 8, 21-30.
LỜI SUY NIỆM: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông
sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng
Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy.”
Chúa Giêsu đã khẳng định với
người Do-Thái trong Đền Thờ: chính Chúa là người biết rõ mọi sự về Chúa Cha, được
chính Chúa Cha sai đến thế gian với con người, để nói những gì Thiên Chúa muốn
nói, làm những việc Thiên Chúa muốn làm cho con người; để cứu con người khỏi phải
chế, nhưng được sống, và sống hạnh phúc với Ngài. Nên Chúa mời gọi tất cả chúng
ta hãy nhìn lên Chúa trên Thập giá, để nhận ra và tin Chúa: là Con Thiên Chúa
và là Thiên Chúa thật.
Lạy Chúa Giêsu. Xin ban cho
mọi người trong gia đình chúng con trong mọi biến cố, trong mọi thử thách của
cuộc sống, luôn biết nhìn lên Thánh Giá Chúa, để lãnh nhận tình yêu của Chúa,
giúp chúng con chiến thắng để được sống và sống hạnh phúc.
Mạnh
Phương
08
Tháng Tư
Cái Này Của Tôi
Hai
hiền nhân đã chung sống với nhau dưới một mái nhà trải qua nhiều năm tháng,
nhưng không bao giờ họ lớn tiếng cãi vã nhau. Một hôm kia, một người có ý nghĩ
ngộ nghĩnh. Ông bảo bạn:
"Ít
ra là một lần, tôi muốn chúng ta phải cãi vã nhau, như chúng ta thấy thiên hạ
thường làm".
Ông
kia không khỏi ngạc nhiên về ý nghĩ kỳ lạ này, nhưng chiều bạn, ông ta hỡm hờ hỏi:
"Cãi vã thế nào được, ít ra chúng ta phải tìm ra một việc gì chính đáng để
cãi nhau chứ". Người có ý kiến phải cãi nhau đề nghị: "Này nhé, dễ lắm!
Tôi để một viên đá ra giữa sân và quả quyết viên đá này là của tôi. Ông phải
phùng mang trợn mắt, đỏ mặt tía tai và lớn tiếng cãi lại: làm gì có chuyện đó,
viên gạch là của tôi. Rồi sau đó chúng ta cãi nhau".
Nói
xong ông ta bèn ra đường và tìm một viên đá to, khệ nệ khiêng ra đặt ở giữa
sân. Ông bạn kia bắt đầu ngay, ông ta lớn tiếng:
"Viên
đá đó của tôi mà mắc mớ gì ông lại mang ra giữa sân". Ông kia cãi lại:
"Viên đá này là của tôi. Tôi vừa tìm được ở ven đường. Bộ ông mù rồi sao
mà không thấy?". Nghe nói thế, ông kia đáp:
"À
phải rồi, viên đá đó ông tìm được thì đúng là của ông rồi. Vả lại tôi cũng
không cần có đá để làm gì".
Nói
xong, ông ta bỏ đi làm việc khác. Thế là ý định cãi nhau của hai người không được
thành tựu như ý muốn.
Ngay
từ thuở bập bẹ nói được, con người đã học câu "Cái này là của tôi" để
thể hiện quyền làm chủ của mình. Quan sát các cuộc cãi nhau của trẻ con, chúng
ta nghe thấy câu nói đó được lặp đi lặp lại nhiều nhất.
Rồi trong xã hội của những người lớn, dù có những cách nói hoa mỹ hay những lý luận có vẻ hợp lý hơn, nhưng chung quy phần lớn những mối bất hòa vẫn xoay xung quanh câu xác quyết "Cái này là của tôi".
Rồi trong xã hội của những người lớn, dù có những cách nói hoa mỹ hay những lý luận có vẻ hợp lý hơn, nhưng chung quy phần lớn những mối bất hòa vẫn xoay xung quanh câu xác quyết "Cái này là của tôi".
Trẻ
con tranh nhau hòn bi, trái banh. Người lớn giành nhau địa vị, lợi lộc. Quốc
gia tranh nhau đất đai, hòn đảo, vùng ảnh hưởng, môi trường tiêu thụ.
Trẻ
con dùng lời vã cãi nhau, dùng thoi đánh đấm nhau. Người lớn dùng bạo lực, thủ
đoạn thanh toán nhau. Quốc gia dùng khí giới, bom đạn giết hại, tàn phá nhau.
Ngược
lại bẩm tính thích tranh nhau chiếm hữu này, sứ điệp của Giáo Hội luôn vang lên
hai tiếng: Chia sẻ.
Ở
Hoa Kỳ, mỗi gia đình công giáo được phân phát một hộp giấy, để trong suốt Mùa
Chay, mỗi phần tử trong gia đình bỏ vào đấy những đồng tiền tiết kiệm do bớt
ăn, bớt uống, bớt chi tiền vào những việc giải trí. Cuối Mùa Chay, những số tiền
dành dụm đó được đóng góp vào quỹ dành cho việc tài trợ những chương trình cứu
tế xã hội trong và ngoài nước.
(Lẽ
Sống)
8-4
Thánh
Julie Billiart
(1751
- 1816)
S
|
inh
ở Cuvilly, nước Pháp, trong một gia đình nông dân trung lưu, ngay từ nhỏ Marie
Rose Julie Billiart đã có lòng đạo hạnh và muốn giúp đỡ người nghèo. Mặc dù những
năm niên thiếu thật êm đềm và thanh thản, nhưng khi lớn lên Julie đã phải làm
việc lao động để giúp đỡ tài chánh cho gia đình. Tuy nhiên, cô vẫn dành thời giờ
để dạy giáo lý cho các trẻ em và các nông dân.
Khoảng
20 tuổi, sau khi tận mắt chứng kiến cảnh kẻ thù địch muốn giết hại cha mình, cô
Julie đã bị chấn động đến độ bất toại và tàn phế. Trong thời gian này, khi chịu
lễ hàng ngày, cô luyện tập đời sống tâm linh và dành bốn đến năm giờ đồng hồ
trong sự chiêm niệm. Trong vòng hai thập niên kế đó, dù phải liệt giường nhưng
cô vẫn tiếp tục dạy giáo lý, khuyên bảo và thu hút nhiều người đến với cô vì
nghe tiếng thánh thiện của cô.
Khi
cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ năm 1789, cô Julie dùng nhà mình làm nơi ẩn náu cho
các linh mục đang bị lùng bắt. Do đó, chính cô trở thành nạn nhân bị săn đuổi.
Với sự giúp đỡ của bạn bè, cô ẩn trong chiếc xe bò chở rơm trốn đến Cuvilly;
trong một vài năm kế tiếp cô trốn ở Compeigne, di chuyển từ nhà này sang nhà
khác bất kể sự đau đớn về thể xác. Có lần cô đau đớn đến độ mất cả tiếng nói.
Nhưng
giai đoạn này là thời gian phát triển đời sống tâm linh của Julie. Chính trong
thời gian này cô được nhìn thấy Chúa Giêsu trên đồi Canvê mà bao quanh là các
phụ nữ mặc áo dòng, và cô nghe có tiếng nói, "Ðây là những người con
tinh thần mà Ta trao cho con trong một tổ chức có dấu thập giá." Thời
gian trôi qua và Julie quen biết với một phụ nữ quý tộc, cô Francoise Blin de
Bourdon, là người cùng chia sẻ việc dạy giáo lý với cô. Vào năm 1803, hai người
bắt đầu thành lập một tổ chức lấy tên là Hội Dòng Ðức Bà Namur, để giáo dục người
nghèo cũng như các thiếu nữ Công Giáo và huấn luyện giáo lý viên. Năm 1804, cô
Julie được bình phục và có thể đi lại bình thường sau 22 năm tàn phế. Vào năm
1805, Julie và ba người bạn là các nữ tu đầu tiên của Hội Dòng Ðức Bà Namur khấn
trọn. Sơ Julie được bầu làm Mẹ Bề Trên của tu hội trẻ trung này.
Mặc
dù Sơ Julie luôn luôn chú ý đến nhu cầu của người nghèo và đó vẫn là điều tiên
quyết, nhưng sơ nhận thấy những người thuộc giai cấp khác của xã hội cũng cần
được học hỏi về giáo lý Công Giáo. Từ lúc thành lập tu hội Các Nữ Tu của Ðức Bà
cho đến khi từ trần, Sơ Julie luôn luôn di chuyển để mở các trường học khác
nhau ở Pháp và Bỉ để phục vụ người nghèo cũng như giầu. Sau cùng, Sơ Julie và
Sơ Francoise di chuyển nhà mẹ đến Namur, nước Bỉ.
Sơ
Julie từ trần năm 1816, và được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI phong thánh năm 1969.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét