26/03/2015
Thứ Năm sau Chúa Nhật
V Mùa Chay
Bài
Ðọc I: St 17, 3-9
"Ngươi
sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc".
Trích
sách Sáng Thế.
Trong
ngày ấy, Abram sấp mình xuống đất và Thiên Chúa phán cùng ông rằng: "Này
Ta đây, Ta giao ước với ngươi, ngươi sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc. Thiên hạ sẽ
không còn gọi ngươi là Abram nữa, nhưng sẽ gọi là Abraham, vì Ta đặt ngươi làm
tổ phụ nhiều dân tộc. Ta sẽ ban cho ngươi con cháu đông đúc. Ta sẽ đặt ngươi
làm tổ phụ nhiều dân tộc, và nhiều vua chúa xuất thân từ ngươi. Ta sẽ thiết lập
giao ước vĩnh viễn giữa Ta với ngươi cùng con cháu ngươi từ thế hệ này qua thế
hệ khác, để Ta trở nên Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi. Ta sẽ ban
cho ngươi và dòng dõi ngươi đất mà ngươi cư ngụ, sẽ cho ngươi làm chủ vĩnh viễn
toàn cõi đất Canaan và Ta sẽ là Chúa của chúng".
Chúa
lại phán cùng Abraham rằng: "Phần ngươi và dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang
đời kia, hãy giữ lời giao ước của Ta".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 104, 4-5. 6-7. 8-9
Ðáp: Tới muôn đời
Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).
Xướng:
1) Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn
luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ và những điều
Ngài phán quyết. - Ðáp.
2)
Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được
Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao
trùm khắp cả địa cầu. - Ðáp.
3)
Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế
hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac. -
Ðáp.
Câu
Xướng Trước Phúc Âm: Am 5, 14
Các
ngươi hãy tìm điều lành, chớ đừng tìm điều dữ, để các ngươi được sống và Chúa sẽ
ở cùng các ngươi.
Phúc
Âm: Ga 8, 51-59
"Cha
các ngươi là Abraham đã hân hoan vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi
ấy, Chúa Giêsu nói với người Do-thái rằng: "Quả thật, quả thật, Ta bảo các
ngươi: Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết". Người Do-thái
lại nói: "Bây giờ thì chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám. Abraham đã chết và
các tiên tri cũng vậy, thế mà ông lại nói: "Ai giữ lời Ta, thì không bao
giờ phải chết". Chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao?
Ngài đã chết, các tiên tri cũng đã chết. Ông cho mình là ai?"
Chúa
Giêsu trả lời: "Nếu Ta tự tôn vinh chính mình, thì vinh quang của Ta sẽ
không giá trị gì. Chính Cha Ta tôn vinh Ta. Người là chính Ðấng các ngươi xưng
là Thiên Chúa của các ngươi. Vậy mà các ngươi không biết Người. Còn Ta, Ta biết
Người. Nếu Ta nói Ta không biết Người, thì Ta cũng nói dối như các ngươi. Nhưng
Ta biết Người, và Ta giữ lời Người. Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì
nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng".
Người
Do-thái liền nói: "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi
sao?" Chúa Giêsu trả lời: "Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi:
Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi".
Bấy
giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ.
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm: Toan Ném Ðá Chúa
Khi
mới về nhận xứ Art, một xứ vỏn vẹn có 300 giáo dân. Cha Vianey đã khởi sự xây dựng
giáo xứ bằng những chất liệu: Cầu nguyện, hy sinh, hãm mình. Dần dần giáo dân từ
nhiều xứ đổ xô đến xứ Art nghe ngài dạy giáo lý và nhất là để xưng tội với
ngài. Các linh mục đồng nghiệp đều biết trước đây cha Vianey rất tầm thường, học
hành rất dốt. Nhưng vì bản tính con người hay ghen tị, vì thế khi thấy giáo dân
đổ xô đến xưng tội với một cha xứ hạng bét như vậy, nên họ đã trình bày với Ðức
Cha địa phận như sau: "Thưa Ðức Cha, cha Vianey trước đây học hành rất kém
mà nay lại cả gan giải tội cho giáo dân khắp nơi. Họ bị những lời đồn thổi
phóng đại, mê tín quyến rũ, nên ào ào đến xứ Art ngày càng đông. Có thể có những
nố khó, nên cha Vianey đã giải sai nguyên tắc thần học luân lý".
Nghe
các cha nói vậy, Ðức Giám Mục cũng không khỏi lo lắng. Ngài cho gọi cha Vianey
đến và trao cho cha một số trường hợp tội khó giải, để cha về giải trên giấy tờ
rồi đem nộp lại cho Tòa Giám Mục. Chỉ vài ngày sau, cha Vianey đã đem nộp cho
Tòa Giám Mục những giải đáp. Các nhà chuyên môn luân lý thần học xem qua đều
khen cha Vianey giải đáp đúng và có những lời khuyên rất khôn ngoan. Ai nấy đều
ngạc nhiên lẫn mến phục. Nhưng chưa hết, càng ngày giáo dân càng đến xứ Art
xưng tội với cha Vianey càng đông, khiến cha phải giải tội cho giáo dân từ nửa
đêm.
Có
một lần kia, các linh mục ở những giáo xứ bên cạnh làm tờ đơn kiện cha Vianey gửi
thẳng về Tòa Giám Mục. Họ kiện cha quyến rũ giáo dân các xứ khác đến xưng tội với
cha, làm mất trật tự mục vụ trong các giáo xứ. Một linh mục được trao trách nhiệm
đem tờ đơn lên Tòa Giám Mục, cha dừng lại giáo xứ Art để thăm cha Vianey và
trao cho cha xem tờ đơn mà các linh mục khác kiện để xin Ðức Cha cấm cha không
được giải tội. Ðọc tờ đơn xong, cha Vianey không tỏ chút gì giận dữ hay trách móc
những anh em linh mục. Nhưng ngài bình thản lấy bút viết vào cuối tờ đơn như
sau: "Việc anh em nói trong đơn rất đúng với sự thật. Con cũng xin ký tên
vào tờ đơn đồng tình với anh em". Rồi cha xếp tờ đơn trao lại cho cha đưa
thư và cám ơn cha khách đã đến thăm để tạo cho ngài có dịp cùng ký tên vào đơn.
Ðơn
được chuyển về Tòa Giám Mục, và sau khi đọc xong đơn và thấy bên dưới có cả chữ
ký của cha Vianey nữa. Ðức Cha lấy làm lạ, hỏi vị linh mục cầm đơn lên. Nghe
ngài giải thích xong, Ðức Cha kết luận: "Các cha xem, cha Vianey phản ứng
rất khiêm tốn. Có ai lại đồng ý tự kiện mình bao giờ? Ngài thực sự là người đạo
đức. Thôi ta cứ để xem, nếu là việc Chúa thì sẽ vững bền. Ngược lại, nếu là việc
của ý riêng ngài thì thế nào cũng sụp đổ". Cha kia về thuật lại cho các
linh mục khác nghe, ai cũng ngạc nhiên nghĩ: "Ðáng lẽ cha Vianey phải giận
dữ, căm thù mình mới phải. Ai ngờ lại ký tên vào đơn kiện ngài, thôi ta cứ chờ
xem, theo như quyết định của Ðức Cha".
Anh
chị em thân mến!
Các
linh mục đồng nghiệp của cha Vianey đã xét đoán theo những tiêu chuẩn phàm trần
tự nhiên của lý trí, cộng thêm với những tâm tình ghen tị, những xét đoán sai lầm
đó càng làm cho các ngài trở nên mù quáng tinh thần nhiều hơn. Thái độ sống và
xét đoán như vậy không khác gì với thái độ xét đoán mù quáng của những người Do
Thái không tin Chúa, không chấp nhận những sự thật của Chúa mạc khải cho họ,
như bài Tin Mừng hôm nay thuật lại: "Bây giờ tôi mới hiểu rõ ông bị quỉ
ám".
Anh
chị em thân mến!
Trong
cuộc đối thoại với những người Do Thái, Chúa Giêsu càng muốn mạc khải cho biết
thân thế của Ngài là ai? Về nếp sống phải có của những ai tin nhận Ngài:
"Ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết". Trong cái nhìn phàm
trần, ỷ lại vào kiến thức cũng như kinh nghiệm sống của mình, những người Do
Thái không thể nào nhìn nhận thực thể của Chúa: "Ông là ai? Ông chưa được
50 tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?" Thật là quá lắm đối với quan điểm
hiểu biết phàm trần của họ: "Ông này quả thật là bị quỉ ám". Một vị
Thiên Chúa đã bị con người bôi nhọ chụp mũ. Bởi vì con người dễ dàng tin theo
những sự thật khác xuôi tai hơn là sự thật của Chúa. Vả lại, sự thật của Chúa rất
đòi hỏi, đòi buộc con người phải từ bỏ nếp sống cũ và tội lỗi, những mưu tính vụ
lợi cho các nhân, những ganh tị, ham quyền, ham danh vọng.
Ðức
cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng"
đã nhắc nhở những người con tinh thần của mình như sau: "Ta là sự thật.
Không phải báo chí là sự thật. Không phải đài phát thanh là sự thật. Không phải
Tivi là sự thật. Con theo loại sự thật nào? Giàu hay nghèo, khen hay chê, sang
hay hèn không sao cả. Chấp nhận tiến lên theo hồng phúc để đợi ngày trở lại của
Chúa Giêsu Kitô, Ðấng cứu chuộc chúng ta. Không nhượng bộ cho xác thịt, không
nhượng bộ cho lười biếng, không nhượng bộ cho ích kỷ. Con không thể đổi đen ra
trắng, xấu ra tốt, gian ra ngay được".
Anh
chị em thân mến!
Trong
những giây phút gần cuối Mùa Chay, mỗi người chúng ta hãy dừng lại xét mình về
thái độ của mình trước những sự thật mạc khải của Thiên Chúa, và trước những lời
mời gọi cùng những gương sáng của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã thôi thúc chúng ta
tiến lên mãi trên con đường đức tin, đức cậy và đức mến. Hãy để cho Lời Ngài hướng
dẫn cuộc đời chúng ta.
Lạy
Chúa, xin thương ban ơn củng cố đức tin còn non yếu và thanh tẩy con sạch mọi
trở ngại, mọi tội lỗi không cho phép Chúa hiện diện trong con, cũng như không
giúp con nhìn ra Chúa nơi anh em xung quanh. Lạy Chúa, xin thương lôi kéo con
trở về với Chúa. Amen.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần V MC
Bài đọc: Jer 20:10-13; Jn
10:31-42.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ngôn sứ của Thiên
Chúa bị truy tố và bị ném đá.
Quyền
hành đến từ Thiên Chúa. Khi con người nắm quyền hành, họ phải biết dùng quyền
được trao để phân xử công minh: trừng trị kẻ gian ác và bảo vệ quyền lợi cho kẻ
vô tội. Thế nhưng nhiều người khi có quyền, đã không làm như thế. Họ nghĩ họ có
thể bắt mọi người làm theo lệnh truyền của họ, bất chấp sự thật và công bình.
Các
Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc lạm dụng uy quyền để đấu tố người công chính.
Trong Bài Đọc I, tư tế Pathhur lạm dụng uy quyền của mình để bắt bớ, đánh đập,
và bỏ tù tiên-tri Jeremiah, vì ông đã tuyên sấm tội lỗi và hình phạt của dân
thành Jerusalem. Trong Phúc Âm, những người Do-thái lượm đá ném Chúa Giêsu vì
cho Ngài phạm thượng, là người mà dám cho mình ngang hàng với Thiên Chúa. Chúa
Giêsu dùng Kinh Thánh để cắt nghĩa và dùng các việc làm để chứng minh Ngài được
Thiên Chúa thánh hiến và sai đến thế gian; nhưng họ vẫn ngoan cố không tin vào
Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Ngôn sứ Jeremiah bị truy tố.
1.1/
Jeremiah bị tư tế Pathhur chống đối: Là ngôn sứ của Đức Chúa, tiên-tri Jeremiah phải
tuyên sấm những gì Thiên Chúa muốn nói cho vua Judah, các tư tế, và dân thành
Jerusalem. Tư tế Pathhur, con ông Immer, tổng quản đốc Nhà Đức Chúa, chẳng những
đã không nghe lời Jeremiah tuyên sấm, lại còn cho đánh đòn ngôn sứ Jeremiah và
cho cùm ông tại cửa Bengiamin, tức là Cửa Trên trong Nhà Đức Chúa. Lão “Tứ phía
kinh hoàng” là tên của Jeremiah đặt cho tư tế Pashhur, sau khi ông này bắt bớ,
đánh đập, và giam cầm tiên tri (Jer 20:3).
Jeremiah
nói tiên tri về vận mạng của Pathhur và của tòan dân: “Quả thật, Đức Chúa phán
như sau: Này Ta sẽ biến ngươi thành nỗi kinh hoàng cho chính ngươi và tất cả bạn
bè của ngươi. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm quân thù, chính mắt ngươi sẽ chứng
kiến điều đó. Ta sẽ trao nộp toàn thể Judah vào tay vua Babylon; nó sẽ bắt
chúng đi lưu đày ở Babylon; sẽ dùng gươm tàn sát chúng. Tất cả của cải thành
này cùng với mọi công lao vất vả và mọi đồ quý giá, cũng như tất cả kho tàng của
các vua Judah, Ta sẽ nộp vào tay quân thù chúng; bọn này sẽ cướp phá, tịch thu
đem về Babylon. Còn ông, hỡi Pathhur, chính ông và tất cả những người ở trong
nhà ông sẽ phải đi lưu đày. Ông sẽ đi Babylon, sẽ chết tại đó và sẽ phải chôn tại
đó; ông cũng như tất cả bạn bè, tức là những người đã nghe ông tuyên sấm
láo!"
1.2/
Ngôn sứ Jeremiah tìm sức mạnh nơi Thiên Chúa: Một mình phải đương đầu với bao
nhiêu chống đối từ gia đình, bạn bè, các tư tế, và triều đình nhà vua, tiên-ri
Jeremiah biết mình sẽ không thể địch nổi với bè lũ hung tàn, nếu không có sức mạnh
của Thiên Chúa. Tiên tri tin tưởng và cầu nguyện: “Nhưng Đức Chúa hằng ở bên
con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên
bát đảo, chúng sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề:
đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.”
Tiên-tri
biết Thiên Chúa có uy quyền để trừng phạt và sức mạnh để giải thóat người công
chính: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt
tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự
cùng Ngài. Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát
kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.”
2/
Phúc Âm:
Chúa Giêsu bị người Do-thái ném đá.
2.1/
Lý do Chúa Giêsu bị ném đá: Chúa Giêsu chất vấn người Do-thái tại sao ném đá Ngài, người
Do-thái cho Chúa Giêsu biết lý do: "Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một
việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho
mình là Thiên Chúa." Lời mà họ vịn vào để ném đá Chúa Giêsu là “Tôi và
Chúa Cha là một” (Jn 10:30). Chúa Giêsu biết rất khó để cắt nghĩa cho họ hiểu
câu này, nên Ngài dùng cách cắt nghĩa bằng việc làm. Chúa Giêsu dùng lời Thánh
Vịnh 82:6: “Ta đã phán: Hết thảy các ngươi đây đều là bậc thần thánh (elohim),
là con Đấng Tối Cao (benê Elyôn).” Trong Cựu Ước, Thiên Chúa thường chọn
các Quan Án và gởi họ đến cho dân để họ xét xử dân theo lẽ công bình. Các Quan
Án này thường được coi như các vị thần của dân chúng. Ý tưởng này rõ ràng hơn
trong Sách Xuất Hành khi Đức Chúa phán với ông Moses: "Coi này, Ta làm cho
ngươi nên một vị thần (elohim) đối với Pharao, còn Aaron, anh ngươi, sẽ
là ngôn sứ của ngươi” (Exo 7:1). Chúa Giêsu kết luận: “Nếu Lề Luật gọi những kẻ
được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị
huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao
các ông lại bảo tôi: "Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: "Tôi là Con
Thiên Chúa?"”
2.2/
Chúa Giêsu chứng minh bằng việc làm: Chúa Giêsu không chỉ chứng minh cho họ bằng lời Kinh
Thánh, mà còn bằng các việc Người đã làm: nuôi dân chúng ăn, chữa lành mọi bệnh
tật, trục xuất quỷ, cho người chết sống lại … Những việc này chứng minh Ngài có
uy quyền của Thiên Chúa. Chúa Giêsu hỏi họ: “Nếu tôi không làm các việc của Cha
tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông
không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày
càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha." Không
thể tranh luận với Ngài lời, cũng không thể bắt lỗi Ngài bằng việc làm; lẽ ra họ
phải phục thiện và tin vào Ngài, nhưng họ lại chọn dùng vũ lực để uy hiếp Người
vô tội như trình thuật kể: “Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã
thoát khỏi tay họ.”
Chúa
Giêsu trở về chỗ Ngài đã chịu Phép Rửa bởi Gioan và Ngài ở lại đó: Tại sao Chúa
Giêsu tìm đến nơi này? Ngài biết giờ của Ngài trên dương gian sắp hết và Ngài
muốn tìm lại nguồn sức mạnh nơi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng để có đủ sức đương
đầu với những người chống đối. Đây là chỗ mà Thiên Chúa Cha đã làm chứng cho
Ngài bằng tiếng vọng từ Trời: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời
Người.” Nhiều người đến gặp Đức Giêsu. Họ bảo nhau: "Ông Gioan đã không
làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng." Họ
nhận ra sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và Gioan: Ông Gioan là ngôn sứ nói cho họ
biết về Chúa Giêsu, nhưng không làm một phép lạ nào cả. Chúa Giêsu chứng minh
những gì Gioan nói về Ngài là sự thật bằng các việc Ngài làm. Tổng hợp cả hai lời
chứng và việc làm, “Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giêsu.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải sáng suốt để nhận ra sự thật, cho dù sự thật có phũ phàng và thiệt
hại đến đâu đi nữa; vì chỉ có sự thật mới thực sự giải thóat con người.
-
Làm ngôn sứ cho Thiên Chúa là phải đương đầu với quyền lực của thế gian và ma
quỉ; chúng ta không được khiếp sợ những quyền lực này đến độ không dám nói và
làm chứng cho sự thật.
-
Chúng ta phải tôn trọng những người dám nói và làm chứng cho sự thật. Đừng bao
giờ lạm dụng uy quyền để bịt miệng, đàn áp, bỏ tù, và thủ tiêu họ. Thiên Chúa
là Đấng Chí Công, Ngài sẽ bảo vệ, giải thóat, và trả thù cho những người công
chính.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
26/03/15 THỨ NĂM TUẦN 5
MC
Ga 8,51-59
Ga 8,51-59
Suy niệm: “Ta
là Đấng Hằng Hữu” là Danh của Thiên Chúa được Ngài mạc khải cho Mô-sê biết.
Danh ấy bày tỏ Thiên Chúa là Đấng duy nhất hiện hữu mà không có một giới hạn
nào và không ai có thể đi vào bí nhiệm của Ngôi Vị Thiên Chúa. Vì thế, khi nghe
Chúa Giê-su giới thiệu Ngài là Đấng Hằng Hữu, những người Do Thái không hiểu
nổi, họ liền lấy đá ném Ngài, vì cho rằng lời ấy là phạm thượng. Tin Mừng theo
thánh Gio-an cho biết, dù họ khước từ, Chúa Giê-su vẫn là Đấng Hằng Hữu, là
“Đức Chúa” trong Cựu ước và Chúa vẫn khẳng định: “Nếu các ông không tin là Tôi
Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội mình mà chết” (Ga 8,24). Như thế, trong
niềm tin của Giáo Hội sơ khai, Chúa Giê-su còn hơn là một tiên tri, hay một
thầy dạy, vì Ngài là Thiên Chúa và là vị Thiên Chúa đang ở cùng nhân loại.
Mời Bạn: Niềm
tin Chúa Giê-su là Thiên Chúa đòi hỏi bạn phải thay đổi cuộc sống cho phù hợp
với Ngài, Đấng đang sống với bạn. Niềm tin này còn đòi hỏi bạn không ngừng sống
mật thiết với Chúa nhiều hơn. Bạn đón nhận Đức Giê-su chỉ như một con người hay
bạn đã tuyên Ngài “là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa
hằng sống” (Mt
16,16)?
Sống Lời Chúa: Quyết
tâm từ bỏ một tật xấu để thể hiện niềm tin của bạn vào Chúa Giê-su.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa là Thiên Chúa hằng hữu, đang hiện
diện giữa chúng con. Xin cho con biết phụng thờ Chúa và tìm là đẹp lòng Chúa
mỗi ngày.
Tôi hằng hữu
Đức Giêsu vẫn cương trực nói điều phải nói và làm
điều phải làm. Chúng ta xin có được sự cương trực đó khi phải làm chứng cho
Chúa.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay kết
thúc bằng việc Đức Giêsu bị ném đá.
Nhưng Ngài đã ẩn mình đi và
ra khỏi Đền thờ (c. 59).
Ném đá là hình phạt của
người Do thái chủ yếu dành cho kẻ phạm thượng.
Đức Giêsu đã làm gì để bị
coi là mắc tội phạm thượng,
nghĩa là tội coi thường
quyền tối thượng của Thiên Chúa?
Trước hết Đức Giêsu đặt mình
lên trên tổ phụ đáng kính Abraham.
Ngài biết ông Abraham vui
sướng mừng rỡ
vì hy vọng được thấy ngày
của Ngài, thấy những việc Ngài làm đây (c. 56).
Abraham mừng vì chính Đức
Giêsu, chứ không phải cá nhân mình,
mới là Đấng đem phúc lành
cho mọi dân tộc trên thế giới.
Dù chưa tới năm mươi tuổi,
Đức Giêsu dám coi mình là có trước ông Abraham.
“Trước khi có Abraham, thì
tôi, Tôi Hằng Hữu” (c.
58).
Ta là Đấng Hằng Hữu là câu trả lời của Thiên Chúa cho ông Môsê
khi ông hỏi tên của Ngài bên
bụi cây bốc cháy (Xh 3, 14).
Đức Giêsu cũng muốn trả lời
câu hỏi về mình (c. 53) bằng lối nói đó.
Vì trước khi được sinh ra ở
đời làm người, thì Ngài đã hiện hữu rồi.
Ngài là một với Ngôi Lời
vĩnh cửu của Thiên Chúa (Ga 1, 14-18),
bởi đó Ngài có trước
Abraham, người đã sống trước Ngài gần hai ngàn năm.
Chính khẳng định bị coi là
phạm thượng này đã khiến Ngài bị ném đá.
Đức Giêsu thường bị coi là
ngạo mạn, tự tôn vì những lời như vậy.
Thật ra Ngài chẳng tự tôn
vinh mình.
Chúa Cha mới là Đấng tôn
vinh Ngài qua cái chết tủi nhục (c. 54).
Đức Giêsu cũng chẳng coi
thường Thiên Chúa bao giờ.
Ngài gọi Thiên Chúa là Cha
một cách thân thương,
và nhìn nhận: “Chúa Cha cao
trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28).
Có một sự phân biệt rất rõ
giữa Chúa Cha và Đức Giêsu:
Chúa Cha là người sai đi;
Đức Giêsu là Con, là người được sai đi.
Đức Giêsu chỉ làm điều Ngài
thấy Cha làm (Ga 5, 19-20; 8, 28-29),
và nói điều Ngài nghe Cha
nói (Ga 8, 26. 40; 12, 49-50).
Triệt để vâng phục và tùy
thuộc là nét đặc trưng của Đức Giêsu.
Trong Tin Mừng Gioan, bao
lần ta gặp cụm từ không tự mình.
Đức Giêsu không tự mình nói,
cũng chẳng tự mình làm.
Ngài đòi chúng ta tuân giữ
lời Ngài (c. 51)
chỉ vì chính Ngài cũng đã
tuân giữ lời của Thiên Chúa (c. 55).
Trong tuần lễ này, tại nhà
thờ các ảnh tượng có thể được che lại.
Khi bị ném đá, Đức Giêsu đã
tránh đi vì giờ của Ngài chưa đến.
Đức Giêsu vẫn cương trực nói
điều phải nói và làm điều phải làm.
Chúng ta xin có được sự
cương trực đó khi phải làm chứng cho Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong
tim tôi
mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác
việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ
người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước
ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên
khỏi ti tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý
Người muốn.
R. Tagore
(Đỗ Khánh Hoan dịch)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26
THÁNG BA
Hãy
Tung Hô Vạn Tuế Đức Vua
“Chúc
tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Vạn tuế trên các tầng trời.” Những lời ấy đã
được nhiệt liệt hô vang bởi tất cả những người đến Giê-ru-sa-lem mừng đại lễ Vượt
Qua. Những lời ấy vang lên – đặc biệt từ môi miệng trẻ em – khi đám đông chào
đón Đức Giêsu vào thành mừng lễ. Vì thế, mối liên hệ giữa giới trẻ với biến cố
Đức Giêsu khải hoàn vào Giê-ru-sa-lem luôn luôn là một yếu tố quan trọng trong
cử hành của Giáo Hội vào Chúa Nhật Lễ Lá. Đức Giêsu vẫn tiếp tục kêu gọi các bạn
trẻ của thời đại chúng ta. Người nói: “Hãy đến! Hãy chào mừng Ta là Vua và là Đức
Chúa của các con”.
Chúng
ta hãy hướng nhìn về Đức Kitô trong tinh thần này. Người là Đấng đã vào
Giê-ru-sa-lem trên lưng lừa con, ứng nghiệm các lời ngôn sứ xưa. Các tông đồ đã
trải áo choàng trên lưng lừa cho Đức Giêsu vào Thành Thánh. Và khi Người đến gần
triền dốc chân núi Ô-liu, toàn thể đám đông – cả già lẫn trẻ – đã hoan hô nhiệt
liệt. Họ “bắt đầu lớn tiếng chúc tụng Thiên Chúa vì những việc đầy quyền năng
mà họ đã chứng kiến” (Lc 19,37).
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
26-3
St
17,3-9; Ga 8,51-59.
LỜI
SUY NIỆM: Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông; trước khi có ông
Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu.”
Khi
Chúa Giêsu tuyên xưng: “Tôi Hằng Hữu” gợi ý cho người Do-thái nhớ lại lời Thiên
Chúa đã mạc khải Danh Ngài cho Mô-sê. Vị Thiên Chúa thấy cảnh khổ cực của dân,
nghe tiếng kêu khóc của dân, biết các nỗi đau khổ của dân, Ta xuống giải thoát
để đưa vào vùng đất tràn trề sữa và mật. Qua sự hiện hữu của Chúa Giêsu, Người
đã thực hiện như Thiên Chúa, khi Người sống giữa dân Người. Người nhìn thấy,
Người lắng nghe, Người thấu hiểu, Người đến chữa lành và Người đã thí mạng sống
chính mình Người; để giải thoát nhân loại; để cho nhân loại được sống và sống dồi
dào.
Lạy
Chúa Giêsu, chính nhờ có Giáo hội, chính nhờ có các nhà truyền giáo và những
người hy sinh đời sống cá nhân, để loan báo Tin mừng mà hôm nay chúng con đã nhận
biết Chúa là Chúa của đời sống chúng con. Xin cho mọi thành viên trong gia đình
chúng con tiếp tục hy sinh đóng góp lời cầu nguyện và sự nhiệt tình trong công
việc truyền giáo để nước Chúa lan rộng khắp nơi.
Mạnh
Phương
26
Tháng Sáu
Bằng Lòng Về Chính
Mình
Hans
Christian Andersen, văn sĩ Ðan Mạch sống vào khoảng cuối thế kỷ 19, là tác giả
của những câu chuyện dạy đời bất hủ. Ông có kể câu chuyện như sau:
Có
một đôi vợ chồng già nọ sống bên nhau rất hạnh phúc. Thật ra người nắm giữ bí
quyết hạnh phúc trong gia đình này chính là người vợ. Lúc nào bà cũng hài lòng
về bất cứ hành động nào của người chồng. Một hôm, người vợ đề nghị với chồng là
nên bán bớt một con bò. Thật ra tất cả tài sản của họ chỉ là đôi bò.
Người
chồng tán thành ý kiến của vợ. Ngay từ sáng sớm, ông dắt bò ra chợ. Nhưng đường
dài, mặt trời mỗi lúc một chói chang. Con bò già lại không thể bước nhanh. Do
đó khi thấy một người nông dân khác cũng đang dắt heo ra chợ bán, người chồng mới
có ý nghĩ đem đổi bò lấy con heo. May ra con heo có thể đi nhanh hơn không?
Ðổi
được con heo và đi được một quãng đường, người chồng lại cảm thấy không thoải
mái chút nào. Con heo cứ muốn đi theo hướng của nó. Vừa bực tức với con heo,
ông lại thấy một người nhà quê khác cũng đang dắt dê ra tỉnh. Ông nghĩ rằng dê
có thể là con vật ít cồng kềnh hơn con heo, cho nên ông mới nấn ná đến người chủ
dê để đề nghị hoán đổi.
Ðổi
được dê, người đàn ông như cảm thấy nhẹ nhõm trong người. Nhưng chỉ trong vài
phút đồng hồ, ông mới khám được cái tính bất thường của loài dê. Nó chạy bên
này, nhảy bên kia, nó đưa sừng húc khắp mọi nơi... Giữa lúc ông ngán ngẩm với
con dê, thì bỗng đâu một người nhà quê khác tiến lại gần ông với cả một đàn ngỗng.
Con ngỗng dù sao cũng ít cồng kềnh hơn con dê. Nghĩ vậy cho nên ông mang con dê
đến đổi lấy một chú ngỗng trắng. Ôm lấy chú ngỗng vào lòng, người đàn ông cảm
thấy thoải mái hơn bao giờ hết. Ông tin chắc là mình sẽ đến chợ sớm hơn. Nhưng
chưa đến chợ, thì ông lại thấy một người buôn gà. So sánh gà với ngỗng, dĩ
nhiên gà phải nhẹ hơn... Tính toán mãi, cuối cùng, ông đã đem chú ngỗng đến đổi
lấy một con gà.
Mặt
trời mỗi lúc một lên cao. Cơn khát như muốn đốt cháy cổ họng ông. Bụng ông lại
trống rỗng. Vừa thấy một quán ăn bên vệ đường, người đàn ông không còn cầm được
cơn cám dỗ. Ông đành phải đem con gà bán đi với giá một đồng bạc. Một đồng này
vừa đủ cho một bữa ăn trưa cộng với một ly bia.
Những
người đàn ông trong quán ăn biết chuyện mới tỏ ra ái ngại cho giây phút ông phải
đối đầu với người vợ. Thế nhưng, con người luôn luôn được vợ hài lòng ấy vẫn tỏ
ra bình thản. Ông tin tưởng rằng vợ ông sẽ không boa giờ trách móc ông. Một người
đàn ông có máu cờ bạc, không tin ở thái độ của bà vợ ông, cho nên mới đề nghị
đánh cá. Ôngta đưa ra hai mươi đồng và đi theo người đàn ông về đến nhà. Ôn núp
một nơi kín đáo để theo dõi phản ứng của người vợ.
Quả
thực, người đàn ông bắt đầu báo cáo lại cho vợ từng chi tiết của những cuộc
trao đổi của ông. Cứ mỗi lần người đàn ông kể lại một cuộc đổi chác của mình,
người vợ đều tỏ ra hài lòng. Khi người đàn ông kể đến chuyện ông bán con gà được
một đồng và vào quán ăn trưa, người vợ mới mỉm cười thốt lên như sau: "Tạ
ơn Chúa, cũng may là mình bán được con gà. Như vậy là mình có thể ngủ yên mà
không sợ tiếng gà gáy phá giấc. Ðiều quan trọng đối với tôi là biết rằng mình
thỏa mãn là được".
Người
chồng thắng được vụ cá cuộc. Ông được hai mươi đồng, số tiền còn lớn hơn cả giá
bán con bò.
Hãy
đón nhận từng giây phút hiện tại với hân hoan, cảm mến. Hãy làm công việc trong
phút giây hiện tại như là công việc quan trọng nhất. Hãy đón tiếp người trước mặt
như một người quan trọng nhất. Hãy chấp nhận mọi người với cảm thông, tha thứ
và lạc quan. Hãy chấp nhận chính bản thân với sự bằng lòng, thoải mái: đó là tất
cả bí quyết của hạnh phúc mà chúng ta cần phải nắm lấy.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét