Trang

Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

02-07-2017 : (phần I) CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN năm A

02/07/2017
Chúa Nhật 13 thường niên năm A
(phần I)


Bài Ðọc I: 2 V 4, 8-11. 14-16a
"Người đến trọ nhà mình, là một vị thánh của Thiên Chúa".
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Một ngày nọ, Êlisê đi ngang qua miền Sunam. Ở đó có một bà sang trọng mời ông ở lại dùng bữa. Và từ đấy, mỗi khi ông đi ngang qua đó, ông đều đến nhà bà dùng bữa. Bà nói với chồng bà rằng: "Tôi biết rằng người thường trọ nhà mình là một vị thánh của Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy làm cho ông một căn phòng trên lầu, và đặt trong căn phòng đó một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, và một cây đèn, để mỗi khi đến, ông ở đó".
Một ngày nọ Êlisê đến, ông lên căn phòng trên lầu và nghỉ tại đó. Ông nói (với Giêzê, tiểu đồng của ông): "Bà muốn chúng ta làm gì cho bà?" Giêzê nói rằng: "Thầy khỏi hỏi, bà ấy không có con, và chồng bà đã già". Êlisê bảo gọi bà ta. Nghe gọi, bà liền đến đứng trước cửa, ông nói với bà rằng: "Năm tới cũng vào thời kỳ này, bà sẽ bồng bế một bé trai".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 16-17. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).
Xướng: 1) Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: "Tình thương của Ta đứng vững muôn đời"; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. - Ðáp.
2) Phúc thay dân tộc biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài. - Ðáp.
3) Vì Chúa là vinh quang quyền năng của họ; nhờ ân huệ Chúa, uy quyền của chúng tôi được suy tôn. Bởi chưng khiên thuẫn chúng tôi là của Chúa, và vua chúng tôi thuộc về Ðấng Thánh của Israel. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 6, 3-4. 8-11
"Chúng ta chịu mai táng với Ngài nhờ phép rửa, chúng ta phải sống đời sống mới".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi vì được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng: chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã chết, tức là chết một lần dứt khoát đối với tội lỗi, mà khi Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Cả anh em cũng thế, anh em hãy tự kể như mình đã chết đối với tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 37-42
"Kẻ nào không mang lấy thập giá, thì không xứng đáng với Thầy; kẻ nào tiếp đón các con, là tiếp đón Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: "Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.
"Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Ðòi Hỏi Và Vinh Dự Của Môn Ðệ

Với ba bài Kinh Thánh hôm nay, chúng ta có thể suy nghĩ nhiều điều về đời sống của người môn đệ đi theo Chúa Yêsu. Ðó cũng là đời sống của chính chúng ta, xét về mặt đạo đức thiêng liêng. Chúng ta đã thực thụ trở thành môn đệ Chúa Yêsu khi cùng chịu mai táng và sống lại với Người trong bí tích Rửa tội, như bài Thánh thư hôm nay nói. Từ ngày đó chúng ta không ngừng phải vác Thập giá hàng ngày để đi theo Người, nhưng đồng thời cũng nhận được vinh dự của người môn đệ đi theo Thầy, như Người đã hứa trong bài Tin Mừng. Và trong Hội Thánh luôn có những Ngôn sứ muốn sống triệt để ơn gọi làm Môn đệ của Chúa như Êlisê ngày trước mà bài sách các Vua còn kể lại nhiều mẩu truyện rất ý nghĩa. Chúng ta thử đọc về đời sống của người môn đệ đi theo Chúa, tức cũng là ơn gọi của chính chúng ta.

A. Chúng Ta Ðã Trở Thành Môn Ðệ
Ðoạn thư Rôma hôm nay được chọn để đọc một cách long trọng đặc biệt trong Canh thức Phục sinh. Chúng ta nên dùng để suy nghĩ mỗi khi có nghi thức Rửa tội. Nhưng bất cứ khi nào tự hỏi về ơn gọi Kitô hữu của mình, chúng ta cũng có thể đem đọc để thấy rõ mình đã trở nên môn đệ của Chúa như thế nào.
Vẫn biết ơn Chúa kèm theo lời rao giảng Tin Mừng đã ban nhân đức tin cho chúng ta. Chúng ta đã bắt đầu đi theo Chúa ngay từ khi chúng ta để Lời Chúa và tình yêu của Người lôi cuốn chúng ta. Có thể nói được chúng ta đã là tín hữu của Chúa vì chúng ta đã tin Người có lời ban sự sống cứu độ chúng ta. Một phần nào chúng ta đã là môn đệ của Chúa rồi, vì theo Thánh Kinh người môn đệ luôn để tai nghe Lời Chúa. Tuy nhiên, chưa có hành vi nào xác nhận chúng ta là tín hữu và môn đệ. Phải đợi đến ngày chúng ta chịu phép Rửa nhân Danh Chúa Yêsu Kitô.
Phép Rửa này độc nhất vô nhị. Không thể so sánh với một nghi lễ tôn giáo nào, kể cả phép rửa của Yoan Tẩy giả. Thánh Kinh nói rõ và chính Yoan đã khẳng định: "Tôi rửa trong nước; còn Người rửa trong Thánh Thần". Do đó đây không phải là biểu tượng và lễ nghi, nhưng là hoạt động của Thánh Linh. Sức mạnh của Thiên Chúa làm việc thật sự trong Hội Thánh dội nước trên con người. Nước chảy trên đầu không phải chỉ diễn tả ơn thanh tẩy tội lỗi. Và việc chịu phép Rửa không phải chỉ là một nghi lễ phải làm để được công nhận là tín hữu và môn đệ. Có hoạt động thật sự của Thiên Chúa trong việc dội nước và làm nghi lễ này. Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay nói: Chúng ta đã chịu phép Rửa trong Ðức Kitô, tức là đã chịu mai táng với Người. Chúng ta cùng chết với Người trong cái chết xóa sạch tội lỗi mà Người đã chịu trên thập giá. Vì chấp nhận muốn cùng chết với Người cho tội lỗi như vậy mà chúng ta được tha tội và nước dội trên đầu chúng ta có sức mạnh thanh tẩy tâm hồn. Thế nên mọi người lớn, khi chịu phép Rửa tội, đều phải có lòng thống hối ăn năn và từ bỏ tội lỗi. Và tất cả chúng ta, khi muốn ý thức lại ơn trở thành môn đệ và tín hữu của Chúa đều phải tuyên xưng lại ý chí muốn chết cho tội lỗi và các khuynh hướng xấu xa. Không có việc muốn kết hiệp với Ðức Yêsu Kitô trong mầu nhiệm chết cho tội lỗi dù người ấy có lòng thống hối ăn năn và chịu rửa như nhiều người dưới thời ông Yoan Tẩy giả. Mọi hành vi thú nhận tội lỗi và ăn năn thống hối của con người đều không làm cho con người được khỏi tội. Chỉ có lòng từ bỏ tội lỗi trong tinh thần kết hiệp với Ðức Yêsu Kitô trong mầu nhiệm tử nạn cứu thế của Người mới mang lại ơn thanh tẩy tâm hồn.
Vì sao vậy?
Vì mọi lễ đền tội mà loài người dâng lên đều bất xứng và không được chấp nhận nếu không tựa vào lễ hy sinh đền tội mà Người Con Chí Ái của Thiên Chúa đã dâng lên khi Người chịu chết trên Thập giá. Thiên Chúa đã tỏ ra ưng thuận lễ dâng này khi cho Con Người sống lại từ kẻ chết. Người đã chết vì tội lỗi loài người, thì khi phục sinh Người trong sự chết này, Thiên Chúa đã tỏ ra chấp nhận tha thứ hết mọi tội lỗi cho loài người chúng ta. Sự sống lại của Con Thiên Chúa là ơn tha thứ tội lỗi vậy. Người ta được ơn tha thứ tội lỗi không phải khi kết hiệp với Ðức Yêsu Kitô trong sự chết của Người nhưng là khi được cùng Người sống lại trong sự phục sinh của Người. Không thể tách rời việc cùng chịu mai táng với Ðức Kitô và việc cùng Người sống lại, vì sự chết của Người chỉ có giá trị cứu thế khi Thiên Chúa phục sinh Người từ kẻ chết. Thế nên chết đi cho tội lỗi là việc của con người, nhưng ban ơn thanh tẩy đổi mới tâm hồn là ơn của Thiên Chúa ban cho. Thiên Chúa hoạt động và ban Thánh Thần cho con người khi họ chấp nhận chết đi cho tội lỗi trong mầu nhiệm Tử nạn cứu thế của Ðức Yêsu Kitô. Nhờ và trong bí tích Rửa tội, con người tội lỗi cũ kỹ đã chết đi để Thánh Thần tạo dựng con người mới sạch tội và thánh thiện trong Con Thiên Chúa.
Như vậy lễ nghi Rửa tội không phải chỉ là nghi thức phải làm để được công nhận là tín hữu và môn đệ. Và Nước Rửa tội không phải chỉ diễn tả ơn thanh tẩy tâm hồn. Nhưng thật sự Thiên Chúa hành động trong lễ nghi này. Người dùng Thánh Thần để mai táng tội lỗi trong sự chết của Ðức Kitô và để tạo dựng con người mới trong sự phục sinh của Người. Có một biến đổi thật sự nơi người chịu phép Rửa. Từ thân phận một kẻ xa lạ thù địch với Thiên Chúa, con người nhờ ý chí kết hiệp với Ðức Yêsu Kitô trong mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh của Người, trở nên tạo vật mới đối với Thiên Chúa, không những sạch tội mà còn thánh thiện vì đã đồng hình, đồng dạng, đồng hóa với Con Thiên Chúa. Chúng ta không còn thuộc về thế giới tội lỗi nữa, nhưng đã được đưa sang Nước sáng láng của Chúa Yêsu Kitô phục sinh. Người đang sống sự sống mới và ban sự sống mới ấy cho hết thảy những ai sống trong Nước của Người.
Như vậy việc trở nên tín hữu và môn đệ của Người thật là vô thường, không thể dùng nghi thức xã hội nào để so sánh được. Trong mọi nghi thức xã hội công nhận một môn sinh hay môn đệ, chỉ có sự công nhận có thể nói là bề ngoài, không thay đổi gì bản chất con người môn đệ. Còn ở đây, trong bí tích Rửa tội, có sự biến đổi, tạo dựng thật sự, khiến một kẻ trước đây là tội nhân nay trở nên công chính; trước đây là xa lạ, thù địch, nay là nghĩa tử và là con cái Thiên Chúa; trước đây ở ngoài Ðức Kitô, nay là Kitô hưũ và kết hiệp với Người như cành với thân cây, như chi thể với thân thể.
Ai hiểu như vậy mà không quý trọng ơn của bí tích Rửa tội? Ai thấy như thế mà không xác tín về nội dung của ơn làm môn đệ của Ðức Kitô? Chúng ta hết thảy đã trở thành môn đệ của Người khi chịu phép Rửa tội. Chúng ta phải sống ơn gọi môn đệ ấy thế nào đây?

B. Ðòi Hỏi Và Vinh Dự Của Môn Ðệ
Bài Tin Mừng hôm nay nói rất rõ. Chúa Yêsu tuyên bố: ai yêu mến cha mẹ, con cái hơn Người thì không xứng đáng là môn đệ của Người. Và Người còn đòi hỏi hơn nữa khi tuyên bố tiếp theo: "Kẻ không vác lấy khổ giá mình mà theo Ta, ắt không xứng với Ta". Nếu được phép làm một phân tích văn chương nho nhỏ, chúng ta có thể nói các đòi hỏi đã được đưa ra càng ngày càng gắt gao hơn. Ðầu tiên Chúa chỉ đòi người môn đệ phải yêu Người hơn cha mẹ; rồi Người bảo họ phải yêu Người hơn cả con cái là những giọt máu của chính bản thân mình; cuối cùng Người lại buộc họ phải vác lấy khổ giá mà đi theo Người tức là phải yêu Người đến nỗi không sợ chết và dám bỏ mạng sống vì Người.
Nói cách khác, Chúa đòi người môn đệ phải từ bỏ tất cả, ngay cả mạng sống mình để đi theo và yêu mến Người. Người không cho phép môn đệ nào được lấy cớ yêu cha yêu mẹ, yêu con cái hay sự sống của mình mà từ chối với Người một điều gì khiến Người thấy tình yêu của môn đệ đối với Người chưa thật hoàn toàn và Người chưa là tất cả đối với họ. Người đòi hỏi tình yêu tuyệt đối, nên Người không nhận làm môn đệ những kẻ muốn đi theo Người nhưng lại còn xin phép về nhà lo an táng cha hay thu xếp những công việc khác. Người có thể đòi hỏi như thế bởi chính Người đã từ bỏ tất cả vì môn đệ và để cho người ta trở thành môn đệ. Chúng ta đã thấy Người đã nộp mình chịu chết cho những kẻ Người thương yêu như thế nào. Tình yêu lớn lao như vậy và tuyệt đối như thế chỉ thấy người môn đệ xứng đáng khi họ cũng yêu tuyệt đối và lớn lao như vậy.
Tuy nhiên luận lý như trên hãy còn quá đơn giản. Chúng ta chưa hiểu bản chất con người đòi hỏi như vậy là ai. Không phải Người đã yêu và làm cho môn đệ như vậy nên Người đòi môn đệ phải yêu và phải làm như thế. Thực ra khi tuyên bố những đòi hỏi kia, Ðức Yêsu Kitô chưa nộp mình chịu chết cho môn đệ và môn đệ chưa thấy Người vác Thập giá đi trước để bảo mình phải vác khổ giá đi sau. Ðức Yêsu đã đưa ra những đòi hỏi tuyệt đối, không phải nhân danh sự chết của mình cho những người mình yêu thương, nhưng nhân danh bản tính Thiên Chúa ở nơi mình và vì mình là Thiên Chúa. Và Thiên Chúa và chỉ có Thiên Chúa mới có thể đòi hỏi một cách tuyệt đối như vậy. Mọi sự, mọi người và nhất là sự sống đều là của Thiên Chúa ban cho chúng ta. Người có quyền đòi chúng ta phải dâng tất cả lại cho Người, nhất là khi hiến dâng đây, chúng ta không những không mất mát mà còn được lãnh nhận gấp trăm, gấp nghìn.
Ðó là ý tưởng của Lời Chúa tiếp theo. Người tuyên bố: Kẻ cố tìm sự sống mình thì sẽ mất, còn kẻ đành mất sự sống mình vì Ta thì sẽ gặp lại. Ðừng vội kết luận rằng sự hy sinh của người Kitô hữu cuối cùng vẫn có tính cánh vụ lợi và tính toán. Vẫn biết có lần Chúa Yêsu đã trả lời cho Phêrô khi ông này lên tiếng: "Này chúng tôi từ bỏ mọi sự mà đi theo Thầy". "Qủa thật, Người nói, không ai bỏ nhà cửa, hay anh chị em, hay cha mẹ, hay con cái, hay ruộng nương vì Ta và vì Tin Mừng, mà lại không lĩnh lấy gấp trăm bây giờ ở đời này... và sự sống đời đời trong thời sẽ đến" (Mc 10,28-31). Nhưng nếu đọc kỹ, đọc hết mọi lời của Chúa, chúng ta sẽ thấy Người đã mau lẹ chuyển từ bình diện tự nhiên sang bình diện siêu nhiên, từ những sự ở đời này sang những thực tại vô hình. Những hy sinh mà người môn đệ phải chịu rất là thực tế, còn phần thưởng dành cho họ vẫn đòi hỏi một niềm tin. Thế nên không thể nói đến sự hy sinh của họ không thoát khỏi vòng danh lợi. Ngược lại chính để thoát khỏi vòng danh lợi giam hãm con người trong vũ trụ vật chất chóng qua mà họ chấp nhận hy sinh để đạt được những giá trị và chân lý mà cùng lắm những giá trị đời này chỉ là hình ảnh.
Ở đây chúng ta không cần suy tư triết học. Chúng ta ý thức rõ ràng Chúa Yêsu Kitô đòi người môn đệ phải dám hy sinh tất cả cho Người để chứng tỏ tình yêu tuyệt đối đối với Người và để minh chứng Người thật là Thiên Chúa. Và khi hy sinh như vậy họ tìm được sự sống.
Trong khi ấy họ đẹp lòng Thiên Chúa đến nỗi Người sẵn sàng thưởng công cho những ai có một cử chỉ tốt lành nào đó đối với họ, dù chỉ cho họ một bát nước lã mà thôi. Với lời hứa này Người khuyến khích mọi người yêu mến các môn đệ của Người, cho dù họ thật bé mọn trước mặt thế gian. Và như thế chúng ta có thể tạm kết luận về bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Yêsu tuyên bố rõ ràng là người môn đệ đi theo Người phải có lòng yêu mến Người đến nỗi sẵn sàng hy sinh đến cả mạng sống vì Người. Và điều này phù hợp với lời thư Phaolô hôm nay nói: người môn đệ hãy tự kể mình như đã chết cho tội lỗi và nay sống cho Thiên Chúa trong Ðức Yêsu Kitô. Ðó là nếp sống mới, nếp sống của người môn đệ đối với Thiên Chúa. Còn đối với nhau họ được vinh dự như là "báu vật" của Người đến nỗi ai làm cho họ việc gì tốt đều không mất phần thưởng trên Nước Trời. Từ đó họ phải sống bác ái phục vụ nhau như thế nào!

C. Những Bậc Thang Giá Trị
Bài sách các Vua có thể dùng để nói về việc phục vụ này. Quả vậy, bà lớn ở thành Shunem nọ đúng là "người đã đón tiếp một vị tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, nên đã lãnh phần thưởng của nhà tiên tri". Bà là người sang trọng. Bà thấy tiên tri Êlisê đến thăm thành mình. Bà mời ông quá bộ đến ở tại nhà bà vì bà là con người đạo đức, nghĩ rằng Thiên Chúa đã cho mình có của thì mình phải phục vụ những "người của Thiên Chúa", tức là các môn đệ đặc biệt của Người. Và hiểu rằng nhà tiên tri có nhiều dịp qua lại Shunem, bà bàn với chồng phải trang bị cho người một phòng đặc biệt dành riêng và ở trên gác cao để người được tự do giao tiếp với Thiên Chúa. Bà ta thật tế nhị và am hiểu các đòi hỏi của đời sống một tiên tri: không thể để người chung đụng với phàm tục. Thái độ và cử chỉ của bà thật quý hóa. Nhà tiên tri mủi lòng, và muốn thưởng công. Ông hứa cho bà sẽ sinh con trong tuổi già của người chồng.
Chắc chắn đó là phần thưởng quá mức mong đợi đối với hai người. Nhưng câu nói của bài Tin Mừng hôm nay như muốn so sánh và bảo chúng ta rằng: đó chỉ là phần thưởng của một tiên tri cho một việc lành đối với nhà tiên tri. Còn phần thưởng của Thiên Chúa cho người làm phúc cho môn đệ của Người một bát nước lã, còn đáng trông đợi hơn nhiều!
Nhưng chúng ta cũng có thể đọc câu truyện trên về phía nhà tiên tri để thấy Êlisê cũng là hình ảnh người môn đệ đi theo Chúa. Ông như không có gia cư và không bám vào đâu cả. Ông sống cho Thiên Chúa và luôn đi làm theo ý của Người. Người ta thấy rõ ông đã thoát tục, chết cho thế gian này nên bà lớn kia khi rước ông vào nhà đã dọn cho ông một phòng riêng biệt và ở trên gác cao, để ông xa tránh phàm tục và sống cho Thiên Chúa. Chắc chắn ông thông thạo các việc của Người, nhưng khi muốn khen thưởng người đã có công đối với mình, ông phải nhờ đến ý kiến của người tiểu đồng đi theo. Anh này gần các thực tại thế gian này hơn. Anh biết gia đình chủ nhà đây đang cần gì hơn hết. Nhà tiên tri cho gọi bà chủ. Bà này lên đứng ở ngoài cửa để vẫn kính trọng nhà tiên tri là người đã thuộc về Thiên Chúa. Và nhà tiên tri đã thưởng công cho bà.
Như vậy, ngay từ thời Cựu Ước, người ta đã ý thức rằng đời sống của con người sống cho Thiên Chúa phải như đã chết đi cho thế gian và tội lỗi. Ðó là giáo lý của bài Thánh thư và của bài Tin Mừng. Tuy nhiên đây không phải là sự chết mất mát, từ bỏ và tiêu hủy những giá trị chân thật. Nhà tiên tri sống cho Thiên Chúa nhưng vẫn quan tâm đến hạnh phúc của người khác và nhất định muốn chu toàn nghĩa vụ đối với tha nhân. Khi nói chết cho thế gian, chúng ta chỉ có ý nói đến việc chết cho tội lỗi và những sự xấu xa, để tỉnh táo và đầy đủ hơn đối với những việc lành phải làm.
Vậy, nếu trong thánh lễ sắp cử hành đây chúng ta muốn nhắc lại việc Chúa Yêsu chịu chết để hủy diệt tội lỗi nơi chúng ta, thì chịu lấy Mình Thánh Người để nuôi sống mình chúng ta phải quyết tâm sống cho Thiên Chúa. Không những chúng ta phải tỏ ra muốn yêu mến Người trên hết mọi sự và trên hết mọi người; mà chúng ta cũng phải làm đầy đủ mọi nghĩa vụ đối với tha nhân và xã hội. Việc thi hành tốt mọi phận vụ ấy không bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa đâu. Chính những việc làm như vậy chứng tỏ chúng ta là môn đệ tốt của Người. Nhờ các bài Kinh Thánh hôm nay, chúng ta cứ suy nghĩ thêm về ơn gọi, đời sống, đòi hỏi cũng như vinh dự của người môn đệ đi theo Chúa, để đời sống chúng ta mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 13 Thường Niên, Năm A
Bài đọc2 Kgs 4:8-11, 14-16a; Rom 6:3-4, 8-11; Mt 10:37-42.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hiếu khách và thương người
            Trong các quốc gia vùng Cận Đông, khi một khách lỡ đường hay từ xa đến viếng thăm, chủ nhà phải tiếp đón họ cách niềm nở, chu đáo, và chân thành. Ngày nay, nhiều người bị chủ nghĩa cá nhân và tính ích kỷ thống trị, nên họ rất miễn cưỡng tiếp khách, và không kiên nhẫn đủ để chờ khách ra đi. Nhiều người đá chó, mắng mèo, chửi con để đuổi khách về sớm. Có người đặt câu hỏi: Hiếu khách như nào là đủ? Việt-nam có câu tục ngữ có thể làm chỉ nam trong việc tiếp khách: “Thương người như thể thương thân.” Nếu ta muốn được đối xử như nào khi đến nhà người khác, hãy đi bước trước và đối xử với người khác như vậy. Hơn nữa, khi một người rộng lượng cho đi, họ sẽ được Thiên Chúa bù đắp gấp trăm. Nhiều tác giả trong Tân Ước vẫn căn dặn các tín hữu phải tập luyện và thi hành đức tính này (Rom 12:13; 1 Tim 5:10; Heb 13:2; 1 Pet 4:9).
            Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy những ví dụ của việc hiếu khách và những đền đáp cụ thể. Trong bài đọc I, người phụ nữ thành Shunamite rộng lượng tiếp đón ngôn sứ Elisha, dù chẳng biết ông là ai. Bà không chỉ dọn bữa, nhưng còn sửa dọn một phòng với đầy đủ vật dụng cần thiết cho ngôn sứ khi ông đi ngang qua. Cảm kích vì lòng hiếu khách của Bà, ngôn sứ đã dùng uy quyền của Thiên Chúa để cho Bà có một người con trai trong lúc tuổi già. Trong bài đọc II, vì Đức Kitô đã đối xử với chúng ta như một thượng khách, chúng ta cũng phải đáp lại bằng cách giũ sạch các thói hư tật xấu trong cái chết của Ngài, để rồi cùng được sống lại với Ngài trong vinh quang. Trong Phúc Âm, Đức Kitô đòi người môn đệ của Ngài phải hy sinh, từ bỏ, và vác Thập Giá theo Ngài; đồng thời phải luôn biết mở rộng tâm hồn để tiếp đón và giúp đỡ tất cả những ai cần đến, vì tất cả những gì một người làm cho tha nhân là anh làm cho chính Ngài (Mt 25).
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: "Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai."
1.1/ Tinh thần hiếu khách của người phụ nữ Shunamite: Như đã nói trong phần nhập đề, tinh thần hiếu khách là một điểm son của các quốc gia vùng Cận Đông. Điều này được ghi nhận nhiều lần trong Cựu Ước: Abraham tiếp đón 3 người khách tại Mamre (Gen 18:1-13); ông Lot tiếp đón hai sứ thần của Thiên Chúa tại Sodom (Gen 19:1-11); người phụ nữ tiếp ngôn sứ Elijah (1 Kgs 17:1-15). Trong Tân Ước, chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh người bạn phải kiên nhẫn phiền hà hàng xóm ban đêm để xin bánh dù bị từ chối ban đầu, để dẫn chứng việc phải kiên nhẫn cầu nguyện (Lk 11:5-8). Một trong những lý do con người phải hiếu khách là có thể họ đang tiếp đón những sứ giả của Thiên Chúa gởi đến mà họ không biết (Heb 13:2). Hơn nữa, nếu một tín hữu đọc những lời của Chúa Giêsu trong Matthew 25, họ phải hiếu khách vì đây là tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để phán xét con người.
            Người phụ nữ thành Shunamite là một người giàu có. Bà không chỉ dọn bữa cho ngôn sứ cho Elisha mỗi khi ông đi qua Shunamite; nhưng còn dọn riêng cho ông một căn phòng để ở. Bà nói với chồng: "Này ông! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một thánh nhân của Thiên Chúa. Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên lầu có tường có vách, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng. Như thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lui vào đó."
1.2/ Tinh thần hiếu khách của Bà được đền bù xứng đáng: Cảm kích về sự hiếu khách của Bà, ngôn sứ Elisha đã dùng quyền Thiên Chúa để ban cho Bà một người con trai trong khi cả hai vợ chồng Bà đều đã cao niên. Ông Elisha loan tin vui cho Bà: "Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai." Điều này không lạ lắm nếu một người tin Thiên Chúa vẫn đang quan phòng mọi sự trong trời đất, và Ngài có uy quyền làm được mọi sự.
2/ Bài đọc II: Anh em hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô.
2.1/ Ý nghĩa của bí-tích Rửa Tội: Theo thánh Phaolô, bí tích Rửa Tội có tác động chính: Khi một người được dìm mình trong nước là họ được cùng mai táng với Đức Kitô; và khi họ trồi lên khỏi mặt nước là họ được cùng sống lại với Ngài. Ngài cũng cắt nghĩa thêm về hai tác động này: Khi dìm mình xuống nước là các tín hữu lột bỏ con người cũ với đầy những tội lỗi và đam mê xấu xa; khi trồi lên là các tín hữu mặc lấy Đức Kitô với sự thánh thiện và tràn đầy ơn thánh của Người.
            Vì Đức Kitô đã hy sinh chịu chết để thánh hóa chúng ta, chúng ta cũng phải chết với Người. Chết đây không phải là cái chết thể lý; nhưng là chết cho tội lỗi và mọi tính hư nết xấu trong người. Hơn nữa, không phải chỉ chừa tội, người tín hữu còn phải tập sống nhân đức; nếu không, các tội xưa lại tái phát, và người tín hữu lại dần dần trở lại nếp sống khi chưa được Rửa Tội.
2.2/ Người tín hữu phải biết đáp trả tình yêu hy hiến của Đức Kitô: Đã nhận ơn là phải biết đền ơn. Người tín hữu không chỉ nhận ơn nhưng là ơn cứu tử để được sống muôn đời; vì thế, người tín hữu không thể để sự hy sinh xương máu của Đức Kitô dành cho họ ra vô hiệu. Trái lại, họ phải cố gắng luyện tập nhân đức để càng ngày họ càng trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.
            Trong tiến trình trở nên thánh thiện, người tín hữu không làm việc một mình vì họ đã được Đức Kitô ban tặng Chúa Thánh Thần và 7 quà tặng của Ngài. Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn họ để nhận ra sự thật, ban sức mạnh để vượt qua những yếu đuối xác thịt, và bảo vệ họ khỏi muôn điều nguy hại. Điều cần là họ phải cộng tác với Chúa Thánh Thần để mưu cầu ích lợi cho riêng họ và cho mọi người.
            Vì thế, thánh Phaolô khuyên các tín hữu: “Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô.”
3/ Phúc Âm: Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
           
3.1/ Người môn đệ phải yêu mến Thiên Chúa hơn hết mọi người: Tại sao Thiên Chúa đòi con người phải yêu Ngài trên hết tất cả: cha mẹ, vợ chồng, con cái? Lý do đơn giản vì Ngài yêu thương chúng ta hơn hết tất cả những người đó. Thiên Chúa không những tạo dựng hồn xác và thế giới cho con người sinh sống, Ngài còn cho Con Một nhập thể để đền tội cho con người, để con người có thể sống hạnh phúc muôn đời bên Ngài. Thiên Chúa đã từng so sánh tình yêu trổi vượt của Ngài dành cho con người: Cho dù cha mẹ của ngươi có quên ngươi đi nữa, Ta cũng sẽ không quên ngươi (Isa 49:15). Rất nhiều người sau khi đã cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa đã phải thốt lên: Quả thật! Không ai yêu tôi bằng Thiên Chúa. Lịch sử Cựu Ước đầy dẫy những tấm gương con người dám hy sinh cha mẹ như ngôn sứ Elisha (1 Kgs 19:19-21); hy sinh con trai duy nhất như tổ phụ Abraham, bà mẹ của Samuel (Gen 22:1-9; 1 Sam 1:27-28); hy sinh con gái như thủ lãnh Jephthah (Judg 11:30-35).
            Tình yêu chân thành đòi phải biểu tỏ ra bằng hành động, chứ không phải chỉ bằng lời nói yêu thương. Thánh Anrê Phú Yên, tuy còn trẻ, nhưng đã thấu hiểu tình yêu của Đức Kitô dành cho ngài; nên đã can đảm thốt lên những lời sau đây trước khi tử đạo: “Phải lấy tình yêu đáp trả lại tình yêu, và phải lấy mạng sống đáp trả lại mạng sống.” Có một sự nghịch lý trong cách sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa và theo tiêu chuẩn của con người. Con người tìm bảo vệ mạng sống bằng bất cứ giá nào; trong khi Đức Kitô dạy: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” Và Ngài mặc khải cho chúng ta một ví dụ: “Amen! Amen! Thầy nói với anh em, nếu hạt giống rơi xuống đất không chết đi, nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ trổ sinh nhiều hạt giống khác.” Vì thế, nếu một người chịu hy sinh chết cho mình để sống cho người khác, người đó mới thực sự sống và làm cho tha nhân được sống; ngược lại, nếu một người chỉ biết ích kỷ sống cho mình, họ sẽ bị cô đơn và cũng chẳng giúp cho ai được sống.
3.2/ Các Kitô hữu phải có tinh thần hiếu khách và thương người: Chúa Giêsu liệt kê 3 loại người mà các Kitô hữu phải đón nhận với tinh thần hiếu khách.
            (1) Chúa Giêsu đồng hóa mình với người môn đệ: Động từ “dékomai” mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Ý nghĩa căn bản là tiếp nhận hay đón nhận nếu là một đồ vật hay một sứ điệp. Nếu là một người, động từ có nghĩa đón tiếp một người với lòng hiếu khách. Đón tiếp một con người khác với tiếp nhận một món hàng, vì con người có nhân phẩm và phải được đối xử tương xứng với phẩm giá con người.
            Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta một chân lý quan trọng: "Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy.” Người môn đệ là người được Đức Kitô sai đi cách chính thức. Theo cách thức ngoại giao, ai tiếp nhận người môn đệ hay sứ điệp của người môn đệ là tiếp nhận chính Đức Kitô; ngược lại, ai từ chối không tiếp nhận người môn đệ hay sứ điệp của người môn đệ là từ chối chính Đức Kitô. Chúa Giêsu đi xa hơn nữa: “và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” Đức Kitô được Thiên Chúa sai đi, và là người ngang hàng với Thiên Chúa; vì thế, ai tiếp nhận người môn đệ là tiếp nhận chính Thiên Chúa.
            (2) Chúa Giêsu đồng hóa với ngôn sứ và người công chính: Nhiều người hỏi chúng tôi: Nếu con ủng hộ vào công việc cha đang làm, chúng con sẽ được hưởng những gì? Đây là câu trả lời từ Chúa Giêsu: "Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.” Nói một cách cụ thể hơn, nếu người ngôn sứ cứu vớt được một linh hồn, người giúp cho ngôn sứ có phương tiện hoạt động cũng được hưởng phần thưởng của một linh hồn được cứu vớt.
            (3) Chúa Giêsu đồng hóa với người nghèo: Sau cùng, Chúa Giêsu tóm gọn trong đức bác ái căn bản của Kitô Giáo: "Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu." Chúng ta không thể làm được gì cho Thiên Chúa vì Ngài đã có tất cả; nhưng Ngài kể tất cả những gì chúng ta làm cho anh/chị/em cần đến, là chúng ta làm cho chính Ngài. Trong chương 25 của Tin Mừng Matthew, Chúa Giêsu giải thích điều này cách rõ ràng nhất.
           
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
            - Chúng ta hãy học tinh thần hiếu khách của người xưa để chào đón và lo mọi sự chu đáo cho tất cả những ai dừng chân ghé lại thăm nhà của chúng ta. Đừng để bất cứ một ai ghé thăm chúng ta một lần rồi không bao giờ trở lại nữa.
            - Đức Kitô đã chết cho chúng ta và Ngài đi trước để dọn chỗ cho chúng ta trong Nhà của Cha Ngài, rồi sẽ trở lại đón chúng ta để Ngài ở đâu chúng ta cũng ở đấy. Chúng ta hãy báo đáp công ơn của Ngài cách xứng đáng bằng cách sống thánh thiện và thương yêu mọi người.
            - Tất cả những gì chúng ta làm cho tha nhân, Thiên Chúa kể là làm cho chính Ngài. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để giúp đỡ và hy sinh mọi sự cho tha nhân. Hãy làm tất cả với một tình yêu chân thành.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


02/07/17    CHÚA NHT TUN 13 TN – A
Mt 10,37-42

MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐƯỢC THƯỞNG


“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ.” (Mt 10,40-41)

Suy niệm: “Vì thần phải nể cây đa”. Cây đa được người qua lại ngả nón vái lạy không phải vì cái dáng oai vệ của nó mà chỉ vì người ta cho rằng nơi nó có thần linh trú ngụ. Tương tự, tôn trọng vị sứ giả tức là tôn trọng người đã cử vị sứ giả đó đi. Cũng trong mạch lý luận đó, Chúa Giê-su dạy chúng ta mối liên hệ siêu nhiên giữa các tín hữu với Ngài. Nơi các tông đồ, các tín hữu thấy Đức Ki-tô, và nơi Đức Ki-tô, họ đến với Chúa Cha. Điểm mới và tích cực nơi giáo huấn của Ngài là những ai đón tiếp các ngôn sứ của Ngài thì ngay cả họ cũng được Ngài coi là ngôn sứ và trọng thưởng như một ngôn sứ chính danh.
Mời Bạn: Thật may mắn và hạnh phúc cho chúng ta bởi vì cho dù chúng ta chỉ là một thành phần bé mọn trong Hội Thánh, Chúa vẫn coi trọng những góp phần nhỏ bé của chúng ta vào công tác tông đồ của Hội Thánh. Dù bạn không có tài lợi khẩu để rao giảng, dù bạn không được ơn nói tiên tri hay làm phép lạ chữa bệnh, trừ quỷ, chỉ cần bạn có lòng hiếu khách biết niềm nở đón tiếp những người tông đồ của Chúa, chỉ cần bạn có lòng bác ái chia sẻ với người bé mọn nhất dù chỉ một chén nước lã thôi, bạn cũng được Chúa thưởng rồi. Như thế, ai cũng có thể là tông đồ, ai cũng được thưởng, chỉ cần có lòng bác ái !

Chia sẻ: Chọn một việc phục vụ giúp ích để cả nhóm làm chung với nhau.

Sống Lời Chúa: Nguyện tắt trước khi làm việc bổn phận hoặc một việc nghĩa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con dâng Chúa việc con sắp làm đây; xin Chúa thánh hoá để cho danh Chúa cả sáng.

(5 phút Lời Chúa)

XNG VI THY (2.7.2017 – Chúa nht 13 Thường niên, năm A)
Truyn giáo không phi ch là thông truyn đc tin mà còn là thông truyn tình yêu, là làm cho Ðc Giêsu được mi người yêu mến.


Suy nim:
Hai mươi sáu năm trời, vác một cây thánh giá gỗ,
dài 3,6m, ngang 1,8m, nặng 18 kg,
vượt qua 50.140 km, 227 quốc gia, 7 lục địa:
đó là điều mục sư Arthur Blessit đã làm từ Noel 1969.
Ông là người giữ kỷ lục đi bộ quãng đường dài nhất.
“Tôi đã đi qua các sa mạc, rừng rậm,
đã từng bị tấn công bởi voi, rắn, cá sấu.
Tôi đã bị bắt giam 21 lần và suýt bị hành hình...”
Chỉ còn 50 nước ông chưa đặt chân tới.
Ông hy vọng sẽ hoàn tất chuyến đi này trước năm 2000.
Như vậy ông sẽ là người đầu tiên
đưa thánh giá đi khắp mọi nơi trên thế giới.
Cử chỉ của ông làm chúng ta suy nghĩ.
Vác thánh giá là chấp nhận nặng nề và bấp bênh,
nặng nề vì khúc gỗ trên vai, bấp bênh vì nguy hiểm.
Ðức Giêsu mời gọi các môn đệ
vác thánh giá của mình mà theo Ngài.
Chẳng có con đường nào tốt hơn con đường Ngài đã đi.
Con đường khó nghèo, khiêm hạ ở Bê-lem và Na-da-rét.
Con đường rao giảng trong nhọc nhằn ở phần đất xứ Galilê.
Con đường đầy đe dọa hiểm nghèo khi lên Giêrusalem.
Con đường hiến mình khi vác thánh giá lên Núi Sọ.
Chúng ta được mời gọi đi theo Ngài trên các con đường ấy,
hay đúng hơn đi theo Ngài trên nẻo đường của đời mình,
không cô đơn thất vọng, vì biết nơi mình sắp đến.
Thánh giá của chúng ta không phải là khúc gỗ,
nhưng là những gì ta phải từ bỏ, dù rất yêu mến,
những người ta phải yêu mến, dù rất muốn từ bỏ.
Chúng ta chỉ vác nổi thánh giá của mình
nếu chúng ta dám yêu thực sự.
Chỉ khi yêu mến Thiên Chúa và tha nhân,
chúng ta mới dám quên mình, bỏ mình, mất mình, hiến mình.
Ðiểm mới mẻ của Tân Ước là tình yêu đối với Ðức Giêsu.
Ngài đòi ta phải yêu Ngài hơn cha mẹ, hơn con cái.
Ngài còn đòi ta chịu mất mạng vì Ngài.
Nếu Ðức Giêsu không phải là hiện thân của chính Thiên Chúa,
nếu Ngài đã không chết vì chúng ta trước,
thì Ngài chẳng có quyền đòi hỏi những hy sinh như vậy.
Trải qua 20 thế kỷ, biết bao thế hệ Kitô hữu
đã dám sống đến cùng tình yêu ấy.
Truyền giáo không phải chỉ là thông truyền đức tin
mà còn là thông truyền tình yêu,
là làm cho Ðức Giêsu được mọi người yêu mến.
Nhưng trước hết, chúng ta phải cảm nghiệm được Tình Yêu
để cả cuộc đời ta là lời đáp cho Tình Yêu,
là cuộc sống sao cho xứng với Thầy (c.37.38).
Ước gì chúng ta yêu Ðức Giêsu trên mọi sự,
yêu mọi sự trong Ngài và dưới Ngài,
chấp nhận mất cái tôi nhỏ mọn, để được cái tôi triển nở.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết thảy những gì con có,
và những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
Tất cả là của Chúa,
xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Ðược như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2 THÁNG BẢY
Quyền Bính Đặt Điểm Tựa Trên Lòng Nhân
Quyền bính của Thiên Chúa được diễn tả qua mối quan tâm từ phụ. Một cách nào đó, chân lý này chứa đựng chính cốt lõi của chân lý về sự quan phòng thần linh. Thánh Kinh sử dụng hình ảnh của một Mục Tử Tốt Lành để diễn tả sự thật về lòng từ phụ của Thiên Chúa: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi; tôi sẽ không còn phải thiếu thốn chi” (Tv 23,1). Thật là một hình ảnh độc đáo!
Các biểu tượng cổ xưa của đức tin và của truyền thống Kitô giáo diễn tả chân lý về sự quan phòng bằng từ La tinh “omni-tenens” (nắm giữ tất cả) – ứng với từ Hi lạp “panto-krator” (cai quản tất cả). Tuy nhiên, những ý niệm ấy vẫn chưa nói được gì so với sự hàm súc và vẻ đẹp của hình ảnh người mục tử trong Thánh Kinh. Hình ảnh người mục tử là một hình ảnh đầy ấn tượng có sức mạc khải chân lý về sự quan phòng thần linh.
Thật vậy, người mục tử là một người cầm quyền đầy quan tâm, thực hiện một kế hoạch đời đời đầy khôn ngoan và yêu thương qua việc cai quản thế giới tạo vật và nhất là xã hội loài người (Vat. II, TDTG số 3). Đó là một quyền bính đầy cẩn trọng, bao gồm cả quyền lực lẫn lòng nhân.
Theo bản văn của Sách Khôn Ngoan mà Công Đồng Vatican I trích dẫn, quyền bính ấy “vươn rộng từ chân trời này tới chân trời kia, cai quản mọi sự thật tốt đẹp” (Kn 8,1). Nghĩa là, nó bao trùm lấy, nâng đỡ, bảo vệ, và – một cách nào đó – nó nuôi dưỡng nữa. Quyền bính đó chính là Thiên Chúa chúng ta, Đấng săn sóc chúng ta như mục tử săn sóc đàn chiên của mình.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


02 Tháng Bảy
Ðấng Cứu Thế Ðang Có Mặt

Ngày kia, có một đan viện phụ Công giáo tìm đến một vị tu sĩ Ấn Giáo tại chân núi Himalaya. Với tất cả ưu tư phiền muộn, vị đan viện phụ trình bày về tình trạng bi đát của tu viện do ông điều khiển. Trước kia, tu viện này là một trong những trung tâm Công giáo thu hút không biết bao nhiêu khách hành hương. Nhà nguyện lúc nào cũng vang lên tiếng ca hát của các tu sĩ và giáo dân đến từ khắp nơi. Các căn phòng lúc nào cũng có người ở... Nay tu viện gần như trở thành một ngôi chùa trống vắng. Làn sóng những người trẻ tìm đến tu viện hầu như tắt lịm. Nhà nguyện vắng kẻ ra người vào. Một số nhỏ tu sĩ còn lại sống trong uể oải buông thả... Vị viện phụ muốn hỏi nhà tu sĩ Ấn Giáo: đâu là nguyên nhân đã đưa đến tình trạng này? Phải chăng vì một tội lỗi tày đình nào đó mà bàn tay Chúa đã đè nặng trên cộng đoàn?
Sau khi nghe đức viện phụ kể lể, vị tu sĩ Ấn Giáo mới ôn tồn nói: "Cái tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn: đó là tội vô tình". Vị tu sĩ Ấn Giáo mới giải thích như sau: "Ðấng Cứu Thế đã cải trang thành một người giữa chư vị, nhưng chư vị đã vô tình không nhận ra Ngài".
Nhận được lời giải thích của vị tu sĩ Ấn Giáo, đức viện phụ mới hối hả trở về tu viện, trong lòng ông không khỏi miên man đặt câu hỏi: "Ai là người được Ðấng Cứu Thế đang mượn hình dáng để trở lại với loài người?". Cả tu viện chỉ có tất cả không đầy mười người. Ðấng Cứu Thế không thể là chính ông, vì ông tự biết mình là một con người tội lỗi yếu hèn. Nhưng ông cũng biết rõ các tu sĩ khác trong tu viện: có người nào toàn vẹn để Ðấng Cứu Thế mượn lấy hình dáng? Thế nhưng, ông vẫn tin theo lời của vị tu sĩ Ấn Giáo để xác quyết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành một người nào đó trong cộng đoàn...
Với niềm xác tín ấy, ông quy tu tất cả các tu sĩ lại và loan báo cho mọi người biết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Ðôi mắt của mỗi người mở to ra và ai cũng bắt đầu dò xét từng người trong nhà. Chỉ có điều chắc chắn là: bởi vì Ðấng Cứu Thế đã cải trang, cho nên, không ai có thể nhận ra Ngài được. Thành ra mỗi người trong nhà đều có thể là Ðấng Cứu Thế... Từ đó, ai ai cũng đối xử với nhau như đối xử với chính Ðấng Cứu Thế. Không mấy chốc, bầu khí yêu thương, huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Sự thánh thiện ấy không mấy chốc được đồn thổi đi khắp nơi. Các tín hữu từ khắp nơi trở lại tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều ngưởi trẻ cũng đến gõ cửa Nhà Dòng...
Nếu người người, ai ai cũng nhìn nhau và đối xử với nhau như đối xử với chính Chúa Giêsu, thì có lẽ hận thù, chiến tranh sẽ không bao giờ có lý do để tồn tại trên mặt đất này. Sự vắng bóng của Thiên Chúa trong xã hội, hay đúng hơn sự vô tình của con người để không nhận ra Thiên Chúa trong cuộc sống: đó là đầu mối của mọi thứ bất hòa, chiến tranh, xáo trộn trong xã hội.
Chối bỏ Thiên Chúa cũng có nghĩa là chối bỏ con người. Sự băng hoại của những xã hội xây dựng trên chủ thuyết vô thần là một bằng chứng hùng hồn về hậu quả của sự chối bỏ Thiên Chúa. Khi con người chối bỏ Thiên Chúa, con người cũng trà đạp con người...
Con người là hình ảnh cao quý của Thiên Chúa đến độ Ngài đã trở thành con người và tự đồng hóa với con người. Từ nay, con người chỉ có thể nhận ra Ngài trong mỗi người anh em của mình mà thôi. Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn hữu hay thù địch: mỗi một con người đều là hình ảnh của Thiên Chúa và chỉ có xuyên qua tình yêu đối với con người, con người mới có thể đến với Thiên Chúa...

Lẽ Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét