Làm việc lành phúc đức để chia sẻ và cảm thông
Làm việc lành phúc đức không phải là vì thương hại, cũng
không phải chỉ là để trút gánh nặng tâm hồn, nhưng là để chia sẻ và cảm thông với
đau khổ của anh chị em đồng loại. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ
sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Cảm thông và sẻ chia
Đau khổ với người đau khổ. Làm việc lành phúc đức không phải
là làm một cái gì đó để trút bớt những đè nặng trong lòng, cũng không phải là
làm để cảm thấy yên tâm hơn… Không chỉ thế! Làm việc lành phúc đức là để cảm
thông với nỗi đau của người khác, là chia sẻ với đầy lòng trắc ẩn trong sự đồng
hành. Làm việc lành phúc đức còn có nghĩa là thông cảm với những vấn đề của tha
nhân. Ở đây có câu hỏi là: Tôi có biết chia sẻ như thế không? Tôi có sống quảng
đại không? Khi tôi nhìn thấy một người đau khổ, một người đang gặp khó khăn,
tôi có cảm thấy nỗi đau ấy? Tôi có biết đặt mình trong hoàn cảnh của người
khác? Trong những hoàn cảnh đau thương của người ấy?
Chấp nhận những rủi ro
Giống như ông Tobia trong bài đọc thứ nhất, với lòng trắc ẩn
và sẻ chia, khi làm việc lành phúc đức, chúng ta sẵn lòng đón nhận những rủi ro
bất trắc. Có nhiều rủi ro. Ở đây ở Roma trong thời chiến tranh, Đức Giáo Hoàng
Pio XII đã liều lĩnh che giấu những người Do thái. Vì nếu không, những người ấy
sẽ bị bắt. Nhưng khi làm việc lành để cứu người, chúng ta phải đối diện với nhiều
rủi ro.
Chấp nhận bị chê cười
Khi làm việc lành, ông Tobia bị người ta chê cười chế nhạo.
Họ cho rằng ông không chịu ở yên mà lại đi làm những chuyện gây phiền hà rắc rối.
Như thế, khi làm việc lành, chúng ta có thể gây cho người khác cảm giác khó chịu,
ngay cả có khi chúng ta cũng cảm thấy khó chịu. Ví dụ như trường hợp này: “Tôi
có một người bạn, người bạn ấy bị bệnh, tôi cần đến thăm anh ấy, nhưng tôi lại
cảm thấy thích nghỉ ngơi hoặc xem tivi hơn… tóm lại tôi thích cái gì đó an toàn
bình yên”. Thế đó, khi làm việc lành phúc đức, luôn có những đau khổ và rắc rối
nào đó. Nhưng Chúa đã tự nguyện đón nhận tất cả, chịu đựng tất cả những rắc rối
của chúng ta, để rồi Người lên thập giá để ban cho chúng ta lòng thương xót của
Người.
Ai có thể thực thi lòng thương xót, đó là người cảm nhận được
rằng Chúa xót thương mình trước. Chúng ta có thể sống thương xót là vì chúng ta
đã được Thiên Chúa xót thương trước. Chúng ta cứ thử nghĩ về những sai lầm, tội
lỗi của chúng ta, nghĩ về con đường tha thứ mà Chúa dành cho chúng ta, từ đó
chúng ta biết cách làm như thế với anh chị em mình. Để rồi, chúng ta có thể ra
khỏi sự ích kỷ của bản thân và bước theo sát chân Chúa Giêsu hơn.
Tứ Quyết SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét