06/11/2014
Thứ Năm sau Chúa Nhật
31 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm II) Pl 3, 3-8
"Những
điều xưa kia được kể là lợi ích cho tôi, thì nay tôi coi là bất lợi vì Ðức
Kitô".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh
em thân mến, chính chúng ta là những người chịu cắt bì, chúng ta phụng thờ
Thiên Chúa theo thần trí, và khoe mình trong Ðức Giêsu Kitô, chứ không tin tưởng
vào xác thịt, mặc dầu chính tôi cũng có thể ỷ lại vào xác thịt. Nếu có ai khác
nghĩ mình có lý để ỷ lại vào xác thịt, thì tôi còn có lý hơn: tôi đã chịu cắt
bì từ ngày thứ tám, là người chủng tộc Israel, thuộc chi họ Bengiamin, là người
Do-thái sinh bởi người Do-thái, là người biệt phái chiếu theo lề luật. Bởi lòng
đạo đức nhiệt thành, tôi đã bách hại Hội Thánh Thiên Chúa, chiếu theo đức công
chính do lề luật công bố, tôi được coi là người không có gì đáng trách.
Nhưng
những điều xưa kia được kể là ích lợi cho tôi, thì nay vì Ðức Kitô tôi coi là bất
lợi. Vả lại tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được
biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự, và coi là phân
bón cả, để lợi được Ðức Kitô.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 104, 2-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Tâm hồn những
ai tìm Chúa, hãy mừng vui (c. 3b).
Xướng:
1) Hãy ca tụng Chúa, hãy hoan hô danh Người, hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa
chư dân. Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của
Chúa. - Ðáp.
2)
Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn
luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ và những điều
Ngài phán quyết. - Ðáp.
3)
Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Người, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được
Người kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Người bao
trùm khắp cả địa cầu. - Ðáp.
Alleluia:
2 Cr 5, 19
Alleluia,
alleluia! - Thiên Chúa ở trong Ðức Kitô đã giải hoà thế gian, để chúng ta nghe
lời của Con Chúa. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 15, 1-10
"Trên
trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người
giảng. Thấy vậy, những người Biệt phái và Luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này
đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người
phán bảo họ dụ ngôn này: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất
một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con
chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác
chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng:
"Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!" Cũng
vậy tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là
vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.
"Hay
là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn,
quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời
các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: "Chị em hãy vui mừng
với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất". Cũng vậy, tôi bảo các
ông: Các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Con
Chiên Lạc
Có
một câu chuyện về cuộc đời của một thiếu nữ tên Liker với nội dung như sau:
Liker phục vụ trong quân đội Anh, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy cô trở thành gái mãi
dâm. Lúc thành phố Paris được giải phóng sau thế chiến thứ hai, không lâu sau
đó, Liker phục vụ những khách hạng sang tại một trong những nơi ăn chơi nổi tiếng
nhất của Paris do Patric làm chủ. Trong lúc tận tình giúp đỡ một thiếu nữ khác
để khỏi rơi vào hoàn cảnh éo le của mình, Liker đã bắn chết Patric. Cô bị tống
giam, nhưng trong cảnh ngục tù, Liker đã gặp các Nữ tu có tên gọi là các chị
Bêtania, là Dòng chuyên nâng đỡ những cô gái sa cơ lỡ bước, những người nghiện
ngập, những người sống đầu đường xó chợ. Vài nữ tu này trước kia cũng là nạn
nhân của xã hội như những người họ đang phục vụ. Mãn hạn tù, Liker xin gia nhập
dòng và trở thành một trong các chị Bêtania.
Nữ
tu Liker trong câu truyện trên đây là tiêu biểu cho con chiên lạc mà Tin Mừng
hôm nay đề cập đến. Nàng đã sa cơ lỡ bước, nhưng Thiên Chúa qua cử chỉ của các
chị Bêtania đã đi tìm gặp chị và mời gọi chị trở nên bạn chí thiết của Ngài
trong đời sống hiến dâng.
Hai
dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay rất đơn sơ, nhưng mang đầy ý nghĩa. Vai chính là
người chăn chiên và người phụ nữ. Những người chăn chiên thời Chúa Giêsu thường
bị khinh miệt, vì họ là những người nghèo nàn, ít học, bị nghi ngờ gian lận, và
vì phải luôn sống với đàn chiên ngoài đồng, nên họ không thể giữ luật ngày Hưu
lễ cũng như không thể tham dự các giờ kinh trong Hội đường. Còn các phụ nữ là
những công nhân hạng hai, theo tâm thức của Việt Nam ngày xưa: "Nhất nam
viết hữu, thập nữ viết vô", nhưng họ được Chúa Giêsu dùng làm hình ảnh để
so sánh với chính Thiên Chúa.
Giá
trị của những vật bị mất: một con chiên không có giá trị là bao so với đàn
chiên; một đồng bạc cũng thế so với số còn lại; nhưng đối với người chăn chiên
và người phụ nữ trong dụ ngôn, con chiên và đồng bạc có giá trị đặc biệt. Mỗi
người chúng ta cũng thế, dù là những kẻ vô danh, một con số trong bảng thống kê
nhưng lại có giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa.
Công
khó đi tìm: không quản khó nhọc, không sợ nguy hiểm, người chăn chiên đã lặn lội
đi tìm con chiên lạc; người phụ nữ cũng thế, đã thắp đèn quét dọn cho đến khi
tìm được đồng bạc đã mất. Thiên Chúa cũng đối xử với các tội nhân như thế.
Niềm
vui tìm được những vật đã mất: trên trời sẽ vui mừng và các thiên thần Chúa sẽ
nhảy mừng, tượng trưng cho chính Thiên Chúa: Thiên Chúa vui mừng khi một tội
nhân ăn năn hối cải.
Một
Thiên Chúa sung sướng khi chúng ta sống đúng theo thánh ý Ngài. Một Thiên Chúa
giầu lòng thương xót, vì tình thương vô biên của Ngài. Nữ tu Liker trong câu
truyện trên đã cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa, còn chúng ta, cho đến bao giờ
mới có một kinh nghiệm như thế?
Chúng
ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được hiểu thêm lòng thương xót vô biên của
Chúa. Xin cho chúng ta mau mắn chỗi dậy mỗi lần sa ngã, với niềm xác tín vào
lòng nhân hậu vô bờ của Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 31 TN2
Bài đọc: Phil 3:3-8; Lk
15:1-10.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng thương xót của
Thiên Chúa
Nhiều
người trong chúng ta có khuynh hướng tự hào về lịch sử huy hòang của mình:
giòng họ phú quí, bằng cấp, chức quyền …, nhưng rất nhiều khi những điều họ tự
hào này chẳng giúp ích gì mà còn làm hại chúng ta nữa. Vì thế, chúng ta cần cẩn
thận suy xét để tìm ra những gì thực sự giúp ích cho cuộc đời mình. Trong Bài đọc
I, Thánh Phaolô nhận ra cái “lịch sử huy hòang” mà ngài đã từng tự hào, làm
ngài súyt chết trong biến cố ngã ngựa trên đường đi Damascus; nhưng lòng thương
xót của Người mà các Kitô hữu tin tưởng, mới thực sự là Người sinh ích cho cuộc
đời của ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mở mắt cho các Kinh-sư và Biệt-phái
nhìn thấy lòng thương xót của Thiên Chúa là lý do tại sao con người được cứu độ,
chứ không phải thái độ “tự cho mình là công chính” của họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Cậy vào “xác thịt”hay cậy trông nơi Thiên Chúa?
1.1/
Phaolô xét mình:
Phaolô nhìn lại cái “lịch sử huy hòang” mà ông đã từng tự hào về nó: “Nếu ai có
lý do để cậy vào xác thịt, thì tôi càng có lý do hơn: tôi chịu cắt bì ngày thứ
tám, thuộc dòng dõi Israel, giòng họ Bengiamin, là người Do-Thái, con của người
Do-Thái; giữ luật thì đúng như một người Pharisêu; nhiệt thành đến mức ngược
đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật thì chẳng ai trách được tôi.”
Nhưng
những gì xảy ra từ khi biến cố ngã ngựa trên đường đi Damascus đã làm ông xét lại
niềm tự hào này: Nếu việc ngược đãi những Kitô hữu đẹp lòng Thiên Chúa thì ông
đã không bị té ngựa. Thiên Chúa có thể giết chết ông nhưng Ngài vẫn để cho sống.
Thiên Chúa có thể để cho ông mù lòa nhưng Ngài đã chữa cho sáng mắt. Thiên Chúa
có thể để ông lầm lạc trong niềm tự hào về lịch sử huy hòang của ông, nhưng
Ngài đã mặc khải cho ông hiểu đâu là Sự Thật. Thiên Chúa có thể để ông sống như
bao tín hữu, nhưng Ngài trao ban cho ông sứ vụ Rao Giảng Tin Mừng.
1.2/
Phaolô được soi sáng và nhận ra lòng thương xót Chúa: Sau khi Thánh
Phaolô so sánh cái “lịch sử huy hòang” của mình với tất cả những “ơn thánh” nhận
được từ biến cố Damascus đến giờ, Thánh Phaolô khiêm nhường thú nhận: “Những gì
xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi.”
-
Cái lợi đầu tiên và quan trọng nhất là biết sự thật, và Sự Thật trên hết mọi sư
thật là chính Đức Kitô. Thánh Phaolô xác nhận: “Mối lợi tuyệt vời nhất là được
biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi.” Kinh nghiệm quá khứ mở mắt cho người nhìn
thấy tai hại to lớn của việc không biết Sự Thật.
-
Cái lợi thứ hai như chúng ta đã thấy trong đạo lý của ngài trước đây: con người
không thể nên công chính bằng việc giữ cẩn thận Lề Luật, nhưng bằng niềm tin
vào Đức Kitô. Vì Thiên Chúa thương xót con người, nên đã cho Đức Kitô xuống trần
để gánh tội thay cho con người. Chính vì Đức Kitô, con người có thể nên công
chính trước Thiên Chúa.
1.3/
Phaolô rút ra kết luận cho tương lai: Ngài đưa ra 2 ví dụ cụ thể hôm nay:
(1)
Cắt bì theo xác thịt mà đối phương đòi các tín hữu phải làm không có gía trị vì
“phép cắt bì chính hiệu là phép cắt bì trong tâm hồn, theo tinh thần của Lề Luật
chứ không phải theo chữ viết của Lề Luật” (Rom 2:29). Ngài củng cố các tín hữu:
“Chúng ta mới thật là những người được cắt bì, những người thờ phượng Thiên Chúa
nhờ Thánh Thần của Người, những người hiên ngang hãnh diện vì Đức Kitô Giêsu,
chứ không cậy vào xác thịt.”
(2)
Từ bỏ mọi sự để chiếm hữu Đức Kitô: “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất
cả như rác, để được Đức Kitô.”
2/
Phúc Âm:
Lòng thương xót của Thiên Chúa
2.1/
Xét đóan tha nhân thay vì xét mình cẩn thận: Một trong những xung đột chính
giữa Chúa Giêsu với các Kinh-sư và Biệt-phái là lối sống giả hình. Họ luôn tìm
cách bắt bẻ Chúa về việc không giữ luật lệ bên ngòai: rửa tay trước khi ăn, chữa
bệnh trong ngày Sabbath; và hôm nay, ăn uống với tội nhân. Trong trình thuật của
Luca hôm nay, các người Biệt-phái và các Kinh-sư xét đóan:
-
tha nhân: các người thu thuế và gái điếm là những người tội lỗi trước mắt họ;
và họ tin những hạng người này không bao giờ được chung hưởng vinh quang trong
Nước Thiên Chúa.
-
Chúa Giêsu: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng."
Giao tiếp với những hạng người như thế làm cho con người ra nhơ bẩn tội lỗi.
Trong
những trình thuật khác, Chúa Giêsu đã trách mắng họ là những mồ mả tô vôi: bên
ngòai có vẻ đẹp đẽ, nhưng bên trong đầy những giòi bọ rúc rỉa. Hãy xét mình và
làm cho sạch bên trong trước rồi mới có đủ sáng suốt để xét đóan tha nhân.
Trong trình thuật hôm nay, Chúa hướng lòng họ về lòng thương xót của Thiên Chúa
đối với các tội nhân.
2.2/
Chúa dạy con người 2 ví dụ về lòng thương xót của Thiên Chúa:
(1)
Tìm được con chiên lạc: Con
chiên đi lạc là vì lỗi của nó, đã không chịu nghe theo chủ; nhưng ông chủ chẳng
những không xét lỗi nó, mà còn đi tìm cho kỳ được. Ông đi tìm vì nó là của ông,
cho dẫu vẫn còn 99 chiên khác. Khi tìm thấy, ông không kết tội, không đánh đập,
nhưng mừng rỡ vác chiên trên vai trở về và mở tiệc ăn mừng!
(2)
Đồng tiền bị mất: Đồng
tiền bị mất là vì chẳng may, cũng như bao con người sa ngã vì hòan cảnh chẳng
may đưa tới. Người phụ nữ thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được vì nó là
của bà, cho dẫu bà vẫn còn 9 quan khác. Khi tìm thấy Bà mở tiệc ăn mừng! Có người
đặt câu hỏi Bà có thể phải dùng cả 9 đồng kia để mua thức ăn đãi khách để ăn mừng
đồng tiền kiếm thấy!
Cả
2 ví dụ đều kết thúc bằng câu kết luận của Chúa Giêsu: “Cũng thế, tôi nói cho
các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi
ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối
ăn năn.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải năng xét mình cẩn thận để nhận ra chúng ta và mọi người đều là tội
nhân trước Thiên Chúa.
-
Thiên Chúa yêu thương tội nhân và sẵn sàng đi tìm họ như Đức Kitô đi tìm Phaolô
trên đường đi Damascus, như người mục tử đi tìm con chiên lạc, và như người đàn
bà đi tìm đồng bạc đánh mất.
-
Vì Thiên Chúa đã yêu thương tha thứ cho chúng ta, chúng ta không được quyền kết
tội tha nhân như các Kinh-sư và Biệt-phái, nhưng phải sẵn sàng tha thứ cho họ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 31
Lc 15,1-10
A. Hạt giống...
Khung cảnh : thầy Chúa Giêsu gần gũi với những
người tội lỗi đến gần, nhóm pharisêu và kinh sư trách Ngài. Chúa Giêsu đã dùng
những dụ ngôn để trả lời cho họ. Tất cả những dụ ngôn này đều đề cao hình ảnh
một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài xót xa khi một người lầm đường rơi
vào tội lỗi. Do đó Ngài tha thiết tìm cứu người tội lỗi. Khi cứu được một người
tội lỗi, Ngài rất vui mừng.
B.... nẩy mầm.
1. Thật cảm động thái độ ân cần của người chăn
chiên đối với con chiên đi lạc : chỉ vì một con chiên nhỏ trong bầy 100 con mà
đành bỏ mọi việc để chỉ làm một việc là đi tìm nó, tìm thấy rồi thì vác nó trên
vai, mời bạn bè và hàng xóm đến chung vui. Thái độ của người đàn bà mất tiền
cũng thế : chỉ một đồng quan mà tìm rất cực khổ và kỹ lưỡng : thắp đèn, quét
nhà, moi móc, và cũng mời bạn bè hàng xóm chung vui khi tìm thấy. Nhưng cảm
động hơn nữa là cảnh trên thiên đàng : “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ
vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. Chúng ta hãy im lặng. Không cần
suy nghĩ, chỉ chiêm ngưỡng, cảm xúc và cảm tạ tình thương vô biên của
Chúa đối với tội nhân.
2. “... hơn là vì 99 người công chính không cần
phải sám hối ăn năn” : Những kẻ thấy mình “không cần phải sám hối ăn năn” là
những người nghĩ rằng mình “công chính”, nhưng thực ra họ không phải là người
“công chính” thật. 99 người như thế không đáng là gì cả so với chỉ một người
biết mình tội lỗi nên ăn năn sám hối.
3. “Một trong những hiện tượng tiêu cực rất phổ
biến, đó là... ở đâu và thời nào tâm lý con người cũng giống nhau : ai cũng tự
đặt mình vào tư thế quan tòa để xét xử, kết án người khác. Chúa Giêsu cảm thông
tha thứ mọi yếu hèn của con người. Ngài đồng bàn với người tội lỗi, thể hiện
tình bạn với họ. Nhưng chỉ có một thái độ Ngài không thể dung tha, đó là thái
độ của những người tự cho mình thánh thiện tẩy chay và kết án người khác. Chúa
Giêsu không chấp nhận thái độ như thế, vì đó là tước quyền Thiên Chúa : chỉ một
mình Ngài mới có quyền xét xử” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").
4. “Xin chung vui với tôi vì tôi đã tìm được con
chiên của tôi, con chiên bị mất”. (Lc 15, 6)
Vui với tôi bạn nhé, tôi lại tìm thấy được tình
yêu. Đôi mắt tôi không còn nhìn anh em với những thành kiến hẹp hòi. Lời nói
tôi thôi làm bạn đau đớn. Tai tôi biết lắng nghe bạn trân trọng, cảm thông. Bàn
tay tôi trong tay bạn, ấm nóng yêu thương nhiệt thành. Và tôi đến với bạn với
cả tấm lòng của kẻ nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương. Người đặt tình yêu
của mình trong hình ảnh bạn và trong mắt tôi.
Tạ ơn Chúa đã cho con hạnh phúc của người tìm lại
được tình yêu bị lãng quên. Xin Cha cho con luôn biết gìn giữ, trân trọng tình
yêu của người. (Hosanna)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI
Suy niệm: Con
chiên đi lạc hay đồng bạc bị đánh mất, chúng không di chuyển mà chỉ ở một chỗ
để có hy vọng được tìm thấy. Người chăn chiên không quản ngại nguy hiểm để đi
tìm con chiên lạc, chứ không phải con chiên đi tìm ông; người phụ nữ không tiếc
công sức đi tìm đồng bạc bị mất, chứ không phải đồng bạc đi tìm bà. Lâu nay
chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta đi tìm Chúa, nhưng thật ra Chúa đi tìm chúng ta
thì phải lẽ hơn. Cũng đúng thôi, vì đã bị lạc hay đánh mất thì biết đường đâu
mà về! Chúa tìm chúng ta qua những biến cố xảy ra trong cuộc đời, chỉ cần chúng
ta đọc được ý muốn của Chúa trong những sự kiện ấy, thì chúng ta sẽ thấy rõ
ràng Chúa luôn đi bước trước để đưa chúng ta về nẻo chính đường ngay, nếu không
chắc nhiều người trong chúng ta sẽ tự phong mình là “công chính” mất!
Mời Bạn: Bạn
có thấy mình cần được Chúa dẫn lối đưa đường không, hay nghĩ là bạn đã đi đúng
hướng rồi nên không cần nữa? Nếu vậy thì Bạn chắc đang ở “ngoài đồng hoang”
đấy.
Chia sẻ: Mỗi
biến cố trong cuộc đời -dù vui hay buồn- đều ẩn chứa ý muốn của Thiên Chúa. Ban
có nhận ra điều đó không?
Sống Lời Chúa: Chúa
luôn muốn mỗi chúng ta hãy tìm thấy ý Ngài và quyết tâm đi theo, để không bị
lạc lối.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã không quản ngại đêm tối và đường xá hiểm nguy để
đến với con. Xin cho con luôn biết nhìn thấy Chúa trong mọi người và mọi sự, để
không lạc lối trên đường đời. Amen.
«
Ông này đón tiếp phường tội lỗi… » (6.11.2014 – Thứ năm, sau Chúa Nhật XXXI
Thường Niên)
« Ông này đón tiếp phường tội lỗi… »
(Lc 15, 1-10)
(Lc 15, 1-10)
1.
Khinh
chê
Vào thời của Đức Giê-su, có những người bị coi là tội nhân một
cách công khai : vì họ có một thứ nghề nghiệp bị mọi người coi là xấu,
chẳng hạn nghề thu thuế như ông Gia-kêu, hoặc vì họ có đời sống luân lí không
tốt, chẳng hạn người phụ nữ bị mọi người coi là « người tội lỗi trong
thành » (Lc 7, 37) hay vì họ không giữ những nghi thức hay qui định đạo
đức, chẳng hạn các nghi thức thanh tẩy, ăn chay, ngày sa-bát…. Họ bị mọi người
khinh chê, nhất là các người Pha-ri-sêu và luật sĩ.
Ngày nay, người ta không còn tùy tiện dán nhãn tội nhân vào
người này người kia nữa, nhưng sự khinh chê vẫn còn nguyên, trong cung cách ứng
xử giữa người với người. Thật vậy, chúng ta vẫn còn kinh chê nhau, vì sự yếu
kém, nhỏ bé, giới hạn, thiếu khả năng, tuổi tác, hoàn cảnh gia đình xã hội,
ngoại hình… Thân phận làm người tự nó đã nặng nề, nhưng thay vì gánh vác cho
nhau hay làm cho nhẹ đi, chúng ta lại luôn tìm cách chồng chất thêm cho nhau
hay tự làm cho thân phận của mình nặng thêm. Thánh Phao-lô trong thư Roma chấn
vấn chúng ta : « Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng
là chết cho Chúa… Thế mà bạn, sao bạn lại xét đoán người anh em ? Và bạn
nữa, sao bạn khinh dể người anh em ? » (Rm 14, 8.10).
2.
Đức
Giê-su và những người tội lỗi
Chúng ta hãy trở lại với Lời Chúa trong bài Tin Mừng để nhìn
ngắm cách Đức Giê-su đón tiếp những người tội lỗi, những người yếu kém, những
người nhỏ bé : họ đến để lắng nghe Ngài ; và Ngài không chỉ đón tiếp
họ, nhưng còn dùng bữa với họ. Đón tiếp và dùng bữa với ai, đó chính là làm
bạn, thậm chí trở nên một với người đó. Chúng ta hãy hình dung ra khung cảnh
Đức Giê-su ở giữa những người tội lỗi, bởi vì hình ảnh này rất đánh động và an
ủi đối với chúng ta.
Trong Thánh Lễ, Đức Giê-su tiếp tục ban lời của Ngài cho chúng
ta, vốn là những người tội lỗi, yếu kém và nhỏ bé, và còn hơn cả việc dùng bữa
với chúng ta, Ngài tự biến thành lương thực nuôi dưỡng chúng ta cho sự sống hôm
nay và sự sống muôn đời.
Kinh nghiệm được đón tiếp bởi Đức Giê-su, khi mà chúng ta vẫn
còn là tội nhân, yếu kém và nhỏ bé, chính là động lực để chúng ta cũng có thể
đón tiếp người khác, như họ là. Kinh nghiệm này cũng làm cho có thể ra khỏi
chính mình để đi vào niềm vui lớn lao của Thiên Chúa và các Thiên Thần của Ngài
trên trời.
3.
Các
dụ ngôn
Để thay đổi hình ảnh lệch lạc của chúng ta về thái độ của Thiên
Chúa đối với các tội nhân, và để giải thích tại sao Ngài không chỉ tiếp đón
những người tội lỗi, mà con ăn uống với họ nữa, nghĩa là còn ngài kết bạn với
họ, Đức Giê-su kể « một hơi » ba dụ ngôn : dụ ngôn con chiên, dụ
ngôn đồng bạc và dụ ngôn người cha có hai người con (Lc 15, 4-32). Và trên Thập
Giá, Ngài còn đi xa hơn, khi để cho mình bị bắt và bị lên án như là tội nhân và
chịu chết giữa các tội nhân.
Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay kể lại hai dụ ngôn đầu tiên,
nhưng chúng ta nên hiểu cả ba dụ ngôn cùng nhau, vì các dụ ngôn soi sáng cho
nhau và nêu bật khía cạnh đặc biệt của mỗi dụ ngôn. Thật vậy, ba dụ ngôn có một
thứ tự đặc biệt khiến chúng ta phải chú ý : 100 con chiên trong đó có một
con bị mất ; 10 đồng quan, có một đồng bị mất, và 2 người con, một người
bị hư mất. Như thế, xét về con số, sự mất mát càng lúc càng lớn : một trên
một trăm, một trên mười và một trên hai ; hơn nữa, xét về điều bị mất, ban
đầu là con vật, sau đó là đồng tiền, và trường hợp thứ ba là một người con, mà
người con thì vô giá.
Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này, giá trị mất mát
càng lớn, thì niềm vui sẽ càng lớn, khi tìm lại được. Chính vì thế, người cha,
khi mở rộng vòng tay đón nhận người con hư mất trở về, đã mở tiệc ăn
mừng ; trong khi với trường hợp con chiên và đồng tiền tìm lại được, người
ta chỉ chia sẻ tin vui thôi, với bạn bè và hàng xóm.
Tuy nhiên, cả ba dụ ngôn có một sứ điệp khác đánh động chúng ta
không kém : đó là sự quan tâm của Thiên Chúa đối với từng người trong
chúng ta, như thể, chúng ta là duy nhất, là quí nhất là yêu nhất, trong con mắt
của Chúa. Và dụ ngôn đầu tiên làm bật lên sự điệp này một cách rạng ngời nhất :
Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con,
lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con
chiên bị mất.
(c. 4)
Dụ ngôn đến từ đời thường, nhưng một khi thốt ra từ miệng Đức
Giê-su, lại chứa đựng nhiều điều bất thường (tương tự như các dụ ngôn
khác) : (1) Bỏ chín mươi chín con lại nơi đồng hoang ; (2) Vác con
chiên lạc trên vai, khi tìm thấy ; (3) và niềm vui quá lớn và lan tỏa, so
với con chiên nhỏ bé được tìm lại, như thể đó là con chiên duy nhất, và như thể
chín mươi chín con kia không hiện hữu !
Ba điểm bất thường diễn tả cho chúng ta một cách tuyệt vời về
tình yêu Thiên Chúa mà Thánh Tâm Chúa Giê-su (đây là bài Tin Mừng của ngày lễ
Thánh Tâm Chúa Giê-su, năm C) muốn diễn tả :
§ Thiên Chúa quan tâm đến từng người chúng ta,
như thể mỗi người chúng ta là duy nhất. Đó chính là đặc điểm của tình yêu,
nghĩa là tương quan giữa một ngôi vị với một ngôi vị. Và chỉ khi, có một con
chiên đi lạc, đặc điểm này mới được tỏ lộ ra. Vì thế, kinh nghiệm « đi
lạc » sẽ là cơ hội giúp chúng ta nhận ra đặc điểm này của tình yêu Thiên
Chúa !
§ Người mục tử không trách móc, la mắng xử phạt,
giống như người cha chạy ra ôm người con trở về « hôn lấy hôn để »
(x. Lc 15, 20). Bởi vì sự hiện diện của người con « đã chết mà nay sống
lại, đã mất mà nay lại tìm thấy (c. 24), là tất cả và là dư đủ để lất át tất
cả, bù đắp tất cả và làm cho hi vọng[1]. Đó là bởi vì, tình yêu luôn đi đôi với
bao dung tha thứ. Đặt vào trong bối cảnh của dụ ngôn, người tội lỗi được tượng
trưng bởi hình ảnh con chiên đi lạc. Điều này thật an ủi cho chúng ta, vì dưới
mắt Chúa, chúng ta là những con chiên đi lạc, phải đi tìm về cho kì được, và
Thiên chúa đi tìm mỗi người chúng ta nơi Đức Giê-su. Chúng ta hãy nhìn mình như
là Chúa nhìn ; và chúng ta hãy là con chiên đi lạc mong được tìm thấy và
được mang về. Thay vì tự biến mình thành con dê nổi loạn, con sói phá hoại.
§ Tình yêu bao dung tha thứ mang lại niềm vui,
và niềm vui lan tỏa sang nhiều người, sang tất cả mọi người, trên trời cũng như
dưới đất.
* * *
Xin cho chúng ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành đích thân cho
từng người chúng ta như là « Đối Tượng Duy Nhất » trong Đức Ki-tô, để
chúng ta có thể yêu mến Người như là « Đối Tượng Duy Nhất » của lòng
trí chúng ta. Và thực vậy, dù chúng ta là ai, ở trong tình trạng nào, mỗi người
chúng ta đều là : « Người môn đệ Đức Giê-su thương mến », vì
chúng ta xác tín cùng với thánh Phao-lô rằng :
Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực,
hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất
cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu
của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.
(Rm 8, 38-39)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Theo Luật thì người con phải “đền tội”,
đó là lựa chọn của người con lớn. Nhưng Người Cha Nhân Hậu lớn hơn Lề Luật!
Thánh Phao-lô, trong thư gởi tín hữu Ga-lát, mời gọi chúng ta hãy lựa chọn: ứng
xử với mình và với nhau theo Luật hay trong mọi sự dựa vào Lòng Thương Xót của
Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Ki-tô, để hiểu và sống Lề Luật với tâm tình
biết ơn.
Suy niệm
Chương 15 Tin Mừng Luca có
lẽ là một trong những chương hay nhất của quyển Tin Mừng này vì nó chứa đựng 3
dụ ngôn rất cảm động về lòng thương xót của Thiên Chúa. Ba dụ ngôn này đáp lại
lời lẩm bẩm của nhóm
Biệt phái và Luật sĩ: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn
uống với chúng" và Chúa Giêsu muốn cho họ hiểu tại sao Ngài lại
ngồi ăn uống với người tội lỗi?
Bài Tin Mừng hôm nay chỉ
trích ra 2 dụ ngôn đầu. Hai dụ ngôn này làm nổi bật hình ảnh một Thiên Chúa
đích thân đi tìm người tội lỗi.
Chúa Giêsu
dùng một loạt ba dụ ngôn để nói lên tấm lòng của Thiên Chúa. Ngài không muốn ai
bị hư mất, lạc loài nên lỡ có ai lâm vào tình trạng đó thì Ngài chủ động đi
tìm:“Con người đến để tìm và cứu những gì hư mất” (Lc 19,10). Khi
tìm được rồi thì Ngài lại vác lên vai, mở tiệc ăn mừng: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối
cải”.
Trong bầu khí của Tháng 11, chúng ta lại càng
thấy rõ hơn lòng thương xót của Chúa. Phải chăng thời gian thanh luyện dành cho
các linh hồn cũng là một sự kiếm tìm của Thiên Chúa, một sự vớt vát tuyệt vời
và một khẳng định Thiên Chúa không chịu đựng được sự mất mát của con người?
Chúng ta
đang sống ở đâu? Thiên Chúa có phải mỏi mắt nhọc công tìm kiếm chúng ta hay
không? Nếu ta đã đi lạc và đánh mất mình trong tội lỗi, hãy quay về! Hãy chạy
đến với Chúa. Hãy để cho Chúa có được niềm vui vì sự trở lại của mình.
Lạy Chúa,
tấm lòng Chúa bao la như trời bể. Chúa không chịu thua những tội lỗi và tính
xấu của chúng con. Chúa lại nhẫn nại chờ đợi và tìm kiếm chúng con quay về. Xin
cho chúng con đừng phụ tình thương của Chúa, biết mau mắn quay về sống trong
tình Chúa yêu thương. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
6
THÁNG MƯỜI MỘT
Thánh
Thể, Trung Tâm Của Cộng Đoàn
Bằng
cách nào một cộng đoàn được khai sinh? Vấn nạn ấy tìm thấy câu trả lời tuyệt vời
của nó nơi Đức Kitô: cộng đoàn không được khai sinh chủ yếu từ sức lực và sáng
kiến của chính chúng ta. Chính Đức Kitô xây dựng cộng đoàn Kitô hữu. Và chính
công việc loan báo Tin Mừng là nhân tố quy tụ các tín hữu lại với nhau (GH 26;
PO 4). Nguyên lý hướng dẫn một cộng đoàn giáo xứ là: Lời Chúa được công bố. Dân
Thiên Chúa lắng nghe Lời Ngài, suy gẫm Lời Ngài và áp dụng Lời Ngài vào cuộc sống
thường ngày. Họ tìm cách “hội nhập chân lý vĩnh cửu của Đức Kitô vào những hoàn
cảnh cụ thể của cuộc sống” (PO 4). Thật vậy, chỉ lắng nghe Lời Chúa mà thôi thì
không đủ. Chỉ công bố Lời Chúa mà thôi cũng không đủ. Cần phải sống Lời Chúa nữa.
Cộng
đoàn Kitô hữu được khai sinh từ Lời Chúa, nhưng trung tâm và chóp đỉnh của đời
sống cộng đoàn là việc cử hành Thánh Thể (CD 30). Qua Thánh Thể, cộng đoàn cắm
rễ vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Nhờ Đức Kitô, Dân Thiên Chúa được đi
vào trong mối hiệp thông với Chúa Ba Ngôi. Đời sống của một cộng đoàn có chiều
sâu thẳm như thế! Và đó là ý nghĩa của các cử hành phụng vụ – những cử hành được
cắm rễ nơi cung lòng Thiên Chúa. Qua các cử hành ấy, chúng ta gặp gỡ Đức Kitô,
Đấng đã chết, đã sống lại, và đang sống giữa chúng ta.
Thánh
Thể mạc khải cho chúng ta ý nghĩa của lao động, ý nghĩa của những khó khăn gian
khổ mà chúng ta đương đầu trong cuộc sống đời thường. Ý nghĩa của mọi nỗi đau
buồn được soi chiếu rõ. Vì khi được kết hợp với hy tế của Đức Kitô, tất cả sẽ
trở thành một lễ phẩm dâng lên Thiên Chúa và trở thành nguồn sống cho chúng ta.
Không gì có thể chặn đứng được sự tăng triển của một cộng đoàn nếu cộng đoàn ấy
luôn biết sống như một cộng đoàn Phục Sinh – một cộng đoàn cùng chết và sống lại
với Chúa Kitô (Rm 6, 4-8)
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
06-11
Pl
3, 3-8a; Lc 15, 1-10.
LỜI
SUY NIỆM: Những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẫm bẫm:
“Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”
Giữa
những người Pharisêu và những hạng người mà họ kết án là tội lỗi có một hố ngăn
cách không thể đến với nhau được, nếu chung đụng mua bán, giao dịch hay ăn uống
là trở thành ô-uế, sẽ không tham dự được vào việc thờ phượng Thiên Chúa. Nên
khi họ thấy Chúa Giêsu tiếp đón hạng người này, thì họ lên án Người. Chúa Giêsu
đã cho họ dụ ngôn con chiên lạc với chủ chiên, để cho họ thấy: Ngài vui mừng vì
tìm gặp được tội nhân. Đó là hình ảnh của Thiên Chúa nơi Người.
Lạy
Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho mỗi người trong gia đình chúng con biết quan tâm đến
những con chiên lạc trong gia đình, trong giáo xứ để cầu nguyện, để họ và Chúa
được gặp nhau.
Mạnh
Phương
06
Tháng Mười Một
Ðồng Bạc Nhân Nghĩa
Một
câu chuyện ngụ ngôn của Nga kể rằng: Có một nhà phú hộ kia khi gần chết lòng
trí vẫn chỉ nghĩ đến tiền của là động lực đã thúc đẩy ông lao lực không biết mệt
mỏi suốt cả cuộc đời. Dùng chút sức tàn, ông cố gỡ chiếc bao nhỏ đeo ở cổ, lấy
ra chiếc chìa khóa trao cho người đầy tớ trung tín nhất của ông. Ông phú hộ ra
dấu chỉ chiếc rương nằm trong góc nhà và ra lệnh cho cô ta lấy những túi tiền
vàng ở trong đó bỏ vào quan tài.
Khi chết xong, ông bắt đầu sống cuộc đời mới.
Khi chết xong, ông bắt đầu sống cuộc đời mới.
Ðứng
trước chiếc bàn dài trưng bày đủ thứ cao lương mỹ vị, ông ta hỏi: "Món này
giá bao nhiêu vậy?". Người bán hàng trả lời: "Một xu". Ông phú hộ
chỉ một món khác kém giá trị hơn và hỏi: "Còn hộp cá mòi kia giá bao
nhiêu?". "Cũng một xu", người bán hàng nhã nhặn trả lời.
Thấy
người bán hàng vui tính ông phú hộ tiếp tục hỏi: Còn miếng bánh này?".
"Tất cả các vật trưng bày ở đây đều được bán với giá một xu", người
bán hàng cho biết.
Ông
phú hộ mỉm cười thỏa mãn. Rẻ thật, ông nghĩ thầm. Rồi sau một hồi ngắm nghía,
ông chọn một đĩa thức ăn lớn. Nhưng khi ông lấy một đồng tiền vàng mang theo
lúc từ giã cõi đời ra trả, cô thu tiền không nhận. Cô ta vừa lắc đầu vừa nói:
"Ông đã học được quá ít trong cuộc sống". Nghe nói thế ông phú hộ
không khỏi ngạc nhiên, gặn hỏi: "Thế nghĩa là gì? Ðồng tiền vàng của tôi
không đủ để trả cho đĩa thức ăn này sao?".
Bấy
giờ người thu tiền mới cho ông biết: "Ở đây chúng tôi chỉ nhận những đồng
tiền mà trong cuộc sống trước đây ông đã dùng để giúp đỡ cho những người nghèo
túng, đói khổ".
Tại
những vùng chịu ảnh hưởng của Phật Giáo đến từ Trung Hoa, vào những ngày giỗ
hay ngày tư, ngày tết, các phật tử có thói quen đốt những giấy tiền vàng bạc với
niềm tin là qua đó họ có thể gửi tiền ấy cho ông bà, cha mẹ đã quá cố để họ có
thể tiêu xài nơi chốn suối vàng.
Những
người Công Giáo cũng thể hiện lòng hiếu thảo của mình đối với những thân nhân
đã qua đời bằng cách dâng những hy sinh và kinh nguyện đặc biệt trong tháng 11
mỗi năm. Cộng vào đấy, là những hành động bác ái, chia sẻ, làm thay cho những
người đã từ biệt cõi đời.
Lúc
rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nêu bật thật rõ ràng ý nghĩa của biến cố
"Nhập Thể" của Ngài: Ngài không những "làm người" trong một
thân xác duy nhất, ngài còn đồng hóa mình với tất cả mọi người để nếu chúng ta
yêu thương bất kỳ ai, đó là chúng ta cũng yêu mến Ngài.
Ðể
sống trọn ý nghĩa của tháng 11, tháng các đẳng linh hồn, chúng ta không chỉ
dâng lời cầu nguyện cho những người đã khuất bóng, nhưng cũng hãy gia tăng những
việc từ thiện bác ái, chia cơm sẻ áo với những anh chị em thiếu thốn đang sống
bên cạnh, để dâng các công đức ấy cho các đẳng, đồng thời cũng để thâu nhập cho
chính chúng ta những công nghiệp có giá trị vĩnh cửu trong cuộc sống mai hậu.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét