Trang

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 14)

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 14)
Vũ Văn An6/25/2017


Chương Bốn: Sinh hoạt tâm trí

Bất chấp các tiên mẫu định sẵn mô tả người tôn giáo như là địch thủ của óc phê phán, phần lớn người Công Giáo thực sự hay suy tư về đức tin của mình. Hàng ngày, các linh mục tương lai và các người giáo dân tới các chủng viện và các đại học để học hỏi giáo huấn Công Giáo, trong khi man vàn người khác tham dự các nhóm học tập, hay đọc các tác phẩm của các bậc thầy thần học Công Giáo, hay thăm dò hệ thống Blog rất phổ biến của Công Giáo. Bất chấp làm gì, họ cũng dành khá nhiều thì giờ để nghiền ngẫm quanh các chủ đề như Thánh Mẫu Học (Mariology), tức ngành thần học nói về Trinh Nữ Maria, cánh chung học (eschatology) tức giáo huấn về cuối đời người, mà người ta hay văn vẻ gọi là tứ chung (4 điều sau hết) tức là chết, phán xét, thiên đàng, hỏa ngục, thần hoc tín lý hay tín lý học (các nguyên tắc cốt lõi của đức tin, như Thiên Chúa Ba Ngôi), và giáo huấn xã hội Công Giáo. Đây không hẳn là việc nhồi sọ ngu dân. Người Công Giáo duy trì nhiều quan điểm khác nhau về tất cả các vấn đề này, và có những cuộc tranh luận rất mạnh mẽ.

Thao tác trí thức hàng đầu của Giáo Hội được đặt tên là “thần học”, nói nôm na là môn học về Thiên Chúa. Các nhà phê bình đôi khi bác bỏ thần học coi nó như một thứ trừu tượng hóa vô nghĩa, như biếm họa thời danh về cuộc tranh luận xem bao nhiêu thiên thần có thể nhẩy múa trên đầu một cây kim. Ở đầu kia của thể liên tục, Thánh Tôma Aquinô, vị linh mục Dòng Đa Minh ở thế kỷ 12 được nhiều người coi là thần học gia vĩ đại nhất trong lịch sử Giáo Hội, có lần lý luận rằng thần học phải là “nữ hoàng” của các khoa học, là bộ môn mà quanh nó mọi bộ môn khác, nghệ thuật, văn chương, chính trị, toán học, và v.v… phải được tổ chức, vì thần học xử lý các sự thật sâu sắc nhất về vũ trụ và số phận tối hậu của đời người.

Dù sao, thần học Công Giáo cũng là một công trình học thuật thành hình hoàn toàn với đủ các chuyên ngành thông thường. Ngoài thần học, các bộ môn tiêu chuẩn khác trong tư duy Công Giáo bao gồm giáo luật, nghiên cứu Thánh Kinh, và lịch sử Giáo Hội. Chương này sẽ phác họa các bộ môn này, mô tả chúng một cách tổng quát qua các nét căn bản và trình bày một điển hình tranh luận liên quan tới chúng. Như sẽ thấy, bất chấp truyền thống 2,000 năm, và bất chấp các cố gắng lớn lao của giáo quyền muốn giải quyết mọi sự cho xong, người ta thấy hầu như đối với mọi vấn đề, các ý kiến vẫn rất khác nhau.

Đâu là các chủ đề lớn trong thần học Công Giáo?

Các phân ngành chính thường là những phân ngành sau đây:

•        Thần học Ba Ngôi, nghĩa là nghiên cứu công thức cổ điển của Kitô Giáo về “ba ngôi vị trong một Thiên Chúa”. Dù là một ý niệm xem ra đơn giản, Thiên Chúa Ba Ngôi đã phát sinh ra rất nhiều cuộc tranh luận hào hứng, như cuộc tranh luận chung quanh công thức nổi danh Filioque, một cuộc tranh luận một phần đã gây ra sự phân ly giữa các Kitô hữu Công Giáo và Chính Thống Giáo ở thế kỷ thứ mười một. Nó xoay quanh vấn đề Chúa Thánh Thần bởi một mình Chúa Cha mà ra hay bởi cả Chúa Con nữa. Kiểu nói La Tinh Filioque có nghĩa là “bởi cả Chúa Con nữa”, nói lên chủ trương của Công Giáo.

•        Thần học tạo thế, xem xét niềm tin tin cho rằng thế giới không tình cờ bước vào hiện hữu nhưng là sản phẩm của kế sách đầy yêu thương của Thiên Chúa. Các nhà thần học Công Giáo thường nói về “cuốn sách tạo thế”; họ cho rằng tạo thế tự nó là một nguồn mạc khải song song với Thánh Kinh, khiến xuất hiện ý niệm “luật tự nhiên”, nghĩa là các hiểu biết thấu suốt và các luật luân lý có thể diễn dịch từ việc suy tư tự nhiên về thiên nhiên. Về phương diện chính thức, người Công Giáo không phải là “những người duy tạo dựng” theo nghĩa Hoa Kỳ. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có lần nhắc tới biến hóa, coi nó “không phải chỉ là một giả thuyết” và nói chung, các nhà thần học Công Giáo cho hay họ không hề có vấn đề gì đối với ý niệm cho rằng Thiên Chúa làm việc qua bộ máy thông thường của thiên nhiên.

•        Kitô học, môn nghiên cứu về ngôi thứ hai của Thiên Chúa Ba Ngôi, tức Con Thiên Chúa. Các Kitô hữu tin rằng Con Thiên Chúa trở thành phàm nhân trọn vẹn trong con người của Chúa Giêsu thành Nadarét, được gọi là Chúa Kitô, một hạn từ Hy Lạp có nghĩa là “Đấng Được Xức Dầu” hay “Mêxia”. Niềm tin này gọi là Nhập Thể, nghĩa là “trở thành xác thịt”. Các nguyên tắc cốt lõi khác của Kitô học bao gồm việc “đền tội” (atonement), tức ý niệm cho rằng cái chết của Chúa Kitô trên Thập Giá đền thay tội lỗi thế gian; Phục Sinh, tức niềm tin cho rằng Chúa Kitô sống lại từ cõi chết sau 3 ngày, cho thấy mọi người, sau này, đều được sống lại; và Thăng Thiên, tức niềm tin cho rằng sau một thời gian ngắn, Chúa Kitô phục sinh “đã lên trời”.

•        Thần khí học (Pneumatology), môn nghiên cứu về ngôi thứ ba của Thiên Chúa Ba Ngôi, tức Chúa Thánh Thần, Đấng được người Công Giáo tin vẫn tiếp tục hoạt động trên thế giới, dần dần lên khuôn lịch sử trong việc chu toàn kế hoạch của Thiên Chúa, dù luôn theo cách tôn trọng ý chí tự do của con người.Các chuyên viên trong thần học Công Giáo đôi khi nói đùa rằng Chúa Thánh Thần là ngôi bị bỏ quên của Thiên Chúa Ba Ngôi, vì trong nhiều thế kỷ, quá nhiều thì giờ và năng lực đã được dành cho việc xem xét Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Giêsu Kitô.

•        Cánh chung học (eschatology), nghĩa là số phận sau cùng của tạo thế, được cô đọng trong các tín điều như việc “đến lần thứ hai” của Chúa Kitô, phán xét chung, thiên đàng và hỏa ngục. Vì khuynh Công Giáo là thích phân biệt tỉ mỉ, nên không lạ gì khi Giáo Hội đã đẻ ra khá nhiều phạm trù trong các thế kỷ trước đây như “lâm bô” (limbo, được người bình dân hiểu là nơi dành cho các bé thơ chết mà chưa được rửa tội) và “luyện tội” (nơi thanh tẩy hay bị phạt tạm thời cho những ai chết trong trạng thái ơn thánh nhưng vẫn còn một vài vết tích của tội).

•        Giáo Hội học, ngành học về Giáo Hội. Lãnh vực này tập chú vào bản chất của cộng đồng do Chúa Kitô tạo lập, bao gồm các chức vụ, các cơ cấu, và các thực hành của Giáo Hội. Giáo Hội học có nhiều hệ quả quan trọng đối với “phong trào đại kết”, tức cố gắng tái lập sự hợp nhất mọi Kitô hữu, đưa gia đình Kitô giáo bị chia rẽ trở lại với nhau.

•        Thần học luân lý, đôi khi được gọi là “đạo đức học Kitô Giáo". Đây là cố gắng diễn dịch các hậu quả luân lý thực tiễn từ tự nhiên và từ mạc khải Thiên Chúa. Nó có khuynh hướng trở thành lãnh vực gây nhiều tranh cãi nhất trong thần học vì đây là nơi người ta tranh luận gay gắt xem thực ra Giáo Hội dạy gì liên quan tới các vấn đề nóng bỏng hiện nay, từ phá thai và đồng tính luyến ái tới chiến tranh và môi trường.

Vì các tín lý như Chúa Ba Ngôi đã được giải quyết từ nhiều thế kỷ trước, còn điều gì nữa để phải tranh cãi?

Dù các tín lý nền tảng trong đức tin Công Giáo đã được ấn định, luôn vẫn có sự căng thẳng giữa các nhà thần học về việc phải hiểu và áp dụng các tín lý này ra sao. Chẳng hạn, đang có cuộc tranh luận về việc người Công Giáo phải nghĩ như thế nào về các tôn giáo khác trên thế giới, nhất là vị trí của những người không phải là Kitô hữu trong kế hoạch của Thiên Chúa và họ đứng ở đâu trong ơn cứu chuộc giành được bởi Chúa Giêsu Kitô, Đấng vốn được Giáo Hội coi là vị cứu tinh duy nhất của vũ trụ.

Có thời, nhiều người Công Giáo tin rằng extra ecclesiam nulla salus (bên ngoài Giáo Hội, không hề có ơn cứu rỗi). Có phải đây là giáo huấn chính thức hay không vẫn là điều bị tranh cãi, nhưng rất nhiều thế hệ người Công Giáo vốn tin như thế. Ấy thế nhưng, vẫn luôn có luồng tư tưởng khác đi theo hướng ngược lại, với câu hỏi xem ra khá hiển nhiên: Thực sự có nghĩa lý chăng khi tin rằng Chúa Thánh Thần hướng dẫn hàng tỷ người vào các tôn giáo không hề có một chút giá trị thần học, và do đó, họ liều mình đánh mất linh hồn bất tử của họ?

Trả lời câu hỏi trên, một số nhà thần học hiện nay, như cố thần học gia Dòng Tên người Bỉ, Cha Jacques Dupuis, đã thúc đẩy để có một sự đánh giá tích cực hơn đối với các tôn giáo không phải là Kitô Giáo. Trong cuộc tranh luận này, các chuyên viên phân biệt ba lập trường khá rộng sau đây:

•        “Độc chiếm” (exclusivism), nghĩa là chỉ các Kitô hữu mới được cứu rỗi mà thôi;
•        “Bao gồm” (inclusivism), nghĩa là những người không phải là Kitô hữu cũng được cứu rỗi nhờ được bao gồm cách nào đó vào ơn cứu rỗi do Chúa Kitô ban phát;
•        “Đa nguyên” (pluralism) nghĩa là những người không phải là Kitô hữu được cứu rỗi nhờ hệ thống tôn giáo riêng của họ không qui chiếu về Chúa Kitô.

Các người Công Giáo có óc canh tân thường ủng hộ lập trường “bao gồm”. Họ lý luận rằng không những lập trường này nhất quán với giáo huấn Công Giáo truyền thống, như ý niệm có từ thời các Giáo Phụ coi các tôn giáo ngoại đạo như mang “hạt giống Lời Chúa”, mà còn vì đây là điều kiện tiên quyết cho cuộc đối thoại liên tôn. Họ nói rằng nói chuyện chi nữa khi Giáo Hội đã có mọi câu trả lời? Các nhà thần học bảo thủ hơn, song song với Vatican, thì tỏ ra thận trọng đối với các lập luận này. Họ lo ngại rằng một quan điểm quá ư tô hồng đối với các tôn giáo khác có thể xâm hại tới niềm tin cho rằng Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Rỗi duy nhất của thế giới, vì coi Người cũng chỉ là một nhà sáng lập tôn giáo khác không hơn không kém, giống như Buddha hay Mohammad. Họ cũng sợ rằng lối suy nghĩ này có thể làm nhụt khí các cố gắng truyền giáo của Công Giáo. Nếu ai cũng o.k. vì là một người Ấn Giáo hay một người thực hành một tôn giáo bộ lạc nào đó, thì đâu còn cần phải cố gắng dẫn đạo họ vào Kitô Giáo làm chi?


Lập trường chính thức của Công Giáo đã được phát biểu trong một văn kiện năm 2000 của Vatican, tựa là Dominus Jesus (Chúa Giêsu). Văn kiện này dạy rằng bất chấp việc Giáo Hội rất tôn trọng tín hữu của các tôn giáo khác, nhưng “nói một cách khách quan, họ ở trong một trạng thái thiếu sót trầm trọng so với những người, ở bên trong Giáo Hội, có đầy đủ các phương tiện cứu rỗi”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét