09/01/2015
THỨ SÁU SAU
LỄ HIỂN LINH.
BÀI ĐỌC I: 1 Ga 5, 5-6. 8-13 (Hl 5-13)
"Thánh Thần, nước và máu".
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải
là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Đấng đã đến nhờ nước và máu,
chính là Đức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu
nữa. Có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là chân lý. Và trên mặt đất có ba
nhân chứng: Thánh Thần, nước và máu, cả ba chỉ là một. Nếu chứng của người đời
mà chúng ta còn nhận lấy, thì chứng của Thiên Chúa còn mạnh hơn. Vì đó là chứng
của Thiên Chúa, chứng mạnh hơn là Người đã làm chứng về Con Mình.
Ai tin kính Con Thiên Chúa, thì có chứng của Thiên Chúa nơi
mình. Còn ai không tin Thiên Chúa, thì cho Người là gian dối, vì kẻ ấy không
tin nơi chứng mà Thiên Chúa đã làm chứng về Con Mình. Và chứng đó là thế này:
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống đó ở trong Con của
Người. Ai có Chúa Con, thì có sự sống; còn ai không có Chúa Con, thì cũng không
có sự sống. Ta viết các điều này cho các con, để các con biết rằng các con là
những người tin vào danh Con Thiên Chúa, các con có sự sống đời đời. Đó
là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20
Đáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa (c. 12a).
1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa! Hãy ngợi khen Thiên Chúa
của ngươi, hỡi Sion! Vì Người đã giữ chặt các then cửa thành ngươi; Người đã
chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. - Đáp.
2) Người sắp đặt bờ cõi ngươi trong thanh bình, cho ngươi hưởng
no nê những tinh hoa lúa miến. Người đã sai Lời Người xuống cõi trần ai, và Lời
Người lanh chai chạy rảo. - Đáp.
3) Người đã loan truyền Lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và
huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế; Người
đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. - Đáp.
ALLELUIA: 1 Tm 3,36
Alleluia, alleluia. - Lạy Chúa Kitô, Đấng được rao giảng cho
lương dân, vinh danh Chúa! Lạy Chúa Kitô, Đấng được tin kính ở thế gian, vinh
danh Chúa! - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 5, 12-16
"Lập tức người ấy khỏi phong hủi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Xảy ra khi Chúa Giêsu đang ở trong một thành kia, thì có một người
mình đầy phong hủi, thấy Chúa Giêsu, liền sấp mặt xuống đất, van xin Ngài rằng:
"Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch". Người giơ
tay chạm đến người ấy và nói: "Ta muốn, hãy nên trơn sạch". Lập tức,
người ấy khỏi phong hủi. Người ra lệnh cho người ấy không được nói với ai,
nhưng: "Hãy đi trình diện với tư tế, và hãy dâng lễ vật như luật Môsê đã dạy,
để làm chứng cho người ta biết ngươi được sạch". Nhưng tiếng đồn về Người
cứ lan rộng, và dân chúng đông đảo kéo nhau đến để nghe Người và được chữa
lành bệnh tật. Còn Người, thì lánh vào nơi hoang vắng và cầu nguyện. Đó là lời
Chúa.
SUY NIỆM : Chữa một người phung hủi
Bài Tin mừng hôm nay cho thấy cử chỉ ưu ái mà Chúa Giêsu dành
cho những người cùng khổ, những kẻ bị xã hội ruồng rẫy.
Với sự nhạy cảm của một lương y, thánh sử Luca ghi lại một chi
tiết đáng chú ý, đó là sự kiện Chúa Giêsu giơ tay chạm đến người phung hủi, biểu
lộ một tình yêu xoá bỏ mọi ngăn cách, một tình yêu đi đến và dừng lại nơi những
đau khổ của con người. Đối với Chúa Giêsu, con người cùi hủi ấy không còn là một
phế nhân, môt kẻ bị loại bỏ, mà là một con người đáng cảm thông và thương yêu.
Người phung hủi được chữa lành, nhưng nhất là được phục hồi nhân phẩm, được sống
như một con người giữa mọi người.
Chung quanh chúng ta có biết bao người bị đẩy ra bên lề xã hội.
Họ đang chờ đợi một cánh tay nâng đỡ, một lời an ủi, một nụ cười cảm thông. Bao
nhiêu nghĩa cử là bấy nhiêu phép lạ.
Ước gì chúng ta biết sống thế nào để Chúa Giêsu có thể thực hiện
phép lạ tình yêu của Ngài đối với tất cả mọi người.
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Thứ Sáu sau
Lễ Hiển Linh
Bài đọc: I Jn 5:5-13;
Lk 5:12-16.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm chứng
nhân cho Đức Kitô.
Để có thể tin một điều là sự thật, con người cần: chính mắt nhìn
thấy, hay cảm thấy hậu quả của nó, hay dựa vào lời của các nhân chứng. Nhiều
người nghĩ rằng chỉ khi nào họ thấy tận mắt, họ mới tin; như Tông-đồ Thomas khi
được các Tông-đồ thuật lại việc Chúa hiện ra. Chúa Giêsu nói với Thomas: thấy
và tin là chuyện thường, nhưng phúc cho những ai không thấy mà tin. Đàng khác,
có những cái dù không thấy, nhưng phải tin vì hậu quả của nó: gió, điện, sự sống.
Đa số những trường hợp chúng ta tin là qua các nhân chứng; nhất là sau khi được
phối kiểm bởi 2 hoặc 3 nhân chứng có thế giá.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung vào việc con người phải tin Đức
Kitô đến từ Thiên Chúa qua các bằng chứng. Trong Bài Đọc I, Thánh Gioan đưa ra
3 nhân chứng cho Đức Kitô: Thánh Thần, nước, và máu. Nếu ai, sau khi đã được
làm chứng, mà vẫn không chịu tin Đức Kitô, người ấy biến Thiên Chúa thành kẻ
nói dối. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu, sau khi chữa người phong cùi, sai anh đi
trình diện các tư tế và dâng của lễ đền tội, để làm chứng mình đã hòan tòan sạch.
Điều này cũng là bằng chứng Đức Kitô đã chữa lành cho anh, vì Ngài có sức mạnh
của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thánh Thần, nước, và máu; cả ba cùng làm chứng
một điều.
1.1/ Ba chứng nhân của Đức Kitô: “Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng
đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và
trong máu. Chính Thánh Thần là chứng nhân, và Thánh Thần là sự thật. Có ba chứng
nhân: Thánh Thần, nước và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều.” Để hiểu đọan văn
này, chúng ta cần đọc lại Phúc Âm Gioan, và hòan cảnh lịch sử thời đại của
Ngài. Đọan văn trong Phúc Âm nói về “nước và máu” như sau: “Nhưng một người
lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, “máu cùng nước” chảy ra. Người
xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy
biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Jn 19:34-35). Nước và Máu
là 2 biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu: Nước khi Ngài chịu Phép
Rửa bởi Gioan trong giòng sông Jordan. Máu khi Ngài chịu chết trên Đồi
Golgotha.
Sở dĩ Gioan nhấn mạnh đến “nước và máu” là vì
có bè rối “Thuần Tri Thức.” Cerinthus, người đại diện cho bè rối này, tin Chúa
Kitô đến bằng “nước,” khi Ngài chịu Phép Rửa. Thánh Thần hiện xuống và ở lại trong
Đức Kitô, và làm cho Ngài trở thành Con Thiên Chúa. Họ không chấp nhận “máu,”
vì họ không tin Thiên Chúa phải chịu đau khổ. Họ giải thích: trên Đồi Golgotha,
Thánh Thần xuất khỏi Đức Kitô và về trời. Có người còn cho người chịu đóng đinh
là ông Simon, chứ không phải là Đức Kitô. Thánh Gioan muốn chống lại bè rối này
bằng cách nhấn mạnh đến cả 3 nhân chứng đều cần thiết để tin vào Đức Kitô là Đấng
Thiên Chúa sai đến để chuộc tội cho nhân lọai.
(1) Thánh Thần: hiện xuống
và xức dầu cho Đức Kitô khi Ngài chịu Phép Rửa (Mk 1:9-11, Mt 3:16-17, Lk 3:21,
Jn 1:32-34, Acts 10:38). Phép Rửa này hòan tòan khác với Phép Rửa của Gioan (Mk
1:8, Mt 3:11, Lk 3:16, Acts 1:5, 2:33). Thánh Thần hiện xuống với các Tông-đồ
trong Ngày Lễ Ngũ Tuần (Acts 2:4), và trong đời sống của Giáo-Hội (Acts 8:17,
10:14).
(2) Nước: Tại biến
cố Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Đức Kitô: "Tôi đã
thấy Thánh Thần tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không
biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi:
"Ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng
làm phép rửa trong Thánh Thần." Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người
là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn" (Jn 1:32-34).
(3) Máu: Theo
truyền thống Do-Thái, máu súc vật phải đổ ra để làm lễ hy sinh đền tội cho con
người. Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa đến xóa tội trần gian bằng lễ tế hy sinh của
Ngài trên Thập Giá. Ngài thiết lập Bí-tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, và Giáo
Hội chúng ta hằng ngày cử hành Thánh Lễ để liên tục tái diễn Hy Lễ của Đức Kitô
trên Thập Giá để xóa tội cho con người.
1.2/ Chúng ta phải tin lời của các chứng nhân: Đức
Kitô đến từ Thiên Chúa.
(1) Lời chứng của
Thiên Chúa cao trọng hơn lời chứng của người phàm: Luật dạy
khi có 2 hoặc 3 nhân chứng, lời chứng đó là sự thật. Đức Kitô có rất nhiều nhân
chứng: Gioan Tẩy Giả, các phép lạ Ngài làm, Kinh Thánh, các Tông-đồ …, nhưng lời
chứng của Chúa Cha qua tiếng vọng từ trời “Đây là Con Ta yêu dấu,” và lời chứng
của Thánh Thần qua hình ảnh chim bồ câu đậu lại trên Đức Kitô, là những lời chứng
có thế giá hơn cả. Con người phải nhận những lời chứng này và tin vào Đức Kitô;
vì “Ai không tin Đức Kitô, thì coi Thiên Chúa là kẻ nói dối, vì kẻ ấy không tin
vào lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người.”
(2) Tin vào Đức Kitô mới
có sự sống đời đời: “Lời chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống
đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Người. Ai có Chúa Con thì có sự sống; ai
không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống.”
2/ Phúc Âm: Làm chứng cho người ta biết mình đã được sạch.
2.1/ Chúa Giêsu chữa người phong cùi được sạch:
(1) Thái độ của người phong cùi: Trước hết, thái độ
khiêm nhường của anh được biểu tỏ bằng cách anh sấp mặt trước mặt Ngài. Thứ đến,
sự tin tưởng của anh nơi Chúa Giêsu được bày tỏ trong câu xin “Ngài có thể làm
cho tôi được sạch.” Sau cùng, lời cầu xin của anh rất đẹp lòng Thiên Chúa:
"Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Nếu
Thiên Chúa muốn, chứ không phải chỉ riêng con người muốn mà thôi; vì có rất nhiều
điều con người muốn, nhưng không đẹp lòng Thiên Chúa.
(2) Thái độ yêu thương trìu mến của Đức Kitô: Chúng
ta biết luật lệ của Do-Thái rất nghiêm nhặt với người cùi: họ phải ở trong trại
xa cách với mọi người, và phải tránh tiếp xúc với mọi người bằng cách la to câu
“Không sạch! Không sạch!” mỗi khi có người đi ngang qua, để họ khỏi trở nên
không sạch. Nhưng Đức Giêsu giơ tay đụng vào anh ta và bảo: "Tôi muốn, anh
sạch đi." Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh.
2.2/ Hai điều Chúa truyền cho người được chữa lành:
(1) Đừng nói với ai: Chúa làm phép lạ vì lòng thương
dân, và để họ tin vào Ngài để được sự sống đời đời, chứ không phải để nổi tiếng.
Đó là lý do tại sao Ngài ngăn cản anh “Đừng nói với ai!” Nhưng tiếng đồn về Người
ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh.
Phần Chúa Giêsu, Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.
(2) Để làm chứng cho người ta biết, hãy đi trình diện với
các tư tế và hãy dâng của lễ như Luật dạy. Để chứng tỏ mình đã khỏi bệnh, người
phong cùi phải đi trình diện các tư tế để chịu khám xét. Nếu quả thực đã lành,
các tư tế sẽ chứng nhận cho về sống với mọi người. Ngòai ra, người đó còn phải
dâng của lễ như được mô tả chi tiết trong (Lev 14).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta tin Đức Kitô đến từ Thiên Chúa, không phải chúng ta
đã thấy Ngài, nhưng dựa vào lời của nhiều nhân chứng.
- Hai nhân chứng có thế giá nhất là Kinh Thánh chúng ta đọc từ
bên ngòai và Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta từ bên trong. Ngòai ra, còn
có nhiều các chứng nhân khác nữa như: lời chứng của các Tông-đồ, gương chứng
nhân của các thánh Tử-đạo, đời sống tốt lành của các thánh và của những người sống
chung quanh chúng ta.
- Sau khi đã tin Đức Kitô, chúng ta cũng phải làm chứng cho Ngài
bằng việc rao giảng và cuộc sống chứng nhân, để người khác cũng nhận ra và tin
vào Đức Kitô.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG
NẢY MẦM
Ngày 09
tháng Giêng
Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh
Lc 5,12-16
A. Hạt giống...
Chúa Giêsu tiếp tục hoạt động cứu độ, Ngài chữa một người bị
phong cùi.
- Việc chữa người phong cùi làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia về
Đấng Messia, chứng minh Chúa Giêsu chính là Đấng Messia.
- Thái độ của người cùi chứng tỏ người này tin Ngài là
Messia : anh “sấp mặt xuống” kêu xin ; anh nói “Nếu ngài muốn, ngài
có thể làm cho tôi được sạch” (thời đó, phong cùi được coi là chứng nan y vô
phương chữa trị).
- Thái độ của Chúa Giêsu biểu lộ một sự ưu ái đặc biệt :
“Ngài giơ tay đụng vào anh” (không ai khác dám đụng người cùi, vì sợ lây bệnh
và lây sự ô uế).
- Lời Ngài bảo anh đi trình diện tư tế và dâng của lễ chứng tỏ
Chúa Giêsu tôn trọng luật lệ đạo do thái.
B.... nẩy mầm.
1. Chúa Giêsu không chỉ chữa bệnh cho người bị phong cùi, mà còn
đưa tay đụng anh, chứng tỏ Ngài không ghê tởm anh ; Ngài còn dạy anh đi
trình diện với tư tế để được công nhận hết bệnh và nhờ đó được hội nhập vào xã
hội. Như thế, người phong cùi này vừa được chữa bệnh, vừa được phục hồi nhân phẩm.
Nói cách khác, Chúa Giêsu vừa chữa anh khỏi bệnh tật phần xác vừa chữa anh khỏi
bệnh tật tâm hồn. Sự quan tâm của ta với những người nghèo khổ có được toàn diện
như thế chưa ?
2. Cái nghèo cũng là một thứ “tội đầu”, vì nghèo nên khổ, vì
nghèo khổ nên bị coi khinh và xua đuổi
3. Nạn đói xảy ra trong vùng. Một người ăn xin bên góc đường bước
đến bên đại văn hào Nga, Tolstoy, đang đi ngang qua đó. Tolstoy dừng lại, lấy
tiền cho nhưng không tìm được đồng nào. Ông nói với sự nuối tiếc : “ Này
người anh em, đừng giận tôi. Tôi chẳng đem theo gì”.
Mặt người ăn xin sáng lên và nói : “Ông gọi tôi là anh em,
đó đã là món quà rất lớn rồi !” (Góp nhặt).
Việc giúp đỡ người nghèo khổ chưa chắc có giá trị bằng thái độ
tôn trọng của ta đối với họ.
4. “Đức Giêsu giơ tay chạm đến anh ta và bảo “Tôi muốn, tôi cho
anh được khỏi bệnh”. Ngay tức khắc, chứng phong hủi biến đi” (Lc 5,13)
Tôi có người bạn học sắp theo ngành cảnh sát. Trước khi nhập học,
bạn đã hỏi cha mình “Con có nên nhập bọn với nhóm tội phạm, để một ngày nào đó
phá tan băng nhóm ấy không ?” Cha bạn trả lời “Áo dơ muốn sạch thì phải chịu
khó nhúng tay vào”.
Người mắc bệnh phong, vì muốn được khỏi bệnh nên đã tìm đến với
Đức Giêsu. Chúa cũng muốn anh được chữa lành nên đã chạm đến anh.
Chúa cũng đã chạm đến tôi nhiều lần : khi tôi rước lễ, khi
tôi cầu nguyện, đọc sách thánh… nhưng dường như chẳng có gì thay đổi nơi tôi cả !
Phải chăng vì tôi chưa thực sự tin tưởng vào Chúa và thực tâm muốn được chữa
lành ?
Lạy Chúa, xin cho con khao khát được canh tân và ước muốn được
chữa lành, để con luôn bước đến với Chúa và được hoàn toàn đổi mới. (Epphata)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI
09/01/14 THỨ SÁU SAU LỄ
HIỂN LINH
Lc 5,12-16
Lc 5,12-16
Suy niệm: Thời
Chúa Giê-su, lương y dù có tài giỏi cỡ nào cũng bó tay trước bệnh phong. Thế
nhưng với Chúa Giê-su, không có gì là không có thể. Ngài muốn sao nên vậy! Ngài
chữa lành người phong không cần thuốc men; chỉ cần Ngài muốn là được. Việc Ngài
chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, xua trừ ma quỷ, cho người chết trỗi dậy,
cho thấy rõ ràng Ngài là Con Thiên Chúa đã đến thế gian. Đối với con người,
khoảng cách giữa điều ta ước muốn và hiện thực thật quá xa vời: nhiều điều ta
muốn nhưng không thực hiện được, kể cả khi cậy nhờ người khác. Sự bất lực ấy
cho thấy sự bất toàn nơi con người. Chính vì vậy, tâm tình và thái độ phải có
là bắt chước người phong trong Tin Mừng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm
cho tôi được sạch.”
Mời Bạn: Người
phong đã được Phúc Âm hóa nhờ tin vào Chúa Giê-su, là hiện thân của Tin Mừng
Cứu Độ. Tin Mừng lúc này không chỉ là chữ viết, mà còn là một con người đang
sống, đang nói với người bệnh: “Ta muốn…” Hãy để cho ý muốn của Chúa được thể hiện nơi
đời sống của mỗi cá nhân và cộng đoàn chúng ta.
Chia sẻ: “Hãy đi trình diện tư tế, vì
anh đã được sạch.” Chúa
muốn ta cũng phải biết chia sẻ cả niềm vui lẫn nỗi buồn cho anh chị em trong
cộng đoàn để được giúp đỡ, cảm thông.
Sống Lời Chúa: Mỗi
khi lầm lỗi sa ngã, tôi chạy đến sấp mình xuống trước mặt Chúa, xin ơn tha thứ
và trợ giúp.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin “giơ tay đụng vào” và chữa lành những vết
thương tội lỗi thâm căn cố đế nơi con người của con. Xin cho đời con nên trong
sáng hơn mỗi ngày nhờ để cho ý muốn Chúa tỏ hiện trong đời mình.
Hãy đi trình diện tư tế
Khi cầu xin, bạn hãy để cho Chúa được tự do giúp
bạn, theo ý muốn của Chúa, theo cách của Chúa, vào lúc của Chúa
Suy niệm:
Qua bài Tin Mừng hôm nay,
Đức Giêsu vừa tỏ mình, vừa giấu mình.
Ngài giấu mình khi Ngài ra
lệnh cho người phong không được nói với ai.
Nhưng hẳn anh ấy cũng khó
giữ kín chuyện này, khi anh đi gặp các tư tế.
Thế nên cuối cùng tiếng đồn
về Ngài đã lan ra,
khiến người ta nô nức, lũ
lượt kéo đến với Ngài (c. 15).
Đức Giêsu đã không thể giấu
mình trước đám đông dân chúng.
Ngài lôi cuốn họ như một vị
giảng thuyết và như một người chữa lành.
Con người mãi mãi cần sức
mạnh tinh thần và sức khỏe thân xác.
Đức Giêsu đem đến cả hai
điều ấy cho hạnh phúc con người.
Hãy nhìn người phong, mình
anh đầy những vết lở loét.
Anh đến với Đức Giêsu, sấp
mặt xuống nài xin.
“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn,
Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (c.12).
Lời nguyện của người phong
là lời cầu xin mẫu mực cho ta.
Dĩ nhiên là anh ấy rất muốn
được khỏi căn bệnh nan y này,
căn bệnh đã làm tan nát thân
xác anh và cả cuộc đời anh,
Hơn nữa, nó còn bắt anh trở
nên kẻ sống ngoài lề xã hội và tôn giáo.
Nhưng anh vẫn không để ước
muốn quá đỗi bình thường của mình lấn lướt.
Anh đặt ước muốn ấy dưới ước
muốn của Đức Giêsu.
“Nếu Ngài muốn !”
nghĩa là Ngài có thể và có quyền không muốn.
Anh để cho Đức Giêsu được tự
do muốn điều Ngài muốn.
“Ngài có thể làm tôi được
sạch: anh tin vào khả năng của Ngài,
khả năng làm cho những vết
lở loét kia biến mất.
Chính khi Đức Giêsu được tự
do, được tin cậy và phó thác,
thì dường như Ngài không thể
từ chối được nữa.
“Tôi muốn, anh hãy được
sạch.”
Đức Giêsu tẩy sạch anh bằng
một ước muốn được nói ra lời,
kết hợp với một cử chỉ đầy
yêu thương là đưa bàn tay ra đụng vào anh.
Khi cầu xin, bạn hãy để cho
Chúa được tự do giúp bạn,
theo ý muốn của Chúa, theo
cách của Chúa, vào lúc của Chúa.
Đừng dạy Chúa phải làm gì,
vì Chúa biết điều tốt nhất cho bạn.
Cầu nguyện:
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của
tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi
chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở
mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong
mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ
muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong
tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn
của Người
và thực hiện ý Người trong
suốt đời tôi.
(R. Tagore)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng
Tâm Hồn Lên
9 THÁNG GIÊNG
Đến Lượt Chúng Ta Kiếm Tìm Thiên Chúa
“Chúng tôi thấy ngôi sao của Người mọc lên, và chúng tôi đến để
triều bái Người” (Mt 2,2). Đặt chân đến Giê-ru-sa-lem, các nhà thông thái đã
nói với cư dân của thành Thánh như thế. Họ tìm hỏi thăm về “vị vua mới chào đời
của người Do Thái”. Đây chính là những lời chúng ta trích lại trong Lễ Hiển
Linh: sự biểu lộ Đức Giêsu như là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ
của các dân tộc đang sống trong bóng tối lầm lạc. Các nhà thông thái, đại diện
cho các dân ngoại giáo, nhắc chúng ta nhớ đến cuộc kiếm tìm Thiên Chúa của
chính mình. Các nhà thông thái nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa trong
những kỳ quan của tạo vật. Vốn chỉ mới thoáng thấy sự thực xuyên qua thiên
nhiên và qua sự nghiên cứu, các nhà thông thái đã dấn thân vào một cuộc hành
trình đầy mờ mịt và bất trắc để gặp được sự thật. Ở cuối cuộc hành trình tìm kiếm
ấy, họ đã khám phá được và đã nghiêng mình kính cẩn trước Hài Nhi Giê-su và Mẹ
Người. Họ đã tiến dâng Người vàng bạc châu báu của họ – và đã nhận lại được món
quà vô giá là đức tin và niềm vui Kitô giáo.
Ước gì mỗi người chúng ta biết nhận ba nhà thông thái này làm những
người hướng đạo, để mỗi bước chân trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta đều
qui hướng về một mục tiêu duy nhất là Giêsu, con của Đức Maria, cũng là Con đời
đời của Thiên Chúa.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa
Trong Gia Đình
NGÀY 09-01
1Ga 5,5-13; Lc 5,12-16.
LỜI SUY NIỆM: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.
Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: Tôi muốn anh sạch đi. Lập tức, chứng
phong hủi biến khỏi anh.”
Qua thái độ và lời cầu xin của người phong hủi với Chúa Giêsu và
anh ta đã được Chúa đụng đến anh ta, và anh ta đã được chữa lành. Cho chúng ta
một bài học mỗi khi chúng ta cầu nguyện cùng Chúa thì phải: - Trước tiên là đặt
ý muốn của Chúa trên hết, với sự khiêm tốn của mình là kẻ tội lỗi và bất xứng
trước mặt Người. Thứ đến là sự khẩn thiết của điều mình cầu xin. Với tình yêu
thương của Người, Người sẽ ban cho chúng ta điều tốt nhất.
Lạy Chúa Giêsu, thường thường chúng con khi cầu nguyện chúng con
thường đặt ý muốn của chúng con trước hết, muốn được mọi sự như lòng chúng con
mong ước. Xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con khi cầu nguyện
luôn biết phó thác mọi sự trong sự quan phòng của Chúa.
Mạnh Phương
09 Tháng Giêng
Cánh Cửa
Sổ
Trong nhiều năm qua, cứ mỗi lần mùa Giáng Sinh đến, một đài truyền
hình bên Phi Luật Tân đều cho trình chiếu một phim ca vũ nhạc kịch mang tựa đề:
"Tiếng âm nhạc".
Trong cuốn phim, một nữ tập sinh thủ vai chính mang tên là Maria
phải trạm trán với một quyết định quan trọng có thể thay đổi cả hướng đi của cuộc
đời cô: Một là tiếp tục đường tu, hai là chấp nhận đóng vai trò làm mẹ của 7 đứa
bé mồ côi. Cô đã thốt lên một câu mang đầy ý nghĩa: "Khi Thiên Chúa đóng cửa
chính, thì ở đâu đó trong gian nhà, Ngài luôn mở một cánh cửa sổ".
Trong cuộc sống, hàng triệu nguời mang niềm tin Kitô hình như
cũng phải đương đầu với những cửa chính bị đóng kín mang nhiều hình thức của:
những thử thách, đàn áp, nghi kỵ, thất bại, bệnh tật v.v… Nhưng họ luôn luôn ngẩng
cao đầu lên để thưa: "Amen", một lời thưa, một câu nói biểu lộ niềm
tin không bao giờ xao xuyến, lung lay bất chấp mọi nghịch cảnh.
Họ có thể so sánh với những vĩ nhân trên thế giới đã từng thực
hiện được những kỳ công bất chấp những khó khăn có thể so sánh với những then
cài: - Họ giống như văn sĩ John Milton hoàn thành hai tuyệt tác văn chương mang
tựa đề là: "Thiên Ðàng đã mất" và "Thiên Ðàng được tìm lại",
trong lúc đã sống hoàn toàn trong đêm tối dày đặc, không thấy được một tia sáng
mặt trời, không ngắm được các màu sắc sặc sỡ của một cánh hoa cũng như không thể
thả hồn theo mộng trước những vẻ đẹp của thiên nhiên, - Họ giống như nhạc sĩ
Beethoven sáng tác những khúc đại hòa tấu xuất sắc nhất, kể cả đại khúc giao hưởng
thứ 9, trong lúc ông đã không nghe được một tiếng chim hót, một tiếng suối chảy
róc rách hay một tiếng khóc của trẻ thơ vì đôi tai ông bị điếc hoàn toàn.
"Khi Thiên Chúa đóng cửa chính, thì ở đâu đó trong gian
nhà, Ngài luôn mở một cánh cửa sổ".
Bước vào cuộc sống hằng ngày của năm mới, chúng ta, những người
mang niềm tin Kitô, phải khám phá ra những cửa sổ bé nhỏ Thiên Chúa luôn hé mở
để cho chúng ta thấy:
Một tia sáng trong những vấn đề chúng ta tưởng là hoàn toàn đen
tối. - Một luồng gió mát trong những hoàn cảnh chúng ta tưởng là hoàn toàn ngột
ngạt khó thở. - Một tia hy vọng trong những trường hợp chúng ta tưởng là hoàn
toàn tuyệt vọng.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét