Trang

Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

Giải đáp phụng vụ: "Đây là Mầu nhiệm Đức tin" có nghĩa gì?

Giải đáp phụng vụ: "Đây là Mầu nhiệm Đức tin" có nghĩa gì?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. 

Hỏi: Sau bài giải đáp của chúng tôi ngày 7-10-2014 về "Đây là Mầu nhiệm Đức tin", một độc giả ở New Jersey, Mỹ, hỏi một câu thú vị như sau.

"Trước khi cha trả lời lần vừa qua, con đã nghĩ rằng con đã nhận thức một cách chính xác một sự song song giữa câu "Đây là Mầu nhiệm Đức tin" và câu "Đó là Lời Chúa," cả hai đều là câu xướng của thừa tác viên, không có cú pháp, nói lên một phương thức hiện diện của Chúa trong Thánh Lễ vừa được thực hiện, và qua đó cung cấp cho cộng đoàn một cơ hội để tung hô Chúa Giêsu. Thưa cha, cả hai thời điểm này có được nghĩ như là song song với nhau không?"


Đáp: Từ lịch sử của câu văn được trình bày trong bài báo đó của tôi, tôi không nghĩ rằng có một ý định cố tình để tạo ra một sự song song như thế.

Tương tự như vậy, như tôi đã đề cập đến, câu "Đây là Mầu nhiệm Đức tin" không chỉ nhắc đến sự Hiện diện thật trong Bí Tích Thánh Thể, nhưng còn là sự Hiện diện của toàn bộ mầu nhiệm Vượt qua.

Một phần khó khăn phát sinh từ việc sử dụng từ ngữ "mầu nhiệm". Trong thần học "mầu nhiệm" có nhiều sắc thái của ý nghĩa. Một ý nghĩa thông thường là ý nghĩa của một thực tại đức tin, vốn vượt ra ngoài khả năng của một sự hiểu biết đầy đủ nơi con người, và vì vậy chúng ta nói về mầu nhiệm Ba Ngôi, mầu nhiệm Nhập Thể… Trong một số trường hợp, điều này cũng được áp dụng cho Bí Tích Thánh Thể, chẳng hạn trước mầu nhiệm biến thể (transubstantiation).

Một ý nghĩa khác là ý nghĩa mà trong đó mầu nhiệm là đồng nghĩa trong thực hành với bí tích, và đây là khả năng của ý nghĩa trong biểu thức "Đây là Mầu nhiệm Đức tin". Thật vậy, trong một bản dịch chính thức tiếng Tây Ban Nha, người ta đọc "Đây là bí tích đức tin chúng ta". Ở đây, biểu thức nói lên toàn bộ lịch sử cứu độ, vì đối với Thánh Phaolô, một mầu nhiệm là không phải cái gì ẩn giấu, nhưng là cái gì ẩn giấu tới mức nó được mặc khải. Mầu nhiệm Chúa Kitô là mặc khải kế hoạch bí mật của Chúa Cha để cứu độ chúng ta, qua việc nhập thể, cái chết, sự Phục sinh và Lên trời của Chúa Con, đồng thời thực hiện kế hoạch cứu độ này. 

Bí tích Thánh Thể, như là mầu nhiệm đức tin, là việc làm cho hiện diện toàn bộ kế hoạch cứu độ này, thông qua việc cử hành Thánh lễ, vốn làm cho hy tế muôn đời hiện tại ở đây và ngay bây giờ. Trong một cách nào đó, mỗi Thánh lễ là thời điểm gần đây nhất trong lịch sử cứu độ.

Do đó, mặc dầu một số độc giả đã nhấn mạnh rằng biểu thức "Đây là Mầu nhiệm Đức tin" chủ yếu nói đến sự Hiện diện thật, tôi xin phép nói khác hơn. Sự Hiện Diện Thật là một chân lý đức tin, nhưng nó không hiện hữu cho chính nó. Chúa Kitô hiện diện – Mình, Máu, linh hồn và thiên tính – như là một điều kiện cần thiết cho việc thực hiện toàn bộ mầu nhiệm cứu độ, vốn là trung tâm của đức tin chúng ta, và mầu nhiệm này hiện diện trong mỗi Thánh Lễ.

Mặc dù sự Hiện diện thật vẫn còn trong mỗi bánh thánh, sau khi hy tế đã được hoàn tất, Thánh Lễ được cử hành vì giá trị vô biên của nó, chứ không chỉ để có sự Hiện diện thật.

Nói như thế, tôi không muốn gợi ý rằng lòng tôn sùng sự Hiện diện thật nên được làm cho yếu đi. Tôi chỉ đơn giản đề nghị rằng thực tại tuyệt vời và cao cả này nên luôn được nhìn trong viễn tượng riêng của nó và tương quan không thể tách rời khỏi trung tâm thực sự, đó là việc cử hành hy tế đời đời của Chúa Kitô. Thật vậy, khi làm như thế, lòng tôn sùng Chúa Kitô trong nhà tạm hay trong hào quang được phong phú và củng cố thêm thật nhiều. (Zenit.org 21-10-2014)

Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét