04/11/2015
Thứ Tư tuần
31 thường niên –
Thánh
Carôlô Borômêô, giám mục.
Lễ nhớ.
* Thánh Carôlô Borrômêô, Tổng Giám Mục
Milan (1538-1584)
Thánh Carôlô sinh ngày 02/10/1538 tại Milan, nước Ý, thuộc
Borrômêô. Năm 12 tuổi dâng mình cho Chúa và sau đó gia nhập hàng giáo sĩ. Năm
21 tuổi đỗ tiến sĩ giáo luật và dân luật. Năm 1560, ngài lại được Ðức Giáo
Hoàng triệu về La Mã và được phong làm Hồng Y quốc vụ khanh giáo triều, kiêm
nhiệm Tổng Giám Mục thành Milan.
Ngài đã có công rất lớn trong việc điều hành công đồng
Tridentinô. Thời đó bệnh dịch lan tràn khắp thành Milan, ngài đã bán hết tài
sản để cứu trợ kẻ nghèo. Ngài đích thân thăm viếng những người mắc bệnh, an ủi
và ban các bí tích cho họ. Ngài còn viết nhiều sách có giá trị đặc biệt về mục
vụ của các Giám Mục và việc dạy giáo lý của các cha sở. Ngài đã lập một dòng
riêng cho địa phận mang tên thánh Ambrôsiô. Ngài cũng xây cất nhiều cơ sở giáo
dục Công Giáo và Chủng Viện. Trong bất cứ công việc gì, ngài chỉ nhắm một mục
đích phụng sự thánh ý Chúa.
Ngày 03/11/1584, ngài từ trần tại Milan trong khi đang quên
mình phục vụ cho các nạn nhân đói rách bệnh tật, hưởng thọ 47 tuổi. Ðức Giáo
Hoàng Phaolô V đã phong ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1610.
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 13, 8-10
"Yêu thương là chu toàn trọn cả luật".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến
nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn Lề luật. Ðó là: Chớ ngoại tình, chớ giết
người, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ mê tham, và nếu có điều luật nào
khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính
mình. Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề
luật.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 111, 1-2. 4-5. 9
Ðáp: Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay (c. 5a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ
luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong đất nước: thiên hạ sẽ
chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. - Ðáp.
2) Trong u tối người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay, người
nhân hậu, từ bi và công chính. Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay,
biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. - Ðáp.
3) Người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của
người muôn đời còn mãi, sừng người được ngẩng lên trong vinh quang. - Ðáp.
Alleluia: x. Cv 16, 14b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để
chúng con nghe lời của Con Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 14, 25-33
"Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm
môn đệ Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại
bảo họ rằng: "Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và
cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình
mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta. Và có ai trong các ngươi muốn xây tháp
mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất
không, kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế diễu
người đó rằng: "Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi".
"Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước
tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối
phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối
phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai
trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ
Ta".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Từ Bỏ Ðể Theo Chúa
Bài Tin Mừng hôm nay cho biết có rất nhiều người cùng đi với
Chúa Giêsu. Tuy cùng hướng đi trên con đường dẫn đến Giêrusalem, nhưng đám đông
không mang cùng một mục đích với Ngài. Trong khi Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem
để hoàn tất công cuộc cứu chuộc qua cái chết khổ nhục trên Thập giá, thì đám
đông lại tưởng rằng Ngài lên Giêrusalem lần này để đánh đuổi ngoại xâm và tái lập
vương quốc Israel.
Ðể đánh tan sự chờ đợi sai lầm này, Chúa Giêsu đưa ra lời mời gọi
những kẻ theo Ngài hãy suy nghĩ đắn đo, tính toán kỹ lưỡng để xem có đủ nghị lực
theo Ngài hay không: Ngài đòi buộc những kẻ muốn theo Ngài, hãy để cho Ngài chiếm
chỗ đứng quan trọng nhất trong cuộc sống của mình: "Ai theo Tôi mà không dứt
bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ
tôi được".
Việc theo Chúa là một việc khó nhọc, tiêu tốn nhiều sức lực như
khi xây cất hay đánh giặc, do đó người môn đệ phải sẵn sàng dấn thân. Việc theo
Chúa không thể tính toán bao nhiêu, bao lâu, hay bằng những việc gì, nhưng là
thái độ quyết liệt, gạt ra một bên tất cả để bước theo Chúa, nghĩa là đi xây dựng
Nước Trời, đi giao chiến với sự dữ và và cái chết để được chiến thắng hiển
vinh. Người đi theo Chúa phải từ bỏ mọi của cải mình có. Từ bỏ ở đây không có
nghĩa là chôn dấu đi hay sử dụng nó theo sở thích của mình, nhưng là làm ích
cho người khác, nhất là cho những người nhỏ bé, nghèo hèn.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta được lòng can đảm, dứt khoát với
tất cả những gì cản trở chúng ta trên bước đường theo Chúa. Xin cho chúng ta được
thực tâm đi xây dựng Nước Trời và làm chứng tá tình yêu Chúa trước mặt mọi người.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Thứ Tư Tuần 31
TN1, Năm lẻ.
Bài đọc: Rom 13:8-10;
Lk 14:25-33.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu
Thiên Chúa là điều quan trọng hơn tất cả mọi sự.
Thoạt đọc hai Bài Đọc hôm nay, một người khó có thể tìm thấy sự
dung hòa giữa tư tưởng của Phaolô và những đòi hỏi của Chúa Giêsu, vì trong khi
Phaolô đặt sự quan trọng tuyệt đối cho tình yêu; Chúa Giêsu lại đòi người môn đệ
phải ghét gia đình và ghét chính bản thân để làm môn đệ của Ngài.
Với chút ít suy tư, chúng ta thấy cả hai tư tưởng không có gì
trái ngược nhau. Cả Chúa Giêsu và Phaolô đều đặt sự quan trọng tuyệt đối cho
tình yêu Thiên Chúa; trong khi Chúa Giêsu đòi các môn đệ phải đặt tình yêu
Thiên Chúa lên trên tình yêu gia đình và yêu thương bản thân của mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.
1.1/ Tình yêu Thiên Chúa là điều quan trọng trên hết mọi sự: Sau khi
đã tranh luận về vai trò quan trọng của đức tin trên Lề Luật trong việc làm cho
con người trở nên công chính, Phaolô tiếp tục tranh luận về vai trò quan trọng
của đức mến trên Lề Luật. Phaolô khuyên các tín hữu: "Anh em đừng mắc nợ
gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.
Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người,
không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại
trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình."
Thánh Thomas Aquinas đồng ý với quan điểm của Phaolô: Khi con
người được thúc đẩy bởi tình yêu, con người không thể làm hại tha nhân trong bất
cứ điều gì; nhưng luôn mong muốn cho tha nhân được điều tốt lành, và giúp đỡ
tha nhân khi có dịp. Thomas Aquinas còn đẩy xa hơn khi so sánh sự quan trọng của
tình yêu và Lề Luật: Tình yêu mang tính cách tích cực, vì nó không những điều
khiển trí óc bên trong không cho con người làm hại tha nhân; trong khi Lề Luật
mang tính tiêu cực, nó chỉ có thể giới hạn hai bàn tay con người mà thôi. Ví dụ,
Lề Luật có thể ngăn cản con người không vi phạm điều răn thứ sáu; nhưng không
thể làm con người đừng vi phạm điều răn thứ chín.
1.2/ Khi đã yêu thương là chu toàn Lề Luật: Phaolô kết
luận: "Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu
toàn Lề Luật vậy."
Chúa Giêsu cũng dạy vai trò quan trọng của tình yêu trên Lề Luật
như Phaolô và Thomas Aquinas, khi Ngài sửa sai các kinh sư và biệt phái: Họ quá
chú trọng đến việc thanh tẩy chân tay hay việc đóng thuế thập phân mà quên đi
những điều quan trọng lớn lao như sự công chính và tình yêu. Ngài đòi hỏi họ phải
nhìn sâu trong tâm hồn để thanh tẩy tất cả các điều nhơ nhớp phát xuất từ đó,
như: ngoại tình, trộm cướp, giết người, tham lam, bỏ vạ, cáo gian, và biết bao
tật xấu khác nữa.
Nói tóm, cả ba: Chúa Giêsu, Phaolô, và Thomas Aquinas đều nhận
ra vai trò khẩn thiết của tình yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự; một khi con người
đã có tình yêu Thiên Chúa, Lề Luật không còn chỗ đứng nữa. Tình yêu sẽ giúp con
người vượt quá giới hạn của Lề Luật để tự do bay bổng, và đạt những kết quả kỳ
diệu mà Lề Luật không thể nào đạt tới.
Điều chúng ta cần nhắc lại ở đây là cả ba đều dùng danh từ tình
yêu (agapê) trong khuôn khổ chỉ có trong Kitô Giáo. Đây là một trong ba
nhân đức đối thần: nó có nguồn gốc từ Thiên Chúa, được ban cho con người khi chịu
bí-tích Rửa Tội; nhưng con người cần làm cho đức ái phát triển qua việc cầu
nguyện, thường xuyên lãnh nhận các bí-tích, và thực hành đức ái trong cuộc sống
thường ngày.
2/ Phúc Âm: Những đòi hỏi của tình yêu Thiên Chúa.
Theo trình thuật của Luca, Chúa Giêsu đang trên đường đi lên
Jerusalem. Nhiều người hy vọng Ngài sẽ dùng sức mạnh chống lại đế quốc Rôma và
khôi phục lại vương quốc của Thiên Chúa, lên đi theo để ủng hộ. Chúa Giêsu biết
những gì họ suy nghĩ, đồng thời cũng biết những gì sắp xảy ra cho Ngài tại
Jerusalem, nên Ngài quay lại và đưa ra 3 điều kiện cho họ:
2.1/ Điều kiện đi theo Chúa: Có thể nói 3 điều kiện này bao gồm
tất cả những gì con người sở hữu:
(1) Phải từ bỏ người thân: "Ai đến với tôi mà không ghét cha
mẹ, vợ con, anh em, chị em, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Động từ Hy-Lạp
dùng ở đây là "mise,w" cónghĩa là ghét, khinh thường, không quan tâm,
hay không để ý tới. Trình thuật của Matthêu dùng chữ cẩn thận hơn: “Ai yêu cha
yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì
không xứng với Thầy” (Mt 10:37). Chắc chắn Chúa Giêsu không dạy chúng ta phải
ghét người thân như ghét kẻ thù, mà còn dạy chúng ta phải yêu thương họ nữa.
Thánh Luca rất chú trọng đến tình yêu vì ngài là một y sĩ, và “lương y như từ mẫu;”
nhưng có lẽ Ngài hiểu ở đây giống như Matthêu: Người môn đệ không được đặt các
người thân lên trên Thiên Chúa; và khi phải chọn giữa họ và Thiên Chúa, con người
phải chọn Thiên Chúa.
(2) Phải từ bỏ mạng sống mình: Như Chúa Kitô đã sẵn hy sinh mạng
sống cho con người, các môn đệ cũng đòi hỏi phải có sự hy sinh như thế. Khi một
người yêu bản thân hơn yêu Thiên Chúa, họ sẽ từ chối việc hy sinh cho vinh
quang Nước Chúa; nhưng sẽ tìm mọi cách để tìm vinh quang cho mình. Nhiều người
cho đây có lẽ là thách đố to lớn nhất, vì nó đòi con người phải từ bỏ
"chính con người mình;" nhưng chỉ khi nào một người đạt được điều
này, họ mới dám hy sinh tất cả để theo Chúa. Thánh Phaolô cảm nhận được điều
này khi ngài nói: "kể từ nay tối sống; nhưng không còn là tôi, nhưng là Đức
Kitô sống trong tôi."
(3) Phải vác thập giá mình: “Ai không vác thập giá mình mà đi
theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Thập giá Chúa nói tới ở đây là tất
cả trái ý, gian khổ, bất công … mà người môn đệ sẽ phải đương đầu với khi rao
giảng Tin Mừng.
2.2/ Để dẫn chứng sự cần thiết của việc phải suy xét cẩn thận trước
khi quyết định đi theo Chúa, ngài dùng hai ví dụ cụ thể:
(1) Việc xây tháp: Tiền là yếu tố quyết định cho các công trình
xây dựng, và phải có đủ hay dư tiền trước khi bắt đầu xây. Nếu đang xây nửa chừng
mà hết tiền, nhà thầu sẽ không tiếp tục làm việc nữa; và dự án bị bỏ dở nửa chừng,
và mọi người nhìn vào sẽ chê cười.
(2) Việc giao chiến: Thăng bằng lực lượng là một trong những yếu
tố quyết định cho việc giao chiến; vì thế, các nhà lãnh đạo thường gởi thám tử
đi quan sát đối phương trước để lượng định tình hình, và so sánh với lực lượng
mình có. Nếu thấy có cơ hội thắng thế thì mời giao chiến; nếu không sẽ phải gọi
quân tiếp viện hoặc cầu hòa.
Cũng vậy, Chúa Giêsu đòi các người đi theo phải suy xét cẩn thận
3 điều kiện của Chúa, và lượng định sức mình xem có thể đáp ứng được không. Nếu
một người không đáp ứng được đòi của 3 điều kiện trên, anh không thể làm môn đệ
của Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tình yêu Thiên Chúa là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc đời
Kitô hữu. Chúng ta phải làm mọi cách để tình yêu này tăng trưởng tối đa trong
tâm hồn.
- Chúng ta phải cẩn thận suy xét ba điều kiện Chúa đòi hỏi và tự
vấn sức mình xem có theo được không. Một khi đã quyết định, chúng ta nhất quyết
theo Ngài tới cùng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
04/11/15 THỨ TƯ ĐẦU
THÁNG TUẦN 31 TN
Th. Ca-rô-lô Bo-rô-mê-ô, giám mục
Lc 14,25-33
Th. Ca-rô-lô Bo-rô-mê-ô, giám mục
Lc 14,25-33
Suy niệm: Theo
các nhà chú giải, thấy đám đông đi theo mình, Chúa Giê-su đã nói những lời trên
để buộc họ phải cân nhắc quyết định đi theo Ngài. Trong một đám đông ô hợp như
thế, không thiếu những người ảo tưởng theo Ngài sẽ được bánh ăn no bụng, được
vinh hoa phú quý, những người lòng nhiệt thành nông nổi như lửa rơm, những
người xu thời, cơ hội… Chúa không có ý làm họ “mất hứng” khi đưa ra những yêu
cầu thật nghiêm khắc, nhưng Ngài muốn họ lường trước những đòi hỏi gắt gao đối
với người muốn làm môn đệ Ngài, để: - thanh luyện những động cơ, ý hướng trần
tục, - định hướng cho cuộc đời: dám bỏ lại tất cả ở phía sau (c. 26), và băng
mình tới phía trước đón lấy thập giá và cả cái chết để đi theo Đức Ki-tô (c.
27).
Mời Bạn: Khi
mới bắt đầu một việc (nhập đạo, nhập tu, lãnh nhận bí tích lần đầu, v.v…) chúng
ta thường rất sốt sắng. Thế nhưng thời gian trôi qua, lửa nhiệt thành ban đầu
lắm lúc cũng phôi pha như hạt muối mất đi vị mặn ban đầu khi đối diện với thực
tế đầy nghịch cảnh, thách đố… Lúc đó, chúng ta đừng vội nản lòng, nhưng hãy “ngồi xuống, tính sổ lại” bằng cách kiểm điểm đời sống, hồi tâm, hoặc
linh thao… để hâm nóng lại ngọn lửa sốt mến đó.
Chia sẻ: Cách
giữ đạo xuê xoa, vừa đủ theo luật buộc, làm người môn đệ Đức Ki-tô xuống cấp
thế nào?
Sống Lời Chúa: “Tính
sổ” cuộc sống của bạn mỗi tối trước khi ngủ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con vươn lên khỏi lối sống ích kỷ tầm thường để
dám chấp nhận hy sinh quảng đại, đi theo Chúa trên con đường thập giá.
Từ bỏ hết
Phép Rửa đã cho chúng ta trở
thành môn đệ Ðức Kitô. Nhưng để là môn đệ đích thực của Ngài, chúng ta cần từ bỏ
mãi cho đến khi nhắm mắt.
Suy niệm:
Sống là chấp nhận từ bỏ.
Có những điều xấu phải từ bỏ
như tật nghiện thuốc lá, ma
tuý, rượu chè, trụy lạc...
Cũng có điều tốt phải bỏ, để
chọn một điều tốt hơn:
chọn nghề, chọn trường, chọn
chỗ làm, chọn bậc sống...
Từ bỏ thường làm ta sợ và
tiếc.
Bỏ chiếc giường êm để thức
dậy đi lễ sáng.
Tắt tivi vì đến giờ đọc kinh
tối gia đình.
Dành Chúa Nhật để học giáo
lý và làm việc xã hội.
Nếu từ bỏ vì yêu, ta sẽ thấy
nhẹ hơn, dễ hơn.
Người mẹ thức trắng đêm để
đan nốt chiếc áo cho con.
Người mẹ “là mẹ hơn” qua
những hy sinh vất vả.
Từ bỏ vì yêu chẳng bao giờ
thiệt thòi, mất mát.
Cuộc sống văn minh cho ta
nhiều chọn lựa.
Con người dễ chọn cái tầm
thường hơn cái cao cả,
chọn khoái lạc phù du hơn
hạnh phúc vững bền,
chọn lợi ích cho cá nhân tôi
hơn là cho tập thể.
Xem ra con người thích cái
dễ dãi hơn.
Kitô hữu là người đã chọn
theo Ðức Giêsu.
Làm môn đệ Ngài là chọn đi
vào đường hẹp, cửa hẹp.
Ngài đòi ta đặt tất cả dưới Ngài,
yêu Ngài trên mọi sự,
trên những người thân yêu,
trên của cải tinh thần, vật chất,
trên mạng sống mình, trên cả
hiện tại tương lai.
Những thụ tạo trên thật đáng
trân trọng,
nhưng chúng chỉ có giá trị
tương đối
khi sánh với Ðức Giêsu, Con
Thiên Chúa làm người.
Kitô hữu là người sống từ bỏ
như Ðức Giêsu.
Ngài đã bỏ vinh quang thần
linh để làm người như ta,
đã sống và đã hiến mạng sống
vì yêu Cha và nhân loại.
Từ bỏ là đi vào cửa hẹp cùng
với Ðức Giêsu.
Phép Rửa đã cho chúng
ta trở thành môn đệ Ðức Kitô.
Nhưng để là môn đệ đích thực
của Ngài,
chúng ta cần từ bỏ mãi cho
đến khi nhắm mắt.
Từ bỏ phải là thái độ nội
tâm cần gìn giữ luôn.
Chúng ta dễ nghiêng như tháp
Pisa.
Ðiều hôm nay chưa dính bén,
mai đã thấy khó gỡ.
Ðiều đã bỏ từ lâu, nay lại
bất ngờ hấp dẫn.
Từ bỏ điều tôi có, và cứ có
thêm mỗi ngày
thật là một cuộc chiến lâu
dài và gian khổ.
Chúng ta không được nửa vời,
lừng khừng, thỏa hiệp.
Tháp đã bắt đầu xây, cuộc
chiến đã khai mào.
Không còn là lúc ngồi xuống
mà tính toán nữa.
Cần đầu tư để xây tháp, cần
dồn sức để tiến quân.
Cần từ bỏ mọi vướng víu để
tiếp tục trung tín.
Vẫn có những Kitô hữu chịu
dở dang và bại trận,
vì họ không dám sống đến
cùng ơn gọi làm môn đệ.
Từ bỏ là cách diễn tả một
tình yêu.
Khi yêu người ta vui lòng từ
bỏ tất cả.
Ước gì chúng ta vui khi gặp
viên ngọc quý là Ðức Giêsu,
dám bán tất cả để thấy mình
giàu có.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên
4 THÁNG MƯỜI MỘT
Lòng Thương Xót Của Chúa Cha
Trong lời nguyện hiến tế của Ngài, Chúa Giêsu xin Chúa Cha gìn
giữ các môn đệ cho khỏi ác thần (Ga 17,15). Như vậy, lời nguyện hiến tế vừa ca
ngợi sự tốt lành của hiệp nhất, vừa là lời khẩn xin tha thiết để mọi sự dữ chống
lại hiệp nhất đều có thể được thắng vượt. Do đó, đây cũng là một lời nguyện hoà
giải. Sự hoà giải này diễn ra ở những cấp độ khác nhau: nơi chính bản thân mỗi
người, giữa các cá nhân, giữa các Kitô hữu, giữa người Kitô hữu và những người
ngoài Kitô giáo, giữa các dân tộc và các quốc gia, giữa các khu vực đã phát triển
và các khu vực kém phát triển trên thế giới.
Hoà giải là một kinh nghiệm sâu xa thuộc lãnh vực tâm linh con
người. Trong hình thức cao nhất của nó, nó là hình ảnh người Cha nhân lành mở rộng
vòng tay ôm lấy đứa con bất trị. Anh ta là nạn nhân của cám dỗ muốn xây dựng một
thế giới hoàn toàn bởi sức riêng mình, bất cần Cha. Cái trống rỗng của sự chọn
lựa ấy, nỗi cô đơn nhức nhối ấy, và hậu quả là phẩm giá của anh cũng chẳng còn
… Tất cả đã gây ra những vết thương cần phải được chữa trị tận căn. Anh cần phải
quay về và kinh nghiệm lại lòng thương xót của Cha. Vâng, sự hoà giải phải cắm
rễ sâu trong cuộc sống chúng ta: hoà giải với Thiên Chúa, với chính mình, với
nhau, với các cộng đoàn Giáo Hội khác, bắt đầu bằng một sự biến đổi sâu xa
trong tâm hồn mình.
Hoà giải còn mang một chiều kích xã hội nữa. Nó vượt qua những
rào cản ngăn cách các tầng lớp xã hội và vượt qua sự xung khắc giữa các quốc
gia. Nó tiêu diệt các hình thức kỳ thị đầy bất công. Trên hết, nó ưu tiên tôn
trọng phẩm giá độc đáo của mỗi người và tích cực bảo vệ các quyền của con người
ở bất cứ nơi đâu mà các quyền ấy bị đe doạ.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong
Gia Đình
NGÀY 04-11
Thánh Carôlô Bôrrômêô, giám mục
Rm 13, 8-10; Lc 14, 25-33.
LỜI SUY NIỆM: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi
được”
Chúa Giêsu rất chân thật khi mời gọi những ai muốn đến với Người,
đi theo Người; Người không hứa hẹn giàu sang phú quý, địa vị chức quyền của trần
thế, nhưng Người đòi hỏi từ bỏ chính mình, chấp nhận những thực tại đang đến với
minh, trong tâm tình tin cậy và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, để
tiếp bước đến mục đích cuối cùng là: Gặp được Thiên Chúa và được ở trong Nước
Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã thánh hóa Thập Giá, trở thành tình
thương cứu độ. Xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con cảm nhận được
sự cần thiết của Thập Giá, để biết tự nguyện chấp nhận và luôn mang trên mình,
mà bước đi theo Chúa cho đến trọn đời, để được sống lại trong ngày sau hết với
Chúa.
Mạnh Phương
Gương
Thánh Nhân
Ngày 04-11
Thánh CARÔLÔ BORRÔMÊÔ
Giám Mục (1538 - 1584)
Xuất thân từ dòng họ quí phái Lombardo, thánh Carôlô Borrômêô
sinh tại Arôna ngày 2 tháng 10 năm 1538, là con thứ trong gia đình, tuổi trẻ đạo
đức đã sớm định hứơng cuộc đời Ngài để phục vụ Giáo hội, Ngài đạt bằng tiến sĩ
luật ở Paris năm 1559, nhưng tháng giêng năm sau đã triệu vời về Roma. Ở đó
Ngài được đặt ngay làm Hồng Y với những trách và cao trọng trong Giáo hội gồm cả
chức vụ Tổng Giám mục Milan, và dù còn trẻ cũng đã được trao cho trách nhiệm
làm quốc vụ khanh tòa thánh.
Trong quyền hạn này, Ngài kiểm soát mọi giao dịch chính thức của
Đức Giáo hoàng, bao gồm nhiều cuộc đám phán khó khăn liên quan đến việc hoàn
thành công đồng Tridentinô từ năm 1560-1564. Công đồng kết thúc, Ngài còn phải
lo lắng tới những công chuyện còn sót lại và mãi tới tháng 9 năm 1565 Ngài mới
được đức giáo hoàng cho phép về ở tại nhiệm sở của mình. Khó khăn lắm mới được
trở về Milan, Ngài lại bị triệu hồi để giúp cậu Ngài bên giường bệnh, và sau đó
góp phần chọn lựa đấng kế vị là Đức Giáo hoàng Piô V. Ngài trở lại Milan vào
tháng 4.1566.
Kể từ lúc đó cho đến khi qua đời, ngày 3.10. 1584, cuộc đời của
thánh Carôlô được dành trọn cho giáo phận với tư cách của một Tổng giám mục. Việc
canh tân khẩn thiết nhất trong mục vụ của vị giám mục tập chú vào sơ đồ canh
tân công đồng Tridentinô để ra. Thánh Carôlô đã trở thành giám mục "kiểu mới"
của công đồng Tridentinô, Ngài đã thành công đến nỗi trở thành gương mẫu và gợi
hứng cho toàn thể Giáo hội. Có lẽ hơn bất cứ một cá nhân nào khác Ngài đã chuyển
các sắc lệnh của cộng đồng ra hành động trong Giáo hội công giáo, Ngài đã thực
hiện cuộc canh tân, tổ chức lại hàng giáo sĩ và đời sống thiêng liêng trong cả
địa phận lẫn tỉnh Milan. Nhưng nỗ lực này được ghi lại đầy đủ chi tiết qua một
số qui luật do sáu hội nghị giáo tỉnh và mười một hội nghị giáo nhận.
Ngài kiên trì viếng thăm toàn giáo phận rộng rãi bao la được giảng
dạy, ban các phép bí tích tới những làng mạc xa xôi nhất và những vùng thung
lũng núi Alpels. Cuộc hồi sinh đạo công giáo tại Thụy sĩ mà nhiều phần nằm
trong quyền hạn của Ngài đã là ảnh hưởng quyết định của Ngài, Ngài đã thiết lập
nhiều học viện và chủng viện, Ngài là người bạn của dòng tên, dòng thánh
Barnaba và nhiều dòng mới thời đó. Chính Ngài cũng đã thiết lập dòng cho những
tu sĩ thánh Ambrôsiô (bây giờ là thánh Carôlô) để đặc biệt giúp đỡ Ngài. Ngài
còn liên hệ một cách chủ động tới cuộc canh tân dòng cổ. Có một nhóm bất mãn
dòng Umiliati là Ngài muốn canh tân và sau này đã biến mất, đã tìm cách sát hại
khi Ngài đang cầu nguyện năm 1569.
Ngài đã khích lệ những hội đạo đức và tổ chức lại các trường
công giáo. Ngài cố gắng bảo tồn nghi thức thánh Ambrôsiô cho Milan khi nghi thức
này bị đe dọa và cố gắng theo gương thánh Ambrôsiô. Nhưng sự cương quyết không
chịu thoả hiệp và sự nghiêm khắc về những nguyên tắc luân lý đã không khỏi gây
nên những chống dối. Sức chống đối không chỉ từ vài nhóm giáo sĩ và còn từ phía
uy quyền thế tục đại diện bởi những nhà cầm quyền Tây Ban Nha và nghị viện
thành phố nữa.
Dầu vậy, như một thánh nhân và một nhà canh tân, thánh Borrômêô
không đòi những người khác điều gì mà chính Ngài đã thi hành. Đời sống cầu nguyện
và bỏ mình của Ngài còn tân tiến với những nỗ lực mục vụ. Tai họa dịch hạch năm
1576 đến 1578 cho thấy sự hy sinh xả kỷ tột cùng của Ngài, Ngài đã hiến mình
làm hiến tế, bô thí tất cả những gì Ngài có như động sản, áo quần; lột bỏ những
màn trướng để phủ che những người bất hạnh, chính Ngài cũng ngủ trên sàn nhà,
Ngài gọi các linh mục và tu sĩ đến, chỉ định cho họ những ngả đường để giải tội
cho nhưng bênh nhân, an ủi và chuẩn bị cho họ chết lành. Để những người hấp hối
có thể tham dự thánh lễ, Ngài cho dựng những bàn thờ nơi các ngã tư. Thánh giá
mọc lên khắp nơi cho mọi người nhìn thấy. Chuông nhà thờ reo vang, những bản
thánh ca được hát lớn trong mỗi gia đình vào giờ nhất định.
Như thế, bệnh nhân được tham dự vào đời sống cộng đoàn, thành phố
thoát khỏi cảnh tang thương vô vọng để sống như trong một tu viện. Đức tổng
giám mục đến với người bị dịch hạch, những trẻ em lăn lóc bên xác mẹ, Ngài cuốn
áo choàng mang về nhà. Người ta tổ chức những cuộc đi chân không theo đám rước
tay cầm chặt thánh giá. Cuối cùng khi tai họa chấm dứt, Đức Hồng y đã xác tín rằng:
dù cho có bao nhiêu nạn nhân, đoàn chiên Ngài phải cảm ơn Thiên Chúa vì cơn thử
thách đã đổi mới các tâm hồn.
Nhiều dịp khác cũng cho thấy sáng kiến và lòng tận tâm của thánh
nhân, Milan nhiều lần bị nạn đói, thánh Carôlô cho trồng bắp, tổ chức những bữa
cháo nghèo, lập các nhà từ thiện. Nhờ Ngài, những người giàu có nên quảng đại
hơn. Thánh nhân đã không tìm nghĩ ngơi sau những nỗ lực không ngừng cho công việc
bác ái và mục vụ. Mỗi lúc đêm về người ta còn thấy Ngài tiến vào nhà nguyện để
đọc kinh suy gẫm. Tới cuối đời, Ngài còn tìm tòi học hỏi, không lãng quên sách
thánh, Ngài thích đọc sách cổ, sách thuốc và sách chiêm tinh Ả Rập. Ngài rất ưa
thích nghệ thuật và nếu phải bán bộ sưu tầm của Ngài đi, thì đây là một hy sinh
lớn lao cho Ngài.
Không nghỉ ngơi, thánh Carôlô Borrômêô giống như một người nghèo
không bao giờ biết đến nghỉ ngơi. Cơn bệnh đến, thánh nhân bất động, mắt nhắm
nghiền. Vài người nói: "Kìa cơn mê của giám mục thánh Modène". Vào những
ngày cuối đời, nhắm mắt lại để người ta tưởng Ngài ngủ và như thế có thể hồi
tâm cầu nguyện mà không bị lo ra, Ngài cười khi người ta khuyên Ngài đừng sợ chết.
Rồi sau khi lãnh nhận các bí tích sau hết, Ngài lịm vào trong sự tôn thờ.
Tin loan báo cái chết của thánh Carôlô Borrômêô đã làmcho cả
Milan đau đớn. Sủ gia viết truyện đời Ngài nói: "Đêm ấy, ít có ai ngủ được".
Đức Phaolô V đã phong thánh cho Ngài ngày 10 tháng 11 năm 1610.
(daminhvn.net)
04 Tháng Mười Một
Quo Vadis,
Domine?
Ðêm trước ngày vào cơ mật viện để bầu Giáo Hoàng, Hồng Y Karol
Wojtyla đã chuẩn bị hành lý để trở về Krakow, tổng giáo phận của ngài. Thế
nhưng, ngài đã không trở lại Krakow nữa. Ngày thứ hai, 16 tháng 10 năm 1978, vị
Hồng Y 58 tuổi này đã được bầu làm Giáo Hoàng và lấy tên là Gioan Phaolô II.
Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ Ba Lan, là vị Giáo Hoàng đầu tiên không
phải là người Italia kể từ 450 năm qua, và tính từ 150 năm trở lại, thì ngài là
vị Giáo Hoàng trẻ nhất.
Trong khi chuẩn bị cho bài giảng Chúa Nhật đầu tiên kể từ lúc được
bầu làm Giáo Hoàng, Ðức Gioan Phaolô II đã nghĩ đến tác giả của quyển tiểu thuyết
giả sử nổi tiếng "Quo vadis, Domine?" là ông Henryk Sienkiewicz, một
văn sĩ và đồng thời cũng là một nhà ái quốc Ba Lan. Qua tác phẩm này, vị Giáo
Hoàng người Ba Lan đã so sánh tâm tình của mình với vị Giáo Hoàng đầu tiên là
thánh Phêrô như được ghi lại trong tác phẩm "Quo vadis,Domine?",
"Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu?". Theo tác giả quyển tiểu thuyết giả sử,
thì có lẽ thánh Phêrô thích ở lại quanh quẩn bên bờ hồ Genezareth hơn là đến giữa
trung tâm của đế quốc La Mã để gặp không biết bao nhiêu chống đối và bách hại.
Giữa lúc vị Giáo Hoàng đầu tiên toan tình trốn khỏi La Mã để trở về quê hương
mình, thì ngài gặp lại Chúa Giêsu hiện ra đang đi ngược chiều với ngài. Ngạc
nhiên về sự xuất hiện của Chúa, thánh Phêrô đã hỏi: "Quo vadis,
Domine?" nghĩa là "Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu?". Và Chúa Giêsu
đã trả lời như sau: "Ta đang đi đến La Mã để chịu đóng đinh một lần nữa".
Hiểu được ý Chúa, Phêrô đã quay trở lại La Mã và ngài ở lại đó cho đến khi chịu
đóng đinh.
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Carolô Borremêô và mừng bổn mạng
một cách đặc biệt của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Mãi mãi tên Carolô gắn liền
với tên tuổi và vận mệnh của Ðức Thánh Cha. Hơn ai hết, ngài phải là người kính
nhớ và ghi ơn vị thánh bổn mạng nhiều nhất.
Tên thánh được đặt cho chúng ta trong ngày chịu Phép Rửa đánh dấu
sự đổi đời quan trọng của chúng ta. Từ cái chết trong tội lỗi, chúng ta được
tái sinh trong sự sống của Chúa. Hướng đi của chúng ta phải là hướng đi tới
Chúa, không thể là bước thụt lùi.
Mang lấy tên thánh Carolô, Wojtyla đã quyết tâm hướng cuộc đời của
mình tiến tới trong phục vụ và hy sinh như như chính thánh giám mục Carolô
Borremêô. Và khi chọn lấy danh hiệu mới là Gioan Phaolô, vị Giáo Hoàng người Ba
Lan cũng quyết tâm tiến tới trên con đường mà hai vị tiền nhiệm của mình đã vạch
ra... Là người Kitô, chúng ta cũng luôn được mời gọi tiến tới không ngừng trên
đường theo chân Chúa Giêsu. Tên thánh mà chúng ta mang lấy trong ngày Rửa Tội,
danh hiệu Kitô mà chúng ta được đặt cho phải luôn luôn là một nhắc nhở chúng ta
về con đường tiến lên ấy. Chắc chắn con đường ấy không là một con đường rộng
thênh thang. Sự tiến lên ấy không là một đà tiến dễ dàng. Phêrô đã quay trở lại
La Mã để chịu đóng đinh... Thập giá có lẽ đang chờ đợi chúng ta, chúng ta hãy
hiên ngang tiến bước vì đó chính là hướng đi của tất cả những ai mang danh hiệu
Kitô.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét