Trang

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

Không nên đem hoa và nến trong cuộc rước dâng của lễ (P2)

Không nên đem hoa và nến trong cuộc rước dâng của lễ (P2)

Từ thế kỷ VII, Giáo hội bên Tây phương cho hát Agnus Dei (Lạy Chiên Thiên Chúa...) kèm theo nghi thức Bẻ bánh. Nhưng đến thế kỷ VIII-IX, Giáo hội bên Tây phương chuyển sang dùng bánh không men thay cho bánh có men là thứ bánh hằng ngày dân chúng vẫn dùng trong các bữa ăn và có thể mua cách dễ dàng tại các tiệm bánh. Vì bánh không men được chuẩn bị cách đơn giản từ bột và nước mà không thêm bất kỳ một loại men nào, cho nên có thể giữ được lâu mà không sợ hư. Đàng khác, để tỏ lòng cung kính, người ta làm thứ bánh riêng theo hình tròn và dẹp. Bánh loại này không dễ bị rơi vãi vụn, dễ dàng phân phát cho nhiều người, do vậy không cần giáo dân đem lễ vật đến dâng trong phần Chuẩn bị Lễ vật nữa. Đó là lý do thay vì dân chúng mang bánh đến tiến dâng, sang thế kỷ XI, người ta dâng cúng tiền bạc. Điều này kéo theo hai việc: i] Cuộc rước kiệu phẩm vật biến mất; ii] Hình thành thực hành quyên tiền trong thánh h lễ, xuất hiện khái niệm và thực hành xin lễ các linh mục, nhất là tang gia xin lễ cầu cho người quá cố của họ. Thói quen xin lễ như thế trở nên phổ biến vào thời Trung cổ, nhất là tại các đan viện vì nơi đây có nhiều linh mục. Nhưng tập tục này lại làm tách biệt việc dâng lễ với sự hiện diện để tham dự thánh lễ vì giáo dân nghĩ rằng họ chỉ cần xin lễ, tức “khoán trắng” cho các linh mục dâng lễ bằng một món tiền để ngài cầu nguyện theo ý chỉ là đủ, là đã hiệp thông với linh mục khi ngài dâng lễ rồi, không cần thiết họ phải đến hiện diện trong Thánh lễ nữa.1
Thực hành rước dâng lễ vật hiện nay
Cuộc rước lễ phẩm được áp dụng phổ biến như hiện nay được phục hồi trở lại sau Công đồng Vatican II với hướng dẫn trong Sách lễ 1970.2 Toàn bộ nghi thức chuẩn bị bàn thờ và lễ vật hiện nay bao gồm: [1] Chuẩn bị bàn thờ; [2] Mang lễ vật trong đoàn rước lên bàn thờ; [3] Đặt lễ vật lên bàn thờ (sau khi đọc lời nguyện “Lạy Chúa là Chúa cả trời đất…”); [4] Xông hương lễ vật, dân chúng và chủ tế rửa tay; [5] Đọc Lời nguyện Tiến lễ.3
Vì bài viết này chỉ xem xét lễ phẩm dâng tiến mang trong đoàn rước, nên chỉ nêu ra hai văn bản  hướng dẫn cụ thể:
1] Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma [2002] số 73:
Bắt đầu phần phụng vụ Thánh Thể, các lễ vật được đưa lên bàn thờ và sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Kitô.
Trước hết phải chuẩn bị bàn thờ hoặc còn gọi là bàn ăn của Chúa, tâm điểm nơi diễn ra toàn bộ phần phụng vụ Thánh Thể, phải trải trên đó một khăn thánh, đặt khăn lau chén, Sách lễ và chén lễ, trừ khi chén lễ được dọn ở bàn phụ.
Tiếp đến là đem lễ vật lên: nên để giáo dân dâng bánh và rượu, linh mục hoặc phó tế nhận tại một nơi thuận tiện, và đưa lên bàn thờ. Mặc dầu ngày nay giáo dân không còn mang bánh rượu của mình đến để dùng vào việc phụng vụ như xưa, nhưng việc dâng lễ vật vẫn giữ được giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của nó.
Cũng được nhận tiền bạc hoặc các phẩm vật khác, do tín hữu mang đến hoặc được quyên ngay trong nhà thờ để giúp người nghèo hoặc nhà thờ, những phẩm vật này được đặt ở một nơi xứng hợp ngoài bàn thờ.
2] Nghi thức Thánh lễ [2002] số 22:
Các tín hữu nên biểu lộ sự tham dự của mình bằng việc dâng lễ vật: hoặc dấng bánh rượu để cử hành thánh lễ, hoặc những lễ vật khác theo nhu cầu của Hội Thánh và người nghèo.
Từ hướng dẫn ở trên, chúng ta thấy rằng:
Mục đích chính của nghi thức dâng lễ là mang lên bàn thờ bánh và rượu được sử dụng cho hy lễ Thánh Thể.
Ngoài bánh và rượu ra, có thể đem theo cuộc rước những lễ vật khác nữa trong đó có cả tặng phẩm dưới hình thức tiền bạc hay những lễ phẩm khác nhằm mục đích chăm lo cho Hội Thánh cũng như giúp đỡ người nghèo.
Tiền bạc, cũng như những vật phẩm khác dành cho người nghèo, phải được đặt để vào một nơi thích hợp, ngoài bàn tiệc Thánh Thể vì khác với bánh rượu, chúng không trực tiếp thuộc về dấu chỉ bí tích của bữa tiệc.
Có thể mang theo hoa và nến trong cuộc rước không?
Có những lý do sau đây khiến chúng ta phải loại hoa và nến [đang cháy] ra khỏi cuộc rước dâng lễ vật:
1] Không phải hoa hay nến, mà chính là bánh và rượu cũng như những lễ phẩm khác tín hữu đem lên trong cuộc rước là những dấu chỉ bên ngoài về hy lễ thiêng liêng của họ, đó là biểu tượng của “một tâm hồn thống hối ăn năn và lòng mến Chúa yêu người, làm cho chúng ta xứng hợp với hy lễ của Đức Kitô, Đấng đã nộp chính mình vì chúng ta”.4 Sở dĩ Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma số 73 khẳng định “việc dâng lễ vật vẫn giữ được giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của nó” là bởi vì nghi thức rước lễ phẩm: i] Diễn tả việc toàn thể cộng đoàn đều tham dự vào hiến tế của Chúa Kitô trong thánh lễ [mà không còn là việc của riêng linh mục nữa] cũng như vào trong sứ vụ của Giáo hội;5 ii] Cho thấy rõ hơn là tất cả đời sống con người đi vào trong mầu nhiệm đang khởi sự; iii] Ngay sau nghi thức này, các tín hữu được chuẩn bị để tham dự cách thiêng liêng vào hy tế của Đức Kitô trong Kinh nguyện Thánh Thể.6
2] Chủ đích của cuộc rước dâng lễ vật không phải là rước các biểu tượng khác cho bằng là đem “dâng tiến”: i] Bánh rượu: Đai diện cho tất cả những gì mà thiên nhiên tạo ra và nằm trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa. Đây cũng là hoa màu ruộng đất và công lao của con người [xét như là một biểu tượng cực kỳ mạnh mẽ về của ăn nuôi sống con người nói chung (bánh - St 3, 19; Mt 6, 11), biểu tượng cho niềm vui mừng hạnh phúc của con người (rượu - Tv 104, 15; Hc 31, 27-28; Cn 31, 6-7; Gv 10, 19) cũng như biểu tượng cho toàn bộ cuộc sống chúng ta và của chính bản thân mỗi người chúng ta: thể lý, tâm lý và thiêng liêng] vốn đã được sử dụng trong bối cảnh của lễ Vượt qua và trong bữa Tiệc ly và sẽ được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô để chúng ta được nuôi dưỡng, được hiệp thông với Chúa và với nhau khi lãnh nhận Thánh Thể (1Cr 10, 16-17);7 ii] Tiền bạc và những tặng phẩm khác: xét như là nhu yếu phẩm dành cho nhu cầu của Giáo hội và người nghèo sau thánh lễ, tức phục vụ cho sứ vụ của Giáo hội và của giáo xứ: hoat động bác ái và loan báo Tin Mừng. Thế nên, có thể nói, cuộc rước chuẩn bị lễ vật  chính là một bài thực tập và thực hành về tình yêu dành cho tha nhân, nhất là đối với những người yếu đau, bệnh tật và nghèo túng.
Trong khi đó, hoa và nến là vật phẩm mang ý nghĩa hoàn toàn khác: chúng vừa không được sử dụng để làm chất liệu cho hy tế Thánh Thể vừa không dễ dàng diễn tả được lòng bác ái đối với người nghèo. Theo bản chất của chúng, hoa và nến cháy thường không phục vụ cho bất kỳ mục đích nào sau cử hành thánh lễ. Hơn nữa, mang theo hoa và nến trong đoàn rước sẽ xảy ra nguy cơ là dân chúng có thể chú ý đến những người mang hoa - nến hơn là những người mang bánh rượu và những lễ phẩm khác.
(còn nữa)
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SS

1 Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu,180; Xc. Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể, 107.
2 Xc. QCSL [1970], các số 49-52); Paul Turner, The Supper of the Lamb, 51.
3 Xc. QCSL [2002], các số 73-76.
4 Xc. Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Huấn thị Bí tích Cứu độ, số 70.
5 Công đồng Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 48.
6 Xc. QCSL 78.
7 Xc. QCSL 321.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét