02/03/2015
Thứ Hai Tuần II Mùa
Chay Năm lẻ
BÀI
ĐỌC I: Đn 9, 4b-10
"Chúng con đã phạm tội và đã làm điều gian ác".
Trích
sách Tiên tri Đaniel.
Lạy
Chúa là Thiên Chúa cao cả và đáng kính sợ, Đấng giữ lời giao ước và lòng từ bi
đối với những ai kính mến Người và tuân giữ những giới răn của Người. Chúng con
đã phạm tội và làm điều gian ác; chúng con đã bỏ các giới răn và lề luật Chúa.
Chúng con đã không nghe lời các tiên tri tôi tớ Chúa, những người đã nhân danh
Chúa nói với các vua chúa, thủ lãnh, cha ông và toàn dân trong xứ chúng con. Lạy
Chúa, sự công chính thuộc về Chúa, còn phần chúng con là phải chịu hổ mặt như
ngày hôm nay, chúng con là những người thuộc dòng dõi Giuđa, những dân cư ở
Giêrusalem, toàn dân Israel, những kẻ gần xa, sống trong mọi nước mà Chúa đã
phân tán họ tới đó, vì tội ác mà họ đã phạm nghịch cùng Chúa. Lạy Chúa, điều
dành cho chúng con, các vua chúa, thủ lãnh, cha ông chúng con là phải chịu hổ mặt,
vì đã phạm tội. Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con, vì
chúng con phản bội cùng Chúa. Chúng con đã không vâng theo tiếng Chúa là Thiên
Chúa chúng con, để sống theo lề luật mà Chúa đã dùng các tiên tri, tôi tớ Chúa,
rao giảng cho chúng con. Đó là lời Chúa.
ĐÁP
CA: Tv 78, 8. 9. 11 và 13
Đáp:
Lạy Chúa, xin đừng xử với chúng con như chúng con đáng tội (Tv 102, 10a).
1)
Xin đừng nhớ lỗi tiền nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận
chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi! - Đáp.
2)
Ôi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh
Chúa; xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài. - Đáp.
3)
Xin cho tiếng tù binh rên siết vọng tới thiên nhan; xin ra tay thần lực giải
thoát người mang án tử. Phần chúng con là thần dân Chúa, là đoàn chiên Chúa
chăn nuôi, chúng con sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời; đời nọ sang đời kia, chúng
con loan truyền lời ca khen Chúa. - Đáp.
CÂU
XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 3, 16
Thiên
Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Người; mọi kẻ tin Ngài, thì
được sống đời đời.
PHÚC
ÂM: Lc 6, 36-38
"Hãy tha thứ thì các con sẽ được thứ tha".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy ở nhân từ như Cha
các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết
án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy
cho thì sẽ cho lại các con: Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy
tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong
trả lại bằng đấu ấy!" Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
SUY NIỆM: Hãy sống nhân từ.
Mahatma
Ganhdi, một nhà ái quốc Ấn Độ, lúc còn trẻ, ông sang Anh quốc học nghề luật sư
và nhờ đó có dịp tiếp xúc với Kitô giáo. Ông đọc Phúc âm thường xuyên và rất
say mê Chúa Kitô, đặc biệt ông thán phục bản Hiến chương Tám Mối Phúc Thật và lấy
đó làm nguồn cảm hứng cho đường lối bất bạo động của ông trong việc dành lại độc
lập cho dân tộc mình. Tuy nhiên, có lần ông đã tâm sự với một người thân cận rằng:
dù thán phục giáo lý của Chúa Kitô, nhưng ông không thể trở thành kẻ tin Chúa,
vì ông thấy nhiều Kitô hữu không sống Tám Mối Phúc Thật của Chúa. Ông nói: “Tôi
yêu mến Chúa Kitô, nhưng tôi ghét người Kitô hữu, vì họ không giống Chúa Kitô.
Nếu họ giống Chúa Kitô thì dân Ấn Độ chúng tôi đã trở lại Công giáo cả rồi”.
Nhận
xét của Mahatma Ganhdi trên đây phải cảnh tỉnh chúng ta về ơn gọi và trách nhiệm
của chúng ta. Là người Kitô hữu, chúng ta phải sống như Chúa Kitô, phải có những
tâm tình từ bi, nhân hậu, yêu thương như Ngài. Tin mừng hôm nay là một bản tóm
lược giáo huấn yêu thương của Chúa. Ngài mạc khải cho chúng ta về một Thiên
Chúa là Cha nhân từ, đồng thời bày tỏ cho chúng ta biết phải sống thế nào để xứng
đáng là con cái Cha trên trời và cảm nhận được tình yêu của Ngài. Thế nhưng,
Thiên Chúa là Đấng vô hình không ai đã thấy Ngài bao giờ ngoại trừ Con Một Ngài
là Đức Giêsu Kitô. Chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa như thế nào,
và chỉ qua Ngài, con người mới có thể thấy và cảm nhận được lòng nhân từ của
Thiên Chúa. Do đó, khi mời gọi chúng ta hãy nên trọn lành như Cha trên trời,
Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng Ngài là mẫu mực của sự trọn lành, chỉ có Ngài mới
thể hiện trọn vẹn lòng nhân từ của Thiên Chúa. Cũng chính vì thế, Ngài đã tóm gọn
cả cuộc sống người Kitô hữu bằng mệnh lệnh: “Hãy theo Ta”, nghĩa là hãy sống
như Ngài, sống bằng chính sức sống của Ngài, để có thể nói được như thánh
Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong
tôi”.
Nguyện
cho sức sống Chúa Kitô mà chúng ta tiếp nhận qua Thánh Thể và các Bí tích làm
chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, ngõ hầu lòng nhân từ của Thiên
Chúa mà Ngài đã thể hiện cũng được tiếp tục tỏ bày qua cuộc sống của chúng ta.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần II MC
Bài đọc: Dan 9:4-10; Lk 6:36-38.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy tha thứ như
Thiên Chúa đã tha thứ.
Nhiều
người hôm nay đã đánh mất ý thức tội lỗi; và như một hậu quả, họ phải chịu nhiều
hình phạt do tội lỗi mang lại cho cá nhân, cho gia đình, cũng như cho xã hội. Hậu
quả xảy ra cho cá nhân có thể thấy qua sự nóng nảy, ghen tương, và nghiền ngập
đủ lọai. Hậu quả xảy ra cho gia đình có thể nhận ra qua những cãi vã, giận hờn,
và chia ly cách biệt. Hậu quả xảy ra cho xã hội có thể nhìn thấy qua những tội
ác, nghèo đói, và khủng hỏang kinh tế trầm trọng. Những điều này cho con người
thấy tội lỗi không phải chỉ gây thiệt hại cho cá nhân, nhưng gia đình và xã hội
cũng phải chịu thiệt hại. Vì thế, mọi người trong xã hội đều có bổn phận khuyên
bảo, dạy dỗ, và tạo một môi trường lành mạnh cho các cá nhân được lớn lên trong
đó.
Người
tín hữu Công Giáo có một bảo vật quí giá để giải quyết những vấn đề này là
Bí-tích Giải Tội mà nhiều tín hữu đã không biết lợi dụng. Việc xét mình thường
xuyên sẽ giúp cho các cá nhân nhận ra những thói quen xấu và sửa trị kịp thời.
Tất cả các mặc cảm tội lỗi được tha thứ khi họ thú nhận tội với vị linh mục nơi
tòa Giải-Tội. Xét mình còn giúp cho các cá nhân nhìn ra những yếu đuối và tội lỗi
của tha nhân, họ cũng là người yếu đuối và tội lỗi như mình. Nếu mình đã được
Thiên Chúa tha thứ tất cả các tội, mình cũng phải tha thứ tất cả cho anh chị em
như vậy. Điều này sẽ dẫn tới việc hàn gắn các mối liên hệ trong gia đình cũng
như ngòai xã hội.
Các
Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra sự quan trọng của việc ăn năn xám hối. Trong
Bài Đọc I, tiên tri Daniel nhìn rõ tất cả mọi con dân Israel đã xúc phạm đến
Thiên Chúa, và xứng đáng lãnh nhận mọi hình phạt trong nơi lưu đày. Họ đã vi phạm
Lề Luật của Thiên Chúa nhiều lần, và quay lưng lại với các tiên tri mà Ngài đã
liên tục gởi đến cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ hãy có
lòng nhân từ như Thiên Chúa là Đấng nhân từ. Để thực hiện điều này, các môn đệ
phải nhận ra lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với chính họ qua việc tha thứ các
tội lỗi; trước khi họ có thể tỏ lòng nhân từ với anh em.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Lời thú tội của tiên tri Daniel
Trong
nơi lưu đày, người Do-Thái có nhiều thời gian và cơ hội nhìn lại quá khứ, để
tìm hiểu ra lý do họ phải sống cực khổ xa quê hương. Họ là dân riêng của Thiên
Chúa, và Ngài hứa sẽ yêu thương và bảo vệ họ nếu họ tuân giữ các Lề Luật Ngài
ban qua Moses. Tiên tri Daniel là người sống nơi lưu đày, khi xét mình đã nhận
ra hai lỗi lầm lớn của tòan dân như sau:
(1)
Tòan dân đã không tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa: TT Daniel thú nhận với Thiên
Chúa: “Chúng con đã phạm tội, đã lỗi lầm, đã làm điều gian ác, chúng con đã phản
nghịch và lìa xa các mệnh lệnh, phán quyết của Ngài.” Những tội chính các tiên
tri đã tố cáo Israel trước khi bị lưu đày là bất trung, cúi đầu thờ lạy các thần
ngọai và quay lưng lại Thiên Chúa; giả hình, dâng lễ vật và cầu nguyện cho qua
lần chiếu lệ; bất công, dùng luật lệ để cướp của dân nghèo.
Nhận
ra tội lỗi của mình cũng là lúc nhận ra sự công chính của Thiên Chúa: Ngài
không vi phạm giao ước Ngài đã ký kết, chính Israel đã xé giao ước này khi phạm
tội: “Lạy Chúa Thượng, Chúa là Đấng Công Chính; còn chúng con thì đáng phải hổ
mặt hổ mày như ngày hôm nay - chúng con là những người Judah, cư dân thành
Jerusalem và toàn thể Israel, những người ở gần cũng như ở xa, trong mọi xứ
Ngài đã đuổi đến vì tội bất trung đã phạm chống lại Ngài.”
(2)
Tòan dân đã không vâng lời các tiên tri Thiên Chúa gởi đến: Thiên Chúa không sửa
phạt các cá nhân hay tòan dân Israel ngay lần đầu sau khi họ phạm tội; nhưng
Ngài kiên nhẫn gởi nhiều ngôn sứ tới, miền Nam cũng như miền Bắc, để kêu gọi họ
ăn năn xám hối. Không những họ đã không nghe lời, lại còn đối xử tàn tệ với các
tiên tri. TT Daniel thú tội: “Chúng con đã không nghe lời các tôi tớ Chúa là
các ngôn sứ. Các ngài đã nhân danh Chúa mà nói với vua chúa quan quyền, với cha
ông chúng con và toàn dân trong xứ.”
Mặc
dù tòan dân đã xúc phạm đến Thiên Chúa, và xứng đáng đón nhận mọi hình phạt
Ngài dùng để sửa trị; TT Daniel vẫn tin lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn
các tội phản nghịch của Israel: “Chúa Thượng là Thiên Chúa chúng con có lòng
xót thương và hay tha thứ, vì chúng con đã phản nghịch cùng Ngài.” Tiên tri tin
tưởng, nếu tòan dân biết ăn năn xám hối, Thiên Chúa sẽ xót thương và tha thứ.
2/
Phúc Âm:
Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.
2.1/
Xét mình và xưng tội thường xuyên giúp con người trở nên nhân từ: Nhân đức là thói
quen tốt được dùng để sửa trị tội lỗi, là những thói quen xấu. Để có lòng nhân
từ, con người phải qua một tiến trình như sau:
(1)
Nhận ra yếu đuối và tội lỗi của mình: Xét mình là việc đầu tiên phải làm để nhận
ra tội mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. Người không thường xuyên
xét mình sẽ không nhận ra tội cần sửa chữa; và vì vậy, họ coi mình tốt lành, và
dễ kiêu ngạo để phán xét và lên án tha nhân. Người thường xuyên xét mình dễ nhận
ra tội lỗi để thú tội và lãnh nhận ơn tha thứ; đồng thời việc xét mình cũng
giúp họ sửa trị kịp thời những thói quen xấu: “năng xét mình, năng chừa” là vậy.
Ai cũng biết thói quen xấu để lâu ngày rất khó chừa.
(2)
Nhận ra yếu đuối và tội lỗi của tha nhân: Xét mình không chỉ giúp cho sự thăng
tiến cá nhân, nhưng còn giúp cho sự thăng tiến gia đình và xã hội. Xét mình
giúp con người nhận ra sự yếu đuối của con người: “thánh nhân ngày còn ngã 7 lần;”
không ai không có tội. Nếu mình cũng có đầy khuyết điểm tội lỗi, tại sao lại bắt
người khác phải tốt lành, thánh thiện, điều không ai có thể làm nổi! Vì thế,
con người dễ dàng nhân từ và tha thứ cho tha nhân hơn. Nếu Thiên Chúa đã nhân từ
tha thứ cả núi tội của mình, không có lý do gì mình lại giữ những tội nhiều khi
quá nhỏ của tha nhân, như Chúa Giêsu cảnh cáo: “Anh em đừng xét đoán, thì anh
em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên
Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.”
2.2/
Ăn ở rộng lượng với mọi người: Nguồn gốc của tình yêu nhân từ và tha thứ đến từ Thiên Chúa.
Ngài thương yêu và tha thứ khi con người vẫn còn là tội nhân, và chẳng ra điều
kiện gì trước khi tha thứ. Vì thế, khi con người đã được hưởng lòng nhân từ của
Thiên Chúa, con người cũng phải đối xử nhân từ với tha nhân như vậy: đừng tha
thứ nửa chừng, cũng đừng đòi điều kiện nào cả, như Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy
cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn,
đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì
Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Nhận ra mình là tội nhân giúp chúng ta hai điều: Chúng ta cần được Thiên Chúa
tha thứ và chúng ta sẽ dễ dàng thông cảm và tha thứ cho anh chị em hơn. Ngược lại,
nếu không nhận ra mình là tội nhân, chúng ta sẽ dễ dàng kiêu ngạo coi mình là
hòan thiện; và rất dễ phê bình, xét đóan, kết án, và không tha thứ cho người
khác.
-
Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, chúng ta biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối,
và Máu Cực Thánh của Chúa Giêsu đổ ra sẽ không sinh ích lợi cho chúng ta.
-
Bí-tích Gỉai-Tội không thể thiếu cho việc thăng tiến cá nhân và bảo vệ hạnh
phúc gia đình. Gia đình nào năng cùng nhau lãnh nhận Bí-tích này sẽ dễ dàng giải
quyết các xung đột.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
02/03/15 THỨ HAI TUẦN 2
MC
Lc 6,36-38
Lc 6,36-38
Suy niệm: Theo Sách Sáng Thế, khi sáng tạo con người, “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh
Thiên Chúa” (St 1,27). Như thế, việc
con người trở nên giống Thiên Chúa không phải là ý tưởng viển vông mà là kế
hoạch ngàn đời của Thiên Chúa. Nếu có viển vông, là ý tưởng con người đòi trở
nên giống Thiên Chúa bằng cách loại Thiên Chúa ra khỏi đời mình chứ không phải
hành động theo chương trình của Ngài. Với sự kiêu ngạo này, con người nên giống
ma quỉ hơn là giống Thiên Chúa. Chúng đã thành công khi dụ dỗ tổ tông loài
người ăn “trái cấm” để trở nên bằng Thiên Chúa trong sự khôn ngoan; và chúng
cũng tiếp tục thành công mỗi khi cám dỗ được con người chống lại ý muốn của
Thiên Chúa.
Mời Bạn: Đức Ki-tô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là khuôn mẫu cho
những ai muốn nên giống Thiên Chúa. Vâng nghe lời Ngài là vâng nghe lời Thiên
Chúa, trở nên giống Ngài là trở nên giống Thiên Chúa. Chính Chúa Cha đã tuyên
phán: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy
vâng nghe lời Người” (Mc
9,7).
Chia sẻ: Ma quỉ đã thành công khi trao cho tổ tông loài người “trái
cấm”, vậy những loại “trái cấm” ngày nay chúng trao cho ta là gì?
Sống Lời Chúa: Làm cho người khác điều mà ta muốn họ làm cho ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không chỉ muốn chúng con nên tốt, mà còn muốn
chúng con nên giống Chúa. Xin cho chúng con biết việc phải làm, và xin ban ơn
nâng đỡ, để mỗi công việc của chúng con đều phản ánh lòng nhân từ của Chúa, hầu
giúp mọi người nhận biết Chúa là Cha.
Hãy có lòng nhân
Mùa Chay là thời gian để ta sống lòng nhân của
Thiên Chúa. Hãy thay đổi cái đấu ta thường dùng để đong cho người khác, chúng
ta sẽ thấy mình giàu có hơn xưa.
Suy niệm:
Lòng nhân có chỗ đứng quan
trọng trong Khổng giáo.
Sách Luận Ngữ coi lòng nhân
là nét đặc trưng của con người.
Phật giáo cũng đề cao tinh
thần từ bi hỷ xả.
Lấy ân báo oán, oán sẽ tiêu
tan.
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Đức Giêsu mời các môn đệ
“Hãy có lòng nhân từ như
Cha anh em là Đấng nhân từ” (c. 36).
Như thế nhân từ là nét đặc
biệt nơi Thiên Chúa.
Nhân từ nằm ở nơi khuôn mặt
và ngay nơi trái tim của Ngài.
Như tín đồ của các tôn giáo
khác, Kitô hữu phải sống lòng nhân.
Nhưng hơn nữa, ở đây, Đức
Giêsu mời gọi chúng ta
bắt chước lòng nhân từ của
chính Thiên Chúa,
một lòng nhân từ không bị
giới hạn bởi bất cứ ngăn cách nào.
Lòng nhân được diễn tả bằng
bốn mệnh lệnh của Đức Giêsu,
hai mệnh lệnh tiêu cực và
hai mệnh lệnh tích cực.
Các mệnh lệnh này đều ngắn
gọn và nhịp nhàng.
Phần sau của mỗi mệnh lệnh
đều ở thể thụ động,
nhằm nói lên hành động của
Thiên Chúa.
“Đừng xét đoán để khỏi bị
xét đoán, đừng kết án để khỏi bị kết án,
hãy tha thứ thì sẽ được tha
thứ, hãy cho thì sẽ được cho lại.”
Xét đoán ở đây không có ý
nói đến hành động xét xử của vị quan tòa.
Nó chỉ muốn nói đến khuynh
hướng hay phê bình, chỉ trích người khác.
Cần để ý đến tam giác giữa
Thiên Chúa, tha nhân và chúng ta.
Thái độ của ta đối với tha
nhân thế nào,
ta sẽ bị Thiên Chúa đối xử
lại như vậy.
Nói cách khác, ta muốn được
Thiên Chúa đối xử với mình ra sao,
ta hãy đối xử với tha nhân
như vậy.
Càng cho nhiều và tha thứ
nhiều, càng bớt xét đoán hay kết án,
ta càng được hưởng lòng nhân
từ của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đong lại cho
chúng ta bằng đấu của chúng ta,
không phải vì Ngài thiếu
quảng đại hay rộng lượng.
Nhưng vì giống như người đi
múc nước bằng một chiếc thùng nhỏ,
người ấy sẽ chỉ lấy được ít
nước thôi.
Thiên Chúa muốn ban cho ta
nhiều hết sức,
nhưng điều đó còn tùy vào
sức chứa của ta.
Có khi chính ta lại tự giới
hạn khả năng đón nhận của mình.
Mùa Chay là thời gian để ta
sống lòng nhân của Thiên Chúa.
Hãy thay đổi cái đấu ta
thường dùng để đong cho người khác,
chúng ta sẽ thấy mình giàu
có hơn xưa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của
Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con
quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình
cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung
tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an,
trong sáng,
không một biến cố nào làm
xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy
động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi
gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người
thù ghét con.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2
THÁNG BA
Thiên
Chúa Gọi Đích Danh Chúng Ta
Cũng
như Mô-sê được gọi trong khi ông đang chăn giữ đoàn vật trong hoang địa, Thiên
Chúa gọi chúng ta trong hoang địa. Ngài gọi đích danh chúng ta, như Ngài đã gọi
Mô-sê: “Mô-sê! Mô-sê!” (Xh 3,4).
Thiên
Chúa truyền lệnh cho chúng ta cũng như Ngài đã truyền lệnh cho Mô-sê: “Hãy cởi
giày ra khỏi chân ngươi, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh” (Xh 3,5).
Hãy
cởi bỏ sự cứng cỏi ra khỏi lòng bạn! Hãy nhổ rễ sự kiêu căng ra khỏi tâm trí và
ý chí bạn. Thời gian Mùa Chay là một thời gian thánh của Giáo Hội. Đó là một thời
gian đầy sức mạnh. Đó là một thời gian mà Thiên Chúa hiện diện với chúng ta một
cách đặc biệt.
Mùa
Chay truyền lệnh cho con tim và lương tri chúng ta quay về với Thiên Chúa – Đấng
đã tỏ hiện cho Mô-sê trong hoang địa. Ngài là Thiên Chúa của Abraham, Thiên
Chúa của I-sa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp. Ngài là Thiên Chúa của uy phong khôn
sánh, và cũng là Vị Thiên Chúa tìm kiếm con người để thiết lập một giao ước với
con người.
Hãy
lưu ý điều này: Thiên Chúa đã tự biểu lộ chính Ngài trong hình thức một bụi gai
bốc cháy mà không bị thiêu rụi (Xh 3,2). Vị Thiên Chúa tình yêu toàn năng tự tỏ
hiện chính Ngài trước mắt của Mô-sê trong hình thức của một bụi gai bốc cháy.
Đấy
là Thiên Chúa, là Đấng siêu việt. Người ta không thể nhìn thấy Ngài bằng mắt trần
khi còn đang sống trên mặt đất này. Mô-sê giấu mặt đi, bởi vì ông sợ không dám
nhìn Thiên Chúa (Xh 3,6). Rồi, ông nghe tiếng Thiên Chúa phán: “Đừng bước tới gần
thêm!” (Xh 3,5). Mô-sê vừa sợ hãi vừa bị hấp lực bởi Đấng đang phán bảo ông từ
trong bụi gai. Sự hiện diện của Thiên Chúa bao trùm lấy ông. Ông chìm đắm trong
sự thánh thiện của Thiên Chúa và được biến đổi một cách thâm sâu bởi cuộc gặp gỡ
này.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY
02-3
Đn
9,4b-10; Lc 6,36-38.
LỜI
SUY NIỆM: “Anh em hãy có lòng
nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”
Thiên
Chúa là Tình Yêu, Ngài đã tạo dựng tất cả những gì cần thiết cho con người được
hưởng dùng, Người nhìn thấy, thấu hiểu mọi sự của con người với rộng lòng tha
thứ hằng chờ đợi con người sám hối trở về, và Ngài luôn rộng mở giăng tay ôm
vào lòng Ngài. Chúa Giêsu muốn tất cả mọi con người đều được ở trong tình yêu của
Thiên Chúa nên đã mời gọi hết thảy mọi con người phải có lòng nhân từ, như Cha
anh em là Đấng nhân từ. Để từ đó chúng ta không còn lên án nhau, không còn hận
thù chia rẽ và loại bỏ nhau, nhưng cùng nhau xây dựng một nền hòa bình và hạnh
phúc.
Lạy
Chúa Giêsu, tất cả chúng con đều đang cần được sống trong lòng nhân từ của
Chúa. Xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết sống với
lòng nhân từ, để cùng nhau được vui sống trong hòa bình hạnh phúc.
Mạnh
Phương
02
Tháng Ba
Bàn Thờ Cho Người
Nô Lệ
Du
khách đến viếng thăm nước Tanzania bên châu Phi không thể không dừng chân trước
Nhà Thờ chính tòa Anh Giáo tại Zanzibar.
Bước
vào nhà thờ, người ta có thể đọc ngay lời chào đón được viết trên tường như
sau: "Bạn đang ở trong nhà thờ chính tòa của Ðức Kitô. Nơi đây đã từng là
chợ buôn người nô lệ".
Ngôi
thánh đường này đã được xây ngay trên chính khu đất mà ngày xưa người da trắng
đã tập trung không biết bao nhiêu người Phi Châu để buôn bán đổi chác như những
con thú. Ðặc biệt nhất là bàn thờ của ngôi thánh đường: đây là nơi mà trước khi
được bán, người nô lệ phải chịu đánh đòn. Sở dĩ người ta phải dùng roi để quất
vào người nô lệ là để xem người ấy còn khỏe mạnh không.
Cột
trụ ở ngay lối vào nhà thờ là một cây thánh giá gỗ có mang tên của nhà giải
phóng Livingstone, một nhà thám hiểm người Anh, đã hô hào chống lại cuộc buôn bán
vô nhân đạo này. Cây thánh giá mang tên ông đã được chạm trổ từ gốc cây nơi ông
thường đứng để hô hào cuộc chiến bãi bỏ việc buôn bán người nô lệ.
Mãi
đến ngày 06 tháng 6 năm 1873, việc buôn bán người nô lệ mới chính thức bị cấm
chỉ bằng một đạo luật. Kể từ đó, phẩm giá đích thực của người da đen mới được
nhìn nhận.
Cũng
như một đan viện dòng kín đã được dựng lên ngay bên cạnh trại tập trung
Auschwitz bên Ba Lan để âm thầm nhắc nhở về những độc ác dã man mà con người đã
có thể làm cho người khác, thì nhà thờ chính tòa Anh Giáo tại Zanzibar cũng là
một nhắc nhở về một quá khứ vô cùng đau thương và đen tối của cả nhân loại, khi
con người chỉ xem những giống người khác như thú vật để đổi chác. Nhưng một tưởng
niệm không chỉ dừng lại ở khía cạnh kết án, nó còn là một mời gọi để cam kết sống
đích thực hơn. Ðối lại với chà đạp dã man phải là sự tôn trọng yêu thương mà
con người phải có đối với tha nhân.
Cuộc
sống của người Kitô chúng ta được xây dựng trên một tưởng niệm vô cùng cao cả:
đó là cái chết của Ðức Kitô được thực hiện trong Thánh Lễ. Thánh lễ vừa là một
nhắc nhở về cái chết vô cùng dã man mà Ðức Kitô đã trải qua, vừa là một tưởng
niệm về Tình Yêu vô bờ của Thiên Chúa đối với con người, vừa là một mời gọi sống
yêu thương, yêu thương đến nỗi có thể chết thay cho người khác... Chúng ta
không thể tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu mà vẫn tiếp tục cưu mang hận thù,
mà vẫn nuôi dưỡng sự khinh rẻ đối với tha nhân.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét