Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

Gương phục vụ với tình yêu thương của nữ hộ sinh Maria Pollacci

Gương phc v vi tình yêu thương ca n h sinh Maria Pollacci

Một cuộc sống vì sự sống. Một câu nói ngắn ngủi nhưng nói lên tất cả động lực thúc đẩy bà Maria Pollacci trở thành “người mẹ của nước Ý” vì đã giúp  7644 trẻ em sơ sinh chào đời.
Maria Pollacci sinh năm 1924 tại Lama Mocogno, một làng nhỏ ở vùng miền núi Appennino thuôc tỉnh Moderna, là con thứ hai trong một gia đình nông dân có 4 người con. Từ khi còn là một thiếu nữ, Pollacci đã mơ ước là một nhân viên chữ thập đỏ nhưng vì lúc đó là thời kỳ khó khăn, bóng đen của chiến tranh phủ mờ, nên mẹ của Pollacci khuyên cô nên đi học để trở thành nữ hộ sinh. Đối với Pollacci, không có gì đẹp hơn lúc sinh nở và hộ sinh không phải là một nghề, nhưng là một ơn gọi. Pollacci đã trở thành biểu tượng của các hộ sinh. Bà đã trở thành gương mẫu về việc thực hành nghề như một ơn gọi. Ở tuổi 92, bà cụ Pollacci tươi tắn, hành động cách dịu dàng nhưng cương quyết này vẫn không dừng trợ giúp các bà mẹ trong ngày mãn nguyệt khai hoa. Cho đến nay, cụ Pollacci đã đón 7644 bé chào đời trong vòng tay của mình như đón những đứa con của mình; một kỷ lục.
Đứa trẻ đầu tiên được Pollacci giúp chào đời là Francesco, vào năm 1945 và em cuối cùng là Pietro, chào đời vào tháng 1 năm nay. Francesco, “đứa trẻ” đầu tiên trong những “đứa trẻ” của bà Pollacci, nay đã 72 tuổi. Francesco chào đời ngày 3 tháng 9 năm 1945. Cụ Pollacci nhớ lại, hôm ấy cụ đã khích lệ, giúp cho bà mẹ đang sợ hãi được can đảm và chính cụ lúc ấy cũng cần sự can đảm này. Và tất cả đã diễn ra tốt đẹp. Sau 25 năm, nữ hộ sinh Pollacci đã gặp lại Francesco và từ đó bà luôn giữ liên lạc với Francesco, như với nhiều đứa trẻ khắp nửa miền bắc nước Italia đã được bà Pollacci trợ giúp chào đời. Đã bao đêm bà không ngủ! Bao nhiêu sự hiểu biết cảm thông! Bao nhiêu lần cấp cứu và bao chuyến đi mạo hiểm! Bao nhiêu cây số đường dài mà chiếc xe hơi của bà đã đi qua cũng như bà đã dong duổi bằng chính đôi chân của mình!
Đêm đầu tiên bà Pollacci thực hiện công việc của mình là một đêm tuyết rơi thât nhiều ở Montecreto, một làng trên dãy Appennino modenese; tuyết dày đến 80 centimet. Bà nhớ lại: “Vào 3 giờ sáng, một người đàn ông đã đánh thức tôi và cầu xin: ‘Làm ơn đến ngay vì vợ của tôi sắp sinh!’ Tôi khởi hành ngay lập tức, đi bộ đến La Marina, nằm ở độ cao 1200 mét, giữa trời giông tuyết. Đến nơi, tôi nhìn thấy một phụ nữ trong một căn nhà nghèo nàn và lạnh giá. Phụ nữ đó đang nằm trên giường và lăn lộn vì đau đớn với những cơn co giật. Tôi bắt đầu công việc và sau khoảng một nửa giờ, một bé trai nặng khoảng 4 kí đã chào đời. Nhưng thai nhau không ra hết. Tôi bắt đầu lo lắng vô cùng vì bà mẹ có nguy cơ bị băng huyết và cần có một bác sĩ để mổ cấp cứu cho bà. Mạng sống của phụ nữ này giống như ngàn cân treo sợi tóc. Nhưng bác sĩ nào có thể lên đến đó vào giữa đêm khuya, trên con đường bị tuyết phủ đầy chắn lối? Bác sĩ ở gần nhất cũng cách đó 15 cây số. Tôi lấy hết sức mạnh và do người cha nài nỉ tôi đã làm điều lẽ ra tôi không phải làm, bởi vì cần phải có một bác sĩ chuyên khoa. Với sự trợ giúp của Chúa, mọi sự đã được thực hiện tốt đẹp. Sau khi xong việc, tôi ngồi xuống, kiệt sức vì căng thẳng. Hai ngày sau đó bác sĩ mới đến. Tôi ở lại ngôi nhà đó một tuần lễ để chích thuốc trụ sinh cho phụ nữ đó. Tôi nấu nước súp, chăm sóc cậu bé Paolo, chơi đùa với các anh em khác của chú bé. Tôi đã học được cách làm pho mát.
Dọc theo các ban công của tòa nhà là các chậu hoa lan được cụ Pollacci chăm sóc như các con trẻ của mình. Mỗi căn phòng là một rương đồ kỳ vật, trong đó có các hình ảnh, các thiên thần nhỏ với đủ dáng kiểu, các trái tim nhỏ, các bức chân dung và bản vẽ của các trẻ em. “Mẹ” Pollacci lấy ra một lá thư trong số các lá thư bà lưu giữ, lá thư của một phụ nữ ngoại quốc tên là Dyana, trong đó có đoạn viết: “Tôi may mắn được quen biết với những phụ nữ mạnh mẽ, nhưng tôi chưa bao giờ gặp một phụ nữ như bà, giúp đỡ những người khác một cách trực tiếp và tự nhiên.” Cụ Pollacci giải thích rằng cụ chỉ hiểu được điều này sau khi quen biết cô ta bởi vì trong tiếng Pháp, người hộ sinh có nghĩa là một phụ nữ khôn ngoan.
Đối với cụ Pollacci, mỗi đứa trẻ được cụ giúp chào đời đều như là những đứa con của cụ. Cụ kế luận: “Để cho một đứa trẻ chào đời, chúng ta luôn cần những thứ giống nhau.” Cụ không nói là trong số các thứ này, cần có tình yêu thương và sự chăm sóc như những thứ mà “mẹ” Pollacci đã đặt nơi chúng ta. (Famiglia Cristiana 09/02/2017)
Hồng Thủy


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét