28/05/2019
Thứ Ba tuần 6 Phục Sinh
BÀI ĐỌC I: Cv 16, 22-34
“Anh hãy tin vào Chúa Giêsu,
thì anh và cả nhà anh sẽ được cứu thoát”.
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Trong những ngày ấy,
dân thành Philipphê xúm lại chống đối Phaolô và Sila; các nhà chức trách cho
người xé áo choàng các ngài, và ra lệnh đánh đòn. Khi đã đánh các ngài nhừ tử,
họ cho tống ngục, và truyền cho viên canh ngục canh giữ cẩn thận. Được lệnh như
thế, viên cai ngục giam các ngài vào ngục sâu nhất, và còng chân các ngài lại.
Đến nửa đêm, Phaolô và
Sila cầu nguyện ca tụng Thiên Chúa; các tù nhân đều lắng nghe các ngài. Bỗng xảy
ra một cuộc động đất lớn, làm rung chuyển cả nền móng ngục thất. Tức khắc mọi cửa
đều mở tung, và xiềng xích mọi tù nhân đều rơi xuống. Viên cai ngục giật mình
thức dậy, thấy các cửa ngục mở tung, thì rút gươm toan tự vẫn, vì tưởng những
người bị xiềng đã tẩu thoát. Nhưng Phaolô kêu lớn tiếng rằng: “Anh chớ hại
mình, vì chúng tôi còn tất cả ở đây”. Viên cai ngục gọi lấy đèn, rồi chạy vào
tù, và run rẩy sấp mình dưới chân Phaolô và Sila; đoạn dẫn hai ngài ra ngoài và
nói: “Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu thoát?” Hai ngài đáp: “Hãy tin
vào Chúa Giêsu, thì anh và cả nhà anh sẽ được cứu độ”.
Hai ngài giảng dạy lời
Chúa cho anh và mọi người trong nhà. Ngay lúc đó, giữa ban đêm, viên cai ngục
đem hai ngài đi, rửa vết thương, và lập tức anh ta được chịu phép rửa cùng với
tất cả người nhà. Rồi anh đưa hai ngài lên nhà, dọn bàn ăn. Anh và cả nhà vui mừng
vì đã tin Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 137, 1-2a.
2bc-3. 7c-8
Đáp: Lạy Chúa, tay
hữu Chúa khiến con được sống an lành (c. 7c).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Lạy Chúa,
con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các
thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. –
Đáp.
2) Và con sẽ ca tụng
uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa
đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. – Đáp.
3) Tay hữu Chúa khiến
con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự, lạy
Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Ngài.
– Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 26
Alleluia, alleluia!
– Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều; và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những
gì Thầy đã nói với các con. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 16, 5b-11
“Nếu Thầy không đi, thì Đấng
Phù Trợ sẽ không đến với các con”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: “Bây giờ Thầy về với Đấng đã sai Thầy, mà các con
không ai hỏi Thầy: Thầy đi đâu? Nhưng vì Thầy đã nói với các con điều đó, nên
lòng các con tràn ngập u sầu. Dầu vậy Thầy phải nói sự thật cho các con: Thầy
đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến
với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con. Khi Người
đến,Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Về tội
lỗi vì họ đã không tin vào Thầy. Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các
con sẽ không còn thấy Thầy. Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử”.
Đó là lời Chúa
SUY NIỆM : Hoạt Động Của
Thánh Thần
Sách Công vụ Tông đồ
kể lại rằng trong dịp lễ Ngũ tuần khi người Do thái tự khắp nơi tuôn về
Yêrusalem để mừng lễ, các Tông đồ lúc đó đang tề tựu một nơi, thì bỗng từ trời
một tiếng ào ào như thế cuồng phong thổi đến, vang khắp cả nhà, hết thảy họ được
đầy Thánh Thần và nói được các thứ tiếng tùy theo Thần Khí ban cho họ. Phêrô đã
mạnh mẽ rao giảng về Đức Giêsu thành Nazaret vừa bị Hội đồng Do thái kết án và
đống đinh Thập gía, nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại. Nghe Phêrô giảng, có
khoảng 3000 người đã hối cải và xin chịu thanh tẩy.
Lời giảng của Phêrô đạt
được kết quả như vậy là nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng đã tác động trên người nghe lẫn
người giảng, một công việc đã được Chúa Giêsu tiên báo trước khi Ngài từ giã
các môn đệ như được tường thuật trong Tin mừng hôm nay: “Khi Đấng Phù trợ đến,
Ngài sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt”.
Lời tiên báo của Chúa
Giêsu đã hiện thực trong đám đông Do thái vào dịp lễ Ngũ tuần. Việc làm của họ
một lần nữa được Phêrô nhắc lại và nhờ Thánh Thần họ đã hiểu thế nào là tội, là
sự công chính, là án phạt. Việc làm ngày hôm trước Lễ Vượt qua, họ tưởng là phụng
sự Thiên Chúa mà kỳ thực họ đã lầm vì đã giết chết Đấng thánh của Thiên Chúa được
sai đến để cứu dân. Về phần Chúa Giêsu Ngài bị giết chết, nhưng đã sống lại và
đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu đi đến tận cùng của việc bị kết án,
thì cũng là lúc con người nhận ra sự công chính nơi Ngài. Viên bách quản đã thốt
lên: “Người này thật là Con Thiên Chúa”, và đám đông chứng kiến cảnh tượng ấy
đã đấm ngực mà lui về. Cái chết của Ngài là một chiến thắng tội lỗi và sự chết,
để những ai bước theo Ngài không còn lo âu thất vọng, nhưng phấn khởi vui mừng
vì một ngày kia cũng được thông phần vinh quang với Ngài.
Kitô hữu ngày nay cũng
được đón nhận Thánh Thần và được Ngài cho biết về tội lỗi, về sự công chính, về
án phạt. Tuy nhiên hiểu biết mà thôi chưa đủ, mà còn phải hành động nữa. Chính
hành động đã dẫn họ đến miền đất của công chính hay án phạt 3000 người Do thái
trở lại vào dịp lễ Ngũ tuần không phải là những người vô tội. Trong nhóm họ,
nhiều người đã kết án Chúa Giêsu, nhưng không vì thế mà bây giờ họ không còn lối
thoát. Thánh Thần đã mở lối cho họ hiểu biết, Ngài cũng vạch đường cho họ bước
theo.
Như người Do thái, nhiều
lần chúng ta đã nhiệt tâm hành động và cứ tưởng như thế là tôn vinh Thiên Chía.
Chỉ khi đối diện với Thần Chân Lý, chúng ta mới nhận ra điều sai lầm của chúng
ta. Xin Thánh Thần soi sáng để chúng ta luôn đi trong chính lộ và mau mắn chỗi
dậy mỗi khi chúng ta lầm lỗi.
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần VI PS
Bài đọc: Acts
16:11-15; Jn 15:25-16:4.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vinh quang và
đau khổ cần thiết cho cuộc đời.
Cuộc đời của con người
có khi bình an có khi sóng gió; khi thành công khi thất bại; khi vui cũng như
lúc buồn, khi thịnh vượng cũng như lúc đói nghèo… Hai thái cực này cần thiết để
giữ thăng bằng cho cuộc sống: khi vui không vui quá, tới độ quên Thiên Chúa và
bổn phận phải chu toàn; khi buồn không buồn quá, tới độ mất niềm tin vào Thiên
Chúa và tiêu hủy cuộc đời.
Các Bài Đọc hôm nay tập
trung trong hai mặt của cuộc đời. Trong Bài Đọc I, Phaolô hưởng được sự thành
công khi rao giảng Tin Mừng tại Philippi: một phụ nữ tên Lydia và gia đình của
Bà chịu Phép Rửa khi nghe Phaolô giảng. Bà mời Phaolô và các bạn đồng hành dùng
nhà Bà làm nơi để sinh sống và rao giảng Tin Mừng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu
báo trước cho các môn đệ biết họ sẽ bị bắt bớ, đánh đòn và trục xuất khỏi hội
đường khi rao giảng Tin Mừng; nhưng Thánh Thần mà Chúa Giêsu sẽ gởi đến, sẽ
giúp các ông nhận ra sự thật và làm chứng cho Chúa Giêsu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phaolô chinh phục một phụ nữ Âu-châu đầu tiên về cho Thiên
Chúa.
Trong hành trình rao
giảng Tin Mừng, Phaolô và các bạn đồng hành cũng gặp nhiều thành công và nhiều
thất bại: khi thì người nghe nhận ra sự thật và chịu Phép Rửa như người phụ nữ
và gia đình của Bà hôm nay; khi thì bị người ta đổ vạ cáo gian để đánh đòn, giam
cầm, và trục xuất khỏi thành phố như trình thuật ngày mai. Trong mọi hoàn cảnh,
Phaolô vẫn kiên trì rao giảng Tin Mừng dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, và vui
lòng chịu đựng mọi gian khổ vì Danh Chúa.
1.1/ Phaolô rao giảng Tin
Mừng tại Philippi: Trong cuộc hành trình lần
thứ hai, Phaolô được Thánh Thần hướng dẫn trong một thị kiến, để ra khỏi ranh
giới của Asia Minor và tiến vào vùng đất của Âu-châu, bắt đầu với Macedonia,
như ông tường thuật hôm nay: “Xuống tàu ở Troas, chúng tôi đi thẳng đến đảo
Samothrace, rồi hôm sau đến Neapolis. Từ đó chúng tôi đi Philippi là thị trấn
quan trọng nhất trong hạt ấy của tỉnh Macedonia, và là thuộc địa Rôma. Chúng
tôi ở lại thành đó mấy ngày.”
1.2/ Gia đình Bà Lydia chịu
Phép Rửa: Theo truyền thống Do-thái, chỗ nào
không có hội đường, họ thường tập họp ở bờ sông để cầu nguyện và đọc Sách
Thánh. Có lẽ, vì không có hội đường ở Philippi, nên Phaolô kể: “Ngày Sabbath,
chúng tôi ra khỏi cổng thành, men theo bờ sông, đến một chỗ chúng tôi đoán chừng
có nơi cầu nguyện. Chúng tôi ngồi xuống nói chuyện với những phụ nữ đang họp
nhau tại đó.” Chúng ta có thể học kinh nghiệm của Phaolô. Giống như Chúa Giêsu,
ông lợi dụng mọi cơ hội để rao giảng Tin Mừng: trong hội đường cũng như ở các
nơi hội họp; cho đàn ông cũng như cho đàn bà; cho giới thượng lưu cũng như cho
người nghèo khổ.
Trong giới phụ nữ có một
bà tên là Lydia, quê ở Thyatira, là người chuyên buôn bán vải điều. Đây là một
loại vải đắt tiền và kiếm được nhiều lợi nhuận. Bà là người tôn thờ Thiên Chúa;
bà nghe, và Chúa mở lòng cho bà để bà chú ý đến những lời ông Phaolô nói. Sau
khi nghe Phaolô rao giảng Tin Mừng, bà và cả nhà đã xin chịu Phép Rửa. Có lẽ là
người có nhà cửa rộng rãi, nên Bà ngỏ lời với các sứ giả: “Các ông đã coi tôi
là một tín hữu Chúa, thì xin các ông đến ở nhà tôi.” Và bà ép chúng tôi phải nhận
lời.
Thiên Chúa luôn thúc đẩy
và khuyến khích những tâm hồn thiện chí và có phương tiện, để họ mở rộng tâm hồn
đón tiếp các sứ giả trong cuộc lữ hành loan báo Tin Mừng. Chúng ta phải noi
gương Bà Lydia để đón tiếp các nhà truyền giáo, nhất là ở những nơi xa xôi hẻo
lánh, để giúp họ có sức khỏe và phương tiện mang Lời Chúa đến cho mọi người.
Khi mở lòng đón tiếp họ, chúng ta đón tiếp chính Chúa; và chúng ta cũng sẽ được
phần thưởng của các tiên tri như Chúa đã hứa.
2/ Phúc Âm: Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường.
2.1/ Những chứng nhân của
Đức Kitô:
(1) Thánh Thần: “Đấng
mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát
xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.” Con người không thể hiểu mặc khải
của Chúa Giêsu, nếu không có Thánh Thần tác động từ bên trong. Ngài soi lòng mở
trí để các tín hữu nhận ra sự thật và tin vào Đức Kitô.
(2) Các môn đệ: “Cả
anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.” Để có thể
làm chứng, các môn đệ cần có ba điều kiện: Thứ nhất, kinh nghiệm cá nhân sống với
Chúa Giêsu; thứ hai, các ông cần xác tín Ngài là Đấng Thiên Sai, những gì Ngài
đã nói và đã làm; sau cùng, các ông phải làm chứng cho Ngài khi cơ hội tới. Nếu
thiếu một trong 3 điều kiện này, các ông không thể làm chứng cho Ngài.
2.2/ Người rao giảng Tin
Mừng sẽ bị truy tố.
(1) Chúa Giêsu không dấu
diếm điều gì với những người muốn theo Chúa, Ngài báo trước những gì các môn đệ
sẽ phải chịu vì Danh Ngài và vì rao giảng Tin Mừng. Có hai lý do khiến Chúa chuẩn
bị cho các ông: Thứ nhất, “Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị
vấp ngã.”
Nhiều người Công-giáo
nghĩ rằng, một khi họ theo đạo là cuộc đời sẽ bình an vì được Chúa và Mẹ chúc
lành và bảo vệ; nhưng họ có biết đâu rằng: bắt đầu cuộc sống môn đệ là bắt đầu
cuộc sống từ bỏ ý riêng mình và vác thập giá với Chúa. Hơn nữa, đức tin cần được
thử thách trong gian khổ như lửa thử vàng, thì mới biết đức tin nào thật và vững
chắc. Thứ hai, để các ông nhớ lại những gì Ngài nói khi các ông bị truy tố và
tìm được bình an: “Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ
hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.” Con người có thể ngạc
nhiên khi không ai báo trước cho mình biết đau khổ sẽ xảy ra; nhưng nếu Chúa Giêsu
đã báo trước, và Ngài cũng đã đi qua con đường này, người môn đệ sẽ chuẩn bị và
biết bình tĩnh đối phó khi điều ấy xảy đến.
(2) Lý do bị truy tố:
Thứ nhất, những Thủ Lãnh Do-thái trong Thượng Hội Đồng kết án và đóng đinh Chúa
Giêsu, vì họ tưởng rằng làm như thế là làm vinh quang Thiên Chúa. Một ví dụ
khác là trường hợp của ông Saul bắt đạo trước khi trở lại. Ông là người nhiệt
thành gìn giữ Lề Luật của tổ tiên, nên ông không muốn các Kitô hữu vi phạm truyền
thống này. Thứ hai, “Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng
biết Thầy.” Điều này hiển nhiên, vì nếu các Thủ Lãnh biết chắc Chúa Giêsu là Đấng
Thiên Sai, họ đã không luận tội và kết án Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Đau khổ và vinh
quang là hai khía cạnh của cuộc sống. Giống như Đức Kitô, chúng ta cũng phải trải
qua đau khổ trước khi đạt đến vinh quang.
– Chúng ta cần giữ
thái độ bình tĩnh và bình an khi đạt được thành công cũng như khi phải đương đầu
với đau khổ; vì tất cả đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa.
– Chúng ta đều có bổn
phận trong việc rao truyền và làm chứng cho Tin Mừng. Nếu chúng ta không có
hoàn cảnh làm những điều này, chúng ta phải giúp đỡ và tạo cơ hội cho các nhà
truyền giáo để họ chu toàn bổn phận rao giảng Tin Mừng cho mọi người.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
28/05/2019 – THỨ BA TUẦN 6 PS
Ga 16,5-11
SỰ HIỆN DIỆN MỚI MẺ
“Song, Thầy nói thật
với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em.”(Ga 16,7)
Suy niệm: Động từ “ra đi” trong bản
văn Tin Mừng được nhắc đến nhiều lần, nhưng mang hai nghĩa khác nhau. Trước hết,
“ra đi” là đi về cùng Chúa Cha; thứ đến, “ra đi” là không còn ở với các môn đệ
một cách thể lý nữa. Có “ra đi” thì có trở về. Thầy Giê-su, sau cuộc Khổ nạn và
Phục sinh, sẽ đến với các môn đệ, nhưng đó là sự hiện diện mới mẻ, thiêng liêng
hơn và cũng thân mật hơn, thâm sâu hơn. Thầy sẽ gởi Thánh Thần đến dạy dỗ các
môn đệ, cho các ông biết rằng từ nay Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ đến, ngự trị nơi tâm
hồn con người. Thánh Thần cũng sẽ làm chứng về Thầy Giê-su, soi sáng cho các
môn đệ hiểu được những lời Thầy mình dạy ngày nào. Rốt cùng, đặt thế gian trước
một lựa chọn: hoặc tin vào Đức Giê-su để được cứu rỗi, hoặc cứng lòng ở lì
trong tội lỗi.
Suy niệm: Tuần Thánh năm nay được
ghi dấu bởi sự kiện Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy. Cây Thánh Giá nơi cung thánh
vẫn còn nguyên vẹn giữa đống đổ nát. Bên ngoài, các tín hữu quỳ gối cầu nguyện.
Cũng vậy, Thánh giá vẫn luôn chiếu sáng, Thánh Thần vẫn hoạt động chờ đợi bạn
nhận ra sự hiện diện mới mẻ của Thiên Chúa trong đời bạn, qua những sự kiện
đang diễn ra, để bạn hoán cải cách triệt để hơn.
Sống Lời Chúa: “Thiên Chúa luôn viết thẳng
trên những đường cong.” Bạn dành ít phút hồi tâm về một biến cố đã xảy đến, và
cảm nhận sự hiện diện của Chúa trong đời bạn thế nào.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, thật
không dễ để đón nhận một biến cố đau lòng. Nhưng con tin chắc Chúa, qua đó, cho
con có cơ hội để hoán cải, nhận biết sự hiện diện của Chúa nơi bản thân con và
trong thế giới này. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Có lợi cho anh em (28.5.2019 –
Thứ Ba Tuần 6 Phục Sinh)
Suy niệm:
Người Pháp vẫn thường nói: ra đi là chết một chút.
Cuộc chia ly nào cũng đem lại những mất mát buồn phiền.
Khi biết mình sắp phải chia tay Thầy,
các môn đệ cũng không tránh khỏi tâm trạng đó (c.6).
Gần ba năm sống bên Thầy, tuy ngắn ngủi nhưng có bao là kỷ niệm.
“Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy” (c. 5).
Thầy Giêsu đã an ủi bằng cách nói rằng mình đi để dọn chỗ cho họ.
Rồi Thầy trò lại được chung sống bên nhau (Ga 14, 1-3).
Chuyện Thầy về với Cha lẽ ra phải làm họ vui sướng,
vì Thầy được Cha tôn vinh (Ga 14, 28).
Nhưng lý do chính khiến Thầy ra đi là nhằm lợi ích cho môn đệ.
“Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em ;
nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (c. 7).
Rõ ràng sau khi Đức Giêsu chết, phục sinh, hiện ra nhiều lần và lên trời,
sau khi các môn đệ không còn thấy Ngài nữa,
thì Đấng Bảo Trợ bắt đầu đóng một vai trò quan trọng.
Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, sẽ làm công việc của một người Thầy.
“Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại
mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14, 26).
Thầy Thánh Thần giúp ta hiểu được và đến được với Thầy Giêsu.
Thánh Thần như người phụ đạo, tiếp nối việc giảng dạy của Thầy
Giêsu.
Thánh Thần còn là người làm chứng cho Thầy Giêsu nữa,
để các môn đệ cũng can đảm trở nên chứng nhân cho Thầy (Ga 15, 26-27).
“Thầy đi thì có lợi cho anh em” (c.7).
Khi Đức Giêsu hoàn tất phần công việc Cha giao cho mình (Ga 17, 4; 19,
30),
Ngài chuyển giao mọi việc còn lại cho Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ.
Ngài tìm điều có lợi hơn cho sự lớn lên của các môn sinh,
dù Ngài rất yêu họ và muốn được sống gần họ (Ga 13, 1; 17, 24).
“Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14, 18).
Đức Giêsu đến với môn đệ bằng việc sai Thánh Thần.
Đúng là họ sẽ chẳng bao giờ mồ côi, vì họ đã có một Đấng Bảo Trợ.
Trong cuộc sống lắm khi người Kitô hữu thấy Chúa Kitô như vắng mặt.
Buồn chán, thất vọng, xao xuyến, sợ hãi, khô khan chiếm lấy lòng
mình.
Không phải lúc nào cũng thấy Chúa gần bên, ấm áp và thân thiện.
Những lúc khó khăn đó lại có thể là dịp để ta tập yêu Ngài cách nhưng
không,
tin Ngài chỉ tìm điều có ích hơn cho ta,
và kiên nhẫn đợi chờ quà tặng bất ngờ do Ngài gửi đến.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Thánh Thần,
xin Ngài hãy đến như cơn gió mát
thổi vào đời con,
thổi vào Giáo Hội,
thổi vào thế giới,
để đem lại cho chúng con
sự tươi mới nhẹ nhàng, sự tự do thanh thoát.
Xin Ngài hãy đến như dòng nước trong
chảy vào đời con,
chảy vào Giáo Hội,
chảy vào thế giới,
để cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp, khô cằn, cứng cỏi,
và làm bật dậy
những mầm xanh sự sống nơi chúng con.
Xin Ngài hãy đến như ngọn lửa hồng
chiếu sáng đời con,
chiếu sáng Giáo Hội,
chiếu sáng thế giới,
để chúng con không còn đồng lõa với tối tăm,
nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng,
đó là làm cho vũ trụ này rực sáng Tình yêu.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28 THÁNG NĂM
Nỗi Xao Xuyến Không
Ngừng Gặm Nhấm Tạo Vật
Con người có khả năng
cầu nguyện. Vì thế, con người trở thành tiếng nói của mọi loài thụ tạo. Các
Tông Đồ cầu nguyện với nhau và với Đức Maria trong căn gác thượng ở
Giê-ru-sa-lem. Giáo Hội cầu nguyện nhân danh toàn thể mọi tạo vật.
Thật vậy, muôn loài đã
bị lâm vào cảnh hư ảo (Rm 8, 20) do tội lỗi là cái chống lại Thần Khí trao ban
sự sống. Và kìa, trước mắt chúng ta , con người đang đạt được những bước tiến bộ
kỳ diệu trong các lãnh vực khoa học và kỹ thuật. Những thành tựu ấy đặc biệt mở
ra cho thấy sự phong phú ẩn giấu trong tạo vật. Song nó cũng mở ra cho thấy sự
tội đồn trú trong lòng con người và lan tràn ra các xã hội xét như một phần của
lịch sử chúng ta.
Đó là lý do tại sao một
nỗi xao xuyến đang dậy lên trong thế giới. Nhiều người sợ rằng thế giới tạo vật
và mọi công cuộc của con người có thể còn lâm vào bế tắc hơn nữa – khi chúng ta
kinh nghiệm những mối khủng hoảng và những đe dọa đang ngày càng gia tăng. Vì
thế mọi tạo vật – xuyên qua lời cầu nguyện của mọi con người (hơn là xuyên qua
các công trình của con người) – lên lời rên siết kêu nài. Thánh Phao-lô nói:
“Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh
quang của con cái Ngài” (Rm 8, 19).
Chúng ta hãy cầu nguyện:
“Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nói lên bằng mọi thứ ngôn ngữ của thế giới hiện
đại – ngôn ngữ của văn hóa và văn minh; ngôn ngữ của sự đổi mới xã hội, kinh tế
và chính trị; ngôn ngữ của công lý và giải phóng; ngôn ngữ của các hệ thống
thông tin và của các phương tiện truyền thông đại chúng. Lạy Chúa, xin cho
chúng con biết công bố khắp mọi nơi về bao công trình kỳ diệu của Chúa. Xin
Thánh Thần Chúa tràn ngập trên chúng con! Xin hãy đổi mới bộ mặt địa cầu xuyên
qua sự mặc khải vinh quang của con cái Ngài”.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 28/5
Cv 16, 22-34; Ga
16, 5-11
LỜI SUY NIỆM: “Thầy nói thật
với anh em, Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy khống ra đi, Đấng
Bảo Trợ sẽ không đến với anh em, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến
với anh em.”
Chúng ta là những người Kitô hữu, được Chúa Giêsu loan báo về việc Chúa Thánh
Thần sẽ đến trên mỗi người chúng ta, cũng như trong các cộng đoàn và toàn thể
nhân loại, để Ngài sáng tạo và tái tạo, nắn đúc và phục hồi thực tại nhân loại,
và tâm hồn con người; làm cho nó trở nên phù hợp với ý định sáng tạo ban đầu của
Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con được biến đổi và được tái tạo
lại theo thánh ý Chúa Cha lúc khởi đầu tạo dựng của Ngài.
Mạnh Phương
28 Tháng Năm
Người Tín Hữu Cuối Cùng
Tiểu thuyết gia Graham
Greene thuật câu chuyện ông dự định viết như sau:
Ðây là một chuyện
giả tưởng sẽ xảy ra trong tương lai rất xa, khi toàn thế giới chỉ còn được thống
trị do một đảng duy nhất. Cảnh đầu tiên ở trong câu chuyện diễn ra trong một
khách sạn nhỏ vào lúc màn đêm đã bao trùm vạn vật. Một người khách già nua, mệt
nhọc, xốc xếch trong chiếc áo đi mưa đã phai màu, mang một chiếc xách tay tiến
vào khách sạn, xin thuê một phòng. Ông ta viết tên họ, nghề nghiệp và địa chỉ
vào bản lý lịch và chệnh choạng đi lên phòng. Người quản gia nhìn vào bản lý lịch
và buộc miệng hỏi anh thư ký:
– Anh có biết ai đấy
không?
– Làm sao tôi biết
được. Anh thư ký trả lời.
– Ðức Giáo Hoàng đấy!
Người quản gia quả quyết để anh thư ký tròn xoe đôi mắt hỏi vặn lại: Ðức Giáo
Hoàng? Ðức Giáo Hoàng là gì?
Ðạo công giáo lúc ấy
đã bị tiêu diệt hoàn toàn, chỉ còn Ðức Giáo Hoàng là người duy nhất được sống
sót. Mạng Ngài còn được dung tha vì hai lý do: thứ nhất, đẻ chứng minh cho
chính Ngài và cho mọi người là Giáo Hội đã chết và thứ hai, để theo dõi xem có
tín hữu nào còn lần mò đến để tiếp xúc với Ngài không.
Khi đã biết chắc chắn
100% là duy có Ngài là độc nhất còn mang đức tin công giáo, nhà độc tài cho độ
Ngài đến và tự tay lảy có súng, kết liễu cuộc đời người tín hữu cuối cùng.
Nhưng trong giây phút, giữa lúc bóp cò và Ðức Thánh Cha chết, một ý tưởng lóe
ra trong đầu óc nhà độc tài: Có thể điều này ông tin lại có thật, thì sao?
Xuyên qua đời sống
tính nhân của các tín hữu, có thể những người xem thấy đời sống chứng tá của họ
tự hỏi: Tại sao họ lại sống như thế? Tại sao họ không chạy theo trào lưu, sống
như nhưng kẻ khác, thời bây giờ ai lại không mánh mum lừa đảo, chợ đen chợ đỏ,
v.v…? Lý tưởng nào hay ai đã ghi hình ảnh trên họ? Tại sao họ lại sống ở giữa
chúng ta? Như thế đời sống chứng nhân đã là một sự tuyên xưng thầm lặng của tín
hữu, nhưng nó rất mãnh liệt và hữu hiệu. Ðó là những lời phát biểu của Ðức cố
Giáo Hoàng Phaolô VI trong lời giáo huấn của Ngài mang tựa đề “Truyền giáo
trong xã hội tân tiến”, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Các con là muối đất”, “Các
con là ánh sáng thế gian”. Ngài gọi những tín hữu như thế với lòng xác tín là họ
xứng đáng để phơi bày và chia sẻ cho anh chị em đang sống bên cạnh.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét