Tông du Ai Cập và Diễn Văn Regensburg
Vũ Văn An5/1/2017
Đức
Phanxicô đã trở lại Rôma sau 2 ngày thăm viếng ngắn ngủi Ai Cập, nơi người Công
Giáo chưa chiếm tới nửa phần trăm dân số mà lại thuộc nhiều nghi lễ khác nhau.
Khối Kitô hữu đông đảo và thuần nhất lên tới 13 hay 15% dân số thì lại thuộc
Giáo Hội Chính Thống Coptic. Số còn lại thuộc Hồi Giáo Sunni, một thứ Hồi Giáo
không hẳn ủng hộ chủ nghĩa cực đoan nhân danh Thiên Chúa, nhưng cũng không hẳn
rút phép thông công của họ.
Nhận định về
chuyến đi tế nhị, mà Associated Press cho là chủ yếu nhằm tạo nên một mặt trận
thống nhất giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo chống lại chủ nghĩa đấu tranh tôn giáo
này, ký giả John L. Allen lưu ý đặc biệt tới cung giọng Regensburg trong bài diễn
văn của Đức Phanxicô với các nhà lãnh đạo của Ai Cập, khi nhấn mạnh rằng bạo lực
là một “phủ nhận mọi phát biểu tôn giáo chân chính”.
Nhà báo này
cho rằng các vị giáo hoàng có thể là bất cứ điều gì, trong đó có chính khách và
nhà ngoại giao, và đôi khi muốn hiểu sứ điệp của các ngài, ta cần phải “đọc giữa
các hàng chữ”. Tuy nhiên đôi khi, vì tình thế quá khẩn trương khiến các ngài phải
lao thẳng đầu vào để giải quyết không còn trò chơi dùng chữ thông thường hay dè
dặt chi nữa.
Ngày thứ
Sáu vừa qua, tại Ai Cập, người ta thấy dường như đó là sắc khí của Đức
Phanxicô. Muốn đặt mọi sự lên chiến tuyến! Thực thế, theo nhà báo này, điều Đức
Phanxicô muốn nói vào ngày này, ngày đầu tiên của chuyến đi hai ngày, gần như
là một ấn bản của bài diễn văn nổi tiếng, gây nhiều tranh luận của Đức
Bênêđíctô XVI tại Regensburg, Đức, năm 2006, trong đó, Đức Bênêđíctô XVI làm dấy
lên cả một cơn bão tố khi trích dẫn một câu nói liên kết Muhammed với bạo lực.
Đức
Phanxicô không trích dẫn như thế, nhưng ngài ngỏ một lời kêu gọi rõ ràng và mạnh
mẽ tới các nhà lãnh đạo tôn giáo đang tham dự một Hội Nghị Quốc Tế về Hòa Bình
tại Đại Học, Al-Azhar, trung tâm học thuật đã có từ một ngàn năm nay của Hồi
Giáo Sunni, một lời kêu gọi mà trong bối cảnh Ai Cập ai cũng thấy có nghĩa là Hồi
Giáo phải là nơi trước nhất bác bỏ bạo lực nhân danh Thiên Chúa.
Ngài nói:
“Chúng ta, một lần nữa, hãy nói chữ ‘không’ rõ ràng và mạnh mẽ với mọi hình thức
bạo lực, trả thù và hận thù thực hiện nhân danh tôn giáo hay nhân danh Thiên
Chúa. Cùng nhau, chúng ta hãy khẳng định sự bất tương hợp giữa bạo lực và đức
tin, giữa niềm tin và lòng hận thù”.
Nói với một
quốc gia đang gặp rắc rối lớn do chủ nghĩa cực đoan duy Hồi Giáo gây ra và là một
quốc gia trong đó phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo vừa cầm quyền năm 2013, Đức
Phanxicô nhấn mạnh rằng điều khẩn trương là “lột mặt nạ bạo lực đang đội lốt
thánh thiện”.
Ngài nói tiếp:
“Chúng ta có nghĩa vụ tố cáo các vi phạm nhân phẩm và nhân quyền, lột mặt nạ
các mưu toan biện minh cho mọi hình thức hận thù nhân danh tôn giáo, và kết án
các mưu toan này như các biếm họa ngẫu thần về Thiên Chúa”.
Ngài cho
hay “Không hành vi bạo lực nào được vi phạm nhân danh Thiên Chúa, vì nó sẽ tục
hóa thánh danh Người”.
John Allen
cho hay: nhiều quan sát viên so sánh bầu không khí ở Al-Azhar hôm thứ Sáu với
cuộc tụ tập liên tôn do Thánh Gioan Phaolô II phát động ở Assisi, Ý, năm 1986,
với đủ các giáo sĩ Hồi Giáo và pháp sư, giáo sĩ Do Thái Giáo và giám mục Kitô
Giáo, tất cả gặp nhau để biểu dương chính nghĩa chung.
Luis
Badilla, giám đốc trang tin “Il Sismografo” của Ý lưu ý tới việc có cả đại diện
Do Thái Giáo ở Al-Azhar, dù Jordan và các quốc gia Trung Đông khác đều chống đối
nước này.
Các Kitô hữu
chiếm tỷ lệ không nhỏ tại Ai Cập nhưng thường bị chủ nghĩa đấu tranh tôn giáo
duy Hồi Giáo tấn công. Mới cách đây hai tuần, bom đã nổ tại hai nhà thờ Kitô
Giáo khiến ít nhất 45 người thiệt mạng.
Như đọc được
sắc khí của Đức Phanxicô, Đại Imam của Al-Azhar, ở ngay đầu bài diễn văn của
mình, đã mời gọi mọi người ở hội trường đứng lên im lặng ít phút để tưởng niệm
mọi nạn nhân của khủng bố và an ủi gia đình họ.
Dù Tòa
Thánh và Al-Azhar hiện đang có một ủy ban đối thoại hỗn hợp thường trực và đã
triển khai được một sự hợp tác nhen nhúm trong các năm gần đây, sau khi bị
ngưng trệ dưới thời Đức Bênêđíctô XVI, các nhà phê bình vẫn tiếp tục chỉ trích
giai cấp giáo sĩ lãnh đạo Hồi Giáo tại đại học và đền thờ này thủ vai nhị
trùng: giảng khoan dung và đa nguyên cho thế giới bên ngoài, nhưng sau bức màn,
lại ủng hộ các trào lưu quá khích trong nền văn hóa Ai Cập.
Trong bối cảnh
ấy, Đức Phanxicô đã yêu cầu mọi nhà lãnh đạo tôn giáo phải làm hơn nữa để chống
lại điều ngài gọi là “luận lý học kích động sự ác”, và cho rằng nay là lúc phải
biến “bầu khí bị ô nhiễm hận thù thành luận lý học huynh đệ”.
Ngài nhấn mạnh:
bạo lực nhân danh Thiên Chúa là “phủ nhận mọi phát biểu tôn giáo chân chính”.
Câu ấy,
cũng như nhiều câu tương tự trong bài diễn văn của Đức Phanxicô, được mọi người
vỗ tay tán thành.
“Ác chỉ có
thể đẻ ra nhiều ác hơn, và bạo lực đẻ ra nhiều bạo lực hơn, trong một vòng trôn
ốc kết thúc bằng việc giam hãm mọi người”, Đức Phanxicô nói thế và đặc biệt nhắc
đến sự quan trọng của việc giáo dục giới trẻ về hòa bình.
Giáo dục là
lý do tranh cãi ở Ai Cập, vì Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi đã kêu gọi phải sửa
đổi lại chương trình học để chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan tôn
giáo; gợi ý này đã bị một số phần tử trong giới lãnh đạo Hồi giáo ở trong nước
chống lại.
Bác bỏ điều
ngài mô tả như thái độ “cứng ngắc và não trạng khép kín”, Đức Phanxicô kêu gọi
người Ai Cập vừa "qúy giá quá khứ vừa đặt nó vào cuộc đối thoại với hiện tại",
học cách bao gồm người khác như “thành phần tạo thành" xã hội Ai Cập.
Đức
Phanxicô biết rằng mặc dù hiến pháp Ai Cập, về mặt lý thuyết, bảo vệ tự do tôn
giáo, và dù al-Sisi lên nắm quyền vào năm 2014 cam kết bảo vệ các Kitô hữu và
các nhóm thiểu số tôn giáo khác, trên thực tế, cuộc sống ngày càng trở nên bấp
bênh cho các Kitô hữu trong xã hội Hồi giáo Sunni áp đảo này.
Trong bối cảnh
đó, Đức Phanxicô dường như không dè dặt chút nào trong việc bênh vực tự do tôn
giáo và nhân quyền.
Ngài nói:
"Nhìn nhận các quyền và các tự do căn bản, đặc biệt là tự do tôn giáo, là
cách tốt nhất để cùng nhau xây dựng tương lai, thành những người xây đắp sự lịch
thiệp”.
Lý luận rằng
tôn giáo có một ơn gọi nội tại trong việc cổ vũ hòa bình, "ngày nay hơn
bao giờ hết", Đức Phanxicô cho rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo không thể
đơn giản chỉ phục vụ đối thoại và khoan dung bằng môi bằng mép, nhưng các hành
động của họ phải nhất quán với lời hoa mỹ của họ.
Ngài nói rằng
ít hữu dụng hoặc không hữu dụng chút nào khi chúng ta lớn tiếng nói, và sau đó
chạy khắp nơi tìm vũ khí để bảo vệ mình. Ngày nay, cần có những người kiến tạo
hòa bình, chứ không phải những người xúi giục mâu thuẫn; các người chữa lửa, chứ
không phải người cố ý đốt nhà; các nhà rao giảng hòa giải, chứ không phải những
người xúi bẩy phá hoại".
Đức
Phanxicô cũng cảnh báo chống lại "những hình thái dân túy mị dân", một
chủ nghĩa trong bối cảnh Trung Đông thường là mã số của các nhà lãnh đạo chính
trị và giáo sĩ lôi cuốn, những người chơi đùa trên các mâu thuẫn phe phái.
Tương tự như vậy, ngài tố cáo "các hành động đơn phương", một kiểu nói
chỉ các quyền lực thế giới chỉ lo khẳng định lợi ích riêng của họ trong khu vực,
như là "một hồng phúc dành cho những người chủ mưu chủ nghĩa cực đoan và bạo
lực".
Ngài cũng
kêu gọi phải phân biệt rõ ràng giữa tôn giáo và chính trị - điều mà người Mỹ thường
gọi là tách biệt Giáo Hội với nhà nước.
Ngài nói:
"Các lĩnh vực tôn giáo và chính trị bị lẫn lộn và không được phân biệt
thích đáng. Tôn giáo có nguy cơ bị đồng hóa với việc quản trị các sự việc trần
thế và bị cám dỗ bởi sự quyến rũ của các thế lực trần gian, là các thế lực,
trên thực tế, chỉ lo khai thác nó".
Cuối cùng,
Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng hòa bình phần chắc sẽ không nắm được nếu không chấm
dứt "sự lan tràn vũ khí".
Đức Giáo
Hoàng nói rằng "Chỉ bằng cách đưa ra ánh sáng mặt trời các thủ đoạn mờ ám
nuôi dưỡng ung thư chiến tranh, ta mới ngăn chặn được các nguyên nhân thực sự của
nó".
Al-Azhar
thay đổi lớn?
Trong một
bài báo viết ngày 30 tháng Tư, một ngay sau chuyến viếng thăm Ai Cập của Đức
Phanxicô, Allen lưu ý thái độ của Al-Azhar đối với cùng một nội dung nhưng do
hai vị giáo hoàng khác nhau trình bầy với họ.
Thực vậy, mới
sáu năm trước đây, vào ngày 1 tháng Giêng năm 2011, bom nổ tại một nhà thờ
Coptic ở Alexandria khiến 23 người thiệt mạng. Ở Rôma, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô
XVI lên án sự tàn ác dã man này trong bài nói chuyện lúc đọc kinh Truyền Tin của
ngài.
Ngài nói rằng
ngài “đau buồn nghe được tin về cuộc tấn công nghiêm trọng chống cộng đồng Kitô
Giáo Coptic tại Alexandria, Ai Cập. Hành vi giết chóc hèn nhát này, giống cuộc
đặt bom gần nhà của các Kitô hữu ở Iraq buộc họ phải trốn chạy, xúc phạm tới
Thiên Chúa và toàn thể nhân loại, những người mới hôm qua đã cầu nguyện cho hòa
bình và bắt đầu năm mới trong hy vọng.
Đức
Bênêđíctô XVI nói rằng "Đứng trước chiến lược bạo lực nhằm vào các Kitô hữu,
và có những hậu quả đối với toàn thể dân chúng này, tôi cầu nguyện cho các nạn
nhân và các thành viên gia đình họ, và khuyến khích các cộng đồng Giáo Hội kiên
trì trong đức tin và làm chứng nhân cho sự bất bạo động vốn phát sinh từ Tin Mừng".
Tình hình
trên tương tự một cách lạ kỳ với tình hình gần sát chuyến thăm Ai Cập trong các
ngày 28 đến 29 tháng 4 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, lúc cũng có các vụ đánh bom
tại hai nhà thờ Coptic ở Đồng Bằng Ai Cập và ở Alexandria, sát hại 45 người. Một
lần nữa, Đức Giáo Hoàng, lần này là Đức Phanxicô, đề cập tới vụ tàn sát.
Ngày 28
tháng Tư, trong bài diễn văn với các nhà lãnh đạo chính trị và dân sự Ai Cập,
ngài nói rằng "Tôi cũng nghĩ đến các nạn nhân của các cuộc tấn công vào
các nhà thờ Coptic, cả trong tháng 12 năm ngoái và gần đây hơn ở Tanta và
Alexandria.
"Với
các thành viên của gia đình họ, và với mọi người Ai Cập, tôi xin bày tỏ lời
chia buồn tận đáy lòng tôi và tôi cầu xin Chúa ban cho cho người bị thương mau
chóng được chữa lành".
Tuy nhiên,
điều khác biệt rõ rệt là phản ứng của giai cấp lãnh đạo chính trị và tôn giáo
Ai Cập.
Năm 2011,
chính phủ đã lên án các bình luận của Đức Bênêđictô XVI như là "can thiệp
vào nội tình Ai Cập một cách không thể chấp nhận được" và đã rút đại sứ của
mình từ Vatican về để tham khảo. Al-Azhar tham gia cuộc phản đối, bằng cách
thông báo rằng họ đình chỉ cuộc đối thoại hàng năm với Vatican và xem xét lại
các hình thức hợp tác khác vì Đức Bênêđíctô đã "liên tục đề cập đến Hồi
giáo một cách tiêu cực".
Nay, Ahmad
al-Tayeb, Đại Imam của Al-Azhar và thực tế là giáo sĩ Hồi giáo quan trọng nhất
của đất nước, đã cùng mọi người vỗ tay hoan hô Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ông
khẩn cầu các vị tử đạo Coptic, và gần như cũng mạnh mẽ như chính bản thân giáo
hoàng trong việc tố cáo bạo lực tôn giáo.
Hai vị trên
đã ôm nhau đầy thân tình vào hôm thứ Sáu, và, có lúc, Tayeb cảm động trông thấy
khi Đức Phanxicô gọi ông là "người anh em của tôi". Tayeb thậm chí bắt
đầu bài diễn văn của mình bằng cách kêu gọi mọi người trong hội trường đứng im
lặng ít phút để tưởng niệm các nạn nhân của khủng bố và an ủi gia đình họ.
Điều gì đã
thay đổi trong sáu năm qua?
Một lý do
có thể là bối cảnh chính trị ở Ai Cập đã ra khác. Năm 2011, chính phủ của Tổng
thống Hosni Mubarak lúc ấy đang phải đối mặt với cuộc phản kháng rộng rãi, và
cuối cùng bị truất khỏi quyền lực chưa đầy một tháng sau đó. Một số nhà phê
bình Mubarak lúc đó thậm chí còn cho rằng ông ta thực sự đứng đàng sau vụ tấn
công nhà thờ ở Alexandria, trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm biện minh cho cuộc
đàn áp quân sự rộng khắp để ngăn chặn phong trào phản kháng.
Trong bối cảnh
đó, chính phủ không thể nào chịu đựng được các lời chỉ trích từ bên ngoài, kể cả
của giáo hoàng. Lần này, chính quyền của Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi tỏ ra
vững chãi hơn, hưởng được sự ủng hộ khá rộng rãi, và chính Sisi đã coi cuộc đấu
tranh chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo như một ưu tiên
quốc gia có tính quyết định.
(Người duy
nhất có nhiều hài lòng đối với chuyến đi, hơn cả Đức Giáo Hoàng, có lẽ là chính
ông Sisi, người được sự ủng hộ mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng về chương trình chống
khủng bố của ông ta và ít bị giải thích như là chỉ trích đối với thành tích của
ông ta về nhân quyền và bất đồng chính trị).
Hơn nữa, Đức
Phanxicô không phải là Đức Bênêđíctô, người, công bằng hay không, không bao giờ
thoát khỏi di sản của bài phát biểu gây tranh cãi năm 2006 tại Regensburg, Đức,
một bài phát biểu làm sôi sục tâm tư người Hồi giáo qua việc xem ra đã liết kết
Tiên Tri Muhammad với bạo lực.
Đức Phanxicô
có được một khuôn mặt rất khác nơi thế giới Hồi giáo. Việc ngài không ngừng lặp
đi lặp lại rằng Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình, và không có điều gì gọi là
"chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo" vì bạo lực như vậy là bất tương hợp với
các giáo lý đức tin thực sự, đã giúp ngài tích lũy được cả một số vốn xã hội và
chính trị to lớn.
Thêm vào
đó, Đức Phanxicô còn có tài thiên bẩm dùng những cử chỉ tuy nhỏ mọn mà nói lên
rất nhiều - chẳng hạn, ngài mở đầu mọi bài phát biểu ở Ai Cập, kể cả bài giảng
trong Thánh Lễ Công Giáo vào hôm thứ Bảy, bằng cụm từ As-Salaam-Alaikum, lời
chào tiêu chuẩn bằng tiếng Ả Rập có ý nghĩa "Bình an cho anh chị em",
mà người Hồi giáo nghe như một dấu hiệu của sự tôn trọng. (Nhiều lần, Đức
Phanxicô được vỗ tay chỉ vì đã dùng cụm từ này).
Do đó, khi
Đức Phanxicô đến Ai Cập, và kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo "lột mặt nạ"
cái cái cớ dùng bạo lực, và đồng thời, làm nổi bật sự đau khổ của Giáo Hội
Coptic, lời lẽ của ngài đã được coi như nói lên chính nghĩa chung.
Tuy nhiên,
có lẽ điều còn căn bản hơn nữa là người ta có ấn tượng rằng người dân thường Ai
Cập đang ở một địa điểm khác hơn là địa điểm họ ở 6 năm trước đây.
Liên tục,
đó là những gì Allen nghe được từ người dân ở Cairo, không phải chỉ từ các Kitô
hữu mà từ đa số người Hồi giáo: Họ chán ngấy khủng bố rồi, họ nói thế. Họ chán
ngấy lòng cuồng tín rồi và "những kẻ điên cuồng" cưỡng đoạt đức tin
mà họ yêu mến, họ chán ngấy các cuộc đấu tranh và biến động phe phái, và họ
không muốn có ở Ai Cập điều họ thấy đang diễn ra ở Syria, Iraq và các thành trì
khác của ISIS .
Ngoài ra,
não trạng trên cũng giúp giải thích sự hỗ trợ phổ quát dành cho ông Sisi, mặc
dù hồ sơ nhân quyền của chế độ này ngày càng tồi tệ và mang tiếng tổng quát là
độc tài. Bảy năm trước đây, người Ai Cập trung bình có lẽ muốn tự do hơn hết -
ngày nay, họ muốn cả tự do lẫn an ninh để hưởng được nó, và có lẽ ngả hơn về việc
hy sinh một chút tự do để được hưởng nhiều an ninh hơn.
Do đó, khi
Allen hỏi người ta - giáo viên, người quét đường, người phục vụ nhà hàng, tài xế
taxi, anh chàng bán thuốc lá trên đường phố gần khách sạn nơi các phương tiện
truyền thông đặt bản doanh, v.v ... - họ nghĩ gì về điều Đức Giáo Hoàng phải
lên tiếng, - Phản ứng gần như phổ quát đại khái như sau "Đã đến lúc rồi!"
Cứ theo cái
đà thực tiễn, thì sau phản ứng trên sẽ là phản ứng "Tôi hy vọng người
thích đáng đang lắng nghe".
Nói cách
khác, giống như người tại các nước đang mở mang khác, nhiều người dân thường Ai
Cập có xu hướng nhìn phương Tây như kẻ thù và nhìn các nhà lãnh đạo được coi
như đại diện của nền văn hoá phương Tây, như giáo hoàng chẳng hạn, bằng con mắt
nghi ngờ.
Ngày nay, họ
dường như nghiêng về phía tin rằng kẻ thù thực sự đang ở bên trong và đang sẵn
sàng tước quyền lãnh đạo ở bất cứ nơi nào nó phát xuất.
Cuối cùng,
có lẽ cuộc tông du ngắn ngủi của Đức Phanxicô tại Ai Cập được coi như một cuộc
va chạm của một trong những quốc gia Hồi giáo quan trọng nhất trên thế giới sẵn
sàng vẽ một chiến tuyến chống lại lòng cuồng tín và một nhà lãnh đạo Kitô Giáo
đơn độc trên thế giới có khả năng giúp họ vạch được đường ranh này.
Từ cuộc va
chạm như vậy, đôi khi có động đất - và nhiều người Ai Cập ở đây dường như đang
hy vọng đó là loại động đất làm thay đổi thế giới của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét