Trang

Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

02-06-2017 : THỨ SÁU - TUẦN VII PHỤC SINH

02/06/2017
Thứ Sáu đầu tháng, tuần 7 Phục Sinh

Bài Ðọc I: Cv 25, 13-21
"Ðức Giêsu đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, vua Agrippa và Berni xuống Cêsarêa chào Phestô. Vì hai người lưu lại đó nhiều ngày, nên Phestô đem chuyện Phaolô trình nhà vua rằng: "Ở đây có một người tù Phêlixê để lại. Lúc tôi ở Giêrusalem, các thượng tế và kỳ lão Do-thái đã đến xin tôi lên án hắn. Tôi đã trả lời với họ rằng: "Người Rôma không có thói quen lên án người nào trước khi bị cáo đối diện với nguyên cáo, và có cơ hội bào chữa để thanh minh tội mình". Vậy họ liền đến đây, ngày hôm sau tôi ngồi toà án, truyền điệu bị cáo đến. Các nguyên cáo đều có mặt, nhưng không đưa ra một tội trạng nào, như tôi đã ngờ trước; họ chỉ tố cáo hắn mấy điều về mê tín, về một Giêsu nào đó đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống. Ðang phân vân về vấn đề ấy, tôi hỏi hắn có muốn đi Giêrusalem để được xét xử tại đó về các điều ấy không. Nhưng Phaolô nại đến thẩm quyền của hoàng đế Augustô, nên tôi đã truyền giữ hắn lại để nạp cho hoàng đế".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 11-12. 19-20ab
Ðáp: Chúa thiết lập ngai vàng Người ở cõi cao xanh (c. 19a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. - Ðáp.
2) Cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. - Ðáp.
3) Chúa thiết lập ngai vàng Người ở cõi cao xanh, và vương quyền Người phủ trị trên khắp muôn loài. Hãy chúc tụng Chúa đi, chư vị thiên thần, dũng lực hùng anh, thi hành lời Chúa. - Ðáp.

Alleluia: Ga 14, 18
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 21, 15-19
"Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho các môn đệ, Người dùng bữa với các ông, và hỏi Simon Phêrô rằng: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy".
Người lại hỏi: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy".
Người hỏi ông lần thứ ba: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba "Con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy" Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến". Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: "Con hãy theo Thầy".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chúa Báo Phúc Tử Ðạo Cho Phêrô
Ðoạn Phúc Âm nói về Chúa gọi Phêrô và chọn ông làm thủ lãnh Giáo Hội, thường gợi lên những câu hỏi như: "Tại sao Chúa báo cho Phêrô hai lần hãy chăn dắt chiên mẹ và một lần hãy chăn dắt chiên con?" Như vậy, có phải là chăn chiên mẹ khó hơn chăn chiên con hay không?
Hoặc giả như chăn chiên con không quan trọng bằng, vì con ngoan hay hư là tại mẹ, nên chỉ cần chăn dắt chiên mẹ đi đúng đường rồi chiên con đi theo là đủ. Ở đây không đi vào chi tiết về chiên mẹ hay chiên con, nhưng qua đoạn Phúc Âm trên mà chúng ta thấy được nhiều quí giá về bài học lãnh đạo trong Giáo Hội rất đáng chúng ta quan tâm.
Trước hết, Chúa Giêsu hỏi ba lần: "Này anh Simon con ông Joan, con có yêu mến Thầy không? Và ba lần Phêrô đáp con yêu mến Thầy" (Ga 21,15-17), và cũng ba lần Chúa Giêsu nói: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy". Ðiều đó cho chúng ta biết rằng tình thương không chỉ biểu lộ trong lòng mà con biểu lộ trong lời nói và hành động. Ðặc biệt đối với chúng ta, tình yêu với Thiên Chúa cần phải được thường xuyên hâm nóng và xác quyết bằng chính lời nói thành thực và sinh động trong chúng ta. Mỗi lần nghe giảng, đọc sách thiêng liêng, mỗi lần đọc kinh Lạy Cha hay kinh Tin Kính, đó là chúng ta xác quyết lại sự thần phục, sự hiện diện và biểu lộ lòng yêu mến của chúng ta đối với Thiên Chúa.
Chúa Giêsu hỏi ba lần "con có yêu mến Thầy không?", đáp lại ba lần "có" cũng là để bù lại ba lần chối Thầy. Trước thái độ ba lần từ chối của Phêrô, Chúa không đòi hỏi Phêrô ba lần xin lỗi hay để trừng phạt, song ba lần Chúa muốn được nghe Phêrô nói "con yêu mến Thầy". Như trước đây với Madalêna, lần này là Phêrô và sau này là mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu như muốn nói: "Con yêu nhiều thì sẽ được tha thứ nhiều và ngược lại, con được tha thứ nhiều vậy con hãy yêu mến nhiều". Tiếng gọi lãnh đạo của Chúa là tiếng gọi tình yêu, Chúa Giêsu đã không hỏi Phêrô con đã có chìa khóa lãnh đạo cao cấp chưa? Hay có bằng cấp gì? Tốt nghiệp đại học nào chưa? Song như có lần Chúa Giêsu nói: "Ai yêu mến Ta thì hãy giữ lề luật của Ta" thì bây giờ Ngài nói: "Con yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên con của Thầy".
Chúa Giêsu quan niệm về lãnh đạo là yêu thương, là phục vụ, rửa chân cho những người mình lãnh đạo, Chúa Giêsu không quan niệm nền tảng và phương pháp lãnh đạo là thao tác bắt người ta làm theo ý mình, song bằng tình yêu giúp nhau thực hiện ý Chúa. Như trong trường hợp của Phêrô, tình thương của Chúa đối với Phêrô và của Phêrô đối với Chúa, tình thương ấy xóa bỏ hận thù, xóa bỏ lỗi lầm xưa và đưa người yếu kém kia trở lại sống trong tình yêu của Chúa.
"Anh em yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên của Thầy". Lời mời gọi ấy nhắm vào hàng giáo sĩ. Dĩ nhiên, sau cùng là lời mời gọi đối với mỗi người chúng ta, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm liên đới đến vận mệnh phần rỗi của anh em mình, về phận sự chăn dắt, nuôi nấng và đưa anh em về đàn chiên và gìn giữ họ an toàn trong Ðức Tin. Hãy vì yêu mến Chúa mà làm phận sự chăn dắt và yêu người, tức là làm việc Tông Ðồ truyền bá Tin Mừng và làm cho anh em mình nhận biết và phụng thờ Thiên Chúa.
Trong vai trò cha mẹ, anh chị em thân thuộc, trong vai trò người lãnh đạo một hội đoàn của người giáo dục và trong vai trò của một Kitô hữu, chúng ta có phận sự và trách nhiệm chăm sóc cho anh chị em mình. Thiên Chúa hỏi Cain: "Cain! Em ngươi đâu? Cain trả lời: tôi không biết, tôi đâu phải là người giữ em tôi". Chúng ta không thể trả lời vô trách nhiệm như Cain.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết làm tròn phận sự là cầu nguyện, nâng đỡ cho những vị chủ chăn của chúng con và xin cho chúng con hết lòng yêu thương những người mà chúng con có phận sự phải chăm lo trong phận sự của chúng con là cha mẹ, anh chị em, bạn bè đồng bào dân tộc và mọi người đồng loại.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần VII PS
Bài đọcActs 25:13-21: Jn 21:15-19.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người môn đệ phải lãnh trách nhiệm coi sóc và hy sinh cho đoàn chiên.
Trong cuộc đời, chúng ta rất dễ tìm người lãnh đạo ngoài xã hội, vì ai cũng mong có địa vị, uy quyền, và các lợi lộc vật chất; nhưng không dễ tìm người lãnh đạo trong Giáo Hội, vì chẳng những không có lợi lộc vật chất, mà còn đòi phải chịu phê bình, bắt bớ, tù đày, và ngay cả phải hy sinh đến tính mạng. Vì thế, chẳng lạ gì mà càng ngày càng thiếu những người tình nguyện hy sinh cuộc đời làm mục tử để lãnh đạo Dân Chúa, nhất là trong những quốc gia phát triển, nơi mà sự thành công được đo lường trên địa vị và lương bổng. Điều gì đã thúc đẩy các mục tử trong Giáo Hội sẵn sàng hy sinh quên mình, để chăm sóc cho đoàn chiên của Thiên Chúa?
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy những mẫu gương và lý do của việc hy sinh phục vụ. Trong Bài Đọc I, Phaolô bị các người Do-thái trong Thượng Hội Đồng bắt nộp cho Thống-đốc Rôma, vì niềm tin vào Đức Kitô và sự loan truyền đạo lý của Ngài. Những nhà cầm quyền Rôma không dám tha cho Phaolô, dù không tìm thấy nơi ông tội gì đáng chết, vì họ sợ người Do-thái. Phaolô kháng cáo lên hoàng đế Caesar vì ông có quốc tịch Rôma. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu hỏi Phêrô ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không?" trước khi trao cho ông nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên của Ngài. Nếu không có tình yêu dành cho Chúa Giêsu, Phêrô không bao giờ có thể hy sinh nghề nghiệp để chăm sóc đoàn chiên, nhất là phải chịu tù đày và hy sinh mạng sống.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phaolô được chuyển đi Rôma để được xét xử bởi Hoàng-đế Caesar.
1.1/ Các nguyên cáo đã không đưa ra một tội trạng nào như tôi tưởng: Khi vua Agrippa trị vì lãnh thổ của Galilee và Perea, và Bernice, chị em với bà Drussila, vợ của Felix, tới Judea thăm Festus, là Thống-đốc của Judea, Festus biết Agrippa có kiến thức sâu rộng về Đạo Do-thái và truyền thống, nên đã đề nghị ông có cuộc nói chuyện về trường hợp của Phaolô. Ông nói với Agrippa: "Ở đây có một người tù do ông Felix để lại. Khi tôi tới Jerusalem, các thượng tế và các kỳ mục Do-thái đến kiện và xin tôi kết án người ấy. Tôi đã trả lời họ rằng người Rôma không có lệ nộp bị cáo nào, trước khi đương sự ra đối chất với nguyên cáo, và được cơ hội biện hộ về lời tố cáo. Vậy họ cùng đến đây với tôi, và không chút trì hoãn, ngày hôm sau tôi ra ngồi toà và truyền điệu đương sự đến. Đứng quanh đương sự, các nguyên cáo đã không đưa ra một tội trạng nào như tôi tưởng."
1.2/ Tranh luận về tôn giáo: Giống như trong trường hợp của Chúa Giêsu, Philatô không tìm được một lý do chính trị hay luật pháp nào để buộc tội Chúa. Người Do-thái phải họp nhau để lập mưu và tìm một lý do chính trị "Chúa Giêsu xưng mình là Vua! Ai xưng mình là Vua, kẻ ấy chống lại Caesar!" Với lý do đó, Philatô sợ và trao Chúa Giêsu cho họ mang đi đóng đinh. Trong trường hợp của Phaolô, Festus nói: "Họ chỉ tranh luận với ông ta về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo riêng của họ, và liên quan đến một ông Giêsu nào đó đã chết, mà Phaolô quả quyết là vẫn sống. Phần tôi, phân vân trước cuộc tranh luận về những chuyện ấy, tôi hỏi xem ông ta có muốn đi Jerusalem để được xử tại đó về vụ này không. Nhưng Phaolô đã kháng cáo, xin dành vụ này cho Thánh Thượng xét xử, nên tôi đã ra lệnh giữ ông ta lại cho đến khi giải lên hoàng đế." Phaolô rất khôn ngoan, vì ông biết nếu họ xử ông ở Jerusalem, ông chắc chắn sẽ bị buộc tội và bị chết.
2/ Phúc Âm: Hãy chăm sóc chiên của Thầy.
2.1/ Chúa Giêsu trao cho Phêrô nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên của Ngài: Trình thuật hôm nay nằm trong chương cuối cùng của Tin Mừng Gioan. Nhiều học giả Kinh Thánh cho chương 21 không phải chính Gioan viết, nhưng là do các môn đệ của ông thêm vào; nhưng có rất nhiều điểm Gioan đã trình bày trong các chương trước được nêu bật trong chương này:
(1) Sự quan trọng của tình yêu: Trong các chương 13-16, Chúa Giêsu đã đề cập rất nhiều với các môn đệ về việc liên hệ giữa tình yêu và giữ các giới răn: Nếu anh em yêu mến Thầy, hãy giữ các giới răn của Thầy; và giới răn quan trọng nhất trong Tin Mừng Gioan là giới luật yêu thương. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu hỏi Phêrô đến 3 lần: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?" Điều này làm chúng la liên tưởng ngay đến 3 lần Phêrô đã chối Chúa Giêsu trong Cuộc Thương Khó của Ngài.
(2) Phải có tình yêu của Thiên Chúa trước khi có thể phục vụ tha nhân: Bắt đầu chương 13, khi Chúa Giêsu biết đã sắp đến giờ Ngài phải về với Chúa Cha; và để tỏ tình yêu thương cho các môn đệ, Ngài đã hạ mình làm công việc của người đầy tớ phục vụ chủ: Ngài rửa chân cho các ông! Sau khi rửa chân, Ngài đã nói với các môn đệ đang sững sờ ngạc nhiên về hành động của Ngài: " Anh em gọi Thầy là "Thầy," là "Chúa," điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau" (Jn 13:13-14).
Chúa Giêsu phải hỏi Phêrô tới 3 lần trước khi trao cho ông nhiệm vụ chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Ngài. Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho Phêrô biết phải có tình yêu Chúa ông mới có thể hoàn tất sứ vụ Ngài trao; vì đó là sứ vụ rất khó khăn và đòi nhiều hy sinh và kiên nhẫn. Đó cũng là sứ vụ rất dễ bị nản chí và bỏ cuộc, vì không được đền bù bằng địa vị và lương bổng.
2.2/ Phải sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đòan chiên: Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu cũng dạy dỗ các môn đệ: "Không có tình yêu nào cao quí cho bằng tình của người sẵn sàng hy sinh tính mạng cho người mình yêu." Chúa Giêsu không chỉ dạy như một điều lý tưởng; nhưng Ngài đi tiên phong vác Thập Giá và chết cho các ông và con người, để khuyến khích các ông cũng phải làm như vậy cho nhau và cho đoàn chiên Chúa như người Mục Tử Tốt Lành. Trong trình thuật hôm nay, Ngài nói với Phêrô: "Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn." Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy!"
Noi gương Thầy Chí Thánh, Phêrô can đảm từ bỏ mọi sự: gia đình, nghề nghiệp, danh vọng, để lãnh trách nhiệm coi sóc đoàn chiên Chúa là Giáo Hội, trong giai đoạn đầu cực kỳ khó khăn; và trong khi về già, ông sẵn sàng chịu chết vì Danh Chúa. Chỉ có một điều khác với Chúa Giêsu là ông xin cho được chịu đóng đinh ngược, vì ông cảm thấy mình không xứng đáng để chịu đóng đinh như Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Lãnh đạo các tín hữu trong Giáo Hội rất khác với lề lối lãnh đạo dân chúng ngoài xã hội. Chúa Giêsu đòi hỏi người mục tử phải thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa, và lãnh đạo bằng tình yêu và phục vụ; chứ không bằng quyền hành và ra lệnh.
- Vì yêu Thiên Chúa, người mục tử được trao phó đoàn chiên để săn sóc, bảo vệ, và yêu thương. Để hoàn tất sứ vụ, người mục tử nhiều khi phải hy sinh đến tính mạng của mình.
- Người mục tử sẽ không được đền bù theo kiểu của thế gian: địa vị, quyền hành, và lợi nhuận vật chất; nhưng ông sẽ tìm được niềm vui và yêu thương nơi Thiên Chúa, vì đã được đáp trả tình yêu của Ngài dành cho ông.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


02/06/17    TH SÁU ĐU THÁNG TUN 7 PS
Th. Mác-xen-li-nô và Phê-rô, tử đạo Ga 21,15-19

BA LẦN KHẲNG ĐỊNH TÌNH YÊU


Đức Giê-su hỏi ông Si-mon Phê-rô lần thứ ba: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.” (Ga 21,17)

Suy niệm: Hôm nay Chúa Giê-su hỏi Phê-rô đến ba lần có yêu mến Ngài không. Phê-rô cảm thấy nhói đau vì câu hỏi đụng đến vết thương chưa lành của ba lần chối Chúa. Sự cắn rứt dày vò vì lầm lỗi của mình có thể làm người ta trở nên cứng lòng và chai lỳ trong tội lỗi. Tuy nhiên, Phê-rô đã trả lời; và ba lần trả lời là cả ba lần Phê-rô đối lại việc mình đã chối Thầy trước đây bằng tâm tình thống hối và bằng việc khẳng định tình yêu không thay đổi dành cho Thầy Giê-su. Việc chăm sóc đàn chiên yêu dấu mà Ngài đã đổ máu ra để cứu chuộc, Chúa chỉ giao cho người nào dám khẳng định tình yêu của mình dành cho Đức Ki-tô đến độ say mê như thế mà thôi.
Mời Bạn: Phê-rô đã sửa chữa lỗi chối Chúa bằng cách tuyên xưng tình yêu, và rồi sẽ hiến mình vì đàn chiên được giao phó. Bạn đừng thất vọng vì lỗi lầm đã phạm. Trái lại, hãy can đảm tuyên xưng tình yêu đối với Chúa và hoàn thành tốt sứ mạng được giao phó là đem Tin Mừng Tình Yêu đến trong môi trường bạn đang sống và làm việc.

Sống Lời Chúa: Đặt mình trước mặt Chúa và lắng nghe Chúa hỏi mình: “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Mỗi lần như thế bạn hãy lặp lại với tất cả niềm say mê và quả quyết: “Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi sự. Chúa biết con yêu mến Chúa.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi sự; Chúa biết con yêu mến Chúa. Xin Chúa giúp con biết yêu mến Chúa trong anh chị em con để con luôn sống xứng đáng là con của Chúa. Amen.
(5 phút Lời Chúa)

Hãy theo Thy (2.6.2017 – Th sáu Tun 7 Phc sinh)

Hôm nay Chúa Giêsu Phc sinh cũng hi tng Kitô hu: Con có mến Thy không? Và Ngài ch mt câu tr li trước khi trao s mng.


Suy nim:
Câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay diễn ra bên bờ hồ,
một cái hồ mang nhiều tên gọi: hồ Galilê, hồ Ghennêxarét, hồ Tibêriát.
Cái hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm giữa Thầy và trò.
Nơi đây tiếng gọi đầu tiên của Thầy Giêsu đã vang lên: Hãy theo Thầy.
Tiếng ấy đã khiến họ từ bỏ nghề sông nước
để lên bờ, đi theo ông thợ mộc làng Nazareth.
Bao lần Thầy trò đi qua cái hồ rộng như biển này.
Sóng gió họ cũng đã gặp, vui buồn họ cũng đã từng.
Sáng sớm hôm nay, trên hồ này họ đánh được mẻ cá lớn,
nhờ một người lạ đứng trên bờ mà họ từ từ nhận ra là Thầy của mình.
Bữa ăn sáng do Thầy chuẩn bị thật chu đáo.
Có bánh và cá, có cả đống than hồng hong ấm tình Thầy trò.
Ngọn lửa này gợi nhớ đến đống than hồng ở dinh Thượng tế,
nơi Phêrô đã đứng sưởi và đã chối Thầy (Ga 18, 18. 25).
Bây giờ, cũng bên đống than hồng,
Thầy Giêsu cho Phêrô có cơ hội công khai bày tỏ tình yêu của mình.
“Anh có yêu mến Thầy không ?”: ba lần Thầy Giêsu hỏi Phêrô như thế.
“Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”: ba lần Phêrô trả lời như thế.
Ba lần chối Thầy như được xóa đi bởi ba lần tuyên xưng tình yêu.
Nhưng bây giờ Phêrô khiêm tốn, biết tình yêu của mình mong manh, dễ vỡ.
“Hãy chăn dắt chiên của Thầy”: ba lần Thầy Giêsu đã nói như thế.
Tình yêu dẫn đến sứ mạng chăn dắt đoàn chiên mà Thầy quý chuộng.
Phải yêu Thầy thì mới yêu chiên của Thầy.
Yêu Thầy là điều kiện để được Thầy trao sứ mạng mục tử.
Làm mục tử là tiếp nối công việc của Thầy Giêsu, Mục tử nhân hậu,
nên cũng phải sẵn sàng chấp nhận cái chết như Thầy (cc. 18-19),
chết cho đoàn chiên, chết để tôn vinh Thiên Chúa (c. 19).
“Hãy theo Thầy”, lời mời năm xưa cũng là lời mời được lặp lại bây giờ.
“Hãy theo Thầy”, sau những vấp ngã, yếu đuối và chối Thầy.
“Hãy theo Thầy”, sau khi những giấc mơ trần tục bị tan vỡ bởi biến cố Núi Sọ.
“Hãy theo Thầy”, sau những hăng hái nồng nhiệt thuở ban đầu.
“Hãy theo Thầy” để giang tay ra và đến nơi mình không muốn đến.
“Hãy theo Thầy” để củng cố anh em và chăn dắt chiên của Thầy (Lc 22, 31-32).
Hôm nay Chúa Giêsu Phục sinh cũng hỏi từng Kitô hữu:
Con có mến Thầy không?
Và Ngài chờ một câu trả lời trước khi trao sứ mạng,
vì ai trong chúng ta cũng có sứ mạng chăm sóc một nhóm người nào đó.
Xin ơn yêu Giêsu bằng tình yêu thiết thân riêng tư.
Xin ơn theo Ngài vì nghe thấy lời mời gọi vang lên mỗi ngày: Hãy theo Thầy.
Và xin ơn dám sống hết mình cho những người được Chúa trao phó.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới,
nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời.
Chúng con phải đối diện
với bao thách đố của cuộc sống,
của công ăn việc làm, của gánh nặng gia đình,
của nghề nghiệp chuyên môn.

Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy
của vật chất và quyền lực,
nhưng cho chúng con
giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu,
lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.

Lạy Chúa Giêsu,
xin dạy chúng con sống thực tế,
nhưng không thực dụng;
biết xoay xở nhưng không mưu mô;
lo cho tương lai cá nhân,
nhưng không quên
bao người bất hạnh cần nâng đỡ.

Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc,
giữa những xâu xé trước bao lựa chọn,
xin cho chúng con
biết tìm những phút giây trầm lắng,
để múc lấy ánh sáng và sức mạnh,
để mình được thật là mình trước mặt Chúa.

Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu,
xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân,
làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh,
và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2 THÁNG SÁU
Triều Thiên Của Tạo Vật
Con người là một thể thống nhất, là duy nhất trong chính mình. Nhưng trong thể thống nhất này có hàm chứa tính lưỡng diện. Thánh Kinh trình bày cả thể thống nhất (ngôi vị) lẫn tính lưỡng diện (hồn và xác) của con người. Chẳng hạn, Sách Huấn Ca viết: “Đức Chúa lấy đất mà tạo ra con người, rồi lại đưa con người trở về đất” (Hc 17, 1 – 2). Nhưng Sách Huấn Ca cũng viết: “Người ban cho chúng trí khôn, luỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ. Người làm cho chúng được đầy kiến thức thông minh, tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu.” (câu 5 – 6)
Từ quan điểm này, Thánh Vịnh 8 thật hết sức có ý nghĩa. Con người được tôn dương là một tuyệt tác khi tác giả thánh vịnh nói với Thiên Chúa bằng những lời này: “… con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến; phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (câu 5 – 7).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 02-6
Thánh Marcellinô, và thánh Phêrô tử đạo
Cv 25, 13b-21; Ga 21, 15-19.

Lời suy niệm: “Khi các môn đệ đã ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: Này anh Simon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”
Phêrô cùng sáu anh em Tông Đồ cùng ngồi ăn với Chúa Giêsu trên bờ Biển Hồ Galilê, sau khi Chúa Phục sinh. Bữa ăn do Chúa dọn sẵn, có sự góp phần cá mà các ông vừa mới bắt được sau khi thả lưới theo đề nghị của Chúa. Ăn xong, Chúa hỏi riêng với Tông Đồ Phêrô đến ba lần: “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Và Phêrô đã đáp 3 lần: “Con yêu mến Thầy; Thầy biết con yêu mến Thầy”
Lạy Chúa Giêsu. Thánh Phêrô đã phạm tội chối Chúa; nhưng được Chúa tha thứ và Chúa tin dùng, sau khi Phêrô đã tỏ lòng sám hối và yêu mến Chúa. Xin cho chúng con vững tin vào tình yêu thương tha thứ của Chúa , để chúng con biết sám hối và yêu mến Chúa nhiều hơn.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 02-06: Thánh MARCELLINÔ và PHÊRÔ
Tử Đạo (+304)

Không có tài liệu lịch sử nào nói về nguồn gốc của hai thánh tử đạo Marcellino và Phêrô cả. Các Ngài được phúc tử đạo dưới thời Diocletianô.
Thánh Marcellino được ơn tử đạo còn thánh Phêrô được ơn trừ quỉ.
Nhờ được ơn trừ quỉ, thánh Phêrô được rất nhiều người mộ mến. Ngược lại cũng có nhiều người ghen tức và thù oán tìm cách giết hại. Tỉnh trưởng Sêrênô ra lệnh tống giam Ngài. Bạn ông là Antêmi có đứa con gái bị quỉ ám. Nghe biết Phêrô có quyền trừ quỉ, ông giối thiệu bạn mình tới ngục thất để gặp thánh nhân. Gặp ông, thánh nhân khuyên nhủ ông hãy tin vào Chúa Giêsu và thờ phượng Thiên Chúa. Ông bực tức cho rằng: Chúa không cứu nổi Phêrô thì làm sao thánh nhân cứu nổi con ông được. Rồi ngay đêm ấy khi quân canh ngục còn đang thi hành nhiệm vụ thì thánh nhân đã có mặt ở nhà Antêmi. Cả gia đình Antêmi bỡ ngỡ và xin theo đạo. Paulina, con gái Antêmi được lành bệnh. Từ đó gia đình Antêmi thành nơi tụ tập thường hay lui tới dạy đạo và rửa tội cho các tân tòng.
Tức giận, Sêrênô ra lệnh hành hạ hai thánh nhân một cách dã man rồi giam ngục tối, nền rắc đầy miểng chai, và bỏ đói các Ngài cho chết. Tuy nhiên Chúa đã giải thoát cho các Ngài trong một tuần lễ để lo cho các dự tòng được chịu phép rửa tội. Nghĩ rằng gia đình Antemi lập mưu cho cuộc vượt thoát này, Sêrênô ra lệnh giết cả gia đình ông.
Cuối cùng hai thánh nhân Marcellinô và Phêrô bị đem hành quyết. Khi thi hành án quyết, đao phủ Đorotê đã thấy linh hồn hai Ngài bay về trời. Quá xúc động ông đã xin tòng giáo và qua đời cách lành thánh. Còn xác hai thánh nhân được chôn cất ở nghĩa trang Ad Duos Lauros đường Labicana.
Khi Giáo hội được sống trong an bình, người ta xây cất trên mộ hai Ngài một thánh đường rất nguy nga. Tên Hai thánh nhân đã được nhắc đến trong lễ quy Roma.
(daminhvn.net)


02 Tháng Sáu
Nguồn Gốc Của Sa Mạc
Người Ả Rập giải thích nguồn gốc của sa mạc bằng câu chuyện ngụ ngôn như sau:
"Thiên Chúa đang sáng tạo vũ trụ. Sau khi đã hoàn tất tinh tú, trái đất, biển khơi, sông ngòi, Thiên Chúa bắt tay vào việc tạo dựng con người. Ngài nặn được những thân hình thật đẹp, nhưng đó chỉ là những pho tượng, vì chưa có linh hồn".
Lúc bấy giờ, một tổng lãnh thiên thần mới đề nghị với Thiên Chúa là cần phải tạo dựng linh hồn cho con người. Thế là Thiên Chúa miệt mài giam mình trong phòng thí nghiệm để tác tạo linh hồn cho con người. Các linh hồn vừa mới ra lò còn rất mảnh khảnh và yếu ớt.
Ngài mang các linh hồn tươi tắn ấy xuống trần gian và phân phát cho loài người. Nhưng rủi thay, hôm đó trời đổ mưa, cho nên một số linh hồn chưa đủ cứng cáp đã biến dạng.
Một ngày nọ, một trong những người đã lãnh nhận được linh hồn méo mó, đã buột miệng nói ra một lời dối trá. Tuy chỉ là một lời dối trá không đáng kể, nhưng đó là một lời dối trá đầu tiên xuất hiện trong lịch sử loài người.
Thiên Chúa vô cùng hối hận vì đã không ngăn ngừa được sự dối trá ấy. ngài bèn tập trung loài người lại và tuyên bố: "Từ nay, đừng có một người nào phạm thêm một điều dối trá nữa. Nếu không, cứ mỗi lần có một lời dối trá, ta sẽ cho rơi xuống mặt đất một hạt cát".
Nhiều người nghe lời đe dọa của Thiên Chúa, cười thầm trong lòng. Một hạt cát có đáng kể là bao sánh với màu xanh trùng trùng điệp điệp của cây cỏ. Thành ra, loài người đã không đếm xỉa đến lời cảnh cáo của Thiên Chúa. Người thứ hai thêm một lời nói láo mà vẫn đinh nih đó chỉ là một lời không đáng kể, cũng như thêm một hạt cát trên trái đất cũng không thay đổi được bộ mặt của nó. Cứ thế, người thứ ba, rồi người thứ tư... Người ta nói dối đến độ Thiên Chúa không còn đủ sức để cho cát rơi xuống trên mặt đất nữa... Ngài đành phải dùng đến bàn tay của các thiên thần để cho mưa cát xuống... Không mấy chốc, những đồng cỏ xanh tươi, những vườn cây um tùm biến thành sa mạc khô cằn. Thỉnh thoảng một vài ốc đảo xanh tươi mọc lên, đó là dấu hiệu sự hiện diện của một vài người còn biết tôn trọng sự thật. Nhưng dần dà, ôn dịch dối trá lan tràn khắp nơi, trái đất chỉ còn là một bãi sa mạc.
Tất cả những ai sống trong một xã hội xây dựng trên dối trá, lừa đảo, đố kỵ lẫn nhau đều biểu hiện được thế nào là sa mạc của tình người. Sa mạc nào cũng là biểu hiện của sự chết: chết của tình người, chết của lòng tin tưởng lẫn nhau, chết của hy sinh phục vụ, chết của lòng quảng đại. Tựu trung, dối trá cũng là tên gọi của ích kỷ. Người dối trá là người chỉ biết sống cho mình. Nếu ơn gọi của con người, nếu sự thật của con người là sống yêu thương, sống cho người, thì kẻ dối trá là người chối bỏ chính mình.
Chúa Giêsu đã lên án gắt gao thái độ dối trá. Ngài nói: "Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra". Kẻ dối trá, do đó, tự đặt mình dưới quyền thống trị và điều khiển của ma quỷ.
Mỗi một thái độ dối trá là một hạt cát rơi xuống trên sa mạc của tình người. Nhưng mỗi một hành động của quảng đại, của yêu thương, của phục vụ là một ốc đảo xanh tươi của Chân lý, đó là Chân lý của tình yêu.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét