05/04/2017
Thứ tư tuần 5 Mùa Chay
Bài Ðọc I: Ðn 3, 14-20.
91-92. 95
"Người đã sai thiên thần của Người đến giải thoát các tôi tớ Người".
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Trong những ngày ấy, vua Nabucôđônôsor nói rằng: "Hỡi Sidrach,
Misach và Abđênagô, có phải các ngươi không chịu thờ các thần của ta và lạy tượng
vàng ta đã dựng không? Vậy nếu các ngươi đã sẵn sàng, thì lúc nghe tiếng kèn,
tiếng huyền cầm, tiếng còi, quyển sáo và các thứ nhạc khí, các ngươi phải sấp
mình thờ lạy tượng ta đúc. Nhưng nếu các ngươi không chịu sấp mình thờ lạy, lập
tức các ngươi sẽ bị ném vào lò lửa cháy bừng. Và coi Chúa nào sẽ cứu thoát các
ngươi khỏi tay ta". Sidrach, Misach và Abđênagô trả lời với vua
Nabucôđônôsor rằng: "Tâu lạy vua, chúng tôi không cần trả lời cùng vua về
việc này, vì đây Thiên Chúa chúng tôi thờ có thể cứu thoát chúng tôi khỏi lò lửa
cháy bừng, và khỏi tay đức vua; nhược bằng Thiên Chúa chúng tôi không muốn thì,
tâu lạy vua, vua nên biết rằng chúng tôi không thờ các thần của vua và không lạy
tượng vàng của vua dựng lên".
Bấy giờ vua Nabucôđônôsor thịnh nộ, mặt biến sắc, nhìn thẳng vào Sidrach,
Misach và Abđênagô, ông ra lệnh đốt lò nóng hơn thường gấp bảy lần, và truyền lệnh
các tráng sĩ trong cơ binh trói chân Sidrach, Misach và Abđênagô, và ném vào lò
lửa cháy bừng.
Bấy giờ vua Nabucôđônôsor bỡ ngỡ, vội vã đứng lên và nói với các triều thần
rằng: "Chớ thì ta không ném ba người bị trói vào lò lửa sao?" Các ông
trả lời với vua rằng: "Tâu lạy vua, thật có". Vua nói: "Ðây ta
thấy có bốn người không bị trói đi lại giữa lò lửa mà không hề hấn gì; dáng điệu
người thứ tư giống như Con Thiên Chúa". Vua Nabucôđônôsor nói tiếp:
"Chúc tụng Chúa của Sidrach, Misach và Abđênagô, Ðấng đã sai thiên thần của
Người đến giải thoát các tôi tớ tin cậy Người, không chịu vâng phục mệnh lệnh của
nhà vua và thà hy sinh thân xác, chớ không phục luỵ thờ lạy Chúa nào khác ngoài
Thiên Chúa của họ".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Ðn 3, 52. 53.
54. 55. 56
Ðáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn
vinh muôn đời (c. 52b).
Xướng: 1) Lạy Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng,
đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. Chúc tụng thánh danh vinh quang
Chúa, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. - Ðáp.
2) Chúa đáng chúc tụng trong đền thánh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi và
tôn vinh muôn đời. - Ðáp.
3) Chúc tụng Chúa ngự lên ngai vương quyền Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh
muôn đời. - Ðáp.
4) Chúc tụng Chúa, Ðấng nhìn thấu vực thẳm và ngự trên các Thần Vệ Binh,
đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Ðáp.
5) Chúc tụng Chúa ngự trên bầu trời, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. -
Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc
Âm: Ga 11, 25a và 26
Chúa phán: "Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết
đời đời".
Phúc Âm: Ga 8, 31-42
"Nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi thực sự được tự
do".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do-thái đã tin nơi Ngài rằng:
"Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ
được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi". Họ thưa lại Người:
"Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao
ông lại nói "Các ngươi sẽ được tự do"?". Chúa Giêsu trả lời rằng:
"Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội.
Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu
Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự. Ta biết các
ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm
nhập vào lòng các ngươi. Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các
ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi". Họ đáp lại:
"Cha chúng tôi chính là Abraham!" Chúa Giêsu nói: "Nếu thực các
ngươi là con cháu Abraham, thì các ngươi làm công việc của Abraham! Nhưng các
ngươi đang tìm giết Ta, là người đã nói cho các ngươi biết sự thật mà Ta nghe tự
Thiên Chúa. Ðiều đó Abraham đã không làm! Các ngươi đang làm việc của cha các
ngươi!" Họ lại nói: "Chúng tôi không phải là những đứa con hoang!
Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa!" Chúa Giêsu nói: "Nếu Thiên
Chúa là Cha các ngươi, thì các ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì
Ta không tự mình mà đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta đến".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Tự do khỏi lề luật, tự do khỏi tội và tự do khỏi chết là 3 chiều kích cứu
độ học trong các thư tín của thánh Phaolô. Một cách tương tự, Văn Chương Gioan
cũng lần lượt khai triển về ba chiều kích này mà Chúa Giêsu thực hiện. Hôm nay,
Chúa Giêsu khẳng định với người Do-thái là: “Ai phạm tội thì nô lệ cho tội…nếu
người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do”
(Ga 8,34.36). Nghĩa là Chúa Giêsu giải thoát nhân loại để họ được tự do khỏi tội.
Đối tượng mà Chúa Giêsu giảng dạy hôm nay được Tin Mừng ghi rõ là “những
người Do-thái đã tin Đức Giêsu”. Như thế, dù đã tin, nhưng tội vẫn còn đó khi
chưa được Chúa Giêsu cứu chuộc thì vẫn bị tội lỗi giam giữ.
Thông thường, nô lệ được hiểu như là một người làm tôi tớ phục vụ một ông chủ, hoàn toàn lệ thuộc ông chủ, không còn quyền lợi gì trên mình kể cả mạng sống. Người Do-thái cũng nghĩ như thế, khi họ nói, chính họ nói họ không làm nô lệ cho ai cả. Thế nhưng, hiểu rộng hơn là, khi chúng ta bị lệ thuộc điều gì thì chính chúng ta đang nô lệ cho điều đó. Chẳng hạn người ham tiền bạc thì nô lệ cho tiền bạc, kẻ sống theo dục vọng thì bị lệ thuộc bởi xác thịt…
Thời chế độ chiếm hữu nô lệ, thì nô lệ như một món hàng để mua bán, ông chủ có nhiều tiền thì mua được nhiều nô lệ về làm công. Nô lệ thì vĩnh viễn là nô lệ, không có tài sản, không có quyền lợi, và mất hết tự do, thậm chí còn hèn kém hơn cả một vật nuôi trong nhà. Trừ khi có một ai đó đến trả một giá đắt mà chuộc lại họ và cho họ được tự do.
Khi tội lỗi xâm nhập trần gian, con người đắm chìm trong tội, nô lệ cho mọi khuynh hướng xấu, bị giam hãm trong tội nguyên tổ, sự xuống cấp của một luân lý suy đồi “tội trần gian” và làm tôi cho ma quỷ. Tự sức con người không thể tự giải thoát mình, nên cần đến ơn Cứu Độ, Chúa Giêsu đã phải trả giá đắt để chuộc con người và đưa con người trở nên con cái tự do.
Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi” (Ga 8,35). Các ông chủ mua bán nô lệ với nhau, và người nô lệ rời khỏi chủ này lại bị buộc làm nô lệ chủ khác và thậm chí còn thê thảm hơn; còn Chúa Giêsu, Ơn Cứu Chuộc của Người có đó, nhưng để cho con người sự tự do lựa chọn, vì từ ngày sáng tạo, Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do. Sau khi giải phóng con người, Chúa Giêsu không bắt họ phải làm nô lệ Thiên Chúa, mà là phục hồi cho họ quyền làm con, mà làm con thì được tự do hưởng quyền thừa tự và ở mãi trong nhà Cha mình.
Thông thường, nô lệ được hiểu như là một người làm tôi tớ phục vụ một ông chủ, hoàn toàn lệ thuộc ông chủ, không còn quyền lợi gì trên mình kể cả mạng sống. Người Do-thái cũng nghĩ như thế, khi họ nói, chính họ nói họ không làm nô lệ cho ai cả. Thế nhưng, hiểu rộng hơn là, khi chúng ta bị lệ thuộc điều gì thì chính chúng ta đang nô lệ cho điều đó. Chẳng hạn người ham tiền bạc thì nô lệ cho tiền bạc, kẻ sống theo dục vọng thì bị lệ thuộc bởi xác thịt…
Thời chế độ chiếm hữu nô lệ, thì nô lệ như một món hàng để mua bán, ông chủ có nhiều tiền thì mua được nhiều nô lệ về làm công. Nô lệ thì vĩnh viễn là nô lệ, không có tài sản, không có quyền lợi, và mất hết tự do, thậm chí còn hèn kém hơn cả một vật nuôi trong nhà. Trừ khi có một ai đó đến trả một giá đắt mà chuộc lại họ và cho họ được tự do.
Khi tội lỗi xâm nhập trần gian, con người đắm chìm trong tội, nô lệ cho mọi khuynh hướng xấu, bị giam hãm trong tội nguyên tổ, sự xuống cấp của một luân lý suy đồi “tội trần gian” và làm tôi cho ma quỷ. Tự sức con người không thể tự giải thoát mình, nên cần đến ơn Cứu Độ, Chúa Giêsu đã phải trả giá đắt để chuộc con người và đưa con người trở nên con cái tự do.
Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi” (Ga 8,35). Các ông chủ mua bán nô lệ với nhau, và người nô lệ rời khỏi chủ này lại bị buộc làm nô lệ chủ khác và thậm chí còn thê thảm hơn; còn Chúa Giêsu, Ơn Cứu Chuộc của Người có đó, nhưng để cho con người sự tự do lựa chọn, vì từ ngày sáng tạo, Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do. Sau khi giải phóng con người, Chúa Giêsu không bắt họ phải làm nô lệ Thiên Chúa, mà là phục hồi cho họ quyền làm con, mà làm con thì được tự do hưởng quyền thừa tự và ở mãi trong nhà Cha mình.
Có thấy lấy ví dụ minh họa rằng: Tội nguyên tổ như một quả bom pha chế bằng
thuốc kiêu ngạo rơi xuống cắt đứt con đường nối nhân loại với Thiên Chúa tạo
nên một cái hố sâu ngăn cách, từ đó bên phía nhân loại không làm sao vượt qua
cái hố sâu để đến với Thiên Chúa được nữa. Chúa Giêsu đã dùng cây thập giá như
cây cầu bắc qua cái hố sâu đó, cây cầu làm bằng gỗ khiêm tốn. Tuy nhiên, cây cầu
đã có đó, nhưng nhân loại có tự do, họ có quyền chọn lựa bước qua cầu để về bên
kia, hay đã quá quen và an phận trong tội mà ở lại…
Tóm lại, ơn cứu độ của Chúa Giêsu đến giải thoát nhân loại chúng ta khỏi
bị nô lệ cho tội lỗi nhữa, mà được làm con cái Thiên Chúa và thừa kế gia nghiệp
với Chúa Giêsu trong nước Cha của Người.
Lạy Chúa Giêsu, đã gần đến ngày tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa,
xin cho chúng con ý thức thân phận làm con của chúa, để nếu chúng con đang yếu
đuối trong tội lỗi, thì mau mắn chạy đến với toà cáo giải xưng thú hết mọi lỗi
lầm, hầu được Chúa phục hồi lại ân sủng quyền làm con. Amen.
Hiền Lâm, SOC.
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần V MC
Bài đọc: Dan
3:14-20, 91-92, 95; Jn 8:31-42.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự thật giải
phóng con người.
Con người thường không
muốn người khác vạch ra những điều sai trái của mình, nhất là đối với những người
có quyền thế. Nhưng dù sự thật mất lòng nhưng có sức mạnh giải phóng con người.
Nhiều người tưởng mình đang sở hữu sự thật, nhưng thực ra họ đang làm nô lệ cho
sự giả trá. Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm vào việc con người phải tìm ra sự
thật, vì sự thật sẽ giải phóng con người.
Trong Bài Đọc I, Vua
Nebuchadnezzar nghĩ các thần do tay mình dựng nên là thần thật nên bắt ba trẻ
Do-thái phải sụp lạy chúng khi nhạc khí xướng lên; nếu không sẽ quăng chúng vào
lò lửa đang cháy. Ba trẻ Do-thái từ chối vì họ nhất quyết chỉ thờ lạy một mình
Thiên Chúa mà thôi. Khi chính mắt nhìn thấy uy quyền của Thiên Chúa từ lò lửa,
chính vua Nebuchadnezzar đã khiêm nhường thú nhận: chỉ có Thiên Chúa của ba trẻ
Do-thái thờ là Thiên Chúa thật. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn chỉ cho người
Do-thái thấy họ thực sự không phải là con cái của Abraham, vì họ không làm những
gì tổ-phụ Abraham đã làm: tin Thiên Chúa và đón tiếp các ngôn sứ Ngài gởi tới.
Họ không tin những gì Ngài nói và đang tìm cách giết Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ba trẻ Do-thái làm chứng cho sự thật.
1.1/ Ba trẻ Do-thái từ chối
không thờ thần nào khác ngòai Thiên Chúa:
Vua Nebuchadnezzar đe dọa ba trẻ: Này Shadrach, Meshach, và Abednego, nếu các
ngươi không phụng sự các thần của ta và không chịu thờ lạy pho tượng vàng ta đã
dựng nên, tức khắc các ngươi sẽ bị ném vào lò lửa đang cháy phừng phực, để xem
có Thiên Chúa nào cứu được các ngươi khỏi tay ta chăng?"
Ba trẻ Do-thái can đảm
nói với Vua: "Chúng tôi không cần trả lời ngài về chuyện này. Nếu Thiên
Chúa chúng tôi thờ có sức cứu chúng tôi thì tâu đức vua, Người sẽ cứu chúng tôi
khỏi lò lửa đang cháy phừng phực và khỏi tay ngài. Còn nếu Người không cứu, thì
xin đức vua biết cho rằng chúng tôi cũng không phụng sự các thần của ngài, và
cũng không thờ lạy pho tượng vàng ngài đã dựng đâu!" Vua tức giận, lên tiếng
truyền đốt lò lửa mạnh hơn mọi khi gấp bảy lần. Rồi vua ra lệnh cho những người
lực lưỡng nhất trong quân đội của vua trói ba trẻ và quăng họ vào lò lửa đang
cháy phừng phực.
1.2/ Vua Nebuchadnezzar
nhận ra Thiên Chúa của Shadrach, Meshach, và Abednego.
(1) Vua nhận thấy sự
khác lạ xảy ra trong lò lửa: Vua Nebuchadnezzar ngạc nhiên đứng bật dậy và cất
tiếng nói với các quan cố vấn: "Chẳng phải chúng ta đã quăng ba người bị
trói vào lửa sao?" Họ đáp rằng: "Tâu đức vua, đúng thế!" Vua
nói: "Nhưng ta thấy có bốn người đang tự do đi lại trong lò lửa mà không hề
hấn gì, và dáng vẻ người thứ tư giống như con của thần minh."
(2) Vua tin vào Thiên
Chúa của ba trẻ: Khi nhận ra Thiên Chúa đã gởi thiên thần đến cởi trói cho ba
trẻ để họ đi lại trong lò lửa mà không hề hấn gì, Vua Nebuchadnezzar cất tiếng
nói: "Chúc tụng Thiên Chúa của Shadrach, Meshach, và Abednego, Người đã
sai thiên sứ đến giải thoát các tôi tớ của Người là những kẻ đã tin tưởng vào
Người. Họ đã cưỡng lại lời vua, hy sinh tính mạng để khỏi phụng sự và thờ lạy một
thần nào khác ngoài Thiên Chúa của họ.”
2/ Phúc Âm: Sự thật sẽ giải phóng các ông.
2.1/ Chúa Giêsu là sự thật
của Thiên Chúa.
(1) Sự thật giải
phóng: Đức Giêsu nói với những người Do-thái đã tin Người: "Nếu các ông ở
lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật,
và sự thật sẽ giải phóng các ông." Để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, họ
phải tin những lời Ngài nói là sự thật; và những lời này sẽ giải phóng họ khỏi
những gì sai trái. Lúc đó họ sẽ có tự do đích thực, vì họ đã biết sự thật. Vì
thế, có một sự liên hệ chặt chẽ giữa: ở lại trong lời Chúa Giêsu, trở thành môn
đệ, sự thật, và tự do đích thực.
Những người Do-thái
không hiểu lời Chúa Giêsu nói, nhưng tự ái vì Ngài ám chỉ họ làm nô lệ. Họ đáp:
"Chúng tôi là giòng dõi ông Abraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai
bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?" Thực sự, người
Do-thái đã từng làm nô lệ cho Ai-cập, Assyria, Babylon, và Rome; nhưng ý họ muốn
nói: họ thuộc giòng dõi Abraham, dân của Thiên Chúa.
(2) Chúa Giêsu giải
phóng con người khỏi tội: Điều Chúa Giêsu muốn nói là họ đang làm nô lệ cho tội:
hễ ai phạm tội là làm nô lệ cho tội. Có một sự khác biệt giữa con cái và nô lệ:
con cái được ở trong nhà luôn mãi, nô lệ không được như vậy vì có thể bị bán và
tống cổ bất cứ lúc nào. Chúa Giêsu muốn cảnh cáo người Do-thái: các ông phải
coi chừng, các ông hãnh diện mình là con cái của Abraham; nhưng nếu các ông phạm
tội, các ông trở thành nô lệ, và có thể bị tống cổ ra ngòai.
Nếu họ tin vào Chúa Giêsu,
họ sẽ được giải phóng khỏi tội, và họ mới thực sự được tự do; nhưng người
Do-thái chẳng những không tin vào lời Chúa Giêsu, lại còn tìm cách giết Ngài.
Chúa Giêsu phân biệt Cha của Ngài và cha của người Do-thái. Họ hãnh diện tuyên
xưng: Cha chúng tôi là Abraham.
2.2/ Tổ-phụ Abraham tin
vào Thiên Chúa: Chúa Giêsu không tin lời họ
nói; vì nếu họ là con cháu Abraham, họ có cùng Cha với Ngài vì Abraham tin vào
Thiên Chúa. Ngài muốn nói với họ, đức tin không phải chỉ tuyên xưng ngòai miệng,
nhưng phải chứng tỏ bằng việc làm: "Giả như các ông là con cái ông
Abraham, hẳn các ông phải làm những việc ông Abraham đã làm. Thế mà bây giờ các
ông lại tìm giết tôi, người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ
Thiên Chúa. Điều đó, ông Abraham đã không làm. Còn các ông, các ông làm những
việc cha các ông làm."
Abraham đón tiếp các sứ
giả của Thiên Chúa (Gen 18:1-8), chứ không tìm cách giết họ như người Do-thái
đang tìm cách giết Chúa Giêsu. Nếu các ông tìm cách giết người được Thiên Chúa
sai đến, các ông không phải là con cái Thiên Chúa, cũng chẳng phải là con cái của
tổ-phụ Abraham.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải học
cho biết sự thật bằng bất cứ cách nào, vì chỉ có sự thật mới giải phóng và cho
chúng ta sự tự do đích thực.
- Bao lâu chúng ta còn
phạm tội là làm nô lệ cho tội. Chỉ có Đức Kitô mới có thể giải phóng chúng ta
khỏi làm nô lệ cho tội. Chúng ta phải tin và làm những gì Ngài dạy.
- Đức tin không chỉ là
những gì chúng ta hãnh diện tuyên xưng ngòai miệng, nhưng phải biểu tỏ bằng việc
làm. Chúng ta không được cứu bằng chỉ tuyên xưng ngòai miệng, nhưng phải thực
hành những gì Chúa dạy và phải can đảm làm chứng cho Ngài bằng hành động.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
05/04/17 - THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 5 MC
Th. Vinh-sơn Phê-ri-ê, linh mục - Ga 8,31-42
SỰ THẬT SẼ GIẢI THOÁT TA
“Nếu các ông ở lại
trong Lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật và sự
thật sẽ giải thoát các ông.” (Ga 8,31-32)
Suy niệm: Hiện nay, hiện tượng tham nhũng và dối trá đang
thâm nhập và hoành hành khắp nơi trong xã hội. Vì ham muốn một cuộc sống hưởng
thụ dễ dãi với nhiều của cải, quyền lợi và lạc thú, người ta dễ để mình bị trói
buộc trong cuộc sống gian dối. Những vụ việc tham nhũng, thâm lạm, giả mạo,
v.v… bị phát hiện và đưa ra trước vành móng ngựa chỉ là phần nổi của tảng băng,
không đủ sức bẻ gẫy xiềng xích của sự gian dối đang trói buộc con người. Lời
Chúa hôm nay chỉ cho ta cách giải thoát toàn vẹn và hoàn hảo nhất. Chỉ khi sống
theo Lời Chúa, con người mới thoát khỏi sự trói buộc của đam mê dục vọng và đến
được Thiên Chúa là nguồn mạch Sự Thật và Sự Sống. Lúc đó con người thực sự được
giải phóng, được tự do.
Mời Bạn: Bà Lê Hiền Đức, 77 tuổi
khi nhận giải thưởng Liêm Chính 2007 của tổ chức Minh Bạch Thế Giới nhờ những
hoạt động đấu tranh chống tham nhũng, bà nói: “Cả cuộc đời tôi vẫn luôn tâm đắc:
làm việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của đồng bào tôi. Tôi mong hành động
liêm chính này trở thành điều bình thường trong cuộc sống”. Là môn đệ Chúa
Giêsu, ta đã có ý chí mạnh mẽ để sống sự thật và làm cho sự thật lớn lên trong
môi trường mình đang sống, để “hành động liêm chính trở thành điều bình thường
trong cuộc sống” không?
Sống Lời Chúa: Sống thành thật, không
quanh co che đậy, không đứng về cái xấu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giữ
con ở lại trong Lời Chúa, để con biết thắng vượt chính mình và đừng để con sa bẫy
cám dỗ.
(5 Phút Lời Chúa)
Sự thật sẽ giải thoát các ông (5.4.2017 – Thứ tư Tuần 5 Mùa Chay)
Mùa Chay là thời gian để chúng ta trở lại điều mình đã tuyên xưng, để được sống đúng với ơn gọi Kitô hữu mình đã lãnh nhận.
Suy niệm:
Những dân tộc bị đô hộ nhiều năm mới hiểu được giá trị
của giải phóng.
Những ai bị cầm tù, bị áp bức mới hiểu được giá trị
của tự do.
Những ai đã từng bị vướng vào ma túy, cờ bạc, rượu
chè,
mới hiểu nỗi sướng vui của người thoát khỏi vòng nô lệ
của chúng.
Chế độ nô lệ đã cáo chung, nhưng lại thấy xuất hiện
nhiều dạng nô lệ mới.
Con người trở nên nô lệ cho chính những sản phẩm tinh
tế của mình,
và nhất là không thể giải thoát mình khỏi cái tôi ích
kỷ.
Tự do mãi mãi là khát vọng của con người.
Con người vẫn chờ một Đấng Giải Thoát để mình được
thật sự tự do.
Những người Do thái đang tranh luận gay gắt với Đức
Giêsu.
Họ hãnh diện vì mình thuộc dòng dõi ông Abraham,
nên cho mình là người tự do, chưa hề làm nô lệ cho ai
bao giờ (c. 33).
Đức Giêsu lại nhìn tự do theo một chiều hướng khác.
Ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội, người ấy không có
tự do (c. 34).
Tự do không bắt nguồn từ việc mình thuộc dòng dõi ông
Abraham.
Tự do đến từ việc tin vào lời sự thật của Đức Giêsu.
“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi…các ông sẽ biết
sự thật
và sự thật sẽ cho các ông được tự do” (c. 32).
Tự do đến từ chính con người của Ngài:
“Nếu Người Con có cho các ông tự do, các ông mới thực
sự tự do” (c.36).
Những người Do thái cố chấp, chỉ tìm cách giết Đức
Giêsu (cc. 37, 40).
Họ không muốn nhận lời sự thật mà Ngài nghe được từ
Thiên Chúa (c. 40).
Khi từ chối sự thật, họ đã trở nên nô lệ cho sự dối
trá và sát nhân.
Đức Giêsu là Đấng Giải Thoát, Đấng cho người ta được
tự do thực sự.
Con người bị trói buộc bởi nhiều mối dây, bởi những
tính toán ích kỷ hẹp hòi
mà tự sức mình không sao thoát ra được.
Hãy đến với Giêsu, mở ra với Giêsu, ta sẽ thấy mình
được thanh thoát như Ngài.
“Giả như các ông là con cái ông Abraham,
hẳn các ông phải làm điều ông Abraham đã làm” (c. 39).
Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải
yêu mến tôi,
vì tôi đã phát xuất từ Thiên Chúa…” (c. 42).
Như thế những kẻ chống đối Đức Giêsu
thật ra chẳng phải là con cái thật sự của ông Abraham
hay con cái Thiên Chúa.
Họ sống trong ảo tưởng về mình khi họ cương quyết loại
trừ Đức Giêsu.
Trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, người dự tòng
đã tuyên xưng
từ bỏ tội lỗi, để sống trong tự do của con cái Thiên
Chúa,
từ bỏ những quyến rũ bất chính, để khỏi làm nô lệ cho
tội lỗi.
Mùa Chay là thời gian để chúng ta trở lại điều mình đã
tuyên xưng,
để được sống đúng với ơn gọi Kitô hữu mình đã lãnh
nhận.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải thoát chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho
tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần
nào
sự phong phú của kho tàng
trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng
con có,
để mua được viên ngọc quý
là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người
trong chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG TƯ
Nhìn Bằng Con Mắt Đức
Tin
Các Tông Đồ xác nhận với
chúng ta rằng Thiên Chúa đã nâng Đức Giêsu dậy, và Người đã được nhìn thấy –
“không phải bởi toàn dân, mà bởi chúng tôi là những chứng nhân đã được Thiên
Chúa tuyển chọn từ trước” (Cv 10,41).
Khi Đức Giêsu hiện ra,
Người trao cho các Tông Đồ nhiệm vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho mọi người
về Đức Kitô chịu đóng đanh và sống lại từ cõi chết. Đức Kitô sẽ hiện diện bất cứ
nơi đâu mà tin mừng của những thị chứng nhân này được đón nhận và được tin.
Chỉ một vài người đã
nhìn thấy Đấng Phục Sinh, nhưng tất cả mọi người đều được mời gọi tin vào Người
bởi vì – theo lời chứng của Thánh Kinh – hết thảy mọi người đều được mời gọi nhận
ơn cứu độ, và do đó được mời gọi đón nhận đức tin. Đó là lý do tại sao Đức Kitô
quở trách thái độ cứng lòng của Tô-ma và Người chúc phúc cho tất cả những ai sẽ
khám phá ra Đức Kitô duy chỉ nhờ lời chứng của sứ điệp đức tin: “Vì anh đã
trông thấy Thầy nên anh đã tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga
20,29).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 05 – 4
Thánh Vinh sơn
Ferrô, linh mục
Đn 3,
11-20.91-92.95; Ga 8, 31-42.
LỜI SUY NIỆM: “Nếu các ông ở
lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ của tôi; các ông sẽ biết sự
thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.”
Lời mời gọi của Chúa
hôm nay luôn được tiếp nối qua bao thế hệ. Để được hưởng niềm vui trong Chúa từng
ngày một. Đức |Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Tôi mời gọi Kitô hữu, ở bất cứ nơi
nào và hoàn cảnh nào, ngay lúc này đổi mới cuộc gặp gỡ cá nhân của mình với
Chúa Giêsu Kitô, hay ít ra quyết định để cho Người gặp gỡ mình và không ngừng
tìm kiếm Người mỗi ngày”.
Lạy Chúa Giêsu, trong
từng ngày sống của chúng con luôn bị ma quỷ cám dỗ. Xin cho chúng con luôn có
được Lời Chúa trong mình, để làm khí cụ chống trả với những cám dỗ đó, mà cùng
nhau cất tiếng với “Thánh ca của A-da-ri-a trong lò lửa.”
Lạy Chúa Giêsu, Xin
cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, luôn ghi dấu Thánh Giá trên mình
trong mọi hoàn cảnh, cũng như trong mọi công việc của chúng con từ khởi sự và
sau khi hoàn thành.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 05-04
Thánh VINCENTE
FERRIO
Linh Mục (1350 -
1419)
Đối với tín hữu Việt
Nam, thánh Vincentê Ferriô đã thường được khấn như vị thánh hay làm phép lạ. Cuộc
đời của vị tông đồ Âu Châu, vinh quang của Giáo hội, vinh dự của dòng giảng
thuyết này cũng rất lạ lùng, Ngài chào đời tại Valentia nước Tây Ban Nha ngày
23 tháng 01 năm 1350. Mặc dầu gia đình giàu có, nhưng thân mẫu thánh nhân đã muốn
tự mình nuôi dưỡng con.
Lên sáu tuổi, Vincentê
cắp sách đến trường và đã tỏ ra có nhiều ân huệ đặc biệt. Còn là một con trẻ
ngây thơ nhưng Ngài đã có sức hấp dẫn lạ lùng. Bạn trẻ thường vây kín quanh
Ngài để tham dự một trò chơi diễn lại bài giảng ở nhà thờ. Vincentê luôn diễn
giảng chính xác và hùng hồn một cách đáng ngạc nhiên. Mười hai tuổi thánh nhân
theo môn triết học, mười bốn tuổi Ngài học thần học. Người ta kể rằng vào lúc
này, đã một lần thánh nhân làm cho một đứa trẻ đã chết sống lại. Câu chuyện xảy
ra khi những đứa bạn xấu bày trò chết giả và xin Vincentê thương giúp. Nhưng đứa
giả chết lại chết thật làm chúng phải kinh hoàng. Đáp lời van xin khẩn thiết của
chúng, thánh nhân đã cầu nguyện rồi cầm tay đứa chết cho nó sống lại.
Lên mười bảy tuổi,
Vincentê đã được các giáo sư coi như ngang hàng với mình. Đây là lúc Ngài phải
quyết định hoặc làm giáo sư tại Roma và lập gia đình, hoặc là theo đuổi lý tưởng
tu dòng. Thánh nhân đã quyết định gia nhập dòng thánh Đaminh. Đầy xúc cảm và
hãnh diện, ngày 05 tháng 02 năm 1367, ông thân sinh đã dẫn Ngài tới cha bề trên
dòng Đaminh ở Valentina.
Nhưng chưa được một
năm, thân mẫu Ngài lại luyến tiếc tương lai rực sáng của con, và đã cố gắng đưa
con trở về lại thế gian. Thoạt đầu Vincentê có cám dỗ, nhưng sau đó Ngài đã thốt
lên câu nói làm đà tiền cho suốt cuộc đời: - Lạy Chúa, con chọn Chúa mãi mãi.
Ngài được đưa về
Barcelona và năm1370 đã trở thành giảng viên triết học tại dòng Đaminh ở tại
Lerida. Năm 1373, khi trở lại Barcelona để học tiếng Ả rập và Do thái Ngài đã
trở thành nhà giảng thuyết lừng danh.
Năm 1377, Vincentê được
gọi sang Toulouse để học thêm. Mới đây Ngài kéo được sự chú ý của đức hồng y
Pedro da Luna, vị đại diện của phản giáo hoàng tương lai ở Avignon. Từ năm 1385
tới năm 1930 thuyết giảng thần học ở nhà thờ chính toà Valentina và sau đó vào
nhóm với Hồng Y Pedro Da Luna. Ngài nhiệt tâm rao giảng nhất là cho dân Do thái
và dân Mô (Maures). Ngài đã cải hóa được một thày Rabbi ở Valladolid, người sau
này trở thành giám mục Phaolô miền Burgos và cùng với thánh nhân can đảm trong
nỗ lực cải hoá người Do thái ở Tây Ban Nha. Từ năm 1391 Yolanda ở Aragon. Thời
kỳ này, Ngài bị tra vấn vì rao giảng sự thống hối. Pedro Da Luna, người đã được
chọn làm giáo hoàng Benedictô XIII ở Avignon đã cứu Ngài khỏi bị xử án và mời
Ngài về giáo triều làm cha linh hướng và cha giải tội.
Tỉnh ngộ trước những nỗ
lực nhằm hàn gắn sự phân rẽ giữa Roma và Avignon, thánh Vincentê được thị kiến
thấy Chúa Giêsu ở giữa thánh Phanxicô và thánh Đaminh sai đích danh Ngài đi rao
giảng sự thống hối. Tháng 11 năm 1399 được Đức Bênêdictô XIII cho phép làm việc
này, Ngài đã rao khắp miền Tây Âu để rao giảng cho tới ngày lìa trần. Từng đoàn
hối nhân từ 3000 tới 10.000 người theo Ngài và đánh tội.
Năm 1416, Ngài rút lại
sự ủng hộ của mình và của vương quốc Aragon đối với Đức Bênêdictô XIII vì vị phản
giáo hoàng ở Avignon không nghiêm chỉnh để hàn gắn sự phân rẽ khi từ chối đòi hỏi
thoái vị công đồng Constance đưa ra. Quyết định của thánh Vincentê có ảnh hưởng
tới việc thoái vị của Đức Bênedictô và giúp dễ dàng chấm dứt sự phân rẽ.
Thành quả thánh
Vincentê thực hiện được thật lớn lao. Đối lại, thánh nhân đã phải chịu biết bao
nhiêu là đau khổ thử thách. Chúng ta đã nói đến thử thách buổi đầu khi Ngài chọn
đời sống hiến dâng. Lời vu oan đuổi theo từng bước chân Ngài và các tội nhân cứng
lòng tìm hết cách để tiêu diệt Ngài. Chúng ta nhắc lại đây hai trường hợp:
- Một phụ nữ dâm dật lẻn
vào phòng Ngài, nhưng thánh nhân thay vì chiều theo những đề nghị của chị ta,
đã giảng giải cho chị biết rõ sự nguy hiểm bị hư mất đời đời, khiến chị ta quỳ
gối dưới chân Ngài xin lỗi rồi rút lui vào một tu viện để đền tội.
- Một phụ nữ khác giả
bệnh để mời Vincentê đến. Vừa thấy Ngài tới phòng, chị ta không một chút hổ thẹn
đã tỏ rõ ý định của mình. Thánh nhân lập tức rút lui. Giận dữ chị ta vu cáo rằng:
thánh nhân đã dám xâm phạm tiết hạnh chị. Nhưng về sau chị đã thú nhận tất cả
và công khai đền tội.
Vượt qua được những thử
thách, thánh Vincentê còn có những bí quyết để thành công, chẳng hạn trong việc
học hành Ngài cho biết: - "Muốn thành công trong việc học hành hãy tham khảo
thánh kinh hơn là sách vở. Hãy khiêm tốn xin Chúa ơn được thông hiểu điều bạn đọc,
học hành làm mệt trí và làm khô cứng cõi lòng. Bạn thường xuyên đến dưới chân
Chúa Giêsu để phục hồi sinh lực".
Thực hiện lời khuyên của
mình, thánh nhân dọn bài giảng dưới chân thánh giá, kèm theo những hành vi sám
hối cực khổ. Khi nói với dân chúng Ngài lại quỳ trước thánh giá như thể mọi
vinh dự chỉ thuộc về Chúa Kitô mà thôi.
Cuộc đời luôn ướp đặm
trong tình yêu Chúa, khiến Ngài được ví như thiên thần Chúa trong buổi lễ Hiện
xuống: để trả lời cho đám đông dân chúng nhiều miền khác nhau ngạc nhiên vì hiểu
được Ngài, Ngài nói: - Tôi nói tiếng mẹ đẻ của tôi, thứ tiếng độc nhất mà tôi
biết với một ít tiếng Latinh và tiếng Do thái. Vậy chính Thiên Chúa thân hành
giúp các bạn hiểu được.
Các thôn xóm nào đông
mỗi khi nghe tin thánh Vincentê sắp đến : công nhân nghỉ việc, thương gia đóng
cửa tiệm buôn, thầy dạy bãi khóa... để đi nghe giảng bất kễ trời mưa hay nắng.
Thánh nhân nhiệt tâm nói về sự chết và hỏa ngục. Nhiều tiếng khóc than nức nở cắt
ngang lời Ngài khiến Ngài cũng phải khóc theo. Người ta nói rằng nhiều tội nhân
nghe lời giảng của Ngài đã ngã chết vì đau đớn rồi hiện về cho biết lòng thống
hối đã làm cho họ đáng được hưởng Nước thiên đàng.
Chấm dứt bài giảng,
thánh nhân tiếp tục ngồi tòa để phục sinh các tâm hồn.
Hay nói về sự chết và
hỏa ngục nhưng thánh nhân cũng thường dùng tính hài hước để sửa dạy các tâm hồn.
Ngày nay người ta còn nhắc lại mãi câu chuyện của một phụ nữ. Nàng đau buồn nhiều
vì tính nóng nảy của chồng, nhưng không biết dẹp tính bép xép của mình. Thánh
nhân khuyên nhủ nàng : - Đây là phương thế có thể sửa đổi tính nóng của chồng
chị. Ra về chị hãy xin thày giữ cửa một bình kín ở giếng nhà dòng. Mỗi khi chồng
về nhà, chị hãy uống một ngụm, nhưng đừng đừng nuốt ngay và ngậm càng lâu càng
tốt. Giữ mãi được như vậy, chồng chị sẽ hiền lành như một con chiên.
Sau một thời gian kết
qủa thật khả quan. Người chồng hoàn toàn thay đổi và người phụ nữ tới cảm ơn
thánh nhân, vì phương dược thần hiệu đã tiêu diệt được mọi cuộc cãi vã. Phương
ngôn Tây Ban Nha còn nói: - Hãy uống nước Thày Vincentê
Một người trong cơn
thù hằn đã không muốn tha thứ cho người thợ đóng giày. Thánh nhân bảo: - Hãy
tha thứ cho chính mình. Ông đang gậm nhấm lòng mình vì không quan tâm đến linh
hồn hư mất trong khi vẫn ăn uống và phí phạm thời gian.
Người đó đành thú nhận
: - Vâng, tôi hiểu rằng: ghen ghét như vậy là khùng.
Ngoài nhiệt tình và
tài hùng biện đã mang lại thành công cho thánh Vincentê, còn phải kể đến những
phép lạ mà Chúa đã làm qua tay thánh nhân. Ngài đã làm vô số những phép lạ. Chỉ
nguyên việc điều tra ở Avignon và một vài thành phố khác cũng ghi lại được hơn
860 phép lạ thánh nhân đã làm. Chúng ta ghi một vài sự kiện:
- Ở Morella, thánh
Vincentê đã cứu sống một đưá trẻ mà người mẹ nó trong một cơn điên, đã giết rồi
đem nướng.
- Ở Pampeluna
Ngài đã dạy một người bị xử tử oan uổng nói lên sự thật.
- Ở Vannes Ngài đã bảo
một em bé da đen mới sinh nói rõ ai là cha mình, để giải tỏa nỗi lòng đau khổ của
người mẹ vì bị chồng nghi ngờ... tuy nhiên chính cuộc sống của thánh Vincentê
đã là một phép lạ với những chuyến đi khắp nơi bất kể thời tiết và với việc ăn
chay, cuộc sống khắc khổ không ngừng.
Năm 1417 bá tước miền
Bretanghe mời thánh nhân tới lãnh điạ của mình. Giữa cuộc tiếp rước long trọng,
Ngài đã yếu đuối khó đứng vững nổi, nhưng mỗi khi làm việc, một sinh lực mới
khiến Ngài hăng hái hoạt động như hồi thiếu niên, để rồi khi xong việc sức lực
Ngài lại tàn tạ như cũ. Ròng rã hai mươi tháng như vậy, thánh nhân đã nỗ lực cải
hoá miền Bretagne và Normandie.
Cuối cùng Ngài mới trở
về Valentia. Nhưng tới Valentia Ngài kiệt sức và qua đời ngày 05 tháng 04 năm
1419.
(daminhvn.net)
05 Tháng Tư
Chiếc Bong Bóng Bay
Câu chuyện được thuật
lại xảy ra tại vùng Nam Italia, nơi dân chúng không được sung túc cho lắm, so với
những vùng khác. Câu chuyện trên mang tựa đề là : "Chiếc bong bóng bay màu
hồng".
Chiếc bong bóng này
là kết quả của sự góp nhặt và tiết kiệm từng xu của Beppo, một em bé lên tám.
Hôm ấy, trong lúc các trẻ đồng tuổi cắp sách đến trường, Beppo chốn học, chạy
nhanh lên ngọn đồi để thả chiếc bong bóng màu hồng bay lên không trung. Cùng với
chiếc bong bóng, Beppo cẩn thận cột bức thư nó đã nắn nót viết từng chữ như
sau: "Chúa ơi, vài tuần nữa con sẽ có một đứa em. Gia đình con đã có sáu
anh em, nhưng cha mẹ con nghèo lắm. Nhà cửa chật chội và không có đủ giường chiếu,
nên chúng con phải ngủ chung ba đứa một giường. Lần này con không xin gì cho
con, nhưng con xin Chúa cho đứa em sắp sinh của chúng con một ít quần áo và tã,
quần áo xài rồi cũng được. Nhà con ở làng Arcol miền Nam nước Italia. Con tên
là Beppo Sala".
Sau khi thả chiếc
bong bóng hồng mang bức tâm thư lên trời, Beppo đứng ngước mắt nhìn lên trời
mãi đến khi chiếc bong bóng mất hút trong đám mây, nó mới thơ thẩn đi về nhà.
Những ngày sau đó
là những ngày tháng hồi hộp nhất đời của Beppo. Nhưng nó vẫn tiếp tục hy vọng
và cầu nghuyện. Sáu ngày nặng nề trôi qua, nhưng một buổi kia, lúc đang chơi với
các trẻ khác cùng xóm, Beppo thấy người giao bưu phẩm mang vào nhà một thùng
quà. Nó hồ hởi chạy nhanh về và nghe cha nó đang lớn tiếng cãi vã với nhân viên
bưu điện: "Chắc anh lầm rồi, tôi đâu có quen ai ở thành Rovigo. vả lại
chúng tôi đào đâu ra tiền để mua quà cáp". Người giao bưu phẩm phân trần:
"Món hàng đề tên và địa chỉ nhà ông, nếu không phải gửi cho ông thì còn gửi
cho ai nữa? Ông nhận nhanh lên, tôi còn phải đi giao nhiều món hàng nữa chứ có
phải chỉ có thùng này thôi đâu". Cha của Beppo trả lời: "Thôi đi ông
ơi, nhận hàng không phải của mình để rồi sau đó mang họa, làm gì có tiền mà bồi
thường".
Thấy câu chuyện dai
dẳng, Beppo bạo phổi nói xen vào: "Thì cha cứ mở ra xem thử, nếu không phải
là của mình thì mình gói trả lại".
Thùng đồ được mở ra, thấy toàn đồ cho trẻ sơ sinh.Nào tã, nào những chiếc áo nhỏ tí ti, nào băng rốn.Người gửi không quên gói vào hai hộp phấn và một lố những chiếc kim tây. Mắt của mẹ Beppo bừng sáng lên.Beppo cảm thấy vui như ngày tết, vui nhất là người gửi đồ không đề địa chỉ nên không thể gửi trả lại. Nó chạy nhanh ra ngọn đồi, nơi nó thả chiếc bong bóng màu hồng sáu ngày trước đây. Ðến nơi nó ngước mắt nhìn trời, miệng thì thầm: "Chúa ơi, con cám ơn Chúa".
Thùng đồ được mở ra, thấy toàn đồ cho trẻ sơ sinh.Nào tã, nào những chiếc áo nhỏ tí ti, nào băng rốn.Người gửi không quên gói vào hai hộp phấn và một lố những chiếc kim tây. Mắt của mẹ Beppo bừng sáng lên.Beppo cảm thấy vui như ngày tết, vui nhất là người gửi đồ không đề địa chỉ nên không thể gửi trả lại. Nó chạy nhanh ra ngọn đồi, nơi nó thả chiếc bong bóng màu hồng sáu ngày trước đây. Ðến nơi nó ngước mắt nhìn trời, miệng thì thầm: "Chúa ơi, con cám ơn Chúa".
Tuổi trẻ thường được gọi
là tuổi thơ, mà nói đến thơ là nói đến mộng. Trẻ thơ thường có những mơ ước đơn
sơ: mong bắt được nhiều dế, mơ con diều mình đang thả được bay cao, mong cho
mình khéo tay ăn được nhiều đạn trong cuộc chơi bi, mơ đội banh mình được thắng
trong cuộc đá bóng sắp tới. Nhưng đã có những mái đầu xanh đã bắt đầu lo lắng
cho cha mẹ, cho anh chị em như trong trường hợp của em bé mới lên tám tuổi
Beppo.
Theo cha Michel Bonnet, đã từng truyền giáo tại Nhật bản và nay đang làm cho phong trào quốc tế đặc trách mục vụ cho trẻ em, thì tại Á Châu, số trẻ emvì hoàn cảnh gia đình hay xã hội bắt buộc phải làm những công việc nặng nhọc vượt qua tuổi của chúng nhiều hơn là số trẻ em được cắp sách đến trường.
Theo cha Michel Bonnet, đã từng truyền giáo tại Nhật bản và nay đang làm cho phong trào quốc tế đặc trách mục vụ cho trẻ em, thì tại Á Châu, số trẻ emvì hoàn cảnh gia đình hay xã hội bắt buộc phải làm những công việc nặng nhọc vượt qua tuổi của chúng nhiều hơn là số trẻ em được cắp sách đến trường.
Cũng theo cha Bonnet,
đã đến lúc các tín hữu phải đọc dòng Phúc Âm mà mọi người đều thuộc nằm lòng,
nhưng với cái nhìn khác: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Ta, chớ ngăn cản
chúng, vì Nước Trời thuộc về những kẻ giống như chúng".
Và cha Bonnet đề nghị:
câu Phúc Âm trên tạo dịp cho chúng ta thấy Chúa Giêsu trong những trẻ con bị cưỡng
bách phải làm việc nặng nhọc. Qua các em, Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta:
"Hãy đến và theo Ta".
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Gioan
8:31-42
Thứ Tư, 5 Tháng 4, 2017
Thứ Tư Tuần V Mùa Chay
1. Lời
nguyện mở đầu
Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con,
Chúa gọi chúng con để trở thành người tự do.
Xin hãy giúp chúng con luôn luôn thưa với Chúa
Một lời đáp trả của tự do.
Được tự do bởi lời giải thoát và cái chết của Đức Kitô,
Nguyện xin cho chúng con không bao giờ
Tự trói buộc mình vào những sợi dây xích của chính mình nữa,
Dây trói của tội ích kỷ và những quyến luyến sai lạc.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2.
Phúc Âm – Gioan 8:31-42
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do Thái đã tin nơi Ngài rằng: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ
thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các
ngươi”. Họ thưa lại Người: “Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao
giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói
‘Các ngươi sẽ được tự do’?”
Chúa Giêsu trả lời rằng: “Quả thật,
quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội,
thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ
không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì
các ngươi sẽ được tự do thực sự. Ta biết
các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các
ngươi. Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha
Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều
các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi”. Họ
đáp lại: “Cha chúng tôi chính là
Abraham!”
Chúa Giêsu nói: “Nếu thực sự các
ngươi là con cháu Abraham, thì các ngươi làm công việc của Abraham! Nhưng các ngươi đang tìm giết Ta, là người đã
nói cho các ngươi biết sự thật mà Ta nghe tự Thiên Chúa. Điều đó Abraham đã không làm! Các ngươi đang làm việc của cha các
ngươi!” Họ lại nói: “Chúng tôi không phải là những đứa con
hoang! Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên
Chúa!”
Chúa Giêsu nói: “Nếu Thiên Chúa là
Cha các ngươi, thì các ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta
không tự mình mà đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta đến”.
3. Suy
Niệm
- Bài suy niệm về chương 8 của Tin Mừng
Gioan tiếp tục ngày hôm nay. Trong hình
thức của các vòng tròn đồng tâm, thánh sử Gioan đào sâu vào mầu nhiệm Thiên
Chúa bao quanh con người của Chúa Giêsu.
Nó có vẻ giống như là một lời lặp đi lặp lại, bởi vì ông luôn nói về
cùng một điểm. Thực ra, nó là một điểm,
nhưng mỗi lần ở một mức độ sâu sắc hơn.
Bài Tin Mừng hôm nay nói về chủ đề mối quan hệ của Chúa Giêsu với
Abraham, Tổ Phụ của Dân Thiên Chúa.
Gioan cố gắng giúp các cộng đoàn hiểu được cách Chúa Giêsu đặt mình
trong toàn bộ lịch sử Dân Thiên Chúa.
Ông giúp cho họ cảm nhận được sự khác biệt hiện diện giữa Chúa Giêsu và
người Do Thái, và cũng như sự khác biệt giữa người Do Thái và những người khác,
tất cả chúng ta đều là con cái của Abraham.
- Ga 8:31-32: Sự tự do phát xuất từ lòng trung thành với lời
của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu khẳng định với
người Do Thái: “Nếu các ngươi cứ ở trong
lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật
giải thoát các ngươi”. Để trở thành môn
đệ của Chúa Giêsu thì cũng giống như mở lòng mình ra với Thiên Chúa. Lời Chúa Giêsu chính là lời của Thiên
Chúa. Chúng thông tri sự thật, bởi vì
chúng làm cho mọi việc được biết như chúng đang ở dưới mắt của Thiên Chúa và
không phải như dưới mắt của người Biệt Phái.
Sau đó, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu sẽ dạy điều tương tự cho các môn đệ.
- Ga 8:33-38: Là con cái của Abraham thì có nghĩa gì. Người Do Thái phản ứng ngay lập tức: “Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao
giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói
‘Các ngươi sẽ được tự do’?” Chúa Giêsu lặp
lại và xác nhận sự khác biệt giữa người con và người nô lệ mà nói rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con
mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa
Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự.” Chúa Giêsu là người con và ở mãi trong nhà
Chúa Cha. Kẻ nô lệ thì không ở trong nhà
Chúa Cha. Sống ở ngoài nhà, ngoài nhà của Thiên Chúa có nghĩa là sống trong tội
lỗi. Nếu họ chấp nhận lời của Chúa Giêsu
thì họ có thể trở thành con cái và được tự do thực sự. Họ sẽ không còn là nô lệ nữa. Và Chúa Giêsu nói tiếp: “Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế
mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta
không thấm nhập vào lòng các ngươi.” Sự
khác biệt thì rất rõ ràng ngay tức thì:
“Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi
đã thấy nơi cha các ngươi”. Chúa Giêsu
không cho họ quyền nói rằng họ là con cái của Abraham, bởi vì các hành động của
họ khẳng định điều trái ngược.
- Ga 8:39-41a: Con cái Abraham thì làm công việc của
Abraham. Họ quả quyết xác định rằng: “Cha chúng tôi chính là Abraham!” như thể họ
muốn trưng ra cho Chúa Giêsu thấy một tài liệu về căn tính của họ. Chúa Giêsu lặp lại: “Nếu thực sự các ngươi là con cháu Abraham,
thì các ngươi làm công việc của Abraham!
Nhưng các ngươi đang tìm giết Ta, là người đã nói cho các ngươi biết sự
thật mà Ta nghe tự Thiên Chúa. Điều đó
Abraham đã không làm! Các ngươi đang làm
việc của cha các ngươi!” Giữa những lời
này, Người ngụ ý rằng họ là con cái của Satan (Ga 8:44). Người hàm ý rằng họ là những đứa con hoang.
- Ga 8:41b-42: “Nếu Thiên Chúa là Cha các ngươi, thì các
ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta không tự mình mà đến, nhưng
chính Ngài đã sai Ta đến”. Chúa Giêsu lặp
đi lặp lại cùng một sự thật nhưng dùng nhiều chữ khác nhau: “Bất cứ ai đến từ Thiên Chúa thì lắng nghe lời
của Thiên Chúa”. Nguồn gốc của lời khẳng
định này là từ tiên tri Giêrêmia, người đã nói rằng: “Ở trong chúng, Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng,
sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta.
Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này
nói với người kia: ‘Hãy học cho biết ĐỨC
CHÚA’, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta – Sấm ngôn của
ĐỨC CHÚA – Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của
chúng nữa” (Gr 31:33-34). Nhưng họ sẽ
không mở lòng mình ra để trải qua kinh nghiệm mới này về Thiên Chúa, và bởi vì
điều này, họ sẽ không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng đã được Chúa Cha sai đến.
4. Một
vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Sự tự do là việc quy phục hoàn
toàn trước Chúa Cha. Loại tự do này có
hiện hữu trong bạn không? Bạn có biết ai
như thế không?
- Kinh nghiệm sâu sắc nào trong tôi
đã hướng dẫn tôi nhận ra Đức Giêsu là Đấng đã được Thiên Chúa sai đến?
5. Lời
nguyện kết
Lạy CHÚA, chúc tụng Ngài là Thiên Chúa tổ tiên chúng con,
xin dâng lời ca tụng tôn vinh muôn đời.
Chúc tụng danh thánh Ngài vinh hiển, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn
đời.
Chúc tụng Chúa trong thánh điện vinh quang, xin dâng lời ca tụng tôn
vinh muôn đời.
Chúa tụng Chúa trên ngôi báu cửu trùng, xin dâng lời ca tung suy tôn
muôn đời.
(Đn 3:52-54)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét