Trang

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Bài giảng của Đức Thánh Cha lễ làm phép Pallium: 29-6-2017

Bài ging ca Đc Thánh Cha l làm phép Pallium: 29-6-2017

Đức Thánh Cha nói:
 ”Phụng vụ hôm nay cống hiến cho chúng ta 3 lời thiết yếu đối với đời sống của vị Tông Đồ: tuyên xưng, bách hại, cầu nguyện.
 1. Tuyên xưng là lời của thánh Phêrô trong Tin Mừng, khi câu hỏi của Chúa từ tổng quát trở nên đặc thù. Thực vậy, trước hết Chúa Giêsu hỏi: ”Dân chúng nói Con Người là ai?” (Mt 16,13). Từ sự ”thăm dò” đó từ nhiều phía người ta thấy dân chúng coi Chúa Giêsu là một vị ngôn sứ. Bấy giờ Thầy mới hỏi các môn đệ câu hỏi thực là quyết định: ”Nhưng các con, các con nói Thầy là ai?” (v.15). Bấy giờ một mình Phêrô nói: ”Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (v.16). Đó là một sự tuyên xưng nhìn nhận Chúa Giêsu là Đức Messia đang được mong đợi, Thiên Chúa hằng sống, là Chúa tể của chính đời sống của ông”.
 Câu hỏi sinh tử này ngày nay Chúa Giêsu cũng gửi đến chúng ta, tất cả chúng ta, đặc biệt là các vị Mục Tử. Đó là câu hỏi quyết định, và những câu trả lời qua đường không có giá trị trước câu hỏi đó, vì có liên hệ tới chính cuộc sống: và câu hỏi về cuộc sống này đòi phải có câu trả lời bằng chính cuộc sống. Lý do vì nếu chỉ biết các tín điều đức tin thì chẳng hữu ích bao nhiêu nếu ta không tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa bằng chính cuộc sống của mình. Ngày hôm nay Chúa nhìn tận mắt chúng ta và hỏi: ”Thầy là ai đối với con?”, như thể Ngài nói: ”Thầy có là Chúa tể đời sống của con, là hướng đi của tâm hồncon, là lý do hy vọng, là niềm tín thác không lay chuyển của con hay không?”.
  Với thánh Phêrô và cả chúng ta, ngày hôm nay chúng ta hãy canh tân sự chọn lựa cuộc sống của chúng ta như môn đệ và tông đồ; chúng ta tiến từ câu hỏi thứ I sáng câu hỏi thứ hai của Chúa Giêsu, để trở thành những người của Chúa không những bằng lời nói, nhưng còn bằng việc làm và cuộc sống.
 ”Chúng ta hãy tự hỏi xem chúng ta có phải là những Kitô hữu ”phòng trà”, nói chuyện tầm phào về những sự việc diễn tiến thế nào trong Giáo Hội và thế giới, hoặc chúng ta là những tông đồ đang tiến bước, tuyên xưng Chúa Giêsu bằng cuộc sống vì chúng ta có ngài ở trong tâm hồn. Ai tuyên xưng Chúa Giêsu thì biết rằng mình không phải chỉ buộc phải cho ý kiến, nhưng còn hiến mạng sống, họ biết rằng mình không thể tin một cách nguội lạnh, nhưng được kêu gọi nồng cháy vì tình yêu; biết rằng trong cuộc sống mình không thể trôi nổi hoặc an tọa trong thoải mái, nhưng phải liều ra khơi, mỗi ngày tái lao mình trong sự hiến thân. Ai tuyên xưng Chúa Giêsu thì làm như thánh Phêrô và Phaolô: theo Chúa cho đến cùng; không phải đến một điểm nào đó, nhưng là cho đến tận cùng, và theo Chúa trên con đường của Ngài, chứ không theo những con đường của chúng ta. Con đường của Chúa là con đường đời sống mới, vui mừng và phục sinh, con đường cũng tiến qua thập giá và bách hại.
 2. Bước qua lời thứ hai là những bách hại. ĐTC nói: Không những thánh Phêrô và Phaolô đã đổ máu vì Chúa Kitô, nhưng toàn thể cộng đoàn nguyên thủy cũng bị bách hại, như sách Tông đồ công vụ nhắc nhở chúng ta (Xc 12,1). Cả ngày nay, tại nhiều nơi trên thế giới, nhiều khi trong bầu không khí thinh lặng, đôi khi trong thinh lặng đồng lõa, bao nhiêu tín hữu Kitô bị gạt ra ngoài lề, bị vu khống, kỳ thị, bị bạo lực nhiều khi bị giết chết, nhiều khi không có sự dấn thân của những người có nhiệm vụ bảo vệ những quyền thánh thiêng của họ.
 ”Nhưng nhất là tôi muốn nhấn mạnh điều mà thánh Phaolô Tông Đồ quả quyết trước khi ”đổ máu làm hy lễ” (2 Tm 4,6) như Ngài đã viết. Đối với Thánh Nhân, sống là Chúa Kitô (Xc Pl 1,21) và Chúa Kitô chịu đóng đanh (Xc 1 Cr 2,1), Đấng đã hiến mạng sống vì Người (Xc Gl 2,20). Thế là, trong tư cách là môn đệ trung tín, thánh Phaolô đã theo Thầy bằng cách hiến mạng sống mình. Không có thập giá thì không có Chúa Kitô, nhưng không có thập giá thì cũng chẳng có Kitô hữu. Thực vậy, ”đặc điểm của nhân đức Kitô là không phải chỉ làm điều thiện, nhưng cũng còn là biết chịu đựng những bất hạnh” (Agostino, Disc. 46,13), như Chúa Giêsu. Chịu đựng bất hạnh không những là kiên nhẫn và bước đi trong thái độ cam chịu; chịu đựng là noi gương Chúa Giêsu: là mang gánh nặng, mang gánh ấy trên vai vì Chúa và vì tha nhân. Là chấp nhận thập giá, tiến bước trong tín thác vì chúng ta không lẻ loi: Chúa chịu đóng đanh và sống lại ở với chúng ta. Và như thế, với thánh Phaolo chúng ta có thể nói rằng ”trong mọi sự chúng ta đã chịu đau khổ, nhưng không bị đè bẹp, bị đảo lộn nhưng không thất vọng; bị bách hại nhưng không bị bỏ rơi” (2 Cr 4,8-9).
 ”Chịu đựng là biết chiến thắng với Chúa Giêsu theo cách thức của Ngài, chứ không phải theo cách thế của thế gian. Vì thế, Thánh Phaolo, như chúng ta đã nghe, coi mình là người chiến thắng sắp được lãnh triều thiên (Xc 2 Tm 4,8) và Ngài viết: ”Tôi đã chiến đấu một trận chiến cam go, tôi đã kết thúc cuộc chạy, tôi đã bảo tồn đức tin” (v.7). Cách cư xử duy nhất trong cuộc chiến cam go của thánh nhân là sống cho, không phải cho mình, nhưng cho Chúa Giêsu và tha nhân. Ngài đã sống bằng cách chạy, nghĩa là không tránh mệt mỏi, nhưng xả thân. Nói mình đã bảo tồn: không phải sức khỏe, nhưng bảo tồn đức tin, nghĩa là tuyên xưng Chúa Kitô. Vì yêu Chúa, Ngài đã chịu những thử thách, tủi nhục và đau khổ, những điều ngài không bao giờ tìm kiếm, nhưng chấp nhận. Và như thế, trong mầu nhiệm khổ đau dâng hiến vì tình yêu, trong mầu nhiệm mà bao nhiêu anh chị em bị bách hại, nghèo khổ và bệnh tật đang thể hiện ngày nay, sức mạnh cứu độ của Thập Giá Chúa Kitô chiếu tỏ rạng ngời.
 3. Lời thứ ba là cầu nguyện. Đời sống của tông đồ trào dâng từ sự tuyên xưng và biểu lộ trong sự dâng hiến, diễn ra mỗi ngày trong kinh nguyện. Kinh nguyện là nước không thể thiếu được, nuôi dưỡng hy vọng và làm tăng trưởng lòng tín thác. Kinh nguyện làm cho chúng ta cảm thấy được yêu mến và giúp chúng ta yêu mến. Kinh nguyện làm cho chúng ta tiến bước trong những lúc tối tăm, vì thắp lên ánh sáng của Thiên Chúa. Trong Giáo Hội kinh nguyện nâng đỡ tất cả chúng ta và làm cho chúng ta vượt thắng những thử thách. Chúng ta còn thấy điều đó trong bài đọc thứ I: ”Trong khi Phêrô bị cầm tù, Giáo Hội không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện cho thánh nhân' (Cv 12,5). Một Giáo Hội cầu nguyện thì được Chúa giữ gìn và tiến bước trong sự đồng hành của Chúa. Cầu nguyện là phó thách cho Chúa con đường để Ngài chăm sóc. Kinh nguyện là sức mạnh liên kết và nâng đỡ chúng ta, là liều thuốc chống lại sự lẻ loi và tự mãn dẫn tới cái chết tinh thần. Vì Thánh Thần sự sống không thổi nếu ta không cầu nguyện và không có cầu nguyện những nhà tù nội tâm cầm tù chúng ta sẽ không được mở ra.
 Trong phần kết của bài giảng, ĐTC nói:
 ”Xin các thánh Tông Đồ cầu cho chúng ta được một con tim như các vị, vất vả và an bình nhờ kinh nguyện: vất vả vì cầu xin, gõ cửa và chuyển cầu, chịu trách nhiệm về bao nhiêu người và những hoàn cảnh cần ủy thác; nhưng đồng thời được an bình, vì Thánh Thần mang lại sự an ủi và can cảm khi ta cầu nguyện. Thật là điều cấp thiết phải có những bậc thầy cầu nguyện trong Giáo Hội,nhưng trước tiên là những người nam nữ cầu nguyện, sống kinh nguyện!
 ”Chúa can thiệp khi chúng ta cầu nguyện, Chúa là Đấng trung tín với tình yêu mà chúng ta tuyên xưng với ngài và ở cạnh chúng ta trong những thử thách. Chúa đã đồng hành trên những nẻo đường của các Tông Đồ và ngài cũng sẽ đồng hành với anh em, các Hồng Y thân mến, tụ họp nơi đây trong tình bách ái của các Tông Đồ đã tuyên xưng đức tin bằng máu. Chúa cũng sẽ gần gũi anh em là những vị TGM, sau khi nhận giây Pallium, anh em sẽ được củng cố sống cho đoàn chiên, noi gương vị Mục Tử nhân lành, Đấng nâng đỡ anh em, vác anh em trên vai. Chúa cũng nồng nhiệt mong ước được thất đoàn chiên của Ngài được hiệp nhất, xin Chúa chúc lành và gìn giữ cả Phái đoàn của Tòa Thượng Phụ chung, và người anh em yêu quí của tôi là Bartolomeo, Người đã gửi phái đoàn đến đây trong dấu chỉ hiệp nhất tông đồ”.
 G. Trần Đức Anh OP dịch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét