Giáo
Hội Uganda chờ đón ĐTC Phanxicô
Trong
các ngày từ 25 tới 30 tháng 11 ĐTC Phanxicô viếng thăm ba nước Kenya, Uganda và
Trung Phi. Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị vài nét về Giáo Hội và đất nước
Uganda.
Uganda
rộng hơn 241.000 cây số vuông, có 35 triệu dân, 50% duới 15 tuổi, gồm nhiều chủng
tộc khác nhau như nhóm Khoisadini epigmoidi không sống về nghề nông, cộng thêm
với các nhóm sống về nghề nông và chăn nuôi đến từ miền bắc và miền tây. Trong
vùng trung nam có các nhóm Bantu đến từ Camerun và đông Nigeria, trong khi vùng
trung bắc có các nhóm Nilotico và Sudan.
Nhóm
Bantu chính và đông nhất là Ganda hay Baganda, sống chung quanh hồ Victoria, là
hậu duệ của một trong các vương quốc hùng mạnh nhất vùng là vưong quốc Buganda.
Hiện nay nhóm Ganda chiếm 17% tổng số dân và là nhóm mạnh nhất trên bình diện
chính trị. Các nhóm Bantu khác là Nyankole hay Banyangkole chiếm 9,5%,
Soga hay Basoga chiếm 8,4%, Kiga hay Bakiga chiếm 7%, Gisu chiếm 4,6%, Nyoro
chiếm 3%, Rwanda và Toro. Các nhóm Bantu này chiếm hơn 50% tổng số dân Uganda.
Bên
cạnh đó còn có các nhóm chủng tộc phát xuất từ Sudan và vùng sông Nilo, sống tại
miền bắc. Trong các nhóm này đông và có ảnh hưởng chính trị mạnh nhất là nhóm
Lango chiếm 6%, Acholi chiếm 5%, Teso chiếm 6%, Karanmojong và các nhóm nhỏ
khác như Lendu, Alur, Jopodola, Madi , Lugbara và Ik chiếm 4%. Trong số những
nhóm không phi châu đông nhất là nhóm gốc Á châu, tiếp theo sau là nhóm Âu châu
và A rập.
Với
nhiều chủng tộc như thế người dân Uganda nói khoảng 40 thứ tiếng khác nhau, đa
số thuộc hai gia đình ngôn ngữ phi châu là Bantu (gia đình Niger – Congo) khiến
cho Uganga giống vùng còn lại của vùng Trung nam Phi châu, trong khi các nhóm sống
tại miền bắc Uganda nói các thổ ngữ Sudan và sông Nilo. Cũng giống như các quốc
gia vùng Phi châu Nam sa mạc Sahara, tình trạng đa ngôn ngữ này khiên cho
Uganda phải chọn hai tiếng chính là Anh và Swahili trong việc giao dịch và hành
chánh. Anh ngữ vẫn là ngôn ngữ chính sau thời thuộc địa, tuy chỉ có một số ít
dân nói thông thạo. Trong khi tiếng Swahili đã chỉ được tuyên bố là ngôn ngữ
chính vào năm 2005, tuy dưới thời tổng thống Idi Amin hồi thập niên 1970 nó đã
được coi như ngôn ngữ chính.
Trong
số các tiếng nói phổ biến bên Uganda có tiếng Luganda là một ngôn ngữ Bantu được
4 triệu dân sử dụng, đặc biệt trong hai vùng Buganda và Kampala. Các ngôn ngữ
khác được sử dụng là Soga với 2 triệu người, Ilchiga 1,6 triệu người, Masaaba
1,1 triệu người, và Nyankore 2,3 triệu người. Trong số các ngôn ngữ gốc Sudan
và sông Nilo có tiếng Acholi với 1,2 triệu người sử dụng, Lango 1,5 triệu và
Teso 1,6 triệu người.
Sự
kiện đa chủng tộc cũng đi đôi với hiện tượng đa tôn giáo tại Uganda. Kitô giáo
chiếm 85% trong đó có 45% Công giáo, 36% Anh giáo. Hồi giáo Sunnít chiếm 12%,
và 2% theo các đạo cổ truyền phi châu. Trong khi các nhóm tôn giáo khác chiếm
0,7% đa số là Ấn giáo. Cũng có một cộng đoàn do thái gồm 500 người: đó là nhóm
Abayudaya.
Chủng
tộc cổ xưa nhất sống tại Uganda là người Twa một dân tộc lùn Pigme. Cách đây
2.000 năm người Bantu đuổi người Twa, nhưng sau đó các nhóm Bantu lại bị các chủng
tộc du mục và chăn nuôi gốc vùng sông Nilo lấn át. Xung đột giữa hai bên kéo
dài rất lâu.
Vào
thế kỷ XV có các vương quốc thành hình tại miền nam. Nổi tiếng nhất là vương quốc
Buganda. Các vương quốc khác là: Ankole, Bunyoro và Toro. Các nhóm gốc sông
Nilo sống tại miền bắc vẫn là các thực thể có các chiều kích nhỏ hơn. Trong thế
kỷ XX người A rập chuyên buôn ngà voi và nô lệ thành lập một mạng lưới các tiền
đồn thương mại trong vùng đông cũng như vùng Đại Hồ. Hậu qủa là dân chúng
của một số vùng theo Hồi giáo, trong khi các nhóm khác vẫn duy trì các tôn giáo
cũ.
Vào
khoảng năm 1860 hai nhà thám hiểm người Anh là John Hanning Speke và James
Augustus Grant đã khám phá ra các nguồn của sông Nilo. Trong cùng thời đó Âu
châu cũng bắt đầu biến vùng Đông Phi châu thành thuộc địa. Các thừa sai Anh
giáo đã hiện diện tại đây vào năm 1877, theo sau đó là các thừa sai công giáo
năm 1879. Chỉ trong một thời gian ngắn họ đã thành công khiến cho nhiều nhóm
dân theo Kitô giáo. Năm 1888 Uganda được đặt dưới quyền kiểm soát của Công ty
Anh vùng Đông Phi châu, và năm 1894 trở thành vùng bảo hộ của Anh quốc
cho tới năm 1962 khi Uganda được độc lập. Trong thời thuộc địa Uganda là vùng đất
trồng bông và cà phê. Để chuyên chở hàng hóa chính quyền Anh cho làm đường xe lửa
từ Nairobi nối liền Mombasa với Kampala. Chính trong thời gian này Uganda bị
phân chia thành miền bắc và miền nam sông Nilo. Trong khi tại miền nam dân
chúng sống về trồng tiả bông, cacao, cao su và cà phê, thì dân sống tại miền bắc
đa số thuộc chủng tộc Acholi và Langi gia nhập quân đội.
Vào
năm đầu thập niên 1950 tiến trình dân chủ hoá bắt đầu với việc thành lập các đảng
phái chính trị. Ngày mùng 9 tháng 10 năm 1962 Uganda được độc lập. Hiến pháp dự
trù một hệ thống bán liên bang, dành chỗ cho các tầng lớp chính trị ưu tú.
Nhưng thế quân bình giữa vua của nhóm Buganda, tổng thống đầu tiên của Uganda và
thủ tướng Milton Obote không kéo dài. Năm 1966 ông Obote đem quân tấn công dinh
tổng thống và chiếm quyền. Nhưng năm 1971 Obote bị tướng Idi Amin dùng quân đội
lật đổ và thành lập chế độ độc tài kéo dài trong 10 năm sau đó. Vì sợ người
Acholi và Langi trong quân đội tổng thống Idi Amin bắt đầu bách hại và tàn sát
họ hàng loạt. Ông trục xuất những người gốc Á châu và quốc hữu hóa các đồn điền
và các hoạt động thương mại khác của người Anh. Trong thời gian này căng thẳng
gia tăng giữa Uganda và Tanzzania, là quốc gia đã tiếp đón ông Obote và các người
tỵ nạn Uganda, và cuối thập niên 1970 nó biến thành chiến tranh giữa hai nước.
Năm 1979 binh sĩ Tanzania được phiến quân của tổ chức “Quân đội giải phóng
Uganda” trợ lực đã đánh chiếm Kampala và truất phế ông Idi Amin. Sau vài nhiệm
kỳ tổng thống chuyển tiếp ngắn, năm 1980 ông Milton Obote trở lại nắm quyền và
bắt đầu trả thù những người ủng hộ ông Amin. Vào đầu thập niên 1980 ông Yoweri
Kaguta Museveni thành lập tổ chức “Quân đội quốc gia kháng chiến”, đặt bản doanh
tại Luwero mạn bắc Kampala, và bắt đầu chiến tranh du kích. Năm 1983 tổng thống
Obole đánh trả với các vụ tàn sát hàng loạt trong chiến dịch Bonanza. Theo tổ
chức Hồng Thập Tự đã có 300.000 người bị giết.
Năm
1985 tổng thống Obote bị tướng Tito Okello Lurwa thuộc lực lượng “Quân đội giải
phóng Uganda” lật đổ. Ban đầu tướng Tito đồng ý thương thuyết hòa bình với lực
lượng “Quân đội quốc gia kháng chiến”, nhưng các cuộc thương thuyết không kéo
dài và vào tháng giêng năm 1986 lực lượng Quân đội kháng chiến đánh chiếm
Kampala, trong khi các nhóm “Quân đội giải phóng” tái tổ chức bên Sudan và miền
bắc Uganda lấy tên là “Quân đội dân chủ của nhân dân Uganda”. Năm 1987 nhóm “Sức
mạnh lưu động của Chúa Thánh Thần” do bà Alice Auma Lakwena lãnh đạo cũng bị
đánh bại. Bà được gọi là “mụ phù thủy của miền bắc” và tự cho mình là nữ sứ giả
của Thiên Chúa, khẳng định mình có các quyền lực siêu nhiên. Sau khi thua
trận bà trốn sang Kenya. Tổng thống Museweni thẳng tay đàn áp các thành viên
“Quân đội dân chủ của nhân dân Uganda” và “Sức mạnh lưu động của Chúa Thánh Thần”.
Tháng 6 năm 1988 ông Salim Saleh lãnh tụ “Quân đội quốc gia kháng chiến” ký thoả
hiệp hòa bình với lực lượng “Quân đội dân chủ nhân dân Uganda” và ân xá cho tất
cả các chiến binh chấp nhận giải giáp. Đa số các phiến quân đã chấp nhận ân xá
và tổ chức này cũng giải tán sau đó.
Vào
cuối năm 1987 Joseph Kony, em họ của bà Alice, tuyên bố mình có các quyền lực
siêu nhiên thành lập phong trào “Quân đội cứu rỗi của Chúa”, rồi đổi thành
“Quân đội kitô cứu rỗi thống nhất” và sau cùng từ năm 1994 trở đi gọi là “Quân
đội kháng chiến của Chúa” nhằm nắm chính quyền và cai trị theo Mười Điều Răn của
Kitô giáo với vài yếu tố của Hồi giáo. Các cuộc tấn công của lực lượng này được
Sudan yểm trợ hướng tới cả thường dân, đặc biệt là chống lại chủng tộc Acholi
là chủng tộc của Kony. Lực lượng này mau chóng mất sự yểm trợ của người dân và
bị bắt buộc phải tuyển mộ cacs chiến binh trẻ em bằng cách bắt cóc các em. Các
trẻ em trốn thoát cho biết các em bị đối xử tàn tệ, bị hãm hiếp, bị giết và bị
cắt chặt các cơ phận.
Năm
1995 Uganda có Hiến pháp mới và năm 2001 chuyển tiếp sang chế độ đa đảng, được
trưng cầu dân ý năm 2005. Tổng thống Museweni đắc cử trong các năm 1996 và
2001. Tuy nhiên trong các tỉnh miền bắc phong trào “Quân đội kháng chiến của
Chúa” được Sudan hậu thuẫn vẫn tiếp tục chiến tranh du kích. Năm 1996
Uganda yểm trợ Laurent Désiré Kabila trong trận chiến đầu tiên tại Congo Zair để
lật đổ nhà độc tài Mobutu. Từ năm 1996 đến 2003 Uganda can thiệp vào chiến
tranh tại Congo, lần này để giúp các nhóm phiến quân chống lại tổng thống
Kabila. Trong thập niên 1990 Uganda có nhiều đụng độ với các nước láng giềng.
Trong cuộc bầu cử năm 2006 ông Museweni đắc cử tổng thống lần thứ ba. Chiến thắng
này cho phép ông cải tổ Hiến pháp để Uganda có các cuộc bầu cử dân chủ đa đảng
sau 26 năm sống dưới các chế độ độc tài. Tuy đã có nhiều tiến triển nhưng nói
chung cuộc sống của dân chúng vẫn nghèo và các điều kiện kinh tế, giáo dục, y tế
và an sinh vẫn bấp bênh và yếu kém.
Lich
sử Giáo Hội công giáo đã bắt đầu ngày 17 tháng 2 năm 1879, khi hai linh mục thừa
sai dòng Trắng từ Tanganika tới giảng đạo tại đây. Nhưng chẳng bao lâu các thừa
sai bị bó buộc rời khỏi Uganda và công tác rao truyền Tin Mừng được giáo dân tiếp
tục. Năm 1885 xảy ra vụ bách hại các kitô hữu. 22 vị tử đạo đã được phong chân
phưóc năm 1920 và được ĐGH Phaolô VI tôn phong hiển thánh năm 1964. Giữa cuối
thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX có các thừa sai thuộc nhiều hiệp hộị truyền
giáo tới hoạt động tại Uganda, trong đó có Hiệp hội truyền giáo thánh
Giuse Mill Hill năm 1894, và các thừa sai dòng Comboni năm 1910. Năm 1923 giáo
quận tông toà Nilo nhiệt đới, tương đương vói miền bắc Uganda hiện nay, được
giao cho các cha trông coi. Năm 1939 vị Giám Mục ngưòi Uganda đầu tiên được tấn
phong là ĐC Joseph Kiwanuka, GM Masaka. Năm 1953 hàng giáo phẩm Uganda được
thành lập. Năm 1969 Hội nghị các Giám Mục liên phi châu được triệu tập với
sự hiện diện của ĐGH Phaolo VI, là vị Giáo Hoàng đầu tiên viếng thăm Phi châu.
Năm 1993 Đúc Gioan Phaolô II đã viếng thăm mục vụ Uganda.
Hiện
nay Giáo Hội Uganda có 32 Giám Mục cai quản 20 giáo phận, với 540 giáo xứ,
6.900 trung tâm mục vụ. Nhân lực của Giáo Hội gồm 1.827 linh mục giáo phận, 353
linh mục dòng, 561 tu huynh, 3.699 nữ tu, 1.437 đại chủng sinh và 15.864 giáo
lý viên. Giáo Hội hiện điều khiển 7.050 cơ sở giáo dục và 2.748 trung tâm bác
ái xã hội.
Linh
Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét