20/11/2015
Thứ Sáu
sau Chúa Nhật 33 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Mcb 4, 36-37, 52-59
"Họ làm lễ cung hiến bàn thờ và hân hoan dâng lễ toàn
thiêu".
Trích
sách Macabê quyển thứ nhất.
Trong
những ngày ấy, Giuđa và anh em ông nói rằng: "Quân thù chúng ta đã bị tiêu
diệt, nay chúng ta hãy đi thanh tẩy và cung hiến Ðền thánh lại".
Toàn
thể quân đội được triệu tập, rồi cùng lên núi Sion.
Ngày
hai mươi lăm tháng chín (tức là tháng Kislêu) năm một trăm bốn mươi tám, họ dậy
sớm, dâng lễ tế như Luật dạy trên bàn thờ dùng để dâng lễ toàn thiêu mà họ vừa
mới thiết lập. Bàn thờ đã được cung hiến lại giữa những tiếng ca, tiếng đàn lục
huyền cầm, phong cầm cùng tiếng não bạt, đúng mùa, đúng ngày trước kia dân ngoại
đã xúc phạm đến bàn thờ. Toàn dân sấp mình thờ lạy và ca tụng Ðấng ngự trên trời
đã ban chiến thắng cho họ.
Họ
làm lễ cung hiến bàn thờ suốt tám ngày, hân hoan dâng lễ toàn thiêu, lễ đền tội
và lễ tạ ơn. Họ trang hoàng mặt tiền Ðền thờ với những triều thiên vàng và bảng
chương, sửa lại các cửa ra vào và các phòng, đặt cánh cửa lại. Dân chúng nô nức
vui mừng vì đã rửa sạch được nỗi tủi nhục do dân ngoại gây nên. Giuđa cùng với
anh em ông và cộng đoàn Israel quyết định rằng: Hằng năm, từ ngày hai mươi lăm
tháng Kislêu, lễ cung hiến bàn thờ sẽ được cử hành trong vui mừng hân hoan suốt
tám ngày.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: 1 Sb 29, 10. 11abc. 11d-12a. 12bcd
Ðáp: Lạy Chúa, chúng
con chúc tụng thánh danh vinh hiển của Chúa (c. 13b).
Xướng:
1) Ðavít đã chúc tụng Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng, Người thưa: "Lạy
Chúa là Thiên Chúa Israel cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng từ đời đời tới
muôn muôn thuở". - Ðáp.
2)
Lạy Chúa, cao sang, quyền bính và vinh quang, chiến thắng, lời ca khen đều thuộc
về Chúa, vì tất cả những gì trên trời dưới đất là của Chúa. - Ðáp.
3)
Chúa ngự trên tất cả những đế vương. Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của
Chúa. - Ðáp.
4)
Chúa thống trị trên tất cả mọi loài, sức mạnh quyền bính đều ở trong tay của
Chúa; ở trong tay Chúa, mọi uy phong và vững bền. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 34
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ
luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 19, 45-48
"Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm
cướp".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người
buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: "Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu
nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp". Và hằng ngày Người
giảng dạy trong Ðền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại
Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm
chú nghe Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Nơi Gặp Gỡ Chúa
Ðền thờ Giêrusalem luôn được gắn liền với những thăng trầm của lịch
sử dân Do thái. Ngay từ lúc được vua Salomon xây cất khoảng năm 950 (Trước Công
Nguyên), đền thờ Giêrusalem đối với người Do thái luôn đóng vai trò quan trọng
vừa chính trị, vừa tôn giáo, đây là nơi biểu trưng cho sự thống nhất quốc gia
và là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel. Chính vì thế, sau khi tiến vào
Giêrusalem, Chúa Giêsu vào Ðền Thờ và theo trình thuật Tin Mừng hôm nay, Ngài
thực hiện việc thanh tẩy Ðền thờ, xua đuổi những người lạm dụng Ðền thờ, rồi bắt
đầu giảng dạy ở đó.
Ðền thờ là nơi cầu nguyện, nhưng đã bị trần tục hóa, bị con người
biến thành hang trộm cướp, nơi lường gạt nhau; đây là một sự xuống dốc tinh thần
không thể nào chấp nhận được. Trong biến cố đuổi con buôn ra khỏi Ðền thờ, tác
giả Luca xem ra nhấn mạnh đến khía cạnh Chúa Giêsu hằng ngày đến giảng dạy tại
Ðền thờ và có nhiều người chăm chú lắng nghe Ngài. Như thế, Luca nhấn mạnh đến
dung mạo trung tâm của Chúa Giêsu tại Ðền thờ thay thế các luật sĩ và tư tế;
giai đoạn mới đã đến, đó là giai đoạn mà theo trình thuật Gioan, Chúa Giêsu đã
loan báo cho người phụ nữ Samari nơi bờ giếng Giacob: "Ðã đến lúc những
người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì
Chúa Cha tìm kiếm những kẻ thờ phượng Người như thế". Sự thật đó được mạc
khải nơi Chúa Giêsu, và thần khí đó là thần khí của Chúa Giêsu được ban xuống
tràn đầy cho các môn đệ.
Qua cử chỉ thanh tầy Ðền thờ khỏi sự lạm dụng của những người Do
thái thời đó và hằng ngày giảng dạy tại Ðền thờ, Chúa Giêsu nói lên cho mọi người
biết giai đoạn mới đã bắt đầu: Ðền thờ xét như một tòa nhà, bàn thờ, những lễ vật
có giá trị, nhưng tự chúng chưa đủ, cần phải có một yếu tố quan trọng khác nữa
để hoàn thành việc thờ phượng Thiên Chúa hằng sống, đó là đức tin cá nhân của
người đến Ðền thờ dâng lễ vật và đức tin của cộng đoàn cùng nhau tôn thờ Thiên
Chúa. Nếu đến Ðền thờ mà không có đức tin và không sẵn lòng lắng nghe Lời Chúa,
thì con người sẽ dễ lạm dụng và bị lôi kéo theo sự lạm dụng của người khác.
Những gì xẩy ra cho dân Do thái ngày xưa cũng có thể xẩy đến cho
các môn đệ của Chúa trong hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta có thể tự vấn: Ðền thờ
có là nơi cầu nguyện, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và củng cố đức tin, hay
đã bị lôi cuốn vào cám dỗ của tinh thần thế tục?
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Thứ Sáu Tuần
33 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: I Mac
4:36-37, 52-59; Lk 19:45-48.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thanh tẩy
Đền Thờ
Những cám dỗ của thế gian và sự bận rộn của cuộc sống làm con
người nhiều khi không còn nhận ra được đâu là sự thật, sự thánh thiêng, và ý
nghĩa của cuộc đời. Hậu quả xảy ra là thay vì con người phải chủ động điều khiển
cuộc đời mình, con người lại để cho cuộc đời điều khiển. Ví dụ: để cho giới con
buôn hướng dẫn tòan bộ cuộc đời: mua nhà đắt tiền, xe cộ phải như thế nào mới xứng
đáng, khi đi ăn phải ở nhà hàng nào mới sang trọng, uống rượu phải rượu XO nào
mới sang trọng mà không cần biết chai rượu đó đã trị giá cả ngày lương lao động
của mình. Vì quen xài sang nên phải kiếm ra nhiều tiền để xài, chẳng cần xét
xem cách kiếm tiền có chính đáng hay không? Bác sĩ khám bệnh nhân nghèo qua loa
5-10 phút rồi chém đẹp bằng những giá cả bằng cả tuần lương của họ. Ngày Chủ Nhật
cần để nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa, nhiều người cũng dùng luôn để kiếm tiền
tiêu xài, mà không cần biết đến những thiệt hại cho sức khỏe và cho đời sống tâm
linh của mình.
Các Bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta nhìn sâu vào đền thờ tâm hồn
để nhận ra những bụt thần cần được quét sạch và nhu cầu cần thánh hóa để trở
nên đền thờ cho Thiên Chúa ngự. Trong Bài đọc I, Judah và các anh em con ông
Mattathias kêu gọi dân chúng tiến lên thanh tẩy Đền Thờ khỏi mọi ô uế của Dân
Ngoại đã làm cho nhơ nhớp, để xứng đáng làm nơi ngự trị cho Thiên Chúa. Trong
Phúc Âm, Chúa Giêsu vào Đền Thờ xua đuổi những kẻ đã biến Nhà Cầu Nguyện của
Cha Ngài thành hang trộm cướp.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúng ta hãy lên thanh tẩy và cung hiến Nơi
Thánh.
1.1/ Phải nhận ra sự ô uế và các hậu quả của nó: Trong Bài
Đọc I hôm qua, cha của Judah và các anh em ông là Mattathias đã tức giận vì các
quan chức đã dâng lễ tế thần và cúng thịt heo trên bàn thờ dùng để dâng lễ vật
cho Thiên Chúa. Ông đã không cầm được lòng nhiệt thành khi thấy một người
Do-thái tiến lên dâng hương cho các thần, nên đã giết anh ta cùng viên quan chức,
sau đó đã đưa gia đình và các người nhiệt thành vào sống trong sa mạc để chuẩn
bị kháng chiến.
Sau một thời gian, lực lượng của ông đủ mạnh, và với sự phù trợ
của Thiên Chúa, ông và các con đã chiến thắng quân đội của vua Antiochus. Ông
đã qua đời và trao lực lượng quân đội vào tay Judah và các anh em của ông. Khi
đã giải phóng Jerusalem, điều đầu tiên Judah và các anh muốn làm là tổ chức
thanh tẩy Đền Thờ, nơi đã bị các Dân Ngoại làm cho ra ô uế: "Này, kẻ thù của
chúng ta đã bị đập tan, chúng ta hãy lên thanh tẩy và cung hiến Nơi
Thánh." Tất cả đoàn quân tập hợp lại và lên núi Sion. Họ cử hành lễ cung
hiến bàn thờ trong tám ngày liên tục, hoan hỷ dâng lễ toàn thiêu, hy lễ hiệp
thông và tạ ơn. Họ lấy các triều thiên bằng vàng và những tấm biển mà trang trí
mặt tiền Đền Thờ, đồng thời cũng sửa sang các lối ra vào, các phòng ốc và làm lại
các cửa phòng.
1.2/ Phải thường xuyên thanh tẩy và thánh hóa Đền Thờ: Dân chúng
vui mừng không kể xiết và quên hẳn nỗi nhục nhằn dân ngoại đã gây ra. Ông Judah
cùng với anh em và toàn thể đại hội Israel quyết định là hằng năm, trong thời
gian tám ngày từ hai mươi lăm tháng Chislev, phải cử hành lễ cung hiến bàn thờ
thật tưng bừng rộn rã. Đây là nguồn gốc của ngày lễ Hannukah, mà người Do-thái
vẫn cử hành vào tháng 12 mỗi năm.
Điều này phải làm cho các đền thờ dành cho việc thờ phượng Thiên
Chúa, nhưng còn cần hơn nữa cho việc thanh tẩy đền thờ trong tâm hồn mỗi người.
Lý do Thiên Chúa là Đấng rất thánh thiện: nơi nào Ngài hiện diện là không có sự
hiện diện của ma quỉ và sự phá hoại của chúng; ngược lại, nơi nào không có sự
hiện diện của Thiên Chúa, ma quỉ sẽ tác oai tác quái, và bắt con người làm nô lệ
cho chúng.
2/ Phúc Âm: Thanh tẩy Đền Thờ
2.1/ Đừng biến Đền Thờ thành sào huyệt của bọn cướp: Đền Thờ là
Nhà Cầu Nguyện. Các thượng tế và tư tế là những người chịu trách nhiệm gìn giữ
vẻ thánh thiêng cho Đền Thờ, nhưng họ đã để lợi lộc vật chất lên trên việc thờ
phượng Chúa. Họ lợi dụng Đền Thờ để làm giầu, lợi dụng lòng tin để cướp của dân
chúng. Có 2 cách họ có thể lợi dụng để kiếm lời:
(1) Đổi tiền: Jerusalem là nơi giao lưu của nhiều quốc gia: Do
Thái, Hy-Lạp, Rôma, Syria. Họ lập những quầy đổi tiền và tính phân lời trên số
tiền muốn đổi. Những quầy đổi tiền như thế vẫn còn gặp thấy nhiều trong Thành
Jerusalem ngày nay.
(2) Bán những vật hy sinh: Bất cứ người Do-Thái nào vào Đền Thờ
cũng phải dâng lễ vật hy sinh để đền tội. Họ có thể mua những con vật bên ngòai
với giá rẻ hơn nhiều; nhưng họ phải qua sự kiểm sóat của các tư tế, để những
người này xác nhận nếu vật hy sinh hội đủ điều kiện như Luật qui định. Để chắc
chắn có vật hy sinh hội đủ điều kiện, đa số dân chúng phải bấm bụng mua những
con vật này bên trong Thành (của các tư tế hay người nhà của họ) với giá cắt cổ.
Lý do chính Chúa Giêsu tức giận vì họ đã lợi dụng tôn giáo để bắt
chẹt dân nghèo, nên Ngài vào Đền Thờ, bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và
nói với họ: "Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là Nhà Cầu Nguyện, thế mà các
ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!"
2.2/ Sự cay đắng của Lời Chúa: Chúa Giêsu rất can đảm khi làm
công việc này vì nó động đến quyền lợi của các nhà lãnh đạo. Vì không muốn mất
uy quyền, danh vọng, và lợi lộc vật chất; các thượng-tế, kinh-sư, và các nhà
lãnh đạo đã quay lưng với sự thật, và họ tìm cách giết Người.
- Đền Thờ được nói tới đây không chỉ thuần túy là Đền Thờ tại
Jerusalem, nhưng được mở rộng tới tất cả Đền Thờ tại các nơi trên thế giới, tới
cả Đền Thờ của gia đình và của mỗi cá nhân, vì như lời Thánh Phaolô, “thân xác
anh em là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.”
- Thanh tẩy Đền Thờ có nghĩa trả lại vị thế ưu việt cho Thiên
Chúa trong Đền Thờ: đừng để bất cứ một người nào hay một điều gì lên trên Ngài,
vì con người phải kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Thanh tẩy Đền Thờ cũng
có nghĩa là sống công bằng bác ái với tha nhân, đừng lợi dụng bất cứ lý do gì để
bóc lột và làm giầu trên mồ hôi nước mắt của tha nhân.
- Cách thanh tẩy Đền Thờ hữu hiệu nhất là hãy trực diện với Lời
Chúa, hay như các thượng-tế và kinh-sư trước những Lời của Chúa Giêsu thách thức
họ trong Phúc Âm. Mặc dầu cay đắng vì “sự thật luôn mất lòng;” nhưng đồng thời
chỉ có “sự thật mới giải thóat.” Như trình thuật hôm nay kể: “Vẫn còn những người
nhìn ra sự thật. Tòan dân say mê nghe Người.”
- Từ chối không chịu để cho Lời Chúa thanh tẩy, hay tệ hại hơn
như các thượng-tế và kinh-sư hôm nay muốn bóp nghẹt hay tìm cách tiêu diệt sự
thật là khai tử chính mình; là muốn sống theo sự giả trá và ở trong bóng tối của
thế gian. Một đền thờ như thế, như lời Chúa nói từ đầu, không còn là Đền Thờ của
Thiên Chúa, nhưng là một sào huyệt của bọn cướp.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần phải thường xuyên thanh tẩy tâm hồn để luôn xứng
đáng là Đền Thờ cho Thiên Chúa ngự. Chúng ta cần xét lại những động lực thúc đẩy
chúng ta làm việc thờ phượng: Có phải vì lòng kính mến Chúa hay vì danh dự, uy
quyền, và các mối lợi vật chất?
- Lời Chúa là khí cụ tốt nhất cho việc thanh tẩy tâm hồn. Đọc và
suy gẫm Lời Chúa đêm ngày sẽ soi sáng trí lòng chúng ta để nhận ra những bụt thần
và tội lỗi trong tâm hồn trước khi có thể thanh tẩy chúng.
- Chúng ta phải chấp nhận sự cay đắng của Lời Chúa mới có thể
thanh tẩy tâm hồn được. Quay lưng lại Lời Chúa hay tìm cách bóp nghẹt Sự Thật
là làm cho Đền Thờ trở thành nơi ở của Satan và tội lỗi.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
20/11/15 THỨ SÁU TUẦN
33 TN
Lc 19,45-48
Lc 19,45-48
Suy niệm: Nhiều
người xưa nay vẫn nghĩ rằng họ có thể mua chuộc Thiên Chúa bằng những lễ vật,
họ xin lễ, dâng cúng để xin ơn này ơn khác, tệ hơn nữa; có những người không
ngần ngại dùng tiền bạc bất chính như giá mặc cả với Thiên Chúa. Thái độ của
Chúa Giê-su hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa mong ước điều gì nơi những kẻ
muốn đến với Người. Thiên Chúa là Cha, điều Người mong ước nơi chúng ta là mối
tình con thảo. Mà tình yêu thì không có tính toán, mặc cả. Đối với Thiên Chúa,
chỉ có một lễ vật đẹp lòng Người, đó là tình yêu.
Mời Bạn: Bạn
hãy cố gắng sao cho cộng đoàn giáo xứ của bạn khi tụ họp để tôn thờ Thiên Chúa,
chỉ có một thao thức là phục vụ Thiên Chúa và con người, một ước muốn chia sẻ
cho nhau niêm vui của Thiên Chúa, và một công việc là học biết chia sẻ theo
gương Đức Giê-su.
Chia sẻ: Bạn
có nghĩ rằng thánh đuờng là nơi gặp gỡ, trao đổi tình yêu giữa Thiên Chúa và
con người, và giữa con người với nhau không?
Sống Lời Chúa: Bạn
hãy cố gắng giữ tâm hồn khỏi mọi thứ tham lam, ích kỷ, để xứng đáng là đền thờ
của Chúa Ba Ngôi.
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Cha muốn quy tụ chúng con trong
nhà của Cha để hưởng niềm vui được sống trong sự bao bọc yêu thương của Cha, và
trong tình anh em con cùng một Cha, xin Cha giúp mỗi người chúng con hiểu thấu
bài học Cha muốn dạy chúng con hôm nay.
Nhà cầu nguyện
Đời người Kitô hữu gắn liền với nhiều đền thờ.
Chính bản thân tôi, thân xác tôi, tâm hồn tôi cũng là đền thờ. Nơi nào có Chúa
hiện diện, nơi ấy là đền thờ.
Suy niệm:
“Đức Giêsu vào Đền thờ”
(c. 45),
ngay sau khi Ngài vẻ vang
tiến vào thành phố Giêrusalem.
Ngài vào Nhà của Cha Ngài,
nơi Ngài đã được tiến dâng (Lc 2, 22),
nơi Ngài đã muốn ở lại năm
mười hai tuổi (Lc 2, 49).
Ngài đã lên Đền thờ nhiều
lần trong đời, nhưng đây là lần cuối.
Lên Đền thờ lần cuối là một
quyết định sinh tử (Lc 9, 51),
vì Ngài biết những gì đang
chờ đợi mình ở đây (Lc 13, 33).
“Ngài bắt đầu đuổi những
kẻ đang buôn bán ở đó.”
Người ta bán những con vật,
để người mua dâng cúng cho Đền thờ.
Nơi buôn bán này ở chung
quanh Đền thờ,
tuy vẫn nằm trong khu vực
Đền thờ, nơi Dân Ngoại được phép lui tới.
Dĩ nhiên việc buôn bán ở đây
là có phép của ban an ninh Đền thờ,
nên chúng ta không hiểu tại
sao Đức Giêsu lại muốn đuổi họ.
Hiếm khi chúng ta thấy Đức
Giêsu nổi giận hay dùng sức mạnh.
Còn ở đây Ngài mạnh mẽ cả
trong hành động lẫn lời nói.
“Nhà Ta sẽ là nhà cầu
nguyện,
thế mà các ngươi đã biến nó
thành hang trộm cướp” (c. 46).
Đức Giêsu đã vào thành
Giêrusalem như một vị vua khiêm hạ.
Còn bây giờ Ngài đuổi những
người buôn bán như một ngôn sứ.
Vị ngôn sứ giận dữ vì thấy
nhà cầu nguyện trở thành nơi kinh doanh.
Đức Giêsu đã muốn làm cho
Đền thờ được sạch khỏi chuyện bán buôn,
dù chuyện này cũng nhắm phục
vụ cho việc tế tự.
Sau khi thanh tẩy Đền thờ,
Ngài đã chọn nơi thánh này
làm nơi Ngài tập trung dạy
dỗ từng ngày cho đến lễ Vượt Qua (c. 47).
Ngài đã sống những ngày cuối
đời như một vị Thầy dạy.
Lời giáo huấn của Đức Giêsu
đã gây ra những phản ứng ngược nhau.
Dân chúng thì say sưa với
những lời Ngài dạy (c. 48),
còn giới lãnh đạo tôn giáo ở
Đền thờ lại tìm cách giết Ngài (c. 47).
Phải chăng họ khó chịu với
việc Đức Giêsu được dân chúng tung hô,
hay bực bội về việc Ngài như
có quyền đuổi những người buôn bán,
hay ghen tương với việc dân
chúng mê mải nghe Ngài?
Đời người Kitô hữu gắn liền
với nhiều đền thờ.
Có những đền thờ, nhà thờ
bằng gỗ đá, được cung hiến.
Có những đền thờ thiêng
liêng như Hội Thánh, như các tín hữu.
Chính bản thân tôi, thân xác
tôi, tâm hồn tôi cũng là đền thờ.
Nơi nào có Chúa hiện diện,
nơi ấy là đền thờ.
Cần bỏ dép ở ngoài trước khi
bước vào ngôi đền thờ là trái tim tha nhân.
Cần năng thanh tẩy lại đền
thờ tâm hồn mình bằng bí tích Hòa Giải.
Chúng ta thường thiếu sự
giận dữ của Đức Giêsu
khi đứng trước những đền thờ
là tâm hồn của những người trẻ bị ô uế.
Chúng ta dửng dưng khi Chúa
bị trục xuất ra khỏi đền thờ lòng mình,
để thay vào đó là những thần
tượng vô hồn, rẻ tiền và câm lặng.
Xin Giêsu giúp ta quét dọn
các rác rưởi nơi đền thờ của trí tuệ,
để lời Chúa làm chúng ta say
mê lắng nghe và thực hành.
Cầu nguyện:
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ tâm hồn con thanh
khiết.
Giữa một thế giới đầy hình
ảnh vẩn đục,
xin gìn giữ mắt con.
Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc,
xin dạy con biết trân trọng thân xác.
Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục,
xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.
Xin nâng con lên cao
vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt,
để biết tự hiến trong yêu thương.
Xin đừng để con phung phí sức lực
vào những chuyện tình cảm chóng qua,
nhưng giúp con tự rèn luyện mình
để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi.
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ thân xác con thanh
khiết.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên
20
THÁNG MƯỜI MỘT
Một
Nhãn Giới Mới Về Đời Sống Gia Đình
“Tình
yêu vợ chồng đích thực được đưa vào trong tình yêu thần linh, được hướng dẫn và
làm cho phong phú bởi quyền năng cứu chuộc của Đức Kitô và bởi đời sống của
Giáo Hội, nhờ đó đôi vợ chồng có thể được dẫn dắt đến với Thiên Chúa, được giúp
đỡ và được củng cố để thi hành sứ mạng cao cả của mình trong tư cách là cha là
mẹ” (MV 48).
Cần
phải xem xét gia đình trong một bối cảnh rộng lớn hơn, trong bối cảnh văn hóa
và lịch sử trong đó gia đình sống và làm việc. Như tôi đã đề cập trong Tông Huấn
Familiaris consortio, “chúng ta đang sống trong một giai đoạn lịch sử trong đó
gia đình là đối tượng của vô số áp lực có chiều hướng hủy hoại gia đình hay làm
méo mó nó” (FC 3).
Gia
đình đã bị tấn công bởi hàng lố những thay đổi về kinh tế và xã hội – những
thay đổi ảnh hưởng đến chính cấu trúc của đời sống gia đình. Giáo Hội không thể
dừng lại chỉ ở việc báo động về những thay đổi này. Không, Giáo Hội phải thâm
nhập, giúp chuyển hóa và củng cố gia đình. Các Kitôhữu phải trở thành sự hướng
dẫn lương tâm rất quan trọng trong tình hình mới này. Họ phải là những kiến
trúc sư phác họa một viễn tượng mới cho đời sống gia đình. Điều này bao hàm sự
biện biệt theo tinh thần Phúc Âm. Nghĩa là, chúng ta phải đọc và hiểu thực tại
đời sống gia đình trong ánh sáng của Đức Kitô, “vị Hôn Phu yêu thương và hiến
mình làm Đấng Cứu Độ cho loài người, kết hiệp loài người với chính Ngài như là
Thân Thể của Ngài” (FC 13).
Chỉ
trong ánh sáng Tin Mừng Đức Kitô chúng ta mới có thể biết cách đúng đắn nhằm điều
chỉnh cách nghĩ và cách sống sao cho nêu bật được kế hoạch của Thiên Chúa về
người nam và người nữ. Tính gay go của vấn đề nằm ở chỗ sự khủng hoảng gia đình
phát xuất từ sự tách ly giữa Tin Mừng và văn hóa. Chúng ta phải xây dựng lại một
nền văn hóa Kitô giáo đích thực có sức phản ảnh các giá trị của Tin Mừng.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong
Gia Đình
NGÀY
20-11
1Mcb
4, 36-37.52-59; Lc 19, 45-48.
LỜI
SUY NIỆM: “Đã có lời chép rằng: Nhà Cha ta, sẽ là nhà
cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp.”
Chúa
Giêsu đang thương tiếc thành Giêrusalem, và khi Người vào trong Đền Thờ, Người
thấy mọi sự ngổn ngang, Người đã nổi cơn thịnh nộ. Điều này làm cho mỗi người
trong chúng ta phải tự xét mình lại: Thân xác và linh hồn của mình có còn là Đền
Thờ của Thiên Chúa ngự hay không? Hay đã chất chứa quá nhiều sự tham lam của cải
thế gian, lòng đầy những mưu mô quỉ quyệt gian ác để kiếm được nhiều tiền và
toan chiếm địa vị, chức quyền trên người khác. Nhưng phải nhớ lại lời căn dặn của
Giáo Hội khi chịu phép Rửa: “Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa
KiTô. – Chiếc áo trắng này là dấu chỉ tước vị của con; con hãy mang lấy nó tinh
tuyền mãi cho đến cõi trường sinh.”. Để chúng ta thoát khỏi cơn thịnh nộ của
Chúa.
Lạy
Chúa Giêsu. Trong những ngày cuối năm phụng vụ. Giáo Hội đòi hỏi mỗi người tín
hữu chúng con, phải tự xét mình lại. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia
đình chúng con, thấy được những sự ngổn ngang trong đời sống của mình, biết tẩy
rửa và sắp xếp lại, để sống đúng với tước hiệu chúng con đang mang trên mình.
Mạnh
Phương
20
Tháng Mười Một
Con Lừa Của Chúa
Thánh
Gioan Maria Vianney, lúc còn là một chủng sinh, học hành rất chậm chạp, tưởng
chừng như ngài không còn đủ khả năng để tiến tới chức linh mục. Ngày kia, thừa
lệnh giám mục giáo phận, một vị giáo sư thần học đã đến khảo sát Vianney.
Vianney đã không trả lời được câu hỏi nào... Không giữ được bình tĩnh, vị gióa
sư đã đập bàn quát lớn: "Vianney, anh dốt như lừa! Với một con lừa như
anh, Giáo Hội sẽ làm được gì?".
Vianney
khiêm tốn, bình tĩnh trả lời: "Thưa thầy, ngày xưa, Samson chỉ dùng một
cái xương hàm của một con lừa để đánh bại được 3 ngàn quân Philitinh. Vậy, với
cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm gì được sao?".
Thiên
Chúa tự do chọn lựa mỗi người vào chương tình của Người. Người chọn chúng ta
không vì tài năng, đức độ của chúng ta. Người quyền năng đến độ có thể biến sự
dốt nát, tầm thường của chúng ta thành những giá trị siêu phàm.
Ðiều
quan trọng chính là sự đáp trả quảng đại của chúng ta đối với chương trình của
Người. Thiên Chúa luôn làm được phép lạ, nếu con người biết cộng tác với Người,
ngay cả bằng chính sự dốt nát, vô dụng của mình.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét