05/06/2016
Chúa Nhật tuần 10 thường niên năm C
(phần II)
Phụng
vụ Lời Chúa: Chúa Nhật X Thường Niên - Năm C
CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN NĂM
C
(1V 17,17-24; Gl 1,11-19; Lc 7,11-17)
(1V 17,17-24; Gl 1,11-19; Lc 7,11-17)
CHỦ ĐỀ:
THIÊN CHÚA
- ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT -
THIÊN CHÚA
- ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT -
“Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương”
(Lc 7,13)
(Lc 7,13)
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay làm nổi bật lòng thương xót của Thiên Chúa nhiều lần nhiều cách, qua các trung
gian khác nhau.
Qua trung gian của Ngôn Sứ Êlia, Thiên Chúa đã thể hiện tình thương đến với bà góa nghèo ở Sarépta khi bà đau khổ trước cái chết của đứa con
trai. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương khi nhìn thấy sự đau khổ của con người và thực hiện phép lạ cứu sống đứa con trai
của bà góa thành Nain. Thánh Phaolô cũng cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa trong cuộc sống và ơn gọi Tông Đồ của mình.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. BÀI ĐỌC I (1V 17,17-24)
Trong thời gian xảy ra hạn hán ở Israel, Thiên Chúa sai Ngôn Sứ Êlia đến Sarépta, thuộc Siđôn, vùng đất của dân ngoại để ra tay giúp bà góa nghèo. Bà có một đứa con trai
đang bị bệnh nặng. Bà đã thốt lên lời than trách như bao người khác khi đứng trước đau khổ: Tại sao Thiên Chúa đánh phạt tôi? Tôi đã làm điều gì sai phạm? Tại sao lại xảy đến cho tôi những điều tai ương? Bà góa này đã chất vấn rồi suy tư phản tỉnh và cuối cùng nhận ra rằng những gì bà đang gặp hiện nay là do tội lỗi mà bà đã mắc phạm thời xuân xanh. Bà đã xác quyết rằng chính sự hiện diện của Ngôn Sứ đã dẫn đến cái chết cho con trai của bà; chính sự thánh thiện của Ngôn Sứ đã nhắc nhở Thiên Chúa về những lỗi lầm của bà trong quá khứ, do đó đã dẫn tới hậu quả này: “Hỡi người của Thiên Chúa, việc gì đến ông mà ông tới nhà tôi để nhắc lại tội tôi và làm cho con tôi phải chết?”. Tuy nhiên, bà đã nhận ra mình có trách nhiệm đối với cái chết của con mình. Êlia đã không trả lời vấn nạn của bà góa. Ông ẵm đứa trẻ lên phòng và cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa. Người đã lắng nghe lời cầu xin của Ngôn Sứ khi cho đứa bé sống lại. Qua phép lạ này, Thiên Chúa đã bày tỏ lòng thương xót của Người đối với những người bất hạnh, nhất là đối những người bị người đời khinh chê. Đồng thời cũng qua phép lạ này, bà góa đã nhận ra quyền năng của Thiên Chúa hoạt động nơi sứ vụ của ngôn sứ Êlia: “Vâng, bây giờ tôi biết ông là người của Thiên Chúa và lời Đức Chúa do miệng ông nói ra là đúng”.
2. BÀI ĐỌC II (Gl 1,11-19)
Thánh
Phaolô trình bày cho các tín hữu ở Galát ơn gọi Tông Đồ của mình. Ngài cảm nghiệm rằng sứ vụ của mình xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho ngài từ rất xa xưa: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người”. Dù người đã “quá hăng say bắt bớ, và muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa”, thế nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa đã vượt thắng qúa khứ của Phaolô, để kêu gọi ngài làm tông đồ của Đức Giêsu Kitô phục sinh. Qua biến cố ngã ngựa, Phaolô đã được Thiên Chúa mặc khải để ngài tin vào Đức Giêsu Kitô, khiến thánh nhân dấn thân cách quyết liệt cho sứ vụ loan báo Tin Mừng: “Người đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại”. Lòng thương xót của Thiên Chúa đã biến đổi tận căn một con người: từ một người Dothái nhiệt thành, một người bắt bớ và gây sợ hãi cho các Kitô hữu tiên khởi, Phaolô đã trở thành một Tông Đồ nhiệt thành loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.
3. BÀI TIN MỪNG (Lc 7,11-17)
Trong khi
đi rao giảng, Đức Giêsu đã đi tới thành Nain, một thành ở Galilê. Khi đến gần cổng thành, Người thấy một đám đông đang khiêng một người chết đi chôn. Người này là đứa con trai
duy nhất của một bà góa. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương và Người đã thực hiện phép lạ làm cho đứa con trai
được hồi sinh.
Động từ “chạnh lòng thương” (σπλαγχνίζομαι) dùng để diễn tả sự rung động tận cõi lòng, lòng thương cảm sâu xa trước những người đang gặp đau khổ bất hạnh. Luca dùng động từ này ba lần để diễn tả lòng thương xót của Đức Giêsu hoặc của Chúa Cha (Lc 7,13; 10,33; 15,20).
- Trước hết, động từ chạnh lòng thương được áp dụng cho Đức Giêsu trong Lc 7,13 trong bài Tin Mừng hôm nay: khi Đức Giêsu thấy bà goá thành Nain đang khóc thương người con trai của bà vừa qua đời, “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: ‘Bà đừng khóc nữa!’”, rồi Người cứu sống con bà.
- Kế đến, động từ chạnh lòng thương xuất hiện trong dụ ngôn “Người Samari tốt lành”, trong đó Lc 10,33 thuật rằng: “Một người Samari
kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương”. Thánh
Augustinô giải thích rằng người Samari tốt lành tượng trưng cho Đức Giêsu.
- Sau cùng, động từ chạnh lòng thương được áp dụng cho Thiên Chúa Cha trong dụ ngôn “Người Cha Tốt Lành”. Bản văn Lc 15,20 thuật rằng: “Anh còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ và hôn anh thắm thiết”. Chính
nhờ động từ này trong dụ ngôn “Người Cha Tốt Lành” cùng với các dụ ngôn “Tìm con chiên lạc” và “Tìm đồng bạc mất” trong chương 15, Tin Mừng Luca đã làm nổi bật chủ đề “Lòng thương xót” của Thiên Chúa.
Lòng thương xót của Thiên Chúa là một sức mạnh vượt thắng mọi rào cản về thành kiến và lỗi lầm, đem lại sự an ủi bằng ơn tha thứ, và chất chứa yêu thương để xoa dịu nỗi đau của con người, nhất là người nghèo khổ, bất hạnh; đồng thời lấp đầy tâm hồn họ bằng niềm vui cứu độ.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã tỏ lòng thương xót trước tình cảnh bà góa đang gặp đau khổ: “Trông thấy bà, Đức Chúa chạnh lòng thương”. Đức Giêsu đã thể hiện lòng thương xót bằng lời an ủi dành cho người mẹ: “Bà đừng khóc nữa”, rồi thể hiện qua hành động cụ thể “Người lại gần, sờ vào quan tài…” rồi nói: “Này
người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy”.
Qua phép lạ này, Đức Giêsu mặc khải cho dân chúng thấy hình ảnh đích thực của Thiên Chúa, Đấng luôn gần gũi và yêu thương con người, đồng cảm, chia sẻ và chữa lành những đau khổ của họ; đồng thời giúp họ nhận ra Đức Giêsu là người của Thiên Chúa: “Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: ‘Một vị
Ngôn Sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người’”.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Vâng, bây
giờ tôi biết ông là người của Thiên Chúa và lời Đức Chúa do miệng ông nói ra là đúng”. Qua lời rao giảng, việc làm của Êlia, bà góa thành Sarépta đã nhận biết uy quyền của Thiên Chúa, nhận ra căn tính của Ngôn Sứ cũng như chân nhận sự thật trong lời rao giảng của Ngôn Sứ. Cuộc sống của tôi có trở nên tấm gương phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa cho người khác để họ nhận biết Người?
2. “Người đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại”. Lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn và vượt lên trên các lỗi lầm yếu đuối và bất xứng của tôi. Được biết về Đức Giêsu là ơn sủng của Thiên Chúa. Tôi có trân trọng hồng ân cao
cả này không? Tôi có biết chia sẻ và làm chứng về Đức Giêsu cho người khác?
3. “Trông thấy bà, Đức Chúa chạnh lòng thương”. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi bất cứ ai tìm đến Người như nguồn mạch của sự an ủi, yêu thương, vì Người là “Đấng giàu lòng thương xót”. Về phần mình, tôi có cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc sống cá nhân không? Tôi có biết đến với Thiên Chúa để chia sẻ với Người những trăn trở, vui buồn của cuộc sống không?
4. “Một vị
Ngôn Sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Quả thật, ĐGH Phanxicô nhận định rất đúng: “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Kitô Giêsu” (Misericordiae Vultus, số 1), vì trong Tin Mừng Luca, lòng thương xót của Thiên Chúa Cha được thể hiện rõ nét qua con
người và sứ vụ của Đức Giêsu Kitô. Là Kitô hữu, tức là trở thành môn đệ Đức Giêsu Kitô, phải chăng mỗi người chúng ta, tùy theo khả năng, ơn gọi, môi trường hoạt động và sinh sống, cần quan tâm giúp đỡ người nghèo khổ, bất hạnh và những ai đang bị gạt ra bên lề của cuộc sống, như là cách góp phần nhỏ bé để phác thảo nên Dung Mạo của Lòng Chúa Thương Xót cho con người và thế giới hôm nay?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã bày tỏ lòng thương xót cho con người qua nhiều cách khác nhau.
Trong các bài đọc Kinh Thánh hôm nay, Người đã cất đi đau khổ và trả lại sự sống cho con người. Với niềm xác tín vào quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta hãy thành tâm và tha thiết cầu xin.
1. Chúa Giêsu
đã chạnh lòng thương hoàn cảnh của bà góa thành Nain. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các Đức Giám mục và các Linh mục luôn là những mục tử như lòng Chúa mong ước, nên dấu chỉ sống động cho lòng thương xót của Chúa qua lời nói và hành động khi thi
hành tác vụ Chúa trao.
2. Chúa đã an
ủi bà mẹ mất con: “Bà đừng khóc nữa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhà cầm quyền các quốc gia trên thế giới biết quan tâm và đồng cảm trước hoàn cảnh của người dân, luôn tìm ra những phương cách hỗ trợ kịp thời và chính đáng cho những người nghèo đói, đau khổ hay già yếu bệnh tật.
3. Chúa phán:
“Hỡi thanh niên, Ta truyền cho anh hãy trỗi dậy.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang sống trong tội lỗi và đắm mình trong văn hoá sự chết, được nghe tiếng Chúa thức tỉnh để dứt khoát với mọi đam mê sai trái, biết tìm đến nguồn mạch ân sủng nơi các bí tích, và sống một đời sống mới như Chúa muốn.
4. Mọi người đều ngợi khen Thiên Chúa khi chứng kiến phép lạ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức và trân trọng hồng ân sự sống, biết dùng cuộc sống Chúa ban ở đời này để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho tha nhân, đồng thời chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu của chính mình.
Chủ tế: Lạy Chúa là Thiên Chúa hằng sống, xin thương nhận những ý nguyện chúng con dâng lên Chúa và ban ơn nâng đỡ giúp chúng con biết sống trọn vẹn cuộc sống hiện tại, để mai sau xứng đáng được thông phần vào sự sống của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng
con. Amen.
Chủ đề :
Thiên Chúa giàu lòng thương xót
Chúa Giêsu cứu sống con trai bà goá thành Naim
(Lc 7,11-17)
Sợi chỉ
đỏ :
Bài đọc
Cựu Ước và bài Tin Mừng hôm nay giống nhau vì đều nói tới lòng thương xót trước
cảnh người mẹ mất con :
- Bài
đọc I kể chuyện ngôn sứ Êlia cứu sống con trai bà goá xứ Sarépta.
- Bài
Tin Mừng kể chuyện Chúa Giêsu cứu sống con trai bà goá thành Naim.
Cả
hai chuyện cho thấy lòng thương xót bao la của Thiên Chúa, chẳng những cho người
tín hữu mà còn cho cả lương dân.
I. Dẫn
vào Thánh lễ
Anh
chị em thân mến
Cuộc
đời thật lắm đau thương, và đau thương nhất chính là chứng kiến cái chết của những
người thân.
Bài
Tin Mừng hôm nay kể chuyện một người mẹ khóc thương đứa con duy nhất của mình vừa
chết. Nhưng đáng để ý hơn là chính Chúa Giêsu đã cùng rơi lệ với bà bà đã cứu sống
con bà.
Qua
Chúa Giêsu, chúng ta được biết Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Trong
Thánh lễ này, chúng ta hãy đến gần Ngài và xin Ngài thương xót chúng ta.
II. Gợi
ý sám hối
- Xin
Chúa thương xót chúng con vì chúng con rất tội lỗi.
- Xin
Chúa thương xót chúng con vì cuộc đời chúng con gặp rất nhiều gian truân.
- Xin
Chúa thương xót chúng con vì chúng con chưa có được một tấm lòng xó thương bao
la như Chúa.
III.
Lời Chúa
1.
Bài đọc I (1 V 17,17-24)
Câu
chuyện này có nhiều nét giống với câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay :
- Một
đứa con trai độc nhất bị chết
- Bà
mẹ là một góa phụ và là một người ngoại
- Đứa
con ấy được ngôn sứ Êlia và Chúa Giêsu làm cho sống lại
Khi
Thánh Luca viết đoạn Tin Mừng hôm nay, ngài muốn cho thấy Chúa Giêsu là một
Êlia mới.
2.
Đáp ca (Tv 29)
Tv
này ca tụng lòng thương xót của Thiên Chúa :
-
"Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài vì đã thương cứu vớt"
-
"Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời".
-
"Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con".
3. Tin
Mừng (Lc 7,11-17)
Chúa
Giêsu cứu sống con trai bà góa thành Naim :
- Tất
cả mọi người hôm đó chẳng ai mở lời xin Chúa giúp. Ngài ra tay cứu giúp chỉ vì
Ngài động lòng thương.
-
Chúa chạnh lòng trước cảnh mẹ góa con côi, tre già khóc măng non.
- Cứu
sống đưa con trai xong, Chúa còn tế nhị trao nó lại cho mẹ nó.
4.
Bài đọc II (Gl 1,11-19) (Chủ đề phụ)
Trong
trích đoạn tuần trước, Phaolô trách tín hữu Galát đã theo "một Tin Mừng
khác", tức là chưa đủ an tâm khi sống theo Tin Mừng mà Phaolô rao giảng, lại
còn giữ thêm một số luật lệ do thái giáo. Khi làm như thế, họ chứng tỏ chưa hiểu
rằng người ta được cứu độ nhờ đức tin chứ không phải nhờ tuân giữ lề luật.
Trong
trích đoạn hôm nay, để thuyết phục tín hữu Galát vững tin vào Tin Mừng của mình
rao giảng, Phaolô chứng minh cho họ biết Tin Mừng ấy Ngài đã lãnh nhận trực tiếp
từ Thiên Chúa.
IV. Gợi
ý giảng
*
1. Khi một người thân chết đi
Đám
tang là một cảnh buồn. Đám tang mà Chúa Giêsu chứng kiến còn đặc biệt buồn vì
đó là đám tang của đứa con trai duy nhất của một bà góa. Mất con hẳn là thánh
giá nặng nhất mà cha mẹ phải gánh chịu.
Người
ta nói rằng khi một người già chết đi thì người ấy mang đi quá khứ của chúng
ta ; còn khi một người trẻ chết thì người ấy mang đi chính tương lai của
chúng ta. Sự mất mát này to lớn đến nỗi có thể khiến cho người ở lại không còn
tha thiết sống nữa.
Thánh
Kinh đã kể một câu chuyện cảm động về nỗi đau của Đavít khi đứa con nhỏ của ông
bệnh nặng (2 Sm 12,16-25) : Đavít rất buồn rầu và thiết tha cầu xin Chúa
cho đứa nhỏ ấy khỏi bệnh. Ông còn ăn chay và đêm thì nằm ngủ dưới sàn nhà, mặc
áo nhậm. Các cận thần nài nỉ ông lên giường nhưng ông không chịu. Đến ngày thứ
bảy thì đứa bé chết. Các cận thần rất lo lắng, nói với nhau "Lúc đứa bé
còn sống, ngài còn không nghe chúng ta. Huống chi bây giờ nó đã chết rồi".
Đavít nghe người ta xì xầm thì đoán được sự việc. Ông hỏi "Có phải con ta
đã chết rồi chăng ?". Họ đáp "Thưa vâng". Đavít liền chổi dậy,
tắm rửa, mặc quần áo bình thường, vào đền thờ phủ phục trước nhan Chúa, rồi trở
ra ăn uống như thường. Mọi người ngạc nhiên hỏi : "Tại sao khi đứa nhỏ
chưa chết thì Ngài khóc than và nằm dưới sàn, còn khi nó chết rồi thì Ngài chổi
dậy và ăn uống ?" Đavít trả lời : "Khi đứa bé còn sống, ta
làm tất cả để cứu mạng sống nó. Nay nó chết rồi, nó không thể trở về với Ta nữa.
Nhưng Ta có thể đến với nó".
Đavít
đã nêu gương biết chấp nhận một tình huống không thể nào thay đổi được. Tuy
chúng ta không thể nào quên người đã chết, nhưng cuộc sống là quý giá nên chúng
ta phải tiếp tục sống. Chúng ta khóc vì một sự sống đã mất đi, nhưng nếu chúng
ta cứ than khóc mãi thì sẽ có đến hai sự sống phải mất.
Đứng
trước một người thân chết đi, chúng ta có thể cảm thấy như Thiên Chúa vắng mặt.
Tuy nhiên chúng ta cũng có thể cảm nhận điều ngược lại : sự chết có thể
kéo ta đến gần Chúa hơn. Tại sao ? Vì chúng ta nhận thức rằng con người
hoàn toàn bất lực trước cái chết, chỉ có Chúa mới giúp chúng ta được thôi. Từ
đó chúng ta phó mình trong lòng thương xót Chúa. Cũng như Chúa đã viếng thăm bà
góa thành Naim, Ngài cũng đến viếng thăm chúng ta cùng với những ơn ban nâng đỡ,
hy vọng và bình an.
Thực
ra người chết không chết mà chỉ đổi thế giới sống. Người thân quá cố của chúng
ta không xa cách chúng ta. Họ vẫn yêu thương chúng ta và còn có thể giúp đỡ
chúng ta nữa. Tuy người quá cố không trở lại với chúng ta, nhưng chúng ta có thể
đến với họ. Họ đang chờ chúng ta. Chúng ta và họ sẽ gặp lại nhau trong tình
thương của Chúa. (FM)
*
2. Sự sống hay nỗi chết
Một vị
ẩn sĩ nọ, ngày kia lạc vào một hang động. Tại đây ông đã khám phá ra một kho
tàng với không biết bao nhiêu vàng bạc châu báu. Nhưng ông đã vội vã ra khỏi
hang, vừa chạy vừa la thất thanh : "Tôi đã thấy thần chết".
Tình
cờ ba tên cướp đi ngang qua đó, nghe tiếng kêu của vị ẩn sĩ, họ dừng lại hỏi
chuyện.
Muốn
chứng tỏ mình là những người không biết sợ là gì, ba tên cướp yêu cầu đưa họ đến
gặp thần chết. Vị ẩn sĩ dẫn họ vào hang động và chỉ vào kho tàng. Mắt họ sáng
lên và lập tức ba tên cướp tống cổ vị tu hành ra khỏi hang.
Nhưng
kho tàng quá lớn, họ không thể mang ra tất cả trong một ngày. Sau một hồi bàn
cãi ba tên cướp đồng ý để một người ra phố mua sắm lương thực. Hai người còn lại
ngồi đó canh giữ kho báu.
Người
được sai đi chợ nghĩ thầm trong bụng : "Ta sẽ ăn uống no nê, sau đó bỏ
thuốc độc vào thức ăn. Hai tên khốn nạn sẽ chết và tạ sẽ chiếm trọn kho
tàng".
Hai
tên ngồi canh giữ kho báu cũng bàn với nhau : "Chúng ta sẽ giết hắn.
Và như thế phần của mỗi người chúng ta sẽ nhiều hơn".
Khi kẻ
mang lương thực về đến hang động : họ liền giết hắn và nuốt trọn thức ăn
có thuốc độc. Thế là cả ba đã cùng nhau đi gặp thần chết như lời vị ẩn sĩ tiên
báo.
*
Vì
tham lam của cải mà ba sinh mạng đã bị thần chết cướp đi trong nháy mắt. Vì chạnh
lòng thương xót người quả phụ cô độc, hôm nay Chúa Giêsu đã giật lại khỏi tay
thần chết con trai duy nhất của bà goá thành Naim.
Chúa
Giêsu đã can thiệp mau lẹ, xử lý nhanh gọn, ra tay tức thời, không chờ đợi người
ta cầu xin, nài nỉ. Người nhìn rõ nỗi buồn mất con, Người hiểu thấu nỗi cô đơn
của bà goá không nơi nương tựa, Người liền an ủi : "Bà đừng
khóc nữa" (Lc 7,13). Rồi Người sờ vào quan tài và
nói : "Này người thanh niên, tôi bảo anh. Hãy chỗi dậy !" (Lc
7,14).
Thiên
Chúa yêu thương con người vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16). Vì bản chất của
Thiên Chúa là yêu thương, nên Người muốn giải thoát con người khỏi nỗi cô đơn
buồn phiền, khỏi thất vọng đắng cay, khỏi đau thương tuyệt vọng. Và nỗi đau
thương tuyệt vọng lớn nhất của con người là sự chết, thì Người cũng sẵn lòng giải
thoát con người khỏi chết.
Tình
yêu của Thiên Chúa không dừng lại ở đó : Người còn muốn đi xa hơn nữa
trong tình yêu : Người muốn giải thoát con người khỏi cái chết muôn đời.
Con trai bà goá thành Naim sống lại để rồi lại phải chết, nhưng những ai được
Người yêu thương giải thoát thì sẽ vĩnh viễn sống lại miên trường. Đó mới là sứ
mạng của Người khi xuống trần gian.
Sự kiện
con trai bà goá thành Naim được Người cho sống lại chính là hình bóng báo trước
biến cố vô cùng lớn lao hơn. Biến cố đó là cốt lõi của đạo, là trung tâm điểm của
Kitô giáo : Đó chính là nhờ sự chết và sống lại của Chúa Giêsu mà tất cả
chúng ta được giải thoát khỏi cái chết muôn đời.
Thiên
Chúa yêu thương con người, Người muốn giải thoát con người khỏi lưỡi hái của tử
thần, nhưng con người vẫn có tự do để chọn sự sống hay nỗi chết. Ba tên cướp vì
tham lam của cải đã chọn cho mình hai cái chết, cái chết của thể xác và cái chết
của linh hồn. Trong cái hang tử thần ấy không chỉ có những con người tham của
mà còn vô số những kẻ tham danh vọng, địa vị, chức quyền ; không chỉ có những
người mê của mà còn hằng hà những kẻ mê hút sách, rượu chè, cờ bạc, trai gái.
Cái
chết phần xác thì ai cũng sẽ trải qua một lần trong đời, nhưng cái chết phần hồn
thì chỉ có những con người can đảm, bền chí và trung thành với Đức Kitô và giới
luật của Người mới có thể vượt qua để sống miên viễn với Người trên nơi vĩnh
phúc.
*
Lạy
Chúa, chúng con ước mong được chết để cùng sống lại vinh quang với Người. Nhưng
trước khi chết xin cho chúng con biết dứt lòng từ bỏ những gì là xấu xa của ma
quỉ, thế gian và xác thịt để chúng con được tự do thong đong về với Chúa là Cha
đầy yêu thương. Amen. (TP)
*
3. Chuyện minh họa
Một
Rabbi do thái tên là Nahman vừa có đứa con trai bị chết. Các rabbi bạn ông đến
an ủi nhưng chẳng thể nào làm cho ông hết đau lòng. Cuối cùng Rabbi Moses kể
cho ông nghe câu chuyện sau đây :
Một
ông vua kia giao cho một người đầy tớ giữ một báu vật. Anh này ngày nào cũng
than : "Khốn thân tôi ! Biết tới chừng nào nhà vua mới lấy lại
báu vật này để tôi không còn phải gánh vác trách nhiệm to lớn này nữa".
Rồi
Rabbi Moses áp dụng : Bạn cũng đã được giao trách nhiệm gìn giữ một báu vật
là đứa con rất tốt lành của bạn. Nay nó đã được cất khỏi thế gian này mà không
bị sự dữ nào làm hoen ố. Vậy bạn phải vui mừng vì đã chu toàn trách nhiệm mà
Vua các vua đã giao cho ông chứ !
Câu
chuyện và lời khuyên của Rabbi Moses đã làm vơi đi nỗi buồn ủa Rabbi Nahman.
(FM)
V. Lời
nguyện cho mọi người
Chủ
tế : Anh chị em
thân mến, khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu chia sẻ mọi đau khổ, bất hạnh với
nhân loại. Người đã lấy lòng từ bi nhân hậu mà lau sạch nước mắt những ai sầu
khổ. Chúng ta cùng cảm tạ Người và tha thiết nguyện xin :
1.
Hội thánh luôn quan tâm đến những người nghèo khổ / những ai đang gặp hoạn
nạn / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử / luôn bênh vực những
người cô thế cô thân / và rộng rãi giúp đỡ những ai đói rách bần cùng.
2.
Cái chết không loại trừ bất cứ một ai / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho người
biết chuẩn bị cho cuộc sống mai sau / bằng cách làm thật nhiều việc lành
phúc đức trong cuộc sống hôm nay.
3.
Những người bất hạnh vẫn còn đầy dẫy trên thế giới / Chúng ta hiệp lời cầu
xin cho các Kitô hữu / luôn biết an ủi và trợ giúp những ai đang lâm cảnh
gian truân khốn khó.
4.
Vui với người vui / khóc cùng người khóc / là thái độ phải có của những
ai tin Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng
ta / luôn cố gắng thực hiện lời dạy của thánh Phaolô tông đồ.
Chủ
tế : Lạy Chúa, Đức
Kitô Con Chúa đã lấy tình thương mà băng bó mọi vết thương tâm hồn cho những ai
đang gặp đau khổ. Xin Chúa cho chúng con biết noi gương Người là Đấng hằng sống
và hiển trị muôn đời.
VI.
Trong Thánh Lễ
- Trước
Kinh Lạy Cha : Thiên Chúa là Cha chúng ta. Ngài muốn chúng ta sống hạnh
phúc chẳng những ở đời này mà còn mãi mãi ở đời sau. Vậy chúng ta hãy dâng lên
Ngài những lời cầu nguyện đầy tin tưởng của chúng ta.
VII.
Giải tán
Với
niềm tin tưởng trọn vẹn vào lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta hãy ra về
bình an.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina: Chúa Nhật X Thường Niên (C)
Chúa
Nhật, 5 Tháng 6, 2016
Đức
Giêsu cho con trai một bà góa thành Na-in sống lại
Chúa
Giêsu chạnh lòng thương
Lc
7:11-17
1.
Lời nguyện mở đầu
Lạy
Chúa Thánh Thần, linh hồn của linh hồn con, con thờ lạy Chúa. Xin Chúa
soi sáng, hướng dẫn con, tăng sức, phù trợ con, dạy cho con luôn tuân theo
Thánh Ý của Chúa Cha. Xin Chúa hãy giúp con biết Chúa muốn gì: con
hứa là sẽ dâng trọn tất cả những gì Chúa muốn nơi con và chấp nhận tất cả những
gì xảy đến với con.
Amen.
(ĐHY
Désiré Mercier)
2.
Bài Đọc
a)
Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Bài
Phúc Âm của Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta câu chuyện con trai của bà góa thành
Na-in được sống lại. Một cái nhìn vào bối cảnh văn học của chương 7 theo
sách Tin Mừng Luca sẽ giúp chúng ta hiểu được câu chuyện này. Tác giả
Phúc Âm muốn cho thấy rằng Chúa Giêsu mở đường cho chúng ta bằng cách cho chúng
ta thấy một điều gì đó mới mẻ về Thiên Chúa như nó đến với chúng ta trong lời
loan báo Tin Mừng. Đây là cách mà sự chuyển đổi và cởi mở sắp xảy
ra: Đức Giêsu lắng nghe lời cầu khẩn của dân ngoại, không phải là người
Do Thái (Lc 7:1-10) và cho con trai một bà góa sống lại (Lc 7:11-17).
Cách thức mà Chúa Giêsu mặc khải về Nước Thiên Chúa đến như một sự bất ngờ cho
những người anh em Do Thái là những người không quen với lối cởi mở này.
Đó cũng là một điều ngạc nhiên cho ông Gioan Tẩy Giả là kẻ đã sai người đến hỏi
thăm: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi
ai khác?” (Lc 7:18-30). Chúa Giêsu chế giễu tính hay thay đổi của
những kẻ đương thời với Người: “Họ giống như lũ trẻ ngồi ở giữa chợ mà gọi
nhau: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi
hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than’” (Lc 7:31-35). Cuối cùng,
chúng ta trông thấy sự cởi mở của Chúa Giêsu đối với phụ nữ (Lc 7:36-50).
b)
Bài đọc
Trích
Tin Mừng theo thánh Luca (7:11-17)
11 Sau đó, Đức Giêsu đi đến thành kia
gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. 12 Khi
Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi
chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà góa. Có một
đám đông trong thành cùng đi với bà. 13 Trông thấy bà,
Chúa chạnh lòng thương và nói: "Bà đừng khóc nữa! " 14 Rồi
Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói:
"Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!" 15 Người
chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. 16Mọi
người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Một vị ngôn sứ vĩ đại
đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người!" 17 Lời
này về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả miền Giuđêa và vùng lân cận.
c) Phần phân đoạn văn bản để
trợ giúp cho bài đọc:
Lc
7:11-12: Cuộc gặp gỡ của hai đám rước
Lc
7:13: Lòng trắc ẩn trong hành động
Lc
7:14-15: “Này người thanh niên, Ta bảo anh: hãy trỗi dậy!”
Lc
7:16-17: Các hệ quả
3.
Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời
Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống của chúng ta.
4.
Một vài câu hỏi gợi ý
Để
giúp chúng ta trong phần suy gẫm và cầu nguyện cá nhân.
a) Văn bản cho chúng ta biết rằng có
hai nhóm người. Nhóm người nào được Chúa Giêsu để ý đến?
b) Động lòng trắc ẩn, Chúa Giêsu cho
con trai bà góa sống lại. Sự đau khổ của người khác có làm tôi động lòng
trắc ẩn như thế không?
c) Tôi phải làm những gì để giúp đỡ
người khác vượt qua được sự đau khổ và mở ra một đời sống mới cho họ?
d) Thiên Chúa đã ghé thăm dân Người.
Tôi có nhận ra được nhiều chuyến viếng thăm của Thiên Chúa trong đời tôi và
trong đời sống người ta không?
e) Tôi có biết ơn, tôi có ngợi khen
và tạ ơn Chúa vì rất nhiều những điều tốt đẹp tôi đã nhận được không?
5.
Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào chủ đề
a)
Lời bình giải về văn bản
Lc
7:11-12: Cuộc gặp gỡ của hai đám rước
“Sau
đó, Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông
cùng đi với Người. Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta
khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại
là một bà góa. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà.”
Thánh
Luca giống như một họa sĩ. Với một ít chữ, ông đã phác họa ra một bức
tranh rất đẹp về cuộc gặp gỡ của hai đám đông hay đám rước, một đám tang đang rời
thành và cùng đi với bà mẹ góa đưa người con trai duy nhất của bà ra nghĩa
trang; một đám đông khác đang đi theo Chúa Giêsu tiến vào thành. Cả hai gặp
nhau tại một quảng trường nhỏ gần cổng thành Na-in.
Lc
7:13: Lòng trắc ẩn trong hành động
“Trông
thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: ‘Bà đừng khóc nữa!’" Vì chạnh
lòng thương nên đã khiến Chúa Giêsu nói và làm. Lòng thương xót hay lòng
trắc ẩn, theo nghĩa đen, có nghĩa là cùng chịu đau khổ với, cảm thông được nỗi
đau khổ của người khác, đặt mình trong cùng hoàn cảnh và đồng cảm với nỗi đau
khổ của người khác. Đó là lòng thương xót đã khơi nên quyền năng trong
Chúa Giêsu, quyền năng của sự sống vượt thắng cái chết, quyền năng của sự tác tạo.
Lc
7:14-15: “Này người thanh niên, Ta bảo anh: hãy trỗi dậy!”
“Rồi
Chúa Giêsu tiến lại gần, chạm vào quan tài và nói: ‘Này người thanh niên, Ta
truyền cho anh: hãy trỗi dậy!’ Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói.
Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ”. Đôi lúc, khi có nỗi đau khổ lớn
lao vì cái chết của người thân yêu, người ta nói rằng: “Vào thời của Chúa
Giêsu, khi Chúa bước đi trên trái đất này, đã có hy vọng không mất đi người
thân yêu bởi vì Chúa Giêsu có thể làm cho người ta sống lại”. Những người
như thế đã nghĩ đến việc con trai bà góa thành Na-in được cho sống lại như là một
việc gì đó đã xảy ra trong quá khứ, khiến chúng ta nghĩ về quá khứ và nhất định
có chút ghen tị. Tuy nhiên, ý định của Tin Mừng không phải là để chúng ta
nghĩ về quá khứ hoặc đưa đến lòng đố kỵ, mà là để giúp chúng ta có thể hiểu rõ
hơn về sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta. Chính Chúa
Giêsu, Đấng có quyền năng chiến thắng cái chết và nỗi đau đớn về cái chết, và
là Đấng tiếp tục sống ở giữa chúng ta. Người đang ở với chúng ta hôm nay
và khi đối mặt với các khó khăn có khả năng dìm chúng ta xuống thì Người lại
nói một lần nữa: “Ta truyền cho ngươi, hãy chỗi dậy!”
Lc
7:16-17: Các hệ quả
“Mọi
người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: ‘Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất
hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người’. Lời
này về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả miền Giuđêa và vùng lân cận.”
Đây là vị ngôn sứ đã được báo trước bởi ông Môisen (Đnl 18:15). Thiên
Chúa, Đấng đến viếng thăm chúng ta, là “Cha của các cô nhi và là Đấng che chở
cho các quả phụ (Tv 68:6; xem Gđt 9:11).
6.
Lời nguyện – Thánh Vịnh 68:5-9
5 Hãy hát mừng Thiên Chúa, đàn ca
kính danh Người,
hãy dọn đường cho Đấng ngự giá đằng vân.
Danh Người là ĐỨC CHÚA;
trước Thánh Nhan, hãy vui mừng hớn hở.
6 Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng đỡ bênh quả phụ,
chính là Thiên Chúa ngự trong thánh điện Người.
7 Kẻ cô thân, Thiên Chúa cho nhà cửa,
hạng tù đày, Người trả lại tự do hạnh phúc,
còn quân phản nghịch phải ở nơi khô cằn.
8 Lạy Thiên Chúa,
thuở Ngài lãnh đạo đoàn dân riêng xuất trận,
thuở Ngài tiến bước trong sa mạc hoang vu,
hãy dọn đường cho Đấng ngự giá đằng vân.
Danh Người là ĐỨC CHÚA;
trước Thánh Nhan, hãy vui mừng hớn hở.
6 Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng đỡ bênh quả phụ,
chính là Thiên Chúa ngự trong thánh điện Người.
7 Kẻ cô thân, Thiên Chúa cho nhà cửa,
hạng tù đày, Người trả lại tự do hạnh phúc,
còn quân phản nghịch phải ở nơi khô cằn.
8 Lạy Thiên Chúa,
thuở Ngài lãnh đạo đoàn dân riêng xuất trận,
thuở Ngài tiến bước trong sa mạc hoang vu,
9 đất đã chuyển rung, trời cũng tan
chảy,
trước mặt Thiên Chúa, Đấng xuất hiện tại núi Xi-nai,
trước mặt Thiên Chúa là Thiên Chúa của Ít-ra-en.
trước mặt Thiên Chúa, Đấng xuất hiện tại núi Xi-nai,
trước mặt Thiên Chúa là Thiên Chúa của Ít-ra-en.
7.
Lời Nguyện Kết
Lạy
Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu được ý
muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của
chúng con và ban cho chúng con khả năng để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho
chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria,
thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa
là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa
Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét