Trang

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

03-11-2017 : THỨ SÁU - TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

03/11/2017
Thứ Sáu đầu tháng, tuần 30 thường niên.


Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 9, 1-5
"Tôi đã ước ao được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Ðức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần, là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luầt, việc phượng tự và lời hứa; các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Ðức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời. Amen.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20
Ðáp: Hỡi Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa! (c. 12a).
Xướng: 1) Hỡi Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa! Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các then cửa ngươi; Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. - Ðáp.
2) Người giữ cho mọi bờ cõi ngươi được bình an, Người dưỡng nuôi ngươi bằng tinh hoa của lúa mì. Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. - Ðáp.
3) Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. - Ðáp.

Alleluia: Tv 118, 36a và 29b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật pháp của Chúa cho con. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 14, 1-6
"Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không kéo nó lên sao?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào dùng bữa trong nhà một thủ lãnh biệt phái, thì những người hiện diện ở đó dòm xét Người. Bấy giờ có một người mắc bệnh thuỷ thũng ở trước mặt Người. Chúa Giêsu lên tiếng hỏi các Luật sĩ và biệt phái rằng: "Trong ngày Sabbat, có được phép chữa bệnh không?" Các ông ấy làm thinh. Bấy giờ Người kéo kẻ ấy lại, và chữa lành, rồi cho về. Ðoạn Người bảo các ông rằng: "Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?" Nhưng các ông không thể trả lời câu hỏi ấy.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Linh Hồn Của Lề Luật
Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại Thủ tướng Do thái, ông Y. Rabin, khi bị tòa án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những không để lộ bất cứ cử chỉ hối hận nào, mà còn tuyên bố: "Tất cả những gì tôi làm là làm cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tộc Israel".
Thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa đưa ra nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai mầu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho người trẻ hiện nay.
Gilgal Zamir có thể là hiện thân của những Biệt phái thời Chúa Giêsu, nghĩa là luôn miệng nhân danh Chúa và lề luật. Cũng như những người Biệt phái, anh tin tưởng nơi Chúa, anh trung thành với lề luật, anh yêu tổ quốc. Nhưng anh thiếu một điều hệ trọng nhất để có thể sống như một con người, đó là một trái tim, một trái tim để biết yêu thương, để biết rung động trước nỗi khổ đau của người khác. Khi con người không có một trái tim, thì họ sẽ mù quáng: mù quáng vì không những không còn nhạy cảm trước nỗi khổ đau của người khác, mà nhất là không còn biết hối hận vì đã xúc phạm đến người khác.
Nhân danh lề luật, những người Biệt phái thời Chúa Giêsu không ngừng dòm ngó rình mò để bắt bẻ Ngài, nhất là những gì có liên quan đến việc tuân giữ ngày Hưu lễ như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay. Nhưng đối với Chúa Giêsu, linh hồn của lề luật chính là tình yêu thương. Tất cả vụ án của Chúa Giêsu đều bắt nguồn và xoay quanh những cuộc đối đầu về lề luật. Ðối đầu với những người Biệt phái cho đến cùng bằng cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho con người thấy rằng chỉ có một lề luật duy nhất để tuân giữ, đó là luật yêu thương, và chỉ có một giá trị cao cả nhất để sống và chết cho, đó là tình yêu.
Giáo dục con người sống cho ra người có nghĩa là giáo dục cho con người biết sống yêu thương. Thông minh đĩnh đạc, mà không có trái tim để yêu thương, thì đó là một tai họa cho bản thân cũng như cho xã hội. Có tất cả mà không có một trái tim để yêu thương, thì đó là nỗi bất hạnh lớn nhất đối với con người. Cách mạng mà không xây dựng trên tình yêu thương, thì đó chỉ là phá hoại. Ðạo đức mà không có yêu thương, thì chỉ là một trò lừa bịp.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã mạc khải cho chúng ta chân lý về con người. Mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu, xin cho chúng ta luôn ý thức rằng chúng ta chỉ đạt được định mệnh của mình bằng cuộc sống yêu thương mà thôi. Là môn đệ của Ðấng đã chết trên Thập giá để nêu gương yêu thương cho chúng ta, xin cho chúng ta ý thức rằng cốt lõi của đạo là giới răn yêu thương mà Ngài đã để lại cho chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Lễ Thánh Martin de Porres
Bài đọcIsa 58:6-11; Mt 11:25-30

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các con bảo Thầy là ai?
- Có một bài hát giáo lý tôi đã từng được các trưởng TNTT dạy hát khi còn nhỏ, bài “con kiến đen, nằm trong hòn đá đen, mặt trời tối đen, Đức Chúa Trời cũng thấy;” nhưng lúc đó chẳng hiểu gì cả. Sau này, có người áp dụng bài hát vào cuộc đời Thánh Martinô, tôi thấy thật đúng.
- Cuộc đời Thánh Martinô có thể được ví như cuộc đời con kiến đen: vì ngài là người da đen; sinh trong một gia đình hỗn hợp: cha là người Tây Ban Nha da trắng, mẹ là người Panama da đen; tương lai cũng mờ mịt đen tối như đêm 30 tết vì cha bỏ 3 mẹ con ở lại để về nước. Sống trong một hòan cảnh hết sức đen tối như thế, thử hỏi còn có hy vọng gì cho một cậu bé mồ côi da đen? Mặc dù tất cả đều đen ngòm như vậy, nhưng Đức Chúa Trời vẫn thấy, và Ngài đã có một kế họach diệu kỳ cho tôi tớ da đen của Ngài.
- Ngài có một người mẹ biết kính sợ Thiên Chúa, Bà Anna. Mặc dù phải chịu cảnh mẹ góa con côi, Bà không bao giờ kêu trách Chúa hay đổ tội cho hòan cảnh. Trái lại, Bà phấn đấu làm việc để nuôi hai chị em Martinô và dạy dỗ cho con mình biết trông cậy vào Thiên Chúa. Hơn nữa Bà còn dạy cho hai chị em biết chia sẻ những gì mình có được với những ai nghèo khổ, mặc dù chính gia đình Bà cũng phải vật lộn với bữa lo bữa đói. Truyện kể có một lần Bà tức giận bạt tai Martinô vì tưởng con mình bớt tiền chợ của gia đình để tiêu riêng; nhưng sau khi tìm hiểu nguyên do, Bà đã hối hận vì biết con dùng tiền để chia sẻ với người nghèo.
- Khi tới tuổi trưởng thành, Martinô xin vào tu trong Dòng Đaminh như một thầy trợ sĩ. Gương khiêm nhường và bác ái của Martinô đã thành những gương sáng cho mọi người bàn tán. Martinô xin Bề trên cho đưa một bệnh nhân về phòng để chính mình săn sóc, ngài nhường giường riêng của mình cho bệnh nhân, còn mình thì nằm trên sàn. Khi Nhà Dòng lâm cảnh thiếu thốn không còn tiền sinh sống, Martinô đã vào năn nỉ xin Bề trên cho bán mình làm nô lệ để kiếm cho Nhà Dòng một số tiền. Bề trên đã phải rơi lệ và ôm lấy Martinô, nhưng làm sao có thể bán được người đã thương anh em mình đến thế! Tình thương của Martinô không chỉ giới hạn vào con người, mà còn lan tràn tới cả thú vật. Truyện kể ngài có thể nói chuyện với cả ... chuột. Số là vì Martinô nuôi ăn chúng nên chúng lan tràn khắp phòng; và hậu quả là chúng ăn luôn cả những chiếc áo dòng của các tu sĩ. Bề trên bị than phiền nên quyết định cho đặt bẫy và rải thuốc giết chuột. Martinô cho triệu tập gấp rút buổi họp của đại gia đình nhà chuột. Ngài ra điều kiện nếu muốn tiếp tục để ngài cho ăn thì tuyệt đối không được cắn áo của các tu sĩ; nếu không, đại tang sẽ đến với đại gia đình nhà chuột. Thế là đàn chuột bảo nhau, và từ đó trở đi, không thấy các tu sĩ than phiền về việc cắn áo của chuột nữa!
Hai Bài đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta thêm chất liệu để suy nghĩ thêm về cuộc đời Thánh Martinô; đồng thời rút ra những ví dụ sống cụ thể cho cuộc đời mỗi người. Trong Bài đọc I, tiên tri Isaiah nhấn mạnh về cách thức ăn chay: không phải là chỉ nhịn đói không ăn; nhưng còn là chia cơm sẻ bánh cho những người túng thiếu và giúp đỡ giải thóat họ khỏi mọi xiềng xích gông cùm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu ngợi khen Thiên Chúa Cha, vì đã cho phép Ngài mặc khải sự khôn ngoan của Thiên Chúa cho những người bé mọn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức bác ái quan trọng trên hết mọi nhân đức và sẽ tồn tại suốt đời.
1.1/ Cách ăn chay Thiên Chúa ưa thích:
(1) Thương linh hồn 7 mối: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao:
mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?” Các điều tiên tri nói ở đây đã được Gíao Hội tổ chức và cắt nghĩa rõ ràng hơn trong “Thương linh hồn 7 mối:” Lấy lời lành mà khuyên người. Mở dạy kẻ mê muội. Yên ủi kẻ âu lo. Răn bảo kẻ có tội. Tha kẻ khinh dể ta. Nhịn kẻ mất lòng ta. Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
Thương linh hồn 7 mối khó nhận ra và khó làm. Mọi tín hữu đều có bổn phận phải làm, nhưng các cha và các tu sĩ là những người chuyên lo những mối linh hồn này. Khi các ông bà giúp để đào tạo ơn gọi là đang dự phần vào việc thương các linh hồn, vì chính Chúa đã nói: “Ai giúp các tiên tri vì danh nghĩa là tiên tri thì cũng sẽ được phần thưởng của tiên tri” (). Các ông bà nhiều khi không có khả năng, thời giờ, cơ hội để dạy dỗ con cháu; nhưng nếu các ông bà đóng góp để đào tạo ơn gọi là các ông bà giúp đỡ chính con cháu mình; chuẩn bị cho chúng có được những người hướng dẫn đàng tinh thần trong tương lai.
Đói phần xác rất dễ nhận ra, nhưng đói khát tinh thần và tình yêu không dễ nhận ra. Hậu quả của việc đói tinh thần khốc liệt hơn hậu quả của đói phần xác; vì nó làm con người không biết sống ở đời này và lạc hướng đi trong tương lai. Chúa đã từng cảnh cáo: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, hỏi được lợi ích gì?”
(2) Thương xác 7 mối: “Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” Cũng thế, GH đã tổ chức và cắt nghĩa rõ ràng hơn trong “Thương xác 7 mối:” Cho kẻ đói ăn. Cho kẻ khát uống. Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Viếng kẻ bệnh cùng kẻ tù đày. Cho khách đỗ nhà. Chuộc kẻ làm tôi. Chôn xác kẻ chết. Cuộc đời Thánh Martinô là gương sáng cho những mối này: thánh nhân đã từng cho người nghèo ăn uống, mặc áo cho kẻ mình trần, săn sóc bệnh nhân, cho người lạ nằm trên giường mình, tình nguyện bán mình nuôi anh em, và chôn xác kẻ chết.
1.2/ Phần thưởng cho những người biết thương xót: Theo tiên tri Isaiah, người biết thương xót giúp đỡ kẻ cô thân cô thế, sẽ được Thiên Chúa bảo vệ, chúc lành, và cho chung hưởng vinh quang với Ngài. Điều đặc biệt nữa là khi cầu xin, sẽ được Thiên Chúa nhận lời: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: "Có Ta đây!" Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ. Đức Chúa sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng; xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp. Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm như mạch suối không cạn nước bao giờ.”
Thánh Martinô khi còn sống đã thi ân cho biết bao nhiêu người, khi chết rồi ngài còn bầu cử cho bao nhiêu người, nhất là cho dân Việt Nam chúng ta. Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao một thánh mãi tận Nam Mỹ mà lại trở nên thật gần gũi với người Việt Nam như vậy. Tôi nghĩ lý do có lẽ là vì ngài thương xót những người nghèo khổ: có đau mắt thì mới biết thương người mù. Hòan cảnh đau khổ ngài phải chịu khi lớn lên khiến ngài dễ đồng cảm với những khổ đau mà con dân Việt Nam phải chịu. Không biết bao nhiêu người đã tuốn đến Hố Nai và Ba Chuông để xin ngài che chở trước khi vượt biên. Bản thân cá nhân tôi cũng đã lấy ảnh ngài và dán vào những quầy tính tiền của tiệm để xin ngài bảo các anh em của ngài đừng gây thiệt hại phần xác cho các anh chị em và các cháu của tôi; bù lại tôi cũng nói với mọi người trong gia đình phải năng giúp những khách hàng nghèo khổ.
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa mặc khải những điều cao siêu cho kẻ bé mọn.
2.1/ Khôn ngoan của Thiên Chúa được mặc khải cho những kẻ bé mọn: Có một sự khác biệt sâu đậm giữa khôn ngoan của Thiên Chúa và khôn ngoan của con người:
- Khôn ngoan của con người chỉ dành cho những người học cao, hiểu rộng; những người có cơ hội đi tới trường lớp.
- Khôn ngoan của Thiên Chúa lại dành cho những người bé mọn và ẩn giấu khỏi người khôn ngoan thông thái như Đức Giêsu nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”
2.2/ Chúa Giêsu là người mặc khải các khôn ngoan của Thiên Chúa: Khi nhập thể, nhiệm vụ đầu tiên của Ngài là mặc khải các mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhất là Mầu Nhiệm Cứu Độ. Nếu Đức Kitô không mặc khải, không ai có thể biết những mầu nhiệm này. Ngài nói: "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” Thực sự, Ngài mặc khải cho tất cả, nhưng không phải ai cũng hiểu được. Để hiểu những mầu nhiệm này, con người cần có đức tin và lòng khiêm nhường.
2.3/ Những người nghèo khó và đau khổ là những người hiểu được khôn ngoan của Thiên Chúa. Chúa Giêsu kêu mời: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."
Vì thế, không lạ gì một người hiền hậu và khiêm nhường như Martinô đã sớm nhận ra khôn ngoan của Thiên Chúa. Thánh Martinô quí trọng Thập Giá nên ngài sẵn sàng chịu đau khổ để thông phần vào Cuộc Thương Khó của Đức Kitô. Thánh nhân đã nhìn ra tình thương Thiên Chúa và nhìn thấy Thiên Chúa trong các anh chị em nghèo khổ; vì thế, ngài sẵn sàng hy sinh tất cả để giúp đỡ họ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Nếu đời cho ta trái chanh chua, hãy biến nó thành ly chanh đường. Chúng ta hãy tập có thái độ tích cực trong cách nhìn và cư xử với đời.
- Đừng than thân trách phận vì sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu. Chẳng có ngôi sao nào xấu cả: Nếu biết đặt niềm tin nơi Chúa và để Ngài hướng dẫn cuộc đời, chúng ta cũng sẽ thành thánh như Thánh Martinô.
- Thánh Martin đã được Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan để nhận ra điều quan trọng nhất trong cuộc đời là đức bác ái, thương xót tất cả mọi người như Chúa thương mình.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

03/11/17 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 30 TN
Th. Mác-ti-nô Po-rét, tu sĩ
Lc 14,1-6

LUẬT CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Chúa Giê-su nói với họ: “Ai trong các ông có đứa con trai, hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày Sa-bát?” (Lc 14,5)
Suy niệm: Khi đất nước lâm cơn nguy biến, ảnh hưởng đến sự tồn vong của quốc gia, chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp, tạm ngưng mọi hoạt động thông thường, tập trung vào những việc thiết yếu nhất nhằm ổn định lại tình hình. Để giải thích việc Ngài sắp làm là chữa bệnh cho người phù thũng, Chúa Giê-su dẫn chứng trong thực tế khi gặp sự cố khẩn cấp như đứa con trai, hoặc con bò rơi xuống hố trong ngày Sa-bát, người ta đã thực hiện ngay việc cấp cứu dù đó là ngày lễ nghỉ theo luật buộc. Trước tình trạng khẩn cấp là những nỗi thống khổ của tha nhân, lòng thương xót của Chúa chính là tiêu chuẩn nhận định và là động cơ hành động chứ không phải là việc giữ luật một cách máy móc và vụ hình thức.
Mời Bạn: Dưới chế độ Tân Ước, luật giữ ngày Sa-bát đã được vượt qua để trở thành Ngày Thứ Nhất trong tuần, Ngày Của Chúa (Chúa Nhật), Ngày Chúa Giê-su phục sinh. Để không biến việc giữ ngày Chúa Nhật thành cứng nhắc, vô hồn, Hội Thánh cũng mời gọi chúng ta thánh hóa ngày ấy bằng cách tham dự thánh lễ sốt sắng, nghỉ việc phần xác để học hỏi Lời Chúa, có thời gian sống thân mật với gia đình và làm việc bác ái.
Sống Lời Chúa: Sắp xếp lại thời giờ của mình và gia đình để có thể cử hành ngày Chúa Nhật một cách thực sự đúng nghĩa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, xin cho con biết dùng thời giờ Chúa thương ban để con đem niềm vui, sự bình an cho anh em con. Xin cho con biết quảng đại phục vụ như Chúa đã làm vì yêu thương con. Amen.
(5 phút Lời Chúa)

Cha khi và cho v (3.11.2017 – Th sáu Tun 30 Thường niên)
Trong cuc sng hôm nay, có nhiu vic cn làm ngay... Làm sao chúng ta không dng dưng vi nhng em nh k ming giếng, và không quay lưng vi nhng người đã sa xung vc sâu?


Suy nim:
Sau khi dự nghi thức ở hội đường vào ngày sabát,
người ta thường mời khách về nhà dùng bữa trưa.
Bữa ăn này đã được chuẩn bị từ ngày hôm trước.
Hôm nay Đức Giêsu lại được một người Pharisêu mời dùng bữa.
Đây là lần thứ ba Ngài được mời ăn như thế (x. Lc 7, 36; 11, 37).
Và đây cũng là lần thứ ba có sự căng thẳng
vì Ngài chữa bệnh trong ngày sabát (x. Lc 6, 6; 13, 10).
Những người Pharisêu trong bữa ăn hôm nay chăm chú nhìn Ngài (c. 1).
Chúng ta không rõ người mắc bệnh phù thũng có là khách không.
Hay phải chăng anh ấy là người không mời mà đến?
Nếu là khách thì tại sao Đức Giêsu lại cho anh về sau khi chữa khỏi?
Dù sao thì anh ấy cũng đang đứng trước mặt Đức Giêsu (c. 2).
Ngài thấy những dấu hiệu của bệnh phù thũng nơi thân xác anh.
Trên người anh có chỗ sưng lên vì nước bị ứ lại.
Chính Đức Giêsu là người chủ động đặt vấn đề với người Pharisêu.
“Có được phép chữa bệnh trong ngày sabát không ?” (c. 3).
Hiển nhiên đối với họ, chỉ được phép chữa những bệnh nhân hấp hối.
Anh bị phù thũng không nằm trong diện này.
Vậy mà họ đã giữ thái độ thinh lặng trước câu hỏi đó (c. 4).
Đức Giêsu đã chữa bệnh cho anh chỉ bằng một cử chỉ đỡ lấy.
Không có lời nói nào kèm theo.
Có lẽ anh đã đi về nhà, lòng vui sướng vì được khỏi bệnh.
Đức Giêsu đã muốn biện minh cho hành vi chữa bệnh trong ngày sabát
bằng một câu hỏi về cách ứng xử trong một trường hợp cụ thể (c. 5).
“Giả như các ông có đứa con trai hoặc con bò sa xuống giếng,
các ông lại không kéo nó lên ngay lập tức, dù là ngày sabát sao?”
Họ đã không thể đưa ra câu trả lời,
vì dĩ nhiên là phải kéo nó lên ngay, trước khi nó chết dưới giếng.
Đối với Đức Giêsu, chữa bệnh đơn giản là kéo một người lên ngay.
Dù Ngài không phủ nhận tầm quan trọng của việc giữ ngày sabát,
nhưng ngày sabát lại không cấm làm điều phải làm, đó là chữa bệnh.
Rõ ràng Đức Giêsu quan tâm đến nhu cầu của con người.
Nếu để đến hôm sau mới chữa cho anh phù thũng thì cũng được.
Nếu để bà còng lưng mười tám năm chịu thêm một ngày cũng không sao.
Nhưng Ngài muốn giải phóng con người ngay lập tức, khi có thể được.
Ngài muốn làm vơi nỗi đau kéo dài đã lâu của con người.
Chính vì bà còng lưng đã mười tám năm đau khổ
nên không cần kéo dài thêm, dù chỉ một ngày nữa.
Luật lệ đạo đời nhằm phục vụ cho hạnh phúc thực sự của con người.
Trong cuộc sống hôm nay, có nhiều việc cần làm ngay.
Có bao mảnh đời sắp bị đổ vỡ, có những nguy cơ đe dọa nhân phẩm,
có những người trẻ đứng trên bờ vực, có những thai nhi bị chối từ.
Làm sao chúng ta không dửng dưng với những em nhỏ ở kề miệng giếng,
và không quay lưng với những người đã sa xuống vực sâu?
Cầu nguyn:

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


HÃY NÂNG TÂM HỒN LÊN
3 THÁNG MƯỜI MỘT
Hoa Trái Của Hiệp Nhất
Trong lời nguyện hiến tế của Người tại bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu nói: “Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để họ cũng được thánh hiến trong sự thật” (Ga 17,19). Mối hiệp nhất được xây dựng trên sự thật, trên sự thật của Lời mạc khải, trên sự thật của chính Lời của Cha là Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta.
Sự thật của Lời này được trao ban cho Giáo Hội trong Đức Kitô và qua các Tông Đồ là những vị đã được sai đi để làm Phép Rửa và giảng dạy nhân danh Người: “Như Cha đã sai con đến trong thế gian, con cũng sai họ đi vào thế gian” (Ga 17,18). Sự hiệp nhất của chúng ta không chỉ nhằm cho chúng ta, nhưng đúng hơn cho toàn thế giới, để thế giới có thể tin rằng Chúa Cha đã sai Con của Ngài để cứu độ chúng ta (Ga 17,21.23).
Hiệp nhất là nguồn vui và nguồn an bình của chúng ta. Đàng khác, chia rẽ và bất hòa, nhất là thù hận, thì hoàn toàn đối nghịch lại hiệp nhất. Đó là sự dữ, và đầu mối của chúng là chính Satan.


Hạnh Các Thánh
3 Tháng Mười Một
Thánh Martin Người Nghèo
(1579-1639)


Hàng chữ thật lạnh lùng "không có cha" được ghi trong hồ sơ rửa tội, và danh từ "con lai" hay "vết tích cuộc chiến" là cái tên ác nghiệt mà những người "thuần chủng" gán cho những người mang hai dòng máu. Như bao người khác, Martin đã có thể trở nên một người cay đắng, nhưng ngược lại, ngay từ còn nhỏ Martin đã có lòng thương người đặc biệt, nhất là những người nghèo và bị xã hội khinh miệt.

 Ngài là đứa con bất hợp pháp của một nhà quý tộc Tây Ban Nha ở Lima, Peru và một phụ nữ Panama. Thánh Martin giống mẹ nên có nước da ngăm đen, và điều này làm cha ngài khó chịu, do đó mãi tám năm sau ông mới chịu nhận Martin là con. Sau khi sinh đứa thứ hai, ông bỏ rơi gia đình. Martin lớn lên trong cảnh nghèo nàn, thuộc giai cấp bần cùng của xã hội Lima.

Lúc 12 tuổi, mẹ ngài cho theo học nghề cắt tóc và giải phẫu, nên ngoài việc cắt tóc, ngài còn biết cách lấy máu (sự chữa trị rất phổ thông thời ấy), biết chăm sóc vết thương và biết chích thuốc.

Sau vài năm hành nghề, Martin xin vào dòng Ða Minh làm "người giúp việc," vì ngài cảm thấy không xứng đáng để làm thầy dòng. Sau chín năm, gương mẫu đời sống cầu nguyện và hãm mình, bác ái và khiêm nhường của ngài khiến cộng đoàn phải yêu cầu ngài khấn trọn. Ngài cầu nguyện hằng đêm và sống khắc khổ; công việc hàng ngày của ngài là chăm sóc bệnh nhân và người nghèo. Ngài coi mọi người như nhau, bất kể mầu da, sắc tộc hay địa vị xã hội. Ngài là cột trụ trong việc thành lập cô nhi viện, chăm sóc người nô lệ từ Phi Châu và trông coi việc bố thí của nhà dòng. Ngài trở nên nổi tiếng trong nhà dòng cũng như ngoài thành phố, dù đó là vấn đề "chăn màn, quần áo, đèn nến, bánh kẹo, phép lạ hay lời cầu nguyện!" Khi nhà dòng bị nợ quá nhiều, ngài nói với cha bề trên, "Con chỉ là một đứa con lai nghèo hèn. Cha hãy bán con đi. Con là sở hữu của nhà dòng. Hãy bán con đi để trả nợ."

Ngoài những công việc hàng ngày như nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc bệnh nhân, Thiên Chúa còn ban cho ngài những ơn sủng đặc biệt: được xuất thần bay bổng trên không, căn phòng rực sáng khi ngài cầu nguyện, ơn lưỡng tại (ở hai nơi cùng một lúc), ơn hiểu biết cách lạ lùng, ơn chữa bệnh và chế ngự các thú vật cách tài tình. Lòng bác ái của ngài còn nới rộng đến các thú vật ở ngoài đồng hay chó mèo trong phố và ngay cả chuột bọ trong bếp.

Nhiều tu sĩ thời ấy coi ngài như vị linh hướng, nhưng ngài vẫn tự coi mình là "người nô lệ nghèo hèn." Ngài còn là bạn của Thánh Rosa ở Lima. Ngài từ trần ngày 3-11-1639.

Lời Bàn

Kỳ thị chủng tộc là cái tội mà hầu như không ai muốn thú nhận. Cũng như sự ô nhiễm, đó là "cái tội của thế giới", là trách nhiệm của mọi người nhưng không ai muốn nhận lỗi. Không ai xứng đáng là quan thầy của sự tha thứ và sự công bằng Kitô Giáo cho bằng Thánh Martin của Người Nghèo.

Lời Trích

Trong buổi lễ phong thánh (6-5-1962), Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã có lời nhận xét về Thánh Martin như sau: "Ngài đã tha thứ lỗi lầm của người khác. Ngài đã quên đi những xúc phạm thật cay đắng, vì cho rằng ngài đáng phải phạt vì những tội lỗi của chính mình. Ngài cố gắng hết sức để đền bù các lỗi lầm ấy; ngài an ủi bệnh nhân một cách trìu mến; ngài cung cấp thực phẩm, quần áo và thuốc men cho người nghèo; ngài giúp đỡ các nông dân và người da đen, cũng như những người mang hai dòng máu mà thời ấy thường coi là nô lệ: do đó ngài xứng đáng với cái tên mà người ta thường gọi là 'Martin Nhân Hậu.'"


Trích từ NguoiTinHuu.com


3 Tháng Mười Một

Con Chỉ Là Một Tên Mọi Ðen



Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Martinô Porres.

Nhắc đến thánh nhân, người ta thường liên tưởng đến những ơn lạ lùng như xuất thần ngất trí trong khi cầu nguyện, như hiện diện ở hai nơi cùng một lúc, hoặc như có thể trò chuyện và điều khiển cả thú vật.

Vị thánh có lòng bác ái cao độ này lại xuất thân từ một hoàn cảnh vô cùng bi đát và đắng cay. Là con của một thiếu nữ da đen đã từng bị đem bán làm nô lệ vào một nhà quý tộc người Tây Ban Nha, Martinô đã được vị linh mục Rửa Tội ghi trong sổ bộ của giáo xứ là "con không cha". Quả thật, con không cha như nhà không nóc. Martinô đa lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình cha mãi cho đến năm 8 tuổi. Nhưng sau khi được chính thức thừa nhận không bao lâu, thì người cha lại bỏ rơi gia đình. Một lần nữa, cậu bé Martinô lại rơi vào cảnh khốn khổ như đa số các em bé nghèo của thành phố Lima, Pêru vào giữa thế kỷ thứ 16.

Nhưng cảnh nghèo ấy đã không gieo vào lòng cậu bé mang hai dòng máu này chút đắng cay nào. Trái lại, cậu tiếp nhận mọi biến cố xảy đến trong cuộc sống như một thách đố, như một ân sủng.

Năm 12 tuổi, Martinô đã được học nghề hớt tóc và đôi chút xảo thuật của ngành giải phẫu. Vừa hành nghề như một người thợ hớt tóc, vừa như một y tá, Martinô đã đem hết sự hăng say và tận tụy của mình để phục vụ những người nghèo đồng cảnh ngộ.

Nhưng nhận thấy chỉ có thể sống trọn Ðức Ái trong một tu viện, Martinô đã đến gõ cửa một nhà dòng Ðaminh để xin được làm trợ sĩ trong nhà? Bí quyết nên thánh của thầy Martinô là sám hối cầu nguyện và phục vụ, nhất là phục vụ trong những công việc vô danh nhất. Lần kia, nhà dòng mang nợ đến độ không thể bảo đảm được các nhu cầu của các tu sĩ, thầy Martinô đã đến thưa với Bề trên như sau: "Thưa cha, con chỉ là tên mọi đen. Xin hãy bán con đi".

Sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho người khác, thầy Martinô cũng luôn nhận tất cả phần lỗi về mình.

Ôn lại gương hy sinh, cầu nguyện và bác ái của thánh Martinô, không những chúng ta chỉ chạy đến xin ngài bầu cử trong những lúc gặp gian nan thử thách, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là lòng tin thác vào Chúa quan phòng của thánh nhân mà chúng ta cần học hỏi, nhất là trong giai đoạn gặp khó khăn này.

Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người. Ðó phải là niềm xác tín của chúng ta. Một Thiên Chúa quan phòng là Ðấng có thể biến tất cả những đắng cay, buồn phiền, thất bại, khổ đau trong cuộc sống con người thành khởi đầu của một nguồn ơn cao quí hơn. Cũng như loài ong chỉ rút mật ngọt từ bao nhiêu vị đắng cay của cánh hoa, cũng thế, người có niềm tin luôn có thể rút tỉa được những sức đẩy mới từ những thất bại rủi ro trong cuộc sống. Thánh Martinô đã không hận đời đen bạc vì bị người cha bỏ rơi, mà trái lại xem đó như một dịp may để cảm thông, để học hỏi và để phục vụ người khác hữu hiệu hơn. "Hạt lúa rơi xuống đất có mục nát đi mới trổ sinh được nhiều bông hạt". Ðó là định luật của cuộc sống. Thập giá trong cuộc sống thường là khởi đầu và cơ may cho một vươn lên cao hơn.

Chúng ta thường chạy đến khẩn cầu với thánh Martinô trong cơn hoạn nạn thử thách, chúng ta cũng hãy noi gương ngài để phó thác cho Tình Yêu quan phòng của Chúa, và nhất là xin Ngài cũng giúp chúng ta luôn biết lấy Tình Thương để thắng vượt những ngược đãi của người đời, cũng luôn biết sẵn sàng phục vụ và phục vụ bằng chính mạng sống của mình.

Trích sách Lẽ Sống



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét