18/09/2017
Thứ hai tuần 24 thường niên.
Bài Ðọc I: (Năm I) 1
Tm 2, 1-8
"Cầu nguyện
cùng Thiên Chúa cho mọi người. Ngài muốn mọi người được cứu độ".
Trích thư thứ nhất của
Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Trước tiên, cha khuyên
hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất
cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo
đức và thanh sạch. Ðó là điều tốt lành và đẹp lòng Ðấng Cứu Ðộ chúng ta là
Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý.
Vì chỉ có một Thiên
Chúa, và một Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Ðức Giêsu Kitô,
cũng là con người. Người đã phó Mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để
nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ
rao giảng, làm Tông đồ (cha nói thật chứ không nói dối), và làm Thầy dạy dân
ngoại trong đức tin và chân lý.
Vậy cha muốn rằng những
người đàn ông cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không
oán hờn và cạnh tranh.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 27, 2. 7.
8-9
Ðáp: Chúc tụng Chúa, bởi Ngài đã nghe tiếng tôi van nài
(c. 6).
Xướng: 1) Xin nghe tiếng
con van nài, khi con kêu cầu tới Chúa, khi con giang tay hướng về thánh điện của
Ngài. - Ðáp.
2) Chúa là mãnh lực và
là khiên thuẫn của tôi, lòng tôi tin cậy vào Ngài và đã được Ngài cứu trợ, bởi
thế tâm hồn tôi hoan hỉ và tôi xướng ca ngợi khen Ngài. - Ðáp.
3) Chúa là mãnh lực của
dân Ngài, là chiến lũy bảo vệ mạng sống người Chúa đã xức dầu. Xin cứu sống dân
tộc và chúc phúc cho phần gia nghiệp Chúa, xin hãy chăn nuôi họ, vinh thăng họ
tới muôn đời. - Ðáp.
Alleluia: Gc 1, 18
Alleluia, alleluia! -
Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta
nên như của đầu mùa các tạo vật. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 7, 1-10
"Cả trong dân
Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, lúc Chúa Giêsu
đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum. Bấy giờ một viên sĩ quan có
tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người
kỳ lão Do-thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và
van xin Người rằng: "Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu
mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta". Chúa Giêsu đi
với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy
người bạn đến thưa Người rằng: "Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì
tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng
đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh.
Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền
tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy
tớ tôi làm cái này, thì nó làm".
Nghe nói thế, Chúa
Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: "Ta nói thật
với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy".
Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Sức Mạnh Của
Lời Chúa
Tin Mừng hôm nay mời gọi
chúng ta suy niệm về lời quyền năng của Chúa. Thông thường, Chúa Giêsu chữa trị
bằng cách đặt tay hoặc sờ đến bệnh nhân. Cũng có trường hợp Ngài làm một cử chỉ
hay chỉ nói một lời, như được ghi lại trong trình thuật chữa bệnh cho người đầy
tớ của viên bách quản.
"Xin Ngài chỉ nói
một lời". Lời thỉnh cầu của viên bách quản gợi lại câu Thánh vịnh 106:
"Thiên Chúa sai lời của Ngài đi chữa trị". Qua lời thỉnh cầu này, viên
bách quản mặc nhiên nhìn nhận Chúa Giêsu thực sự đến từ Thiên Chúa và lời của
Ngài là lời quyền năng và hữu hiệu. Lời thỉnh cầu của viên bách quản thể hiện một
niềm tin sâu sắc, đến độ đã được Giáo Hội lặp lại mỗi ngày trong Thánh lễ, để
nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của lời Chúa, cũng như bổn phận rao truyền lời
Chúa trong cuộc sống chúng ta.
Thế giới ngày nay đang
bước vào kỷ nguyên của thông tin. Lời nói xem chừng tràn ngập khắp nơi, nhưng
liệu con người có nghe được lời quyền năng có sức chữa trị và giải phóng con
người không? Các phương tiện truyền thông đại chúng càng gia tăng và tinh vi,
thì lời nói càng được tung ra, nhưng tác hại không kém. Có những lời đường mật
dụ dỗ người trẻ sa vòng trụy lạc, nô lệ; có những lời dối trá của chính trị
gia; có những lời thất vọng, chán chường của những tiên tri chỉ biết loan báo
thảm trạng. Ngược lại, cũng không thiếu những hình thức tước đoạt quyền tự do
tư tưởng và phát biểu của con người.
Trong một hoàn cảnh
như thế, những người mà niềm tin được xây dựng trên lời quyền năng của Thiên
Chúa, hẳn phải nói lên lời của Ngài hơn bao giờ hết. Ngày nay, có biết bao viên
bách quản đang chờ đợi một lời nói can đảm, chân thật và hữu hiệu từ các Kitô hữu.
Trong một xã hội chỉ có những lời của hận thù, đố kỵ, thì lời của các Kitô hữu
phải là lời của yêu thương, hòa giải và tha thứ. Lời của Chúa là lời chân thật
và hữu hiệu, lời ấy không chỉ được các Kitô hữu nói bằng môi miệng, mà còn phải
được nhập thể vào cuộc sống của họ.
Nguyện xin Chúa, Ðấng
nói một lời thì linh hồn chúng ta được lành mạnh, ban sức mạnh, để chúng ta can
đảm sống và nói lời Ngài, nhờ đó những người xung quanh nhận ra phép lạ của
Ngài.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần 24 TN1
Bài đọc: 1
Tim 2:1-8; Lk 7:1-10.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bổn phận phải cầu nguyện cho
những nhà cầm quyền trị nước.
Bổn phận của người tín
hữu trong cuộc đời không phải chỉ lo cho bản thân, cho gia đình, hay cho các
tín hữu khác được cứu độ; nhưng còn là lo cho tất cả mọi người được hưởng ơn cứu
độ. Cách thức hiệu quả giúp cho mọi người được hưởng ơn cứu độ là bằng lời cầu
nguyện, rao giảng Tin Mừng, và làm gương sáng cho mọi người noi theo.
Các bài đọc hôm nay muốn
nêu bật bổn phận phổ quát này. Trong bài đọc I, thánh Phaolô nhấn mạnh tới bổn
phận cầu nguyện cho những người cầm quyền trị nước, vì sự khôn ngoan và tốt
lành của họ ảnh hưởng trực tiếp tới sự an cư lạc nghiệp của chúng ta. Hơn nữa,
mọi quyền hành trong trời đất đều đến từ Đức Kitô, Đấng Trung Gian giữa Thiên
Chúa và con người. Lời cầu nguyện của các tín hữu có hiệu lực để Đức Kitô thay
đổi những người cầm quyền trị nước thành những nhà lãnh đạo biết thương yêu và
mang cơm no áo ấm cho dân chúng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khen Viên Đại Đội
Trưởng về lòng thương yêu dân chúng và cách ông chân thành biểu lộ niềm tin
trong việc xin Chúa chữa người đầy tớ thân yêu của ông. Ngài cũng cảnh cáo những
người đã biết Chúa, theo Chúa; nhưng cách sống và cách biểu lộ niềm tin không bằng
một phần của viên Đại Đội Trưởng Dân Ngoại này.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ai nấy phải dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn
cho tất cả mọi người.
1.1/ Người Kitô hữu có bổn
phận cầu nguyện cho mọi người: Thánh Phaolô
khuyên các tín hữu một điều rất khôn ngoan mà chúng ta rất ít khi làm là cầu
nguyện cho tất cả mọi người, cách riêng cho tất cả những người cầm quyền trị nước.
Thông thường, khi con người muốn thay đổi một chế độ, họ thường nghĩ đến việc
biểu tình để lật đổ, hay dùng sức mạnh để tiêu diệt những nhà lãnh đạo đang cầm
quyền trị nước; ít ai nghĩ đến việc phải cầu xin để Thiên Chúa giúp những nhà
lãnh đạo có khôn ngoan để nhận ra những điều phải làm. Tại sao? Có lẽ nhiều người
chúng ta giả sử những nhà lãnh đạo này không thay đổi được nữa! Chúng ta quên
đi một trường hợp đã xảy ra trong lịch sử là ông M. Gorbachev, Bí Thư Đảng Cộng
Sản của Liên Bang Sô Viết đã chấm dứt chế độ cộng sản tại quốc gia này năm
1991, và là nguyên nhân sự sụp đổ của bức tường Berlin, ngăn cách Đông và Tây Đức.
Đối với các tín hữu, biến cố này xảy ra là vì họ đã vâng lời Đức Mẹ siêng năng
lần hạt Mân Côi và cầu nguyện cho Sô Viết trở lại, hầu có thể tránh được thảm họa
chiến tranh nguyên tử và tiêu diệt toàn thể nhân loại.
Tại sao các tín hữu phải
cầu nguyện cho họ? Lý do đơn giản là vì sự lãnh đạo tốt đẹp của họ ảnh hưởng đến
cuộc đời chúng ta, như thánh Phaolô nói: “để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà
sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh.” Lý do sâu xa hơn vì: “Đó là điều tốt và đẹp
lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và
nhận biết chân lý.” Ngài không muốn cho kẻ lầm đường lạc lối phải chết; nhưng
muốn cho họ ăn năn sám hối và được sống.
1.2/ Thiên Chúa là Đấng
thay đổi lòng dạ con người: Chúng ta quên đi
một điều rất quan trọng là mọi quyền hành trong trời đất đều đến từ Thiên Chúa.
Ngài có thể trao ban quyền hành và lấy đi dù con người có biết hay không. Trong
Cựu Ước, các Đế-quốc liên tục thay đổi, từ Assyria đến Babylon, từ Babylon đến
Persia, từ Persia đến Hy-lạp, từ Hy-lạp đến Roma, dẫn chứng uy quyền quan phòng
của Thiên Chúa. Ngài có thể thay đổi lòng dạ vua Cyrus của Ba-tư, một vua Dân
Ngoại chưa từng biết Thiên Chúa, đồng ý để phóng thích dân Do-thái, cho họ trở
về quê hương để xây dựng lại Đền Thờ, như ta sẽ thấy ngày mai. Trong Tân Ước,
thánh Phaolô nhấn mạnh: “Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung
gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Giêsu Kitô, Đấng
đã tự hiến làm giá chuộc mọi người. Điều này đã được chứng thực vào đúng thời
đúng buổi.” Người tín hữu phải tin chắc: không một uy quyền nào trong trời đất
có thể thắng vượt uy quyền của Đức Kitô. Ngài sẽ chinh phục mọi quyền hành thế
gian, và đặt mọi sự làm bệ dưới chân Người, trước khi trao Vương Quốc của Ngài
lại cho Thiên Chúa. Vì thế, thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu: “Tôi muốn rằng
người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh
thiện, không giận hờn, không xung khắc.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu khen ngợi cách đón tiếp Chúa của Viên Đại Đội
Trưởng.
2.1/ Đời sống tốt lành của
viên Đại Đội Trưởng: Ông là người rất nhạy cảm
trước những nhu cầu của tha nhân: của người đầy tớ, của người Do-thái, và của
Chúa Giêsu. Có bao nhiêu chủ nhân nhận ra bệnh tình của đầy tớ? Có bao nhiêu sĩ
quan muốn biết và giúp đỡ nhu cầu tâm linh của dân bị đô hộ? Có bao nhiêu Dân
Ngọai quan tâm đến việc người Do-thái không được vào nhà Dân Ngọai?
Nhiều người cũng nhạy
cảm nhận ra nhu cầu của tha nhân nhưng nhiều khi chỉ là những xúc cảm nhất thời,
họ đã không hành động để đáp ứng nhu cầu. Viên Đại Đội Trưởng không những nhạy
cảm nhận ra nhu cầu mà còn yêu thương tìm cách giúp đỡ tận tình: Ông kiếm Thầy
giỏi nhất để chữa bệnh cho đầy tớ vì ông yêu quý anh ta lắm. Ông giúp người
Do-thái vì ông quý mến họ và chính ông đã xây cất hội đường cho họ. Ông tìm
cách tránh cho Chúa để khỏi phải vào nhà ông bằng cách sai bạn hữu đi ra khỏi
nhà để gặp Chúa, và họ xin Chúa chỉ cần “phán một lời.”
2.2/ Cách thức biểu lộ niềm
tin của viên Đại Đội Trưởng: Ông không những
khiêm hạ biết mình mà còn biết tôn kính Chúa khi ông chân thành thổ lộ niềm tin
vào Chúa cách công khai qua bạn hữu ông: “Tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp
Ngài, nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính
tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo
người này: Đi! là nó đi; bảo người kia: Đến! là nó đến; và bảo người nô lệ của
tôi: Làm cái này! là nó làm.”
Biết mình không xứng
đáng đến gặp Chúa, ông đã lịch sự và lễ độ gởi phái đòan người Do-thái đến thưa
chuyện cùng Chúa và gởi bạn hữu ra đón tiếp Ngài. Nghe vậy, Đức Giêsu thán phục
ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: "Tôi nói cho
các ông hay: ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng
tin mạnh như thế." Và chính nhờ đức tin của ông mà Chúa đã chữa lành người
nô lệ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Được giáo dục và lớn
lên trong đức tin, chúng ta giả sử phải biết cách biểu tỏ niềm tin nơi Thiên
Chúa và yêu tha nhân hơn những người chưa tin vào Chúa; nhưng thực tế cho thấy
những người ngọai nhiều khi tin và biểu lộ sự cung kính của họ vào Chúa, và yêu
tha nhân hơn chúng ta.
- Chúng ta có bổn phận
cầu nguyện cho mọi người, nhất là những người cầm quyền trị nước, để họ biết
cách lãnh đạo dân chúng trong công bằng và yêu thương. Người tín hữu đừng bắt
chước lề thói của thế gian để kết tội, chỉ trích, và tìm cách tiêu diệt những
người không chịu theo quan điểm của mình.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
18/09/17 THỨ HAI
TUẦN 24 TN
Lc 7,1-10
CHÚA CỨU ĐỘ MỌI DÂN TỘC
“Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi
không đáng rước Ngài vào nhà tôi.” (Lc 7,6)
Suy niệm: Người Do Thái quan niệm chỉ có hai loại người trên
trái đất: người Do Thái, ngoài ra tất cả là dân ngoại. Là dân được tuyển chọn,
nên người Do Thái tin, khi Đấng Mê-si-a đến, Người sẽ chỉ cứu riêng người Do
Thái mà thôi. Ngờ đâu, khi Chúa Giê-su đến, người mà Ngài nhậm lời lại là một
viên sĩ quan người Rô-ma, một người ngoại giáo! Chúa Giê-su đến chữa lành người
Do Thái lẫn dân ngoại. Đây là cách Chúa Giê-su muốn nói với những người Do
Thái: Dù các ngươi bất trung và bướng bỉnh như thế nào, ta cũng đến đây vì các
ngươi. Và đây cũng là cách Chúa Giê-su với dân ngoại: Ta đến đây vì các con nữa.
Mời Bạn: Vốn là dân ngoại nay bạn
trở thành Ki-tô hữu nhờ được Thiên Chúa tuyển chọn qua bí tích Thánh Tẩy; vậy bạn
đừng để não trạng tự mãn trong đời sống đạo làm cho niềm tin của bạn già nua,
xơ cứng; thái độ thiếu tôn trọng những người thuộc tôn giáo khác làm bạn khó nhớ
đến sứ mạng truyền giáo bạn lãnh nhận. Bạn hãy nhớ rằng Thiên Chúa ban Con Một
Ngài cho thế gian, không loại trừ ai. Chương trình cứu độ của Thiên Chúa có được
bạn tiếp tục không?
Chia sẻ: Trong năm vừa qua, Giáo xứ bạn giúp được bao nhiêu người
gia nhập Hội Thánh Chúa ? Nhận xét của bạn?
Sống Lời Chúa: Viếng Thánh Thể cầu nguyện
cho cuộc truyền giáo của giáo xứ bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin củng cố đức tin và ban thêm sức mạnh cho
con, để con luôn nhận ra Chúa và tình thương của Chúa, nhờ đó, chúng con không
ngừng hát lên bài ca ngợi tình thương quan phòng của Chúa.
(5 phút Lời Chúa)
Cứ nói một lời (18.9.2017 – Thứ hai Tuần 24 Thường niên)
Ở đâu ta cũng
gặp những người như viên sĩ quan Rôma. Họ có thể là mẫu mực cho các Kitô hữu về sự khiêm hạ và tín thác.
Suy niệm:
Viên đại đội trưởng ở đây
là người coi một trăm quân.
Ông đã nghe đồn về khả
năng chữa bệnh của Đức Giêsu.
Nhưng ông chẳng hề dám
gặp mặt Ngài,
vì ông biết mình là dân
ngoại, bị người Do Thái coi là nhơ uế.
Bởi tình thương đối với
anh nô lệ mà ông yêu quý,
ông đã mạnh dạn nhờ các
kỳ mục Do Thái xin Đức Giêsu đến nhà ông
để cứu sống anh nô lệ
đang bệnh nặng gần chết (cc. 2-3).
Sau khi nghe kể lại những
điều tốt đẹp viên sĩ quan Rôma này đã làm,
Đức Giêsu liền lên đường
đến nhà ông ấy để chữa bệnh (cc. 4-6).
Khi Đức Giêsu còn trên
đường, vị sĩ quan này đã suy nghĩ và đổi ý.
Ông chẳng những thấy mình
không đáng đến gặp mặt Ngài
mà còn không đáng đón
Ngài vào nhà mình nữa,
căn nhà vẫn bị coi là ô
uế của một người dân ngoại (c. 6).
Ông muốn ngăn Ngài lại
trước khi Ngài đến nhà ông,
nên đã sai một số bạn hữu
ra gặp Ngài trên đường (c. 6).
Nơi ông bùng cháy một
niềm tin mạnh mẽ.
Ông tin rằng chẳng cần
Ngài vào nhà ông và gặp anh nô lệ sắp chết.
Chỉ cần Ngài nói một lời
cũng đủ làm cho anh ta lành mạnh (c. 7).
Viên đại đội trưởng tin
vào sức mạnh của lời Đức Giêsu.
Đối với ông, lời ấy có uy
lực như một mệnh lệnh.
Là một sĩ quan trong quân
đội Rôma
ông hiểu thế nào là sự
phục tùng của lính tráng dưới quyền.
“Tôi bảo người này: “Đi
!” là nó đi; bảo người kia: “Đến !” là nó đến;
và bảo người nô lệ của
tôi: “Làm cái này !” là nó làm.” (c. 8).
Lệnh được ban ra là phải
thi hành.
Viên đại đội trưởng tin
rằng lời của Đức Giêsu cũng thế.
Chỉ cần một lời cũng đủ
làm cơn bệnh nguy tử phải thoái lui.
Đức Giêsu ngỡ ngàng trước
một lòng tin mạnh mẽ như vậy.
Khó lòng tìm thấy lòng
tin đó nơi cộng đoàn dân Ítraen (c. 9).
Ngài đã không đến nhà
viên sĩ quan,
chẳng gặp mặt ông, cũng
chẳng nói lời nào.
Chỉ biết là sau đó anh nô
lệ đã được khỏi (c. 10).
Ở đâu ta cũng gặp những
người như viên sĩ quan Rôma.
Họ có thể là mẫu mực cho
các Kitô hữu về sự khiêm hạ và tín thác.
Nhiều con người hôm nay,
có tấm lòng thật tốt như viên sĩ quan,
nhưng vẫn ngại chưa dám
mời Chúa vào nhà,
chưa dám trực tiếp gặp
mặt Chúa,
chỉ dám nói chuyện với
Ngài qua trung gian.
Nhưng họ có thể đã mang
trong mình một niềm tin kiên vững
và đã có kinh nghiệm về
sự chữa lành kỳ diệu của Ngài.
“Tôi không đáng được Ngài
vào nhà tôi, chỉ xin Ngài nói một lời…”
Có khi chúng ta đã đánh
mất ý thức về sự linh thánh khi rước Chúa.
Có khi chúng ta chẳng tin
mấy vào quyền năng của Lời Ngài.
Xin có được lòng tin đơn
sơ như một người dân ngoại.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin
lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi
lòng con
những ích kỷ và khép kín.
Xin cho con đức tin can
đảm
để con chẳng sợ thiệt
thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì
con cậy dựa xưa nay.
Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Đấng Vô hình,
nhưng rất gần gũi thân thương,
thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.
Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.
Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì
đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.
Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thuong của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Chín
18 THÁNG CHÍN
Niềm Hy Vọng Vinh
Quang
Trong sứ vụ cứu rỗi phổ
quát của mình, Hội Thánh không ngừng được Thánh Thần của Chúa Phục Sinh thúc đẩy.
Hội Thánh thiết tha mong muốn đưa dẫn mọi người đến niềm hạnh phúc trên trời –
hạnh phúc mà các thánh đang vui hưởng. Trong thành đô trên trời ấy, các thánh
thi hành phần vụ của mình là cầu bầu cho Hội Thánh lữ hành dưới đất. Về phần
mình, Hội Thánh hướng nhìn với đôi mắt đức tin về Giêrusalem trên trời và tìm
thấy nơi đó ánh sáng và hy vọng mà Hội Thánh cần trong hành trình tiến tới và
chia sẻ con đường cứu rỗi và nên thánh với thế giới này.Bởi đó, Hội Thánh giữa
lòng thế giới dẫn dắt nhân loại tiến tới đền thờ vĩnh cửu trong Thành Thánh
muôn đời, như ta đọc thấy trong Sách Khải Huyền của Thánh Gioan. “Tôi không thấy
đền thờ nào trong thành, vì đền thờ của thành chính là Đức Chúa toàn năng và là
Con Chiên” (Kh 21,22).
Thành Giêrusalem thiên
quốc – khác với Hội Thánh dưới thế này – hoàn toàn tinh tuyền và thánh thiện.
Thành ấy được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Trong Thành đó không có một
chút gì phàm tục cần phải tách ra khỏi những sự thánh thiêng của Thiên Chúa.
Trong Thành đó không có đền thờ, bởi vì không cần phải có một hình thức hiện diện
trung gian. Không, mọi sự trên trời đều biểu hiện vẻ rạng ngời của Thiên Chúa
Ba Ngôi. Nói cách khác, Thiên Chúa hiện diện một cách vĩnh hằng trong đền thờ
là trong chính mọi sự mọi người trên thiên quốc.
Thiên Chúa cũng thực sự
hiện diện nơi Hội Thánh dưới đất này. Nhưng Ngài hiện diện một cách giấu ẩn
trong đức tin kiên định và đức cậy dạt dào của dân Thiên Chúa. Và vì thế, chúng
ta không nhìn thấy vinh quang của Đức Kitô rõ ràng như Hội Thánh trên trời, nhưng
chúng ta khắc khoải chờ mong cuộc quang lâm của Đức Kitô và sự sống lại của những
người đã chết. Bấy giờ, Hội Thánh sẽ hoàn toàn hiệp nhất trên trời với Đức
Kitô.
Ôi tuyệt diệu! Đấy sẽ
là Hội Thánh trong vinh quang sung mãn của mình. Đấy sẽ là Hội Thánh như Thánh
Gioan đã thị kiến trong Sách Khải Huyền.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by
Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 18-9
1Tm 2, 1-8; Lc 7, 1-10
LỜI SUY NIỆM: “Một
viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người
ấy lắm. Khi nghe đồn về Đức Giêsu, ông cho mấy người kỳ mục của người Do-Thái
đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông” (Lc 7,2-3)
Ông đại đội trưởng, biểu
hiện là người có thể giá, và có quyền; nhưng ông không dám gặp trực tiếp Chúa
Giêsu. Ông đã nhờ trung gian những người kỳ mục của người Do-Thái xin giúp. Điều
này giúp cho chúng ta, mỗi khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa, chúng ta cũng phải
biết qua trung gian là Chúa Giêsu, chúng ta còn có đấng trung gian của Đấng
trung gian là Đức Mẹ Maria. Chúng ta còn có các Thánh, các Thiên Thần, thánh bổn
mạng và anh chị em trong cộng đoàn. Hãy tin vào những trung gian này vì chúng
ta đang sống trong Giáo Hội hiệp thông và thông công.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Thứ Tư 18-9
Thánh Giuse
Cupertino
(1603-1663)
Thánh Giuse là người nổi tiếng bay bổng khi cầu nguyện.
Ngay từ lúc nhỏ, Giuse đã ưa thích cầu nguyện. Sau một thời gian sống với
các tu sĩ dòng Capuchin, ngài gia nhập dòng Conventual (một nhánh của dòng
Phanxicô). Sau một thời gian ngắn trông coi lừa cho nhà dòng, Giuse được đi học
để làm linh mục. Mặc dù việc học đối với ngài thật khó khăn, nhưng Giuse đã hiểu
biết nhiều qua sự cầu nguyện. Ngài được thụ phong linh mục năm 1628.
Việc bay bổng khi cầu nguyện của Thánh Giuse đôi khi là thập giá cho
ngài, vì nhiều người đến xem lễ như đi xem xiệc. Tuy được ơn sủng đặc biệt này
nhưng ngài thật khiêm tốn, kiên nhẫn và vâng phục, dù có nhiều khi bị thử thách
nặng nề và cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ quên. Suốt cuộc đời, ngài ăn chay và
đeo một giây xích sắt trong người.
Nhà dòng thuyên chuyển thánh nhân đến nhiều nơi vì ích lợi cho ngài cũng
như cho toàn thể cộng đoàn. Ngài bị báo cáo lên Tòa Thẩm Tra và bị điều tra,
nhưng cơ quan này không kết tội ngài.
Thánh Giuse Cupertino được phong thánh năm 1767. Trong cuộc điều tra để lập
hồ sơ phong thánh, người ta ghi nhận có đến 70 lần ngài bay bổng.
Lời Bàn
Trong khi việc bay bổng là dấu hiệu bất thường của sự thánh thiện, Thánh
Giuse cũng được người đời nhớ đến qua những dấu chỉ bình thường của ngài. Ngài
cầu nguyện khi tâm hồn tăm tối, và ngài sống theo Tám Mối Phúc Thật. Ngài dùng
"vật sở hữu độc đáo" là ý chí tự do của ngài để ca ngợi Thiên Chúa và
phục vụ các tạo vật của Người.
Lời Trích
"Hiển nhiên điều mà Thiên Chúa mong muốn trên tất cả mọi sự là ý
chí mà chúng ta được tự do lãnh nhận qua sự tạo dựng của Thiên Chúa, và chiếm hữu
như của riêng mình. Khi một người tự rèn luyện sống theo các nhân đức, và đạt
được điều đó là nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa, Ðấng phát sinh mọi điều thiện hảo.
Ý chí là điều mà con người có được như một sở hữu độc đáo" (Thánh
Giuse Cupertino, trích từ bài đọc ngày lễ kính trong sách nhật tụng của dòng
Phanxicô).
18 Tháng Chín
Những Giọt Nước Mắt Của Sám Hối
Người Hồi Giáo thường
nói đến ý nghĩa và giá trị của lòng sám hối qua câu chuyện tưởng tượng như sau:
Một hôm Allah, Ðấng
Khôn Ngoan, truyền cho một sứ thần xuống trần gian để tìm cho được điều tốt đẹp
nhất và mang về Thiên quốc.
Vị sứ thần đáp ngay
xuống một trận chiến nơi máu của những vị anh hùng đang chảy lai láng. Vị sứ thần
thu nhặt một ít máu và mang về trình cho Ðấng Allah. Nhưng Ðấng Allah xem ra
không hài lòng mấy. Ngài nói: "Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều
quý giá, nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất dưới trần gian".
Vị sứ thần đành phải
giáng trần một lần nữa. Lần này, ngài gặp ngay một đám tang của một người giàu
có, nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi đằng sau quan tài, vừa đi vừa
khóc lóc, vừa xông hương để biểu lộ lòng biết ơn của họ đối với vị ân nhân. Vị
sứ thần bèn thu nhặt hương thơm ngào ngạt và mang về trời. Lần này, Ðấng Allah
mỉm cười đón lấy mùi thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng. Ngài
nói: "Dĩ nhiên, lòng biết ơn là một trong những điều tốt đẹp và hiếm có dưới
trần gian. Nhưng ta nghĩ rằng còn có một cái gì khác tốt đẹp hơn".
Lại một lần nữa, vị
sứ thần đành phải vâng lệnh Allah để trở lại trần gian. Phải mất một thời gian
lâu, sau khi đã đi rảo khắp bốn phương, vị sứ thần mới tìm được điều mong mỏi.
Một buổi chiều nọ, ngồi nghỉ mệt bên vệ đường, ngài bỗng thấy một người đàn ông
bên cạnh khóc sướt mướt. Vị sứ thần được người đàn ông giải thích như sau:
"Tô đã chiều theo cơn cám dỗ để phạm tội... Giờ đây, nước mắt là cơm bữa hằng
ngày của tôi". Vị sứ thần bèn đưa tay hứng lấy những giọt nước mắt còn
nóng hổi và vội vã bay về trời. Ðấng Allah nhìn thật lâu vào những giọt nước mắt
và mỉm cười nói với vị sứ thần:
Thế là người đã
hoàn thành tốt sứ mệnh. Quả thật dưới trần gian, không có gì đẹp và hữu ích cho
bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc sống. Tuy nhiên, người đã thấy
đó, trước khi vui mừng, ta đã nhìn thật kỹ xuyên qua những giọt nước mắt. Một
lòng sám hối giả dối không có ích lợigì cả. Một sự sám hối thành thật có sức biến
đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân của Tình Yêu".
Trong Tin Mừng theo
thánh Luca ở đoạn 15 câu 7, Chúa Giêsu đã nói: "Trên trời sẽ vui mừng gấp
bội khi có một người tội lỗi ăn năn hối cải hơn là 99 người công chính không ăn
năn hối cải".
Vinh quang của Thiên
Chúa, niềm vui của Thiên Chúa chính là con người được sống. Và sự sung mãn, sự
sống đích thực chính là ân sủng, là sự sống của Thiên Chúa trong tâm hồn con
người. Sự sống ấy chỉ có thể đến trong tâm hồn con người, nếu con người biết mở
rộng cửa tâm hồn để đón nhận Thiên Chúa... Những giọt nước mắt sám hối chính là
sức đẩy để mở tung cánh cửa tâm hồn vậy.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét