06/03/2015
Thứ Sáu
Tuần II Mùa Chay Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: St 37, 3-4. 12-13a. 17b-28
"Này thằng chiêm bao đến kia rồi, anh em hãy lại
đây, chúng ta bắt giết nó".
Trích sách Sáng Thế.
Israel mến thương Giuse hơn mọi đứa con khác, vì ông sinh ra
Giuse trong lúc tuổi già. Ông may cho Giuse một chiếc áo nhiều mầu. Các anh của
Giuse thấy cha mình thương Giuse hơn mọi đứa con, nên sinh lòng ghen ghét và
không thể nói chuyện thân mật với Giuse.
Khi các anh Giuse đi chăn những đoàn chiên của cha mình tại
Sikem, thì Israel nói với Giuse: "Có phải các anh con đang chăn chiên ở
Sikem không? Con hãy lại đây, cha sai con đi tìm các anh con".
Giuse đi tìm các anh mình và gặp các anh tại Đôtain. Khi các anh
thấy Giuse từ đằng xa tiến lại gần, họ liền âm mưu tìm cách giết Giuse. Họ nói
với nhau rằng: "Này thằng chiêm bao đến kia rồi, anh em hãy lại đây, chúng
ta bắt giết nó, ném xác nó xuống một cái giếng cạn và nói nó bị thú dữ ăn thịt,
rồi xem các điềm chiêm bao của nó sẽ ra sao?"
Ruben nghe nói thế, liền định cứu Giuse khỏi tay anh em, nên nói
rằng: "Chúng ta đừng giết nó, đừng làm đổ máu, song ném nó xuống giếng nơi
hoang vu này, và như thế, tay các em không phải vấy máu". Ruben nói như thế,
vì có ý muốn cứu Giuse khỏi tay các anh em, để đem Giuse về cho cha mình. Khi
Giuse vừa đến gần, các anh liền cởi áo dài Giuse đang mặc, và bắt ném xuống giếng
cạn.
Đang khi các ông ngồi ăn bánh, thì thấy một đoàn người Ismael từ
Galaad tiến về Ai-cập, các con lạc đà của họ chở đầy hương liệu, nhựa thơm và dầu
thơm. Giuđa nói với các anh em rằng: "Chúng ta giết em chúng ta và giấu
máu nó đi, thì có ích lợi gì? Tốt hơn là chúng ta đem bán nó cho người Ismael
và tay chúng ta không phải vấy máu, vì Giuse là em ruột thịt chúng ta".
Các anh em nghe theo lời Giuđa, nên khi các người lái buôn từ Mađian đi ngang
qua đó, các ông kéo Giuse lên khỏi giếng và đem bán cho các người Ismael với
giá hai mươi đồng bạc, và họ dẫn Giuse sang Ai-cập. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 104, 16-17. 18-19. 20-21
Đáp: Các ngươi hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm
(c. 5a).
1) Chúa đã gọi cảnh cơ hàn về trên đất nước, và rút đi mọi sự
nâng đỡ bằng cơm bánh. Ngài đã sai một người đi trước họ: Giuse đã bị bán để
làm nô lệ. - Đáp.
2) Thiên hạ đã lấy xiềng để trói chân người, và cổ người bị cột
bằng xích sắt, cho tới khi ứng nghiệm lời tiên đoán của người, lời của Chúa đã
biện minh cho người. - Đáp.
3) Vua đã sai cởi trói cho người, Chúa của chư dân cũng đã giải
phóng người. Vua đã tôn người làm chủ của mình, và làm chúa trên toàn diện lãnh
thổ. - Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Tv 94, 8ab
Hôm nay các ngươi đừng cứng lòng, nhưng hãy nghe lời Chúa phán.
PHÚC ÂM: Mt 21, 33-43. 45-46
"Đứa con thừa tự kia rồi, nào anh em, chúng ta
hãy giết nó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong
dân rằng: "Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một
vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh; đoạn ông
cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Đến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền
để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa
này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn
trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình
đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa
thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: "Đứa con thừa tự kia rồi: Nào anh em!
Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó". Rồi họ bắt cậu, lôi
ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào? Các
ông trả lời: "Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó và sẽ cho người khác thuê vườn
nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi". Chúa Giêsu phán: "Các ông chưa bao
giờ đọc thấy trong Kinh Thánh sao:
" 'Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc;
đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta'? Bởi vậy, Ta bảo các
ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho
trổ sinh hoa trái".
Các Thượng tế và biệt phái nghe dụ ngôn đó, thì hiểu Người ám chỉ
về mình. Họ liền tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì thiên hạ đều
tôn Người là Tiên tri. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
SUY NIỆM : Dụ Ngôn Tá Điền Vườn Nho
Qua dụ ngôn người làm vườn nho sát nhân, không những Chúa Giêsu
ám chỉ đến cái chết dã man mà các Thượng tế và Biệt phái sẽ gây ra cho Ngài,
nhưng Ngài còn loan báo về sự phục sinh mà Thiên Chúa quyền năng sẽ thực hiện
cho Ngài. Với sự phục sinh âý, Thiên Chúa như tuyên bố rằng tình yêu mạnh hơn sự
chết, yếu đuối đã trở thành sức mạnh, thất bại biến thành khơi nguồn của ân
ban. Chúa Giêsu đã gói ghém tất cả các mạc khải ấy trong câu trích từ Tv 118:
“Chính viên đá thợ xây loại bỏ, đã trở nên viên đá góc tường”. Cái bị loại bỏ
đã trở thành chuẩn mực, cái yếu đuối đã trở thành sức mạnh, cái điên dại đã trở
thành lẽ khôn ngoan, cái chết đã trở thành cửa ngõ và khởi đầu nguồn sống mới.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng phó thác vào tình
thương quan phòng của Thiên Chúa. Màu tím của Mùa Chay có lẽ không nên phủ lên
khuôn mặt chúng ta lớp khăn tang của buồn sầu, thiểu não; trái lại, việc suy niệm
cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu, việc chay tịnh trong thể xác và tâm hồn phải hướng
chúng ta đến sự phục sinh của Chúa Kitô. Cuộc Tử nạn của Ngài không phải là con
đường hầm không có lối thoát, nhưng ở cuối con đường ấy là nguồn sáng chan hoà
của phục sinh. Đó cũng phải là ánh sáng chiếu dọi vào những suy niệm của chúng
ta.
Cũng như thánh Phaolô, chúng ta cũng có thể góp phần bổ túc những
gì còn thiếu trong cuộc Tử nạn của Chúa Kitô. Những mất mát, thua thiệt, những
thất bại khổ đau trong cuộc sống đều là những đóng góp của chúng ta với điều kiện
chúng ta biết đón nhận chúng với tinh thần phó thác của Chúa Giêsu, biết nhìn
vào đó như những viên đá để Thiên Chúa biến thành viên đá góc xây dựng Giáo hội
Chúa Kitô.
Suy tôn Thánh giá Chúa Kitô trong Mùa Chay, xin cho chúng ta biết
nhìn lên ánh sáng Phục sinh, để từ đó nhận ra được ý nghĩa và giá trị của đau
khổ trong cuộc sống chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu
Tuần II MC
Bài đọc: Gen
37:3-4, 12-13ª, 17b-28; Mt 21:33-43, 45-46.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự quan
phòng kỳ diệu của Thiên Chúa
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta nhìn thấy sự quan phòng của
Thiên Chúa: nhiều sự tốt lành được thực hiện ngay cả từ những ghen tương, giận
ghét của con người. Trong Bài Đọc I, ông Giuse đầu tiên bị các anh bán sang
Ai-cập với giá 20 đồng bạc, vì ghen tị em mình được cha thương hơn tất cả mọi
anh em. Nhưng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, ông đã trở thành Tể-tướng của
Ai-cập để chuẩn bị cứu đói và đưa cả gia đình: cha và các anh em qua đòan tụ.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra câu truyện vườn nho của Thiên Chúa để ám chỉ sự
bạc bẽo của dân và cái chết tương lai của Ngài. Nhưng trong sự quan phòng của
Thiên Chúa, “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó
chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.” Ngài
chính là Tảng Đá đem lại Ơn Cứu Độ, không những cho dân tộc Do-thái, mà còn cho
tất cả các dân tộc.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ông Giuse bị các anh bán sang Ai-cập.
1.1/ Sự ghen tị và ác độc của các anh: Ông
Israel có lý do để yêu Giuse hơn tất cả các con, vì ông đã già mới sinh được cậu;
nhưng khi các anh cậu thấy cha yêu cậu hơn tất cả các anh, thì sinh lòng ghét cậu
và không thể nói năng tử tế với cậu. Cơ hội báo thù đến khi cha gởi cậu mang
cơm nước cho các anh đang chăn chiên ngòai đồng, và cậu gặp các anh ở Dothan. Họ
thấy cậu từ xa, và trước khi cậu tới gần họ thì họ lập mưu giết chết cậu. Họ bảo
nhau: "Thằng tướng chiêm bao đang đến kia! Bây giờ, nào ta giết và ném nó
xuống một cái giếng. Ta sẽ nói là một thú dữ đã ăn thịt nó. Rồi ta sẽ thấy các
chiêm bao của nó đi tới đâu!"
Giuse có biệt tài về việc giải thích các điềm chiêm bao. Cậu đã
từng chiêm bao và giải thích nó cho cha và các anh, vì cậu nói cha và các anh đều
quỳ xuống lạy cậu. Chính điều này làm cho các anh càng ghét và gọi cậu là “Thằng
tướng chiêm bao.” Khi qua Ai-cập, nhờ giải thích các điềm chiêm bao cho hai ông
quan mà cậu được ra khỏi tù; và cho Vua Pharao mà cậu được thăng chức Tể-tướng.
Trong Cựu-ước, chiêm bao là cách con người hiểu biết các kế họach kỳ diệu,
nhưng ẩn giấu mà Thiên Chúa sắp làm trên con người. Qua những điềm chiêm bao
này, Giuse thấu hiểu tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa đã hướng dẫn ông,
gia đình, và nhân lọai.
1.2/ Kế họach của con người và sự quan phòng của Thiên Chúa: Các anh
muốn giết cậu để thủ tiêu ngay từ đầu, nhưng một người anh là Reuben tìm cách cứu
em khỏi tay họ, bằng cách đề nghị ném cậu xuống giếng; và họ đã ném cậu xuống một
cái giếng cạn không có nước. Sau đó, khi họ đang ngồi ăn, một người anh khác là
Judah đề nghị với các anh em: "Ta giết em và phủ lấp máu nó, nào có ích lợi
gì? Thôi, ta hãy bán nó cho người Ismael, nhưng đừng động tay tới nó, vì nó là
em ta, là ruột thịt của ta." Các anh em nghe cậu. Khi thấy những lái buôn
người Madian đi qua đó, họ kéo Giuse lên khỏi giếng, rồi bán cậu cho người
Ismael hai mươi đồng bạc. Những người này đưa Giuse sang Ai-cập. Anh Judah này
là hình ảnh của Tông-đồ Judah sẽ bán Chúa Giêsu 30 đồng bạc. Qua biến cố này,
chúng ta nhận ra Thiên Chúa dùng cả tình thương của anh Reuven và lòng tham tiền
của anh Judah để cứu Giuse khỏi chết.
2/ Phúc Âm: Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường.
2.1/ Câu truyện Vườn Nho của Tân-ước: Sở dĩ
chúng ta gọi như vậy là để phân biệt với câu truyện Vườn Nho của Cựu-ước mà
Tiên-tri Isaiah tường thuật (Isa 5:1-7). Chúa Giêsu dùng thể văn lọai suy mà
người nghe hiểu ngay Ngài đang muốn ám chỉ ai và về điều gì:
Vườn nho là nhà Israel và gia chủ là chính Thiên Chúa. Các tá điền
là những người lãnh đạo trong Israel: tư tế, kinh sư, và biệt phái. Đầy tớ của
chủ là các tiên tri qua các thời đại. Điểm khác biệt giữa hai câu truyện Vườn
Nho là sự sai đi của Người Con. Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo
nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài
nó!" Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi.
Chúa Giêsu muốn đối thọai với khán giả để chính họ ra bản án cho các tá điền:
- “Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền
kia?"
- Họ đáp: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho
các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho
ông."
2.2/ Sự quan phòng của Thiên Chúa: Đức
Giêsu bảo họ: "Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng
đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của
Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. Bởi đó, tôi nói cho các ông hay:
Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân
biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” Câu Kinh Thánh Chúa Giêsu trích dẫn ở đây
là Thánh Vịnh 118:22-23. Chúa Giêsu muốn cắt nghĩa cho họ biết Kế Họach Cứu Độ
của Thiên Chúa đang được thực hiện ngay trong sự ghen ghét và ác độc của các tá
điền. Ngài chính là Tảng Đá mà các nhà lãnh đạo Do-Thái sắp giết chết; nhưng
chính cái chết của Ngài sẽ đem lại lợi ích cho mọi người: Do-thái cũng như
Dân-ngọai. Từ nay, Nước Thiên Chúa không chỉ giới hạn trong dân tộc Do-thái nữa;
mà sẽ mở rộng đến mọi dân tộc. Sẽ có những dân tộc biết sinh hoa lợi cho Thiên
Chúa nhiều hơn dân tộc Do-thái.
Các Thượng-tế và Biệt-phái hiểu ngay là Người đang nói về họ qua
dụ ngôn Người kể. Như là một sự sắp đặt, “Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ
dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ.” Họ chưa thi hành kế họach được,
vì giờ của Ngài chưa đến. Khi giờ đến, họ sẽ làm theo Kế Họach Cứu Độ của Thiên
Chúa đã vạch sẵn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa đang điều khiển và quan phòng mọi sự xảy ra trong
thế giới này. Con người có thể nghĩ họ là người điều khiển, nhưng thực ra họ
đang làm những gì đã được xếp đặt trong sự quan phòng của Ngài.
- Dĩ nhiên con người vẫn có tự do để cộng tác hay làm nghịch lại
ý của Thiên Chúa; nhưng họ không thể làm cho những gì Thiên Chúa họach định đừng
xảy ra. Ngài có thể dùng tất cả những cái tốt cũng như cái xấu của con người để
đạt những gì Ngài họach định.
- Sự quan phòng của Thiên Chúa nhiều khi không dễ hiểu; nhưng
chúng ta phải tin, vì nếu chúng ta hiểu được mọi sự quan phòng của Thiên Chúa,
chúng ta không còn là người nữa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
06/03/15 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 2 MC
Mt 21,33-43.45-46
Mt 21,33-43.45-46
Suy niệm: Ngày
nay các ông chủ khôn ngoan tuyển trạch nhân sự cho doanh nghiệp của mình không
chỉ đánh giá ứng viên qua bằng cấp mà còn xem xét năng lực của họ. Điều đó giúp
chúng ta hiểu Tin Mừng hôm nay, trong công cuộc xây dựng Nước Thiên Chúa, Chúa
Giê-su cho biết, Thiên Chúa cũng sẽ loại ra ngoài những người nào không biết
sinh hoa lợi cho Nước Trời. Những người “tá điền bất lương,” lợi dụng sự tín
nhiệm của Chúa để mưu đồ lợi ích nhóm hay cá nhân, thậm chí còn thua kém cả 'gái điếm và người tội lỗi' (Mt 21,31) là những người đã nghe lời, đã tin
và hoán cải.
Mời Bạn: Thiên
Chúa luôn rộng lượng để trao cho Bạn và tôi những giá trị cao quý của Nước
Trời. Nhưng nếu chúng mình không biết dùng khả năng Chúa ban để làm cho những
giá trị ấy được triển nở, thì ắt hẳn chúng mình sẽ bị loại ra khỏi Nước Thiên
Chúa.
Chia sẻ: Bạn
được mời gọi để sống và làm chứng cho những giá trị của Tin mừng, vậy đâu là
hoạch định của bạn -người tá điền trung tín của Chúa - để sống như điều Chúa
mong muốn ?
Sống Lời Chúa: Làm
các việc bổn phận của mình một cách trung thực và với tất cả tinh thần trách
nhiệm
Cầu nguyện: Lạy Chúa, là Ki-tô hữu, con được vinh dự làm việc trong công cuộc
Nước Trời. Xin giúp con biết nhiệt tâm đóng góp phần mình, và không bao giờ lợi
dụng người khác, lợi dụng Giáo Hội, lợi dụng Chúa để tìm lợi ích riêng. Amen.
Sinh hoa lợi
Chúng ta hãnh diện vì được
trao phó vườn nho là Nước Thiên Chúa, và lo lắng trước trách nhiệm phải sinh
hoa lợi cho xứng ở đời này.
Suy niệm:
Trong Mùa Chay, Giáo Hội cho
chúng ta nghe dụ ngôn những tá điền.
Những tá điền này được chủ
nhà cho canh tác vườn nho của mình,
để đến mùa hái nho họ giao
lại cho ông hoa lợi.
Đây là một vườn nho được ông
chủ quan tâm săn sóc.
Ông đã trồng, đã rào giậu,
khoét bồn đạp nho và xây tháp canh.
Tiếc thay, khi ông chủ sai
các đầy tớ đến để thu hoa lợi
các tá điền chẳng những
không nộp, mà còn hành hạ họ và giết đi (c. 35).
Nhóm đầy tớ thứ hai cũng
chịu chung số phận (c. 36).
Nhưng ông chủ vẫn không thất
vọng trước sự độc ác của các tá điền.
Sau cùng, ông đã sai chính
con trai mình đến với họ.
Đứa con thừa tự cũng chẳng
được nể vì, bị lôi ra khỏi vườn nho và giết đi.
Khi kể dụ ngôn này Đức Giêsu
muốn nói mình chính là người con ấy,
người Con của ông chủ vườn
nho là Thiên Chúa.
Ngài tiên báo về cái chết
sắp đến của mình
bởi tay những tá điền sát
nhân là các nhà lãnh đạo Do Thái giáo đương thời.
Cái chết của Đức Giêsu nằm
trong chuỗi những cái chết của các ngôn sứ
là các đầy tớ đã
được Thiên Chúa sai đến với dân Israel trong dòng lịch sử.
Tuy nhiên, cái chết ấy đặc
biệt cao quý vì là cái chết của chính Người Con.
Hơn thế nữa, cái chết ấy
không phải là một dấu chấm hết.
Nó là cánh cửa mở ra một
trang mới của lịch sử,
không phải chỉ là lịch sử
của dân tộc Israel, mà còn của cả nhân loại.
“Viên đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên viên đá đầu góc.
Đó là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (c. 42).
Giáo Hội sơ khai thích dùng
trích dẫn trên đây của Thánh vịnh 118, 22
để nói về việc Đức Giêsu bị
loại trừ và được tôn vinh (x. Cv 4,11; 1Pr 2,7).
Bị loại bỏ là việc độc ác
của con người,
còn trở nên viên đá góc là
việc làm kỳ diệu của Thiên Chúa.
“Thu hoa lợi”, “nộp hoa
lợi”, “sinh hoa lợi” (cc.
34, 41, 43).
Hoa lợi là điều mà ông chủ
nhắm tới khi ông đầu tư cho vườn nho.
Ông đã không thu được hoa
lợi gì từ những tá điền độc ác,
bởi đó ông đã lấy vườn nho
lại, cho người khác làm để lấy hoa lợi.
Vườn nho bây giờ được hiểu
là Nước Thiên Chúa.
Nước này không còn nằm trong
tay giới lãnh đạo dân Do Thái nữa,
nhưng được trao cho một dân
biết sinh hoa lợi (c. 43).
Dân mới ấy chính là Giáo Hội
phổ quát,
trong đó gồm cả dân ngoại và
những người Do Thái tin Đức Giêsu.
Chúng ta thuộc về Giáo Hội,
thuộc về đoàn dân mới.
Chúng ta hãnh diện vì được
trao phó vườn nho là Nước Thiên Chúa,
và lo lắng trước trách nhiệm
phải sinh hoa lợi cho xứng ở đời này.
Làm thế nào để Giáo Hội nộp
hoa lợi đúng mùa cho Chủ?
Làm thế nào để chúng ta
không rơi vào tội của các tá điền đi trước?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
con thường thấy mình không
có thì giờ,
nhưng đồng thời cũng thấy
mình
lãng phí bao thời gian quý
báu.
Nhiều khi con tự hỏi
mình thực sự làm việc bao
nhiêu giờ mỗi ngày.
Xin cho con biết quý trọng từng giây phút
đang trôi qua mà con không
sao giữ lại được.
Chúa đã trao cho con nén bạc
thời gian,
để con sinh lợi tối đa theo
ý Chúa.
Xin cho con luôn làm việc
như Chúa :
hăng say, tận tụy và vui
tươi,
vâng phục, có phương pháp và
đầy sáng tạo.
Vì quá khứ thì đã qua,
và tương lai thì chưa đến,
nên xin dạy con biết trân
trọng giây phút hiện tại.
Xin cho con thấy Chúa
lúc này đang ở đây bên con,
và đang mời gọi con đáp lại
tiếng của Ngài
bằng những hành động cụ thể.
Con xin hiến dâng Chúa giây phút này
như một hy lễ,
với tất cả những bất ngờ,
đớn đau, thách đố.
Ước gì con dám sống hết mình giây phút hiện tại
để hiện tại đưa con vào vinh
cửu của Chúa. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng
Tâm Hồn Lên
6 THÁNG BA
Cha Mừng Đón Tội Nhân Về Nhà
Muợn lời Thánh Phao-lô trong Thư 2 Cô-rinh-tô, Giáo Hội nói với
chúng ta: “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới
đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho
chúng ta được hòa giải với Ngài, và trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải” (2Cr
5,17-18).
Trong ánh sáng của những lời đó, chúng ta nhận hiểu sứ điệp của
dụ ngôn Người Con Đi Hoang. Thiên Chúa, Đấng hòa giải chúng ta với chính Ngài
trong Đức Kitô, tự biểu hiện qua dụ ngôn này trong hình ảnh người cha. Ngài niềm
nở tiếp đón con mình khi anh ta trở về nhà và kêu lên: “Con đã lỗi phạm … Con
không đáng được gọi là con của cha nữa” (Lc 15,21).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời
Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 06-3
St 37,3-4.12-13a.17b-28; Mt 21,33-43.45-46.
LỜI SUY NIỆM: Bởi đó tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy
đi không cho các ông nữa mà ban cho một dân biết làm cho nước ấy sinh hoa lợi.
Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn những tá điền sát nhân, Người ám chỉ
những người đang lãnh đạo dân riêng của Chúa, họ không còn là những tôi tớ làm
việc cho Thiên Chúa nữa, họ đã cố tình chiếm đoạt làm của riêng cho mình. Những
ai làm cản trở họ, họ đều tiêu diệt bất kể là ai, cho dù là Con Một duy nhất của
Ngài. Điều này trong hiện tại, trong Giáo Hội cũng đang tái diễn chính Đức
Thánh Cha Phan-xi-cô trong ngày 23/12/2014 ngài cũng đã đề cập đến khi điểm qua
14 căn bệnh mà mọi thành phần trong dân Chúa cần phải được chữa lành và tẩy sạch
và loại bỏ khỏi bản thân của mình. Đó là các bệnh: “Tưởng mình bất tử, Bệnh
Mát-ta, Chai cứng tâm trí và tinh thần, Kế hoạch hóa quá và duy hiệu năng, Phối
hợp kém, Suy thoái não bộ tinh thần, Cạnh tranh háu danh, Tâm thần phân liệt,
Ngồi lê đôi mách, Thần thánh hóa giới lãnh đạo, Dửng dưng với người khác, Bộ mặt
đưa đám, Tích trử, Nhóm khép kín, Tìm kiếm lợi lộc trần tục và phô trương.”
Lạy Chúa Giêsu. Cái tôi của bản thân của mình và quyền lợi vật
chất đã làm hư hỏng biết bao người , và gây phương hại cho Giáo hội. Xin Chúa
ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết sống khiêm tốn xét
mình và cầu nguyện cho bản thân cũng như cho tất cả mọi thành phần dân Chúa, để
Nước Chúa được lan rộng khắp nơi.
Mạnh Phương
06 Tháng Ba
Những
Tác Phẩm Ðể Ðời
Nguyện đường Sixtina trong nội thành Vatican đã được Ðức Giáo
Hoàng Sixto thứ 4 cho xây cất vào cuối thế kỷ thứ 15. Không những là nơi các vị
Hồng Y tụ tập để bầu Giáo Hoàng hay còn là nơi để tổ chức những buổi họp quan
trọng khác có tính chất thượng đỉnh, nguyện đường Sixtina còn là một bảo tàng
viện với những tác phẩm nghệ thuật bất hủ, nhất là những bức bích họa của
Michelangelo.
Bất cứ du khách nào đến Roma cũng tìm đủ mọi cách để được một lần
chiêm ngắm các bức tranh được vẽ trên tường và trên trần nhà này. Người thưởng
lãm không những chỉ ngắm nghía dưới khía cạnh lịch sử, nghệ thuật, văn hóa,
nhưng còn để hồn hòa nhập vào niềm tin sâu sắc của nhà nghệ sỹ. Thật thế, tất cả
những bức tranh mà Michelangelo đã thực hiện trong nhà nguyện Sixtina đều được
cảm hứng từ Kinh thánh.
Nhà danh họa của chúng ta đã phải nằm ngửa trên một giàn gỗ hướng
mặt về trần bản ròng rã không biết bao nhiêu năm tháng. Nóng lòng chờ đợi các
tác phẩm của ông, ngày kia, đức Sixto đã to tiếng hỏi vọng lên từ dưới đất:
"Michelangelo, chừng nào ông mới hoàn thành công việc?". Từ trên giàn
gỗ, nhà danh họa đáp lại: "Chừng nào con có thể!". Vị Giáo Hoàng dường
như mất hết kiên nhẫn: "Thế ông có biết là ông đã bắt đầu mấy năm rồi
chưa? Thế mà tôi vẫn chưa thấy gì hết...". Một cách điềm tĩnh,
Michelangelo trả lời: "Thưa Ðức Thánh Cha, con không làm việc cho đời tạm
này, mà cho đời sau...".
Có những bản nhạc, có những tác phẩm văn chương, có những công
trình kiến trúc đã trở thành bất hủ. Nghĩa là, qua dòng thời gian, người ta sẽ
không bao giờ quên được những kiệt tác ấy. Nhiều khi chính tác giả của những
công trình bất hủ ấy không bao giờ dám nghĩ đến sự trường tồn của tên tuổi mình
như thế.
Danh họa và điêu khắc gia Michelangelo đã tiên đoán về những tác
phẩm của mình. Quả thực, ông đã để lại muôn thế hệ tên tuổi của ông qua các
sáng tác của ông. Tượng Pieta, tượng Maisen, tượng David và các bức bích họa
trong nguyện đường Sixtina sẽ không bao giờ mai một với thời gian.
Tuy nhiên, cái bất hủ nơi con người chỉ là một cái bóng mờ đối với
cái vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Một cuộc chiến tranh tàn phá, một thiên tai vùi dập:
tất cả mọi tên tuổi và dấu vết của con người cũng đều tan biến. Duy chỉ có những
gì được xây dựng trên nền tảng của Vĩnh Cửu mới được trường tồn.
Thiên Chúa không tạo dựng tất cả mọi người đều là thiên tài để
ai cũng có thể để lại cho hậu thế danh thơm tiếng tốt của mình. Tuy nhiên, tất
cả mọi người đều được tạo dựng như một kiệt tác của vũ trụ. Kiệt tác đó sẽ mãi
mãi đi vào Vĩnh Cửu của Thiên Chúa. Nhưng mỗi đời người là một công trình cho
vĩnh cửu. Mỗi một việc làm vô danh và nhỏ bé nhất cũng đều mang một giá trị
vĩnh cửu.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét