27/06/2017
Thứ Ba tuần 12 thường niên.
Bài Ðọc I: (Năm I) St
13, 2. 5-18
"Bác không muốn có sự bất bình giữa bác và cháu: vì chúng ta
là anh em với nhau".
Trích sách Sáng Thế.
Bấy giờ Abram rất
giàu, có nhiều vàng bạc. Ông Lót, người đi với Abram, cũng có nhiều đàn chiên,
bò và lều trại. Miền đó không đủ chỗ cho cả hai cùng ở, vì họ có nhiều tài sản,
nên không thể ở chung với nhau. Bởi thế các người chăn chiên của Abram và của Lót
hay xảy ra cãi lẫy nhau. Khi ấy dân Canaan và dân Phêrêzê ở miền này.
Vậy Abram nói cùng Lót
rằng: "Bác không muốn có sự bất bình giữa bác và cháu, giữa các người chăn
chiên của chúng ta, vì chúng ta là anh em với nhau. Trước mặt cháu có cả một miền
rộng rãi, xin cháu hãy lìa khỏi bác: nếu cháu đi bên tả, thì bác sẽ đi bên hữu;
nếu cháu chọn phía tay phải, thì bác sẽ đi về phía tay trái". Vậy Lót ngước
mắt lên trông thấy cả miền đồng bằng sông Giođan, có nước dồi dào. (Trước khi
Chúa huỷ diệt thành Sôđôma và Gômôra, cả miền ấy và phía Segor như vườn địa
đàng của Chúa và như đất Ai-cập). Lót chọn miền đồng bằng sông Giođan và đi về
phía đông. Thế là hai bác cháu lìa xa nhau. Abram ở lại đất Canaan, còn Lót ở
các đô thị gần sông Giođan, và cư ngụ tại Sôđôma. Dân thành Sôđôma rất xấu xa,
vì quá tội lỗi trước mặt Chúa.
Sau khi Lót đi rồi,
Chúa phán cùng Abram rằng: "Hãy ngước mặt lên và từ nơi ngươi đang ở, hãy
nhìn tứ phía: đông tây nam bắc. Tất cả đất mà ngươi trông thấy, Ta sẽ ban vĩnh
viễn cho ngươi và dòng dõi ngươi. Ta sẽ làm cho con cháu ngươi đông như bụi đất.
Nếu ai có thể đếm được bụi đất thì mới có thể đếm được con cháu ngươi. Hãy chỗi
dậy và đi khắp miền này, vì chưng Ta sẽ ban miền này cho ngươi". Bởi vậy
Abram di chuyển lều trại đến ở thung lũng Mambrê, thuộc miền Hebron, và dựng
bàn thờ kính Chúa ở đó.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab.
3cd-4ab. 5
Ðáp: Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong đền tạm Chúa? (c. 1a)
Xướng: 1) Người sống
thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi
không bịa lời vu khống. - Ðáp.
2) Người không làm ác
hại đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân,
nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa. - Ðáp.
3) Người không xuất tiền
đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những
điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! -
Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều
lạ lùng của Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 7, 6. 12-14
"Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì
hãy làm cho người ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: "Ðừng lấy của thánh mà cho chó, và đừng vất ngọc
trai trước mặt heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các con.
"Vậy tất cả những
gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người
ta như thế! Ðấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy.
"Các con hãy vào
qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất, và có nhiều
kẻ đi lối ấy; cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Hãy qua cửa hẹp
Một cuốn phim Mỹ với
nội dung như sau: Có đôi vợ chồng trẻ mới thành hôn đưa nhau đi nghỉ cuối tuần
tại Las Vegas, một thành phố cờ bạc nổi tiếng nhất nước Mỹ. Ðang lúc thuận thời
vận, hai người chia sẻ cho nhau ước muốn có được một căn nhà. Một nhà tỷ phú
tình cờ theo dõi câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ. Với tất cả nghiêm chỉnh, ông
đề nghị với họ: nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng cho họ một triệu
Mỹ kim. Chỉ sau một đêm họ có thể trở thành triệu phú. Nghĩ thế, họ ra phòng luật
sư để ký giao kèo. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỷ phú, người chồng
cũng bắt đầu nghĩ lại, viễn ảnh mất vợ bỗng làm anh lo sợ. Thế nhưng đã quá muộn,
sau một đêm để có được tất cả cũng chính là lúc họ mất nhau để rồi đi đến tan vỡ.
Câu chuyện phim trên
đây có thể là một dụ ngôn cho chúng ta hiểu được giáo huấn của Chúa Giêsu trong
Tin Mừng hôm nay: con đường dễ dãi là con đường dẫn đến hư mất, đó là định luật
chung của cuộc sống. "Hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường rộng đưa đến
diệt vong". Thái độ hững hờ không thể đi đôi với những đòi hỏi của Tin Mừng;
cuộc sống dễ dãi, buông thả không có chỗ đứng trong nếp sống của những người
theo Chúa. Ðã một thời cùng ăn, cùng uống, cùng nghe giảng dạy, chưa phải là giấy
thông hành để vào Nước Trời: "Ai nghe những lời Ta dạy mà không đem ra thực
hành, thì ví được như người ngu xây nhà trên cát". Nếu viện lý do mình là
con dòng cháu giống, cũng chưa phải là lý do để được thâu nhận vào Nước Trời.
Trong lúc huấn đức
cho đồ đệ, một người mới nhập viện lên tiếng hỏi vị Thiền sư:
- Thưa Thầy, con
quyết chí tu cho đắc đạo dễ hay khó?
Thiên sư trả lời:
- Không dễ cũng
không khó.
Người đồ đệ ngạc
nhiên hỏi:
- Tại sao lại không
dễ cũng không khó? Con thật không hiểu, xin thầy giải thích.
Thiền sư dõng dạc
trả lời:
- Vì tu đắc đạo
không ở đó.
Người đồ đệ càng sửng
sốt hơn:
- Con không thể nào
hiểu được. Vậy làm sao để đạt đích?
Thiền sư trả lời:
- Vì đường tu không
khoảng cách. Khi con ngưng bước là lúc con tới đích.
Xin Chúa cho chúng ta
thực thi những gì Chúa đòi hỏi. Xin cho chúng ta luôn đi sát Chúa và hướng thẳng
tới đích cao vời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 12 TN1,
Năm lẻ
Bài đọc: Gen
13:5-18; Mt 7:6, 12-14.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chọn đường
khó khăn và hẹp để đi.
Phần đông con người
thích chọn lựa đường bằng phẳng và ngắn nhất để đi, cách nào ít đòi cố gắng nhất
để làm, việc nào dễ dàng nhất nhưng có tiền nhiều nhất. Thực tế chứng minh, người
thành công là người phải chọn lựa ngược lại, như chí sĩ Nguyễn Thái Học đã nói:
"Nếu đường đời bằng phẳng cả; anh hùng hào kiệt có hơn ai?" Vài ví dụ
cho chúng ta thấy điều này: Các lực sĩ trước khi đoạt huy chương vàng, họ phải
hy sinh luyện tập nhiều giờ và kiêng khem ăn uống. Binh lính phải luyện tập nhiều
giờ, vì họ tin: ''thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu.''
Các Bài Đọc hôm nay
cho chúng ta lời dạy quí giá của Chúa Giêsu và gương chọn lựa con đường khó đi
của tổ phụ Abraham. Trong Bài Đọc I, vì muốn bảo vệ tình nghĩa gia đình, tổ-phụ
Abraham đề nghị với cháu là ông Lot, phải sống xa nhau; và cho cháu quyền ưu
tiên chọn đất trước. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ: "Hãy qua cửa
hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều
người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít
người tìm được lối ấy."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúng ta đừng tranh chấp, vì chúng ta là anh em họ hàng với
nhau!
1.1/ Sự giàu có dễ làm
con người tranh chấp với nhau: Giàu có dễ
làm thay đổi tâm tính con người. Khi nghèo đói, con người dễ sống đùm bọc với
nhau; nhưng khi trở nên giàu có, con người bắt đầu thay đổi cách sống, và dễ
dàng tranh chấp để dành thắng lợi. Thuở còn hàn vi, đôi bạn kết nghĩa uống máu
để thề sẽ coi nhau như anh em suốt đời; nhưng khi một hay cả hai trở nên giàu
có, tình bạn bắt đầu đổi khác. Tục ngữ Việt-nam có câu: giàu đổi vợ, sang đổi bạn
là thế.
Hai cậu cháu Abram và
Lot cũng thế: Khi họ còn nghèo, hai cậu cháu luôn sống gắn bó với nhau; nhưng
khi tài sản lớn dần, họ bắt đầu sự tranh cấp từ những người đầy tớ, như trình
thuật hôm nay kể: ''Ông Lót, người cùng đi với ông Abram, cũng có chiên bò và
những chiếc lều. Đất ấy không đủ chỗ cho họ ở chung: họ có quá nhiều tài sản
nên không thể ở chung với nhau được. Một cuộc tranh chấp xảy ra giữa những người
chăn súc vật của ông Abram và những người chăn súc vật của ông Lót.''
1.2/ Cách giải quyết bằng
tình nghĩa của Abram: Nhận ra mối nguy hiểm
của việc tranh chấp, Abram biết đã đến lúc hai cậu cháu phải sống xa nhau để bảo
toàn tình nghĩa, nên ông Abram bảo ông Lót: "Sao cho đừng có chuyện tranh
chấp giữa bác và cháu, giữa người chăn súc vật của bác và người chăn súc vật của
cháu. Vì chúng ta là anh em họ hàng với nhau!''
Không dùng uy quyền của
kẻ cả, ông Abram rộng lượng, để cho cháu chọn trước: ''Tất cả xứ chẳng ở trước
mặt cháu đó sao? Cháu hãy xa bác đi. Nếu cháu đi về bên trái thì bác sẽ đi về
bên phải; nếu cháu đi về bên phải thì bác sẽ đi về bên trái." Con người
tranh chấp vì ai cũng muốn cho mình được phần hơn; nhưng người kính sợ Thiên
Chúa sẽ không cần tranh chấp, vì ông biết Thiên Chúa sẽ luôn luôn chúc lành cho
ông: Có phúc mặc sức mà ăn là thế.
(1) Lựa chọn của ông
Lót: ''Ông Lót ngước mắt lên và nhìn cả vùng sông Jordan: chỗ nào cũng có nước.
Trước khi Đức Chúa tiêu diệt thành Sodom và thành Gomorrah, thì vùng đó, cho đến
tận Zoar, giống như vườn của Đức Chúa, giống như đất Ai-cập. Ông Lót chọn cho
mình cả vùng sông Jordan và đi về hướng đông. Thế là họ xa nhau.'' Ông Lót rất
khôn khi chọn chỗ có nước; vì làm nghề chăn nuôi nên ông cần cỏ: không có nước
làm sao có cỏ! Còn ông Abram ở đất Canaan, vùng đất chảy sữa và mật.
(2) Thiên Chúa ban Đất
Hứa Canaan và chúc lành cho Abram và giòng dõi của ông: Đức Chúa phán với ông
Abram sau khi ông Lót xa ông: "Ngước mắt lên, từ chỗ ngươi đang đứng, hãy
nhìn về phía bắc, phía nam, phía đông, phía tây, vì tất cả miền đất ngươi đang
thấy đó, Ta sẽ ban cho ngươi và cho dòng dõi ngươi mãi mãi. Ta sẽ làm cho dòng
dõi ngươi nhiều như bụi trên mặt đất; nếu người ta đếm được bụi trên mặt đất,
thì mới đếm được dòng dõi ngươi! Đứng lên! Hãy đi ngang dọc khắp miền đất này,
vì Ta sẽ ban nó cho ngươi."
2/ Phúc Âm: Cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong.
2.1/ Phải hiểu thì mới biết
quí trọng Lời Chúa: Để dẫn chứng sự cao quí
của Lời Chúa, Chúa Giêsu đưa ra 2 hình ảnh cho các môn đệ suy nghĩ: "Của
thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới
chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.'' Có nhiều cách phiên dịch và áp dụng câu
này trong lịch sử:
(1) Các tín hữu
Do-thái quá khích dùng câu này để loại trừ Dân Ngoại. Họ nghĩ chỉ có họ mới xứng
đáng được hưởng những của thánh, và Dân Ngoại bị so sánh với chó và heo.
(2) Giáo Hội sơ khai
dùng câu này để bảo vệ Mình Thánh Chúa. Khẩu hiệu "của thánh dành cho người
thánh" được dùng để ngăn cản những người không cùng niềm tin đến lãnh nhận
Mình Thánh Chúa.
(3) Giáo Hội sơ khai
cũng dùng lời này để bảo vệ Lời Chúa và đức tin Công Giáo, vì luôn có những lạc
thuyết nổi lên đe dọa đức tin hay muốn thích ứng với những trào lưu hiện hành.
Nói tóm, các tín hữu cần phải học hỏi để hiểu, thì mới biết quí trọng Lời Chúa.
2.2/ Hai ví dụ của việc sống
Lời Chúa
(1) Luật Vàng của nhân
loại còn kém xa Lời Chúa: Luật Vàng dạy: "Điều gì mình không muốn người
khác làm cho mình, mình đừng làm cho người khác." Luật này chỉ tiêu cực,
vì nó ngăn cản không cho tội xảy ra; nhưng không giúp con người phát triển vác
mối liên hệ với tha nhân. Chúa Giêsu đẩy các môn đệ đến một bước tiến xa hơn:
"Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em
cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Moses và lời các ngôn sứ là thế đó.'' Đây là
luật tích cực, vì nó giúp xây dựng và phát triển các mối liên hệ.
(2) Con người thích đường
rộng rãi thênh thang, Chúa Giêsu dạy: "Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng
và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa
hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.''
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Sống xứng đáng như
những con cái Thiên Chúa không dễ dàng. Ngài đòi chúng ta phải yêu mến Ngài hết
lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và trên hết mọi sự. Đồng thời, chúng ta cũng
phải yêu thương tha nhân như yêu chính mình nữa.
- Con đường trở nên
người môn đệ thực sự của Đức Kitô không phải là con đường dễ dàng như nhiều người
lầm tưởng. Ngài đòi chúng ta phải biết từ bỏ ý riêng mình, vác thập giá của
mình hằng ngày và theo Ngài.
- Để đáp ứng ơn gọi
làm con cái Thiên Chúa và môn đệ của Đức Kitô, chúng ta phải hy sinh để sống
theo các giới răn; nhưng chúng ta sẽ làm chủ cuộc đời và sẽ đạt được đích mà
chúng ta mong muốn.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
Th.
Xy-ri-lô A-lê-xan-ri-a, tiến sĩ HT Mt 7,6.12-14
ĐI QUA
CỬA HẸP
“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và
đường thênh thang thì đưa đến diệt vong.” (Mt 7,13)
Suy
niệm: Người ta thường dùng
hình ảnh cửa và đường rộng thênh thang như cách tiếp thị nhằm thu hút
nhiều du khách đến tham quan công trình. Đang khi ấy, Chúa Giê-su lại giới
thiệu đường và cửa hẹp để mời gọi con người đi vào Nước Trời. Một hình ảnh minh
hoạ cho chân lý ấy là chiếc phi thuyền muốn đến đúng mục tiêu trong không gian
thì phải đi theo một quỹ đạo nhất định, cũng như phải bỏ lại phía sau những bộ
phận vốn được thiết kế từ ban đầu, nhưng nay không cần nữa. Chính Ngài làm
gương cho ta đi qua cửa hẹp khi Ngài vác thập giá qua con đường gồ ghề lên Núi
Sọ để hoàn tất cuộc lội ngược dòng đời về với Cha. Con đường hẹp nào cũng đòi
sự từ bỏ, mang lấy thập giá, là con đường chẳng mấy ai muốn đi, nhưng lại là
con đường dẫn đến sự sống.
Mời Bạn: Chỉ có một con đường, một cánh cửa
để đi vào thiên đàng hạnh phúc, để trở nên hoàn thiện “như Cha trên trời,” đó
là con đường mang tên Giê-su. Cánh cửa đó là cánh cửa hẹp; con đường đó là con
đường thập giá. Bạn chấp nhận đi trên con đường hẹp ấy hay thích chọn cửa rộng
và con đường thênh thang đưa đến diệt vong, bất hạnh muôn đời?
Sống Lời Chúa: Tôi xác tín “đau
thương là đường lên ánh sáng, gian khổ là đường về vinh quang,” và sẽ
là động cơ đúng đắn thúc đẩy cả việc đời và việc đạo trong cuộc đời tôi.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, Chúa
đã chọn đi con đường hẹp để đưa nhân loại đến hạnh phúc Nước Trời. Xin ban sức
mạnh nâng đỡ con để con chọn con đường Chúa đã đi qua mà vào Nước Trời với
Chúa. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
Cửa hẹp và đường chật (27.6.2017 – Thứ ba Tuần 12 Thường niên)
Con đường mà Đức Giêsu đã đi là con đường hẹp, khó đi. Nó hẹp vì nó là
con đường tình yêu, mà yêu
thì không dễ. Ít ai tìm thấy con đường này, mà cũng ít người muốn đi.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay gồm những câu rời rạc.
Câu đầu tiên là một câu khó hiểu đối với chúng ta ngày
nay (c.6),
tuy có thể rất dễ hiểu đối với những người trực tiếp
nghe Đức Giêsu.
“Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai chớ liệng
cho heo…”
Heo là con vật nhơ uế, chó thường được dùng để chỉ dân
ngoại.
Vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai,
sách Điđakhê coi của thánh ở đây là Mình Thánh Chúa,
từ đó xác định rằng chỉ tín hữu mới được rước lễ (9,
5).
Tuy nhiên, có thể hiểu của thánh hay ngọc trai là Tin
Mừng Nước Trời.
Tin Mừng này có thể được đón nhận hay bị từ chối một
cách thô bạo.
Không hẳn chỉ dân ngoại mới có người từ chối và chà
đạp viên ngọc quý.
Cả người Do thái cũng có kẻ bách hại những ai rao
giảng (Mt 10, 17).
Thái độ của người môn đệ là không dừng lại, nản lòng
khi bị chối từ.
nhưng là tiếp tục mang sứ điệp ấy đến cho người khác.
Câu 12 thường được coi là khuôn vàng thước ngọc.
Nó xuất hiện trong nhiều tôn giáo và văn hóa từ xưa.
“Làm cho người khác mọi điều mình muốn họ làm cho
mình.”
Đây là một thái độ tích cực đòi chúng ta một chút
tưởng tượng.
Tôi thử nghĩ xem mình muốn gì nơi người khác.
Cảm thông, bao dung, yêu mến, kính nể, trung thành,
nâng đỡ…
Rồi tôi tìm cách trao cho họ những điều tốt lành mà
tôi ước mong,
vì giữa con người với nhau, vẫn có chung những khát
vọng.
Trong một thế giới mà người ta chỉ tìm làm điều tốt
cho nhau,
thì thế giới đó là địa đàng, nơi sự dữ không còn đất
đứng.
Như thế người Kitô hữu không chỉ yêu anh chị em trong
cộng đoàn,
yêu người thân cận như chính mình (Mt 22, 39),
mà còn yêu mọi người đau khổ cơ nhỡ (Mt 25, 31-46),
thậm chí yêu cả kẻ thù (Mt 5, 44).
Cộng đoàn Kitô hữu là cộng đoàn yêu bằng hành động
tích cực :
“chính anh em hãy làm cho người ta” (c. 12).
Người ta ở đây là mọi người, vượt quá mọi thứ biên
giới.
Con đường mà Đức Giêsu đã đi là con đường hẹp, khó đi.
Nó hẹp vì nó là con đường tình yêu, mà yêu thì không
dễ.
Ít ai tìm thấy con đường này, mà cũng ít người muốn đi
(c. 14).
Chúng ta được mời chọn đi con đường Giêsu,
con đường tình yêu đòi hy sinh mạng sống,
con đường đòi ra khỏi mình để sống cho và sống với tha
nhân.
Và chúng ta tin mình sẽ gặp được hạnh phúc.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,
nếu Hội Thánh được ví như một thân thể
gồm nhiều chi thể khác nhau,
thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu
một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.
Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.
Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.
Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,
thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng,
các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình...
Lạy Chúa Giêsu,
cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,
ơn gọi của con chính là tình yêu.
Con đã tìm thấy
chỗ đứng của con trong Hội Thánh :
nơi Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,
và như thế con sẽ là tất cả,
vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.
Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,
mọi ước mơ của con được thực hiện.
(dựa theo lời của thánh Têrêxa)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27 THÁNG SÁU
Trong Sự Chăm Sóc
Ân Cần Của Cha
Ngay từ thuở ban đầu,
sự quan phòng của Thiên Chúa được xem như một chân lý nền tảng của đức tin. Huấn
quyền của Giáo Hội luôn luôn khẳng định điều ấy, tuy rằng mãi đến Công Đồng
Vatican I chân lý này mới được tuyên bố chính thức về mặt tín lý. Công Đồng nói
về sự quan phòng của Thiên Chúa nơi tạo vật: “Mọi sự mà Thiên Chúa đã sáng tạo,
Ngài gìn giữ và dẫn dắt bằng sự quan phòng của Ngài – sự quan phòng ấy bao trùm
từ chân trời này tới chân trời kia và cai quản tất cả một cách tốt đẹp” (Kn
8,1), “Tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Ngài (Dt 4,13), kể cả những
gì sẽ xảy ra do sáng kiến tự do của các thụ tạo” (DS 3003).
Bản văn của Vatican I
nhằm đáp ứng cho những nhu cầu cụ thể của các tín hữu Công Giáo sống trong thế
kỷ 19. Trước hết, Công Đồng muốn xác nhận giáo huấn vốn sẵn có của Giáo Hội về
sự quan phòng, một giáo huấn bất biến có liên kết chặt chẽ với toàn bộ sứ điệp
Thánh Kinh. Chúng ta nhận ra điều này trong những bản văn Cựu Ước và Tân Ước đã
được trích dẫn trong bản văn của Công Đồng.
Qua việc xác nhận giáo
thuyết này, Công Đồng chống lại những sai lạc của thuyết duy vật và thuyết tự
nhiên thần giáo (deism) của thế kỷ 19. Thuyết duy vật phủ nhận sự hiện hữu của
Thiên Chúa. Thuyết tự nhiên thần giáo tuy nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa
và sự sáng tạo thế giới song lại chủ trương rằng Thiên Chúa không hoạt động
trong thế giới mà Ngài đã sáng tạo. Vì thế, có thể nói rằng thuyết này (deism)
trực tiếp chống lại chân lý về sự quan phòng của Thiên Chúa.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 27-6
Thánh Cyrillô
Alexandria, tiến sĩ Hội Thánh
St 13, 2.5-18; Mt
7, 6.12-14.
Lời suy niệm: “Vậy tất cả
những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho
người ta. Vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó.”
Để thực hiện trọn vẹn
đức Ái. Chúa Giêsu đòi hỏi nơi mỗi một người phải sống tích cực trong việc thực
thi lòng bác ái, đó là phải làm: Làm điều mình muốn người khác làm cho mình; Chứ
không phải không làm những điều mà mình không muốn người khác làm cho mình.
Lạy Chúa Giêsu. Luật
vàng của Chúa, Chúa muốn chúng con thực hành. Xin ban cho chúng con những ơn cần
thiết, để chúng con thực hành điều Chúa đang kêu mời và tin tưởng nơi chúng
con; để Danh Chúa được tỏa sáng khắp nơi.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 27-06: Thánh
CYRILLÔ ALEXANDRINÔ
Giám Mục, Tiến Sĩ Hội
Thánh (+444)
Năm 412 thánh Cyrillô
kế vị cậu Ngài là Theophilô làm giám mục Alexandria. Khi ấy Ngài đã vào khoảng
trung tuần. Người ta không biết gì về cuộc sống Ngài trước đó, trừ trường hợp,
Ngài có mặt trong vụ kết án thánh Gioan Kim Khẩu năm 408. Hiển nhiên là Ngài đã
có thời sống như một ẩn sĩ trong sa mạc và đã được giáo dục kỹ lưỡng về văn
chương Hy Lạp.
Vào thế kỷ V, các giáo
phụ Alexandria đã trở thành những giám mục giàu có và uy quyền nhất trong đế quốc.
Trở thành Kitô, người Ai cập vẫn còn mang những gì còn lại trong tâm tình dân tộc
của mình. Các giám mục tự mô tả như là những Đấng kế vị thánh Marcô, nhưng cũng
kế nhiệm các thượng tế Amen Ra và có phong cách nào đó của Pharao.
Suốt 15 năm đầu làm
giám mục, thánh Cyrillo đã đập tan thế hệ cầm quyền và những nhà đổi tiền Do
thái ở Alexandria. Việc thực thi đức ái của Ngài đối với người nghèo khó, bệnh
hoạn cũng như lòng thương cảm sâu xa của Ngài với mọi tội nhân hối cải, luôn
kèm theo một chút cứng rắn. Chắc chắn là các kẻ thù của Ngài cũng là kẻ thù của
Thiên Chúa. Nhiệt tâm với các linh hồn và say mê bảo vệ đức tin Kitô giáo, Ngài
sẵn sàng dùng đến mọi phương tiện trong tay như là của cải, tài khích lệ quần
chúng và lực lượng các thầy dòng.
Điều này giúp chúng ta
hiểu được tại sao cuộc tranh luận về Kitô học mà Ngài giữ một vai trò lớn lao
đã có màu sắc pha trộn chính trị lâu dài như vậy.
Năm 438, thày dòng
Nestôriô trở thành thượng phụ Constantinople. Dường như ông ta đã làm giám mục
tại triều đình có tham vọng mãnh liệt, tin vào hiệu quả lớn mạnh do đời sống cầu
nguyện của mình và có ý tiêu diệt mọi lạc thuyết. Đàng khác, không chắc rằng
ông đã muốn trở thành lạc giáo. Vào đầu thế kỷ V, các thần học gia đền nhận rằng:
đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Dầu vậy chưa có định tín về mối
tương quan giữa Thiên tính và nhân tính của Người như thế nào. Thánh Cyrillo chủ
trương rằng: cả hai bản tính kết hợp mật thiết với nhau, đến độ Mẹ Chúa Kitô
cũng được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Nestôriô thì phân biệt rằng Mẹ Con Trẻ Giêsu chỉ
được gọi là Mẹ Chúa Kitô mà thôi. Mỗi bên đều tố cáo bên kia là lạc giáo.
Thánh Cyrillo liên kết
với các tu sĩ Đông phương Ngài còn được Đức giáo hoàng nâng đỡ và cử làm Vị đại
diện ở Đông phương. Với mệnh lệnh này, năm 430 Ngài kết án Nestôriô là lạc giáo
tại một hội nghị ở Alexandria. Mùa hè năm 431, Ngài triệu tập và chủ tọa cộng đồng
chung ở Ephesô. Nestôriô không những bị kết án mà còn bị truất phế nữa. Đức
trinh Nữ được tuyên xưng là Mẹ Thiên Chúa.
Công đồng Ephêsô được
Đức giáo hoàng chuẩn nhận. Nhưng hoàng đế lại không công nhận vì thánh Cyrillo
đã không đợi 43 giám mục có thiện cảm với Nestôriô tới họp. Thánh Cyrillo bị bắt
ở Tiểu Á và bị giam tù trong hai tháng. Thánh phụ Antiôkia và các người dưới
quyền cắt đứt hiệp thông với Ngài. Thánh nhân trốn về Ai cập và năm 433 kết hợp
lại được với Antiôkia. Từ đó Ngài lại thúc đẩy hoàng đế chấp nhận các sắc lệnh
của công đồng Ephêsô. Hoàng đế vẫn nghi ngờ Ngài cho đến khi Ngài qua đời vào
năm 444. Thánh Cyrillo vẫn còn dấn thân vào cuộc tranh luận Kitô học này cho đến
chết.
Không có nhà thần học
Hy Lạp nào lớn hơn thánh Cyrillo. Ngài có khả năng tổng hợp và nhận định có thể
so sánh được với thánh Augustinô. Không có thánh nhân nào bị phê bình tàn khốc
như thánh nhân, nhưng ít có thánh nhân nào đã hăng hái như Ngài. Cả những người
ghen ghét cũng không thề chất vấn về sự cao cả của Ngài. Bên dưới sự hăng hái của
Ngài là cả một tình yêu mạnh mẽ đối với đức Kitô với niềm tin mãnh liệt vào
lòng thương xót của Người. Đức giáo hoàng Celestinô xưng tụng Ngài là đấng bảo
vệ Giáo hội và Đức tin".
(daminhvn.net)
27 Tháng Sáu
Con Chim Trong Bàn Tay
Người Ba Tư có kể
câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Ngày xưa, tại quảng
trường của một thành phố nọ, có một nhà hiền triết xuất hiện và tuyên bố giải
đáp được tất cả mọi thắc mắc của bất cứ ai đến vấn kế.
Một hôm, giữa đám
người đang say mê lắng nghe nhà hiền triết, có một mục tử từ trên núi cao đến.
Nghe tiếng đồn về sự thông thái và khôn ngoan của nhà hiền triết, anh muốn chứng
kiến tận mắt, nghe tận tai và nhất là để hạ nhục nhà hiền triết giữa đám đông.
Anh tiến đến gần
nhà hiền triết, trong tay bóp chặt một con chim nhỏ. anh đặt câu hỏi như sau:
'Thưa ngài, trong tay tôi có cầm một con chim. Ngài là bậc thông thái biết được
mọi sự. Xin ngài nói cho tôi biết con chim tôi đang cầm trong tay sống hay chết?".
Nhà hiền triết biết
đây là một cái bẫy mà người mục tử tinh ranh đang giăng ra. Nếu ông bảo rằng
con chim đang còn sống, thì tức khắc người mục tử sẽ bóp cho nó chết trước khi
mở bàn tay ra. Còn nếu ông bảo rằng con chim đã chết thì lập tức con người khôn
manh ấy sẽ mở bàn tay ra và con chim sẽ bay đi.
Sau một hồi thinh lặng,
trước sự chờ đợi hồi hộp của đám đông, nhà hiền triết mới trả lời như sau:
"Con chim mà ngươi đang cầm trong tay ấy sống hay chết là tùy ở ngươi. Nếu
ngươi muốn cho nó sống thì nó sống, nếu ngươi muốn cho nó chết thì nó chết".
Ai trong chúng ta cũng
khao khát hạnh phúc. Ai trong chúng ta cũng mong ước được cuộc sống an bình,
vui tươi. Nhưng lắm khi chúng ta chạy theo chiếc bóng mờ ảo của hạnh phúc hơn
là hưởng nếm chính hạnh phúc đang cầm trong tầm tay của chúng ta. Hạnh phúc
đích thực chính là con chim mà mỗi người chúng ta đang có ở trong lòng tay. Con
chim ấy sống hay chết là tùy ở mỗi người chúng ta. Chúng ta được hạnh phúc,
chúng ta được an bình hay không là do chính chúng ta.
Hạnh phúc đích thực của
chúng ta, niềm vui đích thực của chúng ta chính là Thiên Chúa. Nếu chúng ta để
cho Thiên Chúa chiếm ngự, nếu chúng ta để cho Thiên Chúa lấp đầy, thì cho dẫu
ngoại cảnh có làbầu trời đen tối đi nữa, chúng ta vẫn cảm thấy an bình, hạnh
phúc.
Ý thức được sự hiện diện
của Chúa trong tâm hồn, để cho Chúa chiếm trọn tâm tư, lấy Chúa làm tất cả
trong cuộc sống, chúng ta sẽ có được niềm vui đích thực.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét