22/01/2017
Chúa Nhật tuần 3 thường niên năm A
(phần I)
Bài Ðọc I: Is 9, 1-4
(Hr 8, 23b - 9, 3)
"Tại Galilêa
các dân tộc và dân chúng thấy một ánh sáng vĩ đại".
Trích sách Tiên tri
Isaia.
Lúc đầu, đất Giabulon
và Nephthali rất hèn hạ, trong tương lai dần dần trở thành đường biển, bên kia
sông Giođan trở thành Galilêa các dân tộc. Dân chúng đi trong tối tăm đã thấy một
ánh sáng vĩ đại, và một ánh sáng đã chiếu soi trên dân ở vùng bóng sự chết. Người
đã gia tăng dân số, đã ban một nguồn vui lớn; thiên hạ hân hoan trước mặt Người,
như hân hoan khi được mùa, nhảy mừng như khi phân chia chiến lợi phẩm. Vì ách
đã đè trên họ, đòn ngang nằm trên vai họ, và gậy của kẻ lạm thu họ, Người đã bẻ
gẫy tất cả như trong ngày Mađian.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14
Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).
Xướng: 1) Chúa là sự
sáng, là Ðấng cứu độ; tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì
ai? - Ðáp.
2) Có một điều tôi xin
Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi,
hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người. - Ðáp.
3) Tôi tin rằng tôi sẽ
được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy
sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Cr 1,
10-13. 17
"Tất cả anh em
hãy đồng tâm hợp ý với nhau, và giữa anh em, đừng có chia rẽ".
Trích thư thứ nhất của
Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, nhân
danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi xin anh em tất cả hãy đồng tâm hiệp ý với
nhau, giữa anh em đừng có chia rẽ; hãy đoàn kết chặt chẽ trong cùng một thần
khí và cùng một tâm tình. Anh em thân mến, tôi đã được các người nhà Khloê cho
hay rằng: giữa anh em đang có những sự bất đồng. Tôi có ý nói điều này, là mỗi
người trong anh em nói: "Tôi, tôi thuộc về Phaolô; - "Tôi về phe
Apollô"; - "Còn tôi, tôi về phe Kêpha"; - "Và tôi thuộc về
phe Chúa Kitô". Chúa Kitô bị phân chia rồi sao? Có phải Phaolô đã chịu
đóng đinh vì anh em đâu? Hay là nhân danh Phaolô mà anh em chịu phép rửa? Ðức
Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là đi rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời
nói khôn khéo, kẻo thập giá của Ðức Kitô ra hư không.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 4, 23
Alleluia, alleluia! -
Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền
trong dân. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 4, 12-23 (bài dài)
"Người vào
Capharnaum để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã tiên báo".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, nghe tin Gioan
bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên
hải, thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã
phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: "Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường
dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối
tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng
sự chết".
Từ bấy giờ, Chúa Giêsu
bắt đầu rao giảng và nói: "Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!"
Nhân lúc Chúa Giêsu đi
dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và
Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo
hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những
ngư phủ lưới người ta". Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði xa
hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và
Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai
ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.
Và Chúa Giêsu đi rảo
quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước
trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài vắn này: Mt 4, 12-17
"Người vào
Capharnaum để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã tiên báo".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, nghe tin Gioan
bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên
hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã
phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: "Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường
dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối
tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong
bóng sự chết". Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: "Hãy
hối cải, vì nước trời đã gần đến".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Chúa Giêsu
rao giảng tin mừng nước trời
Ðức Yêsu Kitô đã được
Chúa Cha sai đến để thực hiện sứ mạng của Người Tôi Tớ, như Chúa nhật trước đã
nói. Hôm nay ta thấy Người ra đi làm tròn sứ mạng ấy. Người kêu gọi các môn đệ;
Người cứu độ mọi người; Người thực hiện các lời Isaia tiên báo. Nhưng chúng ta
đã biết hưởng các ơn của Người mang đến chưa? Ðó là những suy nghĩ của chúng ta
trong Chúa nhật hôm nay.
A. Sứ Mạng Tiên Báo
Bài Tiên tri Isaia mở
đầu bằng một câu đầy phấn khởi, nối dài niềm hân hoan của mùa Giáng sinh. Tác
giả viết: cũng như thời đầu làm suy đốn đất Zabulon và Neptali, thì thời sau sẽ
làm rạng vinh. Tiên tri loan báo cho chúng ta biết: thời Ðấng Cứu Thế sẽ đổi mới
hẳn mặt đất này; trước sự suy đồi, mọi nơi sẽ trở nên rạng vinh. Ông không nói
đến những thay đổi vật chất. Ông trực tiếp đi vào cơ sở của hạnh phúc con người:
Dân đi trong tối tăm sẽ nhìn thấy một ánh sáng lớn. Thiên hạ sẽ hân hoan như
trong mùa gặt hái, như trong buổi thắng trận. Vì mọi ách nô lệ, mọi sức đàn áp
sẽ bị đập tan.
Isaia chỉ biết gợi lên
như thế. Ông chẳng hiểu rồi Ðấng Cứu Thế sẽ làm thế nào. Ông suy nghĩ: con người
hiện nay đang lầm than khổ sở, như tối tăm mặt mũi. Hạnh phúc sẽ đến, khi có một
ánh sáng lớn dọi xuống cho họ, để họ biết ngẩng đầu vươn lên khỏi những gì đang
đè họ xuống. Ơn cứu độ vì thế là ơn giải thoát, giải thoát con người để họ được
tự do, phấn khởi, sáng suốt xây dựng lại cuộc đời, khiến mặt đất trước kia suy
đồi, sau này sẽ rạng vinh. Thế nên sứ mạng của Ðấng Cứu Thế trước tiên nhằm con
người, đổi mới nội tâm họ, để chính họ sẽ cải tạo vạn vật.
Thánh Matthêô đã hiểu
bài Isaia như vậy nên đã đưa lời tiên tri đó vào phần đầu của bài Tin Mừng hôm
nay để giới thiệu công việc của Ðức Yêsu Kitô, khi Người xuất hiện ra đi hoạt động.
Chúng ta hãy xem Người thực hiện sứ mạng như thế nào.
B. Sứ Mạng Thực Hiện
Thánh Matthêô viết: bấy
giờ Chúa Yêsu bỏ thành Nagiarét, đến ở miền Neptali và Zabulon để làm trọn lời
tiên tri Isaia. Nghĩa là Người sẽ làm cho mảnh đất suy đốn ấy trở nên rạng
vinh.
Chúng ta biết, Thánh
Kinh luôn luôn có cái nhìn đạo đức. Khi dùng chữ "suy đốn" nói đến một
vùng đất, Thánh Kinh muốn hiểu về phương diện tôn giáo và nhân đức. Mà quả thực,
con đường biển bên kia sông Yordan nổi tiếng là "Galilê các dân ngoại",
tức là vùng đông dân ngoại và đời sống ở đó phô trương màu sắc dân ngoại hơn ở
những nơi khác trong dân Chúa. Ðức Kitô đã đến đó, nơi tiêu biểu cho thế gian
còn sống xa Thiên Chúa. Người phải biến nó nên rạng vinh. Mà ở trong Kinh
Thánh, một nơi được rạng vinh, một người được rạng vinh, là khi chính ánh sáng
của Chúa đến chiếu soi. Ðức Kitô là ánh sáng muôn dân đến đất suy đốn để chiếu
soi bằng sự hiện diện của Người.
Nhưng không phải tự
nhiên mà người ta có thể nhận ra ánh sáng của Chúa. Như trên đã nói, người ta
còn đi trong tăm tối và đang còn tối tăm mặt mũi, Chúa có lên tiếng gọi, người
ta mới biết ngẩng mặt lên. Vì thế, Người đã lên tiếng. Người đã kêu gọi: Hãy thống
hối tội lỗi vì Nước Trời đã gần đến!
Người tiếp tục đi xa
hơn nữa, không những gọi chung mọi người, mà còn gọi riêng một số người. Họ
cũng đang cặm cụi với công việc thường ngày. Người muốn nâng họ lên, bỏ nghề
chài lưới cá đi chài lưới người. Quả thật, những ai đi theo Người đều đã được
thăng tiến, không phải vì đời sống vật chất đã được khá hơn; ngược lại đau khổ
sẽ chờ họ; nhưng tâm hồn họ được nâng cao, đời sống họ mang thêm nhiều ý nghĩa;
chính họ thấy được hạnh phúc và họ sẽ hiến thân đi chia sẻ Tin Mừng cho mọi người.
Họ theo Người đi khắp
xứ Galilê, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, chữa lành một số bệnh nhân để làm chứng
rồi đây không còn khổ đau trong Dân Chúa nữa, khi mà Tin Mừng cứu độ thật sự đã
chiếm hữu toàn vẹn tâm hồn con người, đến nỗi khổ đau chỉ có mặt ở mặt ngoài và
rất tạm thời. Mầm mống hạnh phúc đã được cắm sâu trong tâm trí. Với thời gian,
đôi tay con người sẽ làm ra một thế giới mới...
Nhiều người có thể
hoài nghi, 2,000 năm đã qua mà công cuộc của Chúa Cứu Thế chưa đi đến đâu.
Không kể bộ mặt bề ngoài của trái đất nhưng kể cả bộ mặt tinh thần của xã hội
loài người: tất cả dường như nói lên điều này, sứ mạng mà Ðức Kitô thực hiện
chưa đem lại nhiều kết quả. Chúng ta có nên dốc hết niềm tin vào sứ mạng ấy
không?
C. Sứ Mạng Tồn Tại
Gạt bỏ vấn nạn trên thật
là vô lý; nhưng đầu hàng nó lại càng không phải. Biết đâu chúng ta chẳng quá bất
công? 2,000 năm nay cũng đã thay đổi nhiều lắm chứ! Và nhịp tiến bộ mỗi ngày
càng nhanh. Nói rằng sứ điệp của Ðức Kitô, sứ mạng của các môn đệ của Người
không có công gì trong việc cải tiến xã hội, không biết có phải là bất công
không? Và nhất là trong vấn đề cải tiến con người, ai có thể phủ nhận phần đóng
góp của Kitô giáo.
Tuy nhiên chúng ta
không nên bàn cãi những chuyện như vậy. Vấn nạn hoài nghi sứ mạng của Ðức Kitô
phải chăng không phát xuất từ một não trạng "muốn ăn sẵn", muốn thấy
sứ mạng đó đã thực hiện hết rồi, để chúng ta chỉ còn việc thừa hưởng?
Chẳng bao giờ có thể
như vậy! Con người được sinh ra để làm chủ và làm chủ tập thể. Thiên Chúa luôn
chỉ hứa hạnh phúc cho toàn dân, và hạnh phúc cho mỗi người như là một tham dự.
Thế mà bài thư Phaolô hôm nay nói, những người theo Chúa vừa nhận được đức tin,
đã mau chia rẽ trầm trọng. Họ không còn thấy tất cả phải ở trong một cơ thể của
Ðức Kitô nữa và phải tham gia vào cùng sứ mạng với Người. Họ xé lẻ, đánh mảnh,
đề cao ý tưởng này, gièm pha cố gắng kia. Họ đã chia rẽ trong đức tin, thì còn
xung khắc nhau biết bao trong đời sống thực tế! Họ mất sự đoàn kết chặt chẽ
trong cùng một Thần trí và cùng một tâm tình. Họ quên sứ mạng của Ðức Kitô và
không còn nhất trí tiếp nối xây dựng sứ mạng ấy.
Thế thì tình trạng còn
suy đốn hiện nay của mặt đất ta đang ở, lỗi tại chính những người con Chúa. Họ
phải thống hối trở lại vì Nước Trời đã gần đến. Ðúng hơn, họ phải cải tạo để Nước
Trời có thể đến được. Thay vì mỗi người xiêu bạt đi theo các dục vọng riêng của
mình như các con chiên lạc, tất cả phải biết nghe tiếng Chúa Chiên, chạy lại với
Người, chia sẻ của ăn Người ban phát cho, là sự sống và tình yêu của Người, để
ăn vào rồi mọi người sẽ thao thức như Chúa, tiếp tục sứ mạng Người đã khởi sự:
cải tạo tâm hồn, thay đổi đời sống, xây dựng cuộc đời tự do hạnh phúc chung cho
mọi người.
Ðó chính là việc Người
muốn làm mỗi khi hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. Nơi đây Người kêu gọi chúng
ta bỏ ý riêng, kết hợp với Người nên một thân thể và thân thể ấy sẽ đem thịt
máu xả thân cho mọi người, để ai nấy được hạnh phúc cả hồn lẫn xác. Một viễn tượng
như vậy cho ta thấy: sứ mạng đổi mới con người và đời sống, mặc dầu đã được
loan báo từ ngàn xưa và đã được Ðức Kitô thực hiện, nhưng còn tồn tại để mọi
người chúng ta tham gia. Và như thế cũng chỉ để nâng cao con người và đời sống
của mỗi người tham dự.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 3 Thường Niên, Năm A
Bài đọc: Isa
8:23-9:3; 1 Cor 1:1, 10-13, 17; Mt 4:12-23.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy
để ánh sáng chân lý của Thiên Chúa chiếu soi cuộc đời.
Có một sự khác biệt to
lớn giữa người biết và người không biết, người bước đi trong ánh sáng và người
ngồi trong bóng tối. Người sống trong ánh sáng biết mình đi đâu, họ luôn vững
tin, sống an vui và lạc quan hy vọng trong mọi trạng huống của cuộc đời. Người
ngồi trong bóng tối không biết mình sống để làm gì, lúc nào họ cũng sợ hãi, lo
âu, bi quan và chán nản cuộc đời.
Điều khác biệt không
đơn giản chỉ liên quan tới ánh sáng và bóng tối, nhưng nó còn quyết liệt hơn,
vì nó liên quan tới sự sống và sự chết đời đời. Để được giải thoát khỏi bóng tối,
con người cần tiếp nhận ánh sáng chân lý của Thiên Chúa chiếu soi, họ cần tin
tưởng vào Đức Kitô và thực hành những gì Ngài truyền dạy.
Các bài đọc hôm nay tập
trung trong chủ đề Thiên Chúa đã làm mọi cách để đưa con người ra khỏi bóng tối
tội lỗi bằng cách cho con người nguồn sáng đích thực là Đức Kitô. Ngài cũng chọn
và huấn luyện con người để họ cũng được cộng tác với Ngài trong sứ vụ mang Đức
Kitô đến cho mọi người.
Trong bài đọc I, ngôn
sứ Isaiah đã nhìn thấy và loan báo trước ngày mà mọi người ở mọi
nơi đều được ánh sáng chân lý của Thiên Chúa chiếu soi tới, điển hình là hai
vùng đất của Dân Ngoại, Zebulun và Naphthali. Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhắc
nhở cho các tín hữu Corintô biết không phải khi họ đã trở thành tín hữu là họ hết
tối tăm và luôn sống trong ánh sáng. Nếu các tín hữu vẫn còn luyến tiếc các lợi
nhuận cá nhân để rồi sống theo óc bè đảng của thế gian, họ không sống theo ánh
sáng của Thiên Chúa soi dẫn và họ đang tự hủy cuộc sống của chính họ và của cộng
đoàn. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chọn vùng tả ngạn của Hồ Galilee, tức là vùng đất
Zebulun và Naphthali mà ngôn sứ Isaiah đã loan báo trong bài đọc I, để làm nơi
bắt đầu sứ vụ rao giảng của Ngài. Chúa Giêsu cũng gọi 4 môn đệ đầu tiên và họ
đã mau chóng đáp trả bằng cách bỏ mọi sự đi theo Chúa, để được Ngài huấn luyện
và cho tham dự vào sứ vụ mang ánh sáng đến cho mọi người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự khác biệt giữa ánh sáng và bóng tối
Zebulun và Naphthali
là hai chi tộc của Do-thái nằm về phía tả ngạn của sông Jordan, và là biên giới
giữa Syria và Do-thái. Chi tộc Dan không chịu nổi áp suất của vùng biên giới,
nên sau này đã di chuyển về biên giới giữa hai miền Bắc và Nam của Do-thái. Nằm
ở vùng biên giới luôn bị đe dọa bởi thảm họa chiến tranh và chết chóc. Vào thời
của ngôn sứ Isaiah, vương quốc miền Bắc, dĩ nhiên bao gồm hai chi tộc Zebulun
và Naphthali, rơi vào tay đế quốc Assyria, mau chóng tiếp nhận mọi bóng tối tội
lỗi của họ, và trở thành miền đất của Dân Ngoại. Ngôn sứ Isaiah được Thiên Chúa
cho nhìn thấy ngày mà hai chi tộc này sẽ được nhìn thấy ánh sáng của Đấng Thiên
Sai chiếu soi. Trình thuật hôm nay muốn nhấn mạnh đến sự tương phản về hiệu quả
của ánh sáng và bóng tối.
1.1/ Ánh sáng giải thoát
con người: Khi ánh sáng của Thiên Chúa chiếu
soi vào vùng đất tối tăm này, con người sẽ nhìn thấy tất cả bóng tối đang bao
phủ quanh họ: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng;
đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” Hiệu
quả rõ rệt nhất của ánh sáng là niềm vui. Ánh sáng mang lại niềm vui cho tất cả
những người được chiếu soi. Ngôn sứ Isaiah dùng hai hình ảnh mà không ai trong
vùng đất này xa lạ với là mùa gặt và ngày thắng trận. “Chúa đã ban chứa chan niềm
hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng
vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm.”
1.2/ Bóng tối giam giữ
con người như những nô lệ: Dân chúng sống
trong hai vùng của Dân Ngoại này chắc chắn phải chịu nhiều thiệt thòi. Về
phương diện tôn giáo, họ sống rất xa Đền Thờ, nên dễ bị ảnh hưởng của các tôn
giáo của người Assyria. Về phương diện chính trị, họ bị điều khiển bởi các đế
quốc, bị bắt làm nô lệ, và luôn bị đe dọa bởi chiến tranh. Những trận chiến khốc
liệt nhất của lịch sử Do-thái đều nằm trong vùng này.
Ngôn sứ Isaiah nhìn thấy
trước ngày Thiên Chúa sẽ giải thoát dân chúng khỏi các thế lực
chính trị: “Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của
kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Median.”
2/ Bài đọc II: Biết Đức Kitô là phải sống theo những gì Ngài dạy.
Corintô là một hải cảng
phồn thịnh của người Hy-lạp. Đời sống của dân chúng tuy dễ chịu về phương diện
kinh tế, nhưng bị đe dọa bởi nhiều thứ tội của các nơi mang tới. Dân chúng
Corintô dễ mở lòng để đón tiếp những cái hay của tứ phương thiên hạ, nhưng ít
khi chịu gạn lọc ra khỏi họ những thói xấu. Thánh Phaolô tuy thành công về
phương diện mang ánh sáng của Đức Kitô tới cho họ, nhưng ngài gặp nhiều khó
khăn trong việc điều khiển cộng đoàn. Chúng ta chỉ cần đọc hai thư Corintô là
biết rõ các vấn đề ngài phải đương đầu với.
Thánh Phaolô nhắc nhở
các tín hữu Corintô: Không phải cứ trở thành tín hữu là mọi sự đều tốt đẹp;
nhưng người tín hữu phải đoạn tuyệt với tội lỗi, và làm mọi cách để thực thi những
lời Đức Kitô dạy bảo. Trong trình thuật hôm nay, điều thánh Phaolô muốn nhấn mạnh
là đời sống yêu thương và hiệp nhất trong cộng đoàn.
2.1/ Hiệp nhất là sống
theo những lời dạy bảo của Đức Kitô: Sau phần
chào hỏi đầu thư, Ngài đi thẳng vào vấn đề của dân thành: “Thưa anh em, nhân
danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với
nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống
hoà thuận, một lòng một ý với nhau.”
Theo thánh Phaolô, căn
bản của đời sống Kitô hữu là đức bác ái, và người tín hữu phải làm mọi cách để
phát triển nhân đức này (1 Cor 13). Không thể có hiệp nhất nếu không có yêu
thương. Chúa Giêsu cũng đã từng nhắn nhủ các môn đệ: “Người ta cứ dấu này mà nhận
biết chúng con là môn đệ của Thầy là chúng con yêu thương nhau.”
2.2/ Chia rẽ bè phái là vẫn
còn ở trong bóng tối và làm nô lệ cho tội lỗi: Thánh
Phaolô cho biết nguyên do của sự chia rẽ trong cộng đoàn: “Thật vậy, thưa anh
em, người nhà của bà Chloe cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em. Tôi
muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: "Tôi thuộc về ông Phaolô,
tôi thuộc về ông Apollo, tôi thuộc về ông Kepha, tôi thuộc về Đức Kitô."
Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh
vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phaolô sao?”
Điều thánh Phaolô muốn
nhấn mạnh là các tín hữu hãy chú ý đến tình yêu của Đức Kitô biểu lộ qua cái chết
của Ngài trên Thập Giá, chứ đừng tìm uy quyền, danh vọng, hay lợi lộc cá nhân để
rồi chia năm xẻ bảy thân thể của Đức Kitô.
Lợi lộc cá nhân thường
là lý do chính nhưng ẩn sâu trong bóng tối, thúc đẩy con người kéo bè phái và
chống lại chân lý, chống lại những người lãnh đạo muốn cho họ bắt chước Đức
Kitô. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải sửa sai kịp thời; nếu không, họ sẽ tự
phân tán, và dần dần, họ sẽ từ bỏ luôn Đức Kitô, là nguyên do hạnh phúc cho cuộc
đời của họ.
3/ Phúc Âm: Phải có thái độ dứt khoát đi theo nguồn sáng là Đức Kitô
khi Ngài đến.
3.1/ Đức Kitô làm trọn lời
ngôn sứ Isaiah: “Khi Đức Giêsu nghe tin ông
Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilee. Rồi Người bỏ Nazareth, đến ở
Capernaum, một thành ven biển hồ Galilee, thuộc địa hạt Zebulun và Naphthali, để
ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaiah nói: Này đất Zebulun, và đất Naphthali, hỡi con
đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Jordan, hỡi Galilee, miền đất của dân ngoại!
Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ
đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.”
Có thể nói toàn bộ cuộc
đời thơ ấu, các phép lạ và sứ vụ rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu tập trung
trong hai vùng đất này: Nazareth, Cana, Capernaum... Hầu hết các tông đồ của
Chúa Giêsu đều là người địa phương của hai vùng này, Bethsaida là quê hương của
4 môn đệ đầu tiên, rất gần với Capernaum.
3.2/ Chúa Giêsu mời gọi 4
môn đệ đầu tiên đi theo Ngài:
(1) Ngài mời gọi các
ông hướng tới sứ vụ cao trọng hơn: mang ánh sáng chân lý của Thiên Chúa và ơn cứu
độ đến cho con người. Thoạt nghe trình thuật của Matthew, chúng ta có thể thắc
mắc: Làm sao 4 môn đệ đầu tiên này có thể đáp trả lời mời gọi của Chúa Giêsu
cách dứt khoát và nhanh chóng như thế? Bốn ông đều chắc chắn đã có cơ hội nghe
Chúa Giêsu rao giảng trong hội đường Capernaum và chung quanh vùng Biển Hồ
Galilee, đã chứng kiến các phép lạ Ngài làm, đã nghe dân chúng bàn tán về
Ngài... Tất cả những điều này làm các ông phải suy nghĩ nhiều đêm, để rồi hôm
nay, khi Ngài chính thức mời gọi: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho
các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá;" các ông mới có thể bỏ mọi
sự đi theo Ngài.
(2) Các môn đệ phải dứt
khoát đáp trả: Tuy thế, phản ứng dứt khoát của các tông đồ cũng làm cho chúng
ta phải kinh ngạc. Nghề nghiệp không dễ bỏ vì nó liên quan đến vần đề sinh sống.
Các ông chắc cũng thắc mắc: “Bỏ nghề rồi làm gì ăn?” Bỏ cha già ở lại trên thuyền
với lưới rách còn khó hơn. Ơn sinh thành phải đền trả. Giờ đã đến lúc người cha
già yếu phải sống nương tựa vào sức mạnh của con, thế mà hai người con khỏe mạnh
đành lòng để cha già ở lại để bước theo Đức Kitô! Hơn nữa, chắc họ cũng phải
nhìn lại con người mình và tự hỏi: Làm sao một dân thuyền chài có thể mang ánh
sáng chân lý tới cho con người? Chính họ cần được ánh sáng chân lý chiếu soi
trước hết.
Các ông có can đảm bước
đi theo tiếng gọi của Chúa Giêsu vì các ông được soi sáng để nhận ra đâu là điều
quan trọng trong cuộc đời. Các ông đi theo Chúa Giêsu vì các ông nhận ra có những
điều trong cuộc đời cao trọng hơn là nghề nghiệp và sự đáp trả công ơn sinh
thành bằng việc giúp đỡ phần xác. Chúa Giêsu phải có những điều có thể lấp đầy
những nỗi khao khát trong tâm hồn các ông. Các ông thấy dân chúng lũ lượt và
nhiệt thành đến với Chúa Giêsu để nghe Ngài dạy dỗ và chữa lành. Các ông cảm thấy
hãnh diện được trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, và việc tham gia vào sứ vụ cứu
độ của Chúa phải là điều đáng ao ước hơn cả.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Nếu không có ánh
sáng của Thiên Chúa chiếu soi, chúng ta sẽ không thể nhận ra những tối tăm đang
bao phủ cuộc đời chúng ta.
- Chúng ta không chỉ cần
nhìn thấy ánh sáng thôi, mà còn phải sống theo ánh sáng chỉ dẫn. Hãy mở tung
con người để ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi mọi tăm tối trong con người.
- Chúng ta đừng sợ sẽ
bị mất những gì đang có; nhưng hãy mạnh dạn và dứt khoát theo Đức Kitô để Ngài
đổi mới và dẫn đưa chúng ta đến những chân trời hy vọng mà chúng ta chưa bao giờ
dám nghĩ tới.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
22/01/17 CHÚA NHẬT TUẦN 3 TN – A
Mt 4,12-23
HÃY THẮP SÁNG LÊN
“Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh
sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng tối của tử thần, nay được ánh
sáng bừng lên chiếu rọi.” (Mt 4,16)
Suy niệm: Trên đời có nhiều thứ
ánh sáng: ánh sáng mặt trời, ánh sáng đèn điện, ánh sáng văn minh... Tất cả
những ánh sáng đó chỉ giúp ta nhìn rõ sự vật, chứ không thể soi sáng giúp ta
nhìn ra “người khác” là “anh em.” Và nhất là, nhân loại vẫn còn thiếu một thứ
ánh sáng đủ mạnh để đẩy lùi “bóng tối tử thần,” bóng tối kích động hận thù,
gieo rắc sự chết. Ánh sáng ấy được tìm thấy nơi các sách Tin Mừng, chiếu rọi
suốt dọc dài lịch sử Giáo hội: ánh sáng giúp người Sa-ma-ri nhân hậu cúi xuống
băng bó vết thương cho kẻ bị bọn cướp đánh dở sống dở chết nằm bên đường (Lc
10,25-37); ánh sáng bừng lên giúp Mác-ti-nô thành Tu-ri-nô, giữa tiết trời mùa
đông giá lạnh, chia đôi áo choàng cho người ăn xin co ro bên đường... Ánh sáng
từ ngọn lửa ấy đã được Đức Ki-tô mang xuống từ trời, Ngài ước mong phải chi
ngọn lửa ấy bừng lên (Lc 12,49).
Mời Bạn: “Thà thắp lên một ngọn
nến, còn hơn là nguyền rủa bóng đêm” (E. Roosevelt) Phải chăng vì bạn chưa
làm gì tích cực để đẩy lùi bóng tối nên nó vẫn còn giúp cho tham nhũng, bóc lột
hoành hành, vẫn còn bao che cho lường gạt, trộm cắp, vẫn còn đồng lõa với nạn
giết người, phá thai... Phải chăng vì ngọn đèn Ki-tô hữu chúng ta đã “hết dầu”
nên bóng tối lan tràn như thế?
Sống Lời Chúa: Làm một hành động tích
cực để phản ứng lại những gì là bóng tối tội lỗi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô là Ánh
Sáng đích thực. Xin cho chúng con kiên vững trong ánh sáng của Chúa, để đẩy lùi
mọi thứ bóng tối ra xa chúng con.
GALILÊ, VÙNG DÂN NGOẠI (22.1.2017 – Chúa nhật 3 Thường niên, Năm A)
Hoán cải là để Đức Giêsu kéo vào một chuyển động, là quay lại, là bỏ con đường mình đã quen từ lâu, để đi cùng chiều với Chúa và ngược chiều với cái tôi ích kỷ.
Suy niệm:
Khi Gioan bị bắt, Ðức Giêsu đã lánh qua
Galilê.
Galilê là vùng ven, ít nguy hiểm cho Ngài.
Dân cư ở đây phần đông là dân ngoại.
Người Do thái ở đây bị coi là những kẻ sống bên lề Dân Chúa.
Nhưng Galilê lại là nguyên quán của Ngôi Lời làm người,
và là nơi Ðức Giêsu chọn để bắt đầu thi hành sứ vụ.
Từ Galilê, Ngài sẽ sai môn đệ đi khắp thế gian (Mt 28,19).
Ðức Giêsu rời bỏ Nadarét, để đến cư ngụ tại Caphácnaum.
Caphácnaum là địa bàn hoạt động được Ngài ưa thích.
Có lúc nó được gọi là thành của Ngài (9,1), dù bất xứng (11,23).
Galilê, Nadarét, Caphácnaum chẳng có chút tiếng tăm (Ga 1,46),
nhưng Ðức Giêsu vẫn là một ngôn sứ xuất thân từ đó (Mt 21,11).
Dân cư ở đây phần đông là dân ngoại.
Người Do thái ở đây bị coi là những kẻ sống bên lề Dân Chúa.
Nhưng Galilê lại là nguyên quán của Ngôi Lời làm người,
và là nơi Ðức Giêsu chọn để bắt đầu thi hành sứ vụ.
Từ Galilê, Ngài sẽ sai môn đệ đi khắp thế gian (Mt 28,19).
Ðức Giêsu rời bỏ Nadarét, để đến cư ngụ tại Caphácnaum.
Caphácnaum là địa bàn hoạt động được Ngài ưa thích.
Có lúc nó được gọi là thành của Ngài (9,1), dù bất xứng (11,23).
Galilê, Nadarét, Caphácnaum chẳng có chút tiếng tăm (Ga 1,46),
nhưng Ðức Giêsu vẫn là một ngôn sứ xuất thân từ đó (Mt 21,11).
Hãy ngắm nhìn Ðức Giêsu trên những nẻo
đường.
Ngài rút về Galilê, Ngài đến Caphácnaum, đi
dọc theo bờ biển.
Khắp miền Galilê in dấu chân của Ngài (Mt 4,23),
Ngài không vào hoang địa như Gioan, rồi gọi người ta đến.
Ngài đích thân đến với con người ngay giữa đời thường.
Ngài cứ đi không nghỉ, không đóng đô ở một chỗ.
Nhu cầu quá lớn không cho phép Ngài dừng lại (Mc 1,38).
Ðức Giêsu chuyển động và kéo người ta chuyển động theo Ngài.
Những người đầu tiên là các ngư phủ mà Ngài quen biết.
Tuy là những người ít học, không giàu có hay địa vị,
nhưng đối với Ngài, họ có đủ tố chất cần thiết
để trở nên những người cộng sự của Ngài.
Sự kiên trì khi thả lưới giúp họ biết nhẫn nại chờ đợi.
Sự hòa đồng giúp họ chấp nhận nhau và làm việc chung.
Sự can đảm trước sóng gió giúp họ đối diện với nghịch cảnh.
Khả năng nhận ra khi nào và chỗ nào nên thả lưới
sẽ giúp họ khám phá những vùng truyền giáo màu mỡ.
Khắp miền Galilê in dấu chân của Ngài (Mt 4,23),
Ngài không vào hoang địa như Gioan, rồi gọi người ta đến.
Ngài đích thân đến với con người ngay giữa đời thường.
Ngài cứ đi không nghỉ, không đóng đô ở một chỗ.
Nhu cầu quá lớn không cho phép Ngài dừng lại (Mc 1,38).
Ðức Giêsu chuyển động và kéo người ta chuyển động theo Ngài.
Những người đầu tiên là các ngư phủ mà Ngài quen biết.
Tuy là những người ít học, không giàu có hay địa vị,
nhưng đối với Ngài, họ có đủ tố chất cần thiết
để trở nên những người cộng sự của Ngài.
Sự kiên trì khi thả lưới giúp họ biết nhẫn nại chờ đợi.
Sự hòa đồng giúp họ chấp nhận nhau và làm việc chung.
Sự can đảm trước sóng gió giúp họ đối diện với nghịch cảnh.
Khả năng nhận ra khi nào và chỗ nào nên thả lưới
sẽ giúp họ khám phá những vùng truyền giáo màu mỡ.
“Các anh hãy theo Tôi”: một lời mời gọi lên
đường.
Hãy gắn bó với Tôi và chia sẻ thao thức của
Tôi.
Ðể lên đường cần bỏ lại cái êm ấm được phép,
êm ấm bên gia đình, bên vợ con như Phêrô,
êm ấm bên khoang thuyền, cạnh người cha đang vá lưới.
Theo Chúa là chấp nhận ra khơi
hay đúng hơn là chấp nhận lên bờ,
bóc mình ra khỏi khung cảnh sống quen thuộc.
Chấp nhận bấp bênh, không nhà cửa, không nghề nghiệp,
là để có thể đi đến mọi nhà, gặp mọi người,
và tận tụy cho sứ mệnh loan báo Nước Thiên Chúa.
Ðể lên đường cần bỏ lại cái êm ấm được phép,
êm ấm bên gia đình, bên vợ con như Phêrô,
êm ấm bên khoang thuyền, cạnh người cha đang vá lưới.
Theo Chúa là chấp nhận ra khơi
hay đúng hơn là chấp nhận lên bờ,
bóc mình ra khỏi khung cảnh sống quen thuộc.
Chấp nhận bấp bênh, không nhà cửa, không nghề nghiệp,
là để có thể đi đến mọi nhà, gặp mọi người,
và tận tụy cho sứ mệnh loan báo Nước Thiên Chúa.
Ðức Giêsu đã đi rao giảng Tin Mừng về Nước
Trời gần bên.
Ðể đón lấy quà tặng đó, cần sám hối, hoán
cải.
Hoán cải là để Ngài kéo vào một chuyển động,
là quay lại, là bỏ con đường mình đã quen từ lâu,
để đi cùng chiều với Chúa và ngược chiều với cái tôi ích kỷ.
Ðức Giêsu gieo rắc niềm vui khắp nơi.
Niềm vui cho người nghe, niềm vui cho người khỏi bệnh.
Bước chân không mỏi, lời nói thiết tha, trái tim gần gũi…
Hôm nay Hội Thánh vẫn sống giữa những Galilê dân ngoại.
Chúng ta có đủ niềm vui để làm Galilê bừng sáng không?
Hoán cải là để Ngài kéo vào một chuyển động,
là quay lại, là bỏ con đường mình đã quen từ lâu,
để đi cùng chiều với Chúa và ngược chiều với cái tôi ích kỷ.
Ðức Giêsu gieo rắc niềm vui khắp nơi.
Niềm vui cho người nghe, niềm vui cho người khỏi bệnh.
Bước chân không mỏi, lời nói thiết tha, trái tim gần gũi…
Hôm nay Hội Thánh vẫn sống giữa những Galilê dân ngoại.
Chúng ta có đủ niềm vui để làm Galilê bừng sáng không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
các sách Tin Mừng chẳng
khi nào nói Chúa cười,
nhưng chúng con tin Chúa
vẫn cười
khi thấy các trẻ em quấn
quýt bên Chúa.
Chúa vẫn cười khi hồn
nhiên ăn uống với các tội nhân.
Chúa đã cố giấu nụ cười
trước hai môn đệ Emmau
khi Chúa giả vờ muốn đi
xa hơn nữa.
Nụ cười của Chúa đi đôi
với Tin Mừng Chúa giảng.
Nụ cười ấy hòa với niềm
vui
của người được lành bệnh.
Lạy Chúa Giêsu,
có những niềm vui
Chúa muốn trao cho chúng
con hôm nay,
có sự bình an sâu lắng
Chúa muốn để lại.
Xin dạy chúng con biết
tươi cười,
cả khi cuộc đời chẳng mỉm
cười với chúng con.
Xin cho chúng con biết
mến yêu cuộc sống,
dù không phải tất cả đều
màu hồng.
Chúng con luôn có lý do
để lo âu và chán nản,
nhưng xin đừng để nụ cười
tắt trên môi chúng con.
Ước gì chúng con cảm thấy
hạnh phúc,
vì biết mình được Thiên
Chúa yêu thương
và được sai đi thông
truyền tình thương ấy. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
22 THÁNG GIÊNG
Tin Mừng Lao Động
Lao động, đó trước hết
là một ơn gọi của con người. Lao động là dấu hiệu cho thấy bản tính của con người:
những hữu thể có lý trí! Mỗi người đều được ban cho trí tuệ và ý chí. Con người
được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa – và được mời gọi làm chủ mọi tạo vật.
Để đáp trả tiếng gọi
này, chúng ta có mẫu gương tuyệt hảo là Đức Giêsu. Người đã lao động suốt ba
mươi năm hàn vi ở thị trấn nghèo Na-da-rét, với Thánh Giu-se, trong nghề thợ mộc.
Ba mươi năm âm thầm
này – và cái nghề rất đỗi khiêm hạ này trong cuộc đời của Đức Giêsu – có chất
chứa một sứ điệp nào đó gọi mời chúng ta học hỏi. Ba mươi năm ấy, có thể nói,
là trường đào tạo chàng trai Giê-su: càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan, và
càng dồi dào ân sủng. Con Thiên Chúa – là Con Người – đã đảm nhận lấy lao động,
một loại lao động cơ bản, là chính tiếng gọi mà Thiên Chúa đã ủy trao cho con
người ngay từ thuở ban sơ.
Ngôi nhà Na-da-rét ấy
và xưởng mộc đơn sơ ấy của Thánh Giu-se và chàng trai Giêsu là trọng tâm và là
tiêu điểm của Tin Mừng Lao Động. Mẫu gương lao động này muốn nhắc nhở chúng ta
rằng điều thật sự đáng cho ta chú ý không phải là loại công việc được làm nhưng
là chính những con người làm việc. Tiêu điểm ấy sẽ cho phép chúng ta nhận thức
rõ hơn về giá trị nhân bản và siêu nhiên của lao động.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 22-1
Chúa Nhật III Thường
Niên
Is 8,23b-9,3; 1Cr
1,10-13.17; Mt 4,12-23.
Lời suy niệm: “Khi Đức
Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. Rồi Người bỏ
Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển Hồ Galilê.”
Khi Chúa Giêsu khởi đầu
sứ vụ của Người, Người đã dứt khoát rời bỏ Nadarét, và Người cũng lánh xa những
gì có thể làm phương hại đến việc loan báo sứ điệp của Người. Điều này giúp cho
mỗi người trong chúng ta phải biết khôn ngoan, khi mang trên mình một sứ mạng
mà Chúa đã giao phó, không nên đương đầu với sự dữ khi không cần thiết để có thể
bảo đảm cho việc chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho mỗi một người trong chúng con được ơn khôn ngoan biết dứt khoát khi chọn lựa
nơi chốn và việc làm theo lời Chúa mời gọi.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 22-01: Thánh
VINHSƠN
Phó Tế Tử Đạo (...
304)
Thánh Vinhsơn sinh tại
Huesca nước Tây Ban Nha. Từ nhỏ, thánh nhân đã theo giúp Thánh giám mục Valêriô
và được Ngài dạy dỗ cho cả về giáo lý lẫn văn hóa. Lớn lên, Ngài còn được đức
giám mục phong chức phó tế để có thể làm việc đắc lực hơn.
Trong cuộc bách hại của
Dacianô, đức giám mục giáo phận Saragossa và vị phó tế của Ngài bị bắt trước hết.
Xiềng các Ngài lại, Dacianô tống các Ngài vào ngục. Nhưng khi mở ngục ra, ông
đã ngạc nhiên khi thấy các Ngài vẫn tươi tỉnh mạnh khỏe. Sau khi dụ dỗ lẫn đe dọa
đủ cách mà không lay chuyển nổi đức tin của vị giám mục già nua với vị phó tế của
Ngài. Daciano liền phân cách hai người ra. Cuộc tra tấn dã man phó tế Vinhsơn bắt
đầu. Người ta căng Ngài ra trên giường rồi thi nhau đánh đòn cho tới khi da thịt
rách nát và máu phun ra lai láng. Dầu vậy thánh nhân vẫn tươi tỉnh, thỉnh thoảng
còn khích lệ lý hình nữa. Tức giận, Dacianô truyền lấy móc sắt nung đỏ để xé thịt
Ngài. Chính bọn lý hình cũng phải rùng mình đối với hình phạt.
Cuối cùng, để cho tội
nhân chết dần, ông truyền ném thánh nhân vào ngục tối đầy miểng chai bể. Dầu vậy
thánh nhân vẫn sống. Tương truyền rằng: khi Ngài bị sa thải vào ngục thì ngục
thất bỗng sáng trưng. Quân canh hoảng sợ chạy trốn, chỉ có viên cai ngục tò mò ở
lại coi và được ơn đức tin. Thân xác đau đớn rã rời, nhưng từ trong ngục thất,
Ngài vẫn không ngớt hát ca vịnh chúc tụng Chúa.
Cuối cùng, bạn bè
thánh nhân được phép tới thăm. Họ dọn cho Ngài một cái giường nệm. Nhưng khi vừa
dặt thánh nhân lên giường thì Ngài tắt thở.
Người ta kể rằng, cho
tới nỗi đó mà Dacianô vẫn còn giận dữ. Ong hành hạ xác chết cho hả giận. Trước
hết, ông truyền vứt xác thánh nhân vào hoang địa cho chim trời xâu xé. Nhưng một
con quạ khổng lồ đã đến canh xác không cho con vật nào tới gần. Dacianô cố gắng
lần chót bằng cách cột đá để dìm xác thánh nhân xuống biển cho cá rỉa. Nhưng
sóng biển lại đánh dạt túi dựng xác Ngài vào bờ và tại nơi này người ta đã xây
cất một thánh đường dâng kính thánh nhân.
(daminhvn.net)
22 Tháng Giêng
Người Hành Khất Quảng Ðại
Bangladesh là một
trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Dĩ nhiên, trong một nước nghèo,
thì hành khất vẫn là nghề thịnh hành nhât. Một nhà truyền giáo đã thuật lại một
trường hợp hành khất lạ lùng như sau:
Sau một ngày làm việc
nặng nhọc, một người đàn ông nọ đi về nhà mình không ngoài một phương tiện nào
khác hơn là đôi chân. Người đàn ông dừng lại dưới một bóng cây và thiếp ngủ.
Dáng vẻ của ông tiều tụy đến độ người qua lại lầm ông với một người hành khất.
Không ai bảo ai, kẻ qua người lại đều dừng lại và bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng
xu nhỏ. Không mấy chốc, chiếc mũ cũ kỹ đầy tiền.
Vừa thức giấc, người
đàn ông ngạc nhiên trước sự quảng đại của khách qua đường. Oâng đếm từng đồng
xu nhỏ: số tiền còn lớn hơn cả một ngày công của ông. Người đàn ông mỉm cười về
nghề hành khất bất đắc dĩ của mình. Chợt nhìn thấy xung quanh mình có nhiều người
hành khất đui mù tàn tật, người đàn ông lặng lẽ đi đến từng người và chia đều
cho họ số tiền ông đã thu được và tiếp tục đoạn đường còn lại.
Adam Smith, kinh tế
gia nổi tiếng của Tô Cách Lan vào thế kỷ thứ 18 đã nói một câu mà K.Marx đã lập
lại trong một tác phẩm của ông. Câu nói đó là: "Một nước giàu có là một nước
trong đó có nhiều người nghèo". Câu định nghĩa về sự phồn thịnh ấy vừa nói
lên sự nghèo đói về mặt tinh thần mà những người sống trong một nước giàu có thể
cảm nghiệm được, nó cũng nói lên những bất công xã hội mà những người nghèo
trong một nước giàu phải gánh chịu.
Bần cùng thường sinh
ra đạo tặc. Những nước nghèo là những nước có nhiều tệ đoan xã hội. Tuy nhiên,
cũng chính trong cảnh nghèo ấy, người ta thường gặp được nhiều tấm lòng vàng. Cảnh
nghèo có thể đưa con người đến chỗ giành giật xâu xé, nhưng cũng có thể khiến
cho con người dễ cảm thông với người khác và san sẻ quảng đại hơn. Nhưng dĩ
nhiên, chỉ có ai có tinh thần khó nghèo đích thực mới hiểu được giá trị của cảnh
nghèo và sự thôi thúc của lòng quảng đại. "Phúc cho những ai có tinh thần
nghèo khó". Chúa Giêsu để lại cho chúng ta điều khoản cơ bản ấy của Hiến
Chương Nước Trời. Có khó nghèo thực sự, con người mới cân lường được sự chóng
qua của tiền của vật chất. Có khó nghèo thực sự, con người mới có thể mở mắt để
nhìn thấy cảnh nghèo xung quanh. Có khó nghèo thực sự, con người mới dễ cảm
thông và mở rộng quả tim và lòng bàn tay để trao ban.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét