Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

08-11-2015 : (phần II) CHÚA NHẬT XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN năm B

08/11/2015
Chúa Nhật 32 Quanh Năm Năm B
(phần II)

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXXII Thường Niên - năm B
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN
(1 V 17,10-16; Hr 9,24-28; Mc 12,38-44)
THIÊN CHÚA THẤU TỎ MỌI SỰ
“Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói:
‘Thầy bảo thật anh em:
bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng
nhiều hơn ai hết’”

(Mc 12,43)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1:
Bối cảnh đoạn sách Các Vua là lời loan báo của ngôn sứ Êlia về án phạt của Thiên Chúa đối với vua Akháp vì vua đã tôn thờ thần Baan (1 V 16,29-33). Theo đó, trong đất nước của vua sẽ chẳng có mưa trong một thời gian dài. Trong hoàn cảnh hạn hán và đói kém, Thiên Chúa có cách để lo liệu cho vị ngôn sứ của Ngài (x. 1 V 17,1-9). Nhưng điều gây ngạc nhiên hơn cả là việc Thiên Chúa biểu lộ sự quan phòng của Ngài qua hình ảnh tín thác của một bà góa nghèo (1 V 17,10-16).
Các bà góa trong Kinh Thánh luôn là những người chịu nhiều thiệt thòi. Họ đa phần là những người nghèo, bị xã hội coi thường và lãng quên. Bà góa trong đoạn sách Các Vua cũng không phải là ngoại lệ. Ngôn sứ Êlia gặp bà lúc bà đang đi lượm củi để lo cho bữa ăn cuối cùng, một hình ảnh cho thấy cái nghèo đến cùng cực của bà trong hoàn cảnh hạn hán và đói kém, đến nỗi bà có thể thấy trước cái chết của mình và con trai.
Bà góa này không những nhận ra Thiên Chúa là Chúa của vị ngôn sứ, mà bà con thề trước Ngài (1 V 17,12), nghĩa là, cách nào đó, bà cũng thừa nhận Ngài là Chúa của bà. Không loại trừ khả năng bà là người gốc Israel, nhưng được gả chồng ở Xarépta, thuộc Xiđôn, vùng đất thuộc dân ngoại. Dù thế nào, bà góa này xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng vượt lên trên và hiểu biết tất cả; bà ý thức rằng Thiên Chúa thấu suốt hoàn cảnh nghèo đói của bà.
Do vậy, trong hoàn cảnh bi đát của nạn hạn hán, bà vẫn sẵn sàng cho nước theo lời yêu cầu của vị ngôn sứ; đồng thời trong lúc nạn đói đang hoành hành dữ dội, lúc thức ăn đã cạn kiệt, lúc bà và con trai đang đối diện với cái chết cận kề, bà vẫn sẵn sàng chia sẻ phần ăn với vị ngôn sứ. Sự sẵn sàng trao ban của bà theo yêu cầu của vị ngôn sứ thể hiện một lòng tin mạnh mẽ vào lời hứa của Êlia, và trên hết là niềm tin vào Thiên Chúa của vị ngôn sứ.
Phép lạ về bình dầu không cạn và hũ bột không vơi là một minh chứng cho sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, Đấng lo liệu khéo léo cho vị ngôn sứ của Ngài. Đồng thời, phép lạ còn là lời xác tín vững chắc rằng Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi những con người, dù nghèo khó, hèn kém và bị bỏ quên trong xã hội, nhưng vẫn một lòng tin tưởng và phó thác vào Ngài.
2. Bài đọc 2:
Thư Hípri phác họa hình ảnh Đức Kitô Thượng Tế như là vị trung gian hoàn hảo, là cầu nối hữu hiệu giữa con người với Thiên Chúa. Những lý do sau đây chứng minh cho điều đó.
Một là, trong khi các thượng tế Do Thái chỉ có thể vào trong nơi cực thánh một năm một lần, nơi mà họ tin rằng có sự hiện diện thật sự của Thiên Chúa, để dâng lễ đền tội cho mình và cho dân, thì Đức Kitô Thượng Tế lại vào chính cõi trời, diện đối diện với chính Thiên Chúa mà chuyển cầu cho dân (Hr 9,24). Đức Kitô phục sinh là vị Thượng Tế được siêu thăng cõi trời, hằng ngự bên hữu Thiên Chúa để chuyển cầu hiệu quả cho dân mỗi khi cần chứ không phải chờ đợi mỗi năm một lần như trong định chế tư tế Lêvi.
Hai là, các thượng tế Do Thái mỗi năm đều phải mang máu con vật vào nơi cực thánh để xin Thiên Chúa tha tội cho mình và cho dân là vì máu đó không hoàn toàn xóa bỏ được tội lỗi. Đức Kitô Thượng Tế chỉ dâng hiến tế là chính máu của mình một lần, nhưng hoàn toàn tiêu diệt mầm mống tội lỗi và xóa bỏ tội muôn người (Hr 9,26.28). Theo quan niệm Do Thái, không có máu đổ ra thì không có ơn tha thứ (x. Hr 9,22), nhưng chỉ có máu của Đức Kitô Thượng Tế, Đấng “thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời” (Hr 7,26) mới đem lại ơn tha thứ một lần cho tất cả.
Ba là, Đức Kitô Thượng Tế sẽ trở lại lần thứ hai, nhưng không phải để tiếp tục dâng lễ đền tội, nhưng là để đem lại ơn cứu độ cho những ai trông đợi Người (Hr 9,28). Giá trị cứu độ của hy tế Đức Kitô mang tính trường tồn. Ơn cứu độ này chỉ dành cho những ai biết “trông đợi Người”, trông đợi bằng thái độ sống “tùng phục Người” (Hr 5,9). Như Đức Kitô đã “học vâng phục” qua đau khổ để trở nên nguồn ơn cứu độ thế nào, thì những ai chờ đợi Đức Kitô bằng thái độ vâng phục thánh ý Thiên Chúa đều xứng đáng đón nhận nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu do hiến tế cứu độ của Người mang lại (x. Hr 5,8-9).
Đức Kitô Thượng Tế vào chính cõi trời, trước nhan Thiên Chúa, để dâng chính máu của mình, tiêu diệt hoàn toàn tội lỗi, hầu mang lại ơn cứu độ vĩnh cửu cho những ai đợi trông Người. Người thật là vị Thượng Tế hoàn hảo, là trung gian hữu hiệu giữa Thiên Chúa và con người.
3. Bài Tin Mừng
Bài Tin Mừng mô tả hai hoàn cảnh không những khác nhau mà còn trái ngược nhau. Một bên là hình ảnh của các ông kinh sư bị Chúa Giêsu phê phán vì cách sống nặng tính phô trương vẻ bề ngoài. Bên kia là hình ảnh của bà góa nghèo được Chúa Giêsu khen ngợi vì đã âm thầm, kín đáo cho đi những gì quý giá nhất với cả tấm lòng.
Các kinh sư là những người có vai trò quan trọng trong việc giúp dân hiểu và giữ Lề Luật. Với vị thế, vai trò và lối sống đạo hạnh của mình, họ thường nhận được sự kính trọng của dân. Tuy nhiên, có lẽ thời Chúa Giêsu vẫn có những vị kinh sư chỉ chăm chú đến lối sống nặng tính hình thức bên ngoài như: khoe khoang mũ áo, thích được chào hỏi, ưa chuộng lời khen và ghế danh dự nơi công cộng, cầu nguyện hình thức… nhưng bên trong che đậy sự gian trá và lọc lừa ngay cả tiền bạc của các bà góa là đối tượng thường chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội. Chúa Giêsu mạnh mẽ lên án lối sống giả tạo, vụ hình thức của họ, rằng họ sẽ bị Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can con người, kết án nghiêm khắc.
Trái lại, hình ảnh bà góa nghèo dâng cúng một số tiền rất nhỏ lại được Chúa Giêsu khen ngợi. So với những người giàu bỏ thật nhiều tiền, thì hai đồng tiền kẽm của bà góa chẳng đáng là gì. Chúa Giêsu khen bà góa đã dâng cúng số tiền nhiều hơn ai hết chắc chắn không phải dựa trên giá trị số tiền bà dâng mà dựa trên tấm lòng sẵn sàng cho đi “tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Lc 12,44). Lòng quảng đại của bà góa khi dám cho đi tất cả thì đáng quý hơn rất nhiều so với những người giàu chỉ cho đi những gì là dư thừa.
Hai hình ảnh trái ngược trong bài Tin Mừng gợi lên nhiều điều đáng để suy gẫm:
Một là, Thiên Chúa không nhìn vào dáng vẻ bên ngoài để đánh giá. Ngài là Đấng thấu suốt lòng dạ con người từ bên trong. Những gì thể hiện ra bên ngoài chỉ có giá trị thực sự khi phát xuất từ tấm lòng bên trong. Người ta có thể đánh lừa nhau vì cái mã bên ngoài, nhưng những gì phát xuất từ tấm lòng mới là điều Thiên Chúa trông đợi nơi con người.
Hai là, tất cả mọi hành động và của cải trao ban, dù nhỏ mọn, tầm thường, nhưng nếu xuất phát tự tâm hồn tốt lành, trung thực và quảng đại đều có giá trị lớn lao trước mặt Thiên Chúa. Của cho, dù ít hay nhiều, chắc chắc đều đáng quý, nhưng cách cho còn đáng quý hơn gấp bội.
Ba là, mọi người đều có giá trị như nhau trước mặt Thiên Chúa, dù họ là ai, ở địa vị nào. Ngài không bỏ qua hành động sai trái của kẻ mạnh, cũng không bỏ quên nghĩa cử cao đẹp của người thấp bé. Ngài đặc biệt quan tâm và dành tình thương cách đặc biệt cho những người nghèo, những người đang sống trong cô đơn, bị quên lãng hay bỏ rơi.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Phép lạ về bình dầu không cạn và hũ bột không vơi là một minh chứng sống động cho sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, Đấng khéo léo lo liệu cho vị ngôn sứ của Ngài, và là Đấng không bỏ rơi những con người nghèo hèn, bé nhỏ nhưng một lòng tin tưởng và phó thác vào Ngài. Tôi có tin rằng Thiên Chúa vẫn hằng yêu thương, quan phòng, ngay cả khi tôi gặp những hoàn cảnh cô đơn, nghèo hèn, khốn khổ, bi đát?
2/ Đức Kitô thật là vị Thượng Tế hoàn hảo, là trung gian hữu hiệu giữa Thiên Chúa và con người, Đấng vào chính cõi trời để dâng máu mình làm của lễ đem lại ơn cứu độ vĩnh cửu cho con người. Người đã học vâng phục thánh ý Thiên Chúa ngay cả trong những lúc đau khổ nhất nên không có nỗi khổ đau nhân loại nào mà Người không thể cảm thấu. Tôi có xác tín mạnh mẽ rằng Đức Giêsu là trung gian hữu hiệu nhất dẫn tôi đến với Thiên Chúa, và là nguồn ơn cứu độ duy nhất của đời tôi?
3/ Chúa Giêsu nhìn thấu và lên án lòng dạ xấu xa bên trong của các ông kinh sư dù bên ngoài họ tỏ ra đạo đức, nhưng Người lại khen ngợi lòng quảng đại của bà góa nghèo, dù nhìn bên ngoài số tiền dâng cúng của bà chẳng là gì so với những người giàu dâng nhiều tiền. Tôi có thường sống với chiếc mặt nạ? Cách tôi sống, những việc tôi làm có xuất phát từ tầm lòng chân thành và trung thực?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa thấu suốt cõi lòng của con người, Người luôn quan tâm chăm sóc những ai có tâm hồn nghèo hèn bé mọn và ưu ái chúc phúc cho họ. Với lòng tin tưởng phó thác mọi sự trong tay Chúa, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:
1. Chúa Giêsu đã phê phán thái độ giả hình của các kinh sư, biệt phái. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh biết tránh xa thói giả hình, luôn trung thành với tinh thần nghèo khó Phúc Âm, và tận tâm phục vụ vì phần rỗi của mọi người.
2. Lối sống ích kỷ vô cảm là điều đáng cảnh báo trong cuộc sống hôm nay. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo xã hội biết đề cao và khuyến khích mọi người sống tinh thần quảng đại hy sinh, nâng đỡ chia sẻ, nhằm xây dựng một xã hội văn minh liên đới.
3. Đức Kitô chỉ hiến tế một lần là đủ đem lại ơn cứu độ vĩnh cửu cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu luôn xác tín vai trò trung gian duy nhất của Đức Kitô và biết tích cực tham dự vào hy lễ cứu độ của Ngài bằng một đời sống quên mình phục vụ.
4. Chúa Giêsu đánh giá bà góa nghèo đã bỏ nhiều hơn hết. Xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết theo gương bà góa trong Tin Mừng, luôn sống tín thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, sẵn lòng chia sẻ với mọi người và đóng góp cho việc chung.
Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con ca ngợi và tôn vinh lòng thương xót hải hà của Chúa, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và rộng ban muôn ơn lành giúp chúng con luôn sống đẹp lòng Chúa theo gương Đức Giêsu Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Chủ đề :
Tấm gương Bà góa

"Bà góa này rút từ cái túng thiếu của mình
mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để sống"
(Mc 12,44)

Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I (1 V 17,10-16) : Bà góa nghèo xứ Sarépta ân cần tiếp rước ngôn sứ Êlia.
- Tin Mừng (Mc 12,38-44) : Một bà góa nghèo lấy hết những gì bà có để bỏ vào thùng tiền quyên góp của Đền thờ.
I. Dẫn vào Thánh  lễ
Anh chị em thân mến
Người đời thường đánh giá theo bề ngoài, còn Thiên Chúa thì đánh giá theo tấm lòng. Hôm nay chúng ta đến nhà thờ này. Chúa không để ý tới quần áo, vẻ mặt hay phong cách bề ngoài của chúng ta, nhưng Ngài nhìn thấu tấm lòng của chúng ta. Vậy chúng ta hãy rất chân thành với Chúa, bày tỏ hết những gì nghèo nàn, yếu đuối, tội lỗi của chúng ta để được Ngài thứ tha, nâng đỡ và bồi dưỡng thêm cho chúng ta.
II. Gợi ý sám hối
- Chúng ta thường sống giả hình
- Chúng ta thường ích kỷ, không sẵn sàng chia xẻ với người khác.
- Chúng ta ham nhận hơn là cho.
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (1 V 17,10-16)
Câu chuyện bà goá xứ Sarépta giúp đỡ ngôn sứ Êlia có nhiều điểm rất đáng suy gẫm : (1) Bà là người ngoại nhưng tấm lòng lại quảng đại hơn rất nhiều tín hữu do thái ; (2) Bà đã cho ngôn sứ Êlia không phải những cái bà dư thừa, mà chính chiếc bánh cuối cùng của mẹ con bà ; (3) Sở dĩ bà dám cho đi như thế là vì bà có lòng tin tưởng phó thác vào lời hứa của Thiên Chúa.
2. Đáp ca (Tv 145)
Thánh vịnh này triển khai một nét cao quý của bà goá xứ Sarepta, đó là niềm tin tưởng phó thác vào Chúa, Đấng yêu chuộng người công chính và phù trì nâng đỡ những kẻ yếu đuối nghèo nàn.
3. Tin Mừng (Mc 12,38-44)
Có hai hình ảnh rất đối chọi nhau trong đoạn Tin Mừng này :
- Hình ảnh của các luật sĩ : rất cao sang, vinh dự với áo thụng, chức quyền, được người ta bái chào, được ngồi những chỗ nhất. Thế nhưng đó chỉ là cái vỏ, che đậy bên trong là một tâm hồn kiêu căng, tham lam, ức hiếp kẻ yếu đuối.
- Hình ảnh một bà góa : nghèo tiền nhưng rất giàu lòng. Đức Giêsu coi đây là hình ảnh đẹp nên "gọi các môn đệ đến" chỉ cho họ thấy và bảo họ noi gương.
4. Bài đọc II (Dt 9,24-28) (Chủ đề phụ)
Tác giả thư do thái nhắc tới việc vị Thượng Tế do thái mỗi năm vào gian cực thánh của Đền thờ Giêrusalem một lần, và so sánh với Đức Giêsu Thượng Tế : (1) Vị thượng tế do thái vào gian cực thánh của Đền thờ Giêrusalem ; còn Đức Giêsu thì vào chính cõi trời ; (2) Vị thượng tế do thái vào đó để dâng của lễ ; còn Đức Giêsu Thượng tế thì dâng chính bản thân mình ; (3) Mỗi năm vị thượng tế do thái phải vào lại gian cực thánh ấy ; còn Đức Giêsu Thượng tế chỉ hiến tế một lần là đủ.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Hình thức và tâm tình
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy 2 mẫu người :
. Mẫu thứ nhất là các luật sĩ : bề ngoài họ rất đạo đức : họ giữ luật chín chắn, họ đọc kinh nhiều và đọc thật dài. Vì thế họ được người ta kính trọng : ra ngoài đường ai gặp họ cũng kính chào, khi họ dự một buổi hội họp thì ai cũng nhường cho họ những chỗ danh dự nhất. Nhưng thực ra bên trong họ chẳng đạo đức chút nào : họ chỉ làm ra bộ đạo đức như thế để được người ta kính trọng và dâng cúng tiền bạc.
. Mẫu người thứ hai là người đàn bà goá : bề ngoài bà rất nghèo nàn, hèn hạ. Không ai tôn trọng bà, thậm chí chẳng thèm để ý tới bà. Nhưng tâm hồn bà rất cao quý : mặc dù nghèo nàn, bà cũng không tiếc lấy ra phần tiền tuy nhỏ nhưng rất cần thiết để dâng cúng vào đền thờ.
Như thế, bài Tin Mừng này đặt ra vấn đề Hình thức và Tâm Tình. Đó là 2 mặt của 1 thái độ. Nhưng mặt nào trọng hơn ? Theo cách đánh giá của CG thì mặt Tâm tình trọng hơn mặt Hình Thức : Chúa đã gọi các môn đệ đến chỉ cho họ thấy thái độ của bà goá, và nhận xét : "Thầy nói thật với các con : trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa. Còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống".
Cách đánh giá của CG thật là đúng : bởi vì nếu có hình thức mà không có tâm tình thì cũng giống như có một cái đèn mà không có dầu không có điện, giống như có một chiếc xe gắn máy mà không có xăng, giống như có một cái xác mà không có hồn... tất cả sẽ vô ích, vô dụng.
. Một người giáo dân đeo ảnh Thánh Giá thật đẹp, ngày nào cũng dự lễ rước lễ... nhưng trong lòng không mến Chúa không yêu người... thì cũng đáng xếp vào loại giả hình như bọn luật sĩ trong Tin Mừng mà thôi.
. Một công nhân viên giỏi nhất phát biểu hùng biện, giỏi viết những bản báo cáo thành tích nghe rất kêu... nhưng làm việc thì lờ đờ, biếng nhác... thì chẳng ích lợi gì cho việc phát triển xã hội.
Cho nên cái tâm tình, cái thực chất, cái bên trong thì quan trọng và quý giá hơn cái Hình Thức, cái dáng vẻ bề ngoài,. Trong việc sống đạo cũng vậy : đọc kinh, dự lễ... không quý giá, không quan trọng bằng tâm tình mến Chúa yêu người.
Nhưng từ nhận định rất đúng đắn, rất căn bản trên, có nhiều người đi đến chủ trương bất cần hình thức. Họ bảo rằng : "Đạo Tại Tâm" : sống đạo cốt là ở tâm hồn, chẳng cần đọc kinh, dự lễ, xưng tôi gì hết.
. Một ông nọ, nhà ở sát bên nhà thờ nhưng không bao giờ đến nhà thờ. Ông bảo "Tôi thờ Chúa trong lòng".
. Một cặp vợ chồng kia tuy đều có đạo nhưng cưới nhau chẳng có phép hôn phối chi hết. Họ bảo "Chẳng cần đến hình thức bên ngoài".
Có lẽ đôi khi chúng ta cũng có những ý nghĩ tương tự. Bây giờ xin đặt ra một số trường hợp để chúng ta cùng suy nghĩ xem sao :
. Trường hợp thứ nhất là chuyện làm đẹp, chưng diện : quần áo cốt yếu chỉ là để che thân, mặt mày tóc tai cốt yếu chỉ là đủ sạch sẽ thôi. Nhưng chúng ta đâu chỉ muốn cái cốt yếu đó, mà còn muốn sao cho đẹp, cho đúng thời trang nữa. Vì thế chúng ta chọn lựa màu áo, kiểu quần, kiểu tóc.... đó là chưa kể đến son phấn, sơn móng tay móng chân nữa... Như thế có phải là chúng ta bất cần hình thức bên ngoài không ?
. Trường hợp thứ hai là chuyện tình yêu : Nếu thực sự yêu nhau chỉ cốt yêu trong lòng là đủ thì cần gì người ta phải hẹn nhau đi chơi, cần gì phải viết thư cho nhau, cần gì phải tặng quà cho nhau, cần gì phải âu yếm nhau ?
2 trường hợp như thế đủ cho chúng ta thấy rằng tuy hình thức không quan trọng bằng tâm tình, nhưng nó cũng rất cần. Chính Hình Thức biểu lộ Tâm Tình và nuôi dưỡng tâm tình. Những lời nói, những nụ cười biểu lộ cho người ta biết rằng mình yêu thương người ta, và cũng những lời nói nụ cười đó làm cho tình yêu giữa 2 người ngày càng lớn lên, thắm thiết hơn. Không có hình thức thì tâm tình sẽ dần dần héo khô, chết dần mòn đi.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, CG mặc dù coi trọng tâm tình hơn hình thức nhưng cũng không chủ trương bất cần Hình Thức. Vì thế, bà goá trong Tin Mừng này không phải chỉ có lòng đạo đức bên trong, bà còn biểu lộ lòng đạo đức ấy qua cử chỉ dâng cúng đồng tiền nhỏ mọn của bà trong hòm tiền.
Ngày nay không ít người chủ trương "Đạo Tại Tâm" và coi thường những hình thức đạo đức như đọc kinh cầu nguyện dự lễ, dự các Bí tích... Những suy nghĩ của chúng ta nãy giờ dựa vào bài Tin Mừng cho thấy đó chỉ là một thứ ngụy biện : ngụy biện của những kẻ ghét đạo và muốn phá đạo ; ngụy biện của những người có đạo nhưng lười biếng thi hành những bổn phận đạo đức. Chúng ta đừng để thứ ngụy biện ấy ám ảnh tâm trí chúng ta và làm hại cho lòng đạo đức của chúng ta.
* 2. Hai bà goá - Thương là cho
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cao 2 bà goá : Một bà trong bài Tin Mừng một bà trong bài Sách Thánh, một bà Đức Giêsu gặp trong sân Đền Thờ Giêrusalem một bà tiên tri Êlia gặp ở xứ Serepta, một bà đã dâng vào thùng tiền Đền thờ một đồng xu và một bà đã cho tiên tri Êlia một chiếc bánh nhỏ.
Do đâu mà 2 bà goá này được đề cao ? Có phải vì cái mà 2 bà đã cho không ? Hiển nhiên là không, một đồng xu thì có đáng là bao, cũng như một chiếc bánh nhỏ thì có thấm tháp gì ! Nhưng đề cao là vì cái của cho ấy tuy nhỏ mọn mà gói ghép cả tấm lòng người cho : đồng xu của Bà goá bỏ vào thùng tiền Đền thờ là cả một tấm lòng của một bà già nghèo, là cả tài sản của bà ; còn chiếc bánh nhỏ mà bà goá xứ Sarepte cho tiên tri Êlia, là cả một cuộc sống - đúng hơn là cả hai cuộc sống - của 2 mẹ con trong lúc chết đói đến nơi.
Đúng vậy, của cho không bằng tấm lòng người cho, bởi vậy tục ngữ ta có câu "của ít lòng nhiều". Và nếu chúng ta xem kỹ lại bài Sách Thánh thì chúng ta còn thấy tấm lòng của bà goá xứ Sarepta là một tấm lòng dằn co ray rứt vì tiếc rẻ : khi ấy cả xứ đang bị hạn hán, đồ ăn trở thành khan hiếm. Trong hoàn cảnh đó người giàu còn khổ nữa huống chi là người nghèo như bà goá này. Bà chỉ còn có một nhúm bột và chút dầu. Bà đi kiếm một mớ củi định về nhà làm một chiếc bánh nhỏ cho 2 mẹ con bà ăn lần chót rồi sao đó là nằm chờ thần chết dần dần tiến tới. Khi đó tiên tri Êlia đến và xin bà chiếc bánh ấy. Bà thành thật nói : "Đây là chiếc bán cuối cùng". Nhưng sau đó vì biết Êlia là tiên tri của Chúa nên dù rất tiếc Bà cũng đem chiếc bánh cuối cùng ấy ra cho. Thật là một tấm lòng ray rứt dằn co vì tiếc rẻ. Sự tiếc rẻ ấy có làm giảm giá trị của tấm lòng không ? Nếu tiếc mà không cho thì chẳng còn giá trị gì. Nhưng đàng này dù tiếc mà vẫn cho, cho nên sự tiếc rẻ ấy chẳng những không làm giảm giá trị mà còn tăng thêm giá trị của một tấm lòng quảng đại. Cho của mình dư thừa thì chẳng quý gì ; cho cái mình đang cần mới là quý ; và cho cái mình vừa cần vừa tiếc thì là quý nhất.
Chúng ta có thể coi những bài đọc trong Chúa nhật hôm nay là nối tiếp bài Tin Mừng Chúa nhật vừa qua. Tin Mừng Chúa nhật vừa qua dạy rằng Đạo Chúa là đạo yêu thương : thương Chúa trên hết mọi sự và thương người như chính mình. Còn Lời Chúa hôm nay giải thích rõ thêm Thương thì phải làm sao ?
. Thương thì phải cho. Thương ít thì cho ít, thương nhiều thì cho nhiều. Nhưng nhất thiết thương là phải cho, nếu không cho là dấu không thương. 2 bà goá này đã thương nên đã cho, đã cho vì đã thương.
. Nhưng của cho không bằng tấm lòng người cho. Của nhiều mà lòng ít thì không quý cho bằng của ít mà lòng nhiều. Chính vì thế mà tuy
. Bà goá ở Giêrusalem dù chỉ cho có một xu nhưng được Đức Giêsu coi là cho nhiều hơn tất cả những người khác đã bỏ tiền vào thùng hôm đó.
Vì những người kia đã cho cái mà họ dư thừa, còn bà goá này cho tất cả tài sản của bà.
. Và của cho quý nhất là cho chính cái mình đang tha thiết, tiếc rẻ. Như bà goá xứ Sarepta rất tiếc chiếc bánh, vì đó là chiếc bánh cuối cùng của 2 mẹ con bà, nhưng dù vậy bà cũng đem cho.
Đó là nội dung giáo huấn của những bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay. Có cần phải nhắc lại không ? Giáo huấn gồm 3 điểm chính :
. Thương thì phải cho.
. Nhưng của cho không bằng tấm lòng người cho.
. Và cho chính cái mình quý nhất mới là cái cho lớn nhất, giá trị nhất.
Chúng ta nói rằng mình thương Chúa. Nhưng có thương thật hay không ? Hãy xét mình xem ta có cho Chúa gì không ? Mỗi ngày vài phút buổi tối trước khi đi ngủ mà có khi ta cũng không cho. Mỗi tuần chừng một tiếng đồng hồ ngày Chúa Nhật mà có k hi ta cũng không cho hay có cho thì cũng cắt đầu cắt giữa cắt đuôi, nghĩa là đi lễ trễ, chia trí lo ra, về sớm. Thỉnh thoảng Chúa xin ta một chút hay sinh, một chút cố gắng, chúng ta có cho Chúa hay không ? Hay là chúng ta cho Chúa thì ít nhưng xin Chúa thì nhiều, cầu nguyện thì chỉ toàn là xin, xin cho con... xin cho con... Có người xin ơn mà không được Chúa ban thì giận, họ kể lể nào là đã đọc kinh cầu nguyện, nào là đã hy sinh hãm mình thế này thế nọ, vậy mà Chúa không nhậm lời họ cầu xin. Như thế là dựa vào một ít việc lành mình đã cho Chúa để làm áp lực với Chúa, bắt Chúa phải ban ơn trả lại cho mình. Như vậy cũng chưa phải là thương Chúa thật.
Chúng ta nghĩ rằng mình thương người. Nhưng có thương thật hay không ? Thì cũng hãy xét mình xem ta có cho người cái gì không ? Đừng vội tự biện minh rằng tại vì tôi không có nhiều tiền. Một khi đã thương ai thật thì người ta không thiếu gì cái để cho và cũng không thiếu gì cách để cho. Đâu nhất thiết là phải cho tiền mới là thương. Thí dụ như cho cảm nghĩ tốt (thương ai ta sẽ không nghĩ xấu về người đó), thí dụ như cho sự quan tâm (thương ai ta không thể nào lơ là dửng dưng với người đó được), thí dụ như cho sự chăm sóc, giúp đỡ, cho những lời an ủi khuyến khích chân thành, cho lời cầu nguyện v.v.
Người không thương thì chỉ biết nhận mà không biết cho.
 Còn người thương thật thì vừa nhận mà cũng vừa cho, và coi cho là quý hơn nhận.
Chúa dạy chúng ta yêu thương : thương Chúa và thương người, thương bằng cách cho.
* 3. Giá trị của của cho
Giá trị của của cho không phải ở nơi số lượng được cho mà là sự mất mát mà người cho phải chịu.
Chúng ta phải cho cái mà chúng ta quý chuộng. Vì thế không phải chỉ cho cái mà chúng ta có thể sống mà không có nó, mà là cho cái mà chúng ta không thể sống nếu thiếu nó. Cách cho như thế này đòi phải hy sinh, nhưng đó mới thật là cho với cả tấm lòng.
Mẹ Têrexa kể rằng một hôm Mẹ đang đi trên đường phố thì gặp một người ăn xin. Người này nói : "Thưa Mẹ Têrêxa, ai nấy cũng cho Mẹ hết. Hôm nay tôi cũng xin được cho mẹ. Trọn ngày hôm nay tôi chỉ xin được 30 xu. Tôi muốn cho mẹ hết". Mẹ Têrêxa suy nghĩ một lúc : "Nếu tôi lấy 30 xu này thì người ăn xin này sẽ không có gì để ăn đêm nay, nhưng nếu tôi không lấy thì ông sẽ đau lòng. Vì thế tôi đưa tay ra nhận số tiền. Quả thực tôi chưa từng thấy một khuôn mặt nào rạng rỡ niềm vui như gương mặt người ăn xin này khi ông nghĩ rằng anh cũng có cái gì đó cho Mẹ Têrêxa".
Và Mẹ Têrêxa kể tiếp : "Thật là một hy sinh lớn đối với người nghèo này. Ông đã phải ngồi ngoài nắng suốt ngày mới kiếm được 30 xu. 30 xu chẳng là bao và cũng chẳng làm được gì cho đáng. Nhưng khi ông đưa cho tôi và tôi nhận lấy thì nó trở thành hàng ngàn bởi vì nó được cho với biết bao tình. Thiên Chúa không nhìn đến tầm vóc lớn lao của việc ta làm, Ngài nhìn tấm lòng của ta khi làm việc đó."
Báo New York Times vừa đưa tin bà Oseola Mc Carty : Biểu tượng "Lòng Từ Thiện" của nước Mỹ, vừa qua đời ngày 3-10-1999 ở tuổi 91.
Vào một ngày của tháng 7-95, ông hiệu trưởng đại học phía Bắc Missisippi đã vô cùng ngạc nhiên, khi biết có một phụ nữ xa lạ tên Osenola Mc Carty xin được tặng 150.000 đôla làm quỹ học bỗng cho các sinh viên nghèo của trường, mà không cần được ghi danh tưởng niệm hay tuyên bố công khai. Nhà trường còn sững sốt hơn khi biết người phụ nữ ấy làm nghề giặt ủi, và số tiền kia là tiền dành dụm cả một đời người.
Ngay khi biết câu chuyện bà Mc Carty tặng tất cả tiền bạc của mình có làm quỹ học bổng cho trường, ông tỷ phú Ted Turner, trùm ngành kinh doanh cáp truyền hình Mỹ, đã tuyên bố góp thêm một tỷ đôla cho quỹ. Ông nói : "Người phụ nữ nhỏ bé ấy đã dám ban tặng tất cả những gì bà có, thì tôi thấy mình cũng phải đóng góp phần của tôi là một tỷ đôla".
*
Tin mừng hôm nay thuật lại chuyện bà góa nghèo đã bỏ vào thùng tiền đền thờ "tất cả những gì mình có để nuôi sống" (Mc.12,44). "Của ít lòng nhiều". Bà góa này tuy dâng cúng ít tiền nhưng lại hy sinh rất nhiều, và hy sinh quí giá nhất là hy sinh chính mạng sống mình, vì bà đã dâng "tất cả những gì mình có để nuôi sống". Quà tặng đẹp nhất là quà tặng dốc cạn túi. Quà tặng quý giá không phải chỉ ở giá trị món quà, mà còn ở tấm lòng của người tặng quà nữa.
Đức Giêsu đã khen nghĩa cử cao đẹp ấy : "Thầy nói thật với các con : Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết" (Mc.12,43) Cũng vậy, bà Mc Carty chỉ dâng tặng 150.00 đôla không thể so với tỷ phú Ted Turner bỏ ra 1 tỷ đôla, nhưng đó là tất cả kết quả chắt chiu từng đồng suốt một kiếp người. Nghĩa cử cao đẹp ấy đã mở đầu cho gần 300 nhà từ thiện khác tham gia đóng góp cho quỹ học bổng này.
Nếu bà góa nghèo được Chúa khen ngợi, thì bà Mc Carty cũng được chính Tổng Thống Bill Clinton bắt tay thăm hỏi, được vinh dự cầm ngọn đuốc Olympic chạy trên đường băng qua khu vực Mississippi, được trao tặng Huân chương người công dân danh dự Hoa Kỳ, và được cấp bằng tiến sĩ danh dự của đại học Harvard.
Văn hào John Powell viết : "Thiên Chúa sai mỗi người đến thế gian với một sứ điệp đặc biệt để loan báo, với một bài ca đặc biệt để hát lên, với một nghĩa cử yêu thương để ban tặng".
*
Hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta tránh xa thói đạo đức giả của người Biệt phái và Luật sĩ : Lạm dụng việc đạo đức để khoe khoang, mưu cầu hư danh, ham hố chức quyền, trục lợi vật chất. Người muốn chúng ta có ý hướng ngay lành khi làm bất cứ việc gì. Đức Giêsu dạy : "Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh" (Mt.6,3-4).
Người ta chỉ cho đi cái mình có. Nhưng chính vì cho mà người ta mới có, và người ta có chính vì những gì mà họ đã cho. Cha Mark Link viết : "Những điều duy nhất ta còn giữ lại được là những gì ta đã cho đi". Bàn tay tặng hoa hồng vẫn còn vương lại hương thơm.
*
Lạy Chúa, Chúa thấu suốt tận đáy lòng mỗi người chân thực hay giả dối. Chúa khen ngợi bà góa nghèo dâng hiến tất cả những gì mình có.
Xin dạy chúng con biết âm thầm dâng hiến cho tha nhân, đang cần sự trợ giúp quảng đại của chúng con. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")
* 5. Cho mà không mất
Từ câu chuyện bà goá trong bài đọc I, chúng ta có thể rút ra được ý tưởng này : có những thứ có thể cho đi mà không bị mất, ngược lại còn được thêm. Người cho không bị nghèo đi, lại giàu thêm.
Dĩ nhiên đó không phải là những thứ vật chất.
Một thầy giáo cho đi những kiến thức của mình, học trò được giàu thêm kiến thức nhưng kiến thức của ông thầy không hề vơi.
Một người mẹ cho con cái mình tình thương cũng vậy.
Một người vui tính mang niềm vui đến cho người khác cũng thế.
Kiến thức, tình thương, niềm vui, hoà thuận v.v. là những thứ có cho đi cũng không bị mất, trái lại cả người cho và người nhận đều được giàu hơn.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Đức Giêsu là Đấng thấu suốt mọi tâm hồn, Người không bị lừa gạt bởi những vẻ bề ngoài. Chúng ta hãy dâng lên Chúa những ý nguyện của chúng ta :
1. Hội thánh phải nêu gương về lòng mến Chúa yêu người chân thật / Xin cho mọi thành phần trong Hội thánh luôn tránh xa những thói quen giả hình và máy móc / đối với Chúa cũng như đối với mọi người.
2. Trên thế giới còn nhiều nơi không có công lý / hoặc chỉ có công lý giả hiệu bề ngoài / Xin cho các nhà cầm quyền biết tôn trọng sự thật và công lý / để dân chúng được sống an ninh và hòa bình.
3. Chung quanh chúng ta còn nhiều người giàu cũng như người nghèo, đang làm nô lệ tiền bạc, danh vọng và quyền thế / Xin cho họ được ơn khôn ngoan của Chúa để biết sống quảng đại và chia sẻ / theo gương bà góa trong Tin mừng hôm nay.
4. Bà góa trong Tin mừng hôm nay đã nêu gương quảng đại với Chúa / Xin cho anh chị em trong họ đạo chúng ta / dù túng thiếu cũng vẫn rộng rãi với Chúa và với mọi người.
Chủ tế  : Lạy Đức Giêsu, Chúa đánh giá mọi người theo sự thật trong lòng họ chứ không theo hình thức bề ngoài, xin giúp chúng con biết sống thành thật và quảng đại với Chúa cũng như với mọi người, để luôn xứng đáng là môn đệ của Chúa. Chúa là đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh lễ
- Trước kinh Lạy Cha : Khi chúng ta đọc "Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày", chúng ta hãy nhớ đến gương của hai bà goá đã dám cho đi chiếc bánh và những đồng xu cuối cùng của mình. Xin Chúa cũng dạy chúng ta biết phó thác vào Chúa như vậy.
- Sau kinh Lạy Cha : "Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mội sự dữ, đặc biệt xin Chúa cứu chúng con khỏi sự dữ này là coi tiền bạc của cải như chúa tể đời mình…"
VII. Giải tán
Lời Chúa hôm nay nêu gương chia xẻ của hai bà góa nghèo. Khi trở về với cuộc sống bình thường, anh chị em sẽ gặp biết bao người túng thiếu cần được chia xẻ. Anh chị em hãy cố gắng noi gương hai bà góa ấy.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật XXXII Thường Niên (B)
Chúa Nhật, 8 Tháng 11, 2015
Chúa Giêsu, các Kinh Sư và bà góa 
Cách tính toán khác thường trong Nước Thiên Chúa
Mc 12:38-44


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự kiện đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Bài Phúc Âm của Chúa Nhật tuần này trình bày cho chúng ta hai sự kiện đối nghịch nhưng liên hệ với nhau:  một mặt chúng ta có Đức Giêsu đang phê phán các Kinh Sư là những kẻ lợi dụng tôn giáo để khai thác các bà góa nghèo, và mặt khác, chúng ta có ví dụ của bà góa nghèo đã cống hiến vào Đền Thờ tất cả những gì bà có để sinh sống.  Thậm chí những sự thật này còn thích hợp cho đến ngày nay!
b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Mc 12:38-40:  Chúa Giêsu phê phán việc khai thác của các Kinh Sư  
Mc 12:41-42:  Đức Giêsu quan sát dân chúng bỏ tiền dân cúng vào hòm tiền của Đền Thờ
Mc 12:43-44:  Chúa Giêsu cho thấy giá trị hành động của bà góa nghèo

c) Tin Mừng:

38 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: "Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, 39chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. 40 Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà góa: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn."
41 Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. 42 Chợt có một bà góa nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. 43 Người liền gọi các môn đệ và bảo: "Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. 44 Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình".

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

a)  Điểm nào trong bài Tin Mừng này làm bạn hài lòng nhất hoặc chú ý nhất?  Tại sao?
b)  Chúa Giêsu chỉ trích điều gì và khen Luật Sĩ về điều gì?           
c)  Chúng ta tìm thấy trong văn bản những bất công xã hội và tôn giáo nào vào thời bấy giờ?
d)  Làm thế nào mà hai đồng tiền của bà góa lại có giá trị hơn số tiền lớn bỏ vào của người giàu?  Bạn hãy xem xét kỹ văn bản và thấy điều sau đây:  “Tại sao Chúa Giêsu lại khen ngợi bà góa nghèo?” 
e)  Bài Tin Mừng này truyền đạt sứ điệp gì cho chúng ta ngày nay?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề

a)  Bối cảnh xưa và nay:

·      Bối cảnh vào thời Chúa Giêsu.
Đoạn Tin Mừng của Máccô 12:38-44 kể lại phần cuối cùng các hoạt động của Chúa Giêsu ở Giêrusalem (Mc 11:1 đến 12:44).  Đó là những ngày rất căng thẳng, đầy dẫy các cuộc xung đột:  xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ (Mc 11:12-26), và nhiều cuộc thảo luận với các nhà thẩm quyền (Mc 11:27 đến 12:12), với những người Biệt Phái, với nhóm Hêrôđê và Sađốc (Mc 1213-27) và với các luật sĩ (Mc 12:28-37).  Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này (Mc 12:38-44) thuật lại những lời phê phán cuối cùng của Chúa Giêsu liên quan đến cách cư xử xấu xa của các luật sĩ (Mc 12:38-40) và lời khen ngợi cho việc làm tốt lành của bà góa.  Vào gần khi kết thúc các hoạt động của Người tại Giêrusalem, Chúa Giêsu ngồi ở phía trước của hòm tiền nơi mà dân chúng bỏ tiền dâng cúng của họ cho Đền Thờ.  Chúa Giêsu hướng sự chú ý của các môn đệ về hành động của bà góa nghèo và dạy cho các ông về giá trị của sự chia sẻ (Mc 12:41-44).
  
·      Bối cảnh vào thời Máccô.
Trong suốt bốn mươi năm đầu tiên của lịch sử Giáo Hội, từ thập niên 30 đến thập niên 70, các cộng đoàn Kitô hữu, phần đông các giáo hữu là những người nghèo khó (1 Cr 1:26).  Sau đó một số người giàu có hoặc những người có những vấn đề khác nhau gia nhập vào.  Những căng thẳng xã hội đã xuất hiện trong Đế Chế La Mã, cuộc sống trong các cộng đoàn cũng đã bắt đầu cảm thấy như thế.  Ví dụ, những chia rẽ đã trở nên rõ rệt khi cộng đoàn tụ họp nhau để cùng cử hành bữa tiệc của Chúa (1Cr 11:20-22), hoặc khi họ gặp nhau (Gc 2:1-4).  Do đó, việc giảng dạy liên quan đến cử chỉ của bà góa thì rất thực tế đối với họ.  Nó giống như soi vào một tấm gương, bởi vì Chúa Giêsu so sánh hành vi của người giàu với người nghèo.

·      Bối cảnh ngày nay.
Chúa Giêsu khen ngợi bà góa nghèo bởi vì bà có thể san sẻ nhiều hơn những người giàu có đã làm.  Nhiều người nghèo ngày nay cũng làm như vậy.  Người ta nói:  Người nghèo không bao giờ để cho một người nghèo khác chết đói.  Nhưng thỉnh thoảng ngay cả điều này cũng không đúng.  Donna Cicera, một phụ nữ nghèo đã đi từ miền thôn quê lên vùng ngoại ô thành phố thường nói rằng:  “Ở thôn quê, tôi là một người rất nghèo, nhưng tôi luôn có một cái gì đó để chia sẻ với người nghèo khác gõ cửa nhà tôi.  Bây giờ tôi ở trong thành phố, khi tôi trông thấy một người nghèo gõ cửa nhà tôi, tôi xấu hổ chạy trốn vì tôi không có gì để san sẻ!”  Như vậy, một mặt chúng ta thấy những kẻ giàu thì có tất cả mọi thứ, và mặt khác người nghèo khó hầu như không có gì để cho đi, vậy mà lại chia sẻ những của cải ít oi họ có được.        

b)  Lời bình luận về văn bản:


Mc 12:38-40:  Chúa Giêsu chê trách các Luật Sĩ.
Chúa Giêsu tạo sự chú ý của các môn đệ về hành vi đạo đức giả và bóc lột của một số luật sĩ.  “Luật sĩ” hay Kinh sư là những kẻ giảng dạy Lề Luật Thiên Chúa. Nhưng họ đã chỉ giảng dạy bằng lý thuyết, bởi vì đời sống của họ thì cho thấy trái ngược lại.  Họ ưa đi lại ngoài phố phường trong bộ áo thụng, để được người ta bái chào, chiếm những chỗ nhất trong hội đường và nơi đám tiệc.  Nói cách khác, họ mong muốn ra vẻ là những kẻ quan trọng.  Họ dùng kiến thức và nghề nghiệp của mình như là một phương tiện để leo lên những nấc thang xã hội và làm giàu cho bản thân, chứ không phải để phục vụ.  Họ thích đến thăm các bà góa và đọc những câu kinh dài để bòn rút tiền của!  Chúa Giêsu kết luận bằng câu nói:  "Họ sẽ bị kết án nghiêm nhặt hơn là những gì họ nhận được!” 

Mc 12:41-42:  Việc dâng cúng của bà góa.
Chúa Giêsu và các môn đệ đang ngồi đối diện với hòm tiền của Đền Thờ và quan sát người ta bỏ tiền dâng cúng vào hòm.  Người nghèo cho vài đồng xu, người giàu bỏ vào những món tiền lớn.  Hòm tiền đầy lên.  Tất cả mọi người đều dâng cúng ít nhiều để duy trì việc phụng tự, hỗ trợ các tư tế và bảo trì Đền Thờ.  Một số tiền bạc được dùng để giúp đỡ người nghèo, bởi vì vào thời ấy không có chương trình phúc lợi xã hội.  Người nghèo phụ thuộc vào tổ chức từ thiện công cộng.  Người nghèo khốn nhất giữa những người nghèo là các bà góa và trẻ mồ côi.  Họ chẳng có gì. Họ hoàn toàn sống nhờ vào lòng từ tâm của những người khác.  Tuy nhiên, mặc dù không có gì, họ vẫn cố gắng san sẻ với những người khác những gì ít oi mà họ có. Như vậy, một bà góa rất nghèo đã bỏ tiền dâng cúng của mình vào hòm tiền, dù rằng chỉ là một vài đồng xu!  

Mc 12:43-44:  Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta đâu là ý muốn của Thiên Chúa.
Cái nào có giá trị lớn hơn:  vài đồng xu của bà góa hay là ngàn quan tiền của người giàu?  Đối với các môn đệ, ngàn quan tiền của người giàu để làm các việc phúc đức thì có giá trị hơn rất nhiều so với vài đồng xèng của bà góa.  Họ nghĩ rằng các vấn nạn của người ta thì có thể giải quyết được bằng cách dùng rất nhiều tiền. Nhân dịp bánh hóa nhiều, các ông thưa với Chúa Giêsu:  “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?” (Mc 6:37)  Thật thế, đối với những người suy nghĩ theo cách này, hai đồng xu của bà góa thì chẳng dùng vào được việc gì.  Nhưng Chúa Giêsu lại nói rằng:  “Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết trong tất cả những người đã bỏ vào”.  Đức Giêsu có một chuẩn mực khác.  Kêu gọi sự chú ý của các môn đệ đến cử chỉ của bà góa, Người dạy cho các ông và cho rằng chúng ta phải đi tìm sự biểu lộ ý muốn của Thiên Chúa ở nơi đâu, đó là, trong việc san sẻ.  Nếu ngày nay chúng ta chia sẻ của cải mà Thiên Chúa đã ban cho trong vũ trụ cho toàn thể nhân loại, thì sẽ không có sự nghèo khó hoặc đói rách.  Sẽ có đủ cho tất cả mọi người và sẽ còn dư lại cho những người khác. 

c)  Phần phụ chú:  Làm phúc bố thí, chia sẻ, giàu có

Thói quen làm phúc bố thí thì rất quan trọng đối với người Do Thái.  Nó được coi là một “việc làm tốt lành” (Mt 6:1-4), bởi vì lề luật của Cựu Ước nói rằng:  “Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh em:  hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em, trong miền đất của anh em” (Đnl 15:11).  Của làm phúc bố thí thì được bỏ vào trong hòm tiền, cho dù để dùng cho việc phụng tự hay cho việc bảo trì Đền Thờ hoặc cho những kẻ thiếu thốn, trẻ mồ côi và các góa phụ, được coi như là cử chỉ làm đẹp lòng Thiên Chúa. Làm phúc là cách để chia sẻ với những người khác, cách để nhận ra rằng tất cả của cải và quà tặng đều thuộc về Thiên Chúa và chúng ta chỉ là người cai quản những của cải này, để có thể có một sự phong phú trong đời sống này cho tất cả mọi người.    

Từ sách Xuất Hành mà dân Israel đã học được tầm quan trọng của việc bố thí, chia sẻ.  Cuộc hành trình bốn mươi năm trong sa mạc đã cần thiết để vượt qua những mong muốn cho việc tích lũy của cải từ vua Pharaôn của đất Ai Cập và đã được in sâu vào trong tâm trí của dân chúng.  Rất dễ để rời khỏi đất của Pharaôn.  Nhưng người ta khó mà thoát ly được trạng thái tâm lý của Pharaôn.  Mộng tưởng về sự vĩ đại là sai lầm và lừa dối.  Thật là cần thiết phải trải nghiệm qua cơn đói trong sa mạc để hiểu được rằng những gì thật là cần thiết cho cuộc sống đối với tất cả mọi người.  Đây là những gì thực phẩm Manna đã dạy:  “Kẻ có nhiều thì không dư, người có ít thì không thiếu” (Xh 16:18).

Thế nhưng khuynh hướng muốn tích lũy đã có từ lâu đời và rất mạnh mẽ.  Và nó liên tục tái xuất hiện trong trái tim loài người.  Bởi chính vì khuynh hướng muốn tích lũy này mà các đế chế lớn trong lịch sử nhân loại đã được thành hình.  Ước muốn chiếm hữu và tích lũy là trung tâm điểm ý thức của những đế chế và vương quốc này.  Chúa Giêsu cho thấy việc hoán cải cần thiết để được vào Nước Trời.  Người nói với người thanh niên giàu có:  “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo” (Mc 10:21).  Điều kiện này đã được lặp lại trong các sách Tin Mừng khác: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí.  Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén bảng, mối mọt không đục phá” (Lc 12:33-34; Mt 6:9-20).  Rồi Chúa Giêsu còn cho biết thêm lý do cho lời đòi hỏi này:  “Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.”

Thực hành sự chia sẻ, bố thí và đoàn kết là một trong những dấu hiệu Thần Khí của Chúa Giêsu, đã ban cho chúng ta vào ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2:1-13), và Người mong muốn chúng hiện diện trong các cộng đoàn.  Kết quả của sự tuôn tràn của Chúa Thánh Thần chính là điều này:  “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ” (Cv 4:34-35a; 2:44-45).  Những của dâng cúng này nhận được bởi các Tông Đồ đã không được tích lũy mà là “Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu” (Cv 4:35b; 2:45).

Một mặt, việc những người giàu có gia nhập vào các cộng đoàn đã khiến Giáo Hội Kitô giáo có thể mở mang, bởi vì những người này đã cung cấp những điều kiện tốt hơn cho công việc truyền giáo.  Tuy nhiên, về mặt khác, việc tích lũy tài sản đã chắn lối phong trào của tình đoàn kết và của sự san sẻ được linh ứng bởi quyền năng của Chúa Thánh Linh.  Thánh Giacôbê đã muốn giúp những người như vậy hiểu được rằng họ đã đi sai đường:  “Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các người.  Tài sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn” (Gc 5:1-3).  Tất cả chúng ta đều cần phải trở thành những học trò của bà góa nghèo đó là người đã chia sẻ những gì bà có để nuôi sống, như để tìm hiểu đường vào Nước Trời (Mc 12:41-44).

6.  Cầu Nguyện với Thánh Vịnh 62 (61)

Thiên Chúa là dũng lực và là tình yêu 
Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.
Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành lũy chở che: tôi chẳng hề nao núng.
Tới bao giờ các ngươi còn xúm lại
để xông vào quật ngã một người?
Hắn đã như bức tường xiêu đổ,
như hàng rào đến lúc ngả nghiêng.
Con người ấy, chúng chỉ mưu hạ bệ,
chúng thoả lòng vì đã nói dối nói gian.
Miệng thì chúc phúc cầu an,
mà lòng nguyền rủa chứa chan những lời.

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn.
Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành lũy chở che: tôi chẳng hề nao núng.
Nhờ Thiên Chúa, tôi được cứu độ và vinh quang,
Người là núi đá vững vàng,
ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân.
Hỡi dân ta, hãy tin tưởng vào Người luôn mãi,
trước mặt Người, hãy thổ lộ tâm can:
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu.

Kẻ thường dân âu chỉ là hơi thở,
người quyền quý đều ví tựa ảo huyền,
đứng cả lên cân cũng chẳng tày mây khói.
Đừng tin tưởng ở trò áp bức nữa,
chớ hoài công cậy ngón bóc lột người!
Tiền tài dẫu sinh sôi nảy nở,
lòng chẳng nên gắn bó làm chi.
Lạy Thiên Chúa, một lần Ngài phán dạy,
con nghe được hai điều,
rằng: Ngài nắm quyền uy
và giàu lòng nhân hậu;
rằng: Ngài theo tội phúc mà thưởng phạt mỗi người.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để chúng con thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét