07/11/2015
Thứ Bảy
sau Chúa Nhật 31 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 16, 3-9. 16. 22-27
"Anh em hãy chào nhau trong cái hôn thánh thiện".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi xin gởi lời chào bà Prisca và ông Aquila,
là những người cộng sự viên của tôi trong Ðức Giêsu Kitô, (họ đã liều mất đầu để
cứu mạng sống tôi; không chỉ một mình tôi mang ơn họ mà thôi, nhưng còn tất cả
các Giáo đoàn dân ngoại nữa), xin gởi lời chào Giáo đoàn đang hội họp tại nhà họ.
Xin gởi lời chào Êphênêtô, người tôi yêu quý, ông là hoa quả đầu mùa trong Ðức
Kitô bên Tiểu Á. Xin gởi lời chào Maria, người đã vất vả nhiều vì anh em. Xin gởi
lời chào Anđrônicô và Giunia, người bà con và bạn tù của tôi; họ là những người
danh vọng trong hàng các Tông đồ và đã thuộc về Ðức Kitô trước tôi. Xin gởi lời
chào Ampliatô, người tôi rất yêu quý trong Chúa. Xin gởi lời chào Urbanô, cộng
sự viên của chúng tôi trong Ðức Giêsu Kitô, và cả Sitakhin, người tôi yêu quý.
Anh em hãy chào nhau trong cái hôn thánh thiện. Tất cả các Giáo đoàn của Ðức
Kitô gởi lời chào anh em.
Tôi là Tertiô, người viết thư này, xin gởi lời chào anh em trong
Chúa. Caiô, người cho tôi trọ nhà, và toàn thể Giáo đoàn cũng gởi lời chào anh
em. Êrastô, chủ kho bạc thị trấn, và Quartô, người anh em, xin gởi lời chào anh
em. Nguyện chúc ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ở cùng tất cả anh em.
Amen.
Kính chúc Ðấng có quyền năng làm cho anh em được vững vàng theo
Tin Mừng tôi loan truyền, và lời giảng dạy của Chúa Giêsu Kitô, theo mạc khải mầu
nhiệm được giữ kín từ đời đời, nhưng nay được tỏ bày, và nhờ các tiên tri ghi
chép theo lệnh của Thiên Chúa hằng hữu, được thông tri cho các dân ngoại, để dẫn
đưa họ về vâng phục đức tin. Kính chúc Thiên Chúa, Ðấng khôn ngoan độc nhất, nhờ
Chúa Giêsu Kitô, kính chúc Người vinh quang muôn đời. Amen.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 144, 2-3. 4-5. 10-11
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (x. c.
1b).
Xướng: 1) Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi
danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa
không thể đo lường được. - Ðáp.
2) Thế hệ này rao giảng cho thế hệ kia hay công việc Chúa, và
thiên hạ loan tin quyền năng của Ngài. Người ta nói đến vinh quang cao cả oai
nghiêm, và phổ biến những điều kỳ diệu của Chúa. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các
thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước
Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.- Ðáp.
Alleluia: Ep 1, 17-18
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa
chúng ta, cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là
trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 16, 9-15
"Nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối,
thì ai sẽ giao của chân thật cho các con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hãy dùng tiền
của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp
các con vào chốn an nghỉ đời đời. Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung
tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn.
Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao
phó của chân thật cho các con.
"Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét
chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể
làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được". Những người biệt phái là
những kẻ tham lam, nghe nói tất cả những điều đó, thì nhạo cười Người. Vậy Người
bảo các ông rằng: "Chính các ông là những kẻ phô trương mình là công chính
trước mặt người ta, nhưng Thiên Chúa biết lòng các ông; bởi chưng điều gì cao
sang đối với người ta, thì lại là ghê tởm trước mặt Thiên Chúa".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Sử Dụng Tốt Tiền Của
Tham nhũng là cám dỗ xưa như cõi lòng tội lỗi của con người. Người
tham nhũng là người chỉ nghĩ đến mình, bất chấp thiệt hại có thể gây ra cho người
khác. Xúc phạm đến con người, tham nhũng rốt cuộc cũng là một xúc phạm đến
Thiên Chúa.
Chính vì tính cách trầm trọng của tham nhũng, nên Chúa Giêsu
trong Tin Mừng hôm nay đưa ra một đòi hỏi: "Hãy chọn lựa giữa Thiên Chúa
và tiền của", bởi vì không ai có thể làm tôi hai chủ được. Tiền của tự nó
không phải là điều xấu, nó chỉ xấu khi con người tôn thờ nó như cùng đích cuộc
sống. Thật ra, không có tiền của xấu, mà chỉ có cách tìm kiếm, sử dụng xấu của
con người mà thôi. Cách tìm kiếm, sử dụng trở thành xấu là khi con người bóp
nghẹt tiếng nói lương tâm, chối bỏ chính mình, khước từ người anh em, chối bỏ
Thiên Chúa. Kẻ tham lam là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, nhưng thực ra, họ
cũng là kẻ đang tự hủy, chối bỏ cùng đích của cuộc sống.
Tham nhũng và lừa đảo ở mọi qui mô trong xã hội chúng ta, đó là
một kết luận hiển nhiên. Thế nhưng "thà đốt lên một ngọn nến, hơn là ngồi
đó nguyền rủa bóng tối". Chúng ta hãy bắt đầu chống tham nhũng, lừa đảo,
ích kỷ ngay trong con người của chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Nếu
các con không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín
nhiệm và giao phó của cải chân thật cho các con?". Nếu chúng ta chưa loại
được tham lam, lừa đảo trong những sinh hoạt hằng ngày, liệu chúng ta có thể chống
tham nhũng ở qui mô lớn hơn không?
Tham nhũng đối với mỗi người chúng ta có thể mang nhiều tên gọi:
ích kỷ, khước từ chia sẻ, liên đới, cảm thông. Xét cho cùng, của cải là đển mọi
người cùng hưởng dùng; nếu tham nhũng, lừa đảo là chỉ muốn lấy của người để
dành riêng cho mình, thì bất cứ hành động ích kỷ nào, bất cứ khước từ san sẻ
nào cũng là một hình thức tham nhũng. "Không ai có thể làm tôi hai chủ":
của cải vật chất chỉ là phương tiện giúp chúng ta thờ phượng người chủ duy nhất
và đích thực là Thiên Chúa.
Trong khi mưu cầu cho cuộc sống, xin Chúa cho chúng ta biết tìm
kiếm và xây dựng giá trị Nước Trời. Xin cho chúng ta biết nhìn xa hơn về của cải
vật chất, biết ra khỏi chính mình để gặp Chúa qua những chia sẻ, cảm thông đối
với tha nhân.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Thứ Bảy Tuần
31 TN1, Năm lẻ.
Bài đọc: Rom 16:3-9,
16, 22-27; Lk 16:9-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết
xử dụng người cũng như của cải để mở mang Nước Chúa.
Nhiều tín hữu sai lầm khi quan niệm việc rao giảng Tin Mừng chỉ
là bổn phận của các linh mục hay hàng giáo sĩ; chứ không phải là bổn phận của mọi
tín hữu. Họ quên đi bổn phận ngôn sứ là của mỗi người khi họ lãnh nhận bí-tích
Rửa Tội. Hơn nữa, mặc dù Đức Kitô có thể rao giảng Tin Mừng một mình; nhưng
Ngài đã chọn 12 Tông-đồ để cùng làm việc với Ngài, ấy là chưa kể bao nhiêu môn
đệ và những phụ nữ đi theo Chúa. Thiên Chúa muốn con người, kẻ góp công người
góp của, để việc rao giảng Tin Mừng được lan rộng khắp nơi, và mọi người đều
đáng lãnh nhận công nghiệp trước mặt Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên bổn phận của mọi tín hữu phải
cùng nhau cộng tác trong việc rao giảng Tin Mừng. Trong Bài Đọc I, Phaolô liệt
kê một danh sách dài những tín hữu đã cộng tác với ngài trong việc rao giảng
Tin Mừng. Tất cả những gì Phaolô đạt được trong việc truyền giáo, họ cũng được
chung hưởng phần thưởng, vì họ cũng đã góp công hay góp của trong đó. Trong Phúc
Âm, Chúa Giêsu khuyên khán giả phải biết dùng tiền của cho dù bất chính để mua
lấy bạn hữu; phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.
Những người ham thích tiền bạc như những người Pharisees là dại dột, vì chung
cuộc họ sẽ mất tất cả.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phaolô liệt kê những người đã cộng tác vào sứ vụ
rao giảng Tin Mừng với ngài.
1.1/ Những người tín hữu giúp Phaolô rao giảng Tin Mừng: Nhìn vào
danh sách những người Phaolô đã liệt kê, chúng ta có thể nhận ra những điều sau
đây:
(1) Chị Prisca và anh Aquila được gọi là hai người bạn đồng hành
thân thiết với Phaolô trong việc rao giảng Tin Mừng. Aquila là người Do-thái
sinh tại Pontus, đến Rôma lập nghiệp, nhưng phải bỏ Rôma trốn sang Corintô vì
phong trào bài Do-thái (Acts 18:14). Prisca còn được gọi là Priscilla, vợ của
Aquila. Cả hai đều làm nghề chế tạo lều như Phaolô. Tại Corintô, Phaolô đã đến ở
chung với họ để được giúp đỡ trong việc rao giảng Tin Mừng. Không chỉ mình
Phaolô, mà còn các Hội Thánh trong dân ngoại cũng phải mang ơn hai người. Khác
với quan niệm của nhiều người cho nhà ở của mình là nơi chỉ dành cho gia đình,
hai vợ chồng luôn mở rộng cửa nhà cho việc đón tiếp các tín hữu và cử hành phụng
vụ; nhiều cộng đoàn được thiết lập và nuôi dưỡng từ nhà của họ. Để làm được điều
này, họ phải có niềm tin yêu vững mạnh vào Thiên Chúa và vào tha nhân.
(2) Phaolô không kỳ thị phụ nữ như nhiều người lầm tưởng, có ít
nhất là 6 phụ nữ được liệt kê trong danh sách này. Ngoài Priscilla, còn có chị
Maria, người đã vất vả nhiều vì anh em; rồi tới Junias, bà con và đã từng ngồi
tù với Phaolô. Săn sóc sức khỏe cho những người rao giảng qua việc nấu ăn, thu
dọn, mua sắm những thứ cần thiết là những điều mà bất cứ phụ nữ nào cũng làm được.
Phaolô chắc chắn đã hưởng sự giúp đỡ từ những phụ nữ này.
(3) Ngay cả việc giúp Phaolô để thảo các Thư và gởi đi các nơi,
lần đầu tiên được tiết lộ hôm nay: "Tôi là Tertius, người chép thư này,
xin gửi lời thăm anh em trong Chúa." Ngoài ra, trong danh sách bao gồm cả
những người giàu có lẫn người nghèo khó. Mọi người đều có thể đóng góp tùy theo
ân huệ Thiên Chúa ban cho họ.
1.2/ Lời chúc tụng sau cùng: Sau cùng, Phaolô tóm tắt những điều
chính yếu mà ngài đã thảo luận trong thư: (1) Tin Mừng cần thiết cho mọi người
để họ có thể đứng vững trong cuộc đời. (2) Trọng tâm của Tin Mừng là Đức Giêsu
Kitô, con người phải tin vào Ngài thì mới được cứu độ. (3) Mầu nhiệm cứu độ được
bắt đầu với dân tộc Do-thái, nhưng được mở rộng đến mọi người khi Đức Kitô tới.
Điều này đã được các ngôn sứ tiên báo từ ngàn xưa rồi.
2/ Phúc Âm: Hãy học cho biết cách dùng tiền của đời này.
2.1/ Biết dùng tiền của: Người biết dùng tiền của sẽ không
tiêu xài hoang phí vào những việc không cần thiết, nhưng biết dùng tiền để sinh
ích lợi cho chính mình và cho người khác như:
(1) dùng tiền của để trau dồi các tài năng cần thiết cho cuộc sống
như sách vở, học hành; hay có thể cho những người cần dùng nó bằng cách cung cấp
học bổng hay các công trình nghiên cứu có lợi cho gia đình nhân lọai.
(2) dùng tiền của để giúp đỡ người nghèo khó: Tin Mừng Matthêu,
chương 25 dạy: Những gì chúng ta làm cho những người khốn khổ là làm cho Thiên
Chúa. Chúa Giêsu cũng tái xác nhận điều này: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết:
hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ
đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.”
2.2/ Hãy chứng tỏ lòng trung tín với Thiên Chúa qua việc dùng tiền
của: Cuộc đời là bãi chiến trường để học hỏi và thử nghiệm, nó cũng
là dịp để Thiên Chúa đánh giá con người:
- qua sự trung tín trong việc nhỏ: “Ai trung tín trong việc rất
nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì
cũng bất lương trong việc lớn.”
- qua sự trung tín trong việc dùng những của cải bất chính: “Nếu
anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm
mà giao phó của cải chân thật cho anh em?”
- qua sự trung tín trong việc dùng của cải người khác: Của đau
con xót, con của mình đau hơn con của người: “Nếu anh em không trung tín trong
việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành
riêng cho anh em?”
2.3/ Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ: Không giống
như thời đại ngày nay, người nô lệ hay gia nhân thời xưa chỉ có thể phục vụ một
chủ mà thôi. Cho dẫu ngày nay con người có thể làm tôi hai chủ, mức độ trung
thành với hai chủ không bằng nhau: hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ
gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ.
Cũng vậy trong việc phục vụ Thiên Chúa: “Anh em không thể vừa
làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.” Rất nhiều người suy nghĩ ngược
lại với Chúa Giêsu: họ nghĩ họ có cách để phục vụ cả hai một lúc. Một ví dụ điển
hình là người Pharisêu: “Họ vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười
nhạo Đức Giêsu.” Có những người vì ham hố kiếm tiền nên đã không còn thời giờ
cho Thiên Chúa, ngay cả việc đi tham dự Thánh Lễ ngày Chủ Nhật.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Rao giảng Tin Mừng là bổn phận của mọi người: Nếu không có khả
năng và thời giờ để trực tiếp rao giảng, chúng ta có bổn phận phải giúp của vào
việc đào tạo các nhà rao giảng và tạo điều kiện thuận tiện cho họ chu toàn sứ vụ
Thiên Chúa trao phó.
- Mọi của cải trên đời này là của Thiên Chúa trao ban cho chúng
ta để xử dụng. Chúng ta không phải là chủ nhân, mà chỉ là người quản lý. Chúng
ta phải biết xử dụng của cải Chúa ban đời này để sinh lợi ích cho mình và tha
nhân, đồng thời tích trữ cho mình những lợi ích đời sau.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
THỨ BẢY: 07. 11. 2015
Lc 16, 9 - 15
Lc 16, 9 - 15
1. Ghi nhớ: “ Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè,
phòng khi hết tiền bạc họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cữu ” (Lc 16, 9).
2. Suy niệm: Của cải vật chất rất cần thiết trong đời
sống con người, vì nó là phương tiên cho cuộc sống. Nhưng đồng tiền nếu không
khéo sử dụng nó sẽ gây nên tội ác, dẫn đến bất lương nên Thiên Chúa đã gọi đó
là “ tiền của bất chính ” . Trong Cựu ước, con người vẫn quan
niệm rằng : Của cải là phúc lợi Thiên Chúa ban cho những kẻ Ngài yêu. Thời Tân
ước, Chúa Giêsu không phủ nhận giá trị ấy những Chúa muốn dạy con người cần sử
dụng của cải cho đúng đắn, và xem nó như người đầy tớ tốt lành, chứ đừng làm
tôi nó hay xem nó như một ông chủ xấu ảnh hưởng trong mọi hành động của mình.
Hơn nữa con người phải biết dùng tiền của “
mà tạo lấy bạn bè ” nghĩa là
biết xử dụng tiền vào những công việc bác ái, từ thiện để tích trữ những công
phúc cho đời sau.
3. Sống Lời Chúa: Hãy khôn ngoan trong việc sử dụng tiền
của.
4. Lời nguyện: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã cho con có
của cải hưởng dùng. Xin cho con biết dùng nó để mưu ích cho bản thân và tha
nhân. Amen.
Làm tôi tiền của
Kitô hữu không hẳn phải là người khố rách áo ôm,
nhưng chắc chắn phải là người siêu thoát với sức hấp dẫn của tiền bạc.
Suy niệm:
Khi muốn nói đến sức mạnh của đồng tiền
người ta thường nói: đồng
tiền là tiên là phật…
Đức Giêsu còn nói mạnh hơn
nữa:
đồng tiền còn có thể là chúa
của con người, bắt con người làm tôi.
Ngay cả các Kitô hữu, những
người đã thuộc về Thiên Chúa,
và chỉ muốn phụng sự một
mình Ngài,
cũng bị cám dỗ để đi hàng
hai, bắt cá hai tay.
Họ nghĩ mình có thể làm tôi
đồng thời cả Thiên Chúa lẫn Tiền Của,
nhờ đó được cả đời sau lẫn
đời này.
Đức Giêsu cho thấy điều đó
chỉ là một ảo tưởng (c. 13).
Phải chọn một trong hai, vì
không thể yêu và gắn bó với cả hai.
Tôi muốn phục vụ ai bây giờ? Thiên Chúa hay Tiền Của?
Lúc đầu hẳn nhiên tôi muốn
Tiền Của phục vụ tôi.
Nhưng sau đó Tiền Của trở
thành một vị chúa bắt tôi làm nô lệ.
Mamôn (Tiền Của) trong tiếng
Do thái cổ
có thể có nghĩa là điều
mà ta cậy dựa.
Khi Tiền Của trở thành chỗ
dựa vững chắc và bảo đảm cho tôi,
nó sẽ chiếm lấy chỗ của
Thiên Chúa.
Nếu chúng ta thực sự yêu mến
và gắn bó với Thiên Chúa,
thế nào chúng ta cũng phải
ghét bỏ và khinh dể Tiền Của (c. 13),
nghĩa là dứt khoát đặt nó
dưới Thiên Chúa.
Thánh Phanxicô Assisi đã trả lại bộ quần áo đang mặc cho người cha.
Thánh Inhaxiô Loyola đã đổi
bộ đồ quý phái cho một người ăn xin.
Bước đường theo Chúa của các
bậc thánh nhân
thường bắt đầu bằng hành vi
từ bỏ mọi vướng víu vật chất.
Người thanh niên giàu có
cũng được mời bán tất cả để cho kẻ nghèo.
Thắng được cám dỗ của vật
chất và tiền bạc, là một thách đố lớn
cho mọi cá nhân và tập thể,
đạo cũng như đời.
Chúng ta vẫn có nguy cơ thờ
lạy Mamôn, ngẫu tượng của mọi thời đại.
Làm sao để tiền của trở nên đầy tớ của chúng ta,
để ta có thể sử dụng nó như
đường vào Nước Trời?
Bill Gates, người giàu nhất
thế giới vào năm 2009 với tài sản 40 tỷ đô.
Ông đã nghỉ điều hành công
ty Microsoft từ năm ngoái,
để cùng vợ dành nhiều thời
gian hơn cho việc xây dựng quỹ từ thiện.
Quỹ hàng chục tỷ đô này đã
giúp người nghèo, bệnh nhân ở khắp nơi,
và Bill Gates biết cách làm
cho quỹ này lớn thêm mãi.
Dù không phải là một Kitô
hữu đi lễ mỗi sáng Chúa Nhật,
nhưng ông cho ta hình ảnh
của một người không quá bám vào của cải.
Kitô hữu không hẳn phải là người khố rách áo ôm,
nhưng chắc chắn phải là
người siêu thoát với sức hấp dẫn của tiền bạc.
Trung tín trong việc rất
nhỏ, và trong việc sử dụng của cải của tha nhân,
đó là điều Đức Giêsu nhắn
nhủ ta khi sống trong nền kinh tế thị trường.
Làm sao để Thiên Chúa, chứ
không phải Tiền Của, thực sự làm chủ đời ta?
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con
thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc
về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc
về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng
quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người
khác,
có bao điều con định mua sắm
dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín
của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả
tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi
người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ
cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói
nghèo
là vì chúng con giữ quá điều
cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên
7 THÁNG MƯỜI MỘT
Một Cộng Đoàn Yêu Thương
Cộng đoàn Kitôhữu được sinh ra từ Lời Chúa và cắm rễ sâu trong mầu
nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Nhưng có một yếu tố thứ ba nữa làm nên đời sống cộng
đoàn, đó là tình yêu được Chúa Thánh Thần đổ tràn trong lòng chúng ta (Rm 5,5).
Thật vậy, cộng đoàn sẽ ra sao nếu thiếu vắng tình yêu? Đời sống cộng đoàn chúng
ta sẽ ra sao nếu chúng ta không thi hành điều mà Công Đồng gọi là “luật” của
Dân mới của Thiên Chúa: yêu thương như Chúa Kitô yêu chúng ta (LG. 9)? Đời sống
cộng đoàn chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta không có mối hiệp thông trọn vẹn với
giám mục của mình và với Giáo hội trên toàn cầu?
Nhưng tình yêu ấy phải hữu hình. Nó phải là đặc trưng cho mọi
khía cạnh đời sống chúng ta trong tư cách là một cộng đoàn. Mối hiệp thông
thiêng liêng phải trở thành một mối hiệp thông của các quan hệ phong phú giữa
người với người. Chúng ta phải có một cung cách đích thực Kitôhữu trong quan hệ
với nhau. Như tôi đã từng khẳng định, thật vô cùng quan trọng việc một giáo xứ
trở thành tiêu điểm sum họp vừa mang tính nhân bản vừa mang tính Kitô giáo, để
tạo lập một đời sống cộng đoàn trọn vẹn.
Các cộng đoàn chúng ta được mời gọi cảm nếm trước nền văn minh
tình thương. Và, căn cứ vào mẫu thức của các cộng đoàn Kitôhữu đầu tiên, thì
chúng ta phải thể hiện được một đời sống xã hội phong phú đặc trưng bởi tình
huynh đệ đích thực. Mối quan hệ của chúng ta phải được định hình bởi bởi tinh
thần hiếu hòa và dâng hiến. Chúng ta cần một tinh thần cộng tác và hòa giải – để
chữa lành những vết thương. Chúng ta cần một đời sống thiêng liêng vững mạnh có
sức kết hiệp chúng ta với tình yêu của Thiên Chúa cũng như với tình yêu của anh
chị em chung quanh mình.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong
Gia Đình
NGÀY 07-11
Rm 16, 3-9.16.22-27; Lc 16, 9-15.
LỜI SUY NIỆM: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai
bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.”
Chúa Giêsu đang nói với mỗi người trong chúng ta về việc sử dụng
tiền của, vật chất mà Chúa đã ban cho mỗi người trong cuộc sống của mình. Mỗi
người phải biết làm chủ những gì mình đang có, để chi dùng một cách chính đáng
trong việc nuôi sống thân xác và cả linh hồn của mình. Chứ không được làm tôi
Tiền Của: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”
Lạy Chúa Giêsu, Xin ban cho mỗi thành viên trong gia đình chúng
con luôn trung tín trong việc thờ phượng Chúa.
Mạnh Phương
07 Tháng Mười Một
Nỗi Khao
Khát Của Hạt Muối
Khao khát duy nhất của hạt muối là được xem thấy biển. Bằng mọi
giá, nó muốn khám phá thế nào là biển... Ngày kia, nó ra đi... Vừa đến bờ biển,
nó khám phá ra một cái gì mênh mông, xanh ngắt và sống động. Nó thốt lên:
- Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?
Một đợt sóng trả lời:
- Hãy chạm đến ta, rồi ngươi sẽ hiểu.
Hạt muối trườn mình xuống nước. Ô kìa, nó cảm thấy ngây ngất, niềm
vui tột cùng làm nó cảm thấy như không còn đứng vững được nữa. Nó cảm thấy như
đang hòa lẫn từ từ trong nước. Niềm vui dâng trào. Nó lại hỏi một lần nữa:
- Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?
Một đợt sóng cuối cùng ôm ghì lấy nó và nó từ từ tan biến trong
nước. Nó chợt reo vui lần cuối cùng:
- Bây giờ ta mới hiểu thế nào là biển: biển là một phần của
chính ta.
Hạt muối chỉ có thể hiểu được thế nào là biển khi nó được hòa
tan trong nước. Có chìm ngập trong biển, có đi vào biển mới hiểu được thế nào
là biển... Thiên Chúa cao cả hơn lý trí của con người. Chúng ta không thể chỉ
biết Thiên Chúa bằng lý trí... Hãy để cho Thiên Chúa chiếm ngự, hãy để cho
Thiên Chúa ôm chầm lấy ta, ta mới có thể biết được Ngài là ai. Tình tri giao giữa
Thiên Chúa và con người chỉ có thể nảy nở bằng thinh lặng, hòa nhập trong cảm mến,
tri ân.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét