Trang

Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ, bài 39

Giáo Hi Công Giáo Dưới Cái Nhìn ca Mt Ký Gi Hoa Kỳ, bài 39


Còn Đạo Công Giáo ở Ấn Độ thì sao?

Dấu chân Công Giáo ở Ấn Độ đã có từ thời các tông đồ nguyên khởi. Thực thế, về phương diện lịch sử, giáo hội ở tiểu bang Kerala miền nam đã tự gọi mình là Các Kitô Hữu của Thánh Tôma, vì họ cho rằng họ bắt nguồn từ các cố gắng truyền giáo của chính Thánh Tôma trong thế kỷ thứ nhất. Sự lớn mạnh gần đây của Đạo Công Giáo, vào cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21, là một điều phi thường. Từ năm 1975 tới năm 2000, dân số Công Giáo của Ấn Độ tăng từ dưới 2 triệu người lên quá 17 triệu người và hiện nay, có dự phóng cho rằng nó sẽ đạt tới 26 triệu người vào năm 2050. Đây vẫn chỉ là một thiểu số nhỏ trong dân số khổng lồ của Ấn Độ, nhưng dù là một phần nhỏ trong dân số 1 tỷ người, con số này vẫn hết sức đáng lưu ý. Hai mươi sáu triệu người Công Giáo ở Ấn Độ vào năm 2050 sẽ đặt Ấn Độ vào số 20 quốc gia Công Giáo hàng đầu trên thế giới, với dân số Công Giáo gần bằng cỡ của Đức. Ấn Độ cũng là quốc gia Công Giáo lớn thứ năm trên thế giới, nơi tiếng Anh là ngôn ngữ chính; đến lúc đó, sẽ có nhiều người Công Giáo nói tiếng Anh ở Ấn Độ hơn ở Ái Nhĩ Lan, Úc, Vương Quốc Thống Nhất và Gia Nã Đại gọp lại.

Trong khi trung tâm Công Giáo truyền thống của Ấn Độ nằm ở miền nam, gần đây, Giáo Hội đã thu được nhiều tín hữu ở các vùng khác của đất nước. Chẳng hạn, ở đông bắc Ấn Độ, một vùng gồm 8 tiểu bang tập trung quanh thành phố Assam, hiện nay có 1 triệu rưỡi người Công Giáo, non một thế kỷ sau khi các nhà truyền giáo đặt chân tới đây. Ngày nay, các giáo phận địa phương phong chức trung bình cho 50 tân linh mục mỗi năm, một điều hết sức gây ấn tượng theo tiêu chuẩn Công Giáo hoàn vũ. Tại tiểu bang Arunachal Pradesh ở biên giới với Trung Quốc, nơi Đạo Công Giáo mới được du nhập 25 năm qua, hiện nay có 180,000 người Công Giáo trong tổng số dân 800,000 người.

Sự gia tăng nói trên thường phản ảnh nhiều nhân tố lịch sử và xã hội độc đáo. Giáo Hội tạo được thành công truyền giáo lớn nhất nơi người Dalit, là đẳng cấp thấp nhất trong hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ, và các người bộ lạc, tức những người hoàn toàn nằm ngoài hệ thống đẳng cấp. Cả hai nhóm này thường coi việc theo một tôn giáo không phải Ấn Giáo như phương thế để bác bỏ việc bị áp bức. Các ước tính đều đồng ý rằng người Dalit và người bộ lạc hiện chiếm khoảng từ 60 tới 75 phần trăm tổng dân số Công Giáo của Ấn Độ.

Đâu là các đặc điểm chính của Đạo Công Giáo ở Ấn Độ?

Giáo Hội tại Ấn Độ có 3 nghi lễ chính: Syro-Malabar, Syro-Malankara, và nghi lễ La Tinh. Nghi lễ Syro-Malabar có khoảng 4 triệu tín hữu, nghi lễ Syro-Malankara có khoảng 500,000 tín hữu, và số còn lại thuộc nghi lễ La Tinh. Các cố gắng truyền giáo ở phía Nam, tập trung ở Kerala và Goa, theo bước chân chiếm đóng Goa của người Bồ Đào Nha năm 1510. Đạo Công Giáo được người ta tôn trọng rộng rãi khắp Ấn Độ nhờ mạng lưới trường học, bệnh viện và các trung tâm phục vụ xã hội. Do các yếu tố dân số học của đất nước, những người không phải là Công Giáo chiếm khối đại đa số những người thừa hưởng ơn ích của các định chế vừa kể, nên Giáo Hội được coi như vốn qúy của cả xã hội. Khi Mẹ Têrêxa qua đời năm 1997, chính phủ Ấn Độ dành cho Mẹ nghi lễ quốc táng, biến Mẹ thành người công dân tư thứ hai, sau Mohandas Gandhi, được vinh dự này. Quan tài của Mẹ được chở trên cùng một đoàn xe tang từng chuyên chở di hài Gandhi năm 1948.

Trong mấy thập niên vừa qua, các giám mục và thần học gia Ấn Độ, cũng như các nhà tư tưởng và tranh đấu Tây Phương được Ấn Độ gợi hứng, đã là những nhà lãnh đạo nổi bật trong Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC), là cơ quan bảo trợ các giám mục Công Giáo của Á Châu. FABC đã khai phá điều được gọi là “cuộc đối thoại tay ba” (triple dialogue) nghĩa là đối thoại với các nền văn hóa Á Châu, đối thoại với các truyền thống tôn giáo vĩ đại, và đối thoại với người nghèo của lục địa. Trong các sự việc Công Giáo hoàn cầu, các giám mục Á Châu nói chung được tri cảm như những vị chủ đạo trong việc Giáo Hội vươn bàn tay liên tôn của mình ra với các tôn giáo khác. Các ngài cũng được coi như những người cổ vũ lối sống đơn giản và khiêm nhường hơn nơi các nhà lãnh đạo Giáo Hội.

Việc tiếp xúc với các tôn giáo Á Châu có chiều hướng trở thành mối quan tâm đặc biệt đối với người Công Giáo Ấn Độ, xét vì bộ mặt xã hội của họ như một thiểu số tí hon giữa lòng một đa số mênh mông người Ấn Giáo. Đối với một số người, Ấn Độ vốn được tiếng có một nền thần học dạn dĩ nhất trong Đạo Công Giáo hiện nay, nhất là trong “thuyết đa nguyên tôn giáo”. Các nhà tư tưởng như Michael Amaladoss, Felix Wilfred, Raimon Panikkar, Aloysius Pieris, và Jacques Dupuis, tất cả đều là người Ấn hay chịu ảnh hưởng tư tưởng Ấn, tuy gây tranh cãi nhưng là vì họ muốn cố gắng đem lại một giá trị thần học tích cực cho các tôn giáo không phải là Kitô Giáo. Đây là một khai triển hợp luận lý xét vì tính đa dạng phong phú về tôn giáo của Ấn Độ, nhưng nó gây nhiều báo động cho các giới trong Giáo Hội có nhiệm vụ bảo vệ căn tính Công Giáo truyền thống. Các nhà lãnh đạo Công Giáo muốn khuyến khích việc thăm dò thần học giúp mở ra cuộc đối thoại nhưng không được vượt quá các giới hạn tín lý.

Công bằng kinh tế cũng là một quan tâm xã hội đối với nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo Ấn, vì việc biến đổi nhanh chóng và bộ mặt kinh tế của đất nước như một siêu cường hoàn cầu đang ló dạng. Ấn Độ hiện nay là nước lãnh đạo thế giới về kỹ thuật thông tin và truyền thông, kỹ thuật ánh sáng, kỹ thuật sinh học, và dược phẩm, và nó cũng là nước Microsoft dùng đưa công việc tới (outsourcing); họ hiện kiểm soát 85 phần trăm thị trường của một ngành kỹ nghệ gia tăng 40 phần trăm mỗi năm. Việc tạo nên một giai cấp trung lưu mới đã kéo hằng trăm triệu người Ấn ra khỏi cảnh nghèo cùng cực.

Thế nhưng phép lạ kinh tế của Ấn Độ vẫn để lại đàng sau một phần dân số khổng lồ, với khoảng 300 triệu người chỉ kiếm được non 1 dollars một ngày. Đẳng cấp Dalit muôn đời và những người bộ lạc, chiếm khoảng 150 triệu tới 250 triệu người, vẫn còn bị kỳ thị và bạo lực đến não lòng. Đặc biệt vì dân số Công Giáo phần lớn bao gồm các đẳng cấp hạ đẳng này, nên các nhà lãnh đạo Giáo Hội coi việc mở rộng các cơ hội mới của Ấn Độ là ưu tiên hàng đầu.

Đâu là các thách đố lớn lao cho Giáo Hội ở Ấn Độ?

Giáo Hội Công Giáo đã tiếp nhận chính nghĩa giải phóng người Dalit và người bộ lạc trong xã hội Ấn Độ, thế nhưng, Giáo Hội lại có một thành tích lẫn lộn trong việc cổ vũ việc lãnh đạo và tạo cơ hội cho giai cấp hạ đẳng. Đức Tổng Giám Mục Marampudi Joji của Hyderabat, vốn là vị Tổng Giám Mục người Dalit đầu tiên của Ấn Độ, trong một cuộc phỏng vấn năm 2005, đã nói rằng “việc kỳ thị người Dalit không có sự chế tài chính thức nào trong Giáo Hội, nhưng nó rất được thực hành”. Đức Tổng Giám Mục Joji thuật lại câu truyện về một cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Công Giáo và cựu thủ tướng Ấn Độ Indira Gahndi trong thập niên 1970. Theo ngài, khi các giám mục than phiền về việc đối xử với người Dalit, Gandhi phản công ngay: “trước nhất, qúy vị hãy xử tốt với người Dalit ngay bên trong Giáo Hội của qúy vị, rồi hãy trở lại với tôi và khiếu nại cho họ. Lúc ấy, tôi sẽ ráng hết sức cho qúy vị”.

Nhậy cảm đối với các phân biệt đẳng cấp vẫn còn rất mạnh trong Giáo Hội. Khi Đức Cha Joji được cử tới một tổng giáo phận nơi người Dalit không chiếm đa số, vị Tổng Giám Mục mãn nhiệm tên Samineni Arulappa của Hyderabat than phiền: “Rôma đang chơi trò cỡi xe. Họ không biết các thực tại dưới đất”. Khi dân số gia tăng và năng động tính nội bộ giúp Đạo Công Giáo ở Ấn Độ có nhiều ảnh hưởng lớn lao hơn đối với Giáo Hội hoàn cầu, thì việc lưu ý tới khía cạnh thành tích này xem ra càng kịch liệt hơn.

Đạo Công Giáo ở Ấn Độ cũng đối diện với một đe dọa trầm trọng do sự xuất hiện của chủ nghĩa duy quốc gia Ấn Giáo khá hung hãn. Các phong trào Ấn Giáo cực đoan thường cho rằng các Kitô hữu có những thực hành truyền giáo đầy nghi ngờ nhằm “Kitô hóa” Ấn Độ. Dù phần đông người ta cho rằng những người Ấn Giáo duy quốc gia chỉ là một thiểu sổ nhỏ của dân số, nhưng họ có khả năng tạo nên nhiều tai họa khủng khiếp. Ngày nay, đôi khi các nhóm cực đoan có tổ chức dám đi vào các làng Công Giáo, rao giảng một thứ tin mừng gọi là Hindutva, hay chủ nghĩa duy quốc gia Ấn Giáo, và thúc ép người ta tham dự các nghi thức “tái trở lại”. Các nhóm này cũng thường tổ chức các ngày lễ hội chống báng trong mùa Giáng Sinh của Kitô Giáo. Nỗi sợ bị người Kitô Giáo tiếm quyền là nỗi sợ khá bàng bạc; năm 2001, khi Sonia Gandhi, gốc Ý, ra tranh cử, một nhật báo cho chạy hàng tít lớn: “Sonia, dễ bị Vatican tống tiền!”

Đôi khi, các căng thẳng trên nổ thành bạo động. Năm 2006, chẳng hạn, Đức Tổng Giám Mục Bernard Moras của Bengalore và hai linh mục bị đám đông tấn công ở Jalhally, cách nam Bengalore 10 dặm. Ba vị giáo sĩ đến để thanh tra quang cảnh sau khi Nhà Thờ Thánh Tôma và Trường Thánh Claret ở Jalhally bị các người duy quốc gia Ấn Giáo cướp phá. Thành viên các dòng tu Công Giáo cũng gặp nguy hiểm. Tháng Ba năm 2008, hai nữ tu sĩ Dòng Cát Minh bị tấn công và đánh đập bằng roi sắt ở Maharastra thuộc tiểu bang Mumbai. Trong khi ấy, sáu tiểu bang Ấn Độ nay đã thông qua các đạo luật mới “chống trở lại” mà xét về nhiều phương diện có mục đích giới hạn hoạt động của các nhà truyền giáo Kitô Giáo và các nhóm tín ngưỡng khác.

Orissa, tiểu bang phía tây bắc, là khung cảnh có lẽ bạo lực nhất diễn ra các cuộc sát hại người Kitô Giáo cho tới nay ở đầu thế kỷ 21. Năm 2008, một loạt các cuộc bạo động kết thúc với khoảng một trăm Kitô hữu bị chặt đầu bởi những người cực đoan sử dụng mã tấu, hàng ngàn người bị thương và ít nhất 50,000 người vô gia cư. Khoảng 6,000 gia hộ Kitô hữu, cùng với 300 nhà thờ và trường học bị phá hủy. Các nhà lãnh đạo Công Giáo địa phương than phiền rằng chính phủ tiểu bang ở Orissa do đảng Bharatiya Janata duy quốc gia lãnh đạo, đã để bạo lực tha hồ lộng hành.

Các nhà lãnh đạo Công Giáo cũng đang đối diện với thách đố tự bảo vệ và bảo vệ đoàn chiên của mình chống lại các đe dọa trên. Đây có lẽ là một trách nhiệm hết sức khó khăn trong một môi trường địa chính trị trong đó, nhiều đại cường thế giới không dám thách thức các chính sách đối nội của Ấn Độ, sợ mất cơ hội làm ăn với một trong các nền kinh tế quan trọng nhất đang vươn lên của thế giới.

Giữa khung cảnh hoang tàn của cuộc sát hại năm 2008, Đức Tổng Giám Mục Raphael Cheetath của Cuttack-Bhubaneswar, thuộc tiểu bang Orissa, nói rằng “Ngày nay, Ấn Độ là một thị trường được mọi người thèm muốn. Có nhiều may rủi lớn lao về quyền lợi kinh tế ở đây, nên ai cũng muốn có những mối liên hệ tốt với chúng tôi. Trong trạng huống này, không ai lưu ý tới những điều đang xẩy ra cho các nhóm thiểu số như chúng tôi”.

Còn tiếp

Vũ Văn An
01/Sep/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét