Trang

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

16-11-2014 : (phần II) CHÚA NHẬT XXXIII MÙA THƯỜNG NIÊN năm A - KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

16/11/2014
CHÚA NHẬT XXXIII MÙA THƯỜNG NIÊN  năm A
Kính trọng thể CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
(phần II)


GLPÂ CHÚA NHẬT XXXIII QUANH NĂM A
Sách Châm Ngôn 31.10-13, 19-20.30-31; Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Tessalonica 5.1-6 và Phúc Âm Thánh Matthêô 25.14-30

I.                  Giáo Huấn P.Â.:   
Nén bạc tài năng: Được Chúa trao ban để sinh lợi cho Chúa.
Được Chúa trao ban để mang phần thưởng nước thiên đàng chính mình.
Nén bạc được trao ban cho thấy: Chúa tin tưởng tất cả mọi người.
Những gì con người có là được ban tặng từ tình thương của Chúa.
Chôn nén bạc là thoái thác sự tín nhiệm và tình thương Chúa ban.
Chôn nén bạc là ích kỷ và phí phạm ơn Chúa.

II.     Vấn nạn P.Â.    
          Giáo huấn của Bài đọc thứ nhất từ sách Châm Ngôn?
          Người đàn bà mẫu mực là người biết xử dụng khả năng của mình để phục vụ Chúa và người khác:         Bà ăn ở được lòng chồng con.
          Bà xây dựng gia đình bằng đồi tay cẩn mẫn chăm sóc cửa nhà.
          Bà sống một tương quan thật tốt với Thiên Chúa, với chồng con và mọi người.
          Bà rộng tay bố thí cho người nghèo khó và giơ tay hướng dẫn kẻ bần cùng.
          Bà chủ động trong công việc chăm sóc nhà cửa và làm cho cuộc đời thêm tốt đẹp. Hình ảnh nầy khác với người đàn bà trong thân phận hẫm hiu, làm nô lệ hay chỉ là sở hửu chủ hoàn toàn tuỳ thuộc đàn ông.

          Giáo Huấn của sách Châm Ngôn hôm nay là: Tận dụng những tài năng Chúa ban để biến mình thành người hữu dụng, người cầnj thiết cho mọi ngưiời. Đó là đời sống của người đàn bà khôn ngoan và mẫu mực, một đời sống mang lại hạnh phúc cho người khác và chi chính mình.

          Giáo huấn của Bài đọc thứ hai: Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Tessalonica.
          Thánh Phaolô đề cập đến giá trị thời giờ.
          Có nhiều người nghĩ rằng ngày tận thế đã gần kề. Nên chờ tận thế để về với Chúa.
          Hãy làm việc, đừng ngủ mê! Thánh Phaolô khuyên giáo dân thời ấy.

          Là người công giáo, chúng ta luôn nghĩ đến đời sau và hướng về đời sau. Tuy nhiên trong hiện tại, cuộc sống ở trần gian nầy vẫn có giá trị cứu độ. Chúng ta phải tận dụng mọi hoàn cảnh để sinh lợi cho vinh quang Thiên Chúa và mang lợi ních cho trần gian.

          Tại sao đem nén bạc đi chôn mà lại bị khiển trách nặng nề và bị phạt trong hoả ngục?
          Có lần chúng ta đã nói về cách thức diễn tả “cực mạnh” gây ấn tượng nơi người nghe, như chuyện chặt bỏ tay chân hay khoét mắt quăng nếu mang dịp tội.

          Đầy tớ đem nén bạc đi chôn bị khiển trách và bị phạt, có thể hiểu như thế nầy:

          Gia sử như có ba người con trong một gia đình. Cha mẹ làm lụng vất vả để có tiến cho con mình đi học. Hai người tận dụng vốn liếng đầu tư của Chúa ban như trí thông minh để chăm chỉ học hành. Hai người nầy cũng nghĩ đến công lao khó nhọc của Cha Mẹ để làm sinh lợi cho kiến thức của mình.

          Người con thứ ba biếng nhác không thèm đến trường. Anh ta viện dẫn lý do rằng: Chúa cho sao thì cứ giữ nguyên như vậy. Tại sao phải học hành để gây gánh nặng cho Cha Mẹ. Anh ta không quan tâm đến chuyện học. Ngày qua ngày anh ta thành người vô dụng cho bản thân và cho người khác: Trí óc không mở mang và không ai cần đến anh. Đem chôn nén bạc là vô ơn với những tài năng Chúa ban. Chúa ban cho chúng at sức khoẻ, tài năng và sự thông mình không phải để chúng ta làm mai một nhưng để làm lợi thêm gấp nhiều lần. Một người biết học hành chăm chỉ mang hữu ích cho bản thân và cho người khác. Chôn nén bạc tài năng là coi thường sự kỳ vọng của người khác. Ai có con hay có người thân thương mà không muốn họ thành đạt và thành công?

          Tại sao lại tước đoạt nén bạn của người có chỉ một nén mà đem cho người có nhiều nén? Làm sao “có thị được thêm, người không có thì cái đang có cũng bị tuớc đoạt”?
          Chúa là Đấng công bình vô cùng, chắc chắn Ngài không đối xử bất công: Lấy của người nghèo khó ban bố cho kẻ dư dật. Tuy nhiên, ý nghĩa của Phúc Âm là: Nếu biết tận dụng tài năng của mình thì càng sinh lợi nhiều hơn. Còn nếu không biết tận dụng ơn Chúa thì sẽ nghèo hơn cũng như là bị tước đoạt. Kied63u diễn tả nầy khá đúng trong cách thức kinh doanh mua bán, Nguyên tắc là tiền sinh tiền, vốn sinh lkời. Người không có tiền hay nghèo vốn thì không sao khấm khá nỗi. Người đã phí phạm đem chôn nén bạc mình được trao ban thì có khác nào tự mình tước đoạt phần lợi nhuận dành cho mình. Người biết tận dụng tài năng thì được tín nhiệm bvà trao ban thêm vốn liếng để sinh lời.

          Nên Chúa không là Ông chủ bất công đi tước đoạt của người nầy mang cho người khác, nhưng là cách diễn tả rằng: Phí phạm tài năng là tự tước đoạt chính mình. Phí phạm tài năng là bị bất tín. Nếu bất tìn thì làm sao được trao ban thêm. Ai có tiền lại đem trao cho người không biết làm ăn. Trái lại nén bạc trao cho người đã có mười nén là nói lên sự tín nhiệm được gia tằng nơi người biết tận dụng ơn Chúa ban.

III.    Thực hành P.Â.:
Linh mục cần được tín nhiệm
Trong lần đại hội Liên Đoàn Linh Mục Công Giáo Canada, chúng tôi có dịp nghe thuyết trình về: linh mục cần đáng tín nhiệm.
          Người trình bày khai thác chủ đề qua những chi tiết sau:
          Linh mục phải đúng giờ.
          Linh mục phải hiểu biết thần học, tín lý, luân lý, phụng vụ và cách đối xử.
          Linh mục phải chu toàn bổn phận được trao ban: Cha sở, cha phó hay cha giáo.
          Đúng giờ cho thấy mình có chuẩn bị và quan tâm đến công việc sắp làm.
          Hiểu biết cho thấy mình đã tận dụng trí khôn và khả năng hiểu biết
          Chu toàn bổn phận cho thấy mình biết mình làm linh mục để làm gì.
          Tôi nghe trình bày mà tự xấu hỗ cho bản thân mình.
          Người không đúng giờ thường tạo sự hấp tấp và bận bị giả tạo.

          Người thiếu hiểu biết làm giảm uy tín nơi giáo dân. Giáo dân nghi ngờ về sự hiểu biết của mình, nên không bàn hỏi hay coi thường những gì mình chia sẻ. Nếu chúng ta bảo giáo dân rằng: Không đi lễ ngày Chúa Nhật là có tội trọng, xuống tận đáy hoả ngục. Nếu người ta hỏi luật nào vậy thưa Cha? Chúng ta thấy khó trả lời. Đâu phải khi không đi lễ ngày Chúa Nhật là cầm chắc xuống hoả ngục đâu.

          Linh mục phải biết mình làm linh mục để làm gì?  Có người đi tu làm linh mục vì thấy tương đối thảnh thơi và nghề nghiệp cũng vững chắc, ổn định. Có người đi tu làm linh mục để được gọi là Cha. Có người đi tu làm linh mục để lo cho gia đình. Có người đi tu làm linh mục vì không có khả năng lập gia đình…

          Tôi tử hỏi: Những nén bạc Chúa cho, tôi có sinh lợi không?
          Cho đến giờ nầy, Chúa còn tìn nhiệm tôi không?
          Giáo dân còn đến với tôi không?

          Chôn nén bạc cho chắc ăn
          Người Việt Nam chúng ta thường hay tích góp tiền để mua vàng, cất trong hủ hay nơi kín đáo nào đó để đề phòng khi cần đến. Điều nầy làm cản trở sự phát triển kinh tế.

          Tiền phải lưu chuyển cũng như tài năng phải được xử dụng.

          Có nhiều người đem chôn tài năng của mình: Bao lần Cha xứ kệu gọi tham gia, đóng góp.. làm việc chung. Nhưng rồi người ta vẫn đùa đẩy cho nhau. Nếu những chức vụ có chút ít tiếng tăm hay có chút danh dự thì có người dòm ngó. Nếu cứ âm thầm thiện nguyện thì ít người hy sinh.
          Sau cùng: Cũng chỉ những khuôn mặt quen thuộc của ngày nào.

          Tội nghiệp các Cha xứ hay Cha quản nhiệm lắm anh chị em ơi! Kêu gọi nhiều lần thì cũng bị than phiền là “nói mãi!” Không kêu gọi thì “một thân một mình!”

          Năm nén, hai nén hay một nén… ai cũng có tài năng.

          Đừng đem chôn. Đừng làm mai một ơn Chúa ban.

          Xin mạnh dạn tham gia đóng góp. Ánh sáng chia sẻ càng nhiều càng mang ánh sáng đến mọi người. Ánh sáng ngọn đèn bị trùm kín thì có mang ích gì cho ai? Trùm kín quá sinh tai hại. Ích kỷ quá sinh cùn mần và đời thành vô nghĩa.

Lm Phêrô Trần Thế Tuyên


Tôi tớ trung thành
Tất cả chúng ta đều là những người tôi tớ của Thiên Chúa, cùng với những nén bạc Ngài đã trao gửi. Những nén bạc ấy chính là thân xác và linh hồn, thời gian và tài năng. Nói tóm lại, là tất cả những gì chúng ta đang có và đang quản lý.
Đúng thế, tất cả không phải là của riêng chúng ta, nhưng là của Thiên Chúa. Ngài trao gửi và cho chúng ta vay mượn trong một thời gian nào đó, như lời thánh Phaolô đã diễn tả: Những sự anh em có, há chẳng phải là đã nhận lãnh hay sao? Và nếu đã nhận lãnh, thì tại sao anh em lại tự phụ, như không cần nhận lãnh.
Chính vì thế, chúng ta không được toàn quyền sử dụng đã đành, mà còn phải chịu trách nhiệm vễ những nén bạc ấy. Chẳng hạn với thân xác, chúng ta không được ăn uống quá độ, chè chén say sưa có hại cho sức khỏe, cũng như không được hủy hoại thân xác mình, hay tự ý đi tìm cái chết.
Với linh hồn, chúng ta phải cương quyết chiến đấu, đừng để cho sự sống ơn sủng mỗi ngày một tàn lụi. Chúng ta phải dứt khoát khử trừ tội lỗi và làm cho linh hồn mình được hoàn thiện, nhờ Lời Chúa, nhờ các bí tích và nhờ những tâm tình cầu nguyện gắn bó mật thiết với Chúa.
Tuy nhiên, điều quan trọng, đó là một ngày kia chúng ta sẽ phải tính sổ cuộc đời trước tôn nhan Chúa. Chúng ta không biết sự việc này sẽ xảy ra vào lúc nào. Có thể vào ngày chúng ta không ngờ, vào giờ chúng ta không biết. Chỉ một cơn gió nhẹ cũng đủ kết thúc cuộc đời, để rồi chúng ta sẽ phải đối diện với lương tâm và với chính Thiên Chúa.
Thế nhưng, đó lại là một sự kện chắc chắn, như một câu danh ngôn đã diễn tả: Sự chết thì chắc chắn, nhưng giờ chết lại bấp bênh vô định. Hay như chúng ta cũng thường nói: Đã là người thì ai cũng phải chết.
Đó là qui luật chung của muôn đời. Và sau cái chết sẽ là cuộc phán xét. Đây là một cuộc phán xét thật công bằng và chính xác. Cuốn sổ cuộc đời chúng ta được mở rộng, trong đó mọi sự đều được ghi chép. Khi vị thẩm phán ngự tòa, thì mọi bí ẩn sẽ bị lộ ra, không tài nào che dấu nổi.
Chính vì thế, chúng ta phải quyết tâm làm phát triển và sinh lời cho những nén bạc Chúa đã trao gửi, bằng cách thực hiện những hành động bác ái yêu thương, bởi vì đó chính là những vị trạng sư âm thầm và không tên, nhưng sẽ bào chữa cho chúng ta trước tòa án tối cao của Thiên Chúa.
Đồng thời, bằng cách trung thành với những công việc bổn phận của mình, tùy theo vai trò, tùy theo đấng bậc, tùy theo chức vụ mình nắm giữ trong cuộc sống.
Và sau cùng, bằng cách sử dụng thời giờ một cách đúng đắn, vì thời giờ của chúng ta đã được cân đo đong đếm. Hãy sử dụng thế nào để đem lại lợi ích cho bản thân và cho người khác. Nếu chúng ta quản lý tốt, chắc chắn chúng ta sẽ không phải run sợ vào giây phút tính sổ cuộc đời. Trong giây phút trọng đại này, giây phút có tính cách ấn định số phận đời đời của chúng ta, mọi bạn hữu, dù thân tình đến đâu chăng nữa, cũng sẽ lìa bỏ chúng ta, chỉ những việc lành phúc đứ mới đi theo chúng ta mà thôi.
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể lại rằng: Người kia phải ra trước tòa Thiên Chúa trong ngày sau hết. Anh bạn thứ nhất thấy vậy vội vã bỏ chia tay với người ấy. Anh bạn thứ hai bước theo người ấy, nhưng đã khựng lại khi đứng trước khung cửa hẹp của cái chết. Trong khi đó anh bạn thứ đã cùng đi với người ấy đến trước tôn nhan Chúa, trình bày những lý chứng và cứu thoát người ấy khỏi án phạt đời đời.
Người bạn thứ nhất là tiền bạc vật chất. Người bạn thứ hai là cha mẹ và họ hàng thân thích. Còn người bạn thứ ba, luôn trung thành và bào chữa cho chúng ta, đó chính là những hành động bác ái yêu thương.
Hãy làm cho những nén bạc Chúa đã trao gửi được sinh lời, nhờ đó giây phút chúng ta tính sổ cuộc đời với Chúa sẽ không phải là giây phút bẽ bàng và cay đắng, nhưng sẽ là giây phút mừng vui và hạnh phúc.




Bài giảng của ĐGM. Giuse Nguyễn Năng
TUYÊN XƯNG, SỐNG VÀ LÀM CHỨNG CHO ĐỨC TIN
1. Không một tôn giáo nào có một lịch sử kỳ lạ như Kitô giáo. Quả vậy, không một tôn giáo nào bị bách hại nhiều, lâu dài và đau thương như Kitô giáo; và cho dù bị bách hại nhiều, lâu dài và đau thương, Kitô giáo không hề bị tiêu diệt, trái lại vẫn không ngừng tăng trưởng cả về phẩm chất lẫn số lượng. Đó là những bí ẩn của lịch sử không thể lý giải bằng lý lẽ tự nhiên, nhưng chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng của niềm tin.
Quả vậy, ngay từ những năm tháng đầu tiên loan báo Tin Mừng, Hội Thánh đã trải qua 300 năm bị bách hại dưới thời các hoàng đế Roma. Rồi từ đó, Phúc Âm được rao giảng ở đâu, thì ở đó không sớm thì muộn, các Kitô hữu cũng bị bắt bớ và giết chết, Hội Thánh bị bách hại và loại trừ. Lịch sử Hội Thánh là một lịch sử đầy những cuộc tử đạo, ở khắp mọi miền trên thế giới, vào hết mọi thời kỳ trong lịch sử.
Ngay trong thời đại chúng ta, trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI này, nếu tính tổng cộng tất cả các Kitô hữu, gồm Công giáo, Chính thống, Anh giáo và Tin lành, thì hằng năm có khoảng 170.000 người tử đạo, 200.000.000 người chịu bách hại vì đức tin Kitô giáo.
Trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này, 117 vị thánh đã được phúc tử đạo trong một giai đoạn bách hại kéo dài đúng 117 năm, tính từ hai vị tử đạo tiên khởi vào năm 1745 đến vị cuối cùng vào năm 1862, qua các triều đại vua Lê chúa Trịnh, Tây Sơn và các triều nhà Nguyễn. Đó là chưa kể chân phước Anrê Phú Yên tử đạo vào năm 1644, và hằng trăm ngàn tín hữu chết vì đức tin nhưng chưa được phong thánh.
Bức tranh trên đây là một thực tế, và đó cũng là một điều bí ẩn của lịch sử Hội Thánh. Các Kitô hữu bị ghét, vì trước hết, chính Chúa Giêsu đã bị ghét và đã chịu tử hình trên thánh giá. Chúa Giêsu chính là vị tử đạo đầu tiên vì Tin Mừng mà Ngài rao giảng. Ngài là con đường dẫn đến sự sống đích thực, nhưng thế gian lại yêu sự tối tăm hơn ánh sáng.
Chúa nói: “Vì anh em không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em… Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em… Họ chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy” (Ga 15, 19-21). Đơn giản chỉ là thế. Sâu xa là như vậy.
Tuy nhiên, Chúa đã hứa ở cùng Hội Thánh mọi ngày cho đến tận thế, và Chúa đã tuyên bố không quyền năng nào có thể tiêu diệt Hội Thánh. “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
2. Trong Năm Đức Tin này, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại đời sống đức tin của các thánh tử đạo Việt Nam để xem các ngài đã tuyên xưng, đã sống và làm chứng cho đức tin thế nào.
Tại sao các Kitô hữu bị ghét bỏ, bị bắt bớ và giết chết? Các thánh tử đạo đã làm gì?
Các thánh tử đạo bị giết chỉ vì tuyên xưng lòng tin vào Chúa Giêsu. Lòng tin ấy biểu lộ qua việc tôn thờ thánh giá Chúa. Thánh Anrê Kim Thông nói với quan tỉnh: “Thánh giá tôi kính thờ, tôi giẫm lên sao được!” Thánh Têôphan Ven nói: “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về đạo thập giá, nay tôi lại đạp lên thập giá thế nào được? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quí hoá đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!”
Chắc chắn không phải vì các ngài đã theo đạo Tây mà phản bội tổ quốc và dân tộc. Các ngài tôn trọng vua quan và hết lòng vì quê hương. Thánh linh mục Tự đối đáp với quan tòa: “Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ, và kính song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột để hại vua, tôi cũng không thể vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa được”.
Nhiều vị thánh đã ở trong hàng ngũ quân đội bảo vệ đất nước. Thánh Trần Văn Trung là một binh sĩ, đã bị giết vì khẳng khái tuyên bố: “Tôi là Kitô hữu, tôi sẵn sàng đi đánh kẻ thù của đất nước, nhưng bỏ đạo thì không bao giờ. Thánh linh mục Khuông từng tuyên bố: “Đạo Giatô không những cấm tín hữu chống lại triều đình, mà còn khuyến khích để họ cầu nguyện và góp phần giúp quê hương an ninh thịnh vượng”.
Yêu nước không có nghĩa là phải thù ghét loại trừ các Kitô hữu và chống lại Kitô giáo.
3. Lời tuyên xưng của các thánh tử đạo không chỉ là lời tuyên bố trong một khoảnh khắc nhất thời trước khi chết, nhưng đó là hoa trái kết tinh từ một đời sống thấm nhuần Lời Chúa. Các ngài đã sống đức tin, đã thể hiện Tin Mừng yêu thương trong chính đời sống của mình.
Trước hết, đời sống đức tin của các thánh tử đạo được biểu lộ ngay trong bổn phận hằng ngày của đời sống gia đình.
Dù thời đó, chế độ đa thê vẫn đang thịnh hành trong xã hội Việt Nam, nhưng các thánh tử đạo đã trung thành với giáo huấn một vợ một chồng của Phúc Âm. Dĩ nhiên có những vị lúc đầu đã không trung thành với lời cam kết hôn nhân, như các thánh Gẫm, binh sĩ Huy, Cai Thìn, quan Hồ Đình Hy... đã có thời gian sa ngã, thế nhưng sau đó tất cả đều biết trở về để vun đắp lại mái ấm gia đình của mình.
Các thánh chu toàn bổn phận nuôi dạy con cái theo tinh thần đức tin. Thánh Thọ căn dặn các con vào thăm trong tù: “Các con thân mến, cha không còn làm gì giúp các con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy cố gắng vâng lời mẹ. Các con lớn hãy nhớ quan tâm săn sóc em mình. Các con nhỏ phải biết kính trọng vâng lời anh chị. Hãy thương yêu nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Hãy nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người một thánh giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa và kiên trung giữ đạo”.
Về phần thánh Anê Lê Thị Thành, vị thánh nữ duy nhất trong số các vị tử đạo, người con gái thứ haicủa ngài làcô Anna Năm xác nhận:“Bố mẹ chúng tôi chỉ gả các con gái cho những người thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn, mẹ tôi thường đến thăm chúng tôi và khuyên bảo những lời tốt lành. Có lần mẹ dạy tôi: "Tuân theo Ý Chúa, con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng. Hãy vui lòng nhận thánh giá Chúa gửi cho".Người cũng thường khuyên vợ chồng tôi: "Hai con hãy sống hoà hợp, vui vẻ, đừng để ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ".”
Kế đến, sống đức tin là sống Tin Mừng yêu thương.
Thánh y sĩ Phan Đắc Hòa rộng tay giúp người nghèo khổ, riêng bệnh nhân túng thiếu, không những ông chữa bệnh miễn phí, lại còn giúp tiền giúp lúa. Thánh Martinô Thọ nói: "Công bằng chưa đủ, phải có bác ái nữa, mà muốn thực thi bác ái phải có điều kiện", nên ngài trồng thêm vườn dâu kiếm tiền giúp người thiếu thốn. Người cùng tử đạo với ngài là Gioan Cỏn từng mạnh dạn đấu tranh cho người nghèo chống lại chính sách đòi sưu cao thuế nặng. Thánh Năm Thuông là ân nhân của viện cô nhi trong vùng. Còn thánh Trùm Đích thường xuyên thăm viếng trại cùi và sẵn sàng nuôi người mắc bệnh dịch tại nhà mình.
Điều quan trọng trong đời sống đức tin của các thánh tử đạo là lòng tha thứ.
Nếu lòng anh dũng giúp các vị tử đạo bình thản đón nhận cái chết không run sợ, không quỵ lụy khóc than, thì chính lòng bao dung thứ tha mới là đặc tính phân biệt vị tử đạo với những vị anh hùng vì lý do khác.
Các tín hữu chỉ thực sự chết vì đạo nếu biểu lộ được tình yêu, lòng nhân ái, sự bao dung của Tin Mừng. Các vị chắc chắn không đồng ý với bản án bất công của triều đình, nhưng như Đức Giêsu trên thánh giá vẫn cầu nguyện cho quân lính giết hại mình, các chứng nhân tử đạo vẫn tiếp tục yêu thương vua quan và những người hành xử mình.
Khi viên quan nói: “Tôi phải theo lệnh vua, đừng giận tôi nhé”, linh mục Théophane Ven đáp: “Tôi chẳngghét gì ai cả, tôi sẽ cầu nguyện nhiều cho quan”. Thánh Hoàng Lương Cảnh làm cho quan quân phá lên cười khi ngài đọc: “Cầu Chúa Giêsu, xin cho các quantrị nước cho yên càng ngày càng thịnh”.
4. Lời tuyên xưng và đời sống đức tin của các thánh tử đạo đã làm trổ sinh hoa trái phong phú trên quê hương Việt Nam thân yêu này.
Chính đời sống của các thánh tử đạo đã cảm hóa và chiếm được tình cảm của bà con hàng xóm. Dù triều đình nhà Nguyễn ra chiếu chỉ bách hại, bà con hàng xóm vẫn tỏ dấu hiệu thân ái với người công giáo.
Thánh linh mục Vũ Bá Loan là niên trưởng 84 tuổi, được mọi người kính trọng gọi bằng “cụ, ngài không bị đánh đòn; và trong ngày xử, mười lý hình chạy trốn, đến người thứ mười một, đã lịch sự xin phép: “Việc vua truyền cháu phải làm, xin cụ xá lỗi cho. Cháu sẽ cố giúp cụ chết êm ái. Khi về trời cụ nhớ đến cháu nhé”.
Trong vụ án thánh linh mục Gioan Đạt, viên cai ngục nói: “Tôi thấy cụ khôn ngoan, đạo đức, thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ một cổ quan tài để biểu lộ lòng tôi quí cụ.”
Hơn nữa, ngay trong lúc bị giam tù, các ngài đã đưa hằng trăm người đến với Chúa. Và từ đó đến nay, hạt giống Tin Mừng không ngừng lớn lên trong đất nước này. Tin Mừng như men đang thấm vào mọi sinh hoạt xã hội để đưa thế gian đi theo con đường của chân lý Phúc Âm.
Là con cháu các thánh tử đạo, chúng ta hãy phát huy gia sản đức tin mà cha ông đã để lại cho chúng ta. Đức tin ấy đã lớn lên trong máu và nước mắt, trong hy sinh và gian khổ. Bao nhiêu thế hệ đã nằm xuống để chúng ta được trung kiên với đức tin tông truyền.
Ngày nay, tuy không còn phải chịu những đau thương dữ dằn như trong quá khứ, nhưng chúng ta đang phải đối diện với một cuộc tấn công khác có thể còn nguy hiểm gấp bội, đó là sức mạnh của tiền bạc, địa vị, khoái lạc, tự do buông thả. Những sức mạnh này đã làm cho bao nhiêu tín hữu gục ngã, đã lôi kéo bao nhiêu Kitô hữu rời xa Hội Thánh, đã làm cho biết bao người quên Thiên Chúa.
Trong Năm Đức Tin này, chúng ta hãy bắt chước các thánh tử đạo tuyên xưng đức tin một cách xác tín, ý thức. Chúng ta có thể nói như thánh Phaolô không: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2Tm 1, 12)? Hãy để cho lòng tin vào Chúa thấm nhuần và biến đổi cuộc sống chúng ta, để tất cả mọi hành vi, ứng xử, chọn lựa, thái độ, của chúng ta luôn tỏa chiếu sức mạnh của Tin Mừng và tạo nên một sức hấp dẫn đối với những người chung quanh để đưa họ đến với Chúa Giêsu Cứu Thế.

16/11/14 CHÚA NHẬT TUẦN 33 TN – A 
Kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam
Mt 25,14-30

Suy niệm: 1/ Ông chủ trong dụ ngôn là hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài giao cho mỗi người một phận vụ và không đòi hỏi ai quá sức mình. Ngài không coi trọng người được giao năm yến hon người được giao một yến. Tài sản Ngài có bao nhiêu, Ngài giao tất cả. Hết sức tin tưởng. Ngài lên đường đi xa. 2/ Có vẻ như cái lỗi lớn nhất của người đầy tớ thứ ba là không làm việc, không sinh lời. Xét kỹ hơn, nguyên nhân sâu xa chi phối những hành động này là anh ta đã có một hình ảnh méo mó về Thiên Chúa: đối với anh, ông chủ là một người hà khắc, đòi hỏi, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Anh sợ hãi chứ không yêu mến. 3/ Ngày tính sổ, Thiên Chúa – ông chủ – xuất hiện như một người Cha: vui mừng thấy vốn đã sinh lời. Nhưng… Ngài không giữ lại cho mình, mà giao hết cả vốn lẫn lãi cho người biết làm việc; ai sinh lời Ngài lại ban thêm. Niềm vui của Ngài, đó là thấy rằng chúng ta đã làm việc và sinh lời cho chính chúng ta.
Mời Bạn: Những gì bạn đang có chính là những yến bạc mà Thiên Chúa giao cho bạn để sinh lời. Đối với bạn Thiên Chúa là ai, là ông chủ hà khắc hay là Người Cha yêu thương?
Chia sẻ: Có phải Thiên Chúa đã bất công khi lấy yến bạc của người đầy tớ thứ ba mà giao cho người có mười yến không? Nếu người này sinh lời, đâu là lời khen mà anh sẽ nhận được?
Sống Lời Chúa: Chu toàn bổn phận của ngày hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm cho con lòng tin tưởng và yêu mến, đừng để con nhìn xuôi ngó ngược, phân bì với người khác, nhưng hết lòng hết sức thi hành phận vụ Chúa đã giao.

Lectio Divina: Chúa Nhật XXXIII Thường Niên (A)
Chúa Nhật, 16 Tháng 11, 2014
Dụ ngôn về những nén bạc
Sống trong cách có trách nhiệm
Mt 25:14-30


1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để cũng giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc 

a)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mt 25:14-15:  Ông chủ giao phó tài sản cho các đầy tớ
Mt 25:16-18:  Phương cách hành động của từng người đầy tớ
Mt 25:19-23:  Tính sổ với người đầy tớ thứ nhất và thứ hai
Mt 25:24-25:  Tính sổ với người đầy tớ thứ ba
Mt 25:26-27:  Câu trả lời của ông chủ với người đầy tớ thứ ba
Mt 25:28-30:  Phán quyết cuối cùng của ông chủ làm sáng tỏ dụ ngôn

b)  Chìa khóa để hướng dẫn bài đọc:
Trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ ba mươi ba Thường Niên tuần này, chúng ta sẽ suy niệm về Dụ Ngôn những Nén Bạc có liên hệ đến hai chủ đề rất quan trọng và rất thực tiễn:  (i)  Những ân sủng mà mỗi người nhận được từ Thiên Chúa và cách thức mà người ấy tiếp nhận chúng.  Mỗi người có những phẩm chất, tài năng mà người ấy có thể và cần phải phục vụ người khác.  Không ai chỉ là học trò mãi, không ai mãi chỉ là thày dạy.  Chúng ta cùng học hỏi lẫn nhau.  (ii)  Thái độ mà người ta đặt mình trước Thiên Chúa, Đấng đã ban tặng cho chúng ta những ân sủng của Người.  Trong khi đọc, chúng ta sẽ cố gắng để ý tới hai điểm này:  đâu là thái độ của ba người đầy tớ liên quan đến những món quà nhận được và dụ ngôn này mạc khải cho chúng ta hình ảnh nào về Thiên Chúa?

c)  Phúc Âm:  
14 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng:  “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông.  15 Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy theo khả năng mỗi người, đoạn ông ra đi.  16 Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác.  17 Người lãnh hai nén cũng đi làm lợi được hai nén khác.  18 Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn dấu tiền của chủ mình.  19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ trở về và đòi họ tính sổ.  20Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng:  ‘Thưa ông, ông đã trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác.’  21 Ông chủ bảo người ấy rằng:  ‘Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn; ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi.’  22 Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói:  ‘Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc, đây tôi đã làm lợi được hai nén khác.’  23 Ông chủ bảo người ấy rằng:  ‘Hỡi người đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn; ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi.’  24 Còn người lãnh một nén bạc đến và nói:  ‘Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt chỗ không gieo, và thu nơi ông không phát; 25 nên tôi khiếp sợ đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất.  Đây của ông, xin trả lại ông.’  26 Ông chủ trả lời người ấy rằng:  ‘Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác!  Ngươi đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát:  27 Vậy lẽ ra ngươi phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời.  28 Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén.  29 Vì người có sẽ cho thêm và sẽ dư dật; còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi.  30 Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng.’”        

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Phần nào của bài Tin Mừng này tôi thích nhất và phần nào đánh động tôi hơn? Tại sao? 
b)  Trong dụ ngôn, ba người đầy tớ lãnh nhận tài sản theo khả năng của họ.  Mỗi người có thái độ nào khi nhận lãnh được tài sản của chủ?            
c)  Ông chủ có phản ứng như thế nào?  Ông đòi hỏi những người đầy tớ của ông phải làm gì?
d)  Câu nói sau đây phải được hiểu như thế nào:  “Người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật; còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi”?
e)  Bài dụ ngôn đã mạc khải cho chúng ta hình ảnh gì về Thiên Chúa?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề 

a)  Bối cảnh đoạn Phúc Âm này trong Tin Mừng Mátthêu:

“Dụ ngôn Nén Bạc” (Mt 25:14-30) là một phần của bài giảng thứ năm về Lề Luật Mới (Mt 24:1-25, 46).  Ba dụ ngôn này làm rõ bối cảnh đối với thời điểm sắp đến của Nước Trời.  Bài dụ ngôn mười cô trinh nữ khẳng định về sự cảnh giác:  Nước Thiên Chúa có thể đến bất cứ lúc nào.  Dụ ngôn những nén bạc quy hướng về sự phát triển Nước Trời:  Nước Trời phát triển khi chúng ta dùng các ân sủng nhận được để phục vụ.  Dụ ngôn Ngày Phán Xét dạy cho cách làm thế nào để có được Nước Trời:  Nước Trời có được khi chúng ta chấp nhận những kẻ bé mọn.

Một trong những điều có ảnh hưởng lớn hơn trong cuộc sống của chúng ta là ý tưởng chúng ta có về Thiên Chúa.  Trong số những người Do Thái của giai cấp Biệt Phái, có người đã tưởng tượng Thiên Chúa như là một vị quan tòa nghiêm khắc đối xử người ta theo giá trị đạt được qua việc tuân giữ lề luật.  Điều đó đã gây ra nỗi sợ hãi và ngăn trở người ta không phát triển.  Nó ngăn trở họ không dọn chỗ trong chính họ để chấp nhận kinh nghiệm mới về Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã rao giảng.  Để giúp những người này, Mátthêu kể lại dụ ngôn những nén bạc.     

b)  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng: 

Mt 25:14-15:  Cánh cửa dẫn vào câu chuyện dụ ngôn.
Dụ ngôn kể về câu chuyện một người kia, trước khi trẩy đi xa, phân phối tài sản của mình cho các đầy tớ, người năm nén bạc, người hai nén và người một nén, tùy theo khả năng của mỗi người.  Mỗi nén bạc tương đương với 34 kg vàng, đó không phải là một số lượng nhỏ!  Trong trường hợp cuối cùng, tất cả đều nhận cùng một thứ, bởi vì mỗi người nhận “theo khả năng của mình”.  Người có khả năng nhận lãnh nhiều, ông cho đầy đủ, người có khả năng nhận lãnh ít, ông cũng cho đầy đủ. Sau đó, ông chủ trẩy đi phương xa và ở đó một thời gian lâu dài.  Câu chuyện tạo cho ta một chút bối rối!  Chúng ta không biết tại sao ông chủ này lại phân phó tài sản của ông cho các đầy tớ, chúng ta không biết câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào.  Có lẽ, mục đích là để tất cả những ai nghe bài dụ ngôn phải bắt đầu đối diện cuộc đời họ với câu chuyện được kể trong dụ ngôn.  

Mt 25:16-18:  Phương thức hành động của mỗi người đầy tớ.
Hai người đầy tớ đầu đã làm việc và làm tăng số nén bạc lên gấp đôi.  Nhưng người đầy tớ nhận được một nén thì đi đào lỗ chôn, để bảo tồn nén bạc và khỏi mất nó.  Đó là vấn đề về của cải Nước Trời được ban phát cho người ta và các cộng đoàn theo khả năng của họ.  Tất cả mọi người đều nhận được của cải Nước Trời, nhưng không phải tất cả mọi người đều đáp trả giống nhau!

Mt 25:19-23:  Tính sổ với người đầy tớ thứ nhất và thứ hai

Sau một thời gian lâu dài, ông chủ trở về và cho gọi các đầy tớ đến tính sổ.  Hai người đầu cùng thưa một điều:  “Thưa ông, ông đã trao cho tôi năm/hai nén bạc. Đây tôi đã làm lợi được năm/hai nén khác!”  Và ông chủ cùng bảo cả hai rằng:  “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi.” 

Mt 25:24-25:  Tính sổ với người đầy tớ thứ ba
Người đầy tớ thứ ba đến và nói:  “Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt chỗ không gieo và thu nơi ông không phát, nên tôi khiếp sợ đã đi chôn dấu nén bạc của ông dưới đất.  Đây của ông, xin trả lại ông!”  Trong câu nói này, có một ý tưởng sai lầm về Thiên Chúa và bị Chúa Giêsu chỉ trích.  Người đầy tớ nhìn thấy Thiên Chúa là một ông chủ khắc nghiệt.  Trước một Thiên Chúa như vậy, loài người sợ hãi và chạy trốn đàng sau việc tuân thủ lề luật chính xác và tỉ mỉ.  Người ta cho rằng hành động theo cách ấy họ sẽ tránh khỏi sự luận phạt và vị quan tòa nghiêm khắc sẽ không trừng phạt họ.  Đây là cách suy nghĩ của một số người Biệt Phái.  Trong thực tế, những kẻ như thế không có lòng tín thác vào Thiên Chúa, mà họ chỉ tin vào chính họ và trong việc tuân giữ các giới luật.  Đó là một người sống thu hẹp trong chính bản thân, xa rời Thiên Chúa và không quan tâm đến kẻ khác.  Người này trở nên kẻ không có khả năng phát triển như người sống tự do.  Hình ảnh sai lạc này về Thiên Chúa cô lập con người, giết chết cộng đoàn, không giúp ích gì cho một cuộc sống vui tươi và đơn sơ.   

Mt 25:26-27:  Câu trả lời của ông chủ với người đầy tớ thứ ba
Phản ứng của ông chủ thật là châm biếm.  Ông nói:  “Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác!  Ngươi đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát.  Vậy lẽ ra ngươi phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời!” Người đầy tớ thứ ba đã không liên tưởng đến hình ảnh nghiêm khắc anh ta có về Thiên Chúa.  Nếu anh ta mường tượng được Thiên Chúa nghiêm khắc đến như thế, thì lẽ ra, ít nhất anh ta cũng đã giao bạc cho người đổi tiền.  Đây là lý do tại sao anh ta đã bị kết án bởi Thiên Chúa, ý tưởng sai lầm mà anh ta có về Thiên Chúa đã khiến anh ta trở nên sợ hãi và kém chín chắn hơn.  Đầu óc anh ta không thể minh mẫn đủ để có hình ảnh của Thiên Chúa mà anh ta đã có, bởi vì sự sợ hãi đã làm tê liệt sự sống.    

Mt 25:28-30:  Lời cuối cùng của ông chủ làm sáng tỏ dụ ngôn
Ông chủ ra lệnh lấy lại nén bạc mà trao cho người đã có mười nén:  “Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật; còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi”.  Đây là chìa khóa làm sáng tỏ mọi việc.  Trong thực tế, những nén bạc, “gia tài của ông chủ”, kho tàng của Nước Trời, là tình yêu thương, sự phục vụ, chia sẻ và quà tặng cho không.  Nén bạc là tất cả mọi thứ khiến cho cộng đoàn phát triển và mặc khải sự hiện diện của Thiên Chúa.  Khi người ta tự thu mình bởi vì sợ bị mất đi chút ít của cải họ có, thì họ sẽ mất cả những của cải ít oi ấy, bởi vì tình yêu sẽ tàn lụi, công lý sẽ bị suy yếu, sự chia sẻ sẽ biến mất.  Thay vào đó, một người mà không nghĩ đến cho riêng mình và xả thân vì người khác, sẽ thăng hoa, và đáng ngạc nhiên là được nhận lãnh lại mọi thứ mà người ấy đã cho đi và còn nhiều hơn thế nữa.  “Vì ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10:39).   

c)  Đào sâu hơn:

Loại tiền tệ khác nhau của Nước Trời:

Không có sự khác biệt giữa những người nhận nhiều hơn và những người nhận ít hơn.  Tất cả nhận lãnh tùy theo khả năng của họ.  Điều quan trọng là món quà được đặt ở sự phục vụ Nước Trời và làm cho gia tài Nước Trời triển nở, đó là tình yêu thương, tình huynh đệ, sự chia sẻ.  Chìa khóa chính của dụ ngôn không bao gồm việc làm lợi các nén bạc, nhưng là chỉ ra cách thức trong đó mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa mới là điều quan trọng.  Hai người đầy tớ đầu tiên không đòi hỏi điều gì; họ không tìm kiếm sự an nhàn cho bản thân họ; họ không giữ các nén bạc cho riêng họ; họ không tính toán, so đo.  Rất tự nhiên, gần như là phản xạ tự nhiên và không mong mỏi bất kỳ công trạng nào cho họ, họ ra tay làm việc, để cho món quà nhận được mang đến kết quả cho Thiên Chúa và cho Nước Trời. Người đầy tớ thứ ba thì sợ hãi, và bởi vì điều này, nên không làm gì cả.  Dựa theo các tiêu chuẩn của lề luật cổ xưa, anh ta đã làm đúng.  Anh ta vẫn ở trong tình trạng thấp thỏm có từ trước.  Anh ta không mất mát gì, mà cũng chẳng đạt được gì.  Cũng chính bởi vì điều này, anh ta đã mất ngay cả những cái anh ta có.  Nước Trời là một sự mạo hiểm.  Nếu người ta không muốn mạo hiểm, thì sẽ vuột mất cả Nước Trời!     
          
6.  Thánh Vịnh 62
                                                                                                                                                                                
Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi linh hồn tôi mới được nghỉ ngơi
Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.
Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng.
Tới bao giờ các ngươi còn xúm lại
để xông vào quật ngã một người?
Hắn đã như bức tường xiêu đổ,
như hàng rào đến lúc ngả nghiêng.
Con người ấy, chúng chỉ mưu hạ bệ,
chúng thoả lòng vì đã nói dối nói gian.
Miệng thì chúc phúc cầu an,
mà lòng nguyền rủa chứa chan những lời.
Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn.
Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng.
Nhờ Thiên Chúa, tôi được cứu độ và vinh quang,
Người là núi đá vững vàng,
ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân.
Hỡi dân ta, hãy tin tưởng vào Người luôn mãi,
trước mặt Người, hãy thổ lộ tâm can:
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu.
Kẻ thường dân âu chỉ là hơi thở,
người quyền quý đều ví tựa ảo huyền,
đứng cả lên cân cũng chẳng tày mây khói.

Đừng tin tưởng ở trò áp bức nữa,
chớ hoài công cậy ngón bóc lột người!
Tiền tài dẫu sinh sôi nảy nở,
lòng chẳng nên gắn bó làm chi.
Lạy Thiên Chúa, một lần Ngài phán dạy,
con nghe được hai điều,
rằng: Ngài nắm quyền uy
và giàu lòng nhân hậu;
rằng: Ngài theo tội phúc mà thưởng phạt mỗi người.
7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét