05/09/2016
Thứ Hai tuần
23 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 5, 1-8
"Anh em hãy tẩy trừ men cũ, vì Chiên Vượt Qua của chúng ta
là Ðức Kitô đã hiến tế".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, người ta nghe nói giữa anh em có chuyện tà dâm,
thứ tà dâm mà nơi dân ngoại cũng không có như vậy, là có người lấy vợ cha mình.
Thế mà anh em còn lên mặt kiêu căng, đáng lẽ anh em phải để tang mà loại trừ khỏi
anh em con người làm chuyện đó. Tuy tôi vắng mặt phần xác, nhưng hiện diện bằng
tinh thần, tôi đã tuyên án kẻ làm chuyện đó, như tôi đang hiện diện, nhân danh
Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô, tập họp anh em lại với tâm trí tôi, lấy quyền
năng của Chúa chúng ta, là Ðức Giêsu, tôi trao con người như thế cho Satan, để
xác nó chết đi, hầu cho tâm hồn nó được cứu thoát trong ngày của Chúa chúng ta,
là Ðức Giêsu Kitô.
Việc anh em lên mặt kiêu căng không tốt đâu. Nào anh em chẳng biết
rằng chỉ một dúm men là đủ làm hư cả khối bột đó sao? Anh em hãy tẩy trừ men
cũ, để nên bột mới, như anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của chúng
ta là Ðức Kitô đã hiến tế. Vì thế, chúng ta hãy mừng lễ không phải với men cũ,
cũng không phải với men gian tà và độc ác, nhưng với bánh không men tinh tuyền
và chân chính.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 5, 5-6. 7. 12
Ðáp: Lạy Chúa, xin dẫn con trong đức công minh (c. 9a).
Xướng: 1) Chúa không phải là Chúa tể ưa điều gian ác, kẻ độc dữ
không được cư trú nhà Ngài, đứa bất nhân không thể đứng trước thiên nhan. Chúa
ghét những kẻ làm điều gian ác. - Ðáp.
2) Ngài tiêu diệt những đứa nói man; người độc ác và gian giảo,
thì Chúa ghê tởm không nhìn. - Ðáp.
3) Nhưng hết thảy ai tìm đến Chúa sẽ mừng vui, họ sẽ hân hoan
cho tới muôn đời. Chúa che chở họ, họ sẽ mừng vui bởi Chúa, đó là những kẻ yêu
mến danh Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Pl 2, 15-16
Alleluia, alleluia! - Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh
em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 6, 6-11
"Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày
Sabbat không".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Khi ấy
ở đó có một người tay hữu bị khô bại. Những luật sĩ và biệt phái quan sát xem
Người có chữa lành người ấy trong ngày Sabbat không, để có cớ tố cáo Người.
Nhưng Người biết tư tưởng các ông, liền bảo người có tay khô bại rằng:
"Ngươi hãy chỗi dậy mà đứng ra giữa đây". Người đó đứng thẳng dậy. Ðoạn
Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng: "Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép
làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?" Rồi đưa mắt nhìn mọi
người, Chúa bảo người đó rằng: "Ngươi hãy giơ tay ra". Người ấy giơ
ra, và tay người ấy được lành.
Bấy giờ các ông đầy lòng tức giận, và bàn định với nhau xem có
thể làm gì được Chúa Giêsu.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Cốt Lõi Của Ðạo
Văn hào Nga Léon Tolstoi có kể câu truyện ngụ ngôn như sau: Một
ông chủ nọ giao cho các gia nhân một công việc và bảo họ chỉ chu toàn công việc
ấy mà thôi. Ông hứa sẽ thưởng công cho họ, nếu họ làm tốt công việc. Lúc mới bắt
tay vào việc, ai cũng muốn làm vừa lòng ông chủ, cho nên để hết tâm trí vào
công việc được giao. Thế nhưng, một thời gian sau đó, nhiều người cho rằng để
làm vừa lòng ông chủ và để được phần thưởng bội hầu hơn, cần phải làm nhiều việc
khác nữa. Họ nghĩ ra nhiều việc khác và dần dần chú tâm vào đó đến độ quên bẵng
đi công việc được chủ giao cho lúc đầu. Bận bịu với những công việc mới, chẳng
những họ không còn nhớ tới công việc đã được giao, mà cũng chẳng màng tới phần
thưởng ông chủ đã hứa. Cuối cùng, tưởng mình đã có thể tự túc với công việc của
mình, họ cũng gạt luôn ông chủ ra khỏi cuộc sống của họ. Léon Tolstoi đưa ra kết
luận: Người ta thường thấy một thái độ như thế nơi các Kitô hữu; họ thay thế đạo
của tình thương bằng vô số những nghi lễ trống rỗng vô hồn.
Nhiều người Do thái thời Chúa Giêsu, nhất là các thành phần lãnh
đạo trong dân cũng có lối hành đạo tương tự. Thật ra, đạo của mạc khải Do thái
giáo cốt yếu cũng là đạo của tình thương; thế nhưng trong thực tế, cái cốt lõi ấy
thường bị quên lãng để nhường chỗ cho biết bao nghi thức trống rỗng vô hồn; người
ta sẵn sàng loại trừ tha nhân và chối bỏ tình thương để tuân giữ những nghi thức
và luật lệ vô hồn ấy.
Chúa Giêsu đã đến và đưa con người trở lại cái cốt lõi của đạo.
Tin Mừng hôm nay ghi lại một nỗ lực của Chúa Giêsu nhằm nhắc nhở cho người Do
thái về cái cốt lõi của đạo được thể hiện qua lề luật. Một trong những khoản
quan trọng của lề luật chính là ngày Hưu lễ. Chúa Giêsu đã không đến để hủy bỏ,
nhưng để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật chính là mặc cho tinh thần và
ý nghĩa của yêu thương; không có tình thương, lề luật chỉ còn là một cái xác
không hồn. Như vậy, kiện toàn luật giữ ngày Hưu lễ chính là biến ngày đó thành
ngày tôn vinh Thiên Chúa, và không gì đúng đắn và xứng hợp hơn để tôn vinh
Thiên Chúa trong ngày Hưu lễ cho bằng thể hiện tình thương đối với tha nhân.
Chính trong ý nghĩa ấy mà Chúa Giêsu đã chữa lành một người có bàn tay khô bại
trong ngày Hưu lễ. Lề luật là một thể hiện ý muốn của Thiên Chúa, và ý muốn của
Chúa không gì khác hơn là con người được sống, và sống dồi dào, sung mãn chính
là sống yêu thương. Như vậy chu toàn lề luật trước tiên là sống yêu thương.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của
chúng ta. Ðọc kinh, dự lễ, tham gia sinh hoạt giáo xứ mà không sống yêu thương,
điều đó có thật sự là sống đạo chưa? Sống đạo đích thực là sống yêu thương: một
lời kinh đích thực phải phát xuất từ cõi lòng rộng mở yêu thương; một của lễ đẹp
lòng Chúa phải là một nghĩa cử yêu thương dành cho tha nhân. Xin Chúa giúp
chúng ta mỗi ngày thêm thấm nhuần cái cốt lõi của đạo là yêu thương.
Veritas
Asia
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Thứ Hai Tuần
23 TN2
Bài đọc: 1 Cor
5:1-8; Lk 6:6-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải thẳng
thắn sửa chữa gương mù.
Corintô là thành phố rất giầu có và tội lỗi. Rất khó cho các tín
hữu của cộng đòan mới được thành lập bởi thánh Phaolô tránh khỏi những tội lỗi
mà họ đã quá quen thuộc. Trong lãnh vực tình dục, Dân Ngọai không hiểu được ý
nghĩa của nhân đức trong sạch, họ xem tình dục là chuyện bình thường. Nhưng
thánh Phaolô cảnh cáo các tín hữu Corintô trong Bài đọc I: một khi đã gia nhập
Dân Thánh, họ phải có can đảm thay đổi những thói quen của đời sống quá khứ, để
mặc lấy tấm lòng tinh tuyền và chân thật của đời sống mới theo đòi hỏi của Tin
Mừng. Trong Phúc Âm, Chúa cũng thẳng thắn sửa chữa các Kinh-sư và Biệt-phái về
lối sống giả hình của họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thánh Phaolô kết án người làm chuyện lọan luân
và cộng đòan Corintô.
Mặc dầu Dân Ngọai là những người có đời sống tình dục phóng
khóang, họ cũng kết án chuyện làm tình giữa con cái với cha mẹ; thế mà chuyện
này lại xảy ra trong cộng đòan tín hữu Corintô: “Đi đâu cũng chỉ nghe nói đến
chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em, mà là thứ dâm ô không thấy xảy ra ngay cả nơi
Dân Ngoại: có kẻ ăn ở với vợ kế của cha mình!”
Thánh Phaolô không những lên án người vi phạm chuyện lọan luân
mà còn trách móc cả cộng đòan về thái độ im lặng của họ; vì đúng ra họ đã phải
sửa chữa và loại trừ kẻ làm điều ấy ra khỏi cộng đoàn. Thái độ im lặng của họ
chẳng những là cớ cho người vi phạm không nhận ra tội lỗi mà còn gây gương mù
trong cộng đòan. Ngài tỏ rõ lập trường của ngài: “Phần tôi, tuy vắng mặt về
thân xác, nhưng về tinh thần vẫn có mặt, tôi đã lên án kẻ có hành vi đó như thể
tôi có mặt tại chỗ.”
Vì thế, chuyện phải thẳng thắn sửa phạt người đã vi phạm là chuyện
phải làm, và ngài đề nghị một giải pháp: “Trong một buổi họp của anh em, ở đó
có tôi hiện diện bằng tinh thần, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và với
quyền năng của Người, chúng ta phải nộp con người đó cho Satan, để phần xác nó
bị huỷ diệt, còn phần hồn được cứu thoát trong Ngày của Chúa.” Nộp người vi phạm
cho Satan là khai trừ người đó ra khỏi cộng đòan. Tuy nhiên, vì tình thương nên
cộng đòan vẫn để cho kẻ vi phạm có cơ hội biết ăn năn hối cải để linh hồn được
cứu rỗi.
Để cắt nghĩa sự nguy hiểm của gương mù trong cộng đòan, thánh
Phaolô dùng hai hình ảnh men và bột, mà không một người Do-Thái nào xa lạ với
hai hình ảnh này. Mỗi năm để chuẩn bị ăn mừng Lễ Vượt Qua, người Do-Thái thường
thu dọn nhà cửa sạch sẽ, nhất là nhà bếp nơi chứa đựng men và bột. Lý do tại
sao phải làm như thế là vì chỉ cần một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy
lên; và nếu khối bột đã dậy lên còn vương vãi trong nhà thì men cũ trong đó vẫn
còn.
Cũng vậy về phương diện luân lý, nếu không chịu cắt bỏ hòan tòan
với các thói quen và con người cũ, chúng sẽ dần dần lan ra trong cộng đòan tín
hữu và làm hoen ố đời sống thánh thiện của các tín hữu khác. Ngài so sánh men
cũ với lòng gian tà và độc ác, và bánh không men với lòng tinh tuyền và chân thật.
Để chuẩn bị mừng Lễ Vượt Qua Mới mà Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt
Qua, cộng đòan phải rửa sạch lòng gian tà và độc ác; đồng thời phải mặc lấy
lòng tinh tuyền và chân thật.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu kết án các Kinh-sư và Biệt-phái.
Thường thường, những người có bệnh hay thân nhân của họ theo
Chúa Giêsu và xin Ngài chữa lành, nhưng biến cố trong Phúc Âm hôm nay có sự
khác lạ. Người bệnh đã có mặt trước khi Chúa đến và được xử dụng như một cái bẫy
chờ Chúa Giêsu rơi vào để kết tội Ngài như Phúc Âm tường thuật: “Một ngày
sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị
khô bại tay phải. Các Kinh-sư và những người Biệt-phái rình xem Đức Giê-su có
chữa người ấy trong ngày Sabbath không, để tìm được cớ tố cáo Người.”
Nhưng đã quá khinh thường sự khôn ngoan và uy quyền của Chúa
Giêsu. Ngài không những có uy quyền để chữa bệnh mà còn đọc được những tính
tóan nhơ bẩn mà họ đang suy nghĩ. Để dạy họ một bài học, Chúa bảo người bại tay:
"Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!" Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó.
Ngài hỏi các Kinh-sư và Biệt-phái: "Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabbath, được
phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?"
Những người muốn truy tố Ngài lú này trở thành những bị cáo. Chắc
chắn tinh thần của ngày Sabbath đòi họ phải làm điều lành, thế mà họ lại tìm
cách để có cớ tố cáo người lương thiện như Chúa. Ngày Sabbath đòi phải quí và bảo
vệ mạng sống mà họ lại kết án việc chữa lành của Chúa. Như tên trộm bị bắt quả
tang phạm tội, Chúa Giêsu đã phơi bày những ý định độc ác của họ trước mặt tòa
án, và họ thinh lặng không dám trả lời.
Chúa có thể chữa lành người khô bại trong nơi kín hay nơi khác,
nhưng để dạy cho tất cả một bài học về việc phải thẳng thắn lọai trừ các gương
mù về lối sống giả hình. Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay:
"Anh giơ tay ra!" Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường.
Thánh Luca kết luận: “Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được
Đức Giêsu không.” Đã bị lột trần mọi ác ý nham hiểm, thay vì ăn năn trở lại, lại
còn kiêu ngạo điên hơn nữa để có thể giết hại người làm lành.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Ai trong chúng ta cũng biết
câu truyện mẹ của Thầy Mạnh-Tử phải thay đổi chỗ ở 3 lần cho tới khi tìm được
chỗ ở tốt lành cho con. Ngày nay nhiều người nại lý do nhà cửa, công ăn việc
làm, nên đành chịu ở trong những môi trường với đầy dẫy những gương mù nguy hiểm.
Làm như thế họ đã hy sinh tương lai gia đình mình cho của cải vật chất và chắc
chắn sẽ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa nếu các phần tử trong gia đình
cũng đi vào đàng tội lỗi với những người chung quanh họ. Các Bài đọc hôm nay,
thay vì chú trọng đến việc thay đổi chỗ ở, chú trọng đến việc sửa chữa và khai
trừ những hành vi xấu, để mọi người được sống trong bầu khí đạo đức hơn.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
05/09/16 THỨ HAI TUẦN
23 TN
Lc 6,6-11
Lc 6,6-11
Suy niệm: Hôm nay, nhân việc các kinh sư và người
Pha-ri-sêu rình xem Chúa Giê-su có chữa người bại tay trong ngày Sa-bát hay
không để có cớ tố cáo Ngài, Chúa Giê-su nhắc nhở họ về cốt lõi của niềm tin vào
Thiên Chúa. Không úp mở, Ngài trực tiếp chất vấn họ: lề luật và tình thương,
cái nào trọng hơn? Phải chăng Thiên Chúa yêu thích lề luật đến nỗi mặc sự dữ
đàn áp sự lành, mặc sự chết thay cho sự sống? Không, Thiên Chúa là Đấng tốt
lành, là Sự Thiện tuyệt hảo, là Sự Sống muôn loài. Thiên Chúa luôn muốn con
người sống và được sống dồi dào. Hay nói cách khác, Thiên Chúa ban cho con
người luật như là con đường, là phương tiện để đến với Ngài. Bởi thế, không
được vị luật mà quên mất tình thương; không được đóng kín con tim để mở to con
mắt dò xét. Song phải đi vào cốt lõi của niềm tin là tình thương. Đi vào để
kiện toàn lề luật. Đi vào hầu đẹp lòng Chúa-Đấng Giàu Lòng Xót Thương.
Mời Bạn: Có
khi nào bạn thử hỏi: cốt lõi niềm tin của tôi là gì hay không? Trước những bất
công đau khổ anh em đang phải chịu, trước những tình trạng sự sống và phẩm giá
con người bị coi thường, bị chà đạp, tôi đã chọn sự sống hay giết chết? Cảm thông,
chia sẻ hay dửng dưng, vô cảm?
Sống Lời Chúa: Mỗi
ngày xin ơn bắt chước Chúa, luôn chọn sự sống thay vì giết chết, chọn hy sinh
phục vụ thay vì ích kỷ hưởng thụ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin sưởi ấm trái tim con, để con luôn can đảm xót
thương và thứ tha dù phải chịu nhiều khổ đau. Amen.
Giơ bàn tay anh ra
Các Kitô hữu không còn phải giữ ngày sabát nữa,
nhưng giữ Chúa Nhật. Đây là ngày để chúng ta làm điều tốt, để chăm lo cho sự sống.
Suy niệm:
Chúng ta không biết nhiều
chi tiết về người đàn ông này.
Ông bao nhiêu tuổi, có
gia đình chưa, sống bằng nghề gì?
Chỉ biết là bàn tay phải
của ông bị teo, không duỗi được (c. 6).
Chắc là nó bị co quắp vì
các cơ không hoạt động bình thường.
Như thế sẽ rất khó chịu
và bất lợi để sinh hoạt hàng ngày.
Hơn nữa đây lại là bàn
tay phải, bàn tay chính để làm việc.
Người đàn ông có bàn tay
thương tật đã đến hội đường vào ngày sabát.
Ông đến để nghe giảng dạy
và cầu nguyện như mọi người.
Có vẻ ông chẳng mong gì,
chẳng xin được Đức Giêsu chữa lành,
dù tiếng tăm của Ngài lúc
đó đã lan rộng nhiều nơi (Lc 5, 15).
Thật bất ngờ khi Ngài bảo
ông: “Hãy trỗi dậy và ra đứng giữa đây.”
Ông chẳng biết chuyện gì
sẽ xảy ra cho mình, nhưng đã vâng lời.
Ông đứng ở ngay giữa cho
mọi người thấy.
Sau đó Ngài bảo ông: “Hãy
duỗi bàn tay của anh ra!” (c. 10).
Một lần nữa ông lại vâng
lời.
Ông làm điều mà có lẽ từ
lâu ông không làm được.
Duỗi bàn tay khô héo, co
quắp này, để có thể cầm cái ly, cái chén.
Ước mơ đơn giản ấy nào
ngờ hôm nay được thực hiện.
Ông đã duỗi bàn tay theo
lời Đức Giêsu, và nó đã trở lại bình thường.
Bàn tay như được sống
lại, được phục hồi, mềm mại, dễ bảo.
Cuộc đời ông từ nay sẽ
tươi hơn, có ích hơn, ít phải nhờ vả hơn.
Đức Giêsu đã làm phép lạ
này không phải vì được yêu cầu,
nhưng như một câu trả lời
cho các kinh sư và những người Pharisêu.
Họ rình xem Ngài có chữa
bệnh trong ngày sabát không, để tố cáo Ngài.
bởi lẽ theo họ, ngày
sabát chỉ được chữa những bệnh nguy tử.
Đức Giêsu đã vạch trần âm
mưu này và công khai tỏ thái độ.
Câu hỏi quen thuộc: có
được phép làm điều này vào ngày sabát không?
được thay bằng câu hỏi
mới: ngày sabát được phép làm điều lành hay dữ;
cứu mạng sống hay hủy
hoại mạng sống? (c. 9).
Phép lạ sau đó của Đức Giêsu
chính là câu trả lời (c. 10).
Nhiều khi không làm một
điều tốt, cũng bằng với việc làm một điều xấu,
Không cứu một người vào
giây phút ấy, cũng bằng gián tiếp giết chết họ.
Đức Giêsu đã không coi
ngày sabát như ngày chỉ biết ngồi khoanh tay,
nhưng như ngày để làm
điều tốt, để cứu sự sống con người.
Dù sao Đức Giêsu đã không
hề đụng đến ông có bàn tay bị tật.
Khó lòng bắt lỗi Ngài đã
vi phạm ngày sabát
Ngài chữa cho ông ấy chỉ
bằng một lời mà thôi.
Các Kitô hữu không còn
phải giữ ngày sabát nữa, nhưng giữ Chúa Nhật.
Đây là ngày để chúng ta
làm điều tốt, để chăm lo cho sự sống.
Chữa cho một bàn tay bị
teo tóp được lành, việc này không nhỏ.
Làm cho một con người có
thể sống bằng đôi tay của mình, là chuyện lớn.
Đức Giêsu đã phải trả giá
cho việc chữa bệnh của mình.
Chúng ta cũng phải trả
giá khi dám bảo vệ một sự sống nhỏ nhoi.
Chỉ mong bàn tay tôi
không co lại, nhưng mở ra cho mọi người.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng
thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con
thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do
chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được
tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi
của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên
5 THÁNG CHÍN
Chúng Ta Sẽ Đáp Lại Tiếng Gọi Của Thiên Chúa
Trong sâu thẳm trái tim con người, ơn gọi mặc lấy hình thức một
cuộc đối thoại. Đó là cuộc đối thoại giữa Đức Kitô và cá nhân mỗi người, trong
đó một lời mời gọi riêng tư được nói lên. Đức Kitô gọi đích danh mỗi người,
Ngài nói: “Hãy theo Ta”. Lời mời gọi này – được Đức Kitô nói lên cách nhiệm mầu
bên trong nội tâm con người – sẽ được chúng ta nhận ra rõ ràng nhất trong bầu
khí thinh lặng cầu nguyện. Việc đón nhận tiếng gọi này là một hành vi của đức
tin.
Tiếng gọi vừa là dấu hiệu của tình yêu vừa là lời kêu gọi yêu
thương. Trong trình thuật Tin Mừng về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với người
thanh niên giàu có, Mác-cô kể rằng Đức Giêsu trìu mến nhìn anh ta khi Người
thách đố anh ta bán mọi sự và đi theo Người (cf. Mc 10,21). Tiếng gọi của Chúa
luôn đòi hỏi một sự chọn lựa, một quyết định hoàn toàn tự do về phía chúng ta.
Quyết định thưa “Vâng” trước lời mời gọi của Đức Kitô sẽ kéo
theo với nó rất nhiều hệ quả quan trọng. Chúng ta phải từ bỏ những mối ưu tiên
khác. Chúng ta phải sẵn sàng bỏ những người thân yêu của mình lại sau lưng.
Chúng ta phải bắt đầu tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa bằng cách sống gần gũi
hơn với Đức Kitô.
Lời đáp trả trong tình yêu này đối với tiếng gọi được diễn tả rất
rõ ràng bởi tác giả Thánh Vịnh :
“Con thưa cùng Chúa: ‘Ngài là Chúa con thờ,
ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc? …
Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ …
Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi!” Tv 16,2.5.11)
Ân huệ này yêu cầu sự đáp trả của chúng ta. Chúng ta phải nỗ lực
nhận hiểu mầu nhiệm vốn vượt quá mọi sự hiểu biết song đã được Thiên Chúa mạc
khải cho chúng ta. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta. Chúng ta có sẵn sàng đáp trả tiếng
gọi của Ngài?
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong
Gia Đình
Ngày 05 – 9
1Cr 5, 1-8; Lc 6, 6-11.
Lời Suy niệm: “Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ,
cứu mạng người hay hủy diệt.”
Trước thái độ rình xem của những người Pharisêu và các kinh sự về
việc Chúa Giêsu có chữa người bị khô bại tay trong ngày Sabát và ngay trong hội
đường không. Chúa Giêsu đưa người khô bại tay phải ra trước mặt họ và đám đông
trong hội đường để chất vấn họ: “Cứu mạng người hay là hủy diệt” Bởi họ đang ngồi
trong hội đường mà lại muốn hủy diệt Người, trong lúc đó Người lại đang cứu sống
cánh tay phải của con người đang bị khô bại, để được sống và làm việc tốt hơn.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con biết chọn lựa trong mọi công
việc mình làm, luôn dựa trên đức ái. Để ngày càng được Chúa yêu thương và chữa
lành mọi tật xấu trong đời sống của chúng con.
Mạnh Phương
05 Tháng Chín
Bỏ Mọi Sự
Ðể Theo Chúa
"Bỏ tất cả mọi sự để theo Chúa", lời kêu gọi này của
Chúa Giêsu có thể thực hiện được trong xã hội dư dật ngày nay không? Như một dụ
ngôn trong Phúc Âm, chúng ta hãy lắng nghe câu chuyện sau đây của tiến sĩ
Marcello Candia, người đã dâng cúng tất cả tài sản để xây dựng một bệnh viện giữa
khu rừng già Amazone bên Ba Tây và sinh sống tại đó như một người dân nghèo.
"Khi còn ở bậc trung học, tôi là thành phần của một nhóm trẻ
sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của một cha dòng Phanxico. Chúng tôi thường đi thăm
các gia đình nghèo tại ngoại ô Milano... Sự chú ý đến người nghèo đã làm nảy
sinh ước muốn truyền giáo nơi tôi.
Một hôm thầy Cêciliô, người coi cổng nhà dòng đã nhờ tôi phát thức
ăn cho người nghèo... Trên tường nơi phòng ăn dành cho người nghèo có treo một
tấm hình của cha Daniele Samarate, một vị thừa sai của dòng đã chết vì bệnh cùi
sau một thời gian phục vụ người thổ dân tại một miền ở Ba Tây... Mỗi lần phát
thức ăn cho người nghèo, tôi đều nhận ra hình ảnh đầy đau khổ của ngài. Dần dà,
hình ảnh đó quen thuộc đến nỗi trong bất cứ người nghèo nào, tôi cũng nhận ra
hình ảnh ấy... Từ đó, ước muốn phục vụ những người cùi đã nảy sinh trong
tôi".
Sau khi tốt nghiệp đại học, Macello đã được cha gửi đi công cán
tại nhiều nước nghèo trên thế giới. Trong dịp ghé thăm một vùng nghèo tại
Amazone bên Ba Tây, Macello đã trở về với quyết định bán hết tất cả tài sản và
rút về đây để phục vụ người nghèo. Với tài sản do gia đình để lại, Macello đã
xây cất một bệnh viện với 120 giường và được trang bị với đầy đủ dụng cụ của một
trung tâm y tế đa khoa.
Macello đã giải thích về việc làm của mình như sau: "Người
ta nói với tôi rằng tốt hơn hãy giúp những người nghèo ở xứ sở của mình trước
đã. Tôi xin trả lời rằng điều quan trọng là mỗi người chúng ta biết làm một
chút gì cho những người đang đau khổ, bất cứ họ đang ở đâu... Niềm vui lớn nhất
của tôi là thấy nhiều người, thụ động và cam chịu số phận, đã biết cởi mở".
Sự trưởng thành của Giáo Hội được thể hiện qua ý thức mỗi lúc một
sâu sắc của người giáo dân về vai trò của mình. Ðã qua rồi cái thời mà người ta
cho rằng Giáo Hội là chuyện của các giám mục, linh mục. Ðã qua rồi cái thời mà
người ta cho rằng nên thánh là chuyện của vị giáo hoàng, các giám mục, linh mục
và tu sĩ... Không ai chiếm giữ độc quyền để nên thánh một mình. Nên thánh là ơn
gọi chung cho tất cả mọi người đã chịu Phép Rửa... Do đó, tất cả những lời
khuyên trong Phúc Âm đều có giá trị cho tất cả mọi người theo Chúa Kitô.
"Hãy về bán hết mọi sự, phân phát cho người nghèo khó và trở lại với
Ta". Mệnh lệnh này không chỉ ngỏ với một số thành phần ưu tuyển trong dân
Chúa, nhưng là lệnh truyền cho tất cả mọi người.
Chúng ta không được sống trong một xã hộ dư dật. Nghèo đói là một
sự dữ mà Thiên Chúa không bao giờ muốn cho con người rơi vào. Tuy nhiên, bên cạnh
sự nghèo đói cơm bánh, còn có một sự nghèo đói còn đáng khiếp sợ hơn, đó là:
nghèo đói tình thương... Có biết bao người đang chờ một ít cơm thừa cá cặn từ
bàn ăn của chúng ta? Có biết bao nhiêu người đang mong mỏi một nghĩa cử yêu
thương của chúng ta?
Thế giới cần được biến đổi không chỉ bằng của cải vật chất,
nhưng bằng chính tình thương mà con người biết san sẻ với nhau. Sự san sẻ đó
là: dù sống trong xã hội nào, dù trải qua hoàn cảnh nào, mọi người Kitô chúng
ta đều có thể và phải làm được. Và đó cũng là bí quyết duy nhất để giúp chúng
ta nên thánh.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Thánh Têrêsa thành Calcuta
Thứ Hai, 5 Tháng 9, 2016
Mùa Thường Niên
Lc 6:6-11
1. Lời nguyện
mở đầu
Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con,
Chúa đã cứu chuộc chúng con
và cho chúng con trở thành con cái Chúa trong Đức Kitô.
Xin Ngài hãy đoái nhìn đến chúng con,
xin ban cho chúng con sự tự do đích thực
và cho chúng con phần gia nghiệp mà Chúa đã hứa ban.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Con Chúa,
Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,
Một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
2. Bài Đọc Tin
Mừng – Lc 6:6-11
Vào một ngày Sabbát, Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy.
Khi ấy, ở đó có một người tay hữu bị khô bại. Những Luật Sĩ và Biệt Phái
quan sát xem Người có chữa lành người ấy trong ngày Sabbát không, để có cớ tố
cáo Người. Nhưng Người biết tư tưởng các ông, liền bảo người có tay khô bại
rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy mà đứng ra giữa đây!”
Người đó đứng thẳng dậy.
Đoạn Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng: “Tôi hỏi các ông,
ngày Sabbát được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết chết?” Rồi
đưa mắt nhìn mọi người, Chúa bảo người đó rằng: “Ngươi hãy giơ tay
ra.” Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành.
Bấy giờ, các ông đầy lòng tức giận, và bàn định với nhau xem có
thể làm gì được Chúa Giêsu.
3. Suy Niệm
- Bối cảnh: Đoạn Tin Mừng này thuật lại việc Chúa
Giêsu chữa lành một người có bàn tay bị khô bại. Khác với bối cảnh của
các chương 3 và 4 trong đó Chúa Giêsu chỉ có một mình, tại nơi này Người được
vây quanh bởi các môn đệ và những người phụ nữ đi theo cùng với Người. Vì
vậy, ở đây chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn di chuyển. Trong giai đoạn đầu của
cuộc hành trình này, người đọc tìm thấy những cách khác nhau của việc lắng nghe
Lời Chúa Giêsu của những kẻ đi theo Người và một cách khẳng định, nó có thể được
tóm tắt trong hai kinh nghiệm, lần lượt gợi nhớ lại, hai loại tiếp cận:
việc đến với Chúa của ông Phêrô (Lc 5:1-11) và việc đến với Chúa của viên đại đội
trưởng (Lc 7:1-10). Người đầu tiên gặp gỡ Chúa Giêsu, người mà Chúa mời
ông ta đi làm ngư phủ lưới người sau khi đã lưới được một mẻ cá kỳ diệu; người ấy
sau đó đã quỳ lạy dưới chân Chúa Giêsu mà nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa
con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5:8). Người thứ hai không có bất kỳ sự
giao thiệp nào với Chúa Giêsu: ông ta đã nghe người ta đồn rất nhiều về Đức
Giêsu và ông đã sai người làm của mình đi đến xin Chúa cứu sống cho một người
nô lệ của ông đang hấp hối; ông ta van xin điều không phải cho chính mình, mà
là cho một người ông ta yêu quý. Hình ảnh ông Phêrô biểu lộ thái độ của
người nhận ra mình là kẻ tội lỗi, đã đặt tất cả mọi hoạt động của mình dưới sự
hướng dẫn của Lời Chúa Giêsu. Viên đại đội trưởng, cho thấy mối lo âu của
ông ta dối với người giúp việc, học biết cách lắng nghe Thiên Chúa. Vâng,
giữa những hành trình hoặc thái độ này đặc trưng cho hành trình di chuyển của
Chúa Giêsu, được xếp đặt để chữa lành cho người có bàn tay bị khô bại. Sự
kiện phép lạ này diễn ra trong bối cảnh của cuộc tranh luận hoặc bàn cãi:
việc bứt lúa ăn trong ngày Sabbát và hành động chữa bệnh vào ngày Thứ Bảy, nói
đúng hơn là chữa lành bàn tay bị khô bại. Giữa hai cuộc tranh luận có vai
trò nồng cốt được thủ diễn bởi Lời của Chúa Giêsu: “Con Người làm chủ
ngày Sabbát” (Lc 6:5). Tiếp tục với đoạn Tin Mừng này chúng ta tự hỏi rằng
bàn tay bị khô bại này có ý nghĩa gì? Đó là biểu tượng của sự cứu rỗi của
loài người đã được nói đến từ thuở ban đầu, đó là thuở tạo thiên lập địa.
Lúc đó, bàn tay phải tượng trưng cho sự làm việc của loài người. Sau đó
Chúa Giêsu trả lại cho ngày này, Thứ Bảy trong tuần, ý nghĩa sâu xa nhất:
ngày của vui mừng, của sự phục hồi và không phải của sự giới hạn. Điều mà
Chúa Giêsu cho thấy rằng Thứ Bảy là ngày thuộc Đấng Thiên Sai và không phải là
ngày thuộc luật lệ: việc chữa lành mà Người làm là dấu chỉ của thời gian
của Đấng Thiên Sai, của sự phục hồi, giải phóng loài người.
- Sự năng động của phép lạ. Thánh Luca kể lại trước mặt
Chúa Giêsu là một người đàn ông có bàn tay bị teo lại, bị khô bại. Không
ai màng đến việc xin chữa lành cho anh ta và càng ít chú ý đến anh ta
hơn. Và điều ấy rất thông thường, bệnh tật không chỉ là vấn đề cá nhân và
hậu quả tác động của nó ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng. Nhưng trong câu
chuyện của chúng ta, chúng ta không có vấn đề về khía cạnh bệnh tật mà là về việc
nó được làm vào ngày Thứ Bảy. Chúa Giêsu bị chỉ trích bởi vì Người đã chữa
lành vào ngày Thứ Bảy. Trong thực tế, sự khác biệt với người Biệt Phái
là: vào ngày Thứ Bảy họ không hành động dựa trên căn bản của giới răn về tình
yêu là bản chất của Lề Luật Chúa. Sau khi bảo người bệnh ra đứng giữa đám
đông, Chúa Giêsu đặt một câu hỏi dứt khoát rằng: “Tôi hỏi các ông, ngày
Sabbát được phép làm sự lành hay sự dữ?” Không gian cho câu trả lời thì
thật là hạn hẹp: “Chữa trị hay không chữa trị, hay nói đúng hơn là, cứu sống
hay giết chết (câu 9). Chúng ta hãy tưởng tượng ra sự bối rối của người
Biệt Phái: nó loại trừ việc dữ được phép làm vào ngày Thứ Bảy hoặc là đưa
loài người đến sự nguyền rủa và nói chi là chữa bệnh bởi vì sự giúp đỡ chỉ được
cho phép trong trường hợp tối cần thiết mà thôi. Người Biệt Phái cảm thấy
bị khiêu khích và điều này tạo nên sự tức giận trong họ. Nhưng điều hiển
nhiên rằng, ý định của Chúa Giêsu trong việc chữa bệnh vào ngày Thứ Bảy vì lợi
ích của người ta và hơn hết cả, vì lợi ích của người bệnh. Động lực tình
yêu này mời gọi chúng ta suy gẫm về cách hành xử của chúng ta và thấy rằng Chúa
Giêsu là Đấng Cứu Độ. Chúa Giêsu không chỉ lo lắng chữa bệnh cho người
đau yếu mà cũng còn lo lắng đến việc chữa lành cho kẻ thù của mình: chữa
lành họ khỏi thái độ méo mó trong việc chấp hành Lề Luật; việc tuân giữ ngày Thứ
Bảy mà không giúp cho người lân cận mình thoát khỏi khổ đau và bệnh tật của họ
thì không phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Theo Tác Giả Tin Mừng, ngày
Thứ Bảy được dành để làm việc phúc đức, để cứu chuộc, như Chúa Giêsu đã làm
trong đời sống nơi trần thế của Người.
4. Một
vài câu hỏi riêng
- Bạn có cảm thấy đã tham dự vào trong lời của Chúa Giêsu
chưa: bạn đã dấn thân trong đời sống phục vụ như thế nào? Bạn có biết
cách tạo ra các điều kiện cần thiết để cho những người khác có thể sống tốt đẹp
hơn không?
- Bạn có biết cách đặt trọng tâm sự chú ý và sự dấn thân của
mình vào mọi người và tất cả các nhu cầu của họ không?
5. Cầu nguyện:
Những người trú ẩn bên Chúa,
Ước chi họ đều được hỷ hoan
và reo vui mãi tới muôn đời!
Chúa bảo vệ những người mến yêu Danh Thánh,
nhờ Ngài, họ phấn khởi mừng vui.
(Tv 5:11)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét