Lời cầu nguyện mở ra lối thoát trong cuộc sống cá nhân và cộng đoàn
Lởi cầu nguyện giúp thắng vượt
các khép kín và mở một lối thoát trong cuộc sống cá nhân và cộng đoàn
Lời cầu nguyện giúp thắng vượt
các khéo kín và cho phép ơn thánh mở một lối ra trong cuộc sống chúng ta: từ
khép kín tới rộng mở, từ sợ hãi tới can đảm, từ buồn phiền tới niềm vui. Và
chúng ta có thể thêm từ sự chia rẽ tới hiệp nhất.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên
trong bài giàng thánh lễ cử hành lúc 9 giở 30 sáng 29-6-2016, lễ kính hai thánh
Tông Đồ Phêrô Phaolô. Cùng đồng tế với ĐTC có 40 Hồng Y, 75 Tổng Giám Mục và
Giám Mục, trong đó có 25 Tổng Giám Mục nhận dây Pallium và 300 linh mục.
Trong số các Tổng Giám Mục
nhân dây Pallium có 4 vị người Ý, 4 vị Brasil, các nước Tây Ban Nha, Mêhicô và
Ecuador mỗi nuớc 2 vị, các nước Pháp, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba, quần đảo Antille,
Ba Lan, Myanmar, Benin, Mỹ, đảo Salomon mỗi nước 1 vị.
Hiện diện trong thánh lễ có gần
10.000 tín hữu đặc biệt là phái đoàn của Toà Thượng Phụ Chính Thống
Costantinopoli, gồm Đức Methodios TGM Boston, ĐC Telmessos, ĐC Job và Trưởng
Phó tế Nephon Tsemalis.
Đảm trách phần thánh ca trong
thánh lễ ngoài ca đoàn Sistina của Toà Thánh, còn có mấy ca đoàn khách.
Các bài đọc bằng tiếng Anh và
Tây Ban Nha, Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý và Phúc Âm được hát bằng tiếng
Latinh. Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Pháp, Ba Lan, Bồ
Đào Nha, Tầu và Ý.
Sau lời chào mở đầu, các Phó
tế đã xuống trước mộ của Thánh Phêrô lấy các khăn Pallium để ở đây lên. Tiếp
theo sau là phần giới thiệu các Tổng Giám Mục được nhận dây Pallium và lời thề
của các vị. Dây Pallium được làm bằng lông chiên có 5 thánh giá mầu đen.
Ngay từ hồi thế kỷ thứ IV nó đã được ĐGH dùng. Có lẽ nó đã là một dấu hiệu của
hoàng đế, sau này được dùng cho các Giám Mục. Dây Pallium biểu tượng cho sự hiệp
nhất của các Tổng Giám Mục với Đức Giáo Hoàng, là người kế vị thánh Phêrô. Sau
này nó đuợc ĐGH là Giám Mục Rona trao cho các Tổng Giám Mục, nhất là dưới thời
ĐGH Gregorio VII sau năm 1000, khi có nhu cầu kiểm soát việc lựa chọn các Giám
Mục. Kể từ đó các Tổng Giám Mục đến Roma để nhận dây Pallium. Sau đó dây
Pallium cũng được ban cho các vị không phải là Tổng Giám Mục như là một dấu hiệu
danh dự. Vào thập niên 1970 Đức Phaolô VI đã cải cách hình thức trao dây
Pallium, vì thế ngày nay nó chỉ được ban cho các Tổng Giám Mục mà thôi trong
ngày lễ kính hai thánh Phêrô Phaolô 29 tháng 6 hàng năm, để nêu bật sự hiệp nhất
gắn bó của các vị với Ngài Toà Thánh Phêrô. Trong suốt ngàn năm đầu tiên của
Giáo Hội dây Pallium biểu tượng cho con chiên lạc và mục tử mang nó trên vai
trái. Đó là hình chúng ta tìm thấy trên các ảnh vẽ icone trên gỗ và trên các bức
khảm đá mầu. Sau ngàn năm thứ nhất dây Pallium thay đổi hình thức, nó được mang
trên cổ và có ý nghĩa khác. Năm hình thánh giá đỏ ám chỉ 5 dấu thánh Chúa. Ba dấu
thánh giá diễn tả 3 chiếc đinh đóng vào người Chúa Giêsu. Như thế dây Pallium đặc
biệt có ý nghĩa kitô học, diễn tả Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành. Ngày này dây
Pallium bao gồm tất cả các ý nghĩa kể trên và biểu hiệu cho Mục Tử Nhân Lành hy
sinh mạng sống cho đoàn chiên.
Giảng trong thánh lễ ĐTC nói:
Lời Chúa trong phụng vụ chứa
đựng một từ kép chính yếu: đóng – mở. Chúng ta cũng có thể để bên cạnh hình ảnh
này biểu tượng của các chià khóa, mà Chúa Giêsu hứa ban cho Simon Phêrô để ông
có thể mở cửa vào Nước Trời, chứ không đóng nó trước người ta, như vài ký lục
và người pharisêu mà Chúa Giêsu quở trách, đã làm (c. Mt 23,13).
Bài đọc sách Tông Đồ Công Vụ
(12,1-11) trình bầy với chúng ta ba cái đóng: thánh Phêrô bị đóng trong ngục; cộng
đoàn đóng cửa chăm chú cầu nguyện; và trong bối cảnh gần với văn bản của chúng
ta – sự đóng cửa nhà bà Maria, mẹ của Gioan gọi là Marco, nơi Phêrô tới gõ cửa
sau khi được giải thoát.
Liên quan tới các đóng kín
này, lời cầu nguyện xem ra như là lối ra chính: lối ra cho cộng đoàn, có nguy
cơ đóng kín trong chính mình vì cuộc bách hại và vì sợ hãi; lối ra cho Phêrô,
còn đang ở trong giai đoạn đầu của sứ mệnh do Chúa trao phó, bị vua Hêrôđê tống
ngục và có nguy cơ bị kết án tử. Trong khi thánh Phêrô ở trong tù, thì
“Giáo Hội liên lỉ dâng lên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông” (Cv 12,5).
Và Chúa đáp trả lời cầu nguyện và sai thiên thần tới giải thoát ông, “giật
thoát ông khỏi tay vua Hêrôđê (c. 11). Lời cầu nguyện như là việc khiêm tốn tín
thác nơi Thiên Chúa và thánh ý Ngài, luôn luôn là lối ra cho các khép kín cá
nhân và công đoàn của chúng ta.
Tiếp tục bài giảng ĐTC nói: Cả
thánh Phaolô, khi viết thư cho Timôthê, cũng nói về kinh nghiệm giải thoát của
ngài, kinh nghiệm đi ra khỏi nguy hiểm bị kết án tử; nhưng Chúa đã ở gần ngài
và ban cho ngài sức mạnh, để ngài có thể hoàn thành công trình rao giảng Tin Mừng
cho muôn dân (x. 2 Tm 4,17). Nhưng Phaolô nói tới một rộng mở lớn lao hơn nhiều,
hướng tới một chân trời vô cùng rộng rãi hơn: chân trời của cuộc sống vĩnh cửu,
trước hết để đem Chúa Kitô tới cho những người không biết Chúa, và rồi để ném
mình vào trong vòng tay ôm của Chúa và được Chúa cứu thoát đem lên trời trong
nước Ngài” (c. 8).
Chúng ta hãy trở lại với
thánh Phêrô. Trình thuật Tin Mừng (Mt 16,13-19) về lời tuyên xưng đức tin và sứ
mệnh theo sau mà Chúa Giêsu tín thác cho thánh Phêrô cho thấy rằng cuộc sống của
Simon - bác thuyền chài người Galilê - như là cuộc sống của từng người
trong chúng ta – mở ra, hoàn toàn mở ra, khi nó tiếp nhận ơn thánh đức tin từ
Thiên Chúa Cha. Khi đó Simon lên đường – một con đường dài và cam go – sẽ đưa
ông tới chỗ ra khỏi chính mình, ra khỏi các an ninh nhân loại của mình, nhất là
ra khỏi sự kiêu căng lẫn lộn với can đảm và với lòng quảng đại yêu thương tha
nhân. Trên lộ trình này của cuộc giải thoát của ông, lời cầu nguyện của Chúa
Giêsu thật là định đoạt: “Thầy đã cầu nguyện cho anh, để đức tin của anh không
thuyên giảm” (Lc 22,32). Nhưng cũng định đoạt cái nhìn tràn đầy cảm thương của
Chúa, sau khi Phêrô đã chối Ngài ba lần: một cái nhìn đánh động con tim và tháo
cởi các giọt nước mắt của sự hối hận (x. Lc 22,61-62).. Khi đó Simon đưọc giải
thoát khỏi ngục tù của cái tôi kiêu căng và sợ hãi, và thắng vượt cám dỗ khép
kín với lời mời Chúa Giêsu mời gọi theo Ngài trên con đường thập giá.
Như tôi đã nhấn mạnh, trong bối
cảnh của sách Tông Đồ Công Vụ có một chi tiết chúng ta có thể ghi nhận (x.
12,12-17). Khi Phêrô được giải thoát ra khỏi ngục của vua Hêrôđê một cách lạ
lùng, ông đến nhà bà mẹ của Gioan gọi là Marcô. Ông gõ cửa, và từ bên trong một
đầy tớ gái tên là Rođê nhận ra tiếng Phêrô, nhưng thay vì mở cửa thì lại đầy
nghi ngờ và vui mừng chạy vào báo cho bà chủ biết. Trình thuật xem ra tức cười,
khiến cho chúng ta nhận thức được bầu khí sợ hãi mà cộng đoàn kitô đã sống,
đóng kín trong nhà và cũng khép kín với cả các ngạc nhiên của Thiên Chúa nữa.
Chi tiết này nói với chúng ta về cám dỗ luôn luôn hiện hữu đối với Giáo Hội:
cám dỗ khép kín trong chính mình, khép kín trước các hiểm nguy. Nhưng ở
đây cũng có lốc xoáy, qua đó hoạt động của Chúa có thể đi ngang qua: thánh sử
Luca nói rằng trong nhà đó “nhiều người họp nhau và cầu nguyện” (v. 12). ĐTC giải
thích thêm như sau:
Lời cầu nguyện cho phép ơn
thánh mở một lối ra: từ khéo kín tới rộng mở, từ sợ hãi tới can đảm, từ buồn
phiền tới niềm vui. Và chúng ta có thể thêm từ sự chia rẽ tới hiệp nhất. Phải,
hôm nay chúng ta nói lên điều này với sự tin tưởng cùng với các anh em của Phái
đoàn, do ĐTC đại kết Bartolomeo thân mến gửi tới tham dự lễ hai thánh Bổn Mạng
của Roma. Một ngày lễ của sự hiệp thông đối với toàn thể Giáo Hội như cũng minh
nhiên sự hiện diện của các Tổng Giám Mục đến tham dự lễ làm phép các dây
Pallium sẽ được các vị đại diện của tôi đeo cho các vị tại các toà địa phương.
Xin các thánh Phêrô Phaolô bầu
cử cho chúng ta, để chúng ta có thể tươi vui hoàn thành lộ trình này, sống kinh
nghiệm hoạt động giải thoát của Thiên Chúa và làm chứng cho nó trước tất
cả mọi người.
Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã ra cửa
sổ Dinh Tông Toà đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại quảng
trường dưới trời nóng 34 độ C của mùa hè Roma. Ngỏ lời với mọi người ĐTC nói:
hôm nay lễ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô chúng ta chúc tụng Chúa vì lời rao giảng
và chứng tá của các vị. Giáo Hội Roma được xây trên đức tin của hai vị Bổn Mạng
của mình. Nhưng hai vị cũng là rường cột và là ánh sáng lớn chiếu soi không những
trên bầu trời Roma mà cả trong con tim của các tín hữu Đông và Tây Phương nữa.
Trình thuật sứ mệnh của các Tồng Đồ cho biết Chúa Giêsu gửi các môn đệ ra đi cứ
hai người một (x, Mt 10,1; Lc 10,1). Trong một nghĩa nào đó từ Thánh Địa hai
thánh Phêrô Phaolô cũng đã được gửi tới Roma để rao giảng Tin Mừng. Hai vị đã
là những người rất khác nhau: thánh Phêrô một bác “thuyền chài khiêm tốn”,
thánh Phaolô “bậc thầy và tiến sĩ” như phụng vụ hôm nay nói. Nhưng nếu ở Roma
này chúng ta được biết Chúa Giêsu, và nếu đức tin kitô là phần sống động và nền
tảng của gia tài tinh thần và nền văn hóa của vùng đất này, thì cũng là nhờ
lòng can đảm tông đồ của hai người con này của vùng Cận Đông. Vì tình yêu đối với
Chúa Kitô, hai vị đã bỏ quê hương, không lo lắng trước các khó khăn của cuộc du
hành dài và các hiểm nguy cũng như các nghi ngờ có thể gặp, và đã đến Roma. Nơi
đây các vị đã là những người loan báo và chứng nhân của Tin Mừng giữa dân
chúng, và đóng ấn sứ mệnh đức tin và lòng bác ái của mình với cuộc tử đạo.
Ngày này hai thánh Phêrô và
Phaolô trở lại trong tinh thần giữa chúng ta, các vị rong ruổi trên các
con đường của thành phố này, gõ cửa nhà của chúng ta, nhưng nhất là gõ cửa con
tim chúng ta. Các ngài muốn một lần nữa đem Chúa Giêsu, tình yêu thương xót, sự
ủi an và hoà bình của Chúa Giêsu tới cho chúng ta. Chúng ta hãy tiếp nhận sứ điệp
của các ngài! Chúng ta hãy lấy chứng tá của các ngài làm kho tàng của mình. Đức
tin ngay thẳng và vững vàng của thánh Phêrô, con tim vĩ đại và hoàn vũ của
thánh Phaolô sẽ giúp chúng ta là các kitô hữu tươi vui, trung thành với Tin Mừng
và cởi mở cho sự gặp gỡ với mọi người.
ĐTC cũng nhắc cho mọi người
biết trong thánh lễ ban sáng ngài đã làm phép các dây Pallium của các Tổng Giám
Mục được chỉ định trong năm qua thuộc nhiều nước. Ngài chào và chúc mừng các vị,
cũng như thân nhân và những người tháp tùng các vị hành hương tới Roma. ĐTC
khích lệ các vị tươi vui tiếp tục sứ mệnh phục vụ Tin Mừng trong niềm hiệp
thông với toàn thể Giáo Hội, đặc biệt là với Ngai Toà thánh Phêrô, như dấu chỉ
dây Pallium diễn tả. ĐTC cũng chào phái đoàn Giáo Hội Chính Thống do Đức Thượng
Phụ Bartolomaios Giáo chủ chính thống Costantinopoli gửi sang tham dự thánh lễ
hai thánh Bổn Mạng của Giáo Hội Roma. Sự hiện diện của phái đoàn là dấu chỉ các
mối dây huynh đệ giữa hai Giáo Hội chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện để các mối
dây liên kết hiệp thông và làm chứng tá chung ngày càng mạnh mẽ hơn.
Chúng ta hãy phó thác toàn thế
giới và đặc biệt thành Roma này cho Đức Trinh Nữ Maria, Sự cứu rỗi của dân
Roma, để nó có thể luôn tìm thấy nơi các giá trị tinh thần và luân lý nền tảng
phong phú cho cuộc sống xã hội và sứ mệnh của nó tại Italia, trong Âu châu và
trên thế giới.
Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền
Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét