03/10/2017
Thứ Ba tuần 26 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm I) Dcr
8, 20-23
"Nhiều dân tộc
đến tìm kiếm Chúa tại Giêrusalem".
Trích sách Tiên tri
Dacaria.
Ðây Chúa các đạo binh
phán: "Sẽ có các dân tộc đến đây, trú ngụ trong nhiều thành phố; các dân
cư sẽ ra đi, người này bảo người kia rằng: "Chúng ta hãy đi cầu khẩn tôn
nhan Chúa và tìm kiếm Chúa các đạo binh; còn ta, ta cũng ra đi". Sẽ có nhiều
dân tộc và những cường quốc đến tìm kiếm Chúa các đạo binh ở Giêrusalem, và khẩn
cầu tôn nhan Chúa". Chúa các đạo binh còn phán thế này: "Trong những
ngày ấy, sẽ có mười người thuộc mọi tiếng nói các dân tộc nắm lấy gấu áo một
người Do-thái mà thưa rằng: "Chúng tôi cùng đi với các ông, vì chúng tôi
nghe nói rằng Thiên Chúa ở cùng các ông".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 86, 1-3.
4-5. 6-7
Ðáp: Thiên Chúa ở cùng chúng tôi (c. Dcr 8,23).
Xướng: 1) Chúa yêu cơ
sở Người thiết lập trên núi thánh. Người yêu cửa nhà Sion hơn mọi cư xá nhà
Giacóp. Hỡi thành trì của Thiên Chúa, thiên hạ đang nói những điều hiển hách về
ngươi. - Ðáp.
2) Ta sẽ kể Rahab và
Babel vào số người thờ phượng Ta, kìa Phi-litinh, Tyrô và dân Êthiôpi: những
người này đã sinh ra tại đó. Và thiên hạ sẽ nói về Sion rằng: "Riêng từng
người và hết mọi người đã sinh tại đó, chính Ðấng Tối Cao đã củng cố thành
này". - Ðáp.
3) Chúa sẽ ghi chép
vào sổ sách của chư dân rằng: "Những người này đã sinh ra tại đó". Và
khi ca vũ, người ta sẽ ca rằng: "Mọi nguồn vui thú của tôi đều ở nơi Người".
- Ðáp.
Alleluia: Tv 18, 9
Alleluia, alleluia! -
Lạy Chúa, giới răn Chúa làm hoan lạc tâm can, mệnh lệnh Chúa sáng soi con mắt.
- Alleluia.
Phúc Âm: Lc 9, 51-56
"Người cương
quyết lên đường đi Giêrusalem".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Vì gần tới thời gian
Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và
sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng
Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người,
bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng:
"Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng
không?" Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: "Các con không
biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu
chữa người ta". Và các Ngài đi tới một làng khác.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Ra Khỏi Chính
Mình
Ðể lại một tên tuổi,
có được một danh thơm tiếng tốt, đó vốn là ước mơ chung của mọi người. Tuy
nhiên, được người khác trân trọng nhắc nhớ và mến thương hay không là tùy cách
sống của mỗi người. Nói chung, cuộc đời hy sinh cho người khác, dù chỉ là hy
sinh âm thầm cũng luôn được nhớ đến. Phải chăng đó không là ao ước của cố nhạc
sĩ Văn Cao khi ông nói: "Tôi không đi qua tôi, tôi để lại gì? Tôi sẽ để lại
gì nếu tôi chỉ khư khư giữ cho riêng mình? Nhưng nếu tôi có ra khỏi tôi, có
trao ban chính mình, thì điều tôi để lại chính là bản thân tôi; bản thân tôi
tìm gặp đã đành, mà đó cũng là quà tặng tôi để lại cho đời".
Có thể đó cũng là ý
nghĩa chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng hôm nay. Nếu mỗi tác giả Tin Mừng có một
sợi chỉ xuyên suốt nối kết các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu, thì theo sự
trình bày của thánh Luca, sợi chỉ xuyên suốt cuộc đời Chúa Giêsu chính là cuộc
hành trình lên Giêrusalem. Với thánh Luca, cuộc đời Chúa Giêsu là một hành
trình ra đi không ngừng để đạt tới đích điểm là Giêrusalem, nơi gặp gỡ chung cục
giữa Chúa Giêsu và các nhà lãnh đạo Do thái cũng như chính quyền Roma. Giêrusalem
là cao điểm của cuộc song đấu giữa quyền lực sự dữ và tình yêu diễn ra trong
con người Chúa Giêsu. Giêrusalem, xét cho cùng, chính là cái chết đang chờ đợi
Chúa Giêsu; đi lên Giêrusalem có nghĩa là giáp mặt với cái chết, là đi đến tận
cùng của thân phận làm người.
Nếu đã đón nhận cái chết
như tột đỉnh của cuộc hành trình, thì dĩ nhiên điều kiện tiên quyết của người
ta ra đi là phải kiên nhẫn trước thất bại. Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ của
Ngài bài học về sự kiên nhẫn trước thất bại ấy khi các ông bị những người
Samari khước từ. Giacôbê và Gioan tưởng có thể sai khiến lửa từ trời xuống để
tiêu diệt những kẻ chống các ông; tuy nhiên, trung thành với giáo huấn của
Ngài, Chúa Giêsu nhắc nhở cho các ông bài học về yêu thương nhẫn nại mà họ phải
có ngay cả với kẻ thù của mình.
Ra đi, hay nói theo
ngôn ngữ của Văn Cao "đi qua khỏi mình" chính là biết thắng vượt những
chướng ngại do lòng ích kỷ và hận thù có thể giăng mắc trên lối đi. Cái chết chỉ
thực sự có ý nghĩa và giá trị khi nó là một cái chết vì yêu thương; cuộc hành
trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu như vậy cũng là một cuộc hành trình của yêu
thương. Chỉ có yêu thương mới giúp con người thắng vượt được chính mình, chỉ có
yêu thương mới giúp con người nhìn xuyên suốt qua bên kia thất bại, khổ đau.
Cuộc sống của người
môn đệ Chúa Giêsu là một cuộc hành trình không ngừng. Cùng với Ngài, chúng ta
luôn được mời gọi từ giã con người cũ tội lỗi và ích kỷ để tiến về con người mới
của ân sủng và yêu thương. Chông gai thử thách vẫn luôn có đó, nhưng chúng ta
tin rằng có Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta và phần thưởng đang chờ đợi chúng
ta chính là niềm vui được lớn lên và tìm gặp lại bản thân mỗi ngày một cách
sung mãn hơn.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 26 TN1
Bài đọc: Zec
8:20-23; Lk 9:51-56.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phản ứng của
con người khi gặp trái ý hay đau khổ.
Khi gặp trái ý hay đau
khổ trong cuộc đời, con người thường có 3 khuynh hướng:
(1) Trách Thiên Chúa
hay trách Trời: bắt con người phải đau khổ như những lời mở đầu của Truyện Kiều:
“Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen… Bắt phong trần phải phong trần, Cho
thanh cao mới được phần thanh cao.”
(2) Trách tha nhân: Có
thể là cha mẹ, “Đời cha ăn mặn đời con khát nước.” Có thể là tha nhân như triết
gia hiện sinh J.P. Sastre nói: “Tha nhân là hỏa ngục.” Hay như phản ứng của hai
Tông-đồ Giacôbê và Gioan hôm nay: muốn lửa từ trời xuống thiêu rụi các thành của
Samaria.
(3) Trách chính mình:
đã sinh ra dưới một ngôi sao xấu.
Các bài đọc hôm nay
cho chúng ta một cách giải quyết tốt đẹp hơn: tìm hiểu lý do tại sao phải đau
khổ. Trong bài đọc I, ngôn-sứ Zechariah tiên báo sẽ có ngày mọi người thuộc mọi
dân nước sẽ tuôn đến Jerusalem để đi tìm Thiên Chúa và cầu nguyện với Ngài, vì
họ đã nghe Thiên Chúa ở với người Do-thái. Trong Phúc Âm, khi hai Tông-đồ
Giacôbê và Gioan muốn tiêu diệt dân thành Samaria, Chúa Giêsu quở trách hai
ông, vì đó không phải là đường hướng giáo dục của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Các dân đông đảo và các nước hùng cường sẽ đến tìm kiếm Đức
Chúa các đạo binh ở Jerusalem.
1.1/ Jerusalem sẽ là nơi
thờ phượng của mọi dân tộc.
(1) Văn bản: Bản dịch
của Nhóm PVCGK dịch sai câu 21 và 22. Cụm từ “lehalôt et-penê Yahweh” có nghĩa
“để cầu nguyện trước mặt Yahweh;” chứ không phải “để làm cho mặt Yahweh dịu lại.”
Vì thế, phải dịch câu 21:
+ Dân thành này sẽ đến
thành khác mà nói rằng: "Nào ta cùng nhanh chóng đi để cầu nguyện trước
nhan thánh Đức Chúa và tìm kiếm Đức Chúa các đạo binh; cả tôi nữa, tôi cũng
đi!"
+ và câu 22: Các dân
đông đảo và các nước hùng cường sẽ đến tìm kiếm Đức Chúa các đạo binh ở
Jerusalem và “cầu nguyện trước nhan thánh Đức Chúa.”
(2) Ý nghĩa: Đây là lời
tiên tri của Zechariah về tương lai của Thành Thánh Jerusalem: “Đức Chúa các đạo
binh phán thế này: Các nước và dân cư trong các thành phố lớn vẫn còn tuôn đến.”
Họ tuôn đến Jerusalem để cầu nguyện và để tìm kiếm Đức Chúa. Việc thờ phượng Đức
Chúa không chỉ giới hạn trong vòng dân Do-thái, nhưng lan rộng ra đến mọi dân tộc.
Điều này không chỉ được nói bởi ngôn sứ Zechariah, mà còn được tiên báo bởi hầu
hết các ngôn sứ: Isaiah, Jeremiah, Daniel... Jerusalem không phải là Jerusalem
thể lý, nhưng là Jerusalem trên trời (Rev 3:12; 21:2; 10).
Trong cuộc đàm thoại
giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samaria, Chúa Giêsu cũng nói tiên tri:
"Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không
phải trên núi này hay tại Jerusalem. Các người thờ Đấng các người không biết;
còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái.
Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực
sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai
thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người
phải thờ phượng trong thần khí và sự thật" (Jn 4:20-24).
1.2/ Lý do tìm kiếm: Người năm châu bốn bể tuôn đến Jerusalem để tìm Chúa vì họ
được nghe biết về Thiên Chúa của người Do-thái. Ngôn sứ Zechariah thuật lại lời
sấm của Thiên Chúa: “Đức Chúa các đạo binh phán thế này: Trong những ngày ấy,
mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc sẽ níu lấy áo của một
người Judah mà nói: "Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết
rằng Thiên Chúa ở với anh em."” Mười người đàn ông nói mười ngôn ngữ khác
nhau, nhưng họ cùng chung một mục đích là đi tìm Thiên Chúa. Dĩ nhiên, lời sấm
này được thực hiện nơi Đức Kitô, Đấng đã bị chết treo trên Thập Giá, nằm trong
mộ 3 ngày, và đã phục sinh khải hoàn. Người chết để xóa tội cho con người, và sống
lại để phục hồi sự sống cho con người (Zech 11:12-14).
2/ Phúc Âm: Phản ứng của hai ông Giacôbê và Gioan: muốn tiêu diệt đối
phương.
2.1/ Người Do-Thái và người
Samaria: Cách tốt và ngắn nhất nếu đi từ
Galilea tới Jerusalem là băng ngang qua Samaria; nhưng hầu hết các người
Do-thái đều tránh dùng lối đó vì giữa hai bên có một mối thù không đội trời
chung. Người Do-thái dùng hai lối khác đi lên Jerusalem: hoặc đi đường ven biển
hoặc đi dọc theo sông Jordan đến Jericho rồi đi lên Jerusalem. Người Samaria tìm
đủ mọi cách để ngăn cản không cho người Do-thái đi ngang qua lãnh thổ của họ
như ta thấy hôm nay: Dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng
Jerusalem.
2.2/ Phản ứng của Giacôbê
và Gioan: Khi thấy phản ứng của người
Samaria dành cho Chúa Giêsu, hai Tông-đồ Giacôbê và Gioan cảm thấy bị xúc phạm.
Hai ông hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời
xuống thiêu huỷ chúng nó không?" Đây là phản ứng thông thường của người
Do-thái dành cho Dân Ngọai. Các ông nghĩ Chúa Giêsu đã khiêm nhường hạ mình xuống
để vào làng và để rao giảng Tin Mừng cho họ, thế mà họ lại từ chối không đón nhận;
vì vậy họ không đáng được nghe Tin Mừng và cũng không đáng sống vì đã từ chối
Con Thiên Chúa.
2.3/ Phản ứng của Chúa
Giêsu: Ngài quay lại quở mắng các ông. Tiêu
diệt đối phương không phải là cách tốt nhất để giải quyết xung đột nhưng làm
cho họ trở thành bạn thì sẽ giải quyết mọi vấn đề. Khi A. Lincoln bị phê bình
là quá mềm dẻo trong cách đối xử với kẻ thù và được nhắc nhở bổn phận của ông
là diệt trừ họ, ông trả lời: “Chẳng phải tôi tiêu diệt kẻ thù khi tôi làm họ trở
thành bạn hữu?” Chương 4 của Phúc Âm Gioan tường thuật Chúa Giêsu đã hóan cải
người phụ nữ xứ Samaria thành nhà truyền giáo đầu tiên trước cả các Tông Đồ.
Sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật sau cuộc tử đạo đầu tiên của Phó Tế Stephen,
Philip đi giảng ở Samaria, chữa trị nhiều người, và làm cho nhiều người tin vào
Chúa Giêsu (Acts 8:4-8). Nếu các Tông Đồ đã khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy
các thành Samaria, thì làm sao kiếm được các tín hữu tin vào Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Để cho mọi người tin
vào Thiên Chúa, chúng ta cần rao giảng Tin Mừng để nói về Thiên Chúa cho họ.
Chúng ta không thể kết tội bất cứ ai khi chưa cho họ có cơ hội được nghe Tin Mừng.
- Chúng ta không thể
hiểu nổi hết kế họach của Thiên Chúa vì nhiều giới hạn của con người. Vì thế,
khi gặp trái ý hay thử thách, chúng ta cần phải bắt chước gương Chúa Giêsu và Đức
Mẹ. Các Ngài giữ những sự ấy và suy niệm trong lòng; thay vì than thân, trách
phận hay tiêu diệt đối phương. Tiêu diệt đối phương không phải là cách để giải
quyết xung đột, nhưng biến họ thành bạn là cách hay nhất để tiêu diệt mọi xung
đột.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
03/10/2017 - THỨ BA TUẦN 26 TN
Lc 9,51-56
CÁI NHÌN MỚI THEO ĐỨC KI-TÔ
Thấy vậy, hai môn đệ
Người là ông Gia-cô-bê và Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có khiến lửa từ trời
xuống thiêu hủy chúng nó không?” Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông.
(Lc 9,54-55)
Suy niệm: Hai dân tộc Do
Thái và Sa-ma-ri thù ghét nhau sâu sắc. Vì thế, việc người dân Sa-ma-ri cửa
đóng then cài không đón tiếp các khách hành hương Do Thái là điều dễ hiểu. Phản
ứng của hai cái “đầu nóng” là Gia-cô-bê và Gio-an muốn thiêu hủy cả làng cũng
là chuyện ăn miếng trả miếng không hơn gì người Sa-ma-ri. Tuy nhiên, Đức Giê-su
muốn các môn đệ của mình vượt lên trên cách ứng xử “thế gian lẽ thường” ấy, để
có một cái nhìn hoàn toàn mới. Cái nhìn mới này có thể được tóm tắt qua chữ bao
dung. Bao dung để mở lòng chấp nhận và tôn trọng những người khác chính kiến,
khác quan niệm sống, khác niềm tin với mình. Bao dung để sẵn sàng tha thứ khi
người khác xúc phạm đến mình.
Mời Bạn: Bạn thấy đó, “bá nhân bá
tánh,” cái nhìn, suy nghĩ, lối sống của con người không ai giống ai. Sống đời
Ki-tô hữu là tập luyện cho mình có được cái nhìn mới bao dung như Đức Giê-su.
Có được cái nhìn mới này, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy cuộc đời an vui và hạnh
phúc hơn nhiều.
Sống Lời Chúa: Để làm theo Lời Chúa dạy,
tôi sẽ tập có cái nhìn mới, cái nhìn của Đức Kitô: nhân ái và cảm thông.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa
là mẫu gương sống bao dung cho chúng con. Xin biến đổi chúng con theo cái nhìn
của Chúa, để trong Chúa chúng con biết trân trọng người khác khi họ khác biệt với
chúng con, cũng như biết sẵn sàng tha thứ cho người anh em. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Nhất quyết lên Giêrusalem (3.10.2017 – Thứ ba Tuần 26 Thường niên)
Quyền lực của Thiên Chúa không đe dọa, không áp đặt, cũng không bóp chết tự do mà Ngài đã ban cho con người.
Suy niệm:
Sống là lên đường.
Hai lần tiên báo về cái
chết sắp đến
cho thấy Đức Giêsu biết
rõ con đường mình sắp đi,
và những gì sẽ xảy ra ở
cuối đường (Lc 9, 22. 44).
Bị bắt, bị nộp, bị loại
bỏ, bị giết chết,
là những điều tự nhiên ai
cũng gớm ghét, sợ hãi và muốn né tránh.
Đức Giêsu cũng vậy, vì
Ngài mang trọn phận người như ta.
“Đức Giêsu nhất quyết đi
lên Giêrusalem” (c. 51).
Lên Giêrusalem là một
quyết định đắn đo và nghiêm túc,
cũng là một chọn lựa tự
do và can đảm của Đức Giêsu,
bởi lẽ lên đó là chấp
nhận đối diện với cái chết bi đát.
Giêrusalem là trung tâm
hoạt động của các nhà lãnh đạo Do Thái giáo,
những người đang âm mưu
bắt được Đức Giêsu để thủ tiêu.
Muốn được sống yên thân,
Đức Giêsu chỉ cần đừng lên thành đô ấy,
chỉ cần giới hạn hoạt
động của mình ở Galilê.
Lên Giêrusalem trong tình
thế dầu sôi lửa bỏng như bây giờ
là làm một cuộc Xuất Hành
mới (Lc 9, 31), đầy bất trắc hiểm nguy.
Nhưng Đức Giêsu không sợ
đến với nơi Cha muốn mình đến:
“Hôm nay, ngày mai và
ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi,
vì một ngôn sứ mà chết
ngoài thành Giêrusalem thì không được” (Lc 13, 33).
Giêrusalem là nơi Đức
Giêsu hiến mình qua cái chết vì vâng phục,
nhưng Giêrusalem cũng là
nơi Ngài được phục sinh và rước lên trời (c. 51).
Tin Mừng Luca coi việc
lên Giêrusalem như một hành trình dài (9, 51-19, 27).
Ngài cố ý đi ngang qua
vùng đất của người Samari.
Giữa người Do Thái và
người Samari có sự xung khắc.
Người Do Thái khinh người
Samari, người Samari thù người Do Thái.
Chính vì thế khi biết
nhóm Thầy trò lên đường đi Giêrusalem dự lễ,
người dân một ngôi làng
Samaria đã từ chối tiếp đón.
Giacôbê và Gioan, từng
được Thầy gọi là con của thiên lôi (Mc 3, 17),
đã muốn xin cho mình được
chia sẻ quyền năng trừng phạt của Thầy.
Họ muốn làm như ngôn sứ
Êlia ngày xưa (2 V 1, 10. 12),
“khiến lửa từ trời xuống
thiêu hủy bọn chúng” (c. 54).
Nhưng Thầy Giêsu, người
dẫn đầu, đã quay lại quở mắng hai ông.
Ngài chẳng bao giờ dùng
quyền lực để trừng phạt kẻ từ chối mình.
Ngài sống điều Ngài đã
giảng cho các môn đệ (Lc 6, 29).
Làm sao có thể giết người
khác chỉ vì họ không đón nhận mình?
Quyền lực của Thiên Chúa
không đe dọa, không áp đặt,
cũng không bóp chết tự do
mà Ngài đã ban cho con người.
Sự bao dung của Đức Giêsu
cho ta thấy sự bao dung của Thiên Chúa.
Chúng ta có thể học được
nhiều điều từ thái độ này.
Như các môn đệ, chúng ta
cũng thích thi thố quyền lực.
Chúng ta cũng thích dùng
lửa khi có lửa trong tay.
Chúng ta không chấp nhận
một Kitô giáo có vẻ yếu đuối, chịu lép vế.
Thầy Giêsu và các học trò
đã đi sang làng khác (c. 56).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng
trước mọi biến cố của cuộc sống,
khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,
hay gặp sự bất trung, bất tín
nơi những người con tin tưởng cậy dựa.
Xin giúp con gạt mình sang một bên
để nghĩ đến hạnh phúc người khác,
giấu đi những nỗi phiền muộn của mình
để tránh cho người khác phải đau khổ.
Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,
để đau khổ làm con thêm mềm mại,
chứ không cứng cỏi hay cay đắng,
làm con nhẫn nại chứ không bực bội,
làm con rộng lòng tha thứ,
chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.
Ước gì không ai sút kém đi
vì chịu ảnh hưởng của con,
không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,
lòng cao thượng, tử tế,
chỉ vì đã là bạn đồng hành của con
trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.
Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,
xin cho con có lúc
thì thầm với Chúa một lời yêu thương.
Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,
tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,
và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen.
(dịch theo Learning
Christ)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
3 THÁNG MƯỜI
Khuôn Mặt Nhân Loại
Của Thiên Chúa
Thánh Kinh đưa ra câu
trả lời rất phong phú cho câu hỏi: “Con người là ai?” Chúng ta tìm thấy câu trả
lời này trong Sách Huấn Ca : “Đức Chúa tạo dựng con người từ bùn đất, và Ngài tạo
nên họ giống hình ảnh Ngài. Ngài cho họ sống đời tạm trên trần gian và rồi lại
trở về với đất bụi. Ngài ban tặng con người sức mạnh của Ngài, Ngài trao cho họ
quyền thống trị mọi sự trên mặt đất.” (Hc 17,1-3)
Ở đây chúng ta có câu
trả lời cho vấn nạn con người và định mệnh của họ. “Ngài tạo nên con người giống
hình ảnh Ngài”. Vì thế, theo cách diễn tả rất khéo của thánh Gregory thành
Nyssa (PG 44,446), con người là “khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa”. Để hiểu
biết đúng đắn về con người, chúng ta không bao giờ được phép đánh mất quan điểm
này của mạc khải Thánh Kinh; từ Sách Sáng Thế đến Sách Khải Huyền, Thánh Kinh
khai mở đầy đủ chiều kích đích thực của con người. Con người được dựng nên giống
hình ảnh Thiên Chúa. Và để cứu độ và giải phóng con người khỏi tội lỗi, Thiên
Chúa đã đi vào thân phận con người.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 03-10
Dcr 8, 20-23; Lc 9,
51-56
Lời suy niệm: “Họ lên đường và
vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón
tiếp Người vì Người đang đi về hướng Giêrusalem.”
Đối với người Samari
và với người Ítraen giữa họ có một bức tường, một hố sâu ngăn cách họ với nhau.
Nên khi dân làng Samari thấy các môn đệ của Chúa Giêsu toàn là người Ítraen đi
vào làng của họ; Nên họ đã không đón tiếp. Điều này là làm cho hai ông Giacôbê
và Gioan nổi giận; muốn giáng họa lửa trên dân làng. Nhưng Chúa Giêsu đã quở
trách hai ông và Người đã đi lối khác mà về thành Giêrusalem.
Lạy Chúa Giêsu, những
gì đi ngược lại với đức mến, đều bị Chúa quở trách và ngăn cấm. Xin cho chúng
con luôn có lòng mến trong mọi hoàn cảnh sống; để chúng con đem lại niềm vui và
bình an cho nhau như lòng mong ước của Chúa.
Mạnh Phương
03 Tháng Mười
Báu Vật Cuối Cùng
Ngày 10 tháng 3 năm
1615, tại Glasgow bên Tô Cách Lan, một vị thừa sai lừng danh là cha Ogilvie bước
lên máy chém vì tội rao giảng Phúc Âm.
Trong giây phút cuối
đời, đứng trên đoạn đầu đài thấy hàng ngàn người đứng coi, muốn để lại cho họ một
kỷ niệm và một bảo đảm đức tin, vị tử đạo lấy ra vật cuối cùng còn lại trong
mình: đó là một cỗ tràng hạt... Ngài cố sức ném tràng chuỗi vào giữa biển người.
Tràng chuỗi đã rơi xuống trúng một ông hoàng xứ Hungary đang trên đường chu du
học hỏi, tình cờ ghé qua Glasgow.
Chuỗi tràng hạt này
đã bám riết ông khắp nơi, mãi đến ngày ông quyết định rời bỏ giáo phái Calvin để
quay trở lại với Công Giáo.
Những mẩu chuyện
trên đây không phải là ít trong lịch sử Giáo Hội. Việc sám hối luôn gắn liền với
kinh Mân Côi. Ðó là mệnh lệnh mà Mẹ Maria đã ban bố tại Fatima năm 1917:
"Hãy năng lần hạt Mân Côi".
Thánh Grêgoriô
thành Nysse thường dùng thí dụ sau đây để nói về ảnh hưởng của kinh Mân Côi
trong đời sống Kitô của chúng ta: "Mỗi người chúng ta được ví như một họa
sĩ, linh hồn chúng ta là một khung vải còn nguyên vẹn, màu sắc được dùng là các
nhân đức Kitô giáo, hình ảnh phải họa theo là chính Chúa Giêsu Kitô, hình ảnh sống
động của Chúa Cha. Họa sĩ nào càng muốn hình ảnh họa lại được giống hình mẫu,
càng phải năng ngắm nhìn mẫu khi đặt bút vẽ".
Mẹ Maria là mẫu gương
của đời sống Kitô. Qua kinh Mân Côi, chúng ta chiêm ngắm các biến cố trong cuộc
đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Nhờ ôn đi, đọc lại nhiều lần, các biến cố đó sẽ
thấm nhập tâm hồn chúng ta để dần dần biến chúng ta theo khuôn mẫu của các
Ngài.
Kinh Mân Côi không những
là hình thức đạo đức có tính cách cá nhân, nhưng còn là chất keo nối kết mọi
người trong gia đình lại với nhau. Còn hình ảnh nào được ghi đậm trong tâm khảm
chúng ta cho bằng những giờ kinh Mân Côi đọc chung trong gia đình... Gần đây,
người ta phát động việc đọc kinh Mân Côi trong gia đình với khẩu hiệu: "Một
gia đình cầu nguyện chung với nhau là một gia đình đứng vững".
"Nơi nào có hai
hay ba người ngồi lại với nhau vì danh Ta, Ta sẽ ở giữa họ". Mà nơi nào có
Thiên Chúa, nơi đó cũng sẽ có Tình Yêu. Vì Tình Yêu là chất men liên kết mọi
người trong gia đình lại với nhau.
Việc cầu nguyện trong
gia đình, nhất là với kinh Mân Côi, là yếu tố bảo đảm sự bền vững của hôn nhân
và khơi dậy ơn gọi trong gia đình.
Trong tông huấn về việc
tôn kính Mẹ Maria, Ðức Phaolô VI đã nhắn nhủ chúng ta như sau: "Những điều
kiện sinh sống đổi thay của ngày nay khiến việc hội họp gia đình không được dễ
dàng và dù khi sum họp được thì nhiều hoàn cảnh lại làm cho cuộc họp mặt khó biến
thành một dịp nguyện cầu. Các gia đình muốn sống trọn vẹn ơn gọi và tinh thần của
gia đình Công Giáo phải tận lực lướt thắng những áp lực cản trở gia đình không
thể hội họp và cầu nguyện chung".
Tinh thần đạo đức của
các phần tử trong gia đình được thể hiện và tăng triển trong những giờ cầu nguyện
chung, gồm cả việc đọc kinh hay đọc sách Thánh, chia sẻ lời Chúa, nhưng thuận lợi
hơn cả đối với các gia đình Việt Nam đó là việc đọc kinh Mân Côi. Cũng chính Ðức
Cố Giáo Hoàng VI khuyên nhủ chúng ta: "Sau việc đọc kinh Nhật Tụng thì việc
đọc kinh Mân Côi được coi như một trong những kinh cầu nguyện chung tốt đẹp nhất,
hữu hiệu nhất mà gia đình Công Giáo được khuyến khích đọc".
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét