Trang

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

22-10-2015 : THỨ NĂM TUẦN XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN - THÁNH GIOAN PHAO-LÔ II, GIÁO HOÀNG.

22/10/2015
Thứ Năm sau Chúa Nhật 29 Quanh Năm
Thánh Gioan Phaolô 2, giáo hoàng. Lễ nhớ

* Karol Jozef Wojtyla sinh ngày 18/05/1920 tại Ba Lan. Giữa bao nhiêu khó khăn cấm cản tại quê hương Ba Lan do bị quân Đức chiếm đóng, Karol khám phá ra ơn gọi tu trì và quyết định xin theo các khóa huấn luyện đào tạo linh mục lén lút tại Cracovia.
Ngày 01.11.1946 thụ phong linh mục. Tháng 07/1958, Đức Giáo Hoàng Piô XII chỉ định cha làm Giám Mục phụ tá Cracovia. Tháng 01/1964, Đức Cha Wojtyla được Đức Giáo Hoàng Phaolo VI chỉ định làm Tổng Giám Mục và năm 1967, nâng lên hàng Hồng Y. Ngày 16/10/1978, ngài được Hồng Y Đoàn bầu lên làm Giáo Hoàng với tên hiệu là Gioan Phaolo 2. Ngài qua đời ngày 02/04/2005 tại Vatican. Lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolo 2 đã được vị kế nhiệm là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16, từng là cộng sự viên của ngài trong nhiều năm trời, chủ sự tại quảng trường thánh Phêrô ngày 01/05/2011.
Và ngày Chúa nhật 27/04/2014 ngày mà giới báo chí gọi là “Chúa nhật 4 Giáo Hoàng”; lần đầu tiênhai vị Giáo Hoàng cùng được tôn phong hiển thánh trong một buổi lễ: đó là ĐGH. Gioan 23 và ĐGH. Gioan Phaolô 2 và lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng: một vị đương kim và một vị cựu, cùng hiện diện trong buổi lễ; đó là Đức Phanxicô và Đức Biển Đức 16.


Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 6, 19-23
"Giờ đây anh em được thoát khỏi sự tội, được phục vụ Thiên Chúa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi nói theo kiểu người phàm, bởi lẽ xác thịt anh em yếu đuối: như xưa anh em đã cống hiến chi thể anh em để làm nô lệ sự ô uế và sự gian ác, khiến anh em trở nên người gian ác thế nào, thì giờ đây anh em hãy cống hiến chi thể anh em để phục vụ đức công chính, hầu nên thánh thiện cũng như vậy. Vì xưa kia anh em làm nô lệ tội lỗi, thì anh em được tự do đối với đức công chính. Vậy thì bấy giờ anh em đã được những lợi ích gì do những việc mà giờ đây anh em phải hổ thẹn? Vì chung cục của những điều ấy là sự chết. Nhưng giờ đây, anh em được thoát khỏi sự tội, được phục vụ Thiên Chúa, thì anh em được những ích lợi đưa đến thánh thiện, mà chung cục là sự sống đời đời. Bởi vì lương bổng của tội lỗi là sự chết. Nhưng hồng ân của Thiên Chúa là sự sống đời đời trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (c. Tv 39,5a).
Xướng: 1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.
2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa, lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.
3) Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.

Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 49-53
"Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Ðường Ðến Vinh Quang
Bình an chỉ có thể đạt được bằng giá của chiến đấu liên lỉ chống lại tư lợi và khuynh hướng xấu trong con người. "Nếu muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh". Nếu muốn có bình an trong tâm hồn, hãy chuẩn bị đương đầu với những cạm bẫy và sức mạnh của ác thần luôn bủa vây lôi kéo chúng ta đến tội lỗi.
Vai trò của các vua chúa trong Cựu Ước là võ trang và chuẩn bị chiến tranh. Chúa Kitô cũng được gọi là Vua, vai trò của Ngài chính là võ trang và chuẩn bị chiến đấu, nhưng khí giới Ngài trang bị cho mình là cái chết trên Thập giá. Chính khi bị treo trên Thập giá, Ngài đã được tôn phong là Vua Do thái. Chúa Giêsu cũng là Vua, vì Ngài đã đánh bại Satan, tội lỗi. Con đường vương giả Ngài đã vạch ra cũng chính là con đường Thập giá. Chúng ta không thể làm môn đệ Ngài, không thể đi theo Ngài, không thể tham dự cuộc chiến của Ngài, mà lại khước từ Thập giá.
Thật ra, thập giá chỉ là một phát minh độc ác của con người để hủy hoại nhau; mãi mãi thập giá vẫn là biểu tượng sự độc ác của con người. Nếu Chúa Giêsu đã ôm trọn Thập giá, thì không phải vì Ngài yêu sự độc ác, tự đày đọa mình, nhưng chính là để thể hiện tình yêu tột độ của Thiên Chúa. Dù con người có độc ác, xấu xa đến đâu, Thiên Chúa vẫn yêu thương, tha thứ cho họ. Chiến thắng của Chúa Kitô chính là chiến thắng của tình yêu trên hận thù, của ân sủng trên tội lỗi, của niềm tin trên thất vọng.
Chúng ta tiếp tục đi theo con đường của Chúa Kitô; chúng ta tiếp tục đau khổ vì tin rằng bên kia những thất bại, khổ đau, tình yêu Thiên Chúa vẫn còn mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Chúng ta đón nhận mọi bách hại, thù ghét, thua thiệt, vì tin rằng chỉ có tình yêu mới có thể thắng vượt được ích kỷ, hận thù trong lòng con người.
Xin Chúa Kitô ban sức mạnh để chúng ta bước theo con đường Thập giá dẫn đến vinh quang.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 29 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Rom 6:19-23; Lk 12:49-53.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy cố gắng nhận ra sự thật.
Cuộc đời có nhiều cái nghịch lý. Cái nghịch lý dại dột nhất trong cuộc đời là thay vì phải nhận ra và thương yêu những người đã hy sinh vất vả cả cuộc đời để nuôi nấng, dạy dỗ, và lo lắng tương lai cho mình; thì con người lại chạy theo những con người luôn rình chờ để lợi dụng, đầu độc, là phá hủy tương lai của mình. Tại sao cái nghịch lý này xảy ra? Lý do vì những kẻ đầu độc biết những gì con người thích: khoái lạc, dễ dãi, và những giá trị tạm thời.
Các Bài Đọc hôm nay mời gọi con người hãy cố gắng suy tư để nhìn ra sự thật và những ai yêu thương mình thực sự. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy biết so sánh để nhận ra sự thật và tình yêu Thiên Chúa: Kẻ thù của Thiên Chúa luôn cám dỗ con người để họ làm nô lệ cho tội lỗi. Hậu quả là những xấu hổ dằn vặt lương tâm và cái chết đau thương muôn đời; trong khi Thiên Chúa luôn yêu thương, dạy dỗ, và làm mọi sự để cứu độ con người. Khi gởi Đức Kitô xuống trên trần gian, Ngài sẵn sàng tha tội và ban mọi ơn lành để con người có sức mạnh thoát khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và sống công chính theo đường lối Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói với các môn đệ ý muốn của Ngài cho con người: Ngài mang lửa của tình yêu, của sự thật, và của bình an đến cho con người; nhưng họ phải đón nhận thì mới mang lại kết quả được.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy biết so sánh để làm theo những gì Chúa dạy.
Thánh Phaolô muốn con người nhận ra hai điều chính trong trình thuật hôm nay:
1.1/ Con người có khả năng thắng vượt tội lỗi: Trước khi Đức Kitô đến, con người không có sức mạnh để thắng vượt tội lỗi, dù Lề Luật giúp con người nhận ra tội lỗi; nhưng khi Đức Kitô đến, Ngài trang bị cho con người ơn thánh đủ để con người chống lại tội lỗi. Thánh Phaolô diễn tả tư tưởng này như sau: "Trước đây, anh em đã dùng chi thể của mình mà làm những điều ô uế và sự vô luân, để trở thành vô luân, thì nay anh em cũng hãy dùng chi thể làm nô lệ sự công chính để trở nên thánh thiện. Khi còn là nô lệ tội lỗi, anh em được tự do không phải làm điều công chính." Nếu Đức Kitô đã giúp con người có thể thắng vượt tội lỗi để sống công chính, tại sao con người không biết lợi dụng cơ hội để thoát khỏi kiếp nô lệ cho tội lỗi?
1.2/ Hậu quả của hai lối sống: Để có thể lựa chọn cách khôn ngoan, con người cần nhận ra hậu quả của mỗi lựa chọn. Thánh Phaolô giúp các tín hữu nhận ra hậu quả của hai lối sống: "Nhưng giờ đây anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ của Thiên Chúa; anh em thu được kết quả là được trở nên thánh thiện, và rốt cuộc được sống đời đời. Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta."
(1) Lối sống theo tội lỗi: là bị xấu hổ và bị chết: "Bấy giờ anh em thu được kết quả nào, bởi làm những việc mà ngày nay anh em phải xấu hổ? Vì rốt cuộc những việc ấy đưa đến chỗ chết." Khi phạm tội, con người cảm thấy xấu hổ với Thiên Chúa và với tha nhân: với Thiên Chúa, vì con người đã bất tuân những gì Ngài dạy; với tha nhân, vì con người đã xúc phạm đến họ cách này hay cách khác. Nguy hiểm nhất của tội là nó đưa dần con người đến cái chết. Thánh Phaolô gọi cái chết là lương bổng của tội; vì khi con người làm việc gì, họ sẽ được trả lương tương xứng với việc họ làm.
(2) Lối sống theo sự công chính: sẽ giúp con người được trở nên thánh thiện và được sống đời đời. Lợi ích khi con người sống thánh thiện là họ sẽ không ngại ngùng xấu hổ khi tiếp xúc với Thiên Chúa hay tha nhân, vì họ chẳng có gì phải dấu diếm hay sợ sệt. Lợi ích trên hết là giúp con người đạt đến cuộc sống đời đời. Thánh Phaolô gọi cuộc sống đời đời là của Thiên Chúa ban cho con người nhờ công trạng của Đức Kitô.
2/ Phúc Âm: Sống theo tình yêu và sự thật sẽ giúp con người có bình an thực sự.
2.1/ “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” Lửa có ít nhất 3 công dụng: soi sáng, thanh tẩy (luyện kim), và sưởi ấm.
- Chúa Giêsu soi sáng con người bằng Lời Chúa;
- Sống Lời Chúa sẽ giúp con người thanh tẩy tất cả sai trái và tật xấu trong tâm hồn;
- Cảm nghiệm được tình thương Thiên Chúa sẽ giúp con người có sức mạnh xóa tan đi những hố sâu chia rẽ và sưởi ấmlại tình người.
Lửa mà Chúa Giêsu đã ném vào mặt đất mà muốn cho bùng lên là Sự Thật và Tình Yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói tiếp: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” Phép Rửa Chúa Giêsu đề cập đến ở đây chính là Phép Rửa bằng Máu, là Cuộc Thương Khó của Ngài. Phép Rửa này chỉ hòan tất khi Ngài giang tay chết trên Thập Giá để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
2.2/ Thầy đến để đem sự chia rẽ? Lời tuyên bố của Chúa Giêsu sẽ làm không ít người ngạc nhiên: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban bình an cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” Nhiều người sẽ hỏi: “Tại sao Thiên Chúa của bình an lại đem chia rẽ?”
Bình an của Thiên Chúa khác với bình an của con người và cách để có bình an của Thiên Chúa cũng khác với cách của con người. Bình an của trái đất là bình an giả tạo vì đặt trên những hiểu biết của con người; và chiến tranh có thể tái phát bất cứ lúc nào nếu có sự xung đột giữa những hiểu biết của con người. Thiên Chúa ban bình an cho con người không theo kiểu của thế gian: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Jn 14:27). Bình an của Thiên Chúa chỉ thực sự có được khi mọi người nhận ra sự thật trong Mầu Nhiệm Cứu Độ và tình thương của Thiên Chúa dành cho con người.
Vì sự thật của Thiên Chúa khác với sự thật của con người nên những lời dạy của Chúa Giêsu sẽ tạo nên sự chia rẽ: có những người tin vào Lời Chúa giảng dạy như các Tông Đồ và môn đệ; có những người sẽ phản đối và không tin như một số Kinh-sư, Biệt-phái, và Luật-sĩ. Hậu quả là họ tìm cách để tiêu diệt Chúa và các Tông Đồ. Cũng vậy, khi Lời Chúa được gieo trong cùng một mái nhà: sẽ có những người trong gia đình tin; sẽ có những người không tin. Hậu quả là gia đình sẽ chia rẽ. Nhưng nếu mọi người trong gia đình đều nhận ra sự thật và tin vào Lời Chúa, lúc ấy gia đình mới thực sự có bình an, và không một quyền lực nào có thể phá tan sự bình an đích thực này.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta có khả năng dứt bỏ tội lỗi và sống công chính theo đường lối của Thiên Chúa. Hãy cố gắng thực hành Lời Chúa và năng lãnh nhận sức mạnh Chúa ban qua các Bí-tích.
- Đức Kitô là nguồn mạch bình an. Ngài đến để hòa giải con người với nhau và với Thiên Chúa. Sự hiểu biết và tình yêu con người dành cho Đức Kitô sẽ giúp xóa tan mọi khác biệt và giúp con người hòa giải với nhau và trở nên một trong thân thể của Đức Kitô.
- Đức Kitô đã ném lửa của sự thật và của tình yêu vào trong trái đất và Ngài muốn làm cho lửa này cháy bùng lên. Để có bình an thực sự trên trong gia đình cũng như trên địa cầu, mọi người chúng ta cần cộng tác với Thiên Chúa bằng việc rao giảng Lời Sự Thật và mang tình yêu Thiên Chúa đến cho mọi người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

22/10/15 THỨ NĂM TUẦN 29 TN
Th. Gio-an Phao-lô II, giáo hoàng
Lc 12,49-53

Suy niệm: Lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su biết trước những đau khổ phải chịu, và Chúa sẽ phải chịu chết. Nhưng lòng Chúa vẫn nung nấu lửa yêu thương chúng ta. ‘Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên’. Chúa “ném lửa” tình yêu để đẩy lui sự chia rẽ, lửa tha thứ để đẩy lui hận thù, lửa chân thật để đốt tiêu tan sự giả dối, lửa bừng sáng để đẩy lui bóng tối tội lỗi. Lửa Chúa ném vào tâm hồn chúng ta và Chúa mong ước đến cùng là lửa ấy bùng cháy. Lòng Chúa khắc khoải để truyền “hết lửa” cho chúng ta cũng được đầy lửa, dù cái giá Chúa phải chịu là đón nhận một phép rửa cuối cùng, tức là hy sinh mạng sống của Chúa để cứu chúng ta.
Mời Bạn: Trong gia đình, nếu không có lửa tình yêu thì làm sao cha mẹ có động lực để tần tảo nuôi con, chăm sóc con từng ly từng tí, lo cho con chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, bồng ẵm trên tay, nâng niu trên đầu gối. Trong Giáo hội, nếu tình yêu tắt ngúm thì các Tông đồ sẽ chẳng loan báo Tin Mừng nữa, các vị Tử đạo sẽ chẳng muốn đổ máu nữa. Hôm nay, Chúa đã ném lửa tình yêu của Chúa trong tôi và Chúa muốn tôi bùng cháy lửa tình yêu.
Chia sẻ: Làm thế nào để giữ lửa và bùng cháy lửa mà Chúa đã ném vào cõi lòng chúng ta?
Sống Lời Chúa: Chia sẻ niềm vui, hy vọng cho người mà bạn gặp gỡ là tiếp tay “ném lửa” tình yêu của Chúa Ki-tô.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ném lửa tình yêu vào lòng chúng con, và Chúa luôn khắc khoải để lửa chúng con bùng cháy thành tình yêu nồng nàn đối với tha nhân.

Phải chi lửa ấy đã bùng lên

Chúng ta cần được ngọn lửa của Ðức Giêsu chạm đến, cần được Ngài làm bừng sáng lên những sức mạnh tiềm ẩn nơi ta, để chúng ta trở thành ánh lửa cho thế giới

Suy nim:
Nhiệt độ của trái đất có chiều hướng nóng dần lên.
Ðó là một điều đáng sợ.
Nhưng điều đáng sợ hơn
lại là sự lạnh lùng giữa người với người.
Con người cần cơm bánh và giải trí,
nhưng con người còn cần sự nâng đỡ cảm thông.
Nhân loại sống được là nhờ tình thương ấm áp.
Vậy mà băng giá của lãnh đạm dửng dưng
vẫn tồn tại khắp nơi trên mặt đất.
Băng giá nằm ngay nơi lòng con người.
Ðức Giêsu đã khẳng định sứ mạng của Ngài:
Ngài đến để ném lửa trên mặt đất,
và Ngài ước mong, phải chi lửa ấy đã bùng lên.
Ngọn lửa Ðức Giêsu muốn nhóm lên
không phải là ngọn lửa của án phạt và hủy diệt,
không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và Giacôbê
định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari.
Ðây là ngọn lửa vẫn bừng cháy trong tim Ngài,
lửa của Thánh Thần, lửa của yêu thương,
lửa hâm nóng hai môn đệ Emmau đang tuyệt vọng.
Chúng ta cần được ngọn lửa của Ðức Giêsu chạm đến,
cần được Ngài làm bừng sáng lên
những sức mạnh tiềm ẩn nơi ta,
để chúng ta trở thành ánh lửa cho thế giới.
“Phải chi lửa ấy đã bùng lên!”
Chúng ta được mời gọi để thực hiện niềm ước mong
mà Ðức Giêsu đã suốt đời ôm ấp,
đó là làm cho thế giới nên ấm áp hơn
vì con người biết sống cho Thiên Chúa và cho nhau.
Gieo rắc ngọn lửa và ánh sáng
là chấp nhận bị từ khước và đe dọa.
Ðức Giêsu linh cảm những gì sẽ xảy ra cho đời mình.
Ngài sẽ phải chịu một phép rửa kinh khủng,
sẽ phải dìm mình thật sâu trong nỗi khổ đau.
Hôm nay, Ngài mời chúng ta ném lửa trên mặt đất
và chấp nhận đối đầu với sức mạnh của bóng tối.
Khi Ðức Giêsu bị treo trên thập tự,
khi Ngài bị giam trong mồ tối,
bóng tối tưởng như đã nuốt chửng được Ngài.
Nhưng ngọn lửa phục sinh đã bừng lên giữa đêm đen.
Ðó là niềm hy vọng của chúng ta,
những người vẫn còn phải hăng say chiến đấu
để đẩy lui bóng tối ra khỏi mọi nơi, mọi chỗ,
bóng tối của bất công, sa đọa và tuyệt vọng,
bóng tối của hận thù, của nạn mù chữ,
bóng tối của nghèo nàn lạc hậu...
Bóng tối do khép lại cánh cửa của lòng mình,
Bóng tối ở ngay trong lòng tôi.
Có lúc chúng ta sợ hãi bóng tối dầy đặc,
mà ngọn lửa của mình lại yếu ớt.
Nếu một tỷ Kitô hữu đều là những ngọn lửa
thì bóng tối sẽ bị đẩy lùi khỏi mặt đất.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa,
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được
Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Chân phước Têrêxa Calcutta)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
22 THÁNG MƯỜI
Bảo Vệ Phẩm Giá Của Mọi Con Người
Có lần tôi đã nói trong sứ điệp nhân Ngày Quốc Tế Hòa Bình: “Con đường đúng đắn để xây dựng một thế giới hiệp thông huynh đệ, một thế giới mà công lý và hòa bình sẽ ngự trị khắp mọi nơi, cho mọi dân tộc … đó là con đường liên đới, con đường của đối thoại và của tình huynh đệ đại đồng. Chỉ có con đường đó mà thôi.”
Ý thức liên đới phải vượt thắng mọi cám dỗ khép kín lòng mình. Ý thức ấy thúc đẩy người ta biết kính trọng những truyền thống văn hóa và luân lý của mọi dân tộc. Nó giúp các truyền thống gặp gỡ nhau, cảm thông và trân trọng nhau. Sự liên đới mà xã hội hiện đại cần có chắc chắn không phải là những câu khẩu hiệu mơ hồ sáo rỗng, nhưng phải là sự liên đới cụ thể trong tinh thần tôn trọng giá trị của sự sống, của mọi sự sống. Bởi vì nơi mỗi hiện hữu con người đều có phản ảnh sự hiện hữu của chính Thiên Chúa. Vì thế, chỉ có lòng bao dung mà thôi thì không đủ, thái độ thuần túy cam chịu càng không đủ. Sự chấp nhận mọi sự như hiện trạng của nó cũng không đủ. Điều cần thiết là phải có một thái độ dấn thân tích cực để tôn trọng và bảo vệ phẩm giá và quyền của mọi con người, trong bối cảnh là chính căn tính văn hóa của họ.
Thái độ dấn thân tích cực ấy sẽ thúc đẩy chúng ta tìm kiếm những điều ích lợi cho người khác, xây dựng những mối liên hệ mới, đem lại niềm hy vọng mới, hăng say phụng sự cho hòa bình. Chỉ khi hiểu biết và thông cảm nhau, chúng ta mới có thể giải quyết các xung đột và điều chỉnh những bất công. Và chỉ khi đó chúng ta mới có thể mở ra triển vọng thật sự về mối liên đới trong tự do và hy vọng. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể mở ra con đường hòa điệu giữa các dân tộc – sự hòa điệu này là điều kiện không thể thiếu cho một nền hòa bình đích thực.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 22-10
Thánh Gioan-Phaolô II, Giáo Hoàng
Rm 6, 19-23; Lc 12, 49-53

LỜI SUY NIỆM: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”.
Lửa đối với con người dùng để thiêu đốt, nấu chín lương thực thực phẩm, sưởi ấm những khi giá lạnh và đem lại ánh sáng, xóa đi sự tối tăm, lửa dùng để luyện kim loại bỏ tạp chất để lấy cái tinh ròng cần thiết. Trong Cưu Ước, Lửa mời gọi Môsê đến nhận lãnh sứ mạng giải phóng dân Ítraen, lửa soi đường trong đêm tối cho dân Ítraen đi trong sa mạc tiến về Đất Hứa. Chúa Giêsu đang nói với mỗi người trong chúng ta về thứ lửa tình yêu tự hiến của Người dành cho toàn nhân loại, lửa là sự hiện diện Chúa Thánh Thần trên từng con người với ơn ban của Ngài. Chính vì thứ lửa đó mà Người đã tâm sự với các môn đệ của Người: “Thầy còn một phép Rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất.”
Lạy Chúa Giêsu. Đối với mỗi người trong chúng con, đều đã nhận được thứ lửa mà Chúa đã đến ném vào mặt đất chúng con đang sống. Xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết làm cho nó bùng lên nơi môi trường chúng con dang sống và đang làm việc.
Mạnh Phương


22 Tháng Mười
Hòn Vọng Phu
Giữa Nha Trang và Tuy Hòa, khoảng xa lộ 21 và sông Hinh, gần quận Khánh Dương có một ngọn núi tên là Vọng Phu, có nghĩa là trông đợi chồng.
Theo tục truyền trong dân gian thì thuở xưa có một gia đình sống hạnh phúc ở gần chân núi. Khi giặc giã nổi lên ở biên thùy, người chồng theo lệnh vua, tòng quân ra ngoài biên ải để chống quân thù, để lại người vợ trẻ và đứa con đang còn bú mớm. Người vợ trẻ ở nhà chờ chồng, mỗi ngày bế con trèo lên ngọn núi ngóng về phía biên cương xem có dáng chồng trở về hay không. Thời gian trôi qua nhưng đoàn quân chưa thấy về, người vợ và đứa con chờ đợi mãi hóa thành đá. Người đời biết chuyện nên gọi đó là Hòn Vọng Phu.
Có lẽ đây chỉ là một ngọn núi được cấu tạo bởi nhiều loại đá khác nhau. Theo thời gian, mưa gió sói mòn loại đá mềm, để lại hình dạng mường tượng như một người bồng con ngồi trông ra phía biển. Người dân ta đa sầu đa cảm, lại thêm cảnh nước luôn loạn ly, đã mượn hình dạng của núi để diễn tả tâm sự trông đợi chồng của người thiếu phụ Việt Nam.
Ðiều làm cho xao xuyến cảm động ở đây là lòng chung thủy của một thiếu phụ, dù đói no, đau yếu hay mạnh khỏe, vẫn trước sau một lòng thương yêu chồng, xem chồng như là lẽ sống của cuộc đời.
Rung động trước dạ trung kiên của người thiếu phụ Việt Nam qua hình ảnh Hòn Vọng Phu, chúng ta không khỏi không cảm động trước Tình Yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Dù núi dời, dù đồi chuyển, dù con người có bội bạc phôi pha, Thiên Chúa vẫn luôn chung thủy trong Tình Yêu của Người. Càng thấm thía tình thương của Chúa, chúng ta càng cảm thấy Người là lẽ sống và là tất cả của cuộc sống.
(Lẽ Sống)

Ba nét nổi bật trong đời sống tâm linh của vị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Roma (VietCatholic News 11-04-2014) - Ðức Piô X được gọi là "Giáo Hoàng của Bí Tích Thánh Thể", vì Ngài đã cho phép trẻ em đến tuổi khôn được rước lễ vỡ lòng. Ðức Lêô XIII là "Giáo Hoàng của Kinh Mân Côi", vì nêu gương và cổ võ phép lần hạt. Ðức Gioan XXIII là "Bon Papa", vì Ngài hiền lành và khiêm nhường. Ðức Gioan Phaolô I trên tòa thánh Phêrô chỉ có 33 ngày cũng nhận được biệt danh "Giáo Hoàng của nụ cười", vì khi xuất hiện trước công chúng Ngài luôn để lại nụ cười thật tươi. Ðức Gioan-Phaolô II là "Giáo Hoàng của những kỷ lục": kỷ lục đi xa, kỷ lục phong thánh, kỷ lục gặp gỡ, kỷ lục diễn văn, đặc biệt Ngài là "Giáo Hoàng của Ðức Mẹ".
Nhìn lại 26 năm Giáo hoàng của ngài, Ðức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã để lại cho Giáo Hội và cho nhân loại, không chỉ về gương sáng đời sống thánh thiện, tình yêu mục tử, các nhân đức anh hùng#mà còn là những công trình về luân lý, xã hội, mục vụ, triết lý, thần học...
Nhân dịp Ðức Thánh Cha Phanxicô phong hiển thánh cho hai vị Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan-Phaolô II vào Chúa Nhật 27 tháng 4 năm 2014, xin điểm lại ba nét chính yếu trong đời sống tâm linh của Ðức Gioan Phaolô II, một Giáo Hoàng có đời sống nội tâm sống động. (x. Bài giảng Chúa Nhật, Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn, số 4.2014, tr. 58-66).
1. Say mến Chúa Giêsu Thánh Thể
Từ thuở nhỏ, cậu bé Karol đã chứng tỏ một tâm tình đạo đức sâu xa. Mỗi sáng trước khi đến trường, cậu luôn luôn ghé lại nhà thờ cầu nguyện trước Thánh Thể. Một người bạn thường học chung với Wojtyla đã ghi trong hồi ký của mình: "Cứ mỗi lần ôn xong một bài học, Karol rời khỏi phòng và một lúc sau mới trở lại. Có lần, vì cánh cửa không được đóng kín, tôi thấy Karol đang quỳ cầu nguyện. Karol thể hiện lòng đạo đức một cách rất kín đáo".
Lòng đạo đức của song thân đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Karol, chính cậu đã xác nhận: "Chính mẹ tôi đã dạy cho tôi cầu nguyện và say mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Sau khi mẹ tôi chết, rồi tiếp theo đó người anh cả cũng chết theo, và như vậy tôi sống đơn côi với cha tôi, một người có lòng đạo đức thâm sâu. Hằng ngày tôi có thể quan sát lôi sống khắc kỷ của ngài. Trước đây ngài theo binh nghiệp, và sau khi mẹ tôi qua đời, cuộc sống của ngài trở thành lời cầu nguyện liên lỉ. Những thử thách đau đớn ập đến trên ngài đã mở ra nơi ngài những chiều sâu thiêng liêng bao la, nỗi buồn của ngài biến thành lời cầu nguyện. Thỉnh thoảng thức giấc lúc nửa đêm, tôi thấy ngài vẫn quỳ gối cầu nguyện, như tôi thường thấy ngài quỳ trong nhà thờ. Chỉ nhìn ngài quỳ gối tôi cũng đã nhận được một ảnh hưởng quyết định những năm niên thiếu của tôi. Gương sáng của ngài đủ để dạy cho tôi về kỉ luật và ý thức bổn phận" (x. Hồng ân và huyền nhiệm, tr. 18).
Khi nhận lời làm Giám mục Phụ tá giáo phận Cracovia vào năm 1958, Ðức Karol đã ghé vào nhà nguyện Dòng Ursuline, sấp mình cầu nguyện trước Thánh Thể tám tiếng đồng hồ. (x. Ấn tượng Gioan-Phaolô II, tr. 54)
Vào năm 1978, khi tuyển chọn vị tân Giáo hoàng, yếu tố đè nặng trên quyết định của các Hồng Y: chọn một người suy niệm và cầu nguyện để làm Giáo hoàng. Và các vị nhận ra nơi Hồng Y Karol Wojtyla, một mẫu gương để cầu nguyện.
Thật vậy, cầu nguyện là nền tảng mọi hoạt động nhân bản và mục vụ của Ðức Gioan-Phaolô II. Khi lên ngôi Giáo hoàng, dù bận bịu biết bao công việc, mỗi ngày ngài dành nhiều giờ trước Thánh Thể, trung bình bảy tiếng mỗi ngày. Ngài nói: "Cả thế giới có quyền chờ đợi nhiều nơi Giáo hoàng nên Giáo hoàng sẽ không bao giờ cầu nguyện cho đủ".
Học giả Jean Guitton, thuộc Hàn Lâm viện Pháp viết về ngài: "Khi tham dự Thánh lễ của ngài, người ta có cảm tưởng đang thông phần vào cuộc gặp gỡ của riêng một người với một mình Thiên Chúa" (x. Ấn tượng Gioan Phaolô II, tr. 38).
Trước mỗi chuyến công du, ngài cầu nguyện rất nhiều, xưng tội trước khi đi công du. Ngài vẫn giữ thói quen rất lành thánh là xưng tội hằng tuần. Ngài cổ võ mạnh mẽ cho việc tôn sùng Thánh Thể. Khi viết về những giáo huấn liên quan đến đức tin, ngài thường quỳ gối viết trước Thánh Thể, gần giống như Thánh Thomas Aquino dựa đầu vào Nhà Tạm trước khi nói về Thánh Thể (x. Ðối thoại với Ðức Gioan Phaolô II, tr. 52)
2. Sùng kính Mẹ Maria
a. Khẩu hiệu của Ngài là "Totus Tuus".
Ðây là những chữ trong lời kinh dâng mình cho Ðức Mẹ, khởi xướng từ phong trào tận hiến do thánh Louis Marie Grignion de Montfort, mà Ðức Gioan-Phaolô II đã đọc và đã sống từ những ngày còn rất trẻ: "Tất cả của con là của Mẹ, con hoàn toàn thuộc về Mẹ". Âm điệu lời kinh ấy đã đi vào nhịp điệu cuộc đời của ngài và cứ thế làm nên sức sống không ngừng tươi trẻ của mùa dâng hiến. Tiểu sử kể lại rằng: thời trung học ngài đã tích cực tham gia phong trào "chuỗi kinh Mân Côi sống" để cổ võ lòng yêu mến Ðức Mẹ, xây dựng tình hiệp thông và thêm tinh thần can đảm kinh qua những gian khổ dưới thời Ðức quốc xã. Với chúng ta, cái tên Auschwitz có chăng chỉ là những hình ảnh tĩnh mang tính sử liệu của một thời đã qua, nhưng với Ðức Gioan Phaolô II, đó vẫn mãi còn là chuỗi sự kiện sống động kinh hoàng của "văn hóa sự chết", mà sống còn qua những năm tháng "khói lửa" ấy là nhờ vào sự gìn giữ của Mẹ Maria. Chính vì thế, khi được chọn làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Krakow, ngài đã không lưỡng lự ghi tên Mẹ Maria và trong huy hiệu và chọn lời kinh dâng hiến cho Ðức Mẹ làm châm ngôn phục vụ: "Totus Tuus: trọn đời con thuộc về Mẹ".
Ngày 02 tháng 10 năm 2003, người ta thấy xuất hiện trên các quầy sách đạo một cuốn sách tựa đề "50 ngày đáng nhớ dưới triều đại Ðức Gioan-Phaolô II" của cha Joseph Vendrisse, linh mục thừa sai Châu Phi, Pères Blancs, làm thông tín viên của tờ Figaro tại Vatican. Cuốn sách kể lại 50 biến cố quan trọng, lồng trong 50 ngày làm việc, cũng là minh họa 50 hạt kinh trong chuỗi Mân Côi sống mà Ðức Gioan-Phaolô II đã ngày từng ngày thực thi không mệt mỏi trên hành trình sứ vụ. Ðời ngài là chuỗi kinh Mân Côi, nên đích thực ngài là "Giáo Hoàng của Ðức Mẹ".
b. Ngài rất yêu mến Mẹ Maria.
Ngay từ những năm đầu của triều đại Giáo Hoàng, Ðức Gioan-Phaolô II đã cho thế giới biết ngài quan tâm thế nào đến việc nêu gương tôn sùng Ðức Trinh Nữ Maria. Nếu Thông điệp Redempror Hominis (1979) là xác quyết lòng tin và là đề cương cho việc phục vụ Dân Chúa, thì Thông điệp Redemptoris Mater (1987) chính là đối xứng không chỉ về phương diện từ ngữ mà còn về tấm lòng noi gương Ðức Maria mà phục vụ Ðấng Cứu Thế.
Và không chỉ là quyết chí trên bình diện lý thuyết mà còn rất cụ thể hơn bất cứ Giáo Hoàng nào, Ðức Gioan Phaolô II vô cùng gắn bó với những truyền thống tôn vinh Ðức Maria và luôn nêu cao tấm gương hiệp thông, đặc biệt là đích thân đến kính viếng Ðức Mẹ tại những nơi được truyền thống mỗi dân tộc nâng niu tôn kính. Tại quê hương Ba Lan, ngài bộc lộ lòng yêu mến Ðức Mẹ màu đen; tại Lộ Ðức, ngài tôn sùng Ðức Maria Vô Nhiễm; tại Fatima, ngài lần hạt cầu cho cả thế giới; tại Châu Mỹ Latinh, ngài cùng với người dân bản xứ cầu kinh cùng Ðức Mẹ Gudalupe; và khi ngỏ lời với con dân Việt Nam, ngài không bao giờ quên nhắc đến Ðức Mẹ La Vang.
Tháng 10 năm 2002, chuẩn bị mừng 25 năm Giáo Hoàng, ngài gửi đến mọi thành phần dân Chúa bức Tông thư "Rosarium Virginis Mariae" về Kinh Mân Côi, lặp lại xác tín và lòng yêu mến Ðức Mẹ. Và dịp Khánh Nhật Truyền Giáo năm 2003, ngài chỉ muốn nhắc lại xác tín này là "hãy cùng với Ðức Maria mà chiêm ngắm, bước theo và sinh Chúa Giêsu cho những người đồng thời với mình". Vẫn chỉ là làm chứng và nêu gương yêu mến Ðức Mẹ. Xin bật mí: có hai xuất phẩm bán chạy nhất trong giới Công Giáo thời gian qua, đó là sách Giáo Lý Công Giáo và cuốn băng ghi hình Ðức Gioan-Phaolô II lần hạt trên nền nhạc hòa tấu Bach và Handel. Ðúng là "lời nói lung lay gương bày lôi kéo" của Ðấng mến yêu Ðức Mẹ Maria. (x.Từng bước một thôi, Ðức Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống, tr. 217-222).
c. Biến cố đặc biệt ngày 13 tháng 05 năm 1981.
Ngài đã được Ðức Mẹ cứu sống một cách lạ lùng trong ngày 13 tháng 5 năm 1981. Hôm đó là cuộc tiếp kiến vào Thứ Tư hằng tuần bắt đầu lúc 17g00. Sau khi ngài ôm hôn một em bé, một thanh niên Thổ Nhỉ Kì, Ali Agca, 23 tuổi, đã nổ liên tiếp nhiều phát súng vào ngài. Ali Agca chỉ đứng cách ngài khoảng 20 bước và 2 viên đạn 9mm có sức công phá rất lớn đã gây thương tích ở bụng, cùi tay bên phải và ngón tay trỏ ở bàn tay trái ngài.
Ngài ngã xuống. Ngay lập tức, ngài được đưa đến Bệnh viện Gemelli. Ngài nhắm mắt, rất đau đớn nhưng không ngừng lặp lại những lời nguyện tắt "Maria, Mẹ của con". Ðó là lời cầu nguyện sâu xa thốt lên từ nỗi đau lớn lao. Khi đến bệnh viện ngài mới ngất xỉu.
Ðức ông thư ký ban phép xức dầu cho ngài trong phòng mổ, ngay trước cuộc phẫu thuật, khi ngài đã ngất đi. Cuộc giải phẫu do năm bác sĩ thực hiện, kéo dài năm tiếng 20 phút. Thật lạ lùng, trong lúc xuyên qua thân xác ngài, viên đạn đã không hủy diệt một cơ quan chính yếu nào cả. Viên đạn 9mm là một thứ đạn rất mạnh. Ðể cho nó không gây nên những tàn phá không thể cứu chữa được trong phần rất phức tạp của cơ thể, nó phải xuyên qua cơ thể theo một đường đi khác thường. "Nó đi gần động mạch chính vài mm thôi. Nếu nó đi trúng động mạch đó thì chết tức khắc".
Ngài bị cắt 55cm ruột và mất 3/4 máu. Bác sĩ Buzzonetti đã nói rằng tình trạng của ngài rất nguy kịch, huyết áp tụt xuống rất thấp và nhịp tim hầu như không còn. Nhưng cuối cùng thì mọi việc đều ổn.
Ngay hôm sau vụ mưu sát, vừa mới tỉnh, câu hỏi đầu tiên của ngài là: "Chúng ta đã đọc kinh tối chưa?". Lúc đó đã 12 giờ trưa hôm sau. Sau đó là lời cám ơn và xin lỗi vì tất cả những sự phiền hà đã gây ra cho các bác sĩ, y tá, nhân viên hiện diện. Năm ngày sau, trước khi rời khỏi phòng mổ, ngài đã gặp Giáo sư Crucitti, bác sĩ giải phẫu nổi tiếng quốc tế và là người đã giải phẫu cho ngài. Ngài biếu ông một bức tranh của họa sĩ M. Fanfani, bức trang vẽ Ðức Mẹ Chestochowa. Ngài nói:"Thưa giáo sư, xin nhận món quà này để tỏ lòng biết ơn của tôi về những gì giáo sư đã làm". Sau này Giáo sư Crucitti cảm động thuật lại :" Lúc đó tôi đã khóc, như tôi đang khóc bây giờ đây".
Ngày đầu tiên sau khi giải phẫu, ngài đã rước lễ. Ngày hôm sau, ngài có thể đồng tế Thánh lễ trên giường bệnh.
Lúc ngài quá yếu không thể tự đọc kinh nhật tụng được thì mọi người xung quanh phải đọc lớn tiếng trước mặt ngài, để ngài hiệp thông bằng lòng trí. Ngay khi có thể đọc được là ngài đọc theo bè cùng với họ. Mỗi buổi chiều ngài cử hành Thánh lễ và đọc kinh cầu Ðức Mẹ. Ước muốn lớn nhất của các nhân viên là tham gia vào các buổi lễ đó.
Trong thời gian ở bệnh viện, ngài không bỏ kinh nhật tụng hoặc bất cứ kinh nguyện thường lệ nào, lần hạt Mân Côi, đi Ðàng Thánh Giá ngày thứ Sáu (người ta thường đọc suy gẫm bên giường của ngài).
Mỗi ngày, ngài viếng Thánh Thể nhiều lần tại nhà nguyện của các nữ tu Maria Bé Thơ. Tư thế quen thuộc của ngài là quỳ xuống đất, một lúc sau, quỳ trên ghế băng, đặt đầu vào trong hai bàn tay.
Ngài thường đến bên cửa sổ để ban phép lành cho các bệnh nhân. Những bệnh nhân không thể thấy ngài thì ngài mời họ trong buổi tối cuối cùng, họ nằm trên giường hoặc ngồi trên xe lăn. Lúc 7 giờ sáng là lúc nhân viên ca ngày đến thay phiên cho nhân viên ca đêm, ngài bắt đầu một kinh Lạy Cha đọc chung, đôi khi là một bài hát hoặc một lời chúc lành.
Sau này ngài thuật lại: "Ngay lúc tôi ngã xuống tại quảng trường Thánh Phêrô, tôi đã có linh tính rõ rệt là tôi sẽ được cứu. Ngày đó, bàn tay của một người siết cò súng để hại tôi, nhưng bàn tay của một Ðấng đã lái hướng đi của viên đạn để cứu tôi" (x. Hồng ân và huyền nhiệm, tr. 361).
Sự che chở của Mẹ Maria đã cứu thoát ngài trong biến cố đó, đối với ngài không thể nghi ngờ được, và phép lạ đã được chính thức hóa bởi ngày xảy ra biến cố: ngày kỉ niệm Ðức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima (13.5).
Một năm sau, vào các ngày từ 12-15 tháng 5 năm 1982, ngài đi Fatima tạ ơn Ðức Mẹ và dâng cho Mẹ viên đạn do Ali bắn vào ngài. Viên đạn này đã được kết vào triều thiên của Mẹ.
Trong ngày lễ Truyền Tin năm 1984, ngài đọc kinh tận hiến thế giới cho Mẹ Maria như Mẹ đã yêu cầu ở Fatima.
Mười năm sau khi bị mưu sát, trong các ngày từ 10-13 tháng 5 năm 1991, ngài lại đến Fatima dâng lời tạ ơn.
Ngày 12 và 13 tháng 5 năm 2000, Ðức Gioan-Phaolô II đã hành hương Fatima lần thứ ba trong nhiệm kỳ Giáo hoàng của ngài. Ngài đã tuyên Chân phước cho hai trẻ chăn chiên: Phanxicô và Giaxinta, và để tạ ơn Mẹ Maria về sự che chở của Mẹ trong suốt nhiệm kỳ Giáo hoàng của ngài. Khoảng 60,000 tín hữu thuộc 24 quốc gia, đã quy tụ tại Fatima chung quanh ngài trong hai ngày 12 và 13 tháng 5 năm 2000. Ngay từ buổi chiều ngày 12, vừa mới tới, ngài đã cầu nguyện trước tượng Ðức Mẹ trong nhà nguyện ghi dấu các cuộc hiện ra,và một bầu khí thinh lặng đã phủ xuống trên cả quảng trường rộng mênh mông: không một tiếng động, không một giọng nói, không một sự chia trí nào: đây là sự thinh lặng của đức tin tôn nghiêm, tất cả đã lồng mình vào lời cầu nguyện thầm lặng của Ðức Thánh Cha, còn ngài thì đang trầm mình ngây ngất trong cầu nguyện: chỉ còn một trái tim, một linh hồn với vị chủ chăn trước nhan Ðức Maria.
Năm tháng sau, vào Tháng Mân Côi năm Ðại Toàn Xá 2000, tượng Ðức Mẹ Fatima được rước từ Bồ Ðào Nha về Rôma, và Chúa Nhật 08 tháng 10 năm 2000, Ðức Gioan-Phaolô II long trọng tận hiến toàn Giáo Hội và thế giới cho trái tim vô nhiễm Mẹ Maria (x. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II với Fatima, tr. 36)
Ngài đã đi hành hương hầu hết những nơi Ðức Mẹ đã hiện ra như Ý, Lộ Ðức, Fatima, Mễ Du....
Ðức Gioan Phaolô II rất trung thành với Chuỗi Mân Côi, ngài lần hạt từng ngày.Vào mỗi thứ Bảy đầu tháng, ngài lần hạt chung với giáo dân tại Hội trường Phaolô VI. Dịp các Ðức Giám Mục hành hương năm 2000, ngài mời chị Lucia đến đọc Kinh Mân Côi, chị đọc một bè bằng tiếng Bồ Ðào Nha, ngài và các Giám mục đọc một bè bằng tiếng La Tinh.
Ngài đã viết hai văn kiện lớn về Ðức Mẹ:
- Thông điệp Redemptoris Mater (Mẹ Ðấng Cứu Ðộ), công bố ngày 25 tháng 3 năm 1987, để chuẩn bị Năm thánh Mẫu, bắt đầu từ lễ Hiện Xuống năm 1987 và bế mạc ngày lễ Mông Triệu năm 1988.
- Tông thư Rosarium Vigilis Mariae (Kinh Rất Thánh Mân Côi) công bố ngày 16 tháng 3 năm 2002.
Chính ngài đã thêm vào Năm Mầu Nhiệm Sự Sáng và công bố Năm Mân Côi (từ tháng 10 năm 2002 đến tháng 10 năm 2003).
3. Tôn kính các Thánh
Ðức Gioan Phaolô II có lòng tôn kính đặc biệt đối với các Thánh, nhất là các Thánh tử đạo. Ngài là người đạt kỷ lục trong việc tôn phong các Thánh và Chân phước. Ngài tôn phong 1,322 Chân phước và 457 vị Hiển thánh, trong đó có 117 vị Thánh tử đạo Việt Nam và 120 vị thánh tử đạo Trung Hoa. Con số vị Thánh và Chân phước được ngài tôn phong hơn tổng số các vị mà các Giáo hoàng tiền nhiệm của ngài tôn phong trong vòng 400 năm trước đó.
Ngài đặc biệt kính mến Thánh Stanislao, Giám mục tử đạo Ba Lan. Chính cuộc đời của vị Thánh tử đạo này đã soi sáng cho ngài về ý nghĩa của đau khổ và tử đạo. Thánh nhân sinh năm 1030 tại mạn Bắc Ba Lan, được bổ nhiệm làm Giám mục Cracovia ngày 08 tháng 5 năm 1072. Năm 1972, nhân dịp kỷ niệm 900 năm Thánh nhân được bổ nhiệm làm Giám mục Cracovia, Hồng Y Woityla đã phát biểu rằng, Thánh Stanislao đã để lại một dấu ấn không thể xóa mờ trên định mệnh của Giáo Hội cũng như trên định mệnh chính quê hương. Tôn kính đặc biệt Thánh Stanislao, vị Giám mục đã dùng chính mạng sống mình để lên án tố cáo những hành động gian ác và cuộc sống vô luân của nhà vua. Ðức Gioan Phaolô II luôn ý thức cách đặc biệt rằng ngài cũng chịu đau khổ ngay cả tử vì đạo vì lòng ái quốc, vì tôn giáo, vì tự do con người. Ðối với ngài, người đã và đang kinh qua đau khổ vì Giáo Hội, vì những quyền cơ bản của con người, thì không có cái chết nào cao cả hơn cái chết cho công lý và tự do cũng như cho tôn giáo. Chính vì thế, trong Tông thư đề ra đường hướng chuẩn bị Năm Thánh 2000, ngài đã kêu gọi mọi Giáo Hội địa phương viết lại chứng từ của các vị tử đạo trong những thập niên gần đây.
4. Thay lời kết
Nhân sự kiện Ðức Gioan Phaolô II được tuyên phong Chân Phước vào ngày 1 tháng 5 năm 2011, Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Giáo sư Giáo sử Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Sài gòn đã dày công nghiên cứu và viết cuốn sách" "Ðức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II", với những tư liệu chính xác và quý giá về đời sống và sứ vụ của Ðức Giáo Hoàng GioanPhaolô II.
"Thiên Chúa đã chọn Ðức Karol Wojtyla như khí cụ đặc biệt, để thể hiện mầu nhiệm về sự khôn ngoan, thánh thiện, quyền năng quan phòng và tình thương vô biên của Ngài trên Giáo Hội cũng như trên toàn thể nhân loại, qua cuộc đời và sự nghiệp của Ðức Chân Phước Gioan Phaolô II.
Như lời Ðức Hồng Y Stanislaw khi trả lời phỏng vấn Nhật báo Avvenire ngày 15 tháng 1 năm 2011: "Tôi đã được may mắn sống bên cạnh Ðức Gioan Phaolô II hơn 40 năm, nhưng tôi phải thú nhận rằng tôi chưa biết tất cả sự phong phú nội tâm của ngài. Chúng ta chỉ nghĩ tới các cử chỉ là Giáo Hoàng của ngài mà thôi. Sau bao nhiêu năm chúng ta tái khám phá ra các giá trị của chúng, không phải chỉ đối với các tín hữu, mà đối với toàn thể nhân loại". Thật vậy, với một "Vĩ nhân của thời đại" như Ðức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, những công trình nghiên cứu về ngài sẽ còn phải được tiếp tục ở nhiều phương diện khác nhau: lịch sử, linh đạo sống, tư tưởng triết học, thần học, hoạt động mục vụ và nhiều lãnh vực chính trị, xã hội mà Ðức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã sống, đã thể hiện trong suốt gần 85 năm cuộc đời của ngài" ( tr. 371).
Ðược các sử gia mệnh danh là "Vị Tông Ðồ hoạt động không mệt mỏi" và các phương tiện truyền thông tặng cho ngài tước hiệu "Lực sĩ của Chúa", Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thể hiện là vị Giáo Hoàng với hoạt động mục vụ không ngơi nghĩ. Tất cả là nhờ ngài kín múc nguồn sức mạnh nơi Chúa Giêsu Thánh Thể, từ Ðức Trinh Nữ Maria và từ các Thánh. Chính Thánh nhân đã bộc bạch tâm tình: "Tôi vẫn luôn xác tín rằng, nếu tôi muốn thỏa mãn cơn đói nội tâm của người khác, theo gương Ðức Maria, trước tiên chính tôi phải lắng nghe Lời Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng (x. Lc2,19). Ðồng thời, càng ngày tôi càng hiểu rõ hơn, người Giám Mục cũng phải biết lắng nghe những người mà mình loan báo Tin Mừng".
Khi phong thánh cho Ðức Chân Phước Gioan Phaolô II, Giáo Hội muốn khẳng định rằng: đời sống và tất cả công trình của ngài chính là công trình của Tình Yêu, của lòng thương xót Chúa dành ban cho nhân loại.Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được Giáo Hội tôn phong như một mẫu gương thánh thiện cho toàn Giáo Hội, sự tôn phong này như tiếng vang vọng lời của Chúa Giêsu: "Các con hãy nên thánh như Cha các con trên trời là Ðấng Thánh" (Mt 5,48).

Lm Giuse Nguyễn Hữu An



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét