Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

19-02-2017 : (phần II) CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN năm A

19/02/2017
Chúa Nhật tuần 7 thường niên năm A
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 7 Thường niên năm A
CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN A
(Lv19,1-2.17-18; 1Cr 3,16-23; Mt 5,38-48)
Chủ đề: YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
“Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi?” (Mt 5,46)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Chủ đề của bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay trình bày cho chúng ta một trong những mạc khải hết sức quan trọng của Tân ước, đó là yêu thương kẻ thù. Tình yêu này, theo cách thế nhân loại, có vẻ như là điều bất khả thi. Bài Tin Mừng được chuẩn bị bằng một đoạn sách Lêvi trong bài đọc thứ nhất nói về tình yêu đối với người thân cận. Trong bài đọc 2 chúng ta có thể nhận thấy một chút liên quan đến hai bài đọc kia khi bàn về sự điên rồ cần thiết của người Kitô hữu, nghĩa là ai muốn khôn ngoan thật theo cách thế Tin Mừng phải trở nên kẻ điên rồ.
1. Bài đọc 1
Quả thật, những gì chứa đựng trong lời nói của Chúa Giêsu hôm nay đã được Thiên Chúa mạc khải trong Cựu ước, nhưng ở cách thế chưa được minh nhiên. Chính Ngài đã khẳng trong sách Lêvi ở bài đọc 1: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, là Đấng Thánh” (Lv 19,2). Còn Đức Giêsu hôm nay cũng nói: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
Sự hoàn hảo của Cha trên trời là sự hoàn hảo của tình yêu. Ngay Cựu ước cũng đã hướng người Do thái theo nghĩa này, vì đã mời gọi họ không được ghét bỏ người anh em mình. Nếu có cớ nào đó gây ra mâu thuẫn với người anh em, thay vì nuôi dưỡng lòng ghen ghét, thì phải quở trách cách công khai, để cho mọi sự được tỏ tường, và như thế làm tan biến đi sự hờn giận trong lòng.
Cựu ước cũng nghiêm cấm việc trả thù hay nuôi dưỡng lòng thù oán, và đòi buộc phải yêu mến người thân cận: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19, 18). Như thế, ta thấy trong Cựu ước đã có một định hướng khuyên bảo người ta hướng về lòng yêu thương. Tuy nhiên, định hướng này vẫn còn trong giới hạn, bởi vì vẫn đang bàn về mối tương quan của những người cùng dân tộc mình: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi” (Lv 19,17).
2. Bài Tin Mừng
Nếu nhãn quang của Cựu ước khi bàn về tình yêu đồng loại chỉ giới hạn ở một mức độ nào đó, thì ta thấy viễn cảnh của lời dạy của Chúa Giêsu lại trải rộng và thâm sâu, bởi vì không chỉ bàn về những con cái trong dân Israen, mà còn cả kẻ thù thuộc mọi nguồn gốc và chủng tộc.
Chúa Giêsu nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt 5,43). Đây là một thái độ thuộc về bản năng con người, trong đó không có chỗ cho lòng bao dung. Chúa Giêsu lại muốn chúng ta mở rộng trái tim nhân hậu của mình khi nói: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).
Bên cạnh đó, Ngài cũng thay giới luật cũ “mắt đền mắt, răng đền răng” bằng một quy tắc ứng xử khác: “nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,39). Giới luật cũ đưa ra một định lượng cho việc trả thù, và theo nghĩa này nó đã tạo nên một sự nhân đôi bạo lực. Xu hướng tự nhiên con người muốn đáp trả một bạo lực này bằng một bạo lực khác, và được xem là một quy tắc ứng xử chính đáng. Tuy nhiên Chúa Giêsu đã bác bỏ hoàn toàn bạo lực. Sự công bình được Tin Mừng rao giảng lại là một đòi hỏi cao trọng hơn, đó là chấp nhận mình là đối tượng của sự bất công thay vì trả thù nhau.
Làm sao chúng ta giải thích đòi hỏi phải yêu thương không chỉ những ai yêu mình, mà còn cả những kẻ thù, và cầu nguyện cho những người ngược đãi chúng ta? Rõ ràng là ở đây Chúa Giêsu đòi chúng ta trở thành những người phục vụ cho tình yêu và từ bỏ những quyền hạn của chúng ta khi chúng có thể cản trở hay gây nguy hại cho sự tiến triển của tình yêu thương. Và như thế chúng ta phải yêu thương kẻ thù, ngõ hầu họ có thể trở thành bạn hữu của chúng ta, và đây có thể gọi là chiến thắng của tình yêu. Chúng ta phải luôn tìm kiếm chiến thắng này dù nó luôn đòi hỏi chúng ta rất nhiều những hy sinh và mất mát. Nếu không, chúng ta sẽ có nguy cơ sống trong sự ích kỷ hay trong tình trạng tầm thường tâm linh, không xứng hợp với niềm mong ước của Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, và Ngài muốn đổ vào trong tâm hồn chúng ta tình yêu đầy khoan dung của Ngài.
3. Bài đọc 2
Lý do sâu xa của những lời dạy của Chúa Giêsu về sự thánh thiện và yêu thương của con người với nhau hệ tại ở phẩm giá của con người, vốn được Thiên Chúa đã yêu thương chọn làm nghĩa tử, làm con cái của cùng một Cha trên trời nhờ Đức Giêsu Kitô. Bởi thế mà thánh Phaolô trong bài đọc 2 đã quả quyết: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 1,17). Và kết thúc bài đọc ta còn nghe thánh Phaolô nói tiếp: “tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1Cr 3,23).
Lời dạy “hãy yêu thương kẻ thù” của Chúa Giêsu chắc chắn được người đời xem là một sự điên rồ, nhưng theo thánh Phaolô, đó là một sự khôn ngoan thật của Tin Mừng: “Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật” (1Cr 3,18-19). Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa; mặt khác, sự khôn ngoan của Thiên Chúa thì cao vời vợi hơn sự khôn ngoan của thế gian này.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Tôi có cảm nghiệm được Chúa đang yêu thương tôi, nâng đỡ tôi trong cuộc đời này, ngay cả trong những lần tôi vấp ngã không?
2. Bước ra từ tòa giải tội, tôi có chú ý đến biết bao người đang xếp hàng dài chờ đợi để được Chúa thứ tha như tôi?
3. Lời Chúa dạy tôi hôm nay, là hãy thánh thiện, hãy yêu thương hết mọi người và không oán ghét một ai. Tôi có lắng nghe và muốn đáp lại lời mời gọi này của Ngài không? Tôi phải làm gì?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Cha rất nhân từ đã cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Tin tưởng vào tình thương bao la của Thiên Chúa và với khát khao được nên trọn lành như Người, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:
1. Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Hãy làm lành cho những kẻ ghét các con.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho Hội Thánh đang phải đối diện với cáo buộc của những kẻ chống đối, để Hội Thánh luôn trung thành với giáo huấn của Thầy chí thánh hầu trở nên dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa giữa thế giới hôm nay.
2. Hận thù và bạo lực là kẻ thù của hòa bình thế giới. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc trên thế giới biết vượt qua những khác biệt về sắc tộc hay tôn giáo, dùng con đường đối thoại và hòa giải để giải quyết những tranh chấp bất đồng, sẵn sàng liên đới hợp tác nhằm phát triển và nâng cao đời sống con người.
3. “Hãy cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các kitô hữu đang gặp khó khăn vì bị kỳ thị hay bách hại được thêm sức mạnh để đứng vững trước thử thách, luôn nêu cao tinh thần Tin Mừng, biết chinh phục những ai làm khổ mình bằng lối sống yêu thương tha thứ.
4. “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các gia đình và từng người trong cộng đoàn chúng ta luôn nỗ lực nên thánh bằng việc chuyên chăm học hỏi và sống lời Chúa, siêng năng lãnh nhận các bí tích, và tích cực thực thi bác ái trong cuộc sống.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin nhận lời chúng con chân thành cầu nguyện và ban ơn trợ giúp, để chúng con luôn xứng đáng là khí cụ bình an của Chúa giữa thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
www.tgpsaigon.net

SCĐ CHÚA NHỰT VII TN A
CHỦ ĐỀ :
SỐNG BẰNG YÊU THƯƠNG

"Hãy yêu thương kẻ thù" (Mt 5,44)
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I : "Ngươi hãy yêu mến đồng loại ngươi như chính mình ngươi".
- Đáp ca : "Chúa là Đấng thương xót và nhân ái".
- Tin Mừng : "Hãy yêu thương thù địch"
Minh họa
- Mille images 121 B
- "Hãy yêu thương kẻ thù" (Mt 5,44)
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Ở đời này, và cả ở đời sau, không có gì quan trọng cho bằng tình yêu. Hạnh phúc chính là yêu và được yêu lại. Nhưng chắc gì chúng ta đã hiểu đúng về tình yêu. Trong Thánh Lễ này, Lời Chúa sẽ dạy chúng ta điều quan trọng đó. Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta hiểu và thực thi yêu thương trong cuộc sống chúng ta.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Chúng ta yêu thương một số người, nhưng đồng thời cũng ghét bỏ nhiều người khác.
- Chúng ta muốn người ta yêu thương mình, nhưng mình lại không yêu thương người khác.
- Đặc biệt chúng ta nuôi dưỡng lòng ganh ghét, hận thù, là điều hoàn toàn đi ngược lại lời dạy của Chúa.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Lv 19,1-2.17-18) :
Sách Lêvi là một bộ sưu tập những khoản luật rất cổ xưa, trong đó các chương từ 17 đến 25 (đoạn được trích đọc hôm nay nằm trong phần này) được gọi là "Bộ luật về sự thánh thiện".
Vấn đề căn bản được đặt ra trong bộ luật này là : Thiên Chúa là thánh, con người là tội lỗi. Vậy làm thế nào con người tội lỗi như chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa thánh thiện được ?
Câu trả lời tuy rất đơn giản nhưng lại rất sâu sắc : Hãy sống yêu thương như chính Thiên Chúa đã yêu thương. Sách Lêvi diễn tả cuộc sống yêu thương theo hai phương diện :
- Phương diện tiêu cực là "Ngươi sẽ không thù ghét anh em ngươi… Ngươi sẽ không báo oán, không cưu thù với con cái dân ngươi".
- Phương diện tích cực là "Ngươi hãy yêu mến đồng loại ngươi như chính mình ngươi".
Chúng ta hãy chú ý : đối tượng của lòng yêu thương là "anh em ngươi, con cái dân ngươi, đồng loại ngươi". Những kiểu nói đó đều chỉ về dân Israel. Điều này có nghĩa là lòng yêu thương trong Cựu Ước còn giới hạn nơi những người Israel với nhau.
2. Đáp ca (Tv 102) :
Thánh vịnh này ca tụng tình thương của Thiên Chúa, thể hiện qua những nét : ban ân huệ, tha thứ, cứu chữa, chuộc mạng, thương xót và nhân ái. Ngài yêu thương loài người như Cha thương con cái.
3. Tin Mừng (Mt 5,38-48) :
Đức Giêsu đã nói ở phần đầu bài giảng trên núi là giáo huấn của Ngài hoàn thiện Luật cũ. Trong bài đọc I, chúng ta đã thấy Luật về sự thánh dạy phải yêu thương, nhưng lòng yêu thương ấy chỉ giới hạn trong những người Israel với nhau. Còn trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy phải mở rộng yêu thương đến kẻ thù nữa.
- Theo tinh thần Cựu Ước, người ta có quyền trả đũa "Mắt đền mắt, răng thế răng". Còn theo giáo huấn của Đức Giêsu thì đừng trả đũa nhưng hãy nhường nhịn.
- Theo tinh thần Cựu Ước, người ta chỉ yêu thương người đồng bào. Còn theo giáo huấn của Đức Giêsu thì hãy yêu thương thù địch và lấy ơn để báo oán.
Lý do của lòng yêu thương bao la ấy là chúng ta phải noi gương Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên trời, "Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên người công chính lẫn kẻ bất lương".
Như thế, giáo huấn về yêu thương của Đức Giêsu thể hiện đúng nguyên tắc mà Luật về sự thánh trong sách Lêvi đã đề ra : "Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh".
4. Bài đọc II (1 Cr 3,16-23) (Chủ đề phụ) :
Ôn lại những đoạn được trích đọc các Chúa nhựt trước : Tín hữu Côrintô tự hào mình khôn ngoan nên chia rẽ nhau, nhóm thì theo Phaolô, nhóm khác theo Apollô, nhóm khác nữa theo Kêpha (tức Phêrô).
Thánh Phaolô nói cho họ biết rằng tất cả là Đền thờ của Thiên Chúa, một thể thống nhất liên kết với nhau. Do đó họ không nên dựa vào sự khôn ngoan để kình chống nhau, làm hại đến tính thống nhất của giáo đoàn.
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Thế nào là thánh ?
Trong các bài đọc hôm nay, chúng ta nghe được hai lời kêu gọi nên thánh như Thiên Chúa : "Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh" (bài đọc I) ; "Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành" (Bài Tin Mừng).
Thánh là thế nào ?
Người ta thường hình dung vị thánh là một người khổ hạnh, xa lánh thế gian, chuyên chăm đọc kinh cầu nguyện… Vì hình dung như thế, người ta ngưỡng mộ các vị thánh nhưng không thích làm thánh.
Bài đọc I và bài Tin Mừng hôm nay hình dung vị thánh một cách rất dễ thương, dễ thích : Thánh là người cố gắng giống Chúa. Mà vì Chúa là tình yêu cho nên thánh là người sống yêu thương, chẳng những yêu thương những người thân cận với mình, mà còn yêu thương cả những kẻ thù ghét mình.
Một vị thánh như thế, ai mà không thích ? Hình ảnh một vị thánh như thế, ai mà không muốn trở thành ? Và những người thánh như thế, xã hội nào mà không cần đến ?
2. "Mắt đền mắt, răng thế răng"
Toàn văn của khoản luật trả đũa được ghi trong sách Xuất hành (Xh 21,24) như sau : "Mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, phỏng đền phỏng, bầm đền bầm, sưng đền sưng". Mục đích của khoản luật này là tuy cho phép trả đũa nhưng giới hạn sự trả đũa đúng mức bị gây hại : kẻ thù làm mình hư một mắt, mình có thể trả đũa làm cho nó hư lại một mắt (không được hai) ; nó đánh mình bầm, mình có thể đánh nó bầm lại (không được hơn)…
Một điều đáng buồn là ngay trong thời đại Tân Ước này, nhiều người chẳng những chưa giữ được giới hạn tối thiểu của luật Cựu Ước mà còn tệ hơn thế nhiều. Họ sống theo luật "Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại". Hãy nhìn tình hình xung đột bên Trung Đông giữa Palestine và Israel : một người của bên này bị bắn tỉa chết là liền sau đó một làng của bên kia bị máy bay bên này ném bom. Trên bình diện nhỏ hơn : hai đứa trẻ đánh nhau kéo theo hai gia đình xung đột với nhau ; khi hai người cãi nhau, người này chửi một câu thì người kia đáp lại ba câu ; người này nói "Cha mầy" thì người kia đáp lại "Tổ tiên sư mầy"…
Làm thế nào để chấm dứt xung đột ? Cách giải quyết "Mắt đền mắt răng đền răng" rất khó dừng lại ở giới hạn hợp lý mà thường có khuynh hướng leo thang trả đũa. Còn nếu giải quyết bằng cách "Hòn đất ném đi hòn chì ném lại" thì xung đột càng leo thang nhanh hơn.
Đến đây chúng ta mới thấy giáo huấn của Đức Giêsu rất khôn ngoan. Xung đột chỉ chấm dứt được khi một bên chịu nhường nhịn. Nhường nhịn không có nghĩa là mình yếu, mình thua, nhưng là mình đang cố gắng nên thánh như Thiên Chúa ở trên trời là Đấng thánh.
3. Yêu thương kẻ thù không phải là thiện cảm, mà là thiện chí
Martin Luther King là một mục sư da đen, người đã đấu tranh để người da đen không còn bị người da trắng ngược đãi. Ông có một cách hiểu rất dễ chấp nhận về lời Chúa Giêsu dạy "Hãy yêu thương kẻ thù", như sau :
"Trong Tân Ước, chúng ta thấy từ Agapè được dùng để chỉ tình yêu. Đó chính là tình yêu dồi dào không đòi một đáp trả nào hết. Các nhà thần học nói đó là tình yêu Thiên Chúa được thực hiện nới tâm hồn con người. Khi vươn lên một đỉnh tình yêu như vậy, chúng ta sẽ yêu hết mọi người, không phải vì chúng ta có thiện cảm với họ, cũng không phải vì chúng ta đánh giá cao lối sống của họ. Chúng ta yêu thương họ vì Thiên Chúa yêu thương họ. Đó chính là ý nghĩa lời Đức Giêsu dạy "Anh em hãy yêu thương kẻ thù". Phần tôi, tôi sung sướng vì Ngài đã không nói "Anh em hãy có thiện cảm với kẻ thù của anh em" bởi vì có những người mà tôi khó có thiện cảm nổi. Thiện cảm là một xúc cảm. Tôi không thể có xúc cảm với người đã ném bom vào gia đình tôi. Tôi không thể có thiện cảm với người bóc lột tôi. Tôi không thể có thiện cảm với người đè bẹp tôi dưới sự bất công. Không, không thể có một thiện cảm nào đối với người đêm ngày đe dọa giết tôi. Nhưng Đức Giêsu nhắc tôi rằng tình yêu còn lớn hơn thiện cảm, rằng tình yêu là thiện chí biết cảm thông, có tính sáng tạo, cứu độ đối với hết mọi người" (Trích bởi Fiches dominuicales, Năm A, trang 201)
4. Mảnh suy tư
- Khi đọc lịch sử người ta rất buồn, không phải buồn vì những tội ác mà những kẻ ác đã phạm, cho bằng vì những sự trừng phạt mà người lành phải gánh chịu ; và một cộng đoàn trở nên hung ác không phải do những tội ác thỉnh thoảng xảy ra cho bằng do thói quen xử dụng hình phạt. (Oscar Wilde)
- Tha thứ giống như cái gì ? Giống như mùi hương mà bông hoa tỏa ra khi nó bị giẫm nát.
5. Lời cầu nguyện cuối ngày
Lạy Chúa
mỗi ngày khi chúng con đi ngủ là đi vào một cái chết nho nhỏ
để chịu một cuộc phán xét nho nhỏ về một ngày vừa qua.
Ước gì khi đó từng điều lầm lỗi của chúng con đều đã được tha thứ,
và từng điều không thánh thiện của chúng con đều đã được thánh hóa.
Xin đừng để còn một điều gì đi theo chúng con vào giấc ngủ mà chưa được tha thứ và thánh hóa.
Có như thế chúng con mới luôn sẵn sàng cho cuộc tái sinh vào cõi đời đời,
chúng con dám nhìn về phía trước với ánh mắt chan chứa tình yêu và hy vọng
và có thể đứng vững trước mặt Chúa là Đấng vừa là quan tòa vừa là Đấng cứu độ chúng con, một quan tòa thánh thiện và một đấng cứu độ yêu thương. (Đức Giám Mục Appleton)
6. Chuyện minh hoạ
a/ Trả thù
            Một thanh niên trong làng bị lăng mạ cách thậm tệ. Anh vội vàng đến mục sư kể cho ông nghe và muốn đi trả thù ngay.
- Tốt hơn, con nên về nhà.
- Nhưng con bị nhục mạ.
- Vậy thì con càng nên về nhà ngay lúc này. Sự nhục mạ cũng giống như bùn.
- Đúng thế. Con sẽ làm sạch nó.
- Này con, có một điều con có thể học hỏi tốt ngay bây giờ và sau này : Bùn được gạt sạch dễ dàng khi nó khô.
b/ Tiêu diệt kẻ thù
            Một hoàng đế Trung hoa tuyên bố sẽ tiêu diệt hết các kẻ thù. Nhưng ít lâu sau, thần dân thấy nhà vua đi lại, ăn uống với kẻ thù trước kia.
            - Chẳng phải ngài đã từng nói là sẽ tiêu diệt hết kẻ thù ?
            - Đúng, ta đã tiêu diệt hết kẻ thù, vì ta đã biến họ thành bạn bè của ta.
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Chúng ta hãy cầu xin Chúa dùng tình yêu Đức Kitô mà thiêu đốt lòng chúng ta. Và chúng ta hãy dâng lên Chúa những lời cầu xin tha thiết sau đây :
1- Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho Hội Thánh luôn luôn dùng tiếng nói tình thương để giới thiệu Đức Kitô là Đấng Thiên sai, là Người Tôi Tớ đau khổ và là Con Thiên Chúa.
2- Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho ánh sáng Chúa Kitô được chiếu tỏa trên mọi dân tộc và mang ơn cứu độ đến cho mọi người.
3- Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi kitô hữu đã lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần, luôn luôn theo sự hướng dẫn của Ngài mà bền tâm theo tiếng gọi trọn lành của Chúa.
4- Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho việc tham dự Thánh lễ Chúa nhật hôm nay trở nên nguồn mạch tình thương và ơn cứu độ cho tất cả mọi người trong xứ đạo chúng ta.
CT : Lạy Chúa, Ngài hằng ban phát mọi ơn lành. Xin nghe lời chúng con khẩn nguyện mà soi dẫn cho biết những gì là ngay chính, và giúp cho đủ sức thi hành những việc ấy. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
VI. TRONG THÁNH LỄ
- Trước kinh Lạy Cha : Hôm nay, khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta hãy đặc biệt lưu ý câu "Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".
- Chúc bình an : Chúng ta hãy chúc bình an cho nhau trong tâm tình thực sự yêu thương và tha thứ.
VII. GIẢI TÁN
Anh chị em sắp trở lại với cuộc sống, một cuộc sống nhiều va chạm, xung khắc. Hãy cố gắng thực thi điều Chúa Giêsu đã dạy : "Các con hãy yêu thương thù địch các con".
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật VII Thường Niên (A)

Chúa Nhật, 19 Tháng 2, 2017


…Nhưng Thầy bảo các con:  Hãy yêu thương kẻ thù địch
Mt 5:38-48

1.  Lời nguyện mở đầu
  
Lạy Chúa, xin hãy ngự đến,
Nguyện xin cho hơi thở Chúa thổi như làn gió xuân
làm cho đời sống nở hoa
và mở rộng chờ đón tình yêu;
hay hãy để cho trở nên như cơn bão với sức mạnh vô song
và dấy lên những năng lượng tiềm ẩn.

Nguyện xin cho hơi thở Chúa thổi vào đôi mắt chúng con                 
để mở chúng ra đến những chân trời xa và rộng lớn hơn,
được vẽ bởi bàn tay Chúa Cha.

Nguyện xin cho hơi thở Chúa lướt qua trên những khuôn mặt buồn thảm của chúng con
để cho nụ cười được phục hồi;
xin Chúa đoái nhìn xuống đôi tay nhọc nhằn chúng con, ban cho chúng sức sống mới
và để chúng có thể làm việc hăng say
vì Tin Mừng.

Nguyện xin cho hơi thở Chúa thổi qua từ lúc bình minh
gìn giữ cả ngày của chúng con trong một tinh thần phấn khởi.

Nguyện xin cho hơi thở Chúa lướt qua khi màn đêm buông xuống
để gìn giữ chúng con bình an trong ánh sáng của Chúa
và trong sự nhiệt tâm của Người.
Nguyện xin cho hơi thở của Chúa đến và tồn tại trong suốt cuộc đời chúng con
làm đổi mới chúng con và ban cho chúng con những chiều hướng đích thực và sâu sắc:
đã được sơ lược trong Tin Mừng của Chúa Giêsu.

2.  Bài đọc

a)  Ý chính của bài đọc:

Chúa nhật thứ bảy Thường Niên, rất hiếm khi được cử hành, vì nó được trám vào trong khoảng thời gian ngắn giữa Mùa Giáng Sinh và Mùa Chay, khiến chúng ta phải đối diện với một trong những đoạn Tin Mừng sắc nét nhất, đầy thách thức và đồng thời đầy an ủi, đó là một Kitô hữu có thể trực diện với: những lời kết hay “phản đề” của Bài Giảng Trên Núi”.

Bài đọc thứ nhất trích từ sách Lêvi (19:1-2, 17-18), là một phần của “luật thánh thiện”.  Nó liên quan trực tiếp đến phần thứ hai của bài Phúc Âm, với giới răn yêu thương tha nhân và song song chặt chẽ với câu cuối của Lời Chúa.

Bài đọc hai (1Cr 3:16-23) cho thấy một sự phát triển sâu xa hơn của chủ đề bài Tin Mừng:  con đường thánh thiện của người Kitô hữu, theo lối suy nghĩ của loài người thì có vẻ nghịch lý, khó hiểu và khó đưa vào thực tế, trở nên có thể thực hiện được với tư cách chúng ta cùng thuộc về Thiên Chúa.  Chúng ta đã được thánh hiến cho Người và Người đã ban hết chính thân Người cho chúng ta qua tình yêu; làm cho chúng ta có thể yêu thương như Người đã yêu thương, một tình yêu bởi vì Người và trong Người.

Đoạn Tin Mừng của chúng ta thuộc về đoạn gọi là “Bài Giảng Trên Núi” và đây là bài giảng đầu tiên của những bài giảng tuyệt vời của Chúa Giêsu là đặc điểm của cuốn Phúc Âm đầu tiên và gồm từ chương 5 đến chương 7.  Bài diễn thuyết dài này, được bắt đầu với bài Tám Mối Phúc Thật nổi tiếng và luôn khiêu khích, có thể được đọc trong ánh sáng lời tuyên bố của Chúa Giêsu về việc kiện toàn Lề Luật:  “Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ Lề Luật hay lời các Tiên Tri:  Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn chúng…

Ta bảo các con, nếu các con không công chính hơn các người Biệt Phái hay luật sĩ, thì các con chẳng được vào nước trời đâu (5:17-20).

Đoạn Tin Mừng của chúng ta thuộc về phần thứ hai của bài giảng, một “luân lý đạo đức mới” được đưa ra để tạo nên sự viên mãn và hoàn hảo cho nền luân lý dựa trên lề luật Môisen.  Nền luân lý đạo đức mới này được biểu thị bằng câu nói bắt đầu bằng những chữ:  “Nhưng Thầy bảo các con”; lời nói này dẫn chúng ta từ những chữ của Lề Luật hoặc từ một phương cách để áp dụng nó cho lề luật đạo đức mới, nó không hủy bỏ lề luật cũ, nhưng cung cấp cho nó một sự giải thích mới, trong ánh sáng của nội tâm con người chúng ta, trong đó Thiên Chúa ngự trị như là vị Thầy và là tấm gương sống của chúng ta.  Bằng cách này, Chúa Giêsu đến ngay trước mắt của chúng ta và được giới thiệu với chúng ta qua Thánh Sử như một Môisen thứ hai, một Đấng tự bản thân có một uy quyền như một nhà lãnh tụ cao trọng của dân Do Thái.

Những câu trong Phúc Âm của Chúa Nhật tuần này là những câu cuối của đoạn này với hai “phản-đề” hay là “siêu chính đề” ràng buộc một cách chặt chẽ và có sức mạnh để thể hiện sự khôn ngoan đạo đức cao nhất, dựa trên đức tin thuần khiết và sâu xa nhất vào Thiên Chúa là Cha, Đấng toàn năng và đầy lòng thương xót.

Trong ánh sáng của các bài đọc khác trong Chúa Nhật này, những yêu cầu đạo đức mạnh mẽ của Chúa Giêsu mà chúng ta nghe hôm nay được nhìn thấy không phải như là kết quả của một thái độ anh hùng, mà như là kết quả đời sống của một người Kitô hữu đầy đủ phẩm hạnh và hơn nữa giống như “hình ảnh của Con Người” (Rm 8:29).
 
b)  Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu 5:38-48

38 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Các con đã nghe bảo: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng.’ 39 Còn Thầy, Thầy bào các con:  Đừng chống cự lại với kẻ hung ác.  Trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa.  40 Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì con hãy trao cho nó cả áo choàng nữa.  41 Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm.  42 Ai xin, thì con hãy cho.  Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ.  43 “Các con cũng đã nghe dạy rằng: ‘Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch.’  44 Còn Thầy, Thầy bảo các con:  Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, 45 để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương.  46 Vì nếu các con yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công gì?  Nào những người thu thuế không làm như vậy ư? 47 Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con mà thôi, thì các con có làm gì hơn?  Nào dân ngoại không làm như vậy sao?  48 Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành.”
 
3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để cho Lời Chúa có thể thấm nhập vào tâm hồn chúng ta và soi sáng đời sống chúng ta.



4.  Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề


Chúng ta bắt đầu từ tiền đề rằng Bài Giảng Trên Núi không phải là một “lề luật theo trường hợp”, đó là bảng liệt kê “các trường hợp đạo đức” với giải pháp ổn thỏa nhất phù hợp với từng trường hợp.  Trái lại, như đã được phân tích rõ ràng bởi học giả J. Ernst:  “Được xem là quy tắc đạo đức, những yêu cầu như thế (với những trường hợp nhắc đến trong Bài Giảng Trên Núi) thì hoàn toàn vô nghĩa.  Tầm quan trọng của chúng được tìm thấy trong vai trò của chúng như là các dấu chỉ và phương hướng.  Thực ra, chúng muốn thu hút sự chú ý của chúng ta trong một cách quyết liệt về kỷ nguyên mới của ơn cứu rỗi, đã bắt đầu với Chúa Giêsu.  Giới răn yêu thương bây giờ đã đạt được một sự nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản.

Mt 5:38:
Lời kêu gọi của Chúa Giêsu bắt đầu từ “luật trả đũa” (mắt đền mắt), nó là một quy luật phát sinh từ luật dân sự để ngăn ngừa sự trả thù quá độ, đặc biệt nếu ngoa ngoắt; những sự trả thù bị giới hạn theo tiêu chuẩn của sự công bằng giữa tội ác đã phạm và những gì trả thù lại và hơn hết cả, những sự trả thù này phải được tuân thủ trong một lĩnh vực tư pháp.

Mt 5:39a:
Ý định rõ ràng của Chúa Giêsu không phải là việc lên án lề luật “mắt đền mắt” cổ xưa với tất cả các sự khắc nghiệt của nó.  Người có ý định đề nghị với chúng ta một phương cách thực tế với đời sống, phù hợp với sự tốt lành và lòng thương xót vô hạn của Cha trên trời của chúng ta như là một thái độ chung của cuộc sống, được thực hiện bằng việc công bố về Vương Quốc Nước Trời.  Các môn đệ của Chúa Giêsu phải được hướng dẫn bởi một tiêu chuẩn, nhờ vào đức hạnh của lòng yêu thương tràn đầy, vượt quá khuynh hướng tự nhiên là đòi hỏi sự tôn trọng tuyệt đối các quyền của con người.  Những người thuộc về Chúa Giêsu phải sống với lòng quảng đại:  xả thân mình cho những người khác, quên quyền lợi riêng tư của họ, hào phóng, nhân từ, khoan dung, làm bằng chứng cho tâm hồn cao cả.  Đây là một phương cách thực tế và thật triệt để hầu giải thích chân phúc của sự khiêm nhu (Mt 5:5).

Mt 5:39b-42:
Dưới đây là một vài thí dụ về lòng khoan dung (có nghĩa là phải có một “tâm hồn rộng mở”), nó phải là sự đặc trưng của người Kitô hữu, những người được gọi để cho đi nhiều hơn là họ cần có hay được nhận lãnh.  Tất nhiên, đây không phải là một luật tuyệt đối, sẽ có thể làm xáo trộn lối sống đã được xã hội chấp nhận, mà đó là cách để thể hiện tinh thần yêu thương ngay cả đối với những người đã làm những điều gì xấu xa.
Sứ điệp ẩn chứa trong những ví dụ nổi tiếng này chấn chỉnh một cách sâu xa thông điệp hàm chứa trong “luật trả đũa” (mắt đền mắt) và không thể được hiểu một cách đúng đắn, ngoại trừ trong ánh sáng của nó.
Người tín hữu được mời gọi để giải thích mọi tình huống, ngay cả trong những lúc rất khó khăn nghiêm trọng, về tình yêu của Thiên Chúa mà người ấy đã lãnh nhận được, làm một bước tiến nhảy vọt căn bản trong cách giải quyết:  không còn trả đũa hoặc trả thù nữa, không còn sự tự bảo vệ hay quyền lợi cho mình, ngay cả khi thích đáng, nhưng hãy vì sự tìm kiếm lợi ích cho tất cả mọi người, ngay cả những người làm điều gian ác.  Bằng cách này, người ta sẽ không còn bị lệ thuộc vào những chuỗi dài oán thù hoặc thậm chí bạo lực, có thể trở nên bất tận, để dành phần công lý cho chính mình, có nguy cơ rơi vào vòng xoáy của tội ác dưới ảnh hưởng của sự nhiệt tình quá mức.  Đó là sự công lý của Thiên Chúa, luôn tốt hơn những gì mà chúng ta phải dựa vào.

Thánh Phaolô Tông Đồ diễn giải điều này rất rõ: “Đừng lấy ác báo ác.  Hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt.  Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hòa thuận với mọi người.  Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép:  Đức Chúa phán:  “Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả.  Trái lại, kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó.  Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác.”  (Rm 12:17-21)
Việc giải thích về các tiêu chuẩn đời sống này có thể được tìm thấy trong thái độ chung và trong một số hình ảnh cụ thể về cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu:  Khi Người phản ứng với sự trầm tĩnh và vững chắc trước những đánh đập tra khảo trong khi bị giam giữ bởi người Do Thái (Ga 18:23), khi Người không hề chạy trốn khỏi việc lùng bắt và ngăn chặn không cho ông Phêrô bảo vệ Người (Ga 18:4-10), khi Người tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người (Lc 23:34) và cho tên trộm vào thiên đàng (Lc 23:40-43).  Và chúng ta biết rằng chìa khóa để hiểu được Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu là tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại (Ga 13:1, 15:13).
Một anh hùng bất bạo động, mục sư Martin Luther King, đã viết:  “Các đại dương của lịch sử bị làm náo động bởi dòng chảy của sự trả thù luôn nổi dậy.  Loài người không bao giờ được nuôi lớn lên trên giới luật của trả thù:  “Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân.”  Mặc dù trên thực tế là luật trả đũa không giải quyết được bất kỳ vấn nạn xã hội nào, người ta tiếp tục theo đuổi sự lãnh đạo tai hại ấy.  Câu chuyện lặp lại tiếng ồn từ sự đổ nát của các dân tộc và các cá nhân đi theo con đường tự diệt này.  Chúa Giêsu trên thập giá đã tuyên bố hùng hồn một lề luật cao thượng hơn.  Người đã biết lề luật cũ mắt đền mắt sẽ khiến cho tất cả thành người mù, và đã không cố gắng để vượt thắng sự ác bằng một điều ác:  Người đã thắng cái ác bằng điều thiện.  Bị treo trên thập giá bởi lòng ghen ghét, Người đáp trả bằng tình yêu mạnh mẽ.

Thật là một bài học tuyệt vời!  Các thế hệ sẽ xuất hiện và qua đi, loài người sẽ tiếp tục tôn thờ thần trả thù và thủ phục trước bàn thờ của sự trả thù, nhưng sau đó càng ngày bài học cao quý này của đồi Canvê sẽ là một lời cảnh báo khẩn cấp mà chỉ có sự tốt lành mới có thể loại bỏ được sự ác và chỉ có tình yêu mới có thể khắc phục được hận thù.”  (Sức mạnh của tình yêu, Società Editrice Internazionale, Torino, 1994, trang 65).

Mt 5:43:
Giới răn Cựu Ước mà Chúa Giêsu trích dẫn là kết quả của sự kết hợp của lời trong sách Lê-vi (19:18) và những chữ phụ trong Kinh Thánh “và ghét kẻ thù các con” đến từ một thái độ hoàn toàn tiêu cực đối với dân ngoại, được coi như là kẻ thù của Thiên Chúa, và vì thế, cũng được coi như là kẻ thù của Dân Riêng của Chúa, và như vậy họ phải bị từ chối bằng mọi cách, để tránh sự lây nhiễm của việc sùng bái ngẫu tượng và vô luân của họ.

Mt 5:44a:
Tác giả Phúc Âm xử dụng một cách đáng kể động từ yêu (agapao) để chỉ cho thấy nhiệm vụ của người Kitô hữu là yêu kẻ thù vượt xa hẳn bất cứ quy luật chung và bất cứ tình bằng hữu nào.  Đây là động từ tiêu biểu nhất diễn tả thái độ của Thiên Chúa đối với con người và thái độ của con người đối với Thiên Chúa và đồng loại:  một ý muốn căn bản của việc tốt lành và xả kỷ nhưng không.
Lời giáo huấn này, hoàn toàn mới mẻ và gây sửng sốt trong nhiều phương diện, hoàn thành các giáo huấn trước đây của Chúa Giêsu và đề cập đến “nền công lý dư dật” đã bắt đầu từ Bài Giảng Trên Núi.  Điều này tiến đến mục tiêu rất cao cả mà Người muốn mang lại cho các môn đệ:  “Hãy yêu kẻ thù của các con.”

Kẻ thù mà chúng ta đang nói đến ở đây, một cách cụ thể, là những kẻ quấy rầy làm khổ, dân ngoại, kẻ tôn sùng ngẫu tượng, những kẻ tương phản trực tiếp nhất đến lý tưởng Kitô giáo, do đó tạo thành một mối đe dọa cho đức tin.  Tuy nhiên, họ là nguyên mẫu và là biểu tượng của mỗi kẻ thù.  Đối với họ, người Kitô hữu nên đối xử với cùng một lòng tử tế mà người ấy có với anh em mình trong đức tin.  Không chỉ có sự khoan dung, tình yêu thương hoặc tình bằng hữu một cách tổng quát, mà tình yêu sâu xa và vô vị lợi của một người tín hữu chỉ có thể rút ra từ trái tim của Thiên Chúa và học hỏi từ gương mẫu của Người, như đã được trông thấy trong việc tạo dựng và lịch sử của vũ trụ.

Mt 5:44b:
“Tình yêu và cầu nguyện, tình yêu nương tựa vào cầu nguyện.”  Nó là món quà cao quý nhất có thể làm được cho kẻ thù, bởi vì nó đặt đúng chỗ năng lượng nội tại lên đến mức tối đa:  sức mạnh của đức tin.  Thật là dễ dàng để đưa ra một cử chỉ trợ giúp bên ngoài hơn là ước mong một cách thân thiết, trong tim của một người và trong sự thật, những điều tốt đẹp về kẻ thù, nhiều đến mức để khiến nó thành chủ đề và ý định cho lời cầu nguyện trước Thiên Chúa.  Nếu bạn cầu nguyện cho kẻ thù, xin cho họ những ân sủng và phúc lành, đó có nghĩa là bạn mong ước và muốn những điều tốt đẹp cho kẻ thù.  Đây là điều chân thành trong tình yêu.  Cầu nguyện là phần thưởng của người Kitô hữu cho những lỗi lầm của kẻ thù” (OP).

Mt 5:45:
Chúa Giêsu giải thích tại sao chúng ta phải yêu thương kẻ thù của chúng ta.  Mối liên hệ cha con mà Người đang nói đến trong đoạn Tin Mừng này không hủy bỏ những gì do sự tác tạo hoặc do việc nhận nuôi, nhưng điều chính yếu là sự giống nhau của những cảm xúc của chúng ta với những ai thuộc về Thiên Chúa.
Người Kitô hữu trong cuộc sống hằng ngày phải nên trọn lành như Cha trên trời của mình.
Vì vậy, khi một người yêu thương kẻ thù của mình, thì người ấy trở nên con cái của Cha Trên Trời, bởi vì đó là kết quả của lòng mong muốn yêu thương như Chúa Cha.
Dĩ nhiên, căn tính con cái của Thiên Chúa thì không phải là không thay đổi, nhưng được làm rõ nét từ một quá trình năng động.  Những người là con cái của Thiên Chúa qua bí tích Rửa Tội, trở nên con cái của Người cách đầy đủ, sống và lớn lên trong cùng một lý luận của Chúa Cha, cũng tỏ ra những cử chỉ lòng yêu thương cho thấy họ giống Thiên Chúa.  Bởi vì Thiên Chúa tốt lành và công bằng, con cái của Người cũng tốt lành và công bằng, có thể ban phát tình yêu của chính họ không theo giá trị của những người khác nhưng theo lòng yêu thương và lo lắng mà mỗi nhân sinh được nhận lãnh liên tục từ Thiên Chúa.
Một người càng cho phép mình được sắp đặt theo khuôn mẫu bởi ân sủng của Thiên Chúa, thì người ấy càng có thể thực hiện được giới răn này, và Chúa Thánh Thần càng sẽ chứng thực cho thần trí người ấy rằng họ là con cái của Thiên Chúa (xem Rm 8:16).

Mt 5:46-47:
Sự khác biệt thật sự giữa những người Kitô hữu và các người khác là thái độ và khả năng yêu thương ngay cả những người mà “vốn dĩ” không đáng yêu chút nào.

Mt 5:48:
Trọn lành (teleios, trưởng thành, làm đầy đủ, hoàn thành – trong trường hợp này, hoàn thành trong tình yêu).
Một lần nữa, Chúa Giêsu nối kết giới răn yêu thương kẻ thù với ví dụ của Chúa Cha, với những công việc mà Người hoàn thành hằng ngày vì lợi ích của tất cả mọi người và đó là hoa trái của trái tim tràn đầy tình yêu của Người, rằng Người, Con Thiên Chúa, hiểu biết một cách sâu xa.   Đây là trọng tâm đạo đức của người Kitô hữu mà đó không phải là một lề luật để tuân giữ, nhưng là một sự hiệp thông của đời sống với Chúa Cha được ban cho bởi Chúa Thánh Thần, “luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Giêsu Kitô” (Rm 8:2).
Trong sự hiệp thông này, người Kitô hữu hấp thụ tình yêu của Chúa Cha, một tình yêu nhằm mục đích thay đổi kẻ thù thành bạn hữu, thay đổi điều xấu xa trở nên điều tốt lành.

Ông Isaac thành Ni-ni-vê, bình luận câu 45, nói rằng:  “Bởi Đấng Tạo Hóa không có gì thay đổi, hoặc có ý định đó là trước hoặc sau, trong bản tính của Người, không có thù hận hay oán giận, hoặc chỗ nhỏ hơn hay lớn hơn trong tình yêu của Người, cũng không có sau hết hoặc trước hết trong sự hiểu biết của Người.  Thực ra, nếu mọi người tin rằng việc tạo dựng trời đất đã bắt đầu như là một kết quả của sự tốt lành và tình yêu thương của Đấng Tạo Hóa, chúng ta biết rằng lời biện hộ này không thay đổi hoặc làm giảm giá trị của Đấng Tạo Hóa, như là kết quả của sự rối loạn trong công trình sáng tạo của Người.
Thật là ghê sợ và báng bổ để khẳng định rằng trong Thiên Chúa có sự hiện diện của hận thù hay oán ghét – ngay cả đối với ma quỷ – hoặc tưởng tượng bất kỳ một nhược điểm hoặc đam mê nào…  Trái lại, Thiên Chúa hành động với chúng ta bằng cách thức có lợi cho chúng ta; chẳng phải là nguyên nhân gây ra đau đớn hoặc giảm thiểu nó cho chúng ta, về niềm vui hay nỗi buồn, hiu hắt hay vinh quang.  Tất cả đều cùng hướng về sự tốt lành đời đời” (Nghị Luận, Phần 2, 38:5 và 39:3)

5.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm:

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
-  Tôi dừng lại.  Tôi có biết rằng những lời này dành cho tôi ngày hôm nay không?
-  Tôi có biết rằng Chúa Giêsu nói với tôi trong tình trạng mà tôi đang sống ngay trong chính giây phút này của cuộc đời tôi không?
-  Tôi có coi trọng những lời trong Phúc Âm không?
-  Tôi sống như thế nào so với những tiêu chuẩn đạo đức nhưng không thể tránh khỏi này?
“Thầy bảo các con:  Đừng chống cự lại với kẻ hung ác”
“Nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa”
“Các con hãy yêu thương kẻ thù địch các con và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con”
“Hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành.”
-  Tôi tự xét mình:  Những mô hình đạo đức của tôi khi tôi đang ở trong tình trạng khó khăn là gì?  Khi tôi cảm thấy bị tấn công hoặc bị ngược đãi thì sao?
-  Và khi tôi cảm thấy thiếu vắng lòng thương yêu của những người khác hoặc khi họ có ác cảm với tôi, tôi phản ứng như thế nào?  Hành động của tôi theo mô hình nào trong những tình huống này?
-  Trong lời cầu nguyện của tôi, tôi có đặt chính bản thân mình lên trước gương mẫu của Chúa Giêsu không?  Ít nhất, tôi có thể một chút noi gương Chúa Cha là người Cha nhân từ với tất cả mọi loài trong vũ trụ và giữ cho tất cả tồn tại không?
-  Đây là lúc để tiến lên thêm một bước về cách tôi hành động:  Tôi cầu khẩn Chúa Thánh Thần, để Người có thể uốn nắn tâm hồn tôi theo hình ảnh của Chúa Giêsu, khiến tôi có thể yêu thương kẻ khác như Người và vì Người!

6.  Cầu Nguyện

Lời Chúa ban cho chúng ta một bài thánh ca tuyệt vời cho lời cầu nguyện của chúng ta.
Vẻ đẹp và đúng lúc của “bài thánh ca tình yêu” nổi tiếng (1 Cr 13:1-9, 12b-13) trở nên mạnh mẽ hơn cho chúng ta nếu khi cầu nguyện chúng ta thay thế chữ “từ thiện” với tên của Chúa Giêsu, Người là Thiên Chúa tình yêu nhập thể, và là một phản ảnh thật sự của tình yêu Chúa Cha cho tất cả mọi tạo vật của Người:

1 Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. 2 Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. 3 Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. 4 Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, 5 không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, 6 không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. 7 Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. 8 Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. 9 Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn.

12 Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. 13 Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.

7.  Lời nguyện kết

Ôi lạy Thiên Chúa, trong Chúa Con, khi bị lột trần truồng và làm nhục trên thập giá, Chúa đã mặc khải cho thấy sức mạnh tình yêu của Chúa, xin hãy mở lòng trí chúng con cho món quà của Thần Khí Chúa và nhờ đó chấp nhận Người, xin Chúa phá vỡ trong lòng chúng con những chuỗi dài của bạo lực và hận thù đã trói buộc chúng con với lối sống của những người không biết Chúa, để nhờ vào vinh quang của sự tốt lành chiến thắng sự dữ, chúng con có thể chứng tỏ căn tính con cái Thiên Chúa của chúng con và trở nên chứng tá cho Tin Mừng về sự hòa giải và hòa bình của Chúa.

www.dongcatminh.org



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét