Trang

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Hoa Kỳ và Trung Quốc: nước lên nước xuống có thể châm ngòi chiến tranh

Hoa Kỳ và Trung Quốc: nước lên nước xuống có thể châm ngòi chiến tranh
Vũ Văn An4/2/2017

Tuần tới, chủ tịch Trung Quốc, Tập Cẩn Bình, sẽ gặp tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, tại biệt thự Mar-a-Lago giữa lúc người ta cho rằng hai quốc gia do họ lãnh đạo đang trên đường tiến tới đụng nhau chát chúa.

Ít nhất nhận định trên cũng là của ký giả Graham Allison của tờ Washington Post ra ngày hôm nay. Thực vậy, theo ký giả này, một Trung Quốc đang lên một cách không thể nào cưỡng lại được là một thách thức lớn đối với sự thống trị đã trở thành quen thuộc của Hoa Kỳ. Chỉ cần xem xuất lượng kinh tế hoàn cầu của Hoa Kỳ giảm từ 22 phần trăm năm 1980 xuống còn 16 phần trăm hiện nay, trong khi cùng một xuất lượng ấy của Trung Quốc tăng từ 2 phần trăm lên 18 phần trăm là đủ thấy.

Các sử gia biết rõ khi một cường quốc đang lên đe dọa truất phế một cường quốc đang thống trị, thì chuông báo động nên được gióng lên: nguy hiểm cực kỳ đang ở trước mắt. Thucydides, một sử gia và là một viên tướng, từng giải thích về cuộc chiến tranh đã phá hủy hai thị quốc vĩ đại của cổ Hy Lạp rằng “chính sự đi lên của Athens và nỗi sợ do việc này gây ra cho Sparta đã làm cho cuộc chiến không thể nào tránh được”. Cũng thế, cách nay một thế kỷ, chính việc đi lên của Đức và nỗi sợ do việc này gây ra cho Anh đã để cho việc ám sát một đại quận công châm ngòi một cuộc chiến tranh tàn hại đến độ phải đòi cả một phạm trù hoàn toàn mới để đặt tên cho nó: Thế Chiến!

Mẫu mực trên mà Ký Gia Allison gọi là “Cái Bẫy Thucydides” thường hay diễn ra tới lui trong lịch sử. Thực thế, sự kiện việc một nước lên đi lên làm ngưng trệ địa vị một nước đang thống trị đã diễn ra ít nhất 16 lần trong vòng 500 năm qua, trong đó, 12 lần dẫn tới chiến tranh. Bốn lần kia sở dĩ tránh được chiến tranh là do các thích ứng vĩ đại và hết sức đau lòng trong thái độ và hành động của cả nước thách thức lẫn nước bị thách thức.

Theo Allison, chúng ta chắc chắn sẽ thấy hàng loạt các chạm trán giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong các năm sắp tới. Điều thắc mắc chỉ là các nhà lãnh đạo của hai đại cường này có thu xếp nổi để các chạm trán này không leo thang thành chiến tranh hay không mà thôi. Cho đến nay, việc này tùy thuộc hoàn toàn ở hai ông Trump và Tập.

Về nhân cách, theo Allison, Trump và Tập không thể nào khác hơn được. Bất chấp các hình thức bề ngoài của một cuộc thượng đỉnh được dàn bài bản, phong cách trái ngược nhau của họ cũng sẽ được lộ nguyên hình. Xét theo nhiều phương diện, họ phản chiếu hình ảnh của nhau.

Cả hai đoan hứa sẽ khôi phục sự vĩ đại của đất nước họ bằng một nghị trình thay đổi triệt để. Ai cũng biết câu nói đã trở thành thương hiệu của Trump. Còn Tập, khi mới lên cầm quyền năm 2012, đã tuyên bố “giấc mộng Trung Quốc” của ông khi kêu gọi “cuộc phục hưng vĩ đại Quốc Gia Trung Hoa” .

Cả hai đều hãnh diện đối với điều họ coi là tài lãnh đạo của mình. Trump xây dựng các hoài bão tổng thống của mình trên điều ông ta mô tả là sự nhậy bén kinh doanh vô địch, từng nổi tiếng cho rằng chỉ có ông ta mới giải quyết được các nan đề của quốc gia mà thôi. Tập đã tập trung quyền lực một cách chắc chắn trong tay mình đến nỗi hiện được coi là “Chủ Tịch Mọi Sự”. Thực thế, chủ nghĩa ngoại hạng đóng trên nghị trình chính trị của mỗi người này khiến người ta nghĩ tới một sự tương tự lớn lao hơn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc: cả hai đều có mặc cảm tự tôn cực kỳ cao độ. Bên nào cũng coi như mình không có người ngang ngửa.

Và, có lẽ quan trọng hơn cả, cả Trump lẫn Tập coi quốc gia do người kia lãnh đạo như trở ngại chính cho việc mình thực hiện tham vọng cốt lõi của mình.

Mối nguy là giữa sự căng thẳng về cơ cấu do sự đi lên của Trung Quốc gây ra và được tăng tốc bởi các viễn kiến đối chọi nhau của Trump và Tập, các khủng hoảng không thể tránh đáng lẽ có thể được kìm hãm thì kết cục sẽ nổ bùng thành những hậu quả không bên nào mong đợi.

Những mồi lửa có tiềm năng khơi ngòi cho một tranh chấp như trên đang diễn ra hàng ngày một cách đáng kinh hoàng. Ngay dưới thời chính phủ Trump, các căng thẳng cũng đã đang leo thang rồi về vị thế của Đài Loan, các tham vọng của Bắc Hàn về hạch nhân và mậu dịch. Lúc còn tranh cử, Trump đã tố cáo Trung Quốc “cưỡng hiếp” kinh tế Hoa Kỳ. Hôm thứ Năm vừa qua, Trump “hót” rằng cuộc gặp gỡ với Tập “sẽ là một cuộc gặp gỡ rất khó khăn” vì “chúng ta không thể chịu được các thiếu hụt khổng lồ về mậu dịch và các mất mát về nhân dụng nữa”.

Liệu tranh chấp mậu dịch có thể trở thành một cuộc chiến tranh nóng với những vụ phóng bom nguyên tử hay không? Tuy nghe ra có vẻ vô lý, nhưng ta hãy nhớ: cuộc tấn công Trân Châu Cảng của Nhật đã diễn ra sau khi Hoa Kỳ áp đặt các cấm vận gây tê liệt cho Nhật, khiến Hoa Kỳ phải bước vào một cuộc chiến tranh từng được kết thúc với các trái bom nguyên tử giáng xuống Hiroshima và Nagasaki.

Con đường thẳng nhất dẫn tới chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có lẽ sẽ bắt đầu với việc Đài Loan xoay chuyển bất chợt hướng tới độc lập. Trong thời chuyển quyền tổng thống, Trump từng nhắc tới sự báo động này bằng những cú “hót” và điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan. Không một viên chức an ninh quốc gia Trung Quốc nào được Allison tiếp xúc và không viên chức Hoa Kỳ từng khảo sát tình thế nào, lại hoài nghi việc Trung Quốc sẽ chọn chiến tranh khi mất một lãnh thổ mà họ coi là sinh tử đối với quyền lợi quốc gia. Tổng Thống Đài Loan nào, với sự khuyến khích của Trump hay không, thử liều vượt qua các lằn ranh đỏ của Bắc Kinh mà xem, Trung Quốc hẳn sẽ bắt đầu với ấn bản cập nhật cuộc “tập trận hỏa tiễn” năm 1996 từng bao quanh Đài Loan. Hoa Kỳ mà tới trợ giúp Đài Loan bằng cách cung cấp các tầu Hải Quân hộ tống đoàn tầu cung cấp cho nước này mà xem, Trung Quốc chắc chắn sẽ bắn chìm một hai chiếc. Và để ngăn cản Trung Quốc không đè bẹp Đài Loan, Hoa Kỳ có thể sẽ phải tiến hành hàng loạt các cuộc tấn công liên hồi vào các căn cứ hỏa tiễn ở Hoa Lục, giết hại hàng ngàn người Trung Quốc. Khó có thể tưởng tượng Trung Hoa không đáp lễ các cuộc tấn công như thế bằng những cuộc tấn công tương đương vào các căn cứ không quân của Hoa Kỳ ở Guam và Nhật Bản, cũng như các hàng không mẫu hạm. Từ đó, việc oanh kích đất liền Hoa Kỳ không hẳn là điều khó khăn.

Bắc Hàn là một xúc tác khả hữu khác cho một cuộc chiến tranh không ai muốn xẩy ra, nhưng không vì thế mà không thể xẩy ra. Trong cuộc họp thượng đỉnh sắp tới, người ta nghĩ Trump sẽ yêu cầu Tập làm áp lực hơn nữa để Kim Jong-un hãm bớt chương trình hạch nhân của anh ta. Cứ theo con đường hiện nay, thì Bắc Hàn sẽ đạt được khả năng phóng vũ khí nguyên tử vào đất liền Hoa Kỳ trước sự chứng kiến của Trump. Tổng Thống từng nói rằng ông ta sẽ không để việc này diễn ra. Có tường trình cho rằng Ngũ Giác Đài đã sẵn sàng nhiều giải pháp quân sự khác nhau để hãm đà chương trình hoả tiễn của Bắc Hàn. Dù một số người hy vọng rằng hậu quả tràn lan (fallout) của cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở quân sự sẽ có hạn chế, cuộc tấn công của Hoa Kỳ sẽ khiêu khích một cuộc trả đũa khiến châm ngòi Chiến Tranh Triều Tiên thứ hai hay việc xụp đổ của chế độ nhà họ Kim. Cả hai sẽ dẫn tới chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Các nhà dự kiến chiến tranh của Hoa Kỳ từng khảo sát các viễn tượng dành cho Bắc Hàn, bắt đầu với việc xụp đổ chế độ. Khi xứ này lâm vào thế hỗn loạn, các lực lượng Hoa Kỳ sẽ tìm cách tiêu diệt các hệ thống vũ khí có khả năng phóng các đầu đạn hạch nhân nhắm vào Nam Hàn, Nhật Bản hoặc Guam. Bộ Chỉ Huy Hành Quân Hỗn Hợp Đặc Biệt của Hoa Kỳ hiện có sứ mệnh dài hạn phải nắm được “các loại vũ khí nguyên tử lỏng lẻo” (loose nukes) và đã được huấn luyện đi vào Bắc Hàn để kiểm soát các cơ sở vũ khí hạch nhân của nước này trước khi các chỉ huy ngỗ nghịch của họ tẩu tán các vũ khí này tới các cửa hàng vũ khí quốc tế. Nhưng vì người ta nghĩ rằng các cơ sở này được đặt gần biên giới Trung Quốc, nên chắc chắn các lực lượng đặc biệt của Trung Quốc sẽ đánh trả các lực lượng Hoa Kỳ tại đó. Như Tướng Raymond Thomas, trước đây đứng đầu Bộ Chỉ Huy Hành Quân Hỗn Hợp Đặc Biệt, từng cảnh cáo, mưu toan nắm được các vũ khí hạch nhân của Bắc Hàn chắc chắn sẽ đem lại một cuộc chạm trán thẳng thừng giữa Trung Quốc và các lực lượng liên quân Hoa Kỳ và Nam Hàn. Không biết sự hiện diện của nhau, kết cục họ sẽ lâm vào một cuộc chiến đấu và lầm tưởng cuộc chiến đấu bất ngờ này như một cuộc phục kích cố ý cần phải trả đũa.

Một việc có thể nữa là, sau khi chế độ bị xụp đổ, người tỵ nạn Bắc Hàn sẽ tràn vào Trung Quốc. Sợ cho sự bất ổn của mình, Trung Quốc sẽ phái quân đội của họ vào Bắc Hàn và thiết lập một nhà nước độn giữa nó và Nam Hàn. Dưới áp lực từ dân chúng của mình phải giải phóng các đồng bào đang sống dưới chế độ dã man nhất trên thế giới, chính phủ Nam Hàn cũng sẽ phái quân đội của họ bắc tiến. Vì quân đội và máy bay Hoa Kỳ trấn đóng ở Nam Hàn đã được hội nhập vào quân đội Nam Hàn trong các kế hoạch hành quân quân sự, nên các lực lượng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ trực diện chạm trán với nhau như họ đã làm vào năm 1950.

Có thể nào giải quyết được các căng thẳng cơ cấu giữa các cường quốc đang lên và đang thống trị mà không phải dùng tới chiến tranh hay không? Allison trả lời rằng có. Tập và Obama thậm chí đã thảo luận tới Cạm Bẫy Thucydides tại cuộc họp thượng đỉnh của họ vào năm 2015, nhưng không thỏa thuận phải làm gì để thoát được nó. Tập vốn đề nghị “một hình thức mới cho các liên hệ đại cường”. Nhưng ông ta hiểu điều này như một ý niệm bành trướng các quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc, bao gồm phạm vi ảnh hưởng Á Châu, điều mà Hoa Kỳ không thể nào chấp nhận.

Nay Trump và Tập có cơ hội lèo lái mối liên hệ quan trọng nhất của thế kỷ 21. Quan trọng hơn bất cứ điều chuyên biệt nào có thể do hội nghị thượng đỉnh này đem lại là việc liệu các nhà lãnh đạo của hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới có nhìn nhận các nguy cơ mà bất cứ con mắt tầm thường nào cũng đã thấy được. Nếu họ chỉ loay hoay với những việc thường lệ, thì chắc chắn ta vẫn để lịch sử chuyển vần theo lẽ thường của nó nghĩa là vận rủi chiến tranh là điều không thể tránh khỏi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét