Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

05-12-2015 : THỨ BẢY TUẦN I MÙA VỌNG

05/12/2015
Thứ Bảy Tuần I Mùa Vọng


Bài Ðọc I: Is 30, 19-21. 23-26
"Người động lòng thương ngươi, lắng nghe lời ngươi kêu xin".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây Chúa là Thiên Chúa, Ðấng Thánh của Israel phán: Dân Sion sẽ được ở Giêrusalem. Ngươi sẽ chẳng còn than van khóc lóc; Chúa động lòng thương ngươi, và khi vừa nghe tiếng ngươi kêu, Người liền đáp lại lời ngươi. Chúa sẽ cho ngươi chút bánh đau thương, ít nước khốn cùng. Nhưng Ðấng dạy dỗ ngươi sẽ không lìa bỏ ngươi, mắt ngươi sẽ trông nhìn Ðấng giáo huấn ngươi, và tai ngươi sẽ nghe tiếng Ðấng từ sau lưng bảo rằng: "Ðây là đường, hãy bước đi theo đó, đừng rẽ bên mặt, đừng quẹo bên trái". Sẽ ban mưa xuống cho hạt giống của ngươi, bất cứ trên đất nào ngươi đã gieo vãi. Bánh thổ sản sẽ rất dồi dào và thơm ngon. Ngày ấy, chiên được chăn thả trên lãnh địa rộng lớn của ngươi. Bò lừa cày ruộng ngươi được ăn rơm có muối, đã được rê sạch. Trong ngày tru diệt muôn người, khi thành quách đổ nhào, sẽ có giòng suối chảy trên đồi cao núi thẳm. Ngày Chúa băng bó thương tích của dân Người, và chữa lành da bầm thịt giập; mặt trăng sẽ sáng chói như mặt trời, mặt trời sẽ bảy lần chói sáng hơn, như ánh sáng bảy ngày.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6
Ðáp: Phúc cho tất cả những ai mong đợi Chúa (Is 30, 18).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy ngợi khen Chúa vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán. - Ðáp.
2) Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một. - Ðáp.
3) Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất. - Ðáp.

Alleluia: Is 55, 6
Alleluia, alleluia! - Hãy tìm kiếm Chúa khi còn gặp được Người; hãy kêu xin Người lúc Người còn gần các ngươi. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 9, 35 - 10, 1. 6-8
"Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".
Và Người triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người bảo: "Các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Sứ Mệnh Tông Ðồ
Chú ý đến những thái độ trên của Chúa Giêsu, chúng ta có thể khám phá ra những sự thật hữu ích cho cuộc đời theo Chúa của mỗi người, nhất là của những ai dấn bước theo Chúa, cách đặc biệt hơn là những kẻ "Tận Hiến" cuộc đời làm chứng cho Chúa. Dung mạo tinh thần xung quanh và trước mặt Chúa Giêsu thời Ngài cũng như của thời đại chúng ta hôm nay được Chúa mô tả như lầm than, vất vả, bơ vơ như đàn chiên không có người chăn dắt, bị lạc mất lý tưởng sống, đang tự tranh đấu để sống còn.
Trong đoạn này những điểm tiêu cực nhiều hơn là tích cực, như bơ vơ, lạc lõng, đã bỏ mất hay không biết gì đến giá trị nhân bản Kitô. Ðó là đoàn người của một xã hội bị trần tục hóa trầm trọng của ngày hôm nay. Diễn phác môi trường như thế, Chúa Giêsu không có chút trách móc, khinh thị, tránh né mà nhìn đó như một lời mời gọi dấn thân yêu thương, đó là mùa lúa chín một cơ hội ngàn vàng để biểu lộ tình yêu thương đối với anh chị em.
Sự nhỏ mọn tầm thường nơi tâm hồn có thể làm cho chúng ta có một thái độ tranh chấp, khinh thị, rút lui, nhưng đó không phải là thái độ của chính Chúa Giêsu khi Ngài nhìn thấy đoàn người khủng hoảng tinh thần như đoàn chiên không người chăn dắt, vả lại Chúa Giêsu đã yêu thương họ. Ðây không phải là một sự chạnh lòng thương, không phải là một tâm tình thương hại, tôi nghiệp chóng qua nhưng là một tình thương sâu thẳm từ đáy tâm hồn của Chúa Giêsu.
Qua đoạn Tin Mừng trên, chúng ta thấy tâm hồn Chúa Giêsu tràn đầy tình thương khi nhìn thấy nhu cầu dân chúng đang bị lạc hướng như đàn chiên không người chăn dắt. Tâm hồn Ngài xúc động tận trong thâm tâm, vì Ngài tràn đầy tình thương đối với họ, Ðó là bí quyết của đời sống Tông đồ của mọi đồ đệ theo Chúa. Ðược Chúa mời gọi làm chứng nhân của tình thương cho tình thương thì những sự dữ, những tiêu cực của môi trường chúng ta sinh sống ngày nay là những cơ hội ngàn vàng để chúng ta sống tình thương mà Chúa đã ban tặng cho các đồ đệ của Ngài.
Tư tưởng thứ hai mà bài Phúc Âm gợi lên cho chúng ta là những hành động của Chúa Giêsu: Chúa gọi các Tông đồ, ban cho họ quyền hành như Chúa, trừ các tà thần, giải phóng con người khỏi làm nô lệ cho sự dữ, cho ma quỉ, chữa lành các bệnh tật, thăng tiến cuộc sống con người. Chúa sai các Tông đồ đi rao giảng bằng các chỉ thị, mặc dù đây mới chỉ là sai các ngài đi thử nghiệm lúc ban đầu. Cuộc sai đi chính thức sau này sẽ được thực hiện khi Chúa đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc của Ngài sau biến cố Phục Sinh.
Những hành động của Chúa phát đi từ tình thương của Ngài đối với con người. Nhìn công việc của người khác chúng ta có thể nói trọn vẹn sứ mạng của Giáo Hội, mọi thành phần của Giáo Hội, mọi thành phần đích thực của Chúa đều phát sinh từ tình yêu Thần Linh hiện diện nơi con tim phàm trần. Người đồ đệ của Chúa cần phải được thanh luyện, cần phải được biến đổi, được thay thế quả tim xác thịt bằng một quả tim mới tràn đầy tình yêu thương thần thiêng. Toàn thể cơ cấu Giáo Hội trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng được xây dựng trên nền tảng tình yêu thương thần thiêng này. Chính nơi đây, chúng ta được hiểu thêm hay hiểu lại câu nói của thánh Phaolô Tông đồ viết về bí quyết đời sống Tông đồ của ngài: "Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi".
Chúa Giêsu thấy đám đông liền chạnh lòng thương. Tâm hồn Ngài tràn ngập tình thương, Ngài xúc động tận thâm tâm trước nhu cầu của dân chúng đang bị lạc hướng như đoàn chiên không người chăn dắt. Ngài lên tiếng mời gọi các Tông đồ, những con người tầm thường hãy theo Ngài, hãy để Ngài biến đổi thành những chứng nhân tình yêu. Thái độ đáp trả duy nhất của mỗi người chúng ta là để cho tình yêu thần thiêng Chúa biến đổi và thôi thúc chúng ta hành động: "Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi".
Trong khiêm tốn và trong thinh lặng của Ðức Tin, chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, hãy bắt chước cuộc đời của Chúa Giêsu trên trần gian này: "Thầy đến để mang lửa yêu thương đến trần gian và Thầy không có mong ước nào khác hơn là cho lửa ấy cháy lên, tỏa sáng khắp nơi, soi sáng mọi người, mang tin vui tỏa sáng khắp nơi, soi sáng mọi người, mang tin vui tỏa sáng cho con người". Hãy khiêm tốn lắng nghe và hãy để cho tình yêu Chúa biến đổi và thôi thúc.
Lạy Chúa, xin đổ tràn tình yêu Chúa trên chúng con và biến đổi chúng con thành những chứng nhân cho tình yêu Chúa, chứng nhân kiên trung trong Ðức Tin sống động qua đức Bác Ái. Amen.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần I MV2
Bài đọc: Isa 30:19-21, 23-26; Mt 9:35-38, 10:1, 6-8.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa lo lắng mọi sự cho Dân Ngài.
Trong cuộc đời, nếu muốn biết ai là người thực sự yêu thương mình, chúng ta cứ việc nhìn vào những công việc họ đã làm cho mình; vì yêu thương thực sự phải bày tỏ qua việc làm. Để có thể nhìn ra những công việc đó, chúng ta phải có thời giờ để nhìn lại quá khứ; đồng thời cũng cần nghe những người khác chia sẻ kinh nghiệm của họ qua sách vở hoặc lời giảng.
Các Bài đọc hôm nay giúp cho con người nhận ra tình thương Thiên Chúa qua những gì Ngài đã, đang, và sẽ làm cho con người. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah muốn nói cho con người biết: Chúa yêu thương con người ngay cả trong khi Ngài sửa dạy con người. Mục đích của việc sửa dạy không phải là để tiêu diệt, làm nhục, hay hành hạ con người; nhưng là để thanh luyện, để con người nhận ra sự sai trái lầm lạc của mình, và quay về với tình yêu thực sự của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu không những thân hành dạy dỗ và chữa lành bệnh tật cho dân; nhưng còn chọn và huấn luyện các môn đệ, ban quyền hành cho các ngài, và sai đi tới những nơi mà Chúa không thể đi tới. Các môn đệ, và những người kế vị các ngài trong Giáo Hội, vẫn tiếp tục làm những gì Chúa làm: rao giảng sự thật, chữa lành, và đem mọi người về cho Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa yêu thương sửa dạy và chuẩn bị tương lai cho dân.
1.1/ Thiên Chúa sửa dạy vì yêu thương: Con người khó chấp nhận lý do phải sửa dạy vì yêu thương; nhưng bậc làm cha mẹ hiểu rõ điều này, nên các ngài thường nói, “yêu cho roi cho vọt; ghét cho ngọt cho bùi.” Một em bé với trí khôn non nớt không thể hiểu điều này, em cho cha mẹ sửa phạt là vì ghét bỏ em; nhưng khi lớn lên rồi và nhìn lại cuộc đời, em mới thấy những lợi ích của việc sửa phạt. Nếu cha mẹ cứ để em làm những gì em muốn, em sẽ không thành công như ngày hôm nay; và có khi còn bị lãnh nhận những hậu quả xấu nữa.
Tiên tri Isaiah nhìn thấy trước những tai họa mà Israel sắp phải chịu vì phản nghịch Thiên Chúa, và tiên tri cũng hiểu tâm trạng của dân sẽ phản ứng khi phải đương đầu với nghịch cảnh; nên ông an ủi và cắt nghĩa cho dân biết mục đích của việc sửa phạt và tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân: “Phải, hỡi dân Sion đang ở Jerusalem, ngươi sẽ không còn phải khóc nữa. Khi ngươi kêu cứu, Người sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi; nghe tiếng ngươi kêu là Người đáp lại. Chúa Thượng sẽ cho ngươi chút bánh đau thương và ít nước khốn cùng; nhưng Đấng dạy dỗ ngươi sẽ không lìa bỏ ngươi, và mắt ngươi sẽ thấy Đấng dạy dỗ ngươi.”
Bản dịch của Nhóm PVCGK dịch không đúng câu Isa 30:20 khi dịch: “Chúa Thượng sẽ ban cho ngươi bánh ăn trong lúc ngặt nghèo, và nước uống trong cơn khốn quẫn. Đấng dạy dỗ ngươi sẽ không còn lánh mặt, và mắt ngươi sẽ thấy Đấng dạy dỗ ngươi.” Theo Bản Bảy Mươi và Bản Do-Thái, chúng ta phải dịch như trên. Ngay cả theo nội dung, chúng ta phải chấp nhận lối dịch này: Chúa sẽ để cho quân thù cho dân ăn bánh đau thương và uống nước khốn quẫn. Điều này làm dân cảm thấy Chúa đã bỏ họ; nhưng tiên tri khích lệ họ: Thiên Chúa không lìa bỏ dân. Sau khi sửa phạt và dân biết ăn năn, Chúa sẽ tiếp tục chăm sóc cho dân.
1.2/ Mọi người sẽ được Chúa dạy dỗ: “Khi ngươi lưỡng lự không biết quẹo phải hay trái, tai ngươi sẽ được nghe một tiếng nói từ phía sau: "Đây là đường, cứ đi theo đó!"” Tiên Tri Isaiah và Jeremiah của Cựu Ước đã nhìn thấy trước ngày “mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ” (x/c Isa 54:13, Jer 31:33). Thánh Gioan cũng lặp lại lời tiên tri ám chỉ Chúa Giêsu (Jn 6:45), và Thánh Thần (I Jn 2:27). Lời Chúa và ơn của Thánh Thần sẽ soi sáng cho con người biết đi đúng đường.
1.3/ Sau cơn mưa, trời lại sáng: Tòan cõi Israel chỉ còn lại đống tro tàn sau khi Assyria và Babylon xâm lấn, nhưng Thiên Chúa sẽ cho dân Do-Thái còn xót lại hồi hương và tái thiết lại xứ sở và phồn thịnh hơn xưa. Tiên Tri Isaiah quả quyết: “Chúa sẽ làm mưa trên hạt giống ngươi gieo trồng, cho lương thực, sản phẩm của đất đai, thật dồi dào béo bổ. Ngày đó, súc vật ngươi chăn nuôi sẽ ăn trên những đồng cỏ xanh bát ngát. Bò lừa cày ruộng sẽ được ăn cỏ khô trộn muối, cỏ người ta đã lấy xẻng và chĩa mà rải ra. Vào ngày Đức Chúa băng bó vết thương cho dân Người, và chữa lành những chỗ nó bị đánh, ánh sáng mặt trăng sẽ nên như ánh sáng mặt trời, và ánh sáng mặt trời sẽ tăng gấp bảy - ánh sáng của bảy ngày.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu yêu thương, chăm sóc mọi sự cho dân.
2.1/ Ngài chăm sóc dân chúng cả phần hồn lẫn phần xác: Tất cả những điều này đã được tường thuật bởi cả 4 Thánh Ký:
(1) Ngài dạy dỗ dân chúng: “Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời.”
(2) Ngài chữa lành mọi vết thương hồn xác: “Chúa Giêsu chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.”
(3) Ngài cho dân ăn: bằng làm phép lạ Bánh hóa nhiều.
2.2/ Ngài lo cho tương lai của dân: Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Vì thế, Chúa Giêsu chọn và huấn luyện các môn đệ để tiếp tục công việc của Ngài vì: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.” Giáo Hội vẫn tiếp tục công việc của Đức Kitô bằng việc mời gọi, chọn lựa, huấn luyện, và sai các thợ gặt đi để hướng dẫn các thế hệ tương lai.
Sau khi đã chọn và huấn luyện các môn đệ, Đức Giêsu gọi 12 môn đệ lại, ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền, và sai các ông đi với lệnh truyền: “Hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” Lý do tại sao Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đến với các chiên lạc nhà Israel trước vì họ là Dân Riêng. Một lý do khác nữa là muốn rao giảng thành công phải bắt đầu từ nhóm nhỏ; rồi từ từ lan rộng ra. Sau khi Chúa về trời, các môn đệ tản mác khắp nơi và rao giảng Tin Mừng cho mọi người.
Đức tin là quà tặng vô giá được cho không bởi Thiên Chúa và sự rao giảng của những nhà truyền giáo; vì thế, người đã lãnh nhận đức tin cũng phải cho không thời gian, sức lực, tài năng cho việc rao truyền Tin Mừng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Bằng việc quan sát các hiện tượng trong trời đất, đọc Kinh Thánh và các tài liệu lịch sử, và nhìn lại quá khứ mỗi người; chúng ta nhận thấy rõ ràng tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Không ai yêu chúng ta bằng Thiên Chúa.
- Vì yêu thương nên Thiên Chúa phải sửa phạt con người. Nếu Thiên Chúa không sửa phạt và để con người tự do làm theo những gì mình muốn, con người sẽ xa Thiên Chúa và không thể đạt tới đích điểm của cuộc đời.
- Hình phạt Thiên Chúa dùng không phải để tiêu diệt, nhưng để thanh tẩy con người. Hình phạt giúp con người nhận ra những sai trái lầm lỗi của mình, để biết quay trở về với tình yêu đích thực của Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

05/12/15 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Mt 9,35; 10,1.6-8

Suy niệm: Ở góc phố, một người hành khất đang chìa tay xin khách bộ hành bố thí. Sau khi đã lục tìm khắp hết các túi trong ngoài của mình, Lev Tolstoi, nhà văn Nga, nói với người hành khất với giọng của một người có lỗi: “Này anh bạn, xin lỗi nhé! Tôi không còn gì để có thể cho anh. Hẹn anh lần sau. Chúc anh một ngày tốt lành!” Người hành khất hớn hở trả lời nhà văn: “Không, ông đã cho tôi rất nhiều! Lâu nay, ai cũng coi thường tôi. Còn ông, ông gọi tôi là ‘anh bạn’. Vậy là ông đã cho tôi nhiều nhất rồi đó. Cám ơn ông!” Tin Mừng hôm nay khắc họa một “Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương.” Ngài thấy họ “như bầy chiên không người chăn dắt.” Vì thế, Ngài đã gọi mười hai môn đệ lại và sai các ông đi, với lệnh truyền: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” Người môn đệ Chúa Giê-su, vì thế, luôn luôn vẫn có cái gì đó để cho đi một cách vô điều kiện.
Mời Bạn: Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng chẳng có gì để cho người khác. Thế nhưng, sự cảm thông và tình thương vẫn luôn là món quà quý báu mà chúng ta có thể trao đi bất cứ khi nào.
Chia sẻ: Có khi nào bạn tưởng mình đã cho/nhận rất ít nhưng thật ra là rất nhiều? Hoặc ngược lại đã cho/nhận rất nhiều nhưng thật ra là rất ít?
Sống Lời Chúa: Làm sứ mạng tựu trung là cho không điều mình đã được tặng không.Chúng ta tập cho không như thế trong lòng mến (cf. 1Cr 13,3) để bồi đắp nơi mình cảm thức sứ mạng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy cho con biết đến với người khác trước hết với một tình yêu thương chân thành – như Chúa đã đối xử với con. Amen.

Chạnh lòng thương
Lễ Giáng Sinh là lễ mừng ơn cứu độ cho con người. Chúng ta được mời nhìn thế giới hôm nay bằng cái nhìn của Giêsu, yêu thế giới bơ vơ hôm nay bằng trái tim của Giêsu...


Suy nim:
Thiên Chúa của Do Thái giáo là Thiên Chúa gần gũi với con người.
Thiên Chúa của Ítraen có thể trừng phạt dân vì sự bất trung của họ,
nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa giàu lòng tha thứ.
Khi đọc bài đọc 1 của ngôn sứ Isaia, chúng ta ngạc nhiên
khi thấy một Thiên Chúa tỉ mỉ quan tâm đến hạnh phúc của con người.
Ngài nghe và đáp lại tiếng dân kêu than, khóc lóc (c. 19).
Ngài dạy dỗ và chỉ đường cho người lưỡng lự phân vân (c. 21).
Nhưng hơn nữa, Ngài còn để ý đến đời sống vật chất của dân chúng.
Ngài làm cho mưa thuận gió hòa,
cho khe suối róc rách vì có dòng nước chảy.
Nhờ đó hạt giống được gieo trở thành lương thực,
súc vật chăn nuôi được gặm cỏ thỏa thuê,
bò cầy ruộng sẽ được ăn cỏ khô trộn muối (cc. 23-24).
Con người có đủ bánh ăn và nước uống trong lúc ngặt nghèo.
Qua cuộc sống của mình, Đức Giêsu cũng muốn cho ta thấy
một Thiên Chúa nhân từ bằng xương bằng thịt,
một Thiên Chúa bị thu hút bởi con người, mê say phục vụ con người.
Không rõ trong sứ vụ công khai, trong gần ba năm rong ruổi,
Đức Giêsu đã đi bộ bao nhiêu cây số của xứ Paléttin,
đôi chân dẻo dai của Ngài đã đến với bao nhiêu làng mạc, thành phố.
đôi tay của Ngài đã chạm đến bao nhiêu thương tích của nhân gian.
Chỉ biết trái tim của Ngài là trái tim bằng thịt,
cứ nhói đau và chạnh thương trước bể khổ của phận người.
Bệnh tật thân xác là gánh nặng kéo con người xuống.
Đức Giêsu đã trở nên như vị lương y đối diện với đủ thứ bệnh tật.
Mù lòa, câm điếc, bất toại, phong hủi đều được Ngài chữa lành,
thậm chí Ngài còn hoàn sinh kẻ chết.
Ma quỷ cũng là một mãnh lực làm con người mất tự do.
Khử trừ ma quỷ và thần ô uế, là dấu cho thấy Nước Trời đã đến.
Mọi sự Đức Giêsu đã làm thì Ngài sai các môn đệ tiếp tục (cc. 6-8).
Hôm nay chúng ta cũng được sai để tiếp tục việc của Ngài ngày xưa:
loan báo Tin Mừng Nước Trời, chữa lành thế giới khỏi mọi bệnh tật,
giải phóng con người khỏi những xích xiềng mới do chính họ tạo nên,
và loại trừ thần ô uế ra khỏi mọi nơi con người sinh sống.
Công việc này thật bao la,
vì không giới hạn trong mảnh đất Paléttin nhỏ hẹp.
Công việc này không dễ,
vì ta phải đối diện với sức đề kháng mạnh mẽ của ác thần.
Nhưng với quyền năng Chúa ban, chúng ta tin mình sẽ thắng (c. 1).
Lễ Giáng Sinh là lễ mừng ơn cứu độ cho con người.
Chúng ta được mời nhìn thế giới hôm nay bằng cái nhìn của Giêsu,
yêu thế giới bơ vơ hôm nay bằng trái tim của Giêsu,
đến với thế giới xa xôi hôm nay bằng đôi chân của Giêsu.
Ước gì tay chúng ta chạm đến người nghèo, người yếu đau, sa ngã.
Và ước gì chúng ta cho không những gì đã nhận được nhưng không.
Cầu nguyn:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống ;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG MƯỜI HAI
Cuối Cùng Của Thời Cũ - Đầu Tiên Của Thời Mới
Trong tất cả mầu nhiệm của ngài, Đức Ma-ri-a là thành viên ưu việt của Giáo Hội. Chính Mẹ là người mở đường cho buổi khai nguyên của Giáo Hội. Mẹ gắn bó chặt chẽ với Giáo Hội trong lịch sử cứu độ mà Mẹ hiện thân như một sự nhập thể và một hình ảnh sống động của chính Giáo Hội, Hiền Thê Đức Kitô. Từ đầu cuộc đời của Mẹ, Mẹ có tất cả sự sung mãn của ân sủng mà Đức Kitô ban cho Giáo Hội Người.
Trong ánh sáng này, chúng ta nhớ lại chương 8 Hiến Chế Giáo Hội. Chú giải quan điểm của Thánh Luca, văn kiện này của Công Đồng Vatican II nói với chúng ta: “Sau một giai đoạn lâu dài chờ đợi, thời gian được viên mãn nơi ngài, Nữ Tử cao quí của Sion, và kế hoạch cứu độ mới được thực hiện.” Ở mốc điểm quan trọng này của lịch sử, Đức Ma-ri-a là chỗ kết nối giữa Cựu Ước và Tân Ước. Mẹ đại diện cho sự chấm dứt của cộng đoàn It-ra-en đợi chờ Đấng Thiên Sai và đại diện cho sự khởi đầu của Giáo Hội Đức Kitô mới được khai sinh. Mẹ vừa là sự thể hiện cuối cùng và hoàn hảo của con cái Thiên Chúa sinh bởi Abraham dưới cơ chế Cựu Ước, vừa là sự thể hiện đầu tiên và tuyệt đỉnh của con cái mới của Thiên Chúa được khai sinh bởi Đức Kitô. Nơi Đức Ma-ri-a, chúng ta nhận ra các lời hứa, các điều báo trước, các lời ngôn sứ của Hội Thánh trong Cựu Ước được hoàn thành. Với Mẹ, chúng ta cũng nhìn thấy Giáo Hội của Tân Ước bắt đầu, không nhăn nheo tì tích, trong sự sung mãn của ân sủng Thánh Thần.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 5/12
Is 30, 19-21. 23-26; Mt 9, 35 - 10, 1. 6-8.

Lời Suy Niệm: “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với các môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.
Chúa Giêsu đang hiện diện với nhân loại, và Người luôn chạnh lòng thương, Người muốn là người chăn dắt nhân loại trong nẽo chính đường ngay, để nhận ra tình yêu, sự đợi chờ và sự tha thứ của Thiên Chúa đối với nhân loại và với từng người một; và Người mời gọi, ban quyền cho tất cả những ai nghe tiếng Người; hãy ra đi, lên đường cọng tác với Người trong việc phục vụ hạnh phúc thật sự cho hết mọi người không phân biệt và loại trừ bất cứ ai.
Lạy Chúa Giêsu. Giáo Hội đang dành mọi ưu tiên cho người nghèo, Giáo Hội và các nhà cầm quyền đang đứng trước nạn di dân tỵ nạn diễn ra khắp nơi. Với Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, Xin Chúa soi lòng mở trí và sức mạnh, can đảm cho tất cả những ai quan tâm và có trách nhiệm tìm được con đường tốt nhất để đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho hết mọi người.
Mạnh Phương


05 Tháng Mười Hai
Thiện Nguyện
Hôm nay là ngày quốc tế những người thiện nguyện, được Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1985 và cử hành lần đầu tiên ngày 05 tháng 12 năm 1986. Ngày quốc tế những người thiện nguyện vừa là một tưởng thưởng và biết ơn đối với không biết bao nhiêu người đang âm thầm phục vụ không công những người đồng loại của mình, vừa là một lời gọi dấn thân phục vụ.
Hiện nay, trên khắp thế giới có khoảng 35 cơ quan thiện nguyện chiêu mộ và gửi người đi khắp nơi để phục vụ trong mọi lãnh vực: từ một cán sự y tá phục vụ trong rừng già Phi Châu, đến các chuyên viên làm việc trong các dự án phát triển tại các nước thuộc thế giới đệ tam, từ một thanh niên thiếu nữ âm thầm làm việc tại các nước nghèo đến các chuyên viên tổ chức các cuộc lạc quyên: tất cả đều được thúc đẩy bởi một ý chí: đó là phục vụ người anh em.
Ngày quốc tế những người thiện nguyện cũng là một bài ca dành cho một nhân loại đã đạt được một bước tiến dài trong sự trưởng thành. Bên cạnh những bước dật lùi vì chiến tranh, vì hủy hoại lẫn nhau, nhân loại vẫn cố gắng tiến bước trong khát vọng và những nỗ lực nhân đạo. Bước tiến ấy còn tiếp tục là nhờ ở tinh thần thiện nguyện, ý chí phục vụ
Ngày quốc tế thiện nguyện hôm nay không phải là phụ trương của những ngày quốc tế khác rải rác trong suốt năm như ngày Hòa Bình thế giới, ngày sức khỏe, ngày thực phẩm, ngày Giới Trẻ, ngày Môi Sinh, ngày Nhi Ðồng, ngày Phụ Nữ v.v... Ngày hôm nay là khẳng định của một ý niệm nền tảng cho tất cả mọi ngày quốc tế khác: ý niệm đó chính là tự nguyện phục vụ.
Ngày quốc tế những người thiện nguyện hôm nay không chỉ là ngày tưởng thưởng và biết ơn đối với những người thiện nguyện. Ngày hôm nay là ngày của mỗi người chúng ta, bởi vì chúng ta chỉ có thể sống trọn ơn gọi làm người khi chúng ta biết tự nguyện sống cho người khác.
Chúa Giêsu là mẫu mực của thiện nguyện... Là Thiên Chúa, Ngài đã đến trong thế gian để mặc lấy thân phận nghèo hèn của con người. Trở nên con người, Ngài đã không sống giữa chốn giàu sang phú quý, nhưng đến với những con người nghèo hèn nhất trong xã hội. Ngài đã phục vụ và phục vụ cho đến chết. Ngài đã đến để làm cho bộ mặt thế giới này trở nên nhân bản hơn. Cùng với Ngài, hàng hàng lớp lớp những con người dấn thân phục vụ tha nhân đã tô điểm cho bộ mặt thế giới được thêm tươi tốt hơn. Quả thực, một thế giới không có những người sống và chết cho tha nhân là một thế giới không có nhân tính... Chúng ta hãy tưởng tượng một thế giới không có những thánh Phanxicô thành Assisi, không có những Mahatma Gandhi, không có những Albert Schweitzer, không có những Têrêxa Calcutta, không có những hội viên của Hội Chữ Thập Ðỏ... một thế giới như thế quả thực là một thế giới buồn thảm. Một thế giới không có những bàn tay đưa ra để chia sẻ, để san sẻ, để đỡ nâng, một thế giới không có những tấm lòng tử tế: một thế giới như thế quả thực là một thế giới của chết chóc...
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét