Trang

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

03-12-2015 : THỨ NĂM TUẦN I MÙA VỌNG - THÁNH PHAN-XI-CÔ XA-VI-E. LINH MỤC. BỔN MẠNG CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO - Lễ Kính.

03/12/2015
Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng
Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục. Bổn mạng các xứ truyền giáo. Lễ kính.

* Thánh Phanxicô chào đời tại Tây Ban Nha năm 1506. Khi đang học văn chương ở Pa-ri, người nhập đoàn với thánh I-nha-xi-ô. Người chịu chức linh mục ở Rôma năm 1537 và chăm lo thực hành việc bác ái. Năm 1541, người lên đường sang phương Đông. Trong mười năm, người can đảm loan báo Tin Mừng cho người Ấn Độ và Nhật Bản, giúp cho nhiều người hoán cải mà đón nhận đức tin. Người qua đời năm 1552 ở đảo Xanxian, cửa ngõ vào Trung Quốc.
Phụng Vụ Thánh Lễ
Các Bài Đọc
Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục.
Bổn mạng các xứ truyền giáo. Lễ kính.
Bài đọc 1 – 1Cr 9, 16-19. 22-23
"Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm".
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Phúc Âm, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm. Giá nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm tròn nghĩa vụ đã giao cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Phúc Âm, tôi đem Phúc Âm biếu không, tôi không dùng quyền mà Phúc Âm dành cho tôi. Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Phúc Âm, để được thông phần vào lợi ích của Phúc Âm.
Đó là lời Chúa.

Đáp Ca – Tv 95, 1.2a, 2b-3. 7-8a. 10
Đáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa muôn dân.
1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúađi, toàn thể địa cầu! Hãy ca mừng Chúa, hãy chúc tụng danh Người.
2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa muôn dân và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.
3) Hãy kính tặng Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Chúa quyền thế với vinh quang, hãy kính tặng Chúa vinh quang xứng với danh Người. Hãy mang lễ vật, tiến vào hành lang nhà Chúa.
4) Người giữ vững địa cầu cho khỏi lung lay. Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.

Allêluia – Is 45, 8
All. All. - Chúa phán: “Hãy đi dạy dỗ các dân tộc: Ta ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”. - All.

PHÚC ÂM – Mc 16, 15-20
"Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng".
Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Máccô.
Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép Rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không Tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thày, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”. Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.
Đó là lời Chúa.

Suy niệm : Cuộc đời và tiếng gọi
Khi được hỏi về việc chọn một lời Thánh Kinh làm châm ngôn cho đời giám mục của mình, Đức tân Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã trả lời: “Tôi chọn lời Thánh Kinh làm châm ngôn nhắc nhớ chính mình là: “Hãy theo Thầy!”.
“Hãy theo Thầy!” là lời nhắc nhớ rằng dù làm linh mục hay làm giám mục, vẫn chỉ là một tiếng gọi mà thôi, có chăng là tiếng gọi ấy thôi thúc hơn và mạnh mẽ hơn.
“Hãy theo Thầy!” là lời nhắc nhớ rằng điều quan trọng trong đời dâng hiến không phải là đi đâu và làm gì, mà là đi với ai. Đi theo Thầy Giêsu thì dù làm gì và ở đâu cũng là đi trên đường sự thật và là đường dẫn đến sự sống.
“Hãy theo Thầy!” là lời nhắc nhớ rằng muốn làm người lãnh đạo thì trước hết phải làm môn đệ, và càng sống tư cách môn đệ tốt bao nhiêu thì càng có hi vọng lãnh đạo tốt bấy nhiêu… Theo Thầy không chỉ là theo bằng trí, mà là theo bằng tâm; cho nên theo Thầy là để tâm mình gắn bó với tâm của Thầy, để mang trong lòng mình những tâm tư của Thầy (x. Pl 2,5). (tinvui.org).
Đọc Phúc Âm, ta nghe âm vang lời mời gọi: “Hãy theo Thầy!”. Tiếng gọi của Chúa Giêsu luôn để lại những âm vang làm chuyển biến cuộc đời. Những ngư phủ đã trở thành Tông đồ, những kẻ chuyên nghề đánh bắt cá đã trở nên người chuyên nghiệp bủa lưới các tâm hồn.
Ngày 3.12, Giáo Hội mừng lễ Thánh Phanxicô Xaviê, một nhà truyền giáo vĩ đại, người tiên phong cho cuộc truyền giáo thời đại mới. Đọc lại tiểu sử để thấy cuộc đời ngài được dệt bằng những tiếng gọi “Hãy Theo Thầy!”.
1. Cuộc đời
Thánh nhân sinh năm 1506 tại lâu đài Xaviê, trong một gia đình quyền quý của vương quốc Navarre nhỏ bé miền bắc nước Tây Ban Nha ngày nay. Khi ngài 5 tuổi, nước Tây Ban Nha thôn tính và sát nhập Navarre, khiến gia đình ngài lâm cảnh nước mất nhà tan. Muốn tiến thân bằng con đường trí thức, năm 17 tuổi, ngài đến Paris học (1525-1536).
Tại Paris, ngài sống trong cùng một căn phòng với chân phước Phêrô Favre và sau đó, với thánh Ignaxiô. Lần lượt Phêrô Favre rồi Phanxicô Xaviê được thánh Ignatiô thu phục. Năm 28 tuổi, ngài cùng với nhóm bạn của thánh Ignatiô, khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và làm việc tông đồ. Năm 31 tuổi, ngài chịu chức linh mục tại Venezia, miền đông bắc nước Ý năm 1537. Năm 35 tuổi, ngài xuống tàu đi truyền giáo ở vùng Đông Á theo lệnh Đức Thánh Cha Phaolô III.
Tháng 04.1541, ngài xuống tàu tại Lisbon và mãi 14 tháng sau, mới đến được Goa bên Ấn độ.
Trong suốt 10 năm truyền giáo (1542-1552) ngài đã đi cả trăm ngàn cây số.
Trong 7 năm đầu, ngài truyền giáo ở mũi Cormorin, sau đó ở Ceylan, Malaisia và từ đó, đến Indonésia.
Là vị giám tỉnh đầu tiên của tỉnh dòng đầu tiên ngoài Châu Âu, ngài yêu mến và gắn bó keo sơn với Chúa Giêsu, tha thiết với Dòng và anh em trong Dòng, kính trọng và tuân phục thánh Ignatiô, nhiệt thành lạ lùng với việc tông đồ. Ngài đã rửa tội cho hàng trăm ngàn tân tòng và gầy dựng nhiều cộng đoàn tín hữu khắp nơi. Thành quả tông đồ của ngài đã tạo nên một đỉnh cao trong lịch sử truyền giáo của Hội thánh.
Trong vòng 2 năm (1549-1551), ngài đã thành lập một cộng đoàn tín hữu ở Nhật Bản. Trước khi ra đi, ngài trao lại cho cho một linh mục Bồ Đào Nha; 20 năm sau, cộng đoàn này đã lên đến 30 ngàn người.
Cuối cùng, vì muốn vào Trung Quốc truyền đạo, ngài đã đến đảo Thượng Xuyên, ngay cửa khẩu Quảng Châu, để chờ thuyền lén lút đưa ngài vào Trung Quốc. Tiếc rằng tại đây, ngài ngã bệnh và qua đời trong một chòi tranh, chỉ có anh thanh niên trẻ thông dịch viên bên cạnh. Vài tuần lễ sau, người ta từ Goa đến tìm xác ngài, đem về Goa để chôn cất.
Thánh Phanxicô Xaviê qua đời ngày 3/12/1552, được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV phong thánh cùng với thánh Ignatiô vào năm 1622 và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo. (x.Phụng vụ chư thánh tập 2, Lm Augustin Nguyễn Văn Trinh).
2. Tiếng gọi.
Đức Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống đã chiêm nghiệm cuộc đời thánh nhân qua 3 tiếng gọi: Lời Chúa, bạn bè và nhu cầu truyền giáo. (x. Làm nụ hoa trắng, tr 135).
a. Tiếng gọi từ Lời Chúa.
Đức Giêsu hỏi: “Có lợi ích gì nếu được cả thế gian mà mất sự sống?” (Mt 16,26a). Câu hỏi trên đã trở thành lời tâm niệm của một giáo sư triết trẻ tuổi, với một tương lai đầy hứa hẹn trong giới kinh viện mà sự thành công, uy tín và vinh dự đang chờ đón.
Sinh ra trong gia đình quyền quý, nhưng Phanxicô Xaviê luôn nuôi trong mình những ước vọng bay cao, ngài tìm thăng tiến qua nẻo đường học hành.
Phanxicô Xaviê lên Paris theo đuổi khoa bảng, dùi mài kinh sử để cuối cùng trở thành giáo sư môn Triết học. Nhưng trên đỉnh cao danh vọng ấy, một lần tiếp cận Tin Mừng, gặp được câu: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn liệu ích gì?” và dù không quen cân đo đong đếm kinh tế, ngài cũng đặt tất cả lên cán cân giá trị: lời lãi trần thế mà đời sống linh hồn trống rỗng, không có gì, thì là lỗ vốn, đạt được ước vọng trong cuộc sống này mà đời sau lại mất hết, thì là bể bụi cuộc đời trắng tay sự nghiệp. Vì thế mà thánh Phanxicô Xaviê đã suy nghĩ lựa chọn định hướng đời mình sao cho có lợi cho đời sống Thiên Chúa. Phanxicô Xaviê không muốn dừng lại hưởng thụ cuộc sống đầy đủ muốn gì được nấy, nhưng luôn được kích thích bởi ước vọng vươn lên; không muốn một cuộc đời chật hẹp gò bó dù luôn có kẻ hầu người hạ, mà lại thích vất vả khai phá lên đường; không muốn ngày ngày làm quen với vũ khí chiến đấu phòng thủ hoặc tấn công chỉ vì lãnh địa đồi núi hoang sơ, nhưng lại ham thích vũ khí tinh thần là sách vở kiến thức không gây bực bội tinh thần và cũng chẳng hôi tanh mùi máu.
Lời Chúa ở đây quả là lựa chọn, đã trở thành sức mạnh giúp thánh nhân định hướng đời sống.
b. Tiếng gọi đến từ môi trường bè bạn.
Lời Chúa gọi khi Phanxicô Xaviê mới 24 tuổi, đang sinh sống và giảng dạy ở kinh thành Paris tráng lệ. Ngài không thay đổi ngay lập tức khi nghe những lời ấy, nhưng tất cả là nhờ ở người bạn tốt: Cha Ignatiô ở Loyola đã liên lỉ thuyết phục và sau cùng, đã chiếm được người thanh niên ấy cho Ðức Kitô. Sau đó, Phanxicô tập luyện đời sống tâm linh dưới sự hướng dẫn của Cha Ignatiô, và năm 1534, ngài gia nhập cộng đoàn nhỏ bé của Cha Ignatiô (là Dòng Tên thời tiên khởi). Tại Montmartre, các ngài khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và hoạt động tông đồ dưới sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng.
Bạn bè có một ảnh hưởng không nhỏ đến chọn lựa của Phanxicô Xaviê. Đó là tiếng gọi thứ hai.
Ở Paris, sống đời sinh viên trau dồi trí thức, Phanxicô Xaviê đã gặp gỡ Ignaxiô trong tình thân bạn bè. Sự thân thiết này đã giúp ngài cởi mở cõi lòng, tâm sự chia sẻ cuộc sống tinh thần. Nhận biết Phanxicô là con người đầy cao vọng, nhất là những ước vọng lành thánh, Inhaxiô một hôm nói với Phanxicô rằng: “Con người nhiều cao vọng như anh mà chịu dừng lại trong vinh quang trần thế thì quá uổng. Thiết nghĩ chỉ có vinh quang Thiên Chúa mới xứng với tầm cao ước vọng của anh”.
Câu nói của Ignatiô tác dụng như một liều thuốc mạnh, có sức công phá, không gì có thể cầm lại được. “Chỉ có vinh quang Thiên Chúa mới xứng với khát vọng khôn cùng”, Phanxicô Xaviê đã coi đây như châm ngôn để ngài dấn thân phục vụ Giáo Hội trong Giáo Hội và theo đường lối của Giáo Hội. Ngài từ bỏ tất cả công danh sự ngthiệp, nhận chức Linh mục, rồi sau đó, cùng với Ignaxiô, thành lập Dòng Tên với khẩu hiệu “cho vinh danh Chúa hơn”.
Nhắc lại vài đoạn trong bút tích Thánh Phanxicô Xaviê cũng đủ thấy tình anh em bạn bè luôn nâng đỡ ngài trên hành trình truyền giáo.
- “Tất cả anh em trong Dòng hiện diện liên lỉ trong tâm trí tôi” (Bt 48,1: bút tích Thánh Phanxicô Xaviê, tài liệu 48 số 1);
- “Ở Ấn Độ, để giải trí, tôi rất thường nhớ đến anh em trong Dòng, và nhớ đến thời gian, vì Chúa quá thương, tôi đựoc biết anh em và sống với anh em. Nhờ lời anh em cầu nguyện, và vì anh em luôn nhớ đến tôi, Chúa ban cho tôi ơn rất lớn là dù xa cách anh em về thể xác, nhưng nhờ anh em nâng đỡ và giúp đỡ, Chúa cho tôi cảm thấy muôn vàn tội lỗi của mình, và cho tôi sức mạnh để đến giữa dân ngoại” (Bt 20,14);
- “Để đừng bao giờ quên anh em trong Dòng, và lúc nào cũng nhớ đặc biệt đến anh em, tôi đã cất tên của anh em trong các thư từ chính tay anh em viết cho tôi, tôi có thể luôn luôn mang trên mình, cùng với lời khấn của tôi. Điều này đem lại cho tôi nhiều an ủi…Tôi cảm thấy sung sướng khi mang tên của anh em trên mình” (Bt 55,10).
- “Gặp anh em thì tâm hồn tôi đựơc an ủi hơn nhiều. Vậy mà tôi cứ phải viết thư cho anh em, lại không chắc thư đến, vì từ Ấn Độ đến Roma xa quá…Tôi nghĩ mình không lầm khi nói xa cách phần xác không làm cho chúng ta, vốn yêu mến nhau trong Chúa bớt yêu mến và nghĩ đến nhau” (Bt 48,1).
- “Đặc biệt đối với Cha Ignatiô, Phanxicô đã xúc động thổ lộ tâm tư. Chúa đã ban ân huệ lớn lao khi cho tôi được biết Cha Ignatiô. Bao lâu còn sống, không bao giờ tôi trả được món nợ đối với ngài” (Bt,16).
- “Trong số nhiều lời thánh thiện và an ủi của ngài, tôi đọc được những lời thế này: “hoàn toàn thuộc về nhau. Không bao giờ quên được nhau”. Tôi đã rơi lệ khi đọc những chữ ấy, và cũng rơi lệ khi kể lại, vì nhớ lại thời gian đã qua, nhớ đến ngài đã và vẫn luôn luôn rất thương tôi, và nhờ những lời khẩn nguyện thánh thiện của ngài, Thiên Chúa đã cho tôi thoát đựoc bao gian nan, bao nguy hiểm” (Bt 97,1).
- “Đó là một con người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, đời sống không có gì chê trách được” (Bt 1,7).
c. Tiếng gọi đến từ nhu cầu truyền giáo.
Ban đầu, nhận công tác đi tìm Vinh Danh Chúa qua việc phục vụ các bệnh nhân, nhưng chừng như chưa đủ, Phanxicô Xaviê vẫn khát vọng xa hơn, là hiến thân loan báo Tin Mừng tận miền sâu miền xa của địa cầu. Tiếng gọi thứ ba đến từ nhu cầu truyền giáo.
Từ Venice, là nơi ngài thụ phong linh mục năm 1537, Cha Phanxicô Xaviê đến Lisbon và từ đó, ngài dong buồm đến Ấn Ðộ, cập bến làng Goa ở bờ biển phía tây nước Ấn. Trong vòng 10 năm tiếp đó, ngài đã tích cực hoạt động để đem đức tin đến cho rất nhiều dân tộc, trong đó có người Ấn Ðộ, Mã Lai và Nhật Bản.
Cha Phanxicô đến các quần đảo ở Mã Lai, và Nhật Bản. Ngài học tiếng Nhật và rao giảng cho các người dân chất phác, dạy giáo lý và rửa tội cho họ, cũng như thành lập các trụ sở truyền giáo cho những người muốn giúp đỡ công cuộc của ngài. Từ Nhật Bản, ngài mơ ước đến Trung Hoa, nhưng dự tính này không bao giờ thực hiện được. Ngài đã từ trần trước khi đặt chân đến phần đất này.
Tới Goa ngày 6/5/1542, Phanxicô rong ruổi khắp nơi, nhiệt tình rao giảng cho người ta biết con người Nagiaret nghèo nàn kia chính là Thiên Chúa ở giữa loài người. Trong 7 năm (1542-1549), Ngài là nhà truyền giáo rửa tội đựơc nhiều nhất, tới 100.000 người, “có những buổi chiều nhức mỏi cả cánh tay” như thánh nhân viết.
Từ Malaca, Ngài đến Nhật, xứ sở mặt trời. Ngài muốn gặp gỡ tìm hiểu trao đổi để Lời Chúa sáng ngời qua đối thoại. Ngài dự định đến tận kinh đô Nhật, vào các Đại học, gặp gỡ các nhà Sư để trao đổi. Phanxicô hoạt động nhiều nhất tại Kagoshima, Hirado, Bungo trên đảo Kyushu, lên Yamaguchi, từ đó đi hai tháng lên kinh đô Myako (tức Kyoto). Sau hai năm ở Nhật, Phanxicô trở về Goa, trao công việc truyền giáo lại cho cha Torres và tu huynh Fernandez.
Ngày 14.4.1552 nhà truyền giáo lên tàu. Tháng 8 năm đó ngài tới đảo Thượng Xuyên, cửa ngõ Trung Hoa. Ba tháng sau Phanxicô bị sốt nặng, lòng vẫn ngong ngóng đựơc nhà cầm quyền Quảng Đông cho phép vào đất liền. Thật bất ngờ, ngài qua đời vào 2-3 giờ sáng ngày 3/12/1552, mới 46 tuổi đời. Nói theo “thói thế gian”, đó là vỡ mộng, mọi việc còn dang dở… Nhưng đối với Thiên Chúa thì Phanxicô đã làm trọn ý Người và mọi sự đã hoàn thành, dù chưa đựơc phép bước vào nước Đại Minh thời đó với dân số dưới 200 triệu người.
Bất cứ chỗ nào ngài đến, ngài đều sống với người nghèo, chia sẻ thức ăn và các phương tiện thô sơ với họ. Ngài dành rất nhiều thời giờ để chăm sóc người đau yếu, nghèo khổ, nhất là người cùi. Rất nhiều khi ngài không có thời giờ để ngủ hoặc ngay cả để đọc kinh nhật tụng, nhưng qua các thư từ ngài để lại, chúng ta được biết, ngài luôn luôn tràn ngập niềm vui.
Hành trình không mệt mỏi, Phanxicô Xaviê rong ruổi những nẻo đường Á Châu, một miền xa lạ và xôi xa. Nhưng mặc kệ. Sợ gì! Đối với thánh nhân: “Tôi không sợ ai ngoại trừ Thiên Chúa, chỉ sợ Người phạt vì chểnh mảng trong việc phục vụ Người, vì vụng về và vô dụng trong việc truyền bá danh Chúa Giêsu giữa những kẻ chưa biết Người” (Bt 78,2).
Ở đâu có vinh quang Thiên Chúa, Phanxicô Xaviê sẵn sàng lên đường. Mỗi một tâm hồn chinh phục được là một niềm vui cho vinh quang Thiên Chúa, mỗi một hao mòn trong thân xác là “một vốn” bỏ ra để có “bốn lời” cho cuộc sống mai hậu. Mỗi một thời khắc sống cho Tin Mừng, cũng chính là một cách đong đầy cho khát vọng cống hiến tìm Vinh Danh Chúa.
Chính vì thế mà Phanxicô Xaviê đã không mỏi mệt ra đi, dấn bước lên đường: từ Nhật đến Ấn Độ, từ Goa đến biên giới Trung Quốc. Mỗi chặng đường đi qua, lại là một lời “còn nữa” vang lên không ngừng. Tiếng gọi từ nhu cầu truyền giáo đã hớp lấy tâm hồn Phanxicô Xaviê. Thánh nhân đã sống do và cho tiếng gọi này đến hơi thở cuối cùng trên con đường sang Trung Quốc. Đúng là một con người đầy cao vọng, nhưng là một cao vọng đích thực chỉ mình Thiên Chúa mới có thể đong đầy, mới làm no thỏa.
3. Biết tận dụng Ơn Chúa ban
Nhìn cuộc đời thánh Phanxicô Xaviê trong ba tiếng gọi: Lời Chúa, bè bạn và nhu cầu truyền giáo, cũng là một cách học tập đời sống của ngài để họa lại trong đời sống của mình.
Đời mỗi tín hữu cũng đong đầy những tiếng gọi như thế.
Xin cho những tiếng gọi của Lời Chúa được ta lắng nghe chân thành và thực thi trung thành, bởi đó là ánh sáng soi lối ta đi.
Xin cho những tiếng gọi từ những người xung quanh không bị ta quên lãng, bởi tưởng như tầm thường, nhưng đó lại là tiếng gọi nhiều khi rất quý hiếm cho vững bước đi lên.
Và xin cho nhu cầu truyền giáo của Giáo Hội luôn là tiếng gọi ta phải quan tâm để ý, bởi đó là sự sống và là sự sống còn của Giáo Hội.
Tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi “Hãy theo Thầy” để “ra đi và rao giảng cho muôn dân” (Mt 28,19).
Chúng ta không nhất thiết phải đi đến những nơi xa xôi để rao giảng, mà hãy rao giảng ngay trong gia đình, cho con cái, vợ chồng, và những người cùng làm việc với chúng ta.
Rao giảng không chỉ bằng lời nói, nhưng còn qua đời sống hàng ngày. Chính nhờ sự hy sinh, từ bỏ tất cả những gì của riêng mình, mà Thánh Phanxicô mới có tự do để đem Tin Mừng đến cho người khác. Hy sinh là quên đi cái tôi của mình vì lợi ích cao cả hơn, lợi ích của sự cầu nguyện, lợi ích khi giúp đỡ người có nhu cầu, lợi ích khi lắng nghe người khác.
Món quà lớn nhất của cuộc đời chúng ta là Ơn Chúa.Thánh Phanxicô đã đón nhận hồng ân ấy, rồi làm trổ sinh hoa trái trong suốt năm tháng truyền giáo. Lời khuyên và cũng là lẽ sống của ngài cho chúng ta: “Không ai là người yếu đuối, nếu biết tận dụng Ơn Chúa ban cho mình” (Bt 90,8.9).
Ơn Chúa có thể đến bất cứ từ nơi đâu, trong mọi cảnh huống cuộc đời, lúc vui mừng hay đau khổ, lúc thành công hay khi thất bại. Ðiều quan trọng là chúng ta biết nhận ra đó là ân ban của Chúa. Người có niềm tin nhìn tất cả chỗ nào cũng là ân sủng, và mỗi một ân ban là một cuộc “Chúa đến viếng thăm”, là tiếng gọi trong hành trình cuộc đời.
Lm. Nguyễn Hữu An


Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng


Bài Ðọc I: Is 26, 1-6
"Dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ngày ấy, trong đất Giuđa, người ta hát khúc ca này: Sion là thành trì kiên cố của chúng ta, có tường thành và hào luỹ che chở, hãy mở cửa, và dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào. Sự sai lầm cũ đã qua đi, Chúa sẽ bảo tồn sự hoà bình. Sự hoà bình, vì chúng ta trông cậy nơi Chúa.
Hãy trông cậy Chúa đến muôn đời, trông cậy Chúa, Ðấng quyền năng mãi mãi. Vì Người triệt hạ dân ở nơi cao, và hạ thấp những thành trì danh tiếng, Người hạ nó sát đất, chà đạp nó thấu bụi tro. Bàn chân người nghèo khó bước đi, và kẻ bần cùng sẽ đạp trên nó.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1 và 8-9. 19-21. 25-27a
Ðáp: Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! (c. 26a)
Hoặc đọc: Alleluia!
Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa ở loài người; tìm đến nương tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương. - Ðáp.
2) Xin mở cho tôi các cửa công minh, để tôi vào và cảm tạ ơn Chúa. Ðây là ngọ môn của Chúa, những người hiền đức qua đó tiến vào. Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe tôi,và đã trở nên Ðấng cứu độ tôi. - Ðáp.
3) Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống phồn vinh. Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng chúng tôi. - Ðáp.

Alleluia: Is 40, 9-10
Alleluia, alleluia! - Hỡi người giảng tin mừng, hãy mạnh dạn cất lớn tiếng: Này Chúa là Thiên Chúa sẽ đến trong sức mạnh. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 7, 21. 24-27
"Ai thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được vào nước trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không phải tất cả những ai nói với Ta, "Lạy Chúa, lạy Chúa!", là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời.
"Vậy ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời Ta nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Người Khôn Ngoan Thi Hành Ý Chúa
Ở bất cứ một xã hội nào, một quốc gia nào, một thời đại nào, người ta vẫn trọng chữ "Tín", nghĩa là tin tưởng nhau, đặt trọn niềm tin ở nhau. Ai cũng muốn sống chân thật, không lừa dối, phỉnh phờ... Khi tìm bạn để kết nghĩa, ai cũng muốn sống với nhau bằng trái tim chân thành. Không lạ gì khi người ta có quan niệm: "Một túp lều tranh, hai quả tim vàng". Người ta sợ nhất những người ăn nói dẻo miệng, ăn nói ngọt ngào, vì ai cũng cho là "mật ngọt chết ruồi". Những người có khoa ăn nói dễ thành công khi ngoại giao tiếp xúc với bên ngoài nhưng không mấy ai kết thân trong tình nghĩa.
Và hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta một nhận xét: "Không phải những ai nói Lạy Chúa! Lạy Chúa là được vào Nước Trời nhưng chỉ có những người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời". Chúa Giêsu cũng thường lên án những người Do Thái bấy giờ: "Dân này thờ Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta".
Chúng ta đi tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật để thờ phượng Thiên Chúa, thế nhưng chúng ta đã không hẳn hoàn toàn nhớ đến Chúa. Chúng ta vẫn để ý những câu chuyện đâu đâu, từ nhà đến phố chợ, từ công sở cho đến những việc giải trí. Chúng ta không tìm hiểu Thánh Lễ là gì đối với những phần chính yếu trong Thánh Lễ mang một ý nghĩa nào. Qua các phần đó, Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta qua Giáo Hội. Chúng ta giữ đạo chứ chúng ta chưa sống đạo: giữ đạo tức là chúng ta giữ các giới răn của Chúa như người thanh niên trong Tin Mừng thuật lại rằng: "Khi anh đến xin cùng Chúa Giêsu nhân lành: Lạy Thầy, con phải làm gì để được sống đời đời. Chúa Giêsu đã bảo anh ta: Hãy thờ phượng Thiên Chúa, hãy thảo kính cha mẹ, chớ ngoại tình, chớ gian tham, chớ làm chứng dối... Người thanh niên đó thưa: Lạy Thầy, những điều ấy tôi đã giữ từ thuở nhỏ. Chúa Giêsu liền nói với anh: Vậy anh hãy về bán tất cả của cải rồi đến đây theo Ta. Vì nhiều của cải nên anh không thể bỏ mà đi theo Ngài được". Như vậy anh thanh niên đó đã giữ trọn lề luật cho chính bản thân mình mà thôi, còn đối với những người khác, anh vẫn chưa thực hiện được việc yêu người.
Chúng ta cũng thế, chúng ta có thể giữ trọn Mười Ðiều Răn của Chúa, vẫn không trộm cắp, không ngoại tình, vẫn đi nhà thờ theo luật Chúa dạy. Thế nhưng người bên cạnh tôi không có gì ăn tối, tôi đang dư phần cơm nguội nhưng vẫn điềm nhiên như chẳng liên can gì đến tôi. Trên đường đi đến nhà thờ dự thánh lễ là nguồn mạch yêu thương, thế nhưng có người đang bị trúng gió ngã bên đường, liếc mắt qua, nhìn lại không thấy ai tôi cũng nhanh chân bước vội vì sợ trễ thánh lễ. Vào nhà thờ, người vào trước ngồi trên, chúng ta vẫn cứ ngồi cuối nhà thờ mặc cho ai kêu gọi lên trên. Có lẽ chúng ta sợ Chúa phạt nên ngồi xa xa chăng.
Tình yêu Thiên Chúa cơ mà. Chúng ta sống đạo, sống luật Chúa trong tình yêu thương. Thiên Chúa thực sự và gần anh chị em trong tâm tình con một Cha chung trên trời, khi chúng ta cùng nhau đọc lời kinh Lạy Cha, có như thế chúng ta mới thực sự sống đạo, có như thế chúng ta mới xây nhà trên đá được. Dù sóng gió, bão táp của cuộc đời, ngôi nhà sống đạo của chúng ta vẫn vững bền, dù sóng gió có lùa vào thì cũng không thể làm sập nổi, dù có mưa sa nước lũ, căn nhà đức tin của chúng ta cũng không hề hấn gì, vì được bao bọc bằng tình thương quan phòng của Thiên Chúa che chở. Ðó là người khôn ngoan mà Chúa Giêsu đã nói hôm nay: "Ai nghe và giữ lời Ta nói đây mà đem ra thực hành thì giống như người khôn ngoan xây nhà trên đá". Nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, đó là một cần thiết cho mọi Kitô hữu. Và Chúa Giêsu còn quả quyết thêm: "Ai nghe và giữ lời Ta thì là Mẹ Ta, là anh em Ta".
Bàn Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Mình Máu Thánh Chúa quan trọng như nhau. Trong Thánh Lễ nhắc nhở cho chúng ta hai phần quan trọng nhất là Bàn Tiệc Lời Chúa, Bàn Tiệc Mình Máu Chúa. Lời Chúa là của ăn bổ dưỡng tinh thần cho chúng ta, Mình Chúa là của ăn thần linh nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng ta ý thức được điều đó.
Lạy Chúa, xin cho chúng con chuẩn bị mừng Chúa đến trong tâm tình yêu mến và ý thức cảm nghiệm được thức ăn bổ dưỡng tâm linh cho chúng con, đó là thức ăn Lời Chúa và Mình Máu Chúa. Amen.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần I MV2
Bài đọc: Isa 26:1-6; Mt 7:21, 24-27.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cuộc đời chúng ta phải được xây trên tảng đá vững chắc là Thiên Chúa.
Tất cả các mối liên hệ trong cuộc đời đều đòi phải có hai chiều: chiều cho đi và chiều nhận lại. Ví dụ, Thánh Phaolô dạy, để có hạnh phúc trong mối liên hệ vợ chồng: vợ phải vâng lời chồng và chồng phải yêu thương vợ. Càng đúng hơn trong mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Nếu Ngài đã thương yêu, lo lắng, mặc khải mọi sự cho con người được an bình hạnh phúc; con người phải biết tin tưởng, cậy trông, và làm theo những gì Lời Chúa mặc khải. Nếu con người không chịu đáp trả tình thương, vâng lời những gì Thiên Chúa dạy, và cứ làm theo những gì họ muốn; làm sao họ có thể đạt được bình an và sống hạnh phúc?
Các Bài đọc hôm nay đều liên quan tới mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Bài đọc I nói lên tất cả những gì Chúa đã chuẩn bị cho con người để có một cuộc sống vững chắc. Phúc Âm nhấn mạnh tới bổn phận con người cần đáp trả lại; phải thực hành Lời Chúa thì đời sống con người mới vững vàng, và không có chi lay chuyển được.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa thương yêu và bảo vệ Dân Ngài.
1.1/ Thiên Chúa là thành trì kiên cố: Jerusalem chính là tiêu biểu của thành trì này. Mặc dù Thiên Chúa đã để cho quân đội Babylon xâm lấn và phá hủy Đền Thờ vì dân không chịu nghe theo những gì Thiên Chúa dạy; nhưng chính Ngài sẽ cho tái thiết lại Đền Thờ và Thành Jerusalem sau cuộc Lưu Đày. Tiên tri nói trước về ngày này: “Ngày ấy, trong xứ Judah, người ta sẽ hát bài ca này: Chúng ta có thành trì vững chắc, Chúa đã đặt tường trong luỹ ngoài để chở che.” Đền Thờ và tường Thành được hòan tất khoảng 20 năm sau khi dân Do-thái từ nơi lưu đày trở về.
Thiên Chúa đã chuẩn bị cho dân một thành trì vững chắc, nhưng dân phải tin tưởng và làm theo những gì Ngài dạy, thì họ mới được sống an vui và hạnh phúc. Tiên tri nói tiếp: “Mở cửa ra cho dân tộc công chính bước vào, một dân tộc trọn niềm trung nghĩa. Lạy Chúa, Ngài quyết giữ cho dân được an cư lạc nghiệp, vì họ tin vào Ngài.”
1.2/ Đức Chúa là Núi Đá bền vững ngàn năm: Núi Đá thường được dùng để chỉ Núi Sion nơi mà Đền Thờ và Thành Jerusalem được xây dựng trên đó; là một biểu tượng thường xuyên Cựu Ước dùng để chỉ sự vững bền của Thiên Chúa. Chẳng hạn, trong Thánh Vịnh 18:2-3: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; lạy Chúa là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ.” Tiên tri Isaiah khuyến khích dân đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Thiên Chúa: “Đến muôn đời, hãy tin vào Đức Chúa: chính Đức Chúa là núi đá bền vững ngàn năm.”
Không những xây dựng thành trì vững chắc cho dân ẩn náu, Thiên Chúa còn triệt hạ quân thù, những kẻ mưu đồ ức hiếp dân. Quân thù này bao gồm cả những vua quan của Do-Thái, những người lợi dụng quyền thế để ức hiếp dân nghèo. Đọan văn kế tiếp có lẽ tiên tri ám chỉ biến cố xảy ra vào năm 587 BC, khi Babylon triệt hạ Jerusalem và bắt vua quan của Judah đi lưu đày: “vì Người đã lật nhào dân sống ở núi cao, thành trì kiên cố, Người đã triệt hạ, triệt hạ cho bình địa chỉ còn là bụi đất. Nó sẽ bị chà đạp dưới chân, dưới chân người cùng khổ, dưới gót kẻ yếu hèn.”
2/ Phúc Âm: Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.
2.1/ Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người không chỉ tòan lời nói: Nhiều người thích nói lời yêu thương mặc dù những lời yêu thương không chân thành; nhiều người cũng thích nghe những lời yêu thương mặc dù đó là những lời yêu thương giả dối, như lời của một bài hát: “Tôi xin người cứ gian dối, cho tôi tưởng người cũng yêu tôi… Tôi xin người cứ gian dối, nhưng xin người đừng lìa xa tôi!” Chuyện đó không thể xảy ra với Thiên Chúa, vì Ngài yêu mến sự thật và có thể nhìn thấu suốt tâm hồn của từng người. Chúa Giêsu cảnh cáo mọi người: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! Lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”
2.2/ Mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa phải được biểu tỏ qua việc nghe và giữ Lời Chúa: Vì yêu thương, Thiên Chúa săn sóc và quan tâm đến đời sống con người; Ngài muốn con người được hạnh phúc và không muốn con người phải đau khổ. Là Đấng tạo thành con người và điều khiển vũ trụ, Thiên Chúa biết rõ những gì lợi ích và những gì gây đau khổ cho con người. Đó là lý do tại sao Ngài ban Lề Luật như hàng rào để gìn giữ con người đừng vượt rào kẻo phải chịu đau khổ. Nhưng nếu con người dùng tự do để không làm theo những gì Chúa dạy, con người phải lãnh nhận mọi khổ đau của việc dùng tự do không đúng cách.
Ngòai Lề Luật, Thiên Chúa còn mặc khải cho con người những sự khôn ngoan của Thiên Chúa qua tòan bộ Kinh Thánh. Con người cần phải học cho biết tất cả những Lời này, và đem ra áp dụng trong cuộc sống, thì sẽ thóat mọi hiểm nguy cuộc đời và được sống hạnh phúc. Chúa Giêsu dùng 2 hình ảnh trái ngược: xây nhà trên đá và xây nhà trên cát để chỉ người khôn ngoan hay người ngu dại mà khán giả của Ngài hiểu ngay:
(1) Người khôn ngoan: "Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.”
(2) Người ngu dại: “Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mùa Vọng là thời gian cho mỗi người chúng ta nhìn lại mối liên hệ của mình với Thiên Chúa, để xem coi mối liên hệ này đã tiến triển tới đâu, và làm thế nào để cải tiến mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
- Một cách để nhìn lại là xét mình theo Lời Chúa dạy, chúng ta đã thực hành những gì Chúa dạy chúng ta phải làm chưa: Mến Chúa trên hết mọi sự? Yêu tha nhân và giúp đỡ họ như chính mình? Làm chứng cho Chúa bằng rao giảng Tin Mừng và cuộc sống tốt lành?
- Nếu không sống mối liên hệ với Thiên Chúa, làm sao cuộc đời chúng ta có thể an bình và hạnh phúc được? Đừng lạ khi thấy cuộc đời chúng ta đầy dẫy những bi quan, đổ vỡ gia đình, chán người và chán đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

03/12/15 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Th. Phan-xi-cô Xa-vi-ê, linh mục 
Mc 16,15-20

Suy niệm: Sau khi Chúa Giê-su chịu chết và sống lại, Ngài hoàn tất sứ mạng cứu thế và về trời. Thế nhưng công cuộc “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” chỉ mới bắt đầu khi Chúa tin tưởng giao phó sứ mạng trọng đại đó cho Hội Thánh, là những người tin vào Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến. Kể từ đó, Hội Thánh không ngừng truyền giáo vì “tự bản chất, Hội Thánh là truyền giáo.” Nói và sống cho người khác biết về Thiên Chúa là sứ mạng và là ơn gọi của mỗi Ki-tô hữu. Tạo vật còn dùng vẻ đẹp và kỳ diệu của chúng để nói lên vinh quang Thiên Chúa, huống hồ con người?
Mời Bạn: Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê nối tiếp bước chân của biết bao vị thừa sai miệt mài lên đường đến những miền xa lạ để chinh phục các linh hồn cho Chúa, đó là cuộc lên đường về mặt địa lý. Phần chúng ta, chúng ta lên đường ngay trong môi trường sống của mình: tại gia đình, nơi làm việc, chốn học đường,… Chúng ta lên đường bằng thái độ thao thức, khắc khoải không khác các vị truyền giáo xưa nay. Đó là sự thao thức mong cho “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện” trước khi xin cho chúng ta “hôm nay lương thực hằng ngày.”
Sống Lời Chúa: Dâng hy sinh, lời cầu nguyện cho một người bạn, một gia đình lương dân và tìm dịp nói về tình yêu Chúa cho họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con quan tâm đến cánh đồng truyền giáo sát cạnh chúng con là gia đình, khu xóm, nơi chúng con làm việc, học hành, xin cho chúng con nhận ra đó là nơi chúng con được sai đến; và xin Chúa ban tràn đầy Thánh Thần cho chúng con để chúng con có khả năng chu toàn sứ mạng. Amen.

Loan báo Tin Mừng
Loan báo Tin Mừng hôm nay thuận lợi hơn xưa rất nhiều. Chúng ta không phải đi thuyền buồm để mà sợ đứng gió. Chỉ gửi một email, làm một trang web, là nhiều người nghe được Tin Mừng.


Suy nim:
Chúa Giêsu phục sinh hiện ra để củng cố đức tin của các môn đệ,
để ban bình an cho họ sau những biến cố buồn đau,
nhưng cũng là để sai các môn đệ lên đường đi sứ vụ.
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21).
“Hãy đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ…” (Mt 28, 19-20).
“Phải nhân danh Đức Kitô mà rao giảng cho mọi dân tộc” (Lc 24, 47).
“Hãy đi khắp thế giới, loan báo Tin Mừng cho mọi thọ tạo” (Mc 16, 15).
Thế hệ các Kitô hữu đầu tiên rất trân trọng mệnh lệnh này.
Bao vị tông đồ đã chịu tử đạo chỉ vì tuân giữ mệnh lệnh ấy.
Ước mơ của Chúa Giêsu phục sinh thật lớn lao.
Ước mơ ấy muốn ôm cả trái đất với muôn dân tộc.
Ngài đã sống, đã chết và đã sống lại, chính là để cứu độ cả loài người.
Ngài đã đem lửa đến trên mặt đất,
và Ngài muốn chúng ta tiếp tục làm cho ngọn lửa ấy bùng lên (Lc 12, 49).
Phanxicô Xaviê đã muốn sống mệnh lệnh này cách đặc biệt.
“Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi” (c. 20).
Phanxicô cũng muốn đi khắp nơi để nói về Chúa Giêsu cho ai chưa tin.
Một năm trời lênh đênh trên biển để đi từ Bồ Đào Nha đến Ấn Độ.
Ba mươi sáu tuổi bắt đầu công việc của một nhà truyền giáo ở Goa,
Phanxicô chịu mọi lao nhọc để giảng dạy và rửa tội cho người bản xứ.
Rồi Phanxicô lại lên đường đi Malaixia, Inđônêsia.
và là một trong những nhà truyền giáo đầu tiên tại Nhật Bản.
Nhưng trái tim Phanxicô vẫn chưa dừng ở đó.
Ngài còn muốn đặt chân đến Bắc Kinh để gặp Hoàng đế Trung Quốc.
Phanxicô chết vì kiệt sức khi đang chờ trên hòn đảo Thượng Xuyên,
mắt vẫn hướng về Quảng Đông chỉ cách đó 14 cây số.
Hôm ấy là ngày 3-12-1552, khi Phanxicô mới bốn mươi sáu tuổi.
Mừng lễ thánh Phanxicô, Bổn mạng các xứ truyền giáo,
chúng ta nhớ Việt Nam vẫn là nơi cần được loan báo Tin Mừng,
và Trung Quốc vẫn là nơi gần như Kitô giáo chưa được biết đến.
Hơn 90% người dân Việt chưa nhận biết Đức Kitô.
Hơn một tỷ người Trung Quốc cần được nghe lời rao giảng.
Có ai còn nhớ đến những mệnh lệnh của Chúa phục sinh không?
Có người nghĩ rằng chẳng cần phải loan báo Tin Mừng nữa,
vì đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, dạy sống theo lương tâm,
vì các tôn giáo đều có nét hay riêng, đều là những con đường cứu độ,
vì Đức Kitô Giêsu chẳng phải là Đấng Trung Gian duy nhất!
Anh em hãy đi khắp thế giới, hãy làm cho muôn dân thành môn đệ!
Lời ấy của Đức Giêsu phải là lời nhắc nhở Hội Thánh.
Loan báo Tin Mừng hôm nay thuận lợi hơn xưa rất nhiều.
Chúng ta không phải đi thuyền buồm để mà sợ đứng gió.
Chỉ gửi một email, làm một trang web, là nhiều người nghe được Tin Mừng.
Điều chúng ta thiếu lại là chút nhiệt thành nóng bỏng của Phanxicô.
Xin cho tôi hiểu và yêu Ngài hơn, để dám giới thiệu Ngài cho thế giới.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con ngọn lửa trong Trái tim Chúa,
ngọn lửa của tình yêu Cha và nhân loại.
Xin làm tim con ấm lại mỗi ngày,
nhờ được nghe Chúa nói như hai môn đệ về Emmau,
và được Chúa nuôi bằng bánh ban sự sống.
Xin soi sáng chúng con bằng ngọn lửa rực rỡ
mỗi khi chúng con cầu nguyện hay quyết định.
Xin thanh luyện chúng con bằng ngọn lửa hồng
của những thất bại đắng cay trên đường đời.
Ước gì chúng con luôn có lửa nhiệt thành
để hết lòng phụng sự Nước Chúa,
lửa tình yêu để vượt qua những hận thù đố kỵ.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới hôm nay vẫn bị tối tăm, lạnh lẽo đe dọa.
Xin ban cho chúng con những lưỡi lửa
để chúng con đi khắp địa cầu
loan báo về Tình yêu và gieo rắc Tình yêu khắp nơi. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
3 THÁNG MƯỜI HAI
Mùa Vọng, Thời Gian Của Đức Ma-ri-a
Một cách đặc biệt, Mùa Vọng là thời gian của Đức Ma-ri-a. Mẹ cưu mang Đấng Mêsia đã được mong đợi từ bao đời, Đấng là niềm hy vọng của mọi thời đại. Có thể nói, chính nơi Mẹ, chúng ta tìm thấy ý nghĩa tối thượng và đầy đủ của Mùa Vọng. Lễ Đức Trinh Nữ Ma-ri-a Vô Nhiễm được Giáo Hội cử hành trọng thể trong Mùa Vọng, điều đó có ý nghĩa hùng hồn biết bao!
Ngày Sinh Nhật Đức Mẹ được Giáo Hội mừng trọng thể hằng năm vào ngày 8 tháng 9; dù vậy, Mùa Vọng vẫn đưa chúng ta vào sâu trong mầu nhiệm thánh thiêng của ngày sinh nhật này. Trước khi xuất hiện trong trần gian, Đức Ma-ri-a được thụ thai trong cung lòng thân mẫu ngài. Đàng khác, cũng chính khoảnh khắc đó, Mẹ được sinh ra bởi chính Thiên Chúa, Đấng hoàn thành mầu nhiệm Vô Nhiễm Trinh Thai: Mẹ được sinh ra “đầy ơn phúc”!
Vì thế, cùng với vị Tông Đồ Dân Ngoại, chúng ta lặp lại: “Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giê-su Kitô, trong Đức Kitô, Ngài đã ban cho chúng ta muôn vàn ơn phúc bởi Thánh Thần” (Ep 1,3). Và Đức Ma-ri-a được chúc phúc một cách đặc biệt, một cách độc đáo vô song. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn Mẹ trước khi tạo thành thế giới để Mẹ trở nên thánh thiện tinh tuyền trước mặt Ngài (cf. Ep 1,4). Vâng, Chúa Cha vĩnh cửu đã chọn Đức Ma-ri-a trong Đức Kitô. Ngài đã chọn Mẹ cho Đức Kitô. Ngài đã làm cho Mẹ nên thánh thiện, thậm chí nên rất mực thánh thiện. Và hoa quả đầu tiên của sự tuyển chọn và của tiếng gọi này là: mầu nhiệm Mẹ Vô Nhiễm!
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 3/12
Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục.
Is 26, 1-6; Mt 7, 21. 24-27.

Lời Suy Niệm: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây nhà trên nền đá.”
Với khát vọng người môn đệ của Chúa Giêsu là được vào hưởng vinh quang trong Nước Thiên Chúa, điều này không chỉ nơi miệng tuyên xưng “Lạy Chúa! Lạy Chúa!”. Nhưng điều cần thiết và quan trọng là nghe Lời Người và đem ra thực hành trong cuộc sống. Mỗi người phải thấy được tương quan Lời Chúa với cuộc sống của riêng mình. Cần phải tin vào Chúa, và Lời của Người, chúng ta mới có thể vượt qua chính mình, vượt qua những thử thách để đến với tha nhân, nhất là với những người nghèo, những người bất hạnh, đem tình yêu thương của Chúa đến với mọi người, nhờ đó bản thân nhận được ơn Cứu Độ cho mình và cho cả người anh em.
Lạy Chúa Giêsu. Trong “Thánh thi tạ ơn” nhắc cho chúng con: “Đến muôn đời, hãy tin vào Đức Chúa: Chính Đức Chúa là Núi Đá bền vững ngàn năm” (Is 26,4). Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn tin yêu Lời Chúa và biết lấy Lời Chúa mà xây dựng đời mình, nhờ đó mà chúng con có thể lướt thắng những cám dỗ trong đời sống của chúng con; giúp chúng con ngày sau được sum họp trong Nhà Chúa.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 03-12: Thánh PHANXICÔ XAVIÊ
Tông Đồ Ấn Độ và Nhật Bản
(1506 - 1552)

Phanxicô ra đời tại lâu đài Xaviê thuộc vương quốc Navarre ngày 7 tháng 4 năm 1506. Cha Ngài là cố vấn của nhà vua miền Navarre và là thẩm phán. Anh em Ngài theo binh nghiệp. Riêng Phanxicô ham thích học hành. Năm 19 tuổi, Ngài theo học tại đại học Paris, trường lớn nhất thế giới. Khi còn ở học viện thánh Barbe, Ngài được phúc trọ cùng phòng với Phêrô Faure, người sau này sẽ nhập dòng Tên và được phong chân phước. Bốn năm sau, Ngài lại có được người bạn học giả là Inhatio thành Loyoa.

Người học trò mẫn cán đã trở thành giáo sư. Ngài dạy triết học. Thành công làm cho Ngài thành con người tham vọng. Inhaxiô nói với Ngài về một hội dòng mà thánh nhân muốn thành lập. Nhưng Phanxicô mơ tới danh vọng, Ngài chế nhạo cũng như khinh bỉ nếu sống nghèo tự nguyện của bạn mình. Inhaxiô vui vẻ đón nhận những lời châm biếm, nhưng lặp lại rằng: - "Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích lợi gì"
Cuối cùng, Phanxicô đã bị ảnh hưởng. Inhaxiô còn đưa ra những lời cao đẹp hơn: - "Một tâm hồn cao cả như anh, không hề chỉ gò bó với cái vinh dự thế trần được. Vinh quang trên trời mới đúng với cao vọng của anh. Thật vô lý, khi ưa chuộng một thứ mây khói chóng tàn hơn là những của cải tồn tại đời đời".
Phanxicô bắt đầu thấy được cái hư không của những sự cao trọng của thế nhân và hướng vọng tới của cải vĩnh cửu. Chiến thắng rồi, Ngài chống lại tính kiêu căng bằng mọi loại sám hối. Ngài quyết định theo sát Phúc âm, vâng theo cách cư xử của người bạn thánh thiện và xin được khiêm tốn hãm nình. Ngài chỉ còn chú tâm cứu rỗi các linh hồn.

Ngày lễ Mông triệu năm 1533, trong một nhà nguuyện tại Monmartre, trên mộ bia thánh Dénis, Phanxicô, Inhaxiô và 5 bạn khác đã hiến mình cho Chúa. Họ khấn từ bỏ mọi của cải, hành hương thánh địa, làm việc để cải hóa lương dân và hoàn toàn đặt mình dưới sự điều động của Đức Thánh Cha để phục vụ Hội Thánh. Phanxicô còn học thần học hai năm nữa, rồi cùng sáu bạn đi Italia. Đi đường, họ chỉ mang theo cuốn kinh thánh và sách nguyện trong bị, cổ đeo tràng hạt. Tuyết lạnh hay khắc khổ cũng không làm họ sợ hãi. Trái lại, Phanxicô lại còn cảm thấy quá êm ái nhẹ nhàng, nên một ngày kia đã cột giây thừng vào chân, khiến dây đó ăn vào thịt và ngay việc được khỏi bệnh đó cũng đã là một phép lạ.
Đoàn quân bé nhỏ đó tới Venatia chống lại quân Thổ. Thế là họ phải bỏ cuôc hành hương đi thánh địa. Đức thánh cha đã chúc lành cho nhóm bạn cũng như dự định của họ. Phanxicô và Inhatiô thụ phong linh mục ngày 16 tháng 6 năm 1537. Phanxicô đã chuẩn bị thánh lễ mở tay bằng cuộc sám hối kéo dài 40 ngày trong một túp lều tranh bỏ hoang và sống bằng của ăn xin.
Trong khi chờ đợi bắt đầu thực hiện công việc vĩ đại của mình, Ngài rao giảng và săn sóc cho người nghèo trong các nhà thương. Ngài còn phải chiến thắng chính mình nữa, chẳng hạn khi băng bó các vết thương lở loét. Ngài luôn đi ăn xin thực phẩm.

Khi Phanxicô được 35 tuổi, vua nước Bồ Bào Nha xin Đức Thánh cha gửi các thừa sai sang An độ. Phanxicô rất vui mừng khi được chỉ định.
Ngài bộc lộ cho một người bạn: "Anh có nhớ rằng, khi ở nhà thương tại Roma, một đêm kia, anh đã nghe tôi la: "Còn nữa, lạy Chúa, còn nữa" không ? Tôi đã thấy rằng: phải chịu khổ nạn cho vinh danh Chúa Giêsu Kitô. Trước mặt tôi là những hoang đảo, những miền đất báo cho tôi biết trước cơn đói, cơn khát và cả đến cái chết dưới hàng ngàn hình thức. Tôi ao ước được chịu khổ hình hơn nữa".
Chỉ còn 24 giờ để chuẩn bị lên đường. Nhưng thế đã quá đủ để xếp đặt hành trang. Với vài bộ đồ cũ. Một thánh giá, một cuốn sách nguyện và một cuốn sách thiêng liêng. Ngài đáp tàu. Cuộc hành trình cực khổ vì say sóng. Đau bệnh, Ngài vẫn săn sóc các bệnh nhân. những thủy thủ hư hỏng dường như là đoàn chiên đầu tiên Ngài phải đưa về cho Chúa. Ngài rao giảng cho họ bằng chính việc chia sẻ cuộc sống với họ.
Sau bảy tháng hành trình, người ta dừng lại bến Mozambique. Khí trời ngột ngạt. Một cơn bệnh dịch đang hoành hành nơi đây. Phanxicô lại săn sóc các bệnh nhân và muốn sống đời cực khổ nhất. Ngài lặp lại: "Tôi khấn sống nghèo khó, tôi muốn sống và chết giữa người nghèo".
Sau một năm hành trình, Phanxicô cặp bến Goa, thủ đô miền Ấn Độ thuộc Bồ Đào Nha vào tháng 5 năm 1542. Ngài phát khóc vì vui mừng. Nhưng việc cấp thiết, nhất là phải làm cho những người chinh phục Bồ Đào Nha giữ đạo đã. Những tật xấu và tính hung hăng của họ làm ô danh Kitô giáo. Còn dân An thì thờ ngẫu tượng. Họ vặn đó có con để tế lễ. Vị tông đồ làm thầy thuốc, thẩm phán, giáo viên. Ngài học tiếng một cách khó khăn, thời gian của Ngài dành cho các nhà thương, nhà tù, người nghèo và việc dạy giáo lý. Rảo qua đường phố, Ngài rung chuông tập họp trẻ em và dân nô lệ lại, với sự nhẫn nại vô bờ, Ngài ghi khắc tình yêu Chúa vào lòng họ. Các trẻ em tham dự lại trở thành các nhà truyền giáo cho cha mẹ và thày dạy của chúng. Chúng mang thánh giá của "ông cha" cho các bệnh nhân. Chúng trở nên hung hăng với các ngẫu tượng. Bây giờ, các cánh đồng lúa vang lên được bài thánh ca. Dần dần, đời sống Kitô giáo đã vững vàng trong lòng các gia đình.
Phanxicô nghe nói tới một bộ lạc thờ lạy ngẫu thần ở mũi Comorin, sống bằng nghề mò ngọc trai. Muốn loan báo Tin Mừng cho họ, thánh nhân học ngôn ngữ mới, vượt mọi khó khăn để phổ biến đức ái và chân lý. Rồi Ngài lại qua các làng khác. Cứ như thế Ngài đi khắp An độ. Trong 15 tháng trời, Ngài đã rửa tội cho một số đông đảo người Kitô hữu, khiến "xuôi tay vì mệt mỏi". Người nói: "Mọi ngày tôi đều thấy tái diễn những phép lạ thời Giáo hội sơ khai".
Ngài ngủ ít, đêm thức khuya để cầu nguyện. Sống khắc khổ để đền tội cho các tội nhân. Ngài chăm chú đào tạo các tâm hồn thanh thiếu niên địa phương để sai đi làm tông đồ truyền giáo cho các người đồng hương của họ.
Ở tỉnh Travancore, trong vòng một tháng, thánh nhân đã rửa tội cho 10.000 người. Người Brames muốn hạ sát Ngài, nhưng Ngài đã giữ được mạng sống một cách lạ lùng dưới cơn mưa tên. Ở vương quốc Travance, khi nhóm người man-di muốn tràn ngập, Phanxicô cầm thánh giá trong tay với một số ít tín hữu đã làm cho họ phải tháo lui. Ngài mang Tin Mừng tới Ceylanca, Malacca. Các đảo Molluques vang danh vì sự hung tợn của họ, nhất là đảo của dân More ở phía Bắc...
Ngài nhắm tới đảo này, Ngài muốn bị dân cư giết chết như một vị thừa sai 13 năm trứơc đây sao ?
Người ta ngăn không cho tàu bè chở Ngài đi. Phanxicô đáp lại: - "Thì tôi bơi tới vậy".
- Nhưng Ngài sẽ bị đầu độc thì sao ?
Ngài nói: - "Niềm tin tưởng ở Thiên Chúa là thuốc kháng độc.
Rồi Ngài thêm: "Oi, nếu như hy vọng tìm được gỗ quí hay vàng bạc, các Kitô hữu đổ xô tới ngay. Nhưng lại chỉ có các linh hồn cần được cứu rỗi. Tôi sẽ chịu khổ gấp ngàn lần để cứu lấy một linh hồn thôi".
Phanxicô đã viết thư xin vua Bồ Đào Nha và thánh Inhatiô gởi các linh mục tới săn sóc cho các cộng đoàn Kitô hữu Ngài để lại. Sự khó khăn và chậm chạp về thư tín làm cho đời Ngài thêm nhiều phiền phức. Ngài phải mất gần 4 năm để gửi thư từ Moluques về Roma. Dầu giữa các khó khăn mệt nhọc, thánh nhân không để mất tính hiền hậu và khiêm tốn.
Năm 1549, một người Nhật được Ngài rửa tội ở Malacca đã thu hút Ngài tới hòn đảo vô danh, chưa có người Kitô hữu nào. Lời cầu nguyện và đời sống hãm mình củng cố lòng can đảm của Ngài. Không để mình bị chán nản do ngôn ngữ khó học hay bởi nội chiến. Ngài đã có thể tạo lập được một cộng đoàn Kitô hữu nhỏ như Ngài mơ ước. Các phép lạ củng cố lời giảng dạy của Ngài, nhưng dân chúng bị đánh động nhiều hơn bởi đức tin và lòng can đảm của người ngoại quốc này đã từ xa đến để loan báo cho họ chân lý duy nhất.
Được hai năm, nhà truyền giáo lại ra đi, để lại tại miền đất xa này những cộng đồng Kitô hữu đứng khá vững trong nhiều thế kỷ, dù không có linh mục cai quản .
Phanxicô trở lại An độ. Ngài đã rảo qua gần 100.000 cây số trong 10 năm. Bấy giờ, việc chinh phục Trung hoa ám ảnh tâm hồn Ngài. Ngài đáp tàu, nhưng không bao giờ tới được quốc gia rộng lớn này. Vào cuối tháng 11 năm 1552, trên đảo Hoàng Châu, Ngài bị lên cơn sốt rét. Giữa cơn đau, Ngài đã lập lại: - Lạy Chúa Giêsu, con vua David, xin thương xót con, xin thương đến các tội con.
Ngài dứt tiếng và không nhận ra được các bạn hữu nữa. Khi hồi tỉnh, Ngài lại kêu cầu Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu và nài xin Đức Mẹ: " Lạy Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, xin hãy nhớ đến con".
Một người Trung Hoa thấy Ngài hấp hối thì đặt vào tay Ngài một cây nến. Phanxicô qua đời ngày 03 tháng 12 năm 1552. Ít tuần sau, người ta tìm thấy xác Ngài vẫn nguyên vẹn và chở về Goa. Dân chúng tại đây nhiệt tình tôn kính Ngài, vì đã coi Ngài như một vị thánh.
Năm 1619, Đức Paulô V đã suy tôn chân phước cho Ngài cùng với thánh Inhaxiô. Nay Ngài được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
(daminhvn.net)


03 Tháng Mười Hai
Giác Ngộ

"Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?"... Lời thách thức này của Tin Mừng đã khiến cho một vị giáo sư  trẻ tuổi bỏ tương lai đầy hứa hẹn, bỏ tất cả để chỉ còn đeo đuổi một mục đích duy nhất trong cuộc đời: sự sống đời đời của chính mình và của người đồng loại.
Vị giáo sư trẻ tuổi đó chính là Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng của các xứ truyền giáo, mà hôm nay Giáo Hội kính nhớ... Chưa tròn 25 tuổi, Phanxicô đã nổi tiếng như một giáo sư triết học tài ba tại đại học Paris. Giữa lúc danh vọng đang đến, Phanxicô Xaviê đã nhận được những lời thách thức trên đây từ người bạn thân Inhaxiô Loyola.
Không còn chống cưỡng lại với lời Chúa, Phanxicô Xaviê đã đến Montmartre để cùng với Inhaxiô sống đời khó nghèo, khuyết tịnh và phục vụ tông đồ, theo những chỉ dẫn của Ðức Thánh Cha.
Năm 1537, nghĩa là 3 năm sau khi đã tuyên khấn, Phanxicô lãnh chức linh mục. Từ Italia, ngài sang Lisboa của Bồ Ðào Nha để lên đường đi truyền giáo tại Ấn Ðộ. Trong 10 năm ngắn ngủi, Phanxicô Xaviê đả rảo bước đi khắp nơi để đem Tin Mừng đến cho dân tộc Nhật Bản, Mã Lai và Ấn Ðộ. Cuộc sống của ngài là một chia sẻ cảm thông sâu xa với những người nghèo khổ nhất... Chưa đạt được giấc mơ đặt chân đến Trung Hoa và Việt Nam, thánh nhân đã qua đời trong kiệt sức, tại một hải đảo cách Hồng Kông 100 cây số. Bị những người lái buôn Bồ Ðào Nha bỏ rơi trên bãi cát, thánh nhân đã qua đời trong sự trơ trụi nghèo nàn.
Danh vọng, tiền tài, ngay cả sức khỏe... tất cả đều được đốt cháy để tìm được niềm vui đích thực cho tâm hồn và mang niềm vui đó đến với mọi người: đó là sứ điệp mà thánh Phanxicô Xaviê đã để lại cho tất cả chúng ta...
"Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột"... Có lẽ người ta thường dùng câu nói trên đây không những để nói lên tính cách tương đới của đau khổ, mà còn để nói lên ngay cả sự tương đới của hạnh phúc.
Sau những tháng năm ăn độn, ăn rau, những người nghèo có thể hớn hở reo vui khi được bữa cơm trắng với chút thịt cá. Sau những tháng năm tù đày, một người vừa mới được phóng thích sẽ reo hò sung sướng khi được đi lại tự do, khi được thở không khí trong lành...
Những người giàu có, ngày nào cũng yến tiệc linh đình sẽ thèm khát đôi chút cá kho, mắm cà của người nghèo khổ... Những đứa trẻ giàu có ở đô thị có lẽ sẽ thèm khát những giây phút được cưỡi trâu hay tắm ao của những chú bé nghèo ở nhà quê...
Tựu trung, vấn đề cơ bản nhất của con người vẫn là đi tìm hạnh phúc. Và cuối cùng, sau những miệt mài tìm kiếm, ai cũng nhận thấy rằng mình sẽ không bao giờ đạt được hạnh phúc đích thực và trường cửu trên trần gian này. Kẻ đứng ở núi này sẽ luôn nhìn sang núi nọ...
Chúa Giêsu đã đề ra cho chúng ta một bí quyết của hạnh Phúc: Ai muốn cứu mạng sống mình, sẽ mất và ai mất  mạng sống mình vì Ta sẽ gặp lại... Chỉ có một niềm vui đích thực đó là sống trọn vẹn cho Chúa. Chỉ có một điều quan trọng nhất trong cuộc sống: đó là lắng nghe lời Chúa.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét