08/01/2015
Thứ Năm Sau
Lễ Hiển Linh
Bài Ðọc I: 1 Ga 4, 19 - 5, 4
"Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải thương yêu anh em mình
nữa".
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa, vì Người đã
thương yêu chúng ta trước. Nếu ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh
em mình, thì là người nói dối. Vì người anh em mình xem thấy mà không thương
yêu họ được, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là Ðấng mình không thấy được? Ðây
là giới răn chúng ta lãnh nhận nơi Thiên Chúa: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng
phải thương yêu anh em mình nữa.
Hễ ai tin Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, thì đã được sinh ra bởi Thiên
Chúa. Vì hễ ai yêu mến Chúa là Ðấng đã sinh thành, thì cũng yêu mến những kẻ bởi
Người mà sinh ra. Do điều này mà chúng ta biết mình yêu thương con cái Thiên
Chúa, là hễ chúng ta yêu mến Thiên Chúa, thì chúng ta phải thực hành giới răn
Người. Tình yêu Thiên Chúa là thế này: là chúng ta giữ các giới răn Người, và
giới răn Người chẳng có nặng nề đâu. Hễ sự gì bởi Thiên Chúa mà sinh ra, thì thắng
được thế gian, và đây là sự chiến thắng thế gian: đó là đức tin của chúng ta.
Ai chiến thắng thế gian, nếu không phải kẻ tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa?
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 71, 2. 14 và 15bc. 17
Ðáp: Lạy Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa (x. c.
11).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức
vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công
minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. - Ðáp.
2) Người sẽ cứu tâm hồn họ khỏi bất công và đàn áp, giá máu của
họ đáng kể trước mặt người. Họ sẽ cầu nguyện cho người luôn và sẽ chúc phúc người
mãi mãi. - Ðáp.
3) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người tồn tại lâu dài
như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ
ca ngợi người. - Ðáp.
Alleluia: Lc 7, 16
Alleluia, alleluia! - Một Tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa
chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 4, 14-22a
"Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh này".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền năng của Thánh Thần
và danh tiếng Người đồn khắp miền xung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường
của họ, và ai nấy đều ca tụng Người. Người đến Nadarét là nơi Người sinh trưởng,
và theo thói quen của Người, Người vào hội đường ngày Sabbat, và đứng dậy đọc
sách. Người ta trao cho Người cuốn sách Tiên tri Isaia. Người mở sách và gặp chỗ
có chép rằng: "Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai
tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ
trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy,
giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa".
Người xếp sách lại, trao cho viên phụ trách, đoạn ngồi xuống. Mọi
người trong hội đường đều đưa mắt chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ
rằng: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe".
Và ai nấy đều công nhận lời Người và ngạc nhiên vì những lời hấp dẫn thốt ra từ
miệng Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Chúa Giêsu
viếng Nazaret.
Tuy chỉ diễn ra ở Hội đường Nazaret, nhưng việc Chúa Giêsu xuất
hiện lần này nêu bật tư cách và sứ mệnh Mêsia của Ngài. Đồng thời tạo ra một
khúc ngoặt trong lịch sự cứu rỗi, vì nó đánh dấu thời điểm mọi lời tiên báo của
Cựu ước được thành tựu.
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời kinh thánh tai các ngươi vừa nghe”.
Biết bao thế hệ Cựu ước đã nôn nao chờ đợi hai tiếng “hôm nay” ấy. Đây là giờ
phút vui mừng tột độ đối với những ai thật lòng chờ đó ngày Yavê. Dĩ nhiên, thời
cứu rỗi sẽ ngày càng tốt đẹp do những can thiệp sẽ đến của Thiên Chúa,
nhưng tất cả đều tuỳ thuộc ở giây phút này, giây phút Chúa Giêsu tỏ mình là Đấng
mà tất cả Cựu ước đều hướng về.
Đây thật là một cuộc “hiển linh”, nhưng khác với ngờ tưởng của
con người, vì là cuộc tỏ mình một cách êm ả, trong khung cảnh phụng vụ quen thuộc:
Ngài đến hội đường ngày hưu lễ, cầu nguyện chung với mọi người, nghe đọc và
nghe giải thích lời Chúa. Đấng Mêsia gặp gỡ Thiên Chúa, tìm hiểu, lắng nghe và
nhận ra thánh ý Thiên Chúa nơi cơ chế phụng tự quen thuộc và nơi Kinh thánh, và
rồi Ngài cũng sẽ thực hiện chương trình cứu rỗi bằng chính đời sống lao nhọc vì
tha nhân, bằng chính thái độ tận tình đối với tha nhân, để “kẻ nghèo được nghe
Tin mừng, người sầu khổ được chữa lành, kẻ bị giam cầm được giải thoát…”.
Chớ gì mỗi khi họp nhau nghe Lời Chúa chúng ta cũng nhận ra được
thánh ý cứu độ của Ngài để rồi cùng với Chúa Kitô chúng ta thực hiện thánh ý ấy
trong cuộc sống. Điều đó đòi hỏi nơi chúng ta một tấm lòng rộng mở và biết lắng
nghe, một con tim quảng đại biết quên mình để dấn thân phục vụ.
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Thứ Năm sau
Lễ Hiển Linh
Bài đọc: I Jn
4:19-5:4; Lk 4:14-22.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Yêu
Chúa là thi hành thánh ý của Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh vấn đề: phải bày tỏ tình yêu đối
với Thiên Chúa bằng các hành động cụ thể. Trong Bài Đọc I, Thánh Gioan dạy: Vì
Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, nên chúng ta phải bày tỏ tình yêu với
Thiên Chúa bằng tình yêu chúng ta dành cho tha nhân. Ai nói mình mến Chúa mà
không yêu anh em là kẻ nói dối. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công
khai rao giảng của Ngài trong các hội đường để người ta biết đến Ngài. Khi trở
về Nazareth, nơi Người sinh trưởng, Ngài cũng vào hội đường và đọc Sách
Tiên-tri Isaiah, chương 61, nói về Năm Hồng Ân. Ngài nói cho mọi người trong hội
đường biết, Ngài chính là Người mà Tiên-tri nói tới. Ngài đến để thi hành thánh
ý Thiên Chúa và giải thóat nhân lọai khỏi mù lòa và xiềng xích của tội lỗi.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Yêu Chúa là giữ các giới răn của Ngài.
Hai tư tưởng chính của Thư Gioan I là: (1) tin Đức Kitô đến từ
Chúa Cha; và (2) giữ điều răn yêu thương. Chúng ta đã nói tới 2 tư tưởng này
trong các bài chia sẻ trước. Hôm nay, chúng ta chỉ để ý tới những khía cạnh mới
lạ của 2 tư tưởng chính này.
1.1/ Yêu Thiên Chúa là yêu Đức Kitô: Thánh Gioan cắt nghĩa:
“Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và
ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.” Trong
Phúc Âm, Thánh Gioan nói rõ hơn: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin
vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Jn 1:12). Người
tín hữu trở nên con Thiên Chúa bằng niềm tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa. Nếu
họ yêu mến Cha, Đấng Sinh Thành, họ cũng phải yêu mến Con là Đức Kitô, Người được
Đấng ấy sinh ra. Điều mới lạ ở đây là Gioan đi từ “tin” đến “yêu” Đức Kitô.
1.2/ Yêu Thiên Chúa là giữ các giới răn Ngài truyền: “Căn cứ
vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là
chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người. Quả thật, yêu mến
Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người.”
(1) Yêu mến Chúa là phải yêu thương anh em: “Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.” Như đã nói ở trên, khi một người tin vào Đức Kitô là người đó cũng yêu Đức Kitô. Tình yêu của người đó dành cho Đức Kitô sẽ thúc đẩy người đó giữ các điều răn Đức Kitô truyền, như Ngài nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, hãy giữ những điều Thầy truyền” (Jn 14:15). Mà điều quan trọng nhất Đức Kitô truyền là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu mến anh em” (Jn 13:34).
(1) Yêu mến Chúa là phải yêu thương anh em: “Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.” Như đã nói ở trên, khi một người tin vào Đức Kitô là người đó cũng yêu Đức Kitô. Tình yêu của người đó dành cho Đức Kitô sẽ thúc đẩy người đó giữ các điều răn Đức Kitô truyền, như Ngài nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, hãy giữ những điều Thầy truyền” (Jn 14:15). Mà điều quan trọng nhất Đức Kitô truyền là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu mến anh em” (Jn 13:34).
(2) Yêu mến Chúa mà ghét anh em là kẻ nói dối: “Nếu ai
nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ
nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể
yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” Câu này là phản đề của câu trên:
Yêu mến Thiên Chúa là có tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa trong mình. Khi có
tình yêu Thiên Chúa là phải giữ điều răn yêu thương. Vì thế, nếu một người nói
mình yêu mến Thiên Chúa, mà không giữ điều răn yêu thương (ghét anh em mình),
người đó là kẻ nói dối; vì không có tình yêu Thiên Chúa trong mình mà dám nói
có. Nói tóm lại: Phải có tình yêu Chúa mới có thể yêu anh em; và yêu anh em là
bằng chứng mình có tình yêu Chúa.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu chu tòan sứ vụ Chúa Cha trao phó.
2.1/ Chúa Giêsu giảng dạy trong các hội đường: Trình
thuật của Luca hôm nay ngay sau biến cố Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc, và
bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng của Ngài. Chúa Giêsu chọn Galilee là địa điểm
để bắt đầu sứ vụ rao giảng vì Galilee là vùng rất đông dân cư, và dân chúng mở
lòng cho những dạy dỗ mới, chứ không bảo thủ như ở vùng Judah. Người Do-Thái chỉ
có một Đền Thờ duy nhất tại Jerusalem, nhưng hội đường mới là các trung tâm tôn
giáo của dân địa phương. Theo Lề Luật, chỗ nào có từ 10 gia đình trở lên, chỗ
đó phải có một hội đường. Vì thế, hầu như mỗi làng mạc hay thành phố, đều có ít
nhất một hội đường cho dân học hỏi và làm việc thờ phượng. Phụng vụ của người
Do-Thái gồm 3 phần chính:
(1) Phần phụng vụ của các lời cầu nguyện;
(2) Phần đọc Kinh Thánh: Có tất cả 7 người trong cộng
đòan đọc. Họ đọc bằng tiếng Do-Thái, nhưng được phiên dịch ra tiếng Aramaic hay
Hy-Lạp, vì thời của Chúa Giêsu, ít người hiểu tiếng Do-Thái. Nếu là Sách Luật,
họ đọc một câu một lần; nếu là Sách Tiên-tri, họ đọc 3 câu một lần.
(3) Phần dạy dỗ: Không có nhất định một Rabbi.
Người trưởng hội đường có thể mời bất cứ một người nào có thế giá trong dân để
chia sẻ, và để điều khiển cuộc đối thọai sau đó. Đây là lý do tại sao Chúa
Giêsu có cơ hội giảng dạy để người ta biết tới và tôn vinh.
2.2/ Chúa Giêsu giảng dạy tại Nazareth, nơi Ngài lớn lên: Người
vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabbath, và đứng lên đọc Sách
Thánh. Họ trao cho Người Sách ngôn sứ Isaiah. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:
“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan
báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm
biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị
áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” Đây là đọan văn trong Chương 61 của
Isaiah, nói về Năm Hồng Ân, xảy ra mỗi 50 năm một lần. Trong năm này, tất cả nợ
nần được tha, tất cả đất đai đã bán được trả về cho chủ cũ, tù nhân được phóng
thích hay giảm án. Nói tóm, mọi người đếu có cơ hội làm lại cuộc đời (Lev 25).
Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi
ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với
họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." Mọi người
đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Chúa
Giêsu nói với dân chúng Người chính là Đấng mà Tiên-tri Isaiah đã loan báo.
Ngài đã được Thánh Thần ngự xuống và tấn phong khi chịu Phép Rửa tại sông
Jordan bởi Gioan Tẩy Giả, và hôm nay Người bắt đầu sứ vụ đã được trao phó. Chắc
chắn Chúa Giêsu không quan tâm đến việc giải phóng người nghèo phần xác cho bằng
người nghèo về tâm linh: bị mù lòa và bị xiềng xích bởi tội lỗi, và năm hồng ân
của Chúa chính là ơn cứu độ Ngài mang tới cho con người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Nếu chúng ta yêu Thiên Chúa, chúng ta phải thực hành những gì
Chúa truyền, vì những giới răn này giúp chúng ta ở lại trong Chúa, và không lạc
xa tình yêu của Ngài.
- Yêu Thiên Chúa là biết lo chung với những lo âu của Thiên
Chúa: Làm sao cho mọi người nhận biết và yêu mến Thiên Chúa để tất cả đều được
hưởng hồng ân cứu độ của Ngài.
- Mỗi người chúng ta đều có bổn phận cùng chung với Giáo-Hội lo
việc truyền giáo: làm sao cho càng ngày càng tăng số người nhận biết và tin vào
Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG
LỜI CHÚA
08-01
Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh
Lc 4,14-22a
A. Hạt giống...
Sau một thời gian hoạt động, Chúa Giêsu trở về
rao giảng tại chính quê hương mình là Nadarét miền Galilê. Tại đây, trong một
bối cảnh trang nghiêm và chính thức (ngày Sabbat, trong hội đường), Chúa Giêsu
công bố chương trình hoạt động của Ngài : Với tư cách là
Messia vừa được tấn phong, Ngài được sai đi loan Tin Mừng cho những người nghèo
hèn, khốn khổ. Như thế là Ngài thực hiện điều mà Thiên Chúa đã hứa từ xưa qua
lời ngôn sứ Isaia.
B.... nẩy mầm.
1. “Thần khí Chúa ngự trên tôi... sai tôi đi loan
báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”. Thời Chúa Giêsu và thời các tông đồ, những kẻ
nghèo hèn quả thực đã được nghe Tin Mừng. Nhưng những kẻ nghèo hèn thời nay có
được như thế chưa ?
2. Chuyện xảy ra trong một đêm trình diễn văn
nghệ Giáng sinh : một thanh niên hóa trang thành một người ăn mày để diễn
nhạc cảnh Chúa đến với người nghèo. Nhưng thanh niên này không thể nào bước lên
sân khấu được, vì khi anh tới gần đó thì bị những người trong ban trật tự đuổi
đi. Họ tưởng anh là một tên ăn mày thật, và họ sợ anh phá rối buổi trình diễn.
Xét về mặt hóa trang thì ban tổ chức văn nghệ đã thành công. Tuy nhiên xét về
tinh thần thì họ đã tự mâu thuẫn : họ muốn nói cho khán giả biết Chúa đến
với người nghèo, nhưng khi gặp người nghèo, dù chỉ là một người giả nghèo, thì
họ đã xua đuổi. Tin Mừng đã không thấm nhập vào lòng những kẻ trình diễn Tin
Mừng.
3. “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức
dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18)
Một người bạn kể lại : “… Trong lớp tôi dạy,
có một em bị khuyết tật bẩm sinh : sứt môi và điếc một tai trái. Bị các
bạn chế diễu, em luôn cảm thấy bị bỏ rơi, thua thiệt. Em trở nên khép kín và xa
lánh mọi người. Một hôm, tôi cho các em được tự do đi lại trong lớp và có thể
nói nhỏ vào tai bất kỳ một người bạn nào những gì mình thích. Bi ngồi đó, không
tham gia, cũng không chờ đợi. Và chính lúc đó, tôi đã đến nói nhỏ vào tai em
“Ước gì Bi là đứa em nhỏ của cô !” Bi ngước mắt ngạc nhiên như dò hỏi “Có
thật không cô ?” Và tôi đã ôm chầm lấy em.”
Kỳ diệu thay luồng gió của Thánh Thần ! Ngài
vẫn tác động trên tâm hồn con người, ngay trên người bạn của tôi, để luôn biết
cảm thông và trao tặng… Hành vi ấy đang tiếp nối những hành vi của Chúa Giêsu,
Đấng đã được Thánh Tần thúc đẩy để đem Tin Mừng cho người nghèo khó.
Lạy Chúa, khi con đói, xin gởi đến con người cần
của ăn. Khi con cô đơn, xin gởi đến con người cần được thông cảm. (Epphata)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI
08/01/15 THỨ NĂM SAU LỄ
HIỂN LINH
Lc 4,14-22a
Lc 4,14-22a
Suy niệm: Lời
Kinh Thánh được ứng nghiệm khi lời ấy được thực hiện trong hiện tại như đã được
tiên báo từ xưa. Khi ấy, lời Kinh Thánh không còn là những dòng chữ trong sách
xưa, nhưng có sức sống nhờ được đọc lên ngay lúc này. Lời tiên báo xưa của vị
ngôn sứ đã khuất, nay trở thành Lời sống động là Đức Giê-su, Đấng Cứu Thế được
Chúa Cha sai đến hôm nay. Chẳng những làm cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm,
Chúa Giê-su, Đấng tràn đầy Thánh Thần, là chính Tin Mừng của Thiên Chúa được
loan báo cho con người. Giờ đây, cùng với Người và trong Người, thời đại mới
của ân sủng được mở ra; mọi người đều được ban ơn cứu độ; tất cả đều được gọi
Thiên Chúa là “Abba” (Cha ơi).
Mời Bạn: Thư
chung của Hội Đồng Giám mục Viêt Nam kêu gọi: “Gia đình giáo xứ cần được Phúc-Âm-hóa, nghĩa là thấm đẫm tinh thần
Phúc Âm và làm chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân.”
Mời bạn hãy để cho lời Kinh Thánh đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu tiếp tục
được ứng nghiệm nơi chính bản thân, giáo xứ và cộng đoàn của bạn qua tiến trình
Phúc Âm hóa.
Chia sẻ: Bạn
phải làm gì để lời Tin Mừng sau đây tiếp tục được ứng nghiệm “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt
5,7)?
Sống Lời Chúa: Tha
thứ cho một người làm điều gì phật ý bạn hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con, nhờ Chúa, với Chúa, và trong
Chúa, biết thực hành Lời Chúa dạy để danh Chúa được rạng rỡ, Nước Chúa
được hiển trị trong cuộc đời con. Amen.
Trả lại tự do
Sứ mạng của Đức Giêsu chủ yếu là loan báo và công
bố. Sứ mạng ấy nhắm đến những người bất hạnh trong xã hội: người nghèo, người bị
giam cầm, người bị mù lòa, bị áp bức.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay cho
thấy Đức Giêsu tỏ mình.
Ngài không tỏ mình cho một
đám đông trong hoang địa,
nhưng tỏ mình cho người dân
làng Nadarét, tại hội đường của họ.
Thánh Luca đã muốn chọn
Nadarét thay vì Caphácnaum
làm nơi Đức Giêsu bày tỏ con
người và chương trình hành động của Ngài.
Nadarét là một ngôi làng
nhỏ, chẳng có gì nổi bật (x.Ga 1, 46),
nhưng ở đây, Con Thiên Chúa
làm người đã sống hơn chín phần mười đời mình
như một người thợ (Mc 6, 3),
con của một ông thợ khác (Mt 13, 55).
Ở đây, Đức Giêsu đã lớn lên
từ từ về mọi mặt (Lc 2, 40).
Bé Giêsu, cậu Giêsu, chú
Giêsu rồi ông Giêsu.
Ngài sống như một người bình
thường, không có hào quang trên đầu,
cũng không làm nhiều phép lạ
như các sách ngụy thư đã kể.
Hôm nay, Đức Giêsu trở lại
làng xưa, nơi có biết bao kỷ niệm.
Vì là ngày sabát, theo
thói tục, Ngài đến hội đường.
Ông trưởng hội đường đã mời
Ngài đọc sách thánh và diễn giải.
Hãy ngắm nhìn cử chỉ đĩnh
đạc của Đức Giêsu.
Ngài đứng lên, nhận cuộn
sách, mở ra;
sau khi đọc, Ngài cuộn sách,
trả lại và ngồi xuống.
Đức Giêsu đã cố ý chọn đoạn
sách Isaia 61, 1-2
Ngài thấy đoạn sách thánh đó
nói về mình, về sứ vụ tương lai:
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời
Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.”
Như thế chính Ngài
nhận mình là Đấng có Thần Khí Chúa ngự trên,
nhận mình là Mêsia, Đấng
được xức dầu để thi hành một sứ mạng.
Sứ mạng của Đức Giêsu chủ
yếu là loan báo và công bố ( Lc 4, 18-19).
Sứ mạng ấy nhắm đến những
người bất hạnh trong xã hội:
người nghèo, người bị giam
cầm, người bị mù lòa, bị áp bức.
Đức Giêsu như đến để mở một
Năm Thánh đặc biệt, Năm hồng ân.
Ơn nổi bật là ơn trả lại tự
do cho tù nhân và cho người bị áp bức (aphesis).
Vẫn luôn có những người tự
nhốt mình trong nhà tù của thành kiến, thói quen…
Xin được ơn tự do để thoát
khỏi sự chi phối của cái tôi ích kỷ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng
thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con
thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính
chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự
do thực sự:
tự do trước những đòi hỏi
của thân xác,
tự do trước đam mê của trái
tim,
tự do trước những thành kiến
của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con
khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi
tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé
nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do
như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng
buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người
tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế
lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói
sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau,
nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân
loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh
của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay
cao.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng
Tâm Hồn Lên
8 THÁNG GIÊNG
Đức Kitô Xua Tan Đêm Tối
Tuy nhiên, Giê-ru-sa-lem của cuộc Hiển Linh không phải chỉ là
Giê-ru-sa-lem của Hê-rô-đê thời ấy. Trong viễn tượng của Thiên Chúa, đó cũng là
Giê-ru-sa-lem của các ngôn sứ nữa.
Trong thành Thánh, chứng từ của những người báo trước về cuộc xuất
hiện của Đấng Cứu Tinh được bảo tồn xuyên qua bao thế kỷ dưới sự soi dẫn của
Chúa Thánh Thần. Ngôn sứ Mi-ca nói về cuộc sinh hạ của Vua Cứu Độ ở Bê-lem, chẳng
hạn. Nhất là Isaia, vị ngôn sứ của Đấng Mêsia, cống hiến một lời chứng thật độc
đáo về cuộc Hiển Linh: “Bừng sáng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi! Aùnh sáng của ngươi
đã đến, và vinh quang Chúa chiếu tỏa trên ngươi. Hãy nhìn xem, màn đêm bao trùm
mặt đất và mây mù che phủ các dân! Nhưng Chúa giọi ánh sáng trên ngươi và vinh
quang Người xuất hiện nơi ngươi.” (Is 60, 1 – 2)
Sấm ngôn này của Isaia diễn tả tuyệt vời nội dung của Lễ Hiển
Linh. Vinh quang của Đức Kitô phủ ngập thành Thánh Giê-ru-sa-lem. Người xua tan
bóng tối và soi giọi ánh sáng của Người trên dân Người.
Rồi, Isaia tiên báo rằng mọi dân tộc đang sống trong bóng tối sẽ
tuôn về thành Thánh của Thiên Chúa: “Các dân nước sẽ bước đi trong ánh sáng của
ngươi, và các vua chúa sẽ được ánh quang ngươi đưa dẫn. Hãy hướng mắt nhìn xem,
tất cả tụ tập để đến với ngươi: Các con trai ngươi từ xa kéo đến, và các con
gái ngươi trên cánh tay bảo mẫu” (Is 60, 3 – 5). Mô tả lạ lùng ấy của Isaia lần
đầu tiên được chứng thực trọn vẹn bằng cuộc xuất hiện tại Giê-ru-sa-lem của các
nhà thông thái từ phương Đông tới.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa
Trong Gia Đình
NGÀY 08-01
1Ga 4,19;5,4; Lc 4,14-22a.
LỜI SUY NIỆM: “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức
Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng
dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.”
Trên mọi nẽo đường rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu luôn có sự
tác động của Thần Khí Thiên Chúa, Người đến chịu phép rửa trên sống Giođan vừa
bước lên khỏi nước, thì trời xé ra, có hình chim bồ câu và tiếng phán của Chúa
Cha, Sau đó Người được Thần khí đẩy vào Sa-mạc ăn chay và chịu cám dỗ,
Người đã chiến thắng ma-quỷ. Khởi đầu sứ vụ của Người lại được quyền năng Thần
Khí thúc đẩy và chính quyền năng Thần khí đã cho Người Phục Sinh sau khi chết
chôn trong mồ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa về trời cùng với Chúa Cha, Chúa đã hứa ban
cho tất cả chúng con được ơn Chúa Thánh Thần, soi sáng hướng dẫn mọi bước đường
chúng con đi, để đến gặp được Chúa Cha. Xin Chúa cho mọi thành viên trong gia
đình chúng con luôn biết hướng đến Chúa Thánh Thần để nhận lãnh bảy ơn của
Ngài.
Mạnh Phương
08 Tháng Giêng
Sứ Giả
Hòa Bình
Thánh Phanxico Assisi, vị sứ giả Hòa Bình, không những đã có một
tình bác ái cao độ đối với con người, Ngài còn trải dài tinh yêu thương ấy đến
cả muôn vật, cỏ cây.
Cây cỏ gợi lại cho Thánh nhân chính Cây thập giá của Chúa Giêsu,
do đó, Thánh nhân cảm thấy thương tâm vô cùng mỗi khi có người hành hạ cây cỏ.
Ngài nói với người làm vườn như sau: Anh hãy để lại một góc vườn nguyên vẹn. Ðừng
sờ đến cây cỏ, hãy để cho chúng sinh sôi nảy nở và lớn lên, ngay cả cỏ dại và
hoa dại.
Mỗi lần đi qua góc vườn ấy, Ngài bước đi nhẹ nhàng và cẩn thận để
không sát hại bất cứ một loại sâu bọ, côn trùng nào.
Gặp người ta mang chiên và chim rừng ra chợ bán, Ngài mua hết để
rồi phóng sinh chúng.
Ngài nói với chim chóc như sau: "Hỡi những người anh em nhỏ
bé của tôi, anh em phải ca ngợi Ðấng Tạo Hóa hơn ai hết, vì Ngài đã ban cho anh
em bộ lông đẹp, giọng hát hay cũng như lúa thóc anh em ăn thỏa thuê mà không phải
gieo vãi".
Với chú chó sói, thánh nhân nhắn nhủ: "Anh sói ơi, anh quả
thật đáng chết, vì anh đã cắn xé trẻ em. Anh hãy làm hòa với loài người. Từ
nay, anh hãy ăn ở hiền lành và mọi người sẽ cung cấp đầy đủ cho anh". Chú
sói ấy đã cùng với thánh nhân lên tỉnh và trở thành người bạn thân của các trẻ
em ở Gubbio.
Một con người có tâm hồn như thế quả thực xứng đáng được chọn
làm sứ giả Hòa Bình qua mọi thời đại.
Năm 1979, Ðức Gioan Phaolô II đã công bố Thánh Phanxico là quan
thầy của những người khởi xướng phong trào của những người bảo vệ môi sinh.
Ngài nói trong phần mở đầu sứ điệp Hòa Bình năm 1990 như sau: "Ngày nay,
con người mỗi lúc một ý thức rằng Hòa Bình của thế giới không những chỉ bị đe dọa
vì cuộc chạy đua võ trang, vì các xung đột giữa các vùng và những bất công liên
tục giữa các dân tộc và quốc gia, nhưng còn bởi vì thiếu tôn trọng đối với
thiên nhiên nữa".
Ðức Gioan Phaolô II đã nói đến việc bảo vệ và tôn trọng môi sinh
như một nghĩa vụ luân lý.
Người Kitô nhận thức được nghĩa vụ ấy, bởi vì Thiên Chúa đã tạo
dựng nên muôn vật tốt đẹp và để con người hưởng dụng một cách hợp lý. Trong phần
kết thúc sứ điệp, Ðức Thánh Cha đã nhắc đến Thánh Phanxico Assisi như mẫu gương
của sự tôn trọng đối với thiên nhiên vạn vật. Thánh nhân đã mời gọi vạn vật
dâng lời chúc tụng và thờ lạy Thiên Chúa. Trong sự bình an của Thiên Chúa,
Thánh nhâ kiến tạo ngay cả sự hòa hợp với thiên nhiên và sự hòa hợp ấy cũng là
điều kiện tiên quyết để được hòa bình với tha nhân.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét