Trang

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Những người Hồi Giáo hữu lý

Những người Hồi Giáo hữu lý

Dù giữa lúc người Kitô Hữu bị Hồi Giáo Trị bách hại dã man đến mức độ Đức Cha Tommaso Ghirelli của Giáo Phận Imola, Ý, gọi là dã thú, Đức Phanxicô vẫn kêu gọi các vị Giám Mục Cameroon tiếp tục đối thoại với người Hồi Giáo. Bởi vì, ngài biết Hồi Giáo vẫn còn rất nhiều người hữu lý. 

Ngoài bản tin hôm nay về việc nhà vua Bahrain hiến tặng Giáo Hội Công Giáo 9,000 mét vuông đất để xây nhà thờ chính tòa dâng kính Đức Mẹ Ả Rập ra, bản tin Catholic World News cũng như bài viết của George Weigel ngày 9 tháng 9, 2 ngày trước kỷ niệm biến cố 11 tháng 9 lần thứ 13, cũng đã nói về những người hữu lý trên. 

Dựa vào bản tin của tờ Le Figaro, Catholic World News cho biết các nhà lãnh đạo Hồi Giáo nổi tiếng nhất tại Pháp vừa cùng nhau lên tiếng kết án một cách vô tiền khóang hậu việc bách hại Kitô Hữu của Hồi Giáo Trị.

Trong “Lời Kêu Gọi Từ Paris” (L’Appel de Paris) công bố hôm 9 tháng 9 tại Đại Giáo Đường Hồi Giáo ở Paris, các nhà lãnh đạo Hồi Giáo Pháp đã “không mập mờ tố cáo các hành động khủng bố này, vốn là các tội ác chống lại nhân loại, và long trọng tuyên bố rằng các nhóm này, những kẻ ủng hộ chúng, và những người chúng tuyển dụng không thể tự nhận mình là Hồi Giáo”

Lời Kêu Gọi Từ Paris lên án “những kẻ man rợ” vì sự tàn ác của chúng, và nhấn mạnh rằng “các lời kêu gọi thánh chiến bừa bãi và các chiến dịch của chúng nhằm nhồi sọ giới trẻ không hề phù hợp với các giáo huấn và các giá rị của Hồi Giáo”. Những người ký tên vào Lời Kêu Gọi Từ Paris cam kết chống lại mọi cố gắng của những người đấu tranh Hồi Giáo quá khích nhằm tuyển dụng các cảm tình viên trẻ Âu Châu. Họ tuyên xưng “quyền bất khả nhượng của anh em Kitô hữu tại Đông Phương…được ở lại và sống hợp nhân phẩm và an toàn trên đất đai của họ và tự do thực hành đức tin của họ”. 

Lời kêu gọi trên được ký bởi Dalil Boubakeur, Viện Trưởng Đại Giáo Đường Hồi Giáo Paris và là Chủ Tịch Hội Đồng Đức Tin Hồi Giáo Pháp; Anouar Kbibech, chủ tịch Hội Đồng Người Hồi Giáo Pháp và nhiều người tên tuổi khác. 

Nhật Báo Le Figaro cho hay một cách tổng quát đây là lời kêu gọi long trọng của Hội Đồng Tín Ngưỡng Hồi Giáo Pháp, và xác nhận đây là lần đầu tiên người Hồi Giáo Pháp chính thức lên tiếng kết án tính man rợ của những người thánh chiến Hồi Giáo và bênh vực các Kitô hữu Đông Phương. 

Le Figaro cũng cho hay tuy mùa hè qua, các liên đoàn Hồi Giáo ít nhiều đã lên tiếng kết án việc xua đuổi có hệ thống người Kitô hữu ra khỏi Iraq của Hồi Giáo Trị nhân danh Hồi Giáo rồi, nhưng chưa bao giờ họ đưa ra được một chủ trương chung như thế này. 

Những người chủ trương trên cũng sẽ phát động một hội nghị quốc tế lớn về chủ đề này tại Paris vào cuối năm nay và yêu cầu rằng buổi cầu nguyện vào ngày 12 tháng 9 này tại khắp các đền thờ Hồi Giáo của Pháp và của Âu Châu nên dành để“tưởng niệm các anh em Kitô hữu Đông Phương của chúng ta đang là nạn nhân của bất khoan dung và chính sách man rợ”.

Dalil Boubakeur nói rằng “tôi thấy đã có những bĩu môi đầy hoài nghi trước điều bị coi là sự bất lực của loại kêu gọi này, nhưng ở đây chúng ta đang trong một cuộc chiến tranh văn hóa: với sức mạnh của vũ khí, chúng ta lấy sức mạnh tâm linh, sức mạnh của tinh thần để chống lại”.

Patrick Karam, một người ký tên khác và là Chủ Tịch Ủy Ban Phối Trí “Các Kitô Hữu Đông Phương Đang Lâm Nguy” thì cho hay: “Một cách nghịch thường, các Kitô hữu Đông Phương luôn bênh vực sự hiện diện của người Hồi Giáo tại Pháp”. Điều này phản ảnh phần cuối cùng của Lời Kêu Gọi: “Làm sao có thể tưởng tượng được một Trung Đông bị cưa mất một phần căn tính của nó, phần từng đóng góp vào sự bừng nở nền văn minh của nó? Chính vì thế những người ký tên kêu gọi mọi người ý thức bi kịch mà các Kitô Hữu Đông Phương hiện đang phải sống”.

Fouad Ajami vĩ đại

George Weigel nhắc tới một người Hồi Giáo vĩ đại mới nằm xuống ngày 22 tháng 6 vừa qua, tên là Fouad Ajami. Weigel cho rằng, suốt 4 thập niên qua, người này vốn là thầy dạy vô giá của mình trong các vấn đề liên quan tới thế giới Ả Rập và sự bất mãn thường hay giết người của nó. Đây là một vạc dầu sôi sục những cuồng nhiệt tự hủy mà người Shiite Libăng này biết rõ. Ông qua định cư ở Hoa Kỳ vì tại đây, ông tìm được một kiểu mẫu của lịch thiệp và khoan dung mà ông muốn cho dân ông được hưởng. 

Fouad Ajami mô tả các căn bệnh của thế giới Ả Rập một cách sáng sủa đặc biệt và đầy duyên dáng văn chương. Ông không hề là kẻ lưu vong chuyên chỉ trích vặt vãnh những gì mình bỏ lại; mà là một nhà phê bình sắc bén, sâu sắc và cuối cùng biết cảm thông, luôn thương tiếc tình huống đầy thảm họa của nền văn minh Ả Rập hiện tại, việc những tên độc tài đánh cướp các nền chính trị của Ả Rập để phục vụ cho chính chúng, việc những tên cuồng tín duy Hồi Giáo điên cuồng bài Do Thái, và hậu quả là không biết bao cuộc đời ra hư hỏng hoặc mất mát. Lòng cuồng nhiệt sâu sắc của ông trước các mục nát của nền văn hóa Ả Rập chưa bao giờ được diễn tả một cách hùng hồn cho bằng cột báo ông viết cho tờ Wall Street Journal, một tháng sau ngày 11 tháng 9:

“Một bóng đêm, một mùa đông dài, đã giáng xuống người Ả Rập. Không có gì mọc được ở khoảng giữa một bên là trật tự chính trị chuyên chế và bên kia là dân chúng bị phó cho những thao túng muôn đời của những tên độc tài, bị phó cho những ghét bỏ quỉ quái nhất của chúng. Có một điều gì đó bất ổn trong thế giới Ả Rập, một thế giới bao vây các tòa đại sứ Hoa Kỳ để xin nhập cảnh nhưng đồng thời vẫn mở hội mừng các thảm hoạ họ gặp phải. Một điều gì đó quả sai lầm một cách khủng khiếp nơi một thế giới, trong đó, người trẻ tự trói mình bằng chất nổ, chỉ để được chào mừng là 'tử đạo' hay 'người phục thù'".

Mấy tháng trước đây, Fouad gửi điện thư cho Weigel tỏ ý hết sức phấn khích trước những gì ông nhận ra nơi Đức GH Phanxicô. Ông nói đùa: trong hoàn cảnh này, ông dám trở lại Công Giáo lắm! Dĩ nhiên đây chỉ một bông đùa, nhưng âm sắc đầy mầu nghiêm túc. Trong các năm trước, ông tỏ lòng tôn kính Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI. Ông còn mời cả Weigel đến nói chuyện tại một kỳ hội thảo của ông tại Trường Quốc Tế Học Cao Cấp của ĐH John Hopkins về vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong việc lên khuôn các nền chính trị thế giới. Theo Fouad, vai trò đó đã thay đổi. Quyền lực được Giáo Hội Công Giáo ngày nay triển khai không còn là quyền lực chính trị như ngày trước nữa; nay nó đã là quyền lực tinh thần, quyền lực do thuyết phục và lý lẽ tạo ra; cả hai điều này, theo Fouad, đều chủ yếu nếu thế giới Ả Rập muốn ra khỏi cái bãi lầy trí thức mà nó đã sa vào mấy thế kỷ qua. 

Bởi thế, trong khi rất nhiều người lên án Đức Bênêđíctô XVI về bài diễn văn Regensburg năm 2006 của ngài, thì Fouad hiểu ra rằng vị giáo hoàng người Bavaria này đã nhận diện đúng đắn hai thách đố chủ yếu mà lịch sử đương đại đã đặt ra cho Hồi Giáo thế kỷ 21: đây là các thách đố biết tìm cho bằng được, nơi các nguồn Hồi Giáo có thẩm quyền, các bảo đảm của Hồi Giáo để hỗ trợ một chính sách khoan dung tôn giáo, và biết phân biệt hai thẩm quyền trong đời sống công cộng: thẩm quyền tôn giáo và thẩm quyền chính trị. 

Fouad biết rõ: câu trả lời cho hai chủ nghĩa duy Hồi Giáo chính trị và duy thánh chiến không phải là biến hàng trăm triệu người Hồi Giáo trở thành những người duy tự do theo nghĩa thế tục; điều này đơn thuần sẽ không diễn ra, trừ nơi óc tưởng tượng của các chiến lược gia về chính sách ngoại giao. Nhưng có một câu trả lời khác. Giáo Hội Công Giáo đã phục hồi được nhiều thành tố đã mất trong chính truyền thống của mình và tiện thể đã học hỏi được nhiều điều mới mẻ, nhờ thế đã tiến tới chỗ chủ trương tự do tôn giáo và ủng hộ tính hiện đại của chính trị. Đó là điều Hồi Giáo cần phải làm. 

Chắc chắn Fouad Ajami hết sức đau lòng khi Mosul bị sạch bóng người Kitô hữu do chính sách sát nhân quỉ quái của Hồi Giáo Trị ISIS. Trung Đông mà ông rất mong góp phần hạ sinh vốn là một vùng biết trân trọng rất nhiều truyền thống tôn giáo và trân quí các hồng phúc văn hóa mà mỗi truyền thống này đã đem lại cho nhau. Sự bất cẩn không thể nào hiểu được nơi người Hoa Kỳ khi bỏ rơi Iraq trong mấy năm qua làm Fouad rất buồn.


Vũ Văn An9/10/2014(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét