17/10/2017
Thứ Ba tuần 28 thường niên
Thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, giám mục, tử đạo.
Lễ nhớ.
* Giám mục I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-khi-a đã bị án quăng làm mồi cho thú dữ, tại Rôma, quãng năm 110. Tại các chặng dừng chân trên con đường tiến đến nơi hành hình, người đã gửi bảy thư cho nhiều giáo đoàn. Trong các thư đó, người nói về Chúa Kitô, về Hội Thánh và về đời sống Kitô hữu một cách khôn ngoan và thông thái.
Trong các thư đó còn có một trong những bài tình ca thốt lên từ một trái tim thấm nhuần tinh thần Kitô giáo: “Hãy để tôi lãnh nhận ánh sáng tinh tuyền. Nơi tôi chỉ còn một dòng nước sống động đang thầm thì: Hãy đến với Chúa Cha”.
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm
1, 16-25
"Dẫu loài người
biết Thiên Chúa, họ không tôn vinh Người cho xứng với Thiên Chúa".
Trích thư Thánh Phaolô
Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi
không hổ thẹn đạo Phúc Âm: vì đó là sức mạnh của Thiên Chúa để cứu độ mọi kẻ có
lòng tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp. Vì trong đó, đức công
chính của Thiên Chúa được tỏ ra bởi đức tin, nhằm vào đức tin, như có lời chép
rằng: "Người công chính sống bởi đức tin".
Quả thực, cơn thịnh nộ
của Thiên Chúa từ trời cao hiện ra trừng phạt những người vô đạo, bất công, cầm
giữ chân lý của Thiên Chúa trong đường tà: vì chưng hễ sự gì có thể biết được về
Thiên Chúa, thì đã được biểu lộ trong họ rồi, bởi Thiên Chúa đã tỏ bày cho họ.
Từ khi sáng tạo thế gian, qua những loài thụ tạo, họ đã có thể nhìn nhận, hiểu
biết những sự không trông thấy được của Thiên Chúa, nhất là quyền năng đời đời
và thiên tính của Người, nên họ không thể chữa mình được. Vì dẫu họ biết Thiên
Chúa, họ không tôn vinh, không cảm tạ Người cho xứng với Thiên Chúa, song họ đã
lầm lạc trong những hư tưởng của họ, và tâm trạng ngu muội của họ đã ra mù tối.
Họ tự khoe là khôn ngoan, nhưng họ đã hoá ra điên dại. Họ đã hoán đổi vinh
quang của Thiên Chúa bất hủ ra giống như hình ảnh của loài người hay chết và của
loài chim, loài thú bốn chân và rắn rết. Vì thế, Thiên Chúa để mặc cho họ buông
theo lòng dục vọng tìm sự dâm ô, thậm chí làm ô nhục đến chính bản thân họ. Họ
là những người đã hoán đổi sự chân thật của Thiên Chúa ra sự dối trá, đã thờ tự
và phụng sự loài thọ tạo thay vì Ðấng Tạo Hoá, Người đáng chúc tụng muôn đời.
Amen!
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5
Ðáp: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa (c.
2a).
Xướng: 1) Trời xanh tường
thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc
nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia. - Ðáp.
2) Ðây không phải lời
cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng
đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. - Ðáp.
Alleluia: Ga 6, 64b và
69b
Alleluia, alleluia! -
Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời
đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 11, 37-41
"Hãy bố thí,
thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, lúc Chúa Giêsu
còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người
đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại
sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa.
Bấy giờ Chúa phán cùng
ông ấy rằng: "Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên
ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu
dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên
trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch
cho các ông".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Quan Tâm Ðến
Ðiều Cốt Yếu
Bài Tin Mừng hôm nay
cho thấy nhóm Biệt phái ngạc nhiên vì Chúa Giêsu không rửa tay trước khi dùng bữa.
Họ ngạc nhiên không phải vì Chúa Giêsu không giữ phép vệ sinh, nhưng vì Ngài
không giữ luật định, theo đó, trước mỗi bữa ăn phải rửa tay bằng nước chứa
trong các chum lớn bằng đá, với một số lượng nước được quy định và qua một cách
thức được ấn định. Dưới con mắt người Biệt phái, người nào không giữ luật này,
đó là người không xử sự đúng đắn: chẳng những không giữ vệ sinh, mà còn nhơ bẩn
trước mặt Thiên Chúa; không rửa tay trước khi dùng bữa sẽ trở nên đối tượng tấn
công của quỉ dữ, dẫn đến nghèo đói vì bị phá sản; và bánh ăn với bàn tay không
sạch thì chẳng khác gì phân bón.
Vì những lý do trên và
những lý do khác tương tư, sách các Rabbi có ghi những mẫu truyện như sau: Một
Rabbi nọ không giữ luật rửa tay trước khi dùng bữa chỉ có một lần, thế mà đến
lúc chết đã bị chôn cất như một người bị dứt phép thông công. Một Rabbi khác bị
người Rôma giam giữ, đã dùng nước uống cung cấp rất hạn chế cho việc thi hành
nghi thức rửa tay trước và trong khi dùng bữa, vì thế đã gần phải chết khát, bởi
lẽ ông nhất định thà chết khát hơn là chểnh mảng giữ luật rửa tay.
Quan niệm và tâm thức
của những người Biệt phái thời Chúa Giêsu coi các phong tục, tập quán, luật lệ
là cốt tủy của việc thờ phượng Thiên Chúa và có giá trị như trọng tâm của tôn
giáo, do đó những ý nghĩa cao thượng khác của niềm tin và tôn giáo cũng như những
giá trị luân lý quan trọng hơn hầu như bị chôn vùi dưới lớp bụi dầy đặc của những
luật lệ rườm rà tỉ mỉ; tâm thức này đưa họ đến việc giữ đạo vụ hình thức. Câu
trả lời của Chúa Giêsu hướng con người vào những giá trị bên trong, quan tâm đến
điều cốt yếu là sự trong sạch của lương tâm và tâm hồn.
Lời Chúa hôm nay mời gọi
chúng ta duyệt xét lại cách thức và mức độ giữ đạo và hành đạo của chúng ta. Ước
gì chúng ta dần dần từ bỏ những cách thức giữ đạo hình thức, để đi vào chiều
sâu của việc sống đạo với một lương tâm trong sạch, một tâm hồn quảng đại và ý
hướng ngay lành.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 28 TN1
Bài đọc: Rom
1:16-25; Lk 11:37-41.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Liên hệ giữa
cái bên ngoài và cái bên trong
Cái bên ngoài là dấu
chỉ của thực tại bên trong, vì "lòng có đầy miệng mới nói ra." Cái
bên ngoài không tự ý nó đứng vững, mà phải được nâng đỡ bởi cái bên trong; ví dụ,
việc giúp đỡ người nghèo là biểu tỏ tình yêu của một người bên trong; nhưng nếu
không có tình yêu bên trong, việc giúp đỡ người nghèo sẽ chỉ là cách để lấy tiếng
khen, và sẽ không thể tồn tại lâu dài được.
Các Bài Đọc hôm nay muốn
nói lên sự liên hệ giữa các hành động bên ngoài với tâm tình bên trong. Trong
Bài Đọc I, Thánh Phaolô xác tín: dựa vào những cái bên ngoài là công trình tạo
dựng của Thiên Chúa, con người phải nhận ra uy quyền và tình yêu của Thiên
Chúa, để con người tin vào Ngài, và thờ phượng Ngài cho đúng đạo làm con. Nếu
không, con người sẽ phải lãnh nhận mọi hậu quả tai hại cho cuộc sống. Trong
Phúc Âm, Chúa Giêsu trách mắng các Biệt-phái chỉ biết chú trọng đến cái bên
ngoài như việc rửa tay trước khi ăn. Ngài mời gọi họ hãy chú trọng nhiều hơn đến
việc thanh tẩy bên trong, để biết sống theo sự thật, lòng nhân từ, và công lý;
vì Thiên Chúa sẽ xét xử con người theo những yếu tố bên trong đó.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hai cách Thiên Chúa mặc khải cho con người.
1.1/ Tin Mừng mặc khải
các mầu nhiệm của Thiên Chúa: Con người
không thể tự sức mình biết những ý định của Thiên Chúa, vì Ngài vượt quá khả
năng hiểu biết của con người. Nhưng Thiên Chúa chọn để tỏ mình cho con người biết
các ý định của Thiên Chúa, nhất là qua việc nhập thể của Đức Kitô, người Con Một
của Thiên Chúa. Chính Đức Kitô đã mặc khải cho con người biết các mầu nhiệm của
Thiên Chúa qua Tin Mừng Ngài rao giảng, và các thánh ký đã viết lại Tin Mừng
này.
Thánh Phaolô xác tín:
''Vâng, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa
dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp.
Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để
đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống.''
Tin vào Đức Kitô là một mầu nhiệm, vì đức tin không phải hoàn toàn do sự cố gắng
của con người; nhưng còn tùy thuộc vào sự trợ giúp của Thiên Chúa như cho có cơ
hội để nghe giảng, có người rao giảng, và ban ơn thánh thần để hiểu biết sự thật.
1.2/ Thiên nhiên mặc khải
sự hiện hữu và vinh quang của Thiên Chúa.
(1) Kiến thức con người
có thể nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa: Theo thánh Phaolô, với sự khôn ngoan
tối thiểu, con người có thể nhận ra Thiên Chúa qua thiên nhiên, những công
trình sáng tạo của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: ''Những gì người ta có thể biết
về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho
họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa,
tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo
thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của
Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được.''
Khi không nhận ra
Thiên Chúa qua thiên nhiên, trí óc con người còn thua khả năng nhận thức của
loài vật. Tiên tri Isaiah đau đớn nói lên một sự thật: con bò biết chủ, con lừa
biết máng của chủ; con người không biết Đấng tạo dựng ra mình. Kinh nghiệm con
người cũng chứng minh: con chó biết vẫy đuôi khi chủ cho khúc xương, con mèo biết
nép mình bên chân chủ khi được gọi; con người không biết cám ơn Thiên Chúa về tất
cả những gì Thiên Chúa làm cho họ! Đối với hạng người không nhận ra và cảm tạ
Thiên Chúa, Phaolô trách họ: ''vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay
cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí
ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ.''
(2) Khi con người
không thờ phượng Thiên Chúa, họ sẽ phải lãnh nhận những hậu quả tai hại: ''Thật
vậy, từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô
luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý.'' Kinh
nghiệm đời dạy chúng ta: nếu không chịu tuân theo luật lệ, con người sẽ phải
lãnh nhận hậu quả tai hại. Vài ví dụ sẽ làm sáng tỏ vấn đề: Trong nông nghiệp,
nếu chủ ruộng không chịu gieo đúng thời tiết, ông sẽ không gặt hái được mùa
màng. Hay trong luật kiến trúc, nếu thợ xây không chịu theo đúng sơ đồ đã vẽ,
nhà cửa có thể bị sập. Hay trong luật giao thông, nếu một người không chịu theo
sự chỉ dẫn của luật đi đường, người đó có thể mất mạng sống cách dễ dàng. Tương
tự như thế trong lãnh vực đức tin, nếu con người không chịu theo những lời dạy
dỗ của Thiên Chúa, họ sẽ phải lãnh nhận mọi hậu quả tai hại cả đời này và đời
sau. Đời này, họ sẽ bị hướng dẫn vào mọi sự điên rồ: ''thay vì Thiên Chúa vinh
quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng
các loài chim chóc, thú vật, rắn rết.'' Họ sẽ bị hướng dẫn vào các đồi bại về
luân lý: ''Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế,
khiến thân thể họ ra hư hèn.''
2/ Phúc Âm: Hãy chú trọng tới sự thanh sạch của tâm hồn.
2.1/ Nhóm Pharisees chú
trọng đến hình thức bên ngoài: Rửa tay trước
khi ăn nằm trong luật thanh sạch của người Do-thái. Chúa Giêsu không chống lại
việc rửa tay trước khi ăn, nhưng Ngài muốn nhấn mạnh đến việc thanh sạch tâm hồn
bên trong hơn là thanh sạch bên ngoài. Những người biệt-phái có thể nghĩ không
ai biết được những gì đang xảy ra trong tâm hồn họ; nhưng chỉ có thể nhìn thấy
và đánh giá những hành động họ làm bên ngoài; do đó, họ chú trọng đến việc cầu
nguyện nơi công cộng để mọi người thấy họ đạo đức; ủ rũ khi ăn chay để mọi người
thấy họ biết ăn năn, thống hối; khua chiêng vỗ trống khi làm phúc bố thí để mọi
người biết họ thương người nghèo. Chúa đã từng đả kích những hành động giả hình
này và dạy các môn đệ làm ngược lại: khi cầu nguyện, vào phòng đóng cửa lại;
khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu; khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc
tay phải làm. Chúa Giêsu chống việc đánh giá chỉ dựa trên những hình thức bên
ngoài; vì nó không thật, giả hình, và đánh lừa tha nhân. Nó cũng nguy hiểm cho
chính người làm vì họ sẽ có nguy cơ bị tha hóa: khi đã quá quen với những hành
động giả nhân, giả nghĩa, họ không còn nhận ra sự thực nữa, đeo mặt nạ mà tưởng
là mặt thật của mình.
2.2/ Chúa mời gọi con người
chú trọng đến tâm hồn bên trong: Tâm hồn
thành thực bên trong là điều quí trọng trước nhan thánh Chúa; vì Ngài nhìn thấu
suốt những cái mà con người không nhìn được. Thánh Luca nhắc nhở những ai muốn
đánh lừa Thiên Chúa bằng các hình thức bên ngoài: "Đồ ngốc! Đấng làm ra
cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những
gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người." Nếu
một người có tâm hồn cao đẹp bên trong, họ sẽ biểu tỏ qua lời nói và các hành động
bên ngoài. Đó là những người có tâm hồn chân thật và yêu thương tha nhân tận
đáy lòng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa tỏ mình
cho chúng ta bằng nhiều cách. Để nhận ra Ngài, chúng ta cần có một tâm hồn
khiêm nhường, hăng say học hỏi, và biết quí trọng sự thật.
- Khi con người chối từ
Thiên Chúa, họ sẽ bị dẫn vào các lầm lạc của thế gian. Hậu quả là một cuộc sống
vô luân, làm nô lệ cho ma quỉ, và lạc xa đích điểm của cuộc đời.
- Chúng ta hãy biết sống
chân tình với Thiên Chúa và với tha nhân. Một cuộc sống hời hợt và giả hình sớm
muộn rồi cũng bị phát giác; và nhất là, không mang lại cho chúng ta kết quả tốt
đẹp.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
17/10/2017 - THỨ BA TUẦN 28 TN
Th. I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a, giám mục, tử đạo
Lc 11,37-41
RỬA TAY, RỬA LÒNG
“Bên ngoài chén dĩa
thì các ngươi rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp
bóc, gian tà.” (Lc 11,39)
Suy niệm: Con người có hai
phần: nội tâm và ngoại diện. Thường và lý tưởng là bên trong lòng thế nào thì
phải được thể hiện như vậy ra bên ngoài, như người ta thường nói: “Lòng đầy
tràn ra miệng,” hay “Hữu ư trung xuất hình ư ngoại.” Thế nhưng, sự đời không
đơn giản như thế. Nhiều lúc và nhiều nơi, người ta che giấu cái bên trong bằng
dáng vẻ bên ngoài khác hẳn, như câu ca dao: “Ngoài miệng thì niệm nam mô, trong
lòng thì chứa ba bồ dao găm,” hay “Giận dẫu thâm gan, miệng mỉm cười.” Tình trạng
không nhất quán ấy nơi người Pha-ri-sêu bị Chúa Giê-su vạch trần qua câu chuyện
rửa tay. Họ quá chú trọng đến cái bên ngoài, trong khi tâm lòng của họ “đầy những
chuyện cướp bóc, gian tà”.
Mời Bạn: Người Việt ta vốn có tính
sĩ diện. Điều đó dẫn đến xu hướng thích trau chuốt cái vẻ bên ngoài mà không lo
tu sửa cái tâm của mình, do đó dễ rơi vào lối sống giả dối, hai mặt, hai lòng.
Chia sẻ: Sự giả dối, giả đạo đức là điều ai cũng gớm ghét, nhưng lại
dễ mắc phải. Để đề phòng, bạn cần luôn luôn “phản tỉnh,” nghiêm túc xét mình, với
sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.
Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn hãy mời Chúa
Giê-su vào quan sát lòng bạn, và xin Ngài chỉ cho bạn thấy những gì cần phải sửa
đổi từ trong ra ngoài nơi bạn, để bạn thật sự là một Ki-tô hữu “xứng danh” chứ
không phải “đồ dỏm.”
Cầu nguyện: Đọc kinh Đức
Chúa Thánh Thần với lòng sốt sắng, nài xin ơn đổi mới, nhất là khi đọc đến câu:
- “Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con”.
(5 Phút Lời Chúa)
Bên ngoài, bên trong (17.10.2017 – Thứ ba Tuần 28 Thường niên)
Đời Kitô hữu chính là một nỗ lực đi từ việc giữ đạo hời hợt, hình thức, đến việc sống đạo từ trong máu thịt mình. Xin Chúa giúp ta rút ngắn khoảng cách giữa cái bên ngoài và cái bên trong.
Suy niệm:
Một ông Pharisêu mời Đức
Giêsu đến dùng bữa.
Cử chỉ đó cho thấy thiện
cảm của ông đối với Ngài.
Đức Giêsu đã đáp lại lời
mời, đã đến nhà ông và liền ngồi vào bàn tiệc.
Ông chủ nhà bị sốc vì
thấy khách không rửa tay trước khi ăn.
Đối với ông đây là một
thói quen quan trọng, không thể thiếu.
Thế là Đức Giêsu đã giảng
cho ông một bài hẳn hoi.
Tuy nhiên, vì tế nhị, vì
là khách mời cho một bữa ăn,
nên chắc Ngài đã chẳng
nặng lời đến mức đó.
Bài Tin Mừng này thật ra
phản ánh sự căng thẳng từ sau năm 70,
giữa những người Pharisêu
thuộc giới lãnh đạo hội đường với các Kitô hữu.
Đức Giêsu đã dùng hình
ảnh một cái chén uống nước và cái đĩa.
Đối với Ngài, các người
Pharisêu chỉ lo lau rửa ở bên ngoài chén đĩa.
Chú trọng tỉ mỉ đến cái
bên ngoài là nét riêng của họ.
Lắm khi cái bên ngoài chỉ
là những cái phụ thuộc, không cần thiết.
Điều họ muốn mọi người
tuân giữ lại không phải là chính Luật Môsê,
nhưng chỉ là những lời
giải thích chi li Luật đó
được truyền miệng nơi các
rabbi, rồi sau này được viết lại thành sách.
Đức Giêsu cho thấy cái
bên trong của người Pharisêu,
cái bên trong của chén và
đĩa mà họ không để tâm lau rửa.
“Cái bên trong của các
người thì đầy chuyện cướp bóc, gian tà” (c. 39).
Như thế cái bên trong của
chén đĩa
tượng trưng cho cái bên
trong của tâm hồn con người.
Rửa sạch cái bên ngoài
của chén đĩa, không đủ.
Cần phải rửa sạch cả cái
lòng tham lam chiếm đoạt và lòng độc ác gian tà.
Rửa sạch cái bên trong
mới là điều quan trọng hơn, cấp thiết hơn, khó hơn.
Có khi vì khó nên người
ta né tránh bằng cách làm cái dễ.
Đức Giêsu bực bội về sự
tương phản này nơi một số người Pharisêu,
tương phản giữa cái bên
ngoài rất sạch và cái bên trong rất dơ,
khiến nhiều người có thể
bị ngộ nhận.
Nhưng Thiên Chúa thì
không.
Ngài thấy cả hai, vì ngài
đã làm ra cả cái bên ngoài lẫn cái bên trong (c. 40).
Đức Giêsu cho ta cách để
tẩy rửa cái bên trong nhơ uế, đó là bố thí (c. 41).
Trong tiếng Hy Lạp, bố
thí có nghĩa gốc là bày tỏ lòng thương xót.
“Bấy giờ mọi sự trở nên
sạch cho các người.”
Khi bố thí chia sẻ, người
ta biến đổi từ bên trong.
Tấm lòng tham lam ác độc
trở nên đầy tình bác ái xót thương.
Đức Giêsu đưa chúng ta về
với cái bên trong, cái cốt lõi của đời Kitô hữu.
Như người Pharisêu cách
đây hai ngàn năm,
chúng ta vẫn bị cám dỗ để
dừng lại và mãn nguyện với cái bên ngoài.
Làm sao để chúng ta thực
sự trong sạch dưới ánh mắt của Thiên Chúa?
Làm sao để cái bên ngoài
của chúng ta thực sự phản ánh cái bên trong?
Đời Kitô hữu chính là một
nỗ lực đi từ việc giữ đạo hời hợt, hình thức,
đến việc sống đạo từ
trong máu thịt mình.
Xin Chúa giúp ta rút ngắn
khoảng cách giữa cái bên ngoài và cái bên trong.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
17 THÁNG MƯỜI
Người Nghèo Là Những
Ai?
Nhưng ai là người
nghèo trong thời đại chúng ta? Tin Mừng nói đến những người mù, những người bị
áp bức, và những người bị giam cầm (Lc 4,18). Người nghèo là những người sống
mà không có được những nhu cầu thiết yếu để sống, cả những nhu cầu vật chất lẫn
tinh thần.
Ngoài ra, trong thế giới
hôm nay, hàng triệu người phải rời bỏ quê hương mình để lánh nạn. Hàng triệu
người, đôi khi toàn bộ những bộ tộc hay những vùng dân cư, bị đứng trước nguy
cơ tuyệt chủng vì hạn hán hay vì thiếu lương thực.
Làm sao người ta có thể
nhắm mắt trước tình trạng nghèo khổ và ngu dốt của những đồng loại mình chưa
bao giờ có được cơ hội đến trường? Làm sao có thể không day dứt khi nhìn thấy
vô số người đang phải chịu đựng một cách hoàn toàn bất lực trước sự bất công và
trước tình trạng kém phát triển? Cũng có rất nhiều người đã bị tước đoạt quyền
tự do tín ngưỡng và phải đau khổ cùng cực bởi vì họ không thể tôn thờ Thiên
Chúa theo lương tâm mình.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 17-10
Thánh Ygnatiô
Antiôchia, giám mục tử đạo
Rm 1, 16-25; Lc 11,
37-41.
Lời suy niệm: “Chẳng có ai đốt
đèn lên rồi đặt vào chỗ khuất hoặc dưới cái thúng, nhưng đặt trên đế, để những
ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.”
Chúa Giêsu đang đòi
hỏi mỗi người trong chúng ta cần phải biết đặt đèn đã được thắp sáng vào đúng vị
trí cần thiết cho mình và cho người anh em. Đồng thời, Chúa còn nhấn mạnh: “Đèn
thân thể là con mắt của anh.” Để cho mỗi người trong chúng ta nhận rõ: Anh sáng
đời sống còn tùy thuộc vào tấm lòng nơi lòng của mỗi người. Nếu lòng ngay thẳng
thì cả đời sống được sáng tỏ. Nhưng nếu trong lòng đầy gian ác thì đời sống là
cả một vùng trời tối tăm cho mình và cho người.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho chúng con luôn sống đúng phẩm chất là con cái sự sáng, sự thật và là sự sống.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 17-10
Thánh INHAXIÔ Thành
Antiokia
Giám Mục Tử Đạo
(+107)
Người ta nghĩ rằng:
thánh Inhaxiô thành Antiôkia chính là đứa trẻ mà Chúa Giêsu đã ôm vào lòng và đặt
giữa các tông đồ để làm gương mẫu về lòng trong trắng và đức khiêm tốn Kitô
giáo. Vài tác giả còn quả quyết rằng: Ngài là đứa trẻ đưa năm chiếc bánh và hai
con cá cho Chúa Giêsu làm pháp lạ nuôi 500 người ăn. Điều chắc chắn là Ngài đã
được đặt làm giám mục thứ nhì kế vị thánh Phêrô tại Antiôkia khoảng năm 68, sau
khi thánh giám mục Evôda qua đời. Suốt bốn muôi năm cai quản giáo phận, kể cả
những năm bị bách hại dưới triều Domitianô, Ngài đã tỏ ra là một giám mục gương
mẫu về mọi nhân đức.
Mười lăm năm bình lặng
sau cái chết của bạo vương Domitianô qua đi, cơn bách hại lại nhen nhúm ở vài tỉnh
dưới thời Trajanô. Vị hoàng đế cuồng tín này cho rằng: mình đạt được nhiều chiến
thắng là nhờ các thần minh. Ong coi việc bách hại các tín hữu Chúa là một nghĩa
cử để tỏ lòng biết ơn các thần minh. Tháng giêng năm107, ông tới Antiôkia. Được
biết tại đây có giám mục Inhaxiô đã không vâng lệnh thờ cúng tượng thần, lại
còn ngăn cản người khác, ông truyền điệu Ngài tới để xét hỏi. Sau khi đe dọa và
dụ dỗ đủ cách mà vô hiệu, ông kết án vị giám mục thánh thiện này phải điệu về
Roma cho thú vật xâu xé.
Cuộc hành trình về
Roma mang sắc thái một cuộc khải hoàn. Mỗi khi con tàu dừng bến nào, dân chúng
đều tuốn đến chào kính vị tử đạo. Nhân dịp này thánh Inhaxiô có dịp tiếp xúc với
nhiều giáo đoàn và đã viết bảy bức thư cho các Giáo hội. Tuy vậy, chuyến đi
không dễ chịu gì. Bọn lính áp giải đã cố tình hành hạ thánh nhân để mong được
các tín hữu ngưỡng mộ Ngài đút lót tiền bạc. Thánh nhân viết với lòng khiêm tốn:
- Trên đất liền hay
ngoài biển khơi, ngày đêm tôi phải chiến đấu với các súc vật, bị xiềng vào mười
con sư tử. Tôi muốn nói là những người lính canh giữ tôi. Người ta càng cho tiền,
họ càng hung dữ. Những người đối xử tàn tệ của họ là trường đào luyện tôi mọi
ngày, nhưng không phải vì vậy mà tôi được nên công chính đâu".
Ở Smyrna, thánh
Inhaxiô đã gặp thánh Pôlycarpô. Vị giám mục thánh thiện này cũng là môn đệ của
thánh Gioan như thánh Inhaxiô. Thánh Pôlycarpô đã hôn xiềng xích của người bạn
lừng danh. Tại đây thánh Inhaxiôco có dịp gặp đại diện của nhiều Giáo hội tới
thăm. Biết rằng ở Ahila Delphia có sự chia rẽ trong hàng giáo sĩ, Ngài đã viết
thư khuyên nhủ họ:
- Hãy tránh xa những
phân rẽ và các giáo thuyết nguy hiểm. Hãy theo mục tử các bạn khắp nơi như đoàn
chiên. Tôi vui sướng hết mực những góp phần củng cố đức tin các bạn, nhưng
không phải do tôi mà do Chúa Giêsu Kitô. Được mang xiềng xích vì danh Chúa, hơn
lúc nào, tôi cảm thấy mình còn quá xa sự trọn lành. Nhưng kinh nguyện của các bạn
sẽ làm cho tôi được xứng đáng với Thiên Chúa và với di sản mà lòng nhân từ và
đã dọn sẵn cho tôi.
Các thư của các thánh
nhân gửi riêng cho mỗi nơi, Ngài ca tụng tinh thần kỷ luật của tín hữu
Manhêsianô (Magnésiens): - Tôi hãnh diện được gặp các bạn nơi cá nhân đức giám
mục Damas của các bạn. Tuổi trẻ của Ngài không được nên cớ để các bạn suồng sã
với Ngài. Các bạn cần phải tôn kính chính Thiên Chúa là Cha nơi Ngài.
Với dân Trallianô
(Tralliens) Ngài viết: - "Hãy yêu thương nhau. Xin cầu nguyện cho tôi nữa.
Tôi cần đức ái và lòng nhân hậu Chúa để được nhận vào hưởng gia nghiệp mà tôi
đã sẵn sàng chiếm hữu".
Nhưng Ngài sợ dân
Rôma, vì nhiệt tâm mà cất mất triều thiên tử đạo của mình. Nhờ một du khách đi
Italia, Ngài khẩn khoản: - "Các bạn không thể trao tặng cho tôi một bằng
chứng quí mến nào khác, là để cho tôi được tế hiến mình cho Thiên Chúa. Ân huệ
tôi van xin các bạn là hãy hát bài ca cám tạ ơn Chúa mà nhờ công nghiệp Chúa
Giêsu Kitô, Đức giám mục Smyrna bên Tây phương đã được, để Ngài được đưa vào
vinh quang. Hãy để cho tôi thành của ăn nuôi thú vật, hầu tôi được vui hưởng
Thiên Chúa, Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi cần được răng thú dữ nghiền
nát để trở thành bánh tinh tuyền của Chúa Kitô.
Tốt hơn, hãy săn sóc
các thú vật này để chúng thành nấm mồ của tôi. Chính lúc này tôi đang trở nên một
môn đệ chân chính. Chớ gì những hình khổ độc dữ nhất đổ xuống mình tôi, miễn là
tôi được Chúa Giêsu Kitô. Được cả thế gia này nào có ích lợi gì cho tôi ? Tôi
chỉ ước mong được kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô...
Ngài còn viết thêm: -
Ước mơ của tôi là được đóng đinh vào thập giá. Trong tôi chỉ có một dòng nước hằng
sống vẫn rì rầm lời kêu gọi: Hãy về với Cha".
Thánh nhân còn viết
nhiều điều khác nữa, bàn về chân lý đức tin, kỷ luật Giáo hội và những sai lầm
nguy hại.
Ngày 20 tháng 12 năm
107 là ngày cuối cuộc vui cũng là ngày thánh Inhaxiô tới Roma. Sau khi đọc bức
thư của nhà vua, quan tổng trấn truyền đem thánh nhân đến thẳng hí trường. Dân
chúng đang tụ họp đông đảo. Ngài lập lại câu nói đã viết trong trường hợp gửi
dân Roma: "Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi cần được răng thú dữ nghiền
nát để trở thánh bánh tinh tuyền của Chúa Kitô". Hai con sư tử gầm rống và
bổ tới thánh nhân mà cắn xé. Người ta kính cẩn thu nhặt những khúc xương còn lại
và đưa về Antiôkia. Dưới thời Hêracliô, xương Ngài lại được đưa về Roma.
(daminhvn.net)
17 Tháng Mười
Lòng Nhân Từ Cảm Hóa
Dưới từa đề
"Lòng nhân từ cảm hóa", người ta thuật lại một câu chuyện như sau:
Một bà mẹ kia lo lắng
nhiều vì đứa con trai không đi nhà thờ nữa, mà lại đi theo những bạn bè xấu và
còn tỏ ra bất mãn mọi chuyện. Bà mẹ đau khổ này đã tìm mọi cách để đưa con về
con đường tốt, nhưng tất cả đều vô ích. Một ngày Chúa Nhật nọ, bà nảy ra một ý
tưởng. Gọi đứa con trai lại, bà nói: "Con làm ơn giúp mẹ một chuyện. hãy
đem gói đồ này đến cho gia đình ở căn nhà trong khu phố dối diện với chúng ta.
Nếu con làm dùm mẹ việc này, mẹ hứa sẽ không bao giờ quấy rầy con nữa".
Có lẽ để khỏi nghe
tiếng mẹ giảng dạy, la rầy, chàng thanh niên đã nhận làm điều mà mẹ anh ta yêu
cầu. Anh đi đến địa chỉ như mẹ dặn, bước vào một căn nhà nghèo nàn và bỡ ngỡ đến
tột điểm, anh đã khám phá thấy một người đàn bà đau ốm chỉ còn da bọc xương với
ba đứa con nhỏ, rách rưới, lem luốc, đang than khóc, kêu la vì đói.
Chàng thanh niên
trao vội gói đồ và muốn nhanh bước rút lui. Nhưng người đàn bà đã gọi giật anh
trở lại, và qua giọng yếu ớt bà thều thào: "Cậu ơi! Cậu không thể đi ngay
được khi tôi chưa kịp cám ơn cậu. Cậu là ơn quan phòng Chúa gửi đến cho chúng
tôi. Xin Ngài trả ơn cho cậu".
Chàng thanh niên ra
về với tấm lòng bị cảm xúc mạnh. Ngày hôm sau, anh trở lại nhà bà mẹ đang bị
đau ốm với đàn con nheo nhóc hôm qua với một gói quà khác, mà anh đã mua với
chính tiền của anh. Và sau khi trao quà, anh còn ở lại chơi với mấy đứa nhỏ.
Chàng thanh niên đã
thay đổi cuộc đời, vì lòng nhân hậu đã làm anh mỗi ngày hiểu được ý nghĩa của
cuộc sống và nhờ đó anh cảm thấy hạnh phúc hơn.
Chúng ta đã đi nửa đoạn
đường của tháng Mân Côi, đây là khoảng thời gian chúng ta âu yếm dâng lên Mẹ
Maria những tràng chuỗi Mân Cô với hàng triệu lời chào: "Kính Mừng Maria,
đầy ơn phước". Nhưng, ước gì xen lẫn với những lời kinh tiếng hát, chúng
ta cũng biết lắng nghe những lời Mẹ khuyên qua những mầu nhiệm thuật lại các biến
cố xảy ra trong cuộc đời Mẹ.
Chú tâm nghe lời Mẹ
khuyên nhủ, chắc chắn qua mầu nhiệm thứ hai của Năm Sự Vui: "Ðức bà đi viếng
thánh Ysave, ta hãy xin cho được lòng yêu người". Mẹ Maria, cũng như bà mẹ
trong câu chuyện trên, cũng muốn nhờ chúng ta làm cho Mẹ một chuyện: đó là hãy
thể hiện lòng yêu người qua những hành động cụ thể để tinh thần phục vụ Mẹ đã
thể hiện qua sự giúp đỡ bà chị họ Ysave cũng được con cái Mẹ tiếp tục làm lại.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét