Trang

Thứ Tư, 3 tháng 2, 2016

04-02-2016 : THỨ NĂM - TUẦN IV THƯỜNG NIÊN

04/02/2016
Thứ Năm đầu tháng, tuần 4 thường niên.


Bài Ðọc I: (Năm II): 1 V 2, 1-4. 10-12
"Cha sắp bước vào con đường chung của thiên hạ; Salomon, con hãy can đảm và ăn ở xứng danh nam nhi".
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Gần ngày băng hà, Ðavít truyền cho Salomon, con trai của ông rằng: "Cha sắp bước vào con đường chung của thiên hạ. Con hãy can đảm, và ăn ở xứng danh nam nhi. Con hãy tuân giữ các huấn lệnh của Chúa là Thiên Chúa con, hãy đi trong đường lối của Người, hãy tuân giữ các lễ nghi, giới răn, thánh chỉ và giáo huấn của Người như đã ghi chép trong Luật Môsê, ngõ hầu con đi đâu, con cũng hiểu biết mọi việc con làm, để Chúa hoàn thành lời Người đã nói về cha rằng: "Nếu con cái ngươi tuân giữ đường lối của chúng và hết lòng hết trí đi trước mặt Ta trong chân lý, thì ngươi sẽ không bao giờ mất người kế vị trên ngôi báu Israel".
Vậy vua Ðavít yên giấc với các tổ phụ và được mai táng trong thành Ðavít. Ðavít làm vua Israel được bốn mươi năm: tại Hebron, ngài cai trị bảy năm; tại Giêrusalem, ngài cai trị ba mươi ba năm. Còn Salomon lên ngôi Ðavít cha ngài, và triều đại ngài rất vững bền.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: 1 Sb 29, 10. 11ab. 11d-12a. 12bcd
Ðáp: Chúa thống trị trên tất cả mọi loài (c. 12b).
Hoặc đọc: Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa (c. 12a).
Xướng: 1) Ðavít đã chúc tụng Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng, người thưa: "Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, từ đời đời tới muôn muôn thuở". - Ðáp.
2) Lạy Chúa, cao sang, quyền bính và vinh quang, chiến thắng, lời ca khen đều thuộc về Chúa, vì tất cả những gì trên trời dưới đất là của Chúa. - Ðáp.
3) Chúa ngự trên tất cả những đế vương. Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa. - Ðáp.
4) Chúa thống trị trên tất cả mọi loài, sức mạnh quyền bính đều ở trong tay Chúa; ở trong tay Chúa, mọi uy phong và vững bền.- Ðáp.
  
Alleluia: Ga 6, 64b và 69b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống: Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 7-13
"Người bắt đầu sai các ông đi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: "Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ". Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Sứ mệnh tông đồ
Một tôn giáo chỉ tồn tại, nếu mỗi ngày một phát triển và có thêm người gia nhập. Kitô giáo do Chúa Giêsu thiết lập cũng nằm trong diện đó. Dưới con mắt Chúa, mỗi linh hồn đều có giá trị như nhau và mỗi người đều được sai đi tìm những con chiên lạc và dẫn chúng về đồng cỏ xanh tươi. Ngài ý thức rằng Thiên Chúa đã tạo dựng con người, không phải để bị vất vào lò lửa đời đời, nhưng là để được thu vào kho lẫm. Do đó, mối bận tâm lớn nhất của Ngài khi đến thế gian chính là đem Tin Mừng cứu độ cho mọi người.
Từ trước tới giờ, Ngài vẫn làm việc đó một mình, nhưng nay vì tính cách khẩn thiết của việc tông đồ, Ngài cần có những con người cộng tác: Mùa gặt bề bộn, mà thợ gặt thì ít. Sứ mệnh tông đồ từ nay được trao cho họ. Sứ mệnh đó thật cao cả và cấp bách, vì thế Chúa đòi hỏi nơi họ sự thoát ly trọn vẹn, hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa quan phòng. Ra đi một cách thảnh thơi, không bồn chồn, không bối rối, không bận tâm đến bị, đến tiền. Không những thế, họ còn phải hy sinh tất cả cho sứ mệnh, đo lường mọi sự theo lợi ích của Nước Thiên Chúa. Họ chấp nhận giao tiếp với thế gian nếu đó là cơ hội để phổ biến sứ điệp, họ không mưu cầu tư lợi, nhưng dũ bỏ hết những gì không liên quan đến sứ mệnh, chỉ như thế, họ mới có thể đạt tới trình độ siêu thoát và dễ dàng chinh phục các linh hồn về cho Nước Chúa.
Mỗi người chúng ta cũng được kêu gọi vào sứ mệnh tông đồ, chúng ta có ý thức sứ mệnh cao cả ấy không? Các linh hồn được cứu rỗi hay bị luận phạt, một phần lớn tùy thuộc vào đời sống của chúng ta. Ðiều đó có thể làm chúng ta run sợ, nhưng nếu chúng ta nhiệt tâm mở rộng Nước Chúa nơi các tâm hồn, chúng ta sẽ được an tâm, không ai có thể trách chúng ta đã đùa giỡn với số phận đời đời của họ, và các linh hồn sẽ là triều thiên cho chúng ta trong ngày Chúa vinh quang ngự đến.
Chúng ta hãy sống kết hiệp với Chúa. Tất cả hoạt động của chúng ta sẽ chẳng có giá trị gì, nếu không bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Càng kết hiệp với Chúa, chúng ta càng có khả năng chu toàn bổn phận người tông đồ giữa dân Chúa, và như vậy chắc chắn chúng ta sẽ nhận được phần thưởng Chúa hứa cho người thợ tận tâm, nhiệt tình cho Nước Chúa trị đến.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 4 TN
Bài đọc: Heb 12:18-19, 21-24; I Kgs 2:1-4, 10-12; Mk 6:7-13.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vâng lời những gì Thiên Chúa dạy sẽ mang lại những kết quả lớn lao.
Để một người có thể hy sinh chấp nhận gian khổ, anh cần có một lý tưởng để theo đuổi. Chẳng hạn, người nhà nông sẵn sàng chấp nhận gian khổ nắng mưa, vì biết mùa gặt sẽ đến; hay người học sinh chấp nhận hy sinh các thú vui để rèn luyện sách đèn, vì biết sẽ có ngày ra trường thành tài.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh đích điểm cuộc đời của người Kitô hữu. Trong Bài đọc I, năm chẵn, vua cha David, sau khi đã trải qua mọi sự trong cuộc đời, muốn truyền lại cho con là Solomon hai điều: kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ những gì Ngài dạy. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng Tin Mừng. Ngài dặn các ông đừng chú trọng quá nhiều đến của cải vật chất và lợi lộc trần gian, để có nhiều thời giờ cho việc rao giảng Tin Mừng và chữa lành con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Hãy tuân giữ các huấn lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa của con.
2.1/ Phải biết kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ những gì Ngài dạy dỗ.
(1) Kinh nghiệm của cha mẹ là kho tàng khôn ngoan vô giá: Tục ngữ Việt-nam dạy: "Cá không ăn muối cá ươn; con cãi cha mẹ trăm đường con hư." Khi dạy những lời này, chắc chắn cha mẹ đã dùng những kinh nghiệm huy hoàng cũng như đau thương của mình, để truyền lại cho con cái, vì họ yêu thương con cái. Đọc trình thuật của vua David hơn tuần qua, một người nhận ra ngay vua David đã có quá nhiều kinh nghiệm thành công cũng như đau thương trong cuộc đời. Khi vua đi theo đường lối của Thiên Chúa, vua gặt hái được hết thành công này đến thành công khác. Khi vua lầm lẫn làm theo ý mình, biết bao đau thương đã xảy ra cho cá nhân, gia đình, và quốc gia. Giờ đây khi sắp từ giã cuộc đời, vua muốn truyền hết kinh nghiệm cho con mình là Solomon. Vua David hy vọng Solomon sẽ không lầm lẫn đi vào bước chân tội lỗi của vua; nhưng luôn biết kính sợ và vâng lời Thiên Chúa.
(2) Những thái độ hiểu biết sai lầm về những lời dạy dỗ của Thiên Chúa và của cha mẹ:
Nhiều người nông nổi cho rằng nếu làm theo những lời dạy dỗ này, họ sẽ bị hạ giá hay tự do của họ sẽ bị giới hạn; nhưng kinh nghiệm cho thấy nếu không làm theo, họ sẽ phải trả một giá đắt để học được kinh nghiệm của cha mẹ. Luật lệ của Thiên Chúa ban ra vì Ngài yêu thương và muốn bảo vệ con người. Có người ví luật lệ như hàng rào để bảo vệ con người khỏi những nguy hiểm từ bên ngoài đưa tới; nếu con người vượt ra ngoài hàng rào luật lệ, đau khổ và chết chóc sẽ xảy đến cho con người. Luật lệ của Thiên Chúa không giới hạn tự do của con người; nhưng bảo vệ và chỉ đường cho con người để đừng rơi vào bẫy của ma quỉ và làm nô lệ cho chúng.
2.2/ Tuân giữ những gì Thiên Chúa dạy sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp.
(1) Thành công trong mọi công việc: Thiên Chúa là Người duy nhất thấy được mọi sự tương lai; đó là lý do Ngài truyền cho con người những gì phải làm để bảo đảm thành công và tránh khỏi mọi nguy hiểm. Nếu con người chịu vâng lời Thiên Chúa, họ sẽ "thành công trong mọi việc họ làm và trong mọi hướng họ đi;" nhưng nếu họ cãi lời Thiên Chúa và làm những gì họ nghĩ, tai ương và đau khổ chắc chắn sẽ xảy ra, như đã từng xảy ra cho David và các nhân vật trong lịch sử. Trình thuật hôm nay kết thúc bằng câu "vua Solomon ngự trên ngai vua David, thân phụ ông, và vương quyền của ông thật là vững chắc," như một lời bảo đảm cho Solomon nếu ông theo lời vua cha và đi trong đường lối của Thiên Chúa.
(2) Lời hứa của Thiên Chúa sẽ không bao giờ vô hiệu: Đọc lịch sử Cựu Ước, Thiên Chúa đã làm nhiều giao ước với các tổ phụ và Ngài không bao giờ vi phạm. Trong giao ước với vua David, Thiên Chúa hứa: "Nếu con cái ngươi sống cho phải đạo là hết lòng hết dạ bước đi trung thực trước nhan Ta, thì ngươi sẽ không bao giờ thiếu người ngự trên ngai Israel." Giao ước thường bị vi phạm từ phía con người, qua việc họ không thi hành những gì Thiên Chúa truyền. Dù con người vi phạm nhiều lần, tình thương Thiên Chúa vẫn thắng vượt tội lỗi con người, Ngài tìm dịp để đưa con người ăn năn trở lại và giao ước được tiếp tục hiệu nghiệm.
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi với 2 lời truyền:
3.1/ Hành trang mang theo trên đường rao giảng: “Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.”
Có nhiều cách giải nghĩa lệnh truyền này của Chúa, nhưng trọng tâm của lệnh truyền là các tông-đồ phải dành mọi thời gian và nỗ lực cho việc rao giảng Tin Mừng, chứ không quá quan tâm và lệ thuộc vào đời sống vật chất. Chúa Giêsu mời gọi các ông sống tin tưởng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, vì “thợ làm việc xứng đáng được thưởng công.” Ngài sẽ lo liệu đời sống vật chất của các ông qua tình thương của những người được thấm nhuần Tin Mừng. Hơn nữa, nếu các ông không mang hành lý nặng, các ông sẽ dễ dàng lên đường đi đến mọi nơi cần được sai tới.
Cám dỗ về lợi lộc vật chất thường xuyên đe dọa những người rao giảng Tin Mừng. Nếu không biết chống trả, họ sẽ chỉ làm những việc gì mang lại lợi nhuận vật chất; chứ không rao giảng cách nhưng không như Chúa Giêsu đòi hỏi. Thay vì chú trọng đến phần rỗi linh hồn của đàn chiên, họ lại chú trọng đến lông chiên và thịt chiên. Khi người rao giảng bắt đầu chú trọng đến lợi nhuận vật chất, lời rao giảng của họ sẽ không còn hiệu quả nữa.
3.2/ Thái độ của người rao giảng: “Người bảo các ông: Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ."
Cùng một lối giải thích như trên, người tông-đồ được sai đi là cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng, chứ không để tìm hư danh, uy quyền, hay các lợi lộc vật chất. Nếu người tông-đồ nhắm đến những điều sau này, anh sẽ dễ nản chí và di chuyển đến những nơi có lợi lộc hơn. Về phía người được nghe Tin Mừng, họ phải mở lòng đón nhận và tiếp đãi những người làm việc cho Chúa, để cả người gieo và người gặt đều được vui mừng trong mùa gặt.
Những việc làm chính của các tông-đồ: (1) Rao giảng Tin Mừng và kêu gọi người ta ăn năn sám hối. (2) Trừ quỷ: Giúp con người thóat khỏi ảnh hưởng hay làm nô lệ cho ma quỉ, để sống đời sống thánh thiện theo tinh thần Phúc Âm đòi hỏi. (3) Xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh tật phần hồn cũng như phần xác.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta có một lý tưởng cao cả để theo đuổi là được đoàn tụ với Thiên Chúa và các Kitô hữu khác trên trời trong Ngày Cánh Chung. Để đạt được lý tưởng này, chúng ta cần hy sinh để chấp nhận mọi gian khổ trong việc loan báo và sống Tin Mừng. Chúng ta không thể bắt cá hai tay: vừa muốn được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa đời sau, vừa muốn tất cả các hưởng thụ đời này. Người muốn bắt cá hai tay có nguy hiểm sẽ mất tất cả.
- Lời của Thiên Chúa là đèn soi cho chúng ta tất cả những nguy hiểm của cuộc đời. Chúng ta đừng khinh thường để rồi bị sa vào những chước cám dỗ của ma quỉ và làm nô lệ cho tội lỗi. Kinh nghiệm của cha mẹ và những người đi trước là những bài học quí giá cho chúng ta học hỏi, để khỏi phải trả giá nặng nề như họ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

04/02/16 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Mc 6,7-13

Suy niệm: Lời rao giảng đầu tiên của Gio-an Tẩy Giả là: “Anh em hãy sám hối” (Mt 3,2). Khởi đầu sứ vụ của mình, Đức Giê-su cũng rao giảng: “Anh em hãy sám hối” (Mt 4,17). Đến lượt các môn đệ được sai đi rao giảng, các ông cũng kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Sám hối là điều kiện để được tha thứ, được Chúa xót thương. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót (Ep 2,4), Người muốn thi thố lòng thương xót đến mọi người. Tuy nhiên, phía con người cần phải ăn năn sám hối để lãnh nhận ơn cứu độ hay lãnh nhận sự thương xót của Chúa. Như cái máng muốn thông nước cần dọn sạch rác rưởi, cũng vậy tâm hồn tội lỗi muốn lãnh nhận lòng thương xót của Chúa cũng cần ăn năn sám hối.
Mời Bạn: Nói tới sám hối chúng ta thường nghĩ tới một trạng thái u buồn ảm đảm, nhưng thực ra đáng vui mừng hơn là buồn. Vì người sám hối là người đổi mới cuộc đời, đưa mình trở về tình trạng trong sạch. Chuyện người con thứ trong Tin Mừng Lu-ca chương 15 cho thấy niềm vui của người sám hối trở về. Chính khi anh nói lời sám hối với người cha, là lúc anh nhận được lòng thương xót tha thứ của cha và niềm vui được “sống lại” sau những ngày “chết” trong tội lỗi. Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót mời gọi chúng ta sám hối đó bạn!
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày trước khi đi ngủ hãy dành vài phút để xét mình và dâng lên Chúa tâm tình sám hối chân thành.
Cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm. Tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.” (Tv 50,3-4)

Không được mang gì
Nhẹ nhàng, đơn sơ là thái độ của người luôn sẵn sàng ra đi. Siêu thoát, vô vị lợi là thái độ của người không dính bén với vật chất. 


Suy nim:
Đức Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai
để họ ở với Ngài và để được Ngài sai đi rao giảng và trừ quỷ (Mc 3, 14-15).
Bây giờ, sau một thời gian sống gần gũi bên Thầy,
đã đến lúc họ được sai đi để làm những điều họ thấy Thầy làm:
kêu gọi người ta hoán cải, trừ quỷ, xức dầu chữa bệnh nhân (cc. 12-13).
Các môn đệ trở nên cánh tay nối dài của Thầy.
Họ được Thầy Giêsu tin tưởng cho chia sẻ cùng một sứ mạng.
Các môn đệ mang gì khi lên đường?
Một lệnh sai đi, một người bạn đồng hành, một quyền lực trên thần ô uế.
Đức Giêsu cho phép họ mang một cái gậy và đôi dép để đi đường xa.
Tất cả hành trang chỉ có thế!
Những thứ bị cấm mang khi đi đường
là những thứ vốn tạo ra sự bảo đảm hay dư thừa không cần thiết:
lương thực, bao bị, tiền giắt lưng, hai áo trong.
Như thế người được sai đi phải hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa lo liệu,
và phải hoàn toàn cậy dựa vào lòng tốt mỗi ngày của tha nhân.
Nhẹ nhàng, đơn sơ là thái độ của người luôn sẵn sàng ra đi.
Siêu thoát, vô vị lợi là thái độ của người không dính bén với vật chất.
Người tông đồ cũng không dính bén đến cơ sở hay tiện nghi.
Họ không tìm cách đổi chỗ ở để có chỗ tốt hơn (c. 10).
Hơn nữa họ chấp nhận sự thất bại, sự từ chối không muốn đón tiếp (c.11),
vì chính Thầy của họ cũng đã chịu cảnh ngộ tương tự ở quê nhà.
Nhóm Mười Hai đã ra đi theo lệnh Thầy Giêsu
và đã làm được những điều họ không dám mơ (cc. 12-13).
Họ đã học được kinh nghiệm về tin tưởng, khó nghèo, siêu thoát.
Họ đã thấy sức mạnh của Nước Trời đang thu hẹp lại mảnh đất của Satan.
Họ đã đem lại niềm vui cho bệnh nhân và người khao khát Tin Mừng.
Giáo Hội mọi thời vẫn được nhắc nhở từ đoạn Lời Chúa trên đây.
Chẳng ai giữ từng chữ của bản văn, nhưng tinh thần thì không được bỏ.
Sự nhẹ nhàng, cơ động của một Giáo hội đến phục vụ con người,
luôn kéo chúng ta ra khỏi những nặng nề, trì trệ dễ vướng phải.
Hôm nay Chúa cho phép tôi được mang gì
và cấm tôi mang gì?
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đuờng
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.
Xin cho chúng con làm đuợc những gì Chúa đã làm:
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành những người ốm đau.
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm đuợc viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.
Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.
Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đuờng,
nhẹ nhàng và thanh thoát.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG HAI
Đứng Về Phía Sự Sống
Trong cái nhìn Kitô giáo, con người – hình ảnh của Thiên Chúa – là sự diễn tả tột đỉnh của sự sống trong vũ trụ. Đích điểm của con người là Thiên Chúa; và đích điểm của vũ trụ là con người. Đấng Tạo Hóa đã thiết lập các định luật vận hành vũ trụ tự nhiên; cũng vậy, Ngài đã ghi tạc vào trong bản tính con người những chuẩn mực phổ quát của hành vi ứng xử. Những chuẩn mực này không lụy thuộc vào sự tùy tiện giải thích chủ quan. Chúng không phải là con phỗng để ai muốn kéo sao thì kéo.
Vâng, có những giá trị và những quyền rất căn bản gắn kết không rời với phẩm giá con người và với định mệnh vĩnh cửu của mỗi cá nhân. Trên tất cả chính là quyền sống – một quyền phải được bảo vệ trong suốt cuộc hiện sinh của mỗi con người. Thật vậy, ngày nay hơn bao giờ hết, quyền sống của con người đang bị đe dọa từ khi mới còn trong trứng nước cho đến tận giây phút cuối cùng. Bằng cách tôn trọng những chuẩn mực phổ quát liên quan đến phẩm giá con người, chúng ta chứng tỏ mình đang cộng tác với sự sống. Nếu chẳng vậy, chúng ta sẽ trở thành những tác nhân của sự chết.
Hãy đứng về phía sự sống!
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 04-2
Thứ Năm trong tuần thứ Tư Mùa Quanh Năm
1 V 2:1-4,10-12; 1 Sb 29:10,11,11-12,12; Mc 6:7-13

Lời Suy Niệm: “Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ.”
Qua Kinh Thánh, qua giáo huấn của Giáo Hội chúng ta được biết Chúa Giêsu là Con Một của Thiên Chúa, Người đến với sứ vụ là thể hiện tình thương cứu độ của Thiên Chúa đối với con người. Khởi đầu sứ vụ của Người có Gioan Tẩy Giả dọn đường cho sứ vụ của Người. Tiếp đến là sứ vụ của Người tại Galilê. Người tuyển chọn các môn đệ, trong số đông các môn đệ của Người, Người đã chọn ra Nhóm Mười Hai gọi là Tông Đồ. Nhóm Mười Hai này Người đã từng dạy riêng cho họ, Người giải thích những dụ ngôn mà họ chưa hiểu. Giờ đây Nhóm Mười Hai được vinh dự được Người sai đi với quyền phép trên ma quỷ, được cọng tác vào sứ vụ của Người đem Tin Mừng đến cho mọi người. Các ông đã vâng lời ra đi và “Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.”
Lạy Chúa Giêsu. Mỗi một Kitô hữu đều là những người đã được Chúa tuyển chọn, trao ban ơn đức tin; cho được sống trong Giáo Hội Chúa với các phép Bí Tích, được Giáo Hội giáo huấn không ngừng, được trưởng thành với Bảy Ơn Chúa Thánh Thần và mang trên mình sứ mạng “ra đi” truyền giáo. Xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con có nhiệt tâm làm tông đồ mở mang Nước Chúa.
Mạnh Phương


04 Tháng Hai
Lạy Cha Chúng Con Ở Trên Trời
Con gái ông Karl Marx có lần thú nhận với người bạn gái từ thủa nhỏ bà không được huấn luyện cho biết có Tôn giáo và Tín ngưỡng cũng như chính bà không cảm thấy mình có một tâm tình tôn giáo hay tin tưởng vào một thực tại vô hình nào.
Nhưng bà tâm sự tiếp: mộ ngày kia bà tình cờ đọc được một kinh của người Kitô mà bà thầm mong ước là những câu kinh ấy được biến thành sự thật.
Nghe nói thế, người bạn gái của bà không khỏi ngạc nhiên và tò mò hỏi: "Kinh gì mà hay thế?". Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi này, người con gái ông Karl Marx chậm rãi đọc bằng tiếng Ðức: "Vater unser im Hinmel. Lạy Cha chúng con ở trên trời.".
Có một Giám Mục kia trên đường kinh lý giáo phận, ghé thăm gia đình một bà lão. Người ta nói bà là một tấm gương cho cả lòng soi chung. Trong khi thăm, vị Giám Mục hỏi:
- Bà thường hay đọc sách đạo đức nào nhất?
- Thưa Ðức Cha con không biết đọc, bà cụ trả lời. Nghe nói thế, vị Giám Mục tiếp tục hỏi: "Nhưng bà hay cầu nguyện cơ mà?". Thấy Giám Mục đã biết bí quyết của mình, bà cụ thật thà thưa:
- Thưa Ðức Cha, con chỉ biết tràng hạt thôi: Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Tin Kính. Một ngày con khởi sự đọc đến mười lần nhưng thường thì con không đọc xong.
- Tại sao thế? Vị Giám Mục muốn biết. Bà cụ thuật tiếp:
- Tại vì khi con bắt đầu đọc: Lạy Cha chúng con. Con bỗng không hiểu sao Chúa có thể tốt lành đến mực cho phép một bà già hèn mọn như con được gọi ngài là Cha. Ðiều đó làm cho con phải khóc và rồi con không thể nào đọc tiếp hết chuỗi được. Nghe thuật lại kinh nghiệm trên, vị Giám Mục khuyến khích:
- À, này bà cụ, đó là lời cầu nguyện trị giá bằng tất cả những lời cầu nguyện của chúng tôi. Bà cứ tiếp tục và luôn cầu nguyện theo câu đó.
Tục ngữ Việt Nam có câu: "Gần chùa gọi bụt bằng anh". Ðó là tâm tình thông thường của con người. Bởi lẽ những thực tại dù to lớn đến đâu, nếu đã trở nên những công việc hằng ngày thường bị hạ thấp giá trị.
Ước gì Kinh Lạy Cha giúp chúng ta ý thức thật sâu đậm về sự thật: Thiên Chúa là Cha chúng ta, như bà cụ đơn sơ trong câu chuyện trên đã cảm nghiệm được, đồng thời giúp chúng ta sống và thực hành những gì chúng ta luôn miệng cầu khẩn trong kinh Lạy Cha.
(Lẽ Sống)


SỐNG LỜI CHÚA MỖI NGÀY
NĂM THÁNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Thứ Năm,4 tháng 2 – Tuần IV Mùa Thường Niên
1Vua 2,1-4.10-12 · 1 Sử biên niên 29,10b.11abc.11d-12a.12bcd
Mác-cô 6,7-13

Dũng Cảm Theo Chân Chúa

… Con hãy can đảm lên và sống cho xứng bậc nam nhi. Hãy tuân giữ các huấn lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của con, mà đi theo đường lối của Người, là giữ các giới răn, mệnh lệnh, luật pháp, và chỉ thị của Người, như đã ghi trong luật Mô-sê. Như thế con sẽ thành công trong mọi việc con làm và trong mọi hướng con đi. 1 Vua 2,2-3

          Những lời trăn trối của vua Đavít với con trai của ngài là thái tử Salômôn trên giường bệnh trước khi qua đời là những chỉ thị của một vị vua vĩ đại dành cho một người con khôn ngoan. Khi đọc cẩn thận những lời này, chúng ta thấy mình cũng được chúc phúc.
          Ai trong chúng ta cũng đều muốn trở nên dũng cảm, ai cũng muốn sống đúng căn tính con người của mình, ai cũng muốn thành công trong mọi việc và vào mọi thời điểm của cuộc đời. Vua Đavít chỉ cách cho chúng ta đạt được điều đó.
          Chúng ta hãy bước theo Chúa. Chúng ta có thể chọn lựa theo Chúa, dâng hiến đời mình cho Người, và rồi chúng ta dành cả đời để học biết về Người. Chúng ta đọc trong Kinh Thánh những lời Người răn dạy và những lời Người hứa. Chúng ta dành thời gian cho Chúa khi cầu nguyện và suy ngẫm. Mỗi khi chúng ta tham dự Thánh Lễ là lúc chúng ta quy tụ thành một cộng đoàn các tín hữu. Trong suốt chuỗi ngày của cuộc sống, chúng ta đã cố gắng, rồi thất bại, với những vấp phạm, sa ngã hằng ngày, chúng ta thống hối và cố gắng làm lại từ đầu.
          Chúng ta bước theo Chúa, không phải vì chúng ta là những kẻ trung tín, nhưng vì Chúa là Đấng tín trung.

Kristin Amstrong


HỌC HỎI NĂM THÁNH
Dung Nhan Lòng Thương Xót – Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Hỏi 96 : Được tuyển chọn và chuẩn bị để làm Mẹ của Đấng Cứu Thế, Đức Maria kinh nghiệm thế nào về lòng thương xót của Thiên Chúa?

Đáp 96 : Đức Maria đã kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa trải dài từ “thế này sang thế hệ kia”.

Hỏi 97 : Dưới chân Thập Giá, Đức Maria kinh nghiệm thế nào về lòng thương xót của Thiên Chúa?

Đáp 97 : Đức Maria đã kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa không có giới hạn và mở ra cho hết mọi người, bất kể họ là ai.

Hỏi 98 : Hướng về Đức Maria trong kinh Lạy Nữ Vương, chúng ta cầu xin Mẹ điều gì?

Đáp 98 : Chúng ta xin Mẹ ghé mắt thương xem chúng ta và cho chúng ta được thấy Chúa Giêsu, khuôn mặt của lòng thương xót.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, sống đức tin đòi con đôi khi phải chấp nhận lội ngược dòng với nhiều người chung quanh. Xin Chúa ban ơn khôn ngoan và can đảm để con luôn trung thành bước theo Chúa.
Quyết tâm : Luôn tự nhủ mình là một Kitô hữu để sống gương mẫu.

(nguồn trích: Sống Lời Chúa số 2 – Mùa Thường Niên 1 của Tgp. Sài Gòn)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét