22/03/2015
Chúa Nhật V Mùa Chay Năm B
(phần II)
Phụng vụ Lời Chúa:
Chúa Nhật V Mùa Chay năm B
CHÚA NHẬT THỨ V MÙA CHAY B
(Gr 31,31-34; Dt 5,7-9;
Ga 12,20-33)
Chủ đề:
VÂNG PHỤC BẰNG TÌNH YÊU
ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ
ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ
“Dầu là Con Thiên Chúa,
Người đã phải trải qua nhiều đau khổ
mới học được thế nào là vâng phục;
và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn,
Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu
cho tất cả những ai tùng phục Người.”
(Dt 5,8-9)
Phụng
vụ Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh về chủ đề vâng phục bằng tình yêu để được cứu độ.
Chính trong sự vâng phục Lề Luật của Thiên Chúa bằng tình yêu xuất phát từ con
tim mà dân Israel được thứ tha tội lỗi, và cũng chính nhờ sự vâng phục thánh ý
Thiên Chúa bằng tình yêu mà Đức Giêsu đã đem lại ơn cứu độ cho con người.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Gr
31,31-34)
Bài
đọc I đề cập việc Thiên Chúa sẽ thiết lập một Giao ước mới thay thế cho Giao
ước cũ. Trong quá khứ, khi dân Israel ra khỏi miền đất nô lệ của Aicập để tiến
về miền tự do là Đất Hứa, Thiên Chúa đã ký kết với dân một Giao ước ở Núi Sinai
qua trung gian Môsê. Giao ước Sinai được gọi là Lề Luật/Torah, được khắc ghi
trên hai bia đá, với những lời cam kết của hai phía. Theo đó, Israel sẽ là dân
riêng của Thiên Chúa, là một vương quốc tư tế, một dân thánh, còn Thiên Chúa sẽ
là Chúa của Dân, với điều kiện họ phải trung thành phụng sự Ngài là Chúa Tể duy
nhất của họ (x. Xh 19–24).
Đó
được xem là Giao ước tình yêu, vì có tương quan hai chiều: Thiên Chúa yêu con
người nên thiết lập Giao ước để con người đi đúng đường lối mà được thứ tha tội
lỗi mà sống hạnh phúc, và con người phải tuân giữ Giao ước bằng tình yêu đáp
lại tình yêu Thiên Chúa. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, dân Israel đã không
trung thành với Giao ước này khi nhiều lần bất tuân với những gì họ đã cam kết
với Thiên Chúa. Hậu quả là Thiên Chúa đã trừng phạt họ khi để họ bị quân thù
đến tàn phá đất nước và dân chúng phải đi lưu đày ở Babylon.
Trong
bối cảnh như thế, ngôn sứ Giêrêmia loan báo rằng Thiên Chúa sẽ tha thứ tội ác
cho dân Israel và không còn nhớ đến lỗi lầm của họ nữa để ký kết với họ một
Giao ước mới. Thay vì khắc trên bia đá như trong Giao ước cũ, Lề Luật và đường
lối của Thiên Chúa trong Giao ước mới này sẽ được khắc sâu vào lòng dạ của dân
Israel. Qua đó, Thiên Chúa muốn Dân thiết lập với Người một tương giao không
phải bằng việc giữ Luật hời hợt bên ngoài, nhưng tận trong tâm khảm để họ nhận
biết Người chính là Chúa Tể của họ. Nhờ đó, Israel biết sống một tinh thần mới,
đó là vâng phục đường lối của Thiên Chúa qua sự vâng phục đích thực bằng tình
yêu bên trong tâm hồn để đáp lại tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
2. Bài đọc II (Dt
5,7-9)
Bài đọc II nhấn mạnh việc Đức Giêsu hoàn toàn vâng phục thánh ý
Chúa Cha để thực hiện chương trình cứu độ. Sự vâng phục này được thể hiện qua
việc Đức Giêsu sẵn lòng chịu khổ nạn đến mức chịu chết và chết trên thập giá ô
nhục để cứu độ loài người. Người đã vâng phục đến mức hy sinh mạng sống vì yêu
mến Chúa Cha và yêu thương chúng ta. Qua cuộc khổ nạn và chịu chết của mình,
Đức Giêsu đã làm cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện. Từ đó,
Đức Giêsu lại trở nên “nguồn
ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người”. Vâng phục thiên ý đến mức chịu
đau khổ và hy sinh mạng sống mình cho người khác không phải là điều dễ. Ngay cả
Đức Giêsu “Dẫu là Con Thiên
Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”.
Mẫu
gương hoàn hảo của Đức Giêsu cho chúng ta nhiều bài học về sự vâng phục thánh ý
Thiên Chúa. Vâng phục, bằng cách tuân giữ các huấn lệnh và thánh chỉ của Thiên
Chúa, nhất là có lúc phải chịu thiệt thòi, đau khổ, thậm chí phải hy sinh mạng
sống là điều không hề dễ. Vì thế, chúng ta cũng phải theo gương Đức Giêsu, đó
là phải trải qua nhiều đau khổ mới học biết thế nào là vâng phục. Bên cạnh, đau
khổ có khả năng thanh luyện và thánh hóa con người, và có trải qua đau khổ,
người ta mới có thể được biến đổi và thanh luyện, nhờ đó được cứu độ, nên thánh
và hưởng phúc vinh quang (x. Lc 24,28).
3. Bài Tin Mừng (Ga
12,20-33)
Bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem trong
tư cách Đấng Mêsia để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa vì “giờ đã đến”, đó là “giờ khổ nạn và chịu chết”
nhưng cũng đồng nghĩa với “giờ
được tôn vinh” (Ga 12,23). Trong tư tưởng thần học của Gioan, lúc
Đức Giêsu vâng phục thánh ý Chúa Cha để chịu khổ nạn và chết “treo trên thập giá” là
khi Đức Giêsu “được tôn
vinh” và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người (x. Ga 13,31), vì
chính khi đó chương trình của Thiên Chúa đã được thực hiện trọn vẹn. Đức Giêsu
đã diễn tả mối liên hệ giữa khổ nạn và chịu chết chôn trong lòng đất với cuộc
tôn vinh qua hình ảnh hạt lúa sẽ bị chết đi khi gieo vào lòng đất để trổ sinh
hoa trái. Chính Đức Giêsu đã chấp nhận khổ nạn treo trên thập giá, chết đi và
chôn vào lòng đất vì tội lỗi của con người, rồi sống lại vinh quang để trao ban
cho con người sự sống vĩnh cửu.
Mặc dù luôn làm theo ý Chúa Cha trong mọi sự, nhưng đứng trước
cuộc khổ nạn, tâm hồn Đức Giêsu cũng xao xuyến và Người muốn thoát khỏi giờ
này. Tuy nhiên, Người đã vâng phục trọn vẹn thánh ý Chúa Cha vì biết rằng “chính vì giờ này mà Người đã đến”
(x. Ga 12,27). Đó là “giờ”
tôn vinh, đó là giờ cứu độ. Quả thật, khi treo trên thập giá, chính lúc đó là
giờ Đức Giêsu được tôn vinh và mọi kẻ tin cũng được tôn vinh với Người: “Phần tôi, một khi được giương cao lên
khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,33).
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và
không nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa”. Vì yêu dân Israel, Thiên Chúa
đã thiết lập giao ước với họ, nhưng dân lại không chung thủy với tình yêu đó
khi không tuân giữ Giao ước. Cũng vì yêu, Thiên Chúa quên đi lỗi lầm của dân để
thiết lập Giao ước mới. Thiên Chúa cũng đã thiết lập với mỗi người chúng ta một
Giao ước tình yêu khi chúng ta chịu Phép rửa. Vậy chúng ta sống Giao ước với
Thiên Chúa như thế nào trong đời sống của chúng ta? Giao ước tình yêu này có
thực sự khắc sâu vào trong tâm hồn của chúng ta giúp chúng ta xác tín rằng
chúng ta là những người đã thuộc về Chúa chứ không thuộc về thế gian, bằng việc
sống và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa qua lối sống Tin mừng?
2. “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải
trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”. Chúng ta có biết rằng sống
vâng phục thiên ý không phải là một điều dễ, nên chúng ta phải học hỏi gương
của Đức Giêsu sao cho có một ý chí kiên vững và sự nỗ lực mãnh liệt với ơn Chúa
giúp, để vượt qua ý riêng, sẵn sàng đón nhận các biến cố vui buồn xảy ra trong
cuộc sống thường ngày hay không?
3. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà
không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được
nhiều hạt khác”. Hình
ảnh này giúp người Kitô hữu cảm nhận được ý nghĩa cứu độ của cuộc khổ nạn và
chịu chết mà Đức Giêsu đã trải qua: chết để được sống lại và trao ban sự sống
muôn đời cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có ý thức rằng chết là lúc “sinh
thì”, sự chết là cửa dẫn vào sự sống muôn đời, như các thánh đã cảm nhận “chính lúc chết đi là khi vui sống
muôn đời” (thánh Phanxicô Assisi)? Chúng ta có dám cùng đau khổ và
cùng chết với Đức Giêsu Kitô để được cùng sống muôn đời và được tôn vinh với
Người? Ngoài ra, chúng ta có nhận ra rằng để đem lại sự sống đời đời cho người
khác, chúng ta cũng phải chấp nhận tình trạng “hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi” hay
không?
4. Trong
Sứ điệp Mùa Chay năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở: “Chúa quan tâm đến mỗi người chúng ta; tình yêu không cho
phép Chúa dửng dưng với những gì xảy đến với chúng ta” nhưng phần chúng ta
“ngày nay, thái độ vô cảm ích kỷ lại mang một chiều kích toàn cầu”. Chúng ta có nhận biết rằng
Thiên Chúa không dửng dưng vô cảm đối với thế giới chúng ta, Người yêu thương
chúng ta đến nỗi ban Con của Người để cứu rỗi chúng ta, nên Chúa muốn chúng ta
có lối sống của tình yêu đáp đền tình yêu, khi biết quên mình và sống cho người
khác, vì “ai yêu mạng sống
mình thì sẽ mất” còn ai “quên
mình là lúc gặp lại bản thân” (thánh Phanxicô Assisi)?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên
Chúa đã sai Đức Giêsu vào thế gian như là “hạt lúa” được gieo vào lòng đất,
chấp nhận thối đi để sinh nhiều bông hạt, đem lại sự sống đời đời cho nhân
loại. Trong tâm tình cảm tạ và tin tưởng, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lên Chúa
những lời nguyện xin chân thành:
1. “Ai
phụng sự Ta, hãy theo Ta.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong
Hội Thánh luôn trung thành và hăng say với sứ mạng loan báo và làm chứng cho
tình yêu cứu độ của Thiên Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.
2.
“Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống.” Chúng ta cầu xin cho các nhà
lãnh đạo trên thế giới biết quan tâm và ưu tiên chọn lựa những chính sách hữu
hiệu về xã hội, giáo dục, và y tế… nhằm đem lại cuộc sống ổn định và hạnh phúc
cho mọi người.
3.
Chúa Giêsu nói: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất.” Chúng ta cùng cầu xin cho
những người trẻ đang phải đối diện với các vấn đề của một xã hội đề cao cá nhân,
tôn thờ vật chất; biết khao khát tìm kiếm những giá trị đích thực đem lại cho
họ sự sống đời đời.
4.
“Xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.” Xin Chúa cho
mỗi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết noi gương vâng phục của Chúa Giêsu:
nhận ra và thi hành thánh ý Chúa qua mọi biến cố trong cuộc sống và các bổn
phận hằng ngày.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ,
xin thương nhận những ý nguyện chân thành của cộng đoàn chúng con. Xin giúp
chúng con luôn biết sống vâng phục và không ngừng làm vinh danh Chúa theo gương
Đức Giêsu Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
SCĐ CHÚA NHẬT V MÙA CHAY.B
CHỦ ĐỀ :
Ý THỨC TRƯỚC VỀ Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ CỦA VIỆC
ĐỨC GIÊSU CHỊU NẠN
Sợi chỉ đỏ
Các bài đọc trong Chúa nhật cuối cùng của Mùa
Chay giúp ta ý thức trước về ý nghĩa và giá trị việc chịu nạn sắp tới của Đức
Giêsu.
- Bài đọc I (Gr 31,31-34) : Thiên Chúa tiên
báo sẽ lập một Giao ước mới
- Bài Tin Mừng (Ga 12,20-33) : Đức Giêsu sắp
bước vào cuộc chịu nạn
- Bài đọc II (Dt 5,7-9) : Cuộc chịu nạn hoàn
thành cuộc đời Đức Giêsu
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của Mùa Chay, tuần
sau sẽ là Tuần Thánh. Để giúp chúng ta vào Tuần Thánh một cách sốt sắng, hôm
nay Phụng vụ Lời Chúa giúp chúng ta thấy được ý nghĩa và giá trị việc chịu nạn
sắp tới của Đức Giêsu.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Chính vì tội lỗi chúng ta mà Đức Giêsu đã phải
chịu chết cách đau đớn và nhục nhã trên Thánh Giá.
- Đức Giêsu đã lấy chính máu mình để thiết lập
Giao ước mới giữa Thiên Chúa với loài người. Thế mà chúng ta thường xuyên vi
phạm Giao ước ấy.
- Đức Giêsu đã dùng Thập giá để cứu chuộc chúng
ta. Thế mà chúng ta không yêu mến những thánh giá hằng ngày của chúng ta.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I : Gr 31,31-34
Ngày xưa ở Sinai, Thiên Chúa đã thiết lập Giao
ước với dân Israel, theo đó Ngài hứa là Thiên Chúa của họ và sẽ bảo vệ họ, phần
họ thì phải phụng sự Ngài như là Chúa tể duy nhất. Các điều khoản của giao ước
ấy được khắc lên hai bia đá.
Nhưng dân Israel đã thường xuyên vi phạm giao ước
ấy, dẫn đến hậu quả là họ phải bị mất nước và bị lưu đày.
Ngôn sứ Giêrêmia loan báo Thiên Chúa sẽ lập một
giao ước mới : Giao ước mới này không ghi trên đá mà ghi tận đáy lòng con
người ; tinh thần của Giao ước này là tình thương và tha thứ :
"Mọi người từ lớn chí nhỏ đều nhìn biết Ta" và "Ta sẽ tha tội ác
của chúng và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng".
Đức Giêsu là Đấng thực hiện lời tiên báo đó.
2. Đáp ca : Tv 50
Trong tâm tình chân thành sám hối, tác giả Tv 50
nài xin Chúa một mặt tẩy sạch các tội lỗi của mình, và mặt khác tạo cho mình
một quả tim mới.
Một quả tim mới để khắc ghi Giao ước mới. Đó cũng
là tâm tình hợp với lời tiên báo của Giêrêmia.
3. Tin Mừng : Ga 12,20-33
Đức Giêsu đang nghĩ tới việc Ngài sẽ chịu nạn
chịu chết để cứu độ loài người. Việc một số người hy lạp – tức là người ngoại –
xin gặp Ngài khiến Ngài ý thức rằng giờ cứu độ ấy đã điểm. vì thế mặc dù tâm
hồn Ngài xao xuyến nhưng Ngài cũng hân hoan tuyên bố "Đã đến giờ Con Người
được tôn vinh… Khi nào Ta được đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng
Ta". Nghĩa là Đức Giêsu coi cái chết của Ngài là vinh quang cho Ngài và
nguồn cứu độ cho mọi người.
4. Bài đọc
II : Dt 5,7-9
Tác giả thư Do thái hiểu rằng cuộc chịu nạn của
Đức Giêsu là "căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục
Ngài".
IV. GỢI Ý GIẢNG
* 1. Biện chứng giữa chết và sống
Chết và sống không hẳn là 2 điều luôn đối nghịch
nhau, nhiều khi chúng liên kết hỗ trợ nhau : sự chết nuôi sự sống và sự
sống sống được là nhờ sự chết. Vài thí dụ :
- Nơi thực vật : những thứ được dùng làm
phân bón phải chết đi thì mới thành chất bổ dưỡng cho cây.
- Nơi sinh vật : các thức ăn phải
"tiêu" mới "hóa" thành lương thực.
- Trong cõi nhân sinh : những người già chết
đi để nhường đất và hoa màu của đất cho các thế hệ sau dùng đó mà sống.
- Ngọn nến : sáp nến phải chảy ra và bị đốt
thì ánh sáng mới bùng lên.
- Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nói :
hạt lúa có thối đi thì cây lúa mới nẩy mầm.
Đức Giêsu chết để cho con người sống. Sự chết của
Ngài là nguồn sự sống cho chúng ta.
* 2. "Đã đến Giờ Con Người được tôn
vinh"
"Giờ" này không phải là một khoảnh khắc
chiếm một chỗ xác định rõ trong dòng thời gian, không đo bằng đồng hồ, không
tính theo toán học gồm 60 phút, mà là một thời điểm vô cùng quan trọng đánh dấu
bắt đầu một thời đại mới sẽ kéo dài đến mãi mãi.
Đó là lúc Đức Giêsu bước lên Thập giá. Khi đó mọi
trục trặc vướng víu trong liên hệ giữa loài người với Thiên Chúa được tháo gỡ
hết, tương giao giữa loài người với Thiên Chúa được thông suốt, nhờ thế tình
thương và sức sống dồi dào của Thiên Chúa được chuyển thông dào dạt cho loài
người.
Chính vì thế, Đức Giêsu nói "Đã đến giờ con
người được tôn vinh". "Con người" đây vừa là Đức Giêsu mà cũng
vừa là loài người, vì mọi người đều là "con người". Chẳng những Đức
Giêsu được tôn vinh mà mọi người cũng được tôn vinh nhờ cái chết của Đức Giêsu
trên thập giá.
* 3. Các vai
trong vỡ tuồng thập giá
Đoạn Tin Mừng hôm nay giúp ta thấy rõ những người
có liên hệ trong cái chết của Đức Giêsu.
- Hai vai chính là Chúa Cha và Đức Giêsu :
Đức Giêsu thưa "Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha" ; và tiếng
từ trời vọng xuống "Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta
nữa". Cuộc đối thoại bằng những lời lẽ cao siêu này vượt quá tầm hiểu biết
của những người có mặt ở đấy hôm đó. Vì thế có người cho là tiếng sấm và có
người cho là tiếng thiên thần à Cái
chết của Đức Giêsu là kết quả của một sự đối thoại và thỏa thuận giữa Chúa Cha
và Đức Giêsu để thực hiện chương trình yêu thương của Thiên Chúa đối với loài
người.
- Nhưng loài người cũng có liên quan : Đức
Giêsu nói "Tiếng đó phát ra không phải vì Ta mà vì các ngươi" à Cuộc đối thoại trên là một mặc khải cho
loài người : Tuy họ không hiểu tại sao Đức Giêsu chết, cũng chẳng hiểu tại
sao chết mà là tôn vinh, nhưng họ được nói cho biết cái chết ấy là vì họ và cho
họ.
- Do đó, đương nhiên mỗi người cũng có liên
hệ : "Hãy theo Ta. Ta ở đâu thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng
sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó" à Thập
giá là con đường dẫn đến tôn vinh. Mỗi người chúng ta có đi theo Đức Giêsu trên
con đường thập giá thì mới đến được chỗ Đức Giêsu ở và mới được tôn vinh như
Ngài.
Cha Dieudonné Bourgignon,
người Bỉ, đã từng bị Đức Quốc Xã bắt giam trong trại tập trung Dachau thời Đệ
Nhị Thế Chiến kể lại :
Vào một đêm cuối tháng bảy,
một tù nhân khu trại 4 thuộc trại giam Auschwitz đã trốn thoát. Phòng hơi ngạt
của trại này đã từng thủ tiêu 6 triệu người Do thái ; 1/3 dân Do thái
trước Thế Chiến. Sáng hôm sau, viên sĩ quan hằn học tuyên bố : "Tất
cả những người có mặt phải đứng nghiêm trong hàng ngũ". Đoàn tù nhân
phải chôn chân không mủ nón đứng dưới ánh nắng đổ lửa của mùa hạ miền nam Ba
Lan. Buổi chiều khi các tù nhân khu giam khác đi làm về. Viên sĩ quan
nói : "Mười trong số những người này phải trả nợ". Lập tức
tên sĩ quan duyệt qua hàng tù nhân chỉ ra mười người, trong đó có một đàn ông
kêu rên thảm thiết vì thương người vợ trẻ và đàn con thơ dại.
Maximilien Kolbe nghe lời ai
oán của bạn tù đã thốt lên : "Tôi xin chết thay cho người
này". Đoàn người sững sờ. Tên sĩ quan không ngờ diễn tiến của biến
cố. Hắn tò mò muốn hiểu rõ : "Tại sao muốn
chết ?" Maximilien Kolbe điềm tỉnh trả lời : "Tôi
là linh mục Công giáo".
Mười tử tội tiến chầm chậm
vào cõi địa ngục. Người ta bỏ rơi họ trong phòng tối không ăn uống cho đến
chết. Những giờ phút tăm tối lê thê. Ngày 18-8-1941, mười người còn lại bốn,
đang thoi thóp hấp hối. Một người trong đó là Kolbe. Tất cả được nhận mũi thuốc
độc ân huệ.
*
"Nếu hạt lúa mì rơi
xuống đất không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì
nó sinh nhiều bông hạt' (Ga.12,24) Để có một quyết định anh hùng như cha
Maximilien Kolbe quả không dễ dàng chút nào. Tại sao tôi phải chết đi để người
khác được sống ? Đành rằng chết để sinh nhiều bông hạt, nhưng có ích gì
khi chính tôi bị tan rã ? Vì thế, chúng ta không muốn chết như hạt lúa,
chúng ta chấp nhận trơ trọi một mình.
Vậy sức mạnh nào thúc đẩy
chúng ta dám chết cho anh em ? Động lực nào thúc giục chúng ta hiến thân
cho đồng loại ? Chính Đức Giêsu đã cho ta giải đáp : "Không
có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu
mình" (Ga.15,12). Tình yêu cao quý hơn cuộc sống và mãnh liệt hơn sự
chết. Cái chết của Đức Giêsu đã nên lời yêu thương con người. Chính vì Người đã
không xuống khỏi thập giá nên không ai có thể nghi ngờ tình yêu của Người.
Chính vì dám chết cho tình yêu nên luật yêu thương của Người trở nên một thách
đố. Thách đố con người chui ra khỏi vỏ ốc ích kỷ của mình, ra khỏi những bận
tâm, toan tính, vun quén cho mình, để sống cho tha nhân và cho Thiên Chúa.
Quên mình, hiến thân, đón
nhận cái chết như hạt lúa mục nát, đã từng làm cho Đức Giêsu trăn trở, nao núng
và thổn thức. Những giây phút cuối cùng giáp mặt với tử thần không thể không
gay go, thống thiết và đầy thách thức : "Bây giờ linh hồn Ta xao
xuyến và biết nói gì ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ
này" (Ga.12,27). Thế nhưng, Người đã biến cuộc tử nạn nên lời tôn
vinh Thiên Chúa và lời yêu thương con người : "Chính vì thế mà
con đã đến trong giờ này" (Ga.12,27).
Cái chết của cha Kolbe và
tất cả những cái chết hiến thân cho tha nhân đều nói lên lời yêu thương con
người và tôn vinh Thiên Chúa. Tác giả Anthony Padovano
viết : "Chúng ta được cứu rỗi không chỉ vì cái chết thể xác của
Đức Giêsu, nhưng vì tình yêu vô biên của Người sẵn sàng chấp nhận cái
chết".
Điểm quan trọng là ở giây
phút định mệnh, đối mặt với cái chết, Đức Giêsu luôn tha thiết cầu nguyện với
Cha và Người dạy chúng ta hãy học kinh nghiệm nơi Người : "Các
con hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ" (Lc.22,40). Cầu nguyện không
là liều thuốc giảm đau, ngăn chặn nao núng sợ hãi, nhưng cầu nguyện là thái độ
sống thực, sống tin yêu, phó thác. Khi cầu nguyện chúng ta không mong Chúa đổi
ý, cứu ta thoát chết, cũng không xin Người ru ngủ để ta chết êm ái.
Ở giây phút quyết liệt, cầu
nguyện chính là gặp gỡ Chúa với nỗi xao xuyến, giằng co của cái chết nhưng trọn
vẹn tâm tình hiến dâng. Chết không phải là nhảy vào khoảng không vô tận, nhưng
ta gieo mình vào cánh tay Thiên Chúa Tình yêu.
Chúng ta không thể thuyết
phục cái chết dời xa cánh cửa đời ta, nhưng chúng ta có thể đón tiếp cái chết
như vị ân nhân đưa ta vào ngưỡng cửa vĩnh hằng.
Chính lúc Đức Giêsu gục đầu
tắt thở thì cây thập tự trổ nụ đơm bông mùa cứu rỗi. Và khi người tín hữu hiến
dâng cái chết như lời tạ ơn cao đẹp cuối cùng thì mùa hoa nhân ái tỏa hương
thiên đàng.
*
Lạy chúa, chúng con sợ nói
về cái chết và tất cả những gì dính líu tới cái chết, nhưng chúng con cũng hiểu
rằng sẽ có một ngày chúng con giáp mặt Chúa trong phút định mệnh. Xin giúp
chúng con sống can đảm từng ngày, để chúng con dầy dạn với thử thách quyết liệt
sau cùng của cuộc đời. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")
* 5. Chết đang
khi sống
Nhiều người coi sống và chết
là hai sự việc nối tiếp nhau : khi không còn sống nữa thì chết. Nghĩ như
thế là vì người ta chỉ biết có mỗi một sự sống, là sự sống của thể xác, và cũng
chỉ biết có mỗi một sự chết, cũng là sự chết của thể xác.
Thực ra, sống và chết là hai
việc đi song song với nhau trong cùng một đời người. Bởi vì có tới hai sự sống
và hai sự chết : sự sống chết của con người thể xác và sự sống chết của
con người đích thực. Câu nói của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng này hàm chứa hai
sự sống chết đó : "Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi
thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời".
Nói cách khác cho dễ hiểu hơn : ai cố bám víu vào sự sống của con người
thể xác thì sẽ đánh mất sự sống của con người đích thực ; còn ai dám để
cho sự sống của con người thể xác chết đi thì đồng thời bồi dưỡng cho sự sống
của con người đích thực.
Bởi đó, có người dám
nói : "Chết là một phần của sống. Chúng ta sinh ra là để chết, hầu có
thể sống sung mãn hơn". Thực vậy,
- mỗi một hành vi khiêm tốn
là một phần tính kiêu ngạo chết đi.
- mỗi một hành vi can đảm là
một phần tính hèn nhát chết đi.
- mỗi một hành vi dịu dàng
là một phần tính hung bạo chết đi.
- mỗi một hành vi yêu thương
là một phần tính ích kỷ chết đi.
Con người tội lỗi chết dần
đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa dần dần sống mạnh.
(Viết theo Flor McCarthy)
* 6. Tâm sự của
Đức Giêsu
Tôi cảm động vì lời Đức Giêsu thổ lộ tâm
sự : "Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến".
Đức Giêsu đã tâm sự rất thật
thà. Ngài nói thật với các môn đệ rằng Ngài xao xuyến trước cái chết sắp tới.
Không phải vì Ngài đã từng khuyến khích họ mạnh dạn hy sinh mà nay Ngài phải
che dấu cảm xúc xao xuyến của mình. Ngài cũng không muốn làm bộ anh hùng bất
khuất. Cảm thấy thế nào, Ngài nói thế đó.
Tôi cũng muốn tìm hiểu xem
vì sao mà Ngài xao xuyến.
- Chắc hẳn Ngài xao xuyến vì
không cam tâm chịu chết. Một con người mới 30 tuổi đang tràn đầy sức sống mà
phải chết ư ?
- Ngài còn xao xuyến hơn vì
phải chết cách đau đớn. Chết đóng đinh trên thập giá là khổ hình tàn bạo nhất
trong các hình thức xử tử.
- Nhưng Ngài xao xuyến sâu
xa hơn nữa là vì sự nhục nhã khi phải chịu xử tử như thế. Gần giống như một võ
sĩ vô địch mà phải nhận chỉ thị phải thua một võ sĩ hạng thấp hơn mình, không
chỉ phải thua bằng tính điểm mà còn phải thua bằng "knock out" nhục
nhã. Ngài chết như thế thì những kẻ thù ghét Ngài sẽ hả hê như thế nào ?
Và những môn đệ thân yêu của Ngài sẽ hoang mang như thế nào ?
Bởi vậy, Đức Giêsu đã thốt
lên lời van xin : "Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này". Tuy thế,
Ngài mau mắn thưa tiếp : "Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy
Cha, xin tôn vinh Danh Cha".
Đức Giêsu thật tội
nghiệp ! mà cũng rất đáng phục !
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em
thân mến, trước ngưỡng cửa cuộc tử nạn và tôn vinh của Đức Giêsu, Hội thánh
muốn giúp chúng ta hiểu rằng Đức Giêsu đã trở nên như hạt lúa mì bị chết đi để
sinh nhiều hạt khác. Chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời cầu sau đây :
1. Đức Giêsu đã dạy : nếu hạt lúa gieo vào
lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình / Chúng ta cầu xin
Chúa cho Hội thánh trong lòng thế giới / không khép kín để tự vệ / nhưng
sẵn sàng dấn thân phục vụ mọi người.
2. Đức Giêsu đã dạy : "Khi Tôi được
treo lên, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi". Chúng ta cầu xin Chúa cho các
thủ lãnh trên thế giới đừng ai từ chối hoặc chống lại công trình cứu độ do tình
thương của Chúa.
3. Đức Giêsu đã dạy : "Hạt lúa có chết
đi, thì mới sinh được nhiều hạt khác" / Chúng ta cầu xin Chúa cho
những người tàn tật ốm đau, già yếu, bị tù đày / biết dùng đau khổ mình
đang chịu để sinh ích lợi cho nhiều người khác.
4. Đức Giêsu đã dạy : "Thầy ở đâu thì kẻ
phục vụ Thầy cũng sẽ được ở đó" / Chúng ta cầu xin cho anh chị em
trong họ đạo chúng ta biết noi gương phục vụ của Chúa / để luôn quan tâm
chu toàn mọi trách nhiệm của mình trong gia đình, trong họ đạo và trong xã hội.
Chủ tế : Lạy Đức Giêsu, Chúa đã hy
sinh mạng sống để chúng con được sống thật. Xin Chúa đánh tan thói ích kỷ, sợ
khó, và nâng đỡ sự yếu hèn của chúng con, để chúng con trở thành môn đệ thực sự
của Chúa, biết sẵn sàng hy sinh phục vụ mọi người chung quanh chúng con. Chúa
là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lm.Carolo
HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina: Chúa
Nhật V Mùa Chay (B)
Chúa Nhật, 22 Tháng 3, 2015
Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu
Ga 12:20-33
1. Lời nguyện
mở đầu
Lạy Cha, xin nghe lời cầu nguyện của chúng con: chúng
con cầu xin Cha gửi Thần Khí Cha xuống dồi dào trên chúng con, để chúng con có
thể học lắng nghe tiếng Cha được công bố về sự vinh hiển của Con Cha, Đấng đã
hiến thân mình cho sự cứu rỗi của chúng con. Nguyện xin cho sự lắng
nghe chăm chú và sốt sắng này được nảy mầm trong chúng con một niềm hy vọng mới
để chúng con có thể hết lòng hết dạ đi theo Thầy và là Đấng Cứu Chuộc của chúng
con, ngay cả trong những giây phút khó khăn và đen tối. Chúa là Đấng
hằng sống và hằng trị muôn đời.
2. Bài Đọc
a) Bối
cảnh:
Chúng ta đã đến phần cuối của “quyển sách các dấu chỉ”, là chìa
khóa giải thích mà Gioan đã xử dụng trong sách Tin Mừng của ông và đã báo hiệu
trước cuộc xung đột một mất một còn giữa tầng lớp thống trị và Đức
Giêsu. Đoạn Tin Mừng này giống như một bản lề ở giữa điều mà Gioan
đã cho chúng ta biết đến bây giờ và kết thúc với sự xuất hiện của “dân chúng”
(được đánh dấu bởi chữ “người Hy Lạp”), và đó là những gì sắp xảy
ra. Thánh Gioan phân chia các sự kiện tiếp theo ra làm hai
phần. Phần đầu là cuộc đối thoại riêng với các môn đệ, trong bối
cảnh của bữa tiệc lễ vượt qua (các câu 13-17); phần thứ hai sẽ là cảnh công
khai của cuộc thương khó và sự hiện ra như Đấng Phục Sinh (các 18-21).
Đoạn Tin Mừng này có thể không hoàn toàn có thực. Nó
muốn chỉ ra rằng việc mở ra cho các dân tộc đã bắt đầu với chính Chúa
Giêsu. Đó không phải là một câu hỏi cho người ta để thuyết phục họ
điều gì đó, mà hơn hết cả là chào đón việc tìm kiếm của họ và mang nó đến sự
trưởng thành. Loại trưởng thành này không tự nó xảy ra nhưng đòi hỏi
sự cộng tác của những người khác và cuộc đối thoại với Chúa
Giêsu. Gioan không cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã nói chuyện với
người Hy Lạp hay không. Văn bản dường như tóm tắt câu chuyện khi nó
ngay lập tức chỉ về “bản tính của Chúa Giêsu” những ai đi tìm kiếm Người phải
đi. Đó là Chúa Giêsu, Đấng thí mạng sống mình, mang lại hoa trái qua
cái chết của Người. Do đó, Đức Giêsu không phải là một “triết gia”
hay “bậc khôn ngoan”, mà hơn hết cả Người là Đấng không tiếc sự sống mình và đã
ban bố mạng sống mình và đã tự đặt mình làm kẻ phục vụ cho cuộc sống của mọi
người khác.
Các câu 27-33, trong đó cho thấy linh hồn của Chúa Giêsu chịu
đau khổ và bối rối khi phải đối mặt với cái chết sắp xảy ra cho mình, còn được
gọi là “vườn Giệtsêmani của Tin Mừng Thứ Tư”, song song với các sách Tin Mừng
Nhất Lãm nói về buổi cầu nguyện đầy đau thương của Chúa Giêsu trong vườn
Giệtsêmani. Điều mà xảy ra cho hạt lúa mì, đó là, chỉ khi nó vỡ ra
và thối đi để nó có thể giải gỡ tất cả sức sống của nó, cũng thật đúng với
trường hợp của Chúa Giêsu và của mỗi môn đệ là những người ước ao được phụng sự
Chúa và sống trong Người.
ii) Phúc
Âm:
20 Khi ấy, trong số những
người lên dự lễ, có mấy người Hy-Lạp. 21 Họ đến gặp
Philípphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: "Thưa ngài,
chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu". 22 Philípphê đi nói
với Anrê, rồi Anrê và Philípphê đến thưa Chúa Giêsu. 23 Chúa
Giêsu đáp: "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. 24 Quả
thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối
đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông
hạt. 25 Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống
mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. 26 Ai
phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai
phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó.
27 Bây giờ linh hồn
Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì
thế mà Con đã đến trong giờ này. 28 Lạy Cha, xin hãy làm
vinh danh Cha". Lúc đó có tiếng từ trời phán: "Ta đã làm vinh danh Ta
và Ta còn làm vinh danh Ta nữa". 29Đám đông đứng đó nghe
thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: "Một thiên thần nói với
Ngài". 30 Chúa Giêsu đáp: "Tiếng đó phán ra
không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. 31Chính bây giờ là lúc
thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ; 32 và
khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng
Ta". 33 Người nói thế để chỉ Người phải chết cách
nào.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để đọc lại Lời Chúa với trái tim của chúng ta
và để nhận ra trong những lời và sự kết cấu, có sự hiện diện mầu nhiệm của
Thiên Chúa hằng sống.
4. Một vài câu hỏi gợi ý:
Để thấy những điểm quan trọng trong văn bản và
bắt đầu nghiền ngẫm chúng.
a) Lý do tại sao chính Philípphê và Anrê là những người
được tìm gặp?
b) Những “người Hy Lạp” đang thực sự tìm kiếm điều
gì?
c) Có khi nào chúng ta bị hỏi về những câu hỏi tương tự
liên quan đến đức tin, Giáo Hội, đời sống Kitô hữu chưa?
d) Chúa Giêsu có vẻ như chưa từng gặp những “người Hy
Lạp”, nhưng Người lại nhắc tới “giờ” sắp đến của Người. Tại sao?
e) Chúa Giêsu đã có mong đợi họ trả lời theo như mẫu
hỏi đáp không? Hay là qua việc làm chứng tá của họ?
5. Đào sâu vào bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong
chủ đề
“Thưa Ngài, chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu”
Đây là lời yêu cầu của một số “người Hy Lạp”
đạt đệ lên Philípphê. Tục truyền rằng họ “đã đi đến thờ phượng tại buổi
lễ”. Có thể họ là “những người kính sợ Thiên Chúa” mà Tân Ước thường
xuyên nói tới, những người cảm thông với Do Thái giáo, mặc dù họ không phải là
người Do Thái. Họ có thể đã là những “người gốc Phênixi thuộc xứ
Syri”, như Máccô đã cho chúng ta biết (Mc 7:26), khi ông nói về người phụ nữ đã
cầu xin việc chữa lành cho con gái bà. Bằng vào lời yêu cầu của họ,
chúng ta có thể nghĩ rằng những “người Hy Lạp” này chỉ là hiếu kỳ muốn gặp một
nhân vật nổi tiếng và được nhiều người nói đến.
Nhưng bối cảnh mà trong đó Gioan đặt lời yêu
cầu này cho thấy rằng họ thực sự tìm kiếm Đức Giêsu với tất cả tấm lòng của
họ. Đặc biệt là bởi vì họ đến ngay lập tức sau khi đã được
viết: “Hết thảy thiên hạ đã đi theo ông ấy” (Ga
12:19). Sau đó, Chúa Giêsu công bố với câu nói “đã đến giờ Con Người
được tôn vinh”. Sự kiện mà họ đã đến gặp Philípphê, và sau đó
Philípphê đến tìm Anrê, là vì lẽ cả hai đã đến từ vùng Bêsaiđa, một thành phố
nơi mọi người đến từ những bối cảnh khác nhau và người ta cần phải hiểu một số
ngôn ngữ. Hai người đại diện cho hai khuynh hướng: Philípphê
thì thuộc về khuynh hướng truyền thống hơn (chúng ta có thể thấy từ lối nói của
ông khi gặp Chúa Giêsu (Ga 1:45)); trong khi đó Anrê thì đã tham gia trong
phong trào của Gioan Tẩy Giả và cởi mở hơn với những điều mới mẻ (xem Ga
1:41). Điều này để cho thấy rằng cộng đoàn tự mở ra cho dân ngoại,
chào đón lời yêu cầu của những người tìm kiếm với lòng hiếu kỳ, được đón tiếp
bởi một cộng đoàn sống trong những khuynh hướng khác
nhau.
“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà…”
Câu trả lời của Chúa Giêsu có vẻ như ít quan
tâm đến những người Hy Lạp là những kẻ muốn tìm gặp Người, và có vẻ như muốn
nói với tất cả mọi người, các môn đệ cũng như những người Hy
Lạp. Chúa trông thấy các biên giới mở cửa, Người nghe thấy tiếng
huyên náo theo sau các dân tộc, nhưng Người muốn chỉ cho thấy rằng sự nổi tiếng
này mà đã thu hút họ, “vinh quang” này mà họ muốn biết rõ hơn, thì hoàn toàn
khác với lòng mong đợi của họ. Cuộc sống của Người là một cuộc sống
sắp bị phá hủy, “lời” sắp sửa bị im tiếng, bị chà đạp cho đến chết, bị chôn vùi
trong lòng hận thù và trong trái đất để làm cho nó biến mất đi. Vì
vậy, thay vì nhìn thấy sự vinh quang trong hình thể loài người, họ đang đứng
trước một “vinh quang” tự mặc khải thông qua sự đau khổ và cái chết.
Điều này đúng cho họ, nhưng nó cũng đúng cho
tất cả cộng đoàn Kitô hữu muốn mở vòng tay đến những “người Hy
Lạp”. Một cộng đoàn như thế phải “tham vấn” với Thiên Chúa, có nghĩa
là, nó phải giữ liên lạc với khía cạnh này, cái chết vì sự sống này, phải cống
hiến sự chiêm niệm riêng của mình về mầu nhiệm này và không chỉ cung cấp những
ý tưởng. Nó phải sống hoàn toàn từ bỏ khỏi sự yên ổn và hài lòng của
loài người, để nó có thể phụng sự Chúa và, nó cũng được nhận danh dự từ Chúa
Cha. Yêu mến sự sống đời này và sự khôn ngoan của thế gian – và trong
thế giới người Hy Lạp đây là những giá trị quan trọng – là trở ngại lớn lao cho
một “kiến thức thật sự về Chúa Giêsu”. Để phụng sự Danh Thánh Chúa,
đón chào lời yêu cầu của những kẻ “đi tìm kiếm Người”, đem những người đi tìm
này đến với Chúa Giêsu, mà không sống theo Chúa, hơn hết cả mà không làm chứng
tá để chia sẻ sự chọn lựa cuộc sống của người ấy, món quà tặng đời sống của
người ấy, thì thật là vô ích.
“Linh hồn Ta xao xuyến xiết bao”
Điều “băn khoăn” này của Chúa Giêsu là một yếu
tố rất thú vị khác. Không phải là dễ dàng mà chịu đau khổ, xác thịt
chống lại, xu hướng tự nhiên là trốn chạy khỏi sự đau khổ. Chúa
Giêsu cũng cảm thấy sự mâu thuẫn này, đã có cùng sự kinh hoàng trước một cái
chết mà hứa hẹn là sẽ đau đớn và nhục nhã. Thắc mắc của Người
là: “Và Ta phải nói gì đây?” tỏ cho thấy sự giao động này, nỗi sợ
hãi này, cơn cám dỗ này để tránh né một cái chết như thế. Gioan đã
đặt thời khắc khó khăn này trước bữa tiệc ly; tuy nhiên, các sách Tin Mừng Nhất
Lãm đặt nó vào lúc cầu nguyện trong vườn Giệtsêmani (Mc 14:32-42; Mt 26:36-46;
Lc 22:39-46). Dù sao chăng nữa, tất cả đều đồng ý về việc giao động
và xao xuyến này, cho thấy Người cũng giống như chúng ta, mỏng dòn và sợ hãi.
Nhưng Chúa Giêsu đối diện với nỗi thống khổ
này bằng cách “phó thác bản thân mình” vào tay Chúa Cha, tự mình nhắc nhở rằng
đây là kế hoạch của Chúa Cha, rằng toàn bộ đời sống của Người được hướng dẫn
chính xác cho đến giây phút này, rằng ngay tại thời khắc này Người mặc khải
chính mình và làm cho có ý nghĩa. Chúng ta biết rõ rằng chủ đề của
giờ khắc rất là quan trọng đối với Gioan: lần đề cập đầu tiên tại tiệc
cưới Cana (Ga 2:4) và sau đó một cách thường xuyên (Ga 4:21; 7:6,8,30; 8:20;
11:9; 13:1; 17:1). Đó không hẳn là vấn đề về thời gian chính xác như
của trường hợp dứt khoát hướng về tất cả mọi việc đang chỉ đến.
“Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”
Được trông thấy từ xa sự thảm sát của kẻ cảm
thấy bị đe dọa, việc treo trên cây thập tự giá trở thành việc đưa lên
cao thực sự, đó là, việc trưng bày Người là Đấng cứu rỗi và chúc lành
cho tất cả mọi người. Từ việc bạo lực muốn chèn ép và loại bỏ, chúng
ta tiến tới lực hướng tâm thực hiện bằng biểu tượng được nâng cao đó. Đây
là một sự “thu hút” được tạo ra bởi tính hiếu kỳ, nhưng mà qua tình yêu sẽ trở
nên nguồn mạch của tình môn sinh, của lòng trung thành trong tất cả những ai có
thể tiến xa hơn khỏi sự kiện vật lý và nhìn thấy trong Người món quà tặng ban
cho không của tất cả bản thân Người.
Nó sẽ không còn bị xem như là cái chết ô nhục
tạo ra khoảng cách, mà là nguồn mạch của sự lôi cuốn nhiệm mầu, một phương cách
ban tặng với ý nghĩa mới cho sự sống. Một sự sống được cho đi lại
nảy sinh sự sống; một sự sống bị chết đi lại tạo ra niềm hy vọng và sự đoàn kết
mới, hiệp thông mới, sự tự do mới.
6. Thánh Vịnh 125 (126)
Khi CHÚA dẫn tù nhân Xi-on trở về,
ta tưởng mình như giữa giấc mơ.
Vang vang ngoài miệng câu cười nói,
rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.
Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán:
"Việc CHÚA làm cho họ, vĩ đại thay! "
Việc CHÚA làm cho ta, ôi vĩ đại!
ta thấy mình chan chứa một niềm vui.
Lạy CHÚA, xin dẫn tù nhân chúng con về,
như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.
Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo;
lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.
ta tưởng mình như giữa giấc mơ.
Vang vang ngoài miệng câu cười nói,
rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.
Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán:
"Việc CHÚA làm cho họ, vĩ đại thay! "
Việc CHÚA làm cho ta, ôi vĩ đại!
ta thấy mình chan chứa một niềm vui.
Lạy CHÚA, xin dẫn tù nhân chúng con về,
như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.
Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo;
lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, nguyện xin
Chúa hãy gìn giữ các môn đệ của Con Một Chúa xa khỏi các phương cách nổi tiếng
dễ dàng, của sự vinh quang giả tạo, và hướng dẫn họ đến lối đi của những người
nghèo khổ và bị áp bức của thế gian, để họ có thể nhận ra trong khuôn mặt của
những người ấy là khuôn mặt của Thầy Chí Thánh và Đấng Cứu
Chuộc. Xin hãy ban cho họ đôi mắt để nhìn thấy những phương cách có
thể mang lại hòa bình và đoàn kết; có đôi tai để thấy những lời thỉnh cầu ý
thức và cứu rỗi của rất nhiều người đi tìm kiếm bằng cảm giác; xin hãy làm
phong phú tâm hồn của họ với lòng trung thành quảng đại, một ý thức và hiểu
biết để họ có thể đi trọn con đường, là chứng nhân đích thực và chân thành cho sự
vinh quang tỏa sáng trong Đấng bị đóng đinh đã phục sinh và vinh quang, Đấng
hằng sống hằng trị vinh hiển với Chúa là Cha của chúng con đến muôn thuở muôn
đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét