Trang

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Cuộc họp báo giới thiệu thông điệp “Laudato Sí”

Cuộc họp báo giới thiệu thông điệp “Laudato Sí”
Đặng Tự Do6/18/2015


Sáng thứ Năm 18 tháng Sáu, trong phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, Đức Hồng Y Peter Turkson, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đã giới thiệu Thông điệp “Laudato Sí” của Đức Giáo Hoàng Đức Thánh Cha Phanxicô “về chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta”.

Đức Hồng Y đã chào đón các diễn giả của tài liệu này là Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo John Zizioulas của giáo phận Pergamon, đại diện Tòa Thượng Phụ Đại kết của Giáo Hội Chính Thống; giáo sư John Schellnhuber, người sáng lập và là giám đốc của Viện nghiên cứu tác động của khí hậu ở Potsdam, Cộng Hoà Liên Bang Đức, là người gần đây đã được bổ nhiệm là một thành viên của Giáo Hoàng Học Viện về khoa học; Carolyn Woo, Chủ tịch Catholic Relief Services và là cựu khoa trưởng của Đại Học Doanh Thương Mendoza thuộc Đại học Notre Dame, Hoa Kỳ; và Valeria Martano, một giáo viên dạy học 20 năm qua ở ngoại ô Rôma.

Các diễn giả đã chứng minh rằng thông điệp này, ngay từ đoạn mở đầu đã tìm cách thiết lập một cuộc đối thoại với tất cả mọi người, cá nhân cũng như các tổ chức cùng chia sẻ những mối quan tâm như Đức Giáo Hoàng, được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, trong một tình hình toàn cầu đang làm cho họ càng ngày càng gắn bó với nhau và bổ sung cho nhau. Đức Hồng Y Turkson nói: “Đây là loại đối thoại đã được Đức Thánh Cha sử dụng trong tiến trình chuẩn bị thông điệp này. Ngài dựa trên một loạt các đóng góp. Một số, đặc biệt là những từ những Hội đồng Giám mục của tất cả các châu lục được nhắc đến trong tài liệu này. Những người khác tham gia trong các giai đoạn khác nhau của công việc này tuy chưa được nhắc đến nhưng Chúa biết rõ cách thế để ân thưởng cho lòng quảng đại và sự cống hiến của họ.”

Đức Hồng Y cho biết thông điệp được đặt tên từ một lời cầu của thánh Phanxicô. 'Laudato sí, mí Signore” (Lạy Chúa của con, chúc tụng Chúa), trong bài ca của các thụ tạo có nhắc nhớ rằng trái đất là căn nhà chung của chúng ta, “cũng như người chị chúng ta, chúng ta chia sẻ cuộc sống với chị ấy, và như người mẹ tươi đẹp đón nhận chúng ta trong vòng tay của mẹ”. Chính “chúng ta là đất” (Xc St 2,7). Chính thân thể chúng ta được cấu thành nhờ những yếu tố của trái đất, không khí là yếu tố mang lại cho chúng ta hơi thở và nước của trái đất làm cho chúng ta được sống và được bổ dưỡng”

Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo John Zizioulas của giáo phận Pergamon đã dành một phần lớn diễn từ của ngài để nói về khiá cạnh đại kết trong thông điệp Laudato Sí và nhắc lại rằng hồi năm 1989, Đức Thượng Phụ Đại Kết Dimitrios đã công bố một thông điệp gửi đến tất cả các Kitô hữu và những người thiện chí để cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của những vấn nạn về sinh thái cũng như những tác động về thần học và tâm linh của những vấn nạn này, Cùng năm đó, Đức Thượng Phụ cũng đề nghị chọn ngày mùng 01 tháng Chín hàng năm để cầu nguyện cho môi trường. Ngày này, theo lịch Chính thống giáo, là ngày đầu năm lịch Phụng Vụ Chính Thống Giáo và bây giờ cũng là ngày dành cho môi trường. Đức Tổng Giám Mục đã đề nghị chọn ngày 1 tháng 9 là ngày cử hành chung của tất cả các Kitô hữu để cầu nguyện cho môi trường.

Ngài nói tiếp:

“Tôi tin rằng ý nghĩa của thông điệp Laudato Sí của Đức Thánh Cha không chỉ giới hạn trong hệ sinh thái. Tôi nhìn thấy nơi đây một chiều kích đại kết quan trọng mà thông điệp này mang đến cho các Kitô hữu thuộc các truyền thống khác nhau trước một nhiệm vụ chung mà họ phải cùng nhau đối mặt. Chúng ta đang sống trong một thời điểm khi những vấn đề cơ bản liên quan đến sự hiện hữu của chúng ta đã lấn áp những chia rẽ truyền thống của chúng ta và tương đối hóa những chia rẽ này đến độ gần như không còn nữa. Chẳng hạn, hãy nhìn vào những gì đang xảy ra hiện nay ở Trung Đông: Những người bách hại các Kitô hữu có khi nào hỏi họ thuộc về Giáo Hội nào hay hệ phái Kitô nào không? Sự hiệp nhất Kitô giáo trong các trường hợp như vậy được nhận ra bởi chính các cuộc bách hại và máu người Kitô hữu. Đó là một hình thái đại kết tử đạo” 

“Mối đe dọa đối với chúng ta bởi cuộc khủng hoảng sinh thái cũng lấn áp tương tự những chia rẽ truyền thống của chúng ta. Sự nguy hiểm mà căn nhà chung của chúng ta, hành tinh chúng ta đang sống đang phải đối mặt được mô tả trong thông điệp cho thấy không có nghi ngờ gì về nguy cơ tồn tại mà chúng ta đang phải đối diện. Nguy cơ này là chung cho tất cả chúng ta không phân biệt sắc tộc, Giáo Hội hay hệ phái của chúng ta. Chúng ta phải đưa ra những nỗ lực chung để ngăn chặn những hậu quả thảm khốc của tình hình hiện nay. Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô là một lời kêu gọi hiệp nhất – hiệp nhất trong lời cầu nguyện cho môi trường, hiệp nhất trong cùng một Tin Mừng về Sáng tạo, hiệp nhất trong việc hoán cải con tim của chúng ta và lối sống của chúng ta để tôn trọng và yêu thương tất cả mọi người và tất cả mọi thứ được Thiên Chúa ban cho chúng ta”

Trong phần phát biểu của mình giáo sư John Schellnhuber lưu ý rằng, từ góc độ công nghệ, việc triển khai năng lượng sạch cho tất cả là khả thi và, trong thực tế là “có sẵn và phong phú. Chúng ta chỉ cần phát triển các phương tiện để thu hoạch nó đúng cách và quản lý một cách có trách nhiệm việc tiêu thụ chúng. Trong khi chúng ta đã dành hết thập kỷ này sang thập kỷ khác để nghiên cứu phát triển một lò phản ứng nhiệt hạch cực kỳ tốn kém, chúng ta thực ra đã được chúc phúc với một điều hoạt động hoàn toàn tốt và miễn phí cho tất cả chúng ta là Mặt trời. Quang điện, gió và năng lượng từ sinh khối (biomass) nói cho cùng cũng đều lấy năng lượng từ ánh sáng mặt trời. Công nghệ mới này có thể mở ra tiềm năng ở các nước nghèo, nơi không có sẵn mạng lưới điện để phân phối điện năng được sản xuất bởi các nhà máy phát điện được đặt ở trung tâm, và nơi dân cư thưa thớt cách xa nhau đến mức một mạng lưới điện như thế là bất khả thi. Cũng như việc sử dụng điện thoại di động đang ngày càng được cải tiến mà không cần thiết lập trước những đường dây điện thoại cố định, các nước đang phát triển có thể đi tắt bỏ qua giai đoạn điện nhiệt hạch và bước thẳng vào thời đại sản xuất năng lượng cục bộ có thể tái tạo mà không đi đường vòng”.

Carolyn Woo, Chủ tịch Catholic Relief Services và là cựu khoa trưởng của Đại Học Doanh Thương Mendoza thuộc Đại học Notre Dame, Hoa Kỳ là một chuyên gia kinh tế và tài chính, đã khẳng định rằng đầu tư vào phát triển bền vững là “một cơ hội giành chiến thắng cho doanh nghiệp”. Bà cho biết “Nhiều nghiên cứu đã đưa ra các ước tính về chi phí liên quan đến những thảm họa ven biển khi mực nước dâng cao, hạn hán và bão tàn phá sản xuất nông nghiệp, hoặc việc mất năng suất gây ra bởi việc càng tăng những ngày nóng bức trong năm và các cuộc khủng hoảng sức khỏe do ô nhiễm gây ra. Các doanh nghiệp có thể đóng một vai trò hỗ trợ khách hàng trở thành những người tiêu dùng có trách nhiệm. Việc thiết kế và sản xuất giảm thiểu chất thải bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện cho tái chế, thu hồi và tái sử dụng đang cung cấp các cơ hội mới cho các doanh nghiệp vì nó cho phép người tiêu dùng làm phần việc của họ”.

“Thông điệp khẳng định một cách chắc chắn vai trò quan trọng của doanh nghiệp, nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rõ ràng là chúng ta cần có sự hợp tác giữa các khu vực công và tư - như ngài đã đưa ra trong phần 'Đối thoại giữa chính trị và kinh tế vì sự kiện toàn nhân bản'”. 

Cuối cùng, giáo viên Valeria Martano nói về sinh thái đô thị đang bị đe dọa bởi ô nhiễm, những dịch vụ xã hội không đạt yêu cầu và chủ nghĩa cá nhân

“Thông điệp mời gọi chúng ta đưa thiện ích chung vào thực hành. Các thành phố và môi trường là ngôi nhà chung của chúng ta. Thường thì chúng ta sống theo chương trình của mỗi người với những dị biệt và mâu thuẫn. Mỗi người cố gắng tự cứu mình, theo cách riêng của mình. Mỗi người đều theo đuổi lợi ích của chính mình. Nhưng thực ra có một lời giải đáp chung cho cộng đồng bắt đầu từ việc chấp nhận những người yếu thế, như một nguồn tài nguyên đáng giá cho một hệ sinh thái toàn diện”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét