Vì
Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Tôi Đành Mất Hết Để Được Kết Hiệp Với Người!
Ông
bà Andor và Maria Hertelendy tuổi ngoài bát tuần người Hung-gia-lợi và hơn 50
năm nay sống tại Duebendorf thuộc bang Zurich bên nước Thụy Sỹ. Ông bà đến đây
theo diện tỵ nạn cộng sản. Vì vào thời kỳ ấy Hung-gia-lợi sống dưới chế độ cộng
sản vô thần. Trước tiên xin nhường lời cho ông Andor gợi lại chặng đường khó
khăn đã trải qua.
Đối
với tôi thật không dễ chút nào khi phải nói về tuổi trẻ đã sống dưới ách cộng sản.
Sau bậc trung học tôi ghi danh vào trường bách khoa tại thủ đô Budapest. Trong
khoảng từ năm 1946 đến năm 1948 chúng tôi còn có thể tìm ra một chỗ trọ nơi Cư
Xá dành cho Sinh Viên Công Giáo. Nhưng sau đó thì vấn đề nhiêu khê xuất hiện.
Vài người trong chúng tôi bị bắt vì bị cáo buộc âm mưu chống đối nhà nước. Họ bị
tống giam nơi nhiều trại tù khác nhau và không hề được đưa ra xét xử. Hai năm
sau đến phiên tôi cũng bị bắt cùng với khoảng 1200 người khác, phần đông là tù
nhân chính trị. Chúng tôi hoàn toàn bị tách biệt với thế giới bên ngoài. Các
hàng rào kẽm gai bao quanh cùng với những tháp canh khiến cho mọi ước muốn trốn
thoát trại tù của chúng tôi bị tiêu tan. Các lính canh thường đánh đập chúng
tôi cách hết sức tàn nhẫn. Từ sáng sớm tinh sương chúng tôi đã phải ra đi lao động
và chỉ trở về các lều giam khi trời đã tối sẫm. Làm việc rất nhiều nhưng ăn uống
thì rất ít.
Khi
ấy tôi còn khá trẻ. Lúc bị bắt tôi mới 21 tuổi và khi được thả ra tôi 26 tuổi.
Vốn bản tính lạc quan tôi luôn luôn nuôi hy vọng mình sẽ ra khỏi trại tù mà vẫn
còn sống. Chính niềm hy vọng ấy đã giúp tôi sống sót. Những ai không có hy vọng
đã tự tử.
Một
lần bị bệnh tôi đã phải xếp hàng lâu giờ dưới trời lạnh cóng để đợi đến phiên
được bác sĩ khám. Hy vọng được nghỉ vài ngày khỏi đi lao động hết sức mỏng
manh. Đang lúc chờ đợi, tôi nhìn quanh quất tìm kiếm một lối ra nhưng tuyệt
nhiên không thấy. Tôi thật sự rơi vào tuyệt vọng. Lạ lùng thay vào chính lúc ấy
lại xuất hiện một tư tưởng không ngờ:
-
Các người cai tù có thể bó buộc tôi phải làm việc cho đến kiệt lực. Nhưng điều
gì thật sự họ có thể làm cho tôi??? Họ có thể giết chết thân xác tôi nhưng
không thể giết chết linh hồn tôi!!! Linh hồn tôi thuộc về THIÊN CHÚA và chỉ duy
nhất THIÊN CHÚA là Đấng uy lực hơn tất cả mọi sự dữ đang vây bọc chung quanh
tôi.
Trong
bối cảnh đau thương vô nhân đạo ấy tôi bỗng cảm thấy mình hoàn toàn tự do. Tôi
không cô đơn. THIÊN CHÚA đang ở với tôi. Chính xác tín này đã giúp tôi sống
sót, mặc cho bao nhiêu tàn bạo kinh khiếp hãi hùng của trại giam.
Tôi
đặc biệt nhớ đến một biến cố xảy ra vào dịp Lễ Giáng Sinh. Cứ mỗi lần Giáng
Sinh đến, các nhân viên canh tù cư xử hung dữ hơn ngày thường, có lẽ do lệnh của
cấp trên. Cộng sản và vô thần, nhà nước muốn xóa bỏ và dẹp tan mọi sinh hoạt
mang màu sắc cùng tâm tình tôn giáo. Một buổi tối, hai lính canh bất ngờ xuất
hiện nơi lều giam của chúng tôi gồm khoảng 120 tù nhân. Sau khi vừa xông xáo lục
lọi mọi xó xỉnh vừa nhiếc mắng chửi rủa thậm tệ chúng tôi như loài cầm thú, một
trong hai lính canh hất hàm hỏi:
-
Ai trong các người, cầu nguyện ban tối?
Nhiều
tù nhân giơ tay lên. Người lính canh đưa tay chỉ một tù nhân và ra lệnh:
-
Đến đây và cầu nguyện thử coi!
Người
tù anh dũng tiến lên, quỳ gối xuống, nghiêm trang giơ tay làm dấu Thánh Giá rồi
sốt sắng đọc chậm rãi rõ ràng trọn Kinh Lạy Cha.
Trong
lều giam mọi người như nín thở. Một bầu khí thinh lặng tuyệt đối đang bao trùm
không gian. Sau khoảnh khắc tưởng chừng như bất tận ấy, hai lính canh đột ngột
rời chúng tôi, bước ra khỏi lều giam. Rồi chúng tôi nghe tiếng lách-cách của
chiếc chìa khóa chạm vào ổ khóa. Có lẽ kỷ niệm về Kinh Lạy Cha từng đọc chung với
thân mẫu ở gia đình trong thời thơ ấu đã khiến cả hai người lính canh tù cảm thấy
hổ thẹn với lương tâm, với chính mình chăng?!
Biến
cố hy hữu trên đây đã trao cho nhóm tù nhân Công Giáo chúng tôi một sức mạnh vô
bờ. THIÊN CHÚA không bỏ rơi chúng tôi trong cơn khốn cùng. Chính Ngài luôn luôn
hiện diện cùng chúng tôi và ở giữa chúng tôi.
Sau
ngày 5-3-1953 - ngày tử của ông Joseph Staline (1879-1953) - tôi được phóng
thích. Nếu không, hẳn tôi đã chết rồi. Bởi vì mùa đông năm ấy trời lạnh thật khủng
khiếp. Nhóm tù nhân chúng tôi khó lòng sống sót.
Tiếp
lời chồng, bà Maria nói. Chúng tôi thành hôn năm 1955. Năm ấy tôi 21 tuổi còn
anh Andor 28 tuổi. Tôi bị lôi cuốn bởi tính khí lạc quan của anh. Mặc cho bao
kinh nghiệm sống khổ-cực cay-đắng tôi không bao giờ thấy anh tỏ ra chua-chát, hận
đời hay thù người! Không! Không bao giờ!
Với
cuộc cách mạng năm 1956 Hung-gia-lợi có rất nhiều người chết và bị thương. Do mật
báo chúng tôi biết công an chìm của Nga đang lùng bắt anh Andor. Do đó việc ở lại
thủ đô Budapest trở thành nguy hiểm. Lúc ấy tôi có một người anh họ đang sống tại
Thụy Sỹ. Chính anh lo liệu mọi sự và xin được tòa lãnh sự cấp cho chúng tôi chiếu
khán nhập cảnh.
Việc
rời khỏi Hung-gia-lợi thân yêu thật đau khổ đối với chúng tôi. Chúng tôi bỏ lại
quê hương Cha Mẹ già. Tôi còn nhớ vào ngày ra đi, điện thoại trong nhà reo
vang. Anh Andor bảo tôi đừng trả lời, nếu không chúng tôi sẽ không có can đảm
ra đi.
Chúng
tôi chỉ mang theo duy nhất Cuốn Phúc Âm Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Cả hai vợ chồng đều
kín múc sức mạnh từ Cuốn Phúc Âm để đương đầu với tương lai. Kinh nghiệm sống
đã nối kết chúng tôi vô cùng chặt chẽ. Riêng đối với tôi thật là món quà lớn,
khi một ngày, vào một lúc bất ngờ nhất, anh Andor cảm động nói với tôi:
-
Em làm cho anh được hạnh phúc!
Đó
cũng chính là điều tôi cầu xin cùng THIÊN CHÚA ngày chúng tôi ký giao ước trở
thành vợ chồng nơi bàn thờ khi lãnh bí tích Hôn Phối!
...
”Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Chúa KITÔ, tôi cho là thiệt
thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức KITÔ GIÊSU, Chúa của tôi. Vì
Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Chúa GIÊSU KITÔ
và được kết hiệp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi,
nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Chúa KITÔ, tức là sự công chính do
THIÊN CHÚA ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức Chúa KITÔ, nhất
là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những
đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong Cái Chết của Người,
với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết. Nói thế, không phải
là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới,
mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Chúa GIÊSU KITÔ chiếm đoạt” (Philipphê 3,7-12).
(”Città
Nuova”, Anno LVIII, n.3, 10 Febbraio 2014, trang 38-39)
Sr.
Jean Berchmans Minh Nguyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét