07/01/2015
THỨ TƯ ĐẦU THÁNG SAU LỄ
HIỂN LINH
BÀI
ĐỌC I: 1 Ga 4, 11-18
"Nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng
ta".
Trích
thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các
con thân mến, nếu Thiên Chúa thương yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải
thương yêu nhau. Chẳng ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nếu chúng ta thương yêu
nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta đã được
tuyệt hảo. Do điều này mà chúng ta biết chúng ta ở trong Người và Người ở trong
chúng ta là Người đã ban Thánh Thần cho chúng ta. Và chúng ta đã thấy và chứng
nhận rằng Chúa Cha đã sai Con Mình làm Đấng Cứu Thế. Ai tuyên xưng Đức Giêsu là
Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở trong người ấy và người ấy ở trong Thiên Chúa.
Còn chúng ta, chúng ta đã biết và tin nơi tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng
ta.
Thiên
Chúa là Tình Yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa
ở trong họ. Do đó, tình yêu của Thiên Chúa đã trọn vẹn đối với chúng ta, để
chúng ta tin tưởng trong ngày phán xét, vì Người thế nào, thì chúng ta cũng thế
ấy ở thế gian này. Nơi tình thương không có sự sợ hãi, nhưng tình thương trọn
lành thì loại bỏ sợ hãi ra ngoài, vì sợ hãi mang theo hình phạt, và người nào sợ
hãi thì không hoàn hảo trong tình thương. Đó là lời Chúa.
ĐÁP
CA: Tv 71, 2. 10. 12-13
Đáp:
Lạy Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa (c. 11).
1)
Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính
cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo
khó cách chính trực. - Đáp.
2)
Các vua xứ Tác-xi và quần đảo sẽ mang lễ vật đến, các vua xứ Ả-rập và Saba sẽ
đem triều cống lễ vật. - Đáp.
3)
Vì Người sẽ cứu thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh
không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu
thoát mạng sống kẻ cùng khổ. - Đáp.
ALLELUIA:
Alleluia,
alleluia! - Thiên Chúa đã sai tôi đi rao giảng tin mừng cho hạng nghèo khó, báo
tin cho tù nhân được phóng thích. - Alleluia.
PHÚC
ÂM: Mc 6, 45-52
"Họ thấy Người đi trên mặt biển".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
(Khi
năm ngàn người đã được ăn no), Chúa Giêsu liền giục các môn đệ xuống thuyền,
qua bờ bên kia trước mà đến Bếtsai-đa, đang khi Người giải tán dân chúng. Giải
tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, thuyền đã ra giữa biển, còn
Người thì một mình ở trên đất. Khoảng canh tư đêm tối, Người thấy họ khó nhọc
chèo chống vì ngược gió, Người đi trên mặt biển mà đến với họ, và Người muốn vượt
qua trước họ. Họ thấy Người đi trên mặt biển, thì tưởng là ma, nên la hoảng
lên. Vì ai nấy đều thấy Người và hoảng hốt, nên Người liền lên tiếng bảo họ rằng:
"Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ". Rồi Người lên thuyền họ, và
gió im lặng. Tâm hồn họ lại càng sửng sốt hơn, vì họ chưa hiểu gì về vấn đề
bánh: lòng họ còn mù tối. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Chúa Giêsu đi trên mặt nước
Ivan,
một văn sĩ Nga sống vào thế kỷ 19 đã kể lại giấc mơ của mình như sau:
Tôi
mơ thấy là một cậu bé đứng trước cung thánh của ngôi nhà thờ bằng gỗ. Ánh nến
lung linh toả chiếu khi mờ khi tỏ bên nhà tạm. Thình lình có một người đứng
cạnh tôi, tôi có cảm giác đó là Chúa Kitô. Cảm xúc tò mò xâm chiếm tâm hồn tôi,
tôi nhìn sang và nhận thấy một khuôn mặt giống như mọi khuôn mặt.
Giấc
mơ của Ivan trên đây mang nhiều ý nghĩa: Đức Kitô đến với chúng ta trong dáng vẻ
của một con người, và tâm hồn chúng ta sẽ được bình an khi biết đón nhận Ngài
trong cuộc sống, nhất là nhận ra Ngài trong mỗi người anh em.
Bài
Tin mừng hôm nay ghi lại kinh nghiệm của các môn đệ về Chúa Giêsu. Qua việc đi
trên mặt nước, Chúa muốn chứng tỏ rằng Ngài có đủ quyền năng để chiến thắng sức
mạnh của tối tăm, đồng thời mời gọi các môn đệ tuyên xưng thần tính của Ngài,
tuyên xưng thần tính của Chúa Giêsu không chỉ là gặp gỡ Ngài qua các Bí tích, mà
còn là nhận ra Ngài nơi mỗi người mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày.
“Cứ
an tâm, Thầy đây đừng sợ”. Ước gì lời Chúa trở thành một bảo đảm bình an cho
tâm hồn chúng ta trong từng giây phút cuộc sống, nhất là trong mối tương quan với
tha nhân.
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh
Bài đọc: I Jn 4:11-18; Mk
6:45-52.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu hòan hảo lọai
trừ sự sợ hãi.
Con
người sợ nhiều thứ trong cuộc đời: sợ mất những gì đang sở hữu, sợ đau vì phải
chịu đủ thứ bệnh tật, sợ ma quỉ, sợ chết, và sợ bị Thiên Chúa phạt. Những nỗi sợ
hãi này làm con người trở nên nhát đảm, không dám sống và làm chứng cho sự thật.
Sợ hãi tự nó không xấu, nhưng nếu sau khi được thuyết phục bởi lý trí không nên
sợ, mà con người vẫn sợ, lúc đó sợ hãi trở thành tội. Khi nào con người không
còn sợ hãi nữa, lúc đó con người mới thực sự biết sống. Các Bải Đọc hôm nay
xoay quanh tình yêu và sợ hãi.
Trong
Bài Đọc I, Thánh Gioan quả quyết: “Tình yêu hòan hảo lọai trừ sự sợ hãi.” Nếu
con người thực sự tin vào tình yêu Thiên Chúa, con người sẽ không sợ hãi bất cứ
điều gì, vì Thiên Chúa hằng yêu thương, quan tâm, và săn sóc mọi sự cho con người.
Trong Phúc Âm, các môn đệ sợ bị chìm thuyền vì gió bão, các ông sợ vì có người
đi cạnh thuyền như bóng ma; nhưng Chúa Giêsu củng cố niềm tin của các ông: “Cứ
yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Tình yêu hòan hảo là tình yêu Thiên Chúa.
1.1/
Hai điều kiện để có được Thiên Chúa:
(1)
Tin Đức Kitô đến từ Thiên Chúa: Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho con người về tình yêu
Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con
của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Jn 3:16). Trong Bài Đọc
hôm nay, Thánh Gioan làm chứng lại điều này: “Phần chúng tôi, chúng tôi đã
chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu
độ thế gian.” Và ngài còn đẩy xa hơn: “Hễ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên
Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy và người ấy ở lại trong Thiên Chúa.”
Điều này hiển nhiên, vì Cha và Con không thể tách rời nhau, hễ có Cha là có
Con; vì thế, khước từ Đức Kitô là khước từ tình yêu Thiên Chúa.
(2)
Giữ giới luật yêu thương Đức Kitô dạy: Khi một người đã có tình yêu Thiên Chúa ở lại trong
lòng, họ không thể sống ngược lại với sự thúc đẩy của tình yêu này: “Ai ở lại
trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.”
Hệ quả là người ấy sẽ dùng đủ mọi cách để đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa, và
yêu thương anh em như Thánh Gioan khuyên nhủ: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa
đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Thiên Chúa
chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau,
thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.” Gioan mặc khải cho chúng ta một khía cạnh khác của tình yêu khi ngài nói: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta: đó là Người đã ban Thánh Thần Người cho chúng ta.” Chúng ta đã nói trong đọan trên: hễ có Con là có Cha, vì Cha-Con không thể tách rời nhau. Ở đây, chúng ta nhận diện ra vai trò của Ngôi Ba Thiên Chúa; hễ có Cha và Con, là cũng có cả Thánh Thần; vì Ba Ngôi Thiên Chúa không thể tách rời nhau. Thánh Thần là tình yêu liên kết giữa Cha và Con.
thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.” Gioan mặc khải cho chúng ta một khía cạnh khác của tình yêu khi ngài nói: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta: đó là Người đã ban Thánh Thần Người cho chúng ta.” Chúng ta đã nói trong đọan trên: hễ có Con là có Cha, vì Cha-Con không thể tách rời nhau. Ở đây, chúng ta nhận diện ra vai trò của Ngôi Ba Thiên Chúa; hễ có Cha và Con, là cũng có cả Thánh Thần; vì Ba Ngôi Thiên Chúa không thể tách rời nhau. Thánh Thần là tình yêu liên kết giữa Cha và Con.
1.2/
Tình yêu hòan hảo lọai trừ sự sợ hãi: Tình yêu hòan hảo là tình yêu Thiên Chúa; khi con
người đã có được tình yêu Thiên Chúa, con người không nên sợ hãi gì cả, vì:
(1)
Thiên Chúa uy quyền: Ngài
có thể làm mọi sự, và Đức Kitô đã chiến thắng tất cả quyền lực trong vũ trụ
này, ngay cả quyền lực của ác thần và sự chết.
(2)
Thiên Chúa yêu thương: Ngài
trung thành yêu thương tới cùng; vì thế, chúng ta không sợ Ngài sẽ đổi ý, nhưng
sợ chính chúng ta sẽ đổi ý mà thôi. Thánh Gioan khuyên con người không nên sợ
ngay cả Ngày Phán Xét: “Dựa vào điều này mà tình yêu đã nên hoàn hảo với chúng
ta, đó là chúng ta có thể tự tin trong Ngày Phán Xét, vì Đức Giêsu thế nào thì
chúng ta cũng như vậy ở thế gian này.”
Nếu
một Thiên Chúa uy quyền có thể làm mọi sự và yêu thương đến độ ban Người Con Một
để cứu chuộc con người, chúng ta không còn bất cứ lý do nào để sợ hãi, như
Gioan nói: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ
sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình
yêu hoàn hảo.”
2/
Phúc Âm:
"Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!"
2.1/
Chúa Giêsu có uy quyền trên gió bão: Ngay sau Phép Lạ “Bánh hóa nhiều,” là Phép Lạ “Đi
trên biển và truyền sóng gió phải im lặng.” Thánh Marco tường thuật: “Lập tức,
Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bethsaida
trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi từ biệt các ông, Người lên
núi cầu nguyện. Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình
Người ở trên đất. Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên
vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông.” Khi Người
lên thuyền với các ông, sóng gió lặng im. Theo trình thuật, Chúa Giêsu, tuy lên
núi cầu nguyện, nhưng mắt Ngài không quên theo dõi các ông. Khi thấy các ông
lâm nguy, Ngài đến và giúp các ông thóat khỏi nguy hiểm của gió bão.
2.2/
Các Tông-đồ sợ hãi: Là
con người, các ông lo sợ tất cả những gì đe dọa đến sự sống. Trình thuật hôm
nay tường thuật 2 nỗi lo sợ của các ông:
(1)
Sức mạnh của gió bão: là
nỗi lo sợ cho những người sống về nghề thuyền chài. Gió bão có thể làm thuyền
chìm và lấy đi mạng sống con người. Hồ Galilee được nhiều người gọi là Biển Hồ
vì kích thước to lớn của nó (21km/13km/204m).
(2)
Quyền lực của ma quỉ: Cộng
với nỗi lo sợ gió bão là nỗi lo sợ ma quỉ. Người Do-Thái tin quyền lực của ma
quỉ, và Chúa Giêsu đã nhiều lần trục xuất quỉ ra khỏi con người. Các ông nhìn
ra Chúa, nhưng không thể hiểu một người mà có uy quyền đi trên mặt nước; vì thế,
“khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Quả thế,
tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt.”
2.3/
Chúa Giêsu trấn an các Tông-đồ: Người bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây,
đừng sợ!" Một khi có Chúa Giêsu đồng hành, con người sẽ không phải sợ hãi
bất cứ một quyền lực nào: sóng gió phải yên lặng, ma quỉ phải nghe lời, điều
không thể trở thành có thể.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta sợ hãi nhiều thứ và chưa có bình an, vì chúng ta chưa sở hữu và chưa
tin tưởng hòan tòan nơi tình yêu của Thiên Chúa.
-
Để có được tình yêu Thiên Chúa, chúng ta phải tin tưởng hòan tòan nơi Đức Kitô
và giữ các giới răn của Ngài, nhất là giới luật yêu thương.
-
Sợ hãi là khuynh hướng tự nhiên của con người; nhưng tình yêu Thiên Chúa sẽ
giúp chúng ta vượt qua mọi sợ hãi trong cuộc đời, để có thể sống bình an và đạt
được ý nghĩa của cuộc sống.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẢY MẦM
Ngày 07 tháng Giêng
Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh
Mc 6,45-52
A. Hạt giống...
- Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu “lập
tức bắt các môn đệ xuống thuyền” đi nơi khác. Chi tiết này có nhiều ý
nghĩa : a/ Còn phải loan Tin Mừng cho nhiều nơi khác nữa ; b/ Việc
các môn đệ ở lại nơi đã xảy ra phép lạ hóa bánh ra nhiều có thể là một nguy
hiểm vì nó trói buộc các ông trong sự quyến luyến những lời khen ngợi và tình
cảm biết ơn của những người đã được ăn bánh.
- Phần Chúa Giêsu thì “Ngài lên núi cầu
nguyện” : sau một giai đoạn hoạt động ồn ào và mệt mỏi, Chúa thấy cần phải
cầu nguyện để múc thêm sức mạnh siêu nhiên.
- Phần tiếp theo là câu chuyện Chúa Giêsu đi trên
mặt nước. Đây cũng là một phép lạ nữa mà ý nghĩa có liên hệ tới ý nghĩa phép lạ
hóa bánh ra nhiều (câu 52 cho thấy sự liên hệ đó : các môn đệ bàng hoàng
trước việc Chúa Giêsu đi trên mặt biển “vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép
lạ bánh hóa ra nhiều”). Ý nghĩa việc này là : Chúa Giêsu là Môsê mới. Ngày
xưa Môsê đã cho dân do thái ăn manna, Chúa Giêsu cũng vừa làm như vậy ;
ngày xưa Môsê đưa dân do thái qua Biển mà vẫn khô chân, bây giờ Chúa Giêsu đi
trên mặt biển cách an toàn.
B.... nẩy mầm.
1. Sứ mạng của các môn đệ là loan Tin Mừng khắp
nơi. Bởi đó mặc dù sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng quyến luyến mến
phục các môn đệ, Chúa cũng “bắt” họ “lập tức” rời nơi đó để đi đến các nơi
khác. Nếu tình cảm nhân loại tự nhiên mà cản trở sứ mạng của chúng ta, thì dù
nó có chính đáng đi nữa, ta cũng không nên quá quyến luyến để nó trở thành bận
vướng.
2. Cuộc hành trình của các môn đệ (và của chúng
ta) đôi khi khó khăn nguy hiểm như đang đi trong bão táp. Cảm giác tự nhiên là
hoảng sợ như đang gặp ma. Nhưng nếu biết có Chúa đang đồng hành thì ta sẽ yên
tâm. “Thầy đây, đừng sợ”.
3. Bão táp diễn ra khi các môn đệ đi thuyền qua
“bờ bên kia”, tức là qua vùng đất của dân ngoại. Cơn bão này tượng trưng cho
những khó khăn nguy hiểm trong việc loan Tin Mừng cho lương dân. Nỗi sợ của các
môn đệ cũng là nỗi e ngại sợ sệt của các nhà truyền giáo khi đứng trước vùng
đất lạ của lương dân. Lời Chúa Giêsu trấn an các môn đệ xưa cũng là Lời Ngài
trấn an chúng ta ngày nay : “Thầy đây dừng sợ”.
4. Một người hành hương gặp bệnh dịch đang vào
Baghdad. Anh hỏi bệnh dịch : “Mi định làm gì ở đó ?”
- Tôi sẽ giết 5000 người.
Người hành hương rùng mình và thay đổi dự định.
Tuy nhiên, ít lâu sau anh gặp một người từ trong thành phố bị nạn dịch đó và
được biết không phải 5000 nhưng là 50.000 người chết.
Liền sau đó anh lại gặp bệnh dịch đang đi tới một
thành phố khác. Ông buộc tội : “Anh nói láo. Anh nói sẽ chỉ giết 5000 người
thôi mà”.
Bệnh dịch giải thích cách vui vẻ : “Tôi chỉ giết
có 5000 người. Số còn lại chết vì hoảng sợ” (Góp nhặt).
Nỗi sợ gây thiệt hại nhiều hơn những hiểm nguy có
thực.
5. “Cứ bình tĩnh. Thầy đây mà ! Đừng
sợ !” (Mc 6,50)
Tôi thường tan học và trở về nhà vào khoảng 9 giờ
tối. Tối nay trời mưa gió. Bất chợt tôi nghe có tiếng một người đàn ông bên
cạnh : “Đi chậm lại. Ướt hết rồi !”. Tôi sợ hãi và càng đạp xe nhanh
hơn. Về đến nhà tôi mới biết người ấy chính là đứa em trai của tôi. Tôi rất cảm
động trước sự quan tâm của nó.
Các tông đồ cũng đã trải qua một phen bàng hoàng
sửng sốt trước khi nhận ra Chúa đã đến cứu giúp mình khi hoạn nạn. Những lúc
thất bại hay khổ đau, dường như tôi không thấy Chúa đâu cả. Nhưng thực sự Ngài
vẫn ở bên tôi, và khi cần, Ngài sẵn sàng ra tay trợ giúp.
Lạy Chúa, xin cho con luôn nhận ra sự hiện diện
của Ngài trong cuộc sống. Và khi gặp thử thách gian truân, xin cho con nghe
được tiếng Chúa khích lệ “ Cứ an tâm. Thầy đây mà. Đừng sợ !”. (Epphata)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI
07/01/15 THỨ TƯ ĐẦU
THÁNG SAU LỄ HIỂN LINH
Mc 6, 45-52
Mc 6, 45-52
Suy niệm: Sau
phép lạ hóa bánh ra nhiều, Đức Giê-su phải vất vả giải tán đám đông muốn tôn
Ngài làm vua, sai môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia, rồi lên núi cầu nguyện.
Lúc đó sắp đến lễ Vượt Qua, tức là thời kỳ trăng tròn (khoảng giữa tháng tư).
Trong ánh trăng rằm, từ trên núi Ngài có thể nhìn thấy con thuyền của các môn
đệ phải vất vả chèo chống vì gió ngược. Ngài liền chấm dứt cầu nguyện, đi trên
mặt biển đến với các ông, làm cho sóng êm gió lặng. Như vậy, qua ba sự kiện
này, ta nhận thấy: Ngài là vị Thầy luôn chạnh lòng thương dân chúng (c. 34),
quan tâm đến những nỗi vất vả của môn đệ (c. 48) và đầy quyền năng trên sóng
nước (c. 51). Đức Giê-su, hiện thân của Thiên Chúa ở giữa con người, để che chở
và giải thoát con người.
Mời Bạn: Luôn
nhớ đến sự hiện diện yêu thương của Chúa nơi bạn, để rồi tin tưởng, phó thác
mọi sự trong tay Ngài, làm mọi sự dưới cái nhìn trìu mến của Ngài. Điều đáng sợ
nhất trong cuộc đời là bạn đánh mất Thiên Chúa, mất cảm thức về sự hiện diện
liên lỉ của Ngài trong ngày sống của mình.
Chia Se: Đâu
là những nỗi sợ hãi của bạn trong cuộc sống? Bạn đã làm gì để có thể tìm thấy
sự bình an trong tâm hồn?
Sống Lời Chúa: Tôi
thường xuyên dâng lời nguyện tắt sau: “Lạy Chúa, Chúa luôn ở với con
và yêu mến con.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cuộc đời con lúc nào cũng đầy những sóng gió trong công
việc, trong bổn phận, trong các mối tương quan… Xin cho con nhận ra Chúa đang ở
với con, nâng đỡ và giúp con vượt qua những sóng gió cuộc đời ấy. Amen.
Đến với các ông
Chúng ta cần làm quen với
những kiểu tỏ mình khác thường của Chúa. Ngài đến với ta vào lúc không ngờ, dưới
những dáng dấp kỳ lạ.
Suy niệm:
Bài Tin
Mừng hôm qua cho thấy Đức Giêsu tỏ mình cho dân chúng
như một
người mục tử lo cho nhu cầu vật chất và tinh thần của đoàn chiên.
Trong
bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tỏ mình cho riêng các môn đệ.
Ngài
xuất hiện như người có uy quyền trên biển cả và cuồng phong.
Sau
phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Giêsu trả lại sự lặng lẽ cho vùng hoang địa.
Ngài
bắt buộc các môn đệ lên thuyền sang bờ bên kia trước,
Còn
Ngài thì đi giải tán đám đông cuồng nhiệt muốn tôn Ngài làm vua.
Hãy
lắng nghe sự tĩnh lặng của nơi hoang vu này, của núi và đất.
Chỉ còn
lại một mình Đức Giêsu, sẵn sàng bước vào cuộc trò chuyện với Cha.
Hãy cảm
được sự lắng xuống của tâm hồn Ngài, sau một thành công vang dội.
Đức
Giêsu chìm sâu trong cầu nguyện với Cha,
nhưng
Ngài vẫn biết điều gì đang xảy ra cho môn đệ.
Ngài
đang ở trên mặt đất vững vàng,
còn họ
phải lênh đênh giữa biển, vất vả chèo chống vì gió ngược.
Hãy
chiêm ngắm cách tỏ mình đặc biệt của Đức Giêsu cho các môn đệ.
Ngài
“đến với các ông” vào lúc trời gần sáng, lúc chưa thấy rõ mặt người.
Ngài
đến khi các môn đệ đã qua một đêm mệt mỏi, vắng Thầy.
Ngài
đến một cách khác thường bằng cách đi trên mặt nước biển
Ngài
đến khiến các ông nhìn thấy tưởng là ma, hoảng hốt la lên.
Ngài
đến đem lại bình an: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !”
Ngài
bước vào con thuyền của các ông, và trời lặng gió.
Chúng
ta cần làm quen với những kiểu tỏ mình khác thường của Chúa.
Ngài
đến với ta vào lúc không ngờ, dưới những dáng dấp kỳ lạ.
Chúng
ta phải có khả năng nhận ra khuôn mặt Ngài trong bóng tối lờ mờ,
giữa
những thất bại, nhọc nhằn, giữa những cô đơn, sợ hãi.
Ngài
đến đem bình an mà ta tưởng là yêu ma.
Biết
bao lần ta gặp gió ngược trong đời,
nỗ lực
nhiều nhưng tiến tới chẳng bao nhiêu.
Nhưng
kinh nghiệm một mình với gió ngược mà không có Thầy ở bên
cũng là
một kinh nghiệm đáng quý.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu,
xin cho
con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa
ở bên
con dưới muôn ngàn dáng vẻ.
Chúa
hiện diện lặng lẽ
như tấm
bánh nơi nhà Tạm,
nhưng
Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ,
những
người sống không ra người.
Chúa
hiện diện sống động nơi vị linh mục,
nhưng
Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người
gặp gỡ
nhau để chia sẻ Lời Chúa.
Chúa
hiện diện nơi Giáo Hội
gồm
những con người yếu đuối, bất toàn,
và Chúa
cũng ở rất sâu
trong lòng từng Kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa
đang tạo dựng cả vũ trụ
và đang đưa dòng lịch sử này
về với Chúa.
Xin cho con gặp Chúa nơi bất
cứ ai là người
vì họ có cùng khuôn mặt với
Chúa.
Xin cho
con khám phá ra
Chúa
đang hẹn gặp con
nơi mọi
biến cố buồn vui của đời thường.
Ước gì
con thấy Chúa ở khắp nơi,
thấy
đâu đâu cũng là nhà của Chúa.
Và ước
gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa
trên
bước đường đời của con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng
Tâm Hồn Lên
7 THÁNG GIÊNG
Hành Trình Trực Chỉ Giê-ru-sa-lem
Các nhà thông thái phương Đông là những người ngoại giáo đầu
tiên đón nhận mạc khải đức tin vào Chúa Kitô. Họ là những người đầu tiên tiếp cận
mầu nhiệm thừa tự mà Thiên Chúa đã mở ra cho mọi người nơi Đức Giêsu Kitô: cuộc
Nhập Thể của Con đời đời của Thiên Chúa.
Mầu nhiệm ấy, nhờ Chúa Thánh Thần vén mở, đã được các nhà thông
thái tiếp cận ngay cả trước khi nó được mạc khải cho các tông đồ – và ngay cả
trước khi Tin Mừng được nhận biết như là con đường dẫn tới đức tin. Nơi các nhà
thông thái này, chúng ta tìm thấy một hình mẫu của công cuộc tiền-Phúc-Âm hóa.
Chúng ta thấy rõ linh hồn họ đã được Thiên Chúa chuẩn bị để đón nhận ơn cứu độ.
Đây cũng là một công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng mạc khải ý nghĩa của ánh
sao mà các nhà thông thái đã dõi bước theo trên hành trình trực chỉ
Giê-ru-sa-lem. Aùnh sao ấy biểu trưng ý nghĩa rằng ơn cứu độ của họ vẫn còn ở
xa xa, réo gọi.
Trong ngày Lễ Hiển Linh, phụng vụ của Giáo Hội cũng muốn dẫn dắt
chúng ta trên hành trình của mình tiến về Giê-ru-sa-lem. Chúng ta hướng lòng về
thành Thánh, “thành đô của Đại Vương”. Cho dẫu cư dân Giê-ru-sa-lem không hề
hay biết rằng vị Vua Vinh Quang đã được sinh ra giữa họ, thì phần mình, chúng
ta vẫn vui mừng hoan hỉ hướng về thành Thánh. Bởi đó là ‘thành đô của Đại
Vương’.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa
Trong Gia Đình
NGÀY 07-01
1Ga 4,11-18; Mc 6,45-52.
LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua
bờ bên kia về phía thành Bét-xai-đa trước, trong lúc Người giải tán đám đông.”
Sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh nên nhiều; dân chúng được
ăn no nê, đám đông muôn tôn Chúa làm vua. Chúa Giêsu sợ các Tông đồ nhận định
sai, bị mê hoặc bởi những kích dộng của đám đông; làm hỏng chương trình Chúa
Cha đã trao cho Người. Người đã bắt các Tông đồ xuống thuyền qua bên kia để
tách rời các ông. Trong lúc đó một mình Người giải tán đám đông
Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn tách rời các Tông đồ khỏi tư tưởng chiếm
lấy quyền lực thống trị và vinh quang trần thế; để chuyên tâm trong việc loan
báo Tin Mừng, chữa lành và phục vụ tha nhân. Xin Chúa ban cho mọi thành viên
trong gia đình chúng con được tràn đầy ơn Chúa để sống yêu thương và phục vụ
nhau.
Mạnh Phương
Gương
Thánh Nhân
Ngày 07-01: THÁNH RAYMUNDO PENYAFORT
Linh Mục (1175-1275)
Thánh Raymudô chào đời năm 1175 trong một gia đình hiệp sĩ tại
lâu đài Penyafort ở California. Không chiều theo cuộc sống dễ dãi, Ngài đã dành
trọn nỗ lực tuổi trẻ vào việc học hành và thực tập các nhân đức. Mới 20 tuổi,
Ngài đã giữ ghế triết tại đại học Barcelona. Nhưng vì tinh thần hiếu học và muốn
giúp ích cho Giáo hội đắc lực hơn, năm 30 tuổi, Ngài qua Italia để tiếp tục học
luật tại Bologna. Tại đây Ngài đã tốt nghiệp tiến sĩ và thành công trong nghề
luật sư, lại còn giảng dạy tại chính đại học Bologna trong ba năm. Nhiều nhà
quí phái và bậc thứ giả tìm đến với Ngài. Tận tụy hướng dẫn họ, Ngài chỉ mong
cho họ tiến bộ. Nếu có bị ép để nhận một ít thù lao nào, Ngài cũng đem phân
phát cho người nghèo.
Năm 1249, Đức giám mục địa phận Bacelona mời Ngài về giúp việc địa
phận. Nhưng lúc 48 tuổi, thánh nhân đã trốn mọi danh vọng và xin gia nhập dòng
Daminh, Ngài chỉ ao ước được trao phó cho những công việc thấp hèn nhất. Nếu được
tán thưởng, Ngài liền xin bề trên cho được làm việc đền tội. Tuy nhiên việc đền
tội Ngài không mong mỏi chút nào, là việc nhà dòng trao cho Ngài trách nhiệm viết
một tác phẩm về các vấn đề lương tâm để hướng dẫn các cha giải tội. Tác phẩm
này cho tới ngày nay vẫn còn danh tiếng.
Năm 1230, Đức giáo hoàng Gregoriô IX cảm kích những thành quả do
thánh Raymundô mang lại, đã mời làm cha giải tội cho mình, đồng thời chọn Ngài
làm tổng giám mục thành Tarragona. Nhưng danh dự này đã khiến thánh nhân, khi
nghe tin, lên cơn sốt liền trong vòng ba ngày, Ngài đã xin các đức hồng y can
thiệp cho mình khỏi lãnh nhận danh dự và gánh nặng này. Cuối cùng Đức giáo
hoàng đành chấp thuận. Năm năm làm việc tại giáo triều, đức giáo hoàng đã ủy
thác cho thánh nhân thu thập các sắc lệnh của các đức giáo hoàng và các công đồng
thánh nhân đã gom góp vào năm cuốn sách và được phê chuẩn năm 1234. Ngoài việc
chu toàn các nghĩa vụ được trao phó, Ngài còn theo đuổi một nếp sống nhiệm nhặt,
khiến Ngài lâm trọng bệnh. Thánh nhân liền khẩn nài cho mình được trở về với nếp
sống tu sĩ bình thường.
Từ khứơc mọi đặc ân thánh nhân rời khỏi Roma trở về Barcelona.
Trên chuyến tàu Ngài gặp một người lâm bệnh nặng không còn nói năng gì được. Cầu
nguyện và xin mọi người cầu nguyện cho ông, thánh nhân hỏi ông có muốn xưng tội
không ? Bệnh nhân bỗng nói được. Ông ta đã xưng tội rồi tắt thở.
Tại Barcelon, thánh nhân trở lại đời sống sám hối rất gương mẫu.
Hàng ngày Ngài vẫn xưng tội rước khi dâng lễ. Ngài nói: - "Những ngày bị
ngăn trở không xưng tội được, đối với tôi là những tang chế u sầu".
Năm 1238, Ngài được bầu làm bề trên tổng quyền thứ ba của dòng
Daminh. Suốt hai năm làm bề trên, Ngài đã đi bộ đến thăm viếng mỗi tỉnh dòng để
hun nóng lòng nhiêt thành của các tu sĩ. Hai năm sau Ngài xin từ chức vì tuổi
già sức yếu.
Tuy nhiên trong tuổi già yếu, Ngài vẫn góp phần xây dựng cho tổ
quốc. Ngài đã viết thư yêu cầu thánh Tôma viết một bộ sách để chống lại bọn lạc
giáo, như vua Giacôbê yêu cầu. Thánh Tôma đã nhận lời và viết bộ sách
"Summa Contra Ghentiles" Dù được nhà vua quí mến chiều chuộng, nhưng
thánh nhân không ngại cảnh cáo ông ta. Một lần kia, trong cuộc chinh phục đảo
Maiorqua. Vua mời thánh nhân cùng đi. Thánh nhân nhận lời với ước vọng giảng
thuyết để phá đổ những sai lầm tại đó. Nhưng tới nơi, Ngài khám phá ra rằng nhà
vua đang phá hoại tổ chức bằng cuộc sống tội lỗi của mình. Ngài can ngăn nhưng
nhà vua không giữ lời hứa.
Thánh nhân liền tuyên cáo: - Vì Ngài không bỏ đường tội lỗi nên
tôi sẽ bỏ đi.
Hoảng hốt, nhà vua cấm mọi tàu thuyền không được phép chở Ngài.
Tương truyên rằng: thánh nhân đã nói với một tu sĩ đi theo Ngài rằng: - Một
vua trần thế cản đường, thì vua trên trời sẽ mở lối cho chúng ta đi.
Nói rồi, Ngài cởi áo ngoài trải ra trên mặt biển, cắm cây gậy
làm cột và cuốn một góc làm buồm. Ngài mời thầy dòng lên "Tàu" nhưng
ông không dám. Thế là một mình Ngài đáp "tàu" hồi hương. Vài giờ sau
thánh nhân tới bến và Ngài vội vàng cuốn áo thẳng về nhà dòng để tránh tiếng
hoan hô của dân chúng. Phép lạ này đã trở thành sức mạnh cải hóa nhà vua, đưa
ông trở lại với lương tâm và quê hương mình.
Về già, thánh Raymundô đã chịu nhiều cơn đau yếu, nhưng lòng nhiệt
thành của Ngài vẫn bốc cháy không ngừng. Ngày 6 tháng giêng năm 1275 Ngài đã từ
giã cõi thế là nơi mà Ngài đã hiến trọn đời phụng vụ Chúa.
(daminhvn.net)
07 Tháng Giêng
33 Năm
Sau
Với tựa đề "33 năm sau", đó là một câu chuyện thuật lại
như sau: "Những gì đã xảy ra cho đứa bé năm nào?". Một trong ba vua
đã đi triều bái vua Do Thái mới sinh tự hỏi. Suốt cuộc đời mình, nhà vua không
thể nào quên được cuộc hành trình cách đây khoảng 33 năm, một cuộc hành trình dõi
theo ánh sáng sao lạ dẫn ông đến hang đá Bêlem.
Câu hỏi: "Liệu đứa bé ấy có trị vì dân Israel được
không?". Làm cho nhà vua bồn chồn đứng ngồi không yên. Rồi chẳng dừng được,
một lần nữa nhà Vua quyết định lên đường đi đến Palestine. Tại Giêrusalem, những
bậc bô lão còn nhớ đến những vì sao lạ, nhưng không ai biết gì đến đứa bé được
sinh ra dưới điềm lạ ấy. Còn tại Bêlem mọi người được hỏi đều lắc đầu, ngoại trừ
một cụ già cho nhà Vua biết: Làm gì có ông Giêsu Bêlem, chỉ có ông Giêsu
Nagiarét, một người nói phạm thượng tự xưng mình là Con Thiên Chúa, nên cách
đây mấy tuần đã bị xử "tử hình thập giá".
Thất vọng ê trề, nhà Vua thẫn thờ nhập vào đoàn những người hành
hương trở lại Giêrusalem, vào đúng ngày Lễ Ngũ Tuần. Chen lấn vào đoàn lũ đang
mừng lễ Tạ Ơn Sau Mùa Gặt, nhà Vua chú ý đến một đám đông đang bu quanh một
nhóm người. Tò mò ông lấn qua đám đông để đến gần và nghe có kẻ nói: "Tưởng
gì chứ lại gặp mấy tên say rượu nói tầm xàm".
Nhưng tai nhà Vua lại nghe một người trong nhóm nói tiếng nước
mình và rõ ràng ông ta nói về ông Giêsu Nagiarét, người đã bị đóng đinh, nhưng
đã được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết. Như bị một sức mạnh vô hình thúc đẩy,
nhà Vua chen vào đám đông cất tiếng hỏi: "Vậy bây giờ ông Giêsu đó ở
đâu?". Ðại diện nhóm người đứng ở giữa đám đông là Simon Phêrô trả lời:
"Ngài đang ở giữa chúng tôi. Ngài đang ở trong chúng tôi. Chúng tôi là môi
miệng, là tai mắt, là đôi tay, là đôi chân của Ngài".
Trong lúc Pphêrô đang nói, bỗng có một luồng gió thổi mạnh và
hình lưỡi lửa một lần nữa thổi tràn xuống mọi người. Nhà Vua bỗng lại thấy ánh
sao Bêlem, nhưng lần này ánh sao ấy chia ra nhiều ánh sao khác rơi xuống mọi
người. Trong tâm hồn, nhà Vua chợt hiểu: Mỗi người phải trở nên máng cỏ nơi Ðức
Giêsu sinh ra và mỗi người phải mang Ngài đến cho mọi người xung quanh.
Câu chuyện trên nối liền ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, mừng biến cố
Ngôi Lời nhập thể với Lễ Tưởng Niệm Biến Cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Ðồng thời
câu chuyện cũng nêu nổi bật bổn phận của mọi người Kitô, là những kẻ phải trở
nên tai mắt, trở nên môi miệng và chân tay của Ðức Kitô để mang Tin Mừng của
Ngài đến cho mọi người chúng ta gặp gỡ và cộng tác hằng ngày.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét