19/11/2017
Chúa Nhật 33 thường niên năm A
Kính trọng thể CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
(phần I)
Chúa Nhật 33 Quanh Năm Năm A
Bài Ðọc I: Cn 31,
10-13, 19-20. 30-31
"Nàng cần mẫn
dùng tay làm việc".
Trích sách Châm Ngôn.
Ai tìm được một người
vợ tài đức? Nàng đáng giá hơn ngọc ngà. Chồng nàng đặt lòng tin tưởng nơi nàng
và chàng không thiếu thốn vật thực. Trọn đời, nàng sẽ mang lại cho chồng sự
lành, chứ không phải sự dữ. Nàng tìm lông chiên và sợi gai, rồi nàng cần mẫn
dùng tay làm việc. Nàng ra tay đưa thoi dệt vải, và ngón tay nàng cầm xe kéo sợi.
Nàng rộng tay bố thí cho người nghèo khó, và giơ tay hướng dẫn kẻ bần cùng.
Duyên dáng thì giả dối
và nhan sắc thì hão huyền: Người phụ nữ kính sợ Chúa, sẽ được ca tụng. Hãy tặng
cho nàng hoa quả do tay mình làm ra, và sự nghiệp của nàng hãy ca tụng nàng tại
các cửa thành.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3.
4-5
Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa (x. c.
1a).
Xướng: 1) Phúc thay những
bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người. Công quả tay
bạn làm ra bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. - Ðáp.
2) Hiền thê bạn như
cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn, con cái bạn như những chồi
non của khóm ô liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn. - Ðáp.
3) Ðó là phúc lộc dành
để cho người biết tôn sợ Thiên Chúa. Nguyện Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn,
để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống bạn.
- Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Tx 5, 1-6
"Ngày của Chúa
bắt chợt anh em như kẻ trộm".
Trích thư thứ nhất của
Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, về thời
nào và lúc nào, anh em không cần chúng tôi viết cho anh em. Vì chính anh em đã
biết rõ ngày Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm tối.
Khi người ta nói rằng:
"Yên ổn và an toàn", thì chính lúc đó tai hoạ thình lình giáng xuống
trên họ, như cơn đau đớn xảy đến cho người mang thai và họ không sao thoát khỏi.
Phần anh em, hỡi anh em thân mến, anh em không còn tối tăm, đến nỗi ngày đó bắt
chợt anh em như kẻ trộm, vì tất cả anh em là con cái sự sáng, con cái ban ngày;
chúng ta không thuộc về ban đêm và tối tăm. Vậy chúng ta đừng mê ngủ như những
người khác, nhưng hãy tỉnh thức và điều độ.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 21, 36
Alleluia, alleluia! -
Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt
Con Người. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 25, 14-30
"Vì ngươi đã
trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán
cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Có một người kia sắp đi xa, liền gọi
các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc,
người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ theo khả năng của mỗi người, đoạn
ông ra đi.
"Người lãnh năm
nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Người lãnh
hai nén cũng đi làm lợi được hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ
chôn giấu tiền của chủ mình.
"Sau một thời
gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh
năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: "Thưa ông, ông trao
cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác". Ông chủ bảo người
ấy rằng: "Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc
nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ
ngươi". Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: "Thưa ông, ông đã
trao cho tôi hai nén bạc; đây tôi đã làm lợi được hai nén khác". Ông chủ bảo
người ấy rằng: "Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín
trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui
mừng của chủ ngươi".
"Còn người lãnh một
nén bạc đến và nói: "Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt nơi
không gieo và thu nơi ông không phát: nên tôi khiếp sợ (mà) đi chôn giấu nén bạc
của ông dưới đất. Ðây của ông, xin trả lại cho ông". Ông chủ trả lời người
ấy rằng: "Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, người đã biết ta gặt chỗ không
gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra người phải giao bạc của ta cho người đổi tiền,
và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc
lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật,
còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng,
các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến
răng".
Ðó là lời Chúa.
Hoặc bài vắn
này: Mt 25, 14-15. 19-20
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Có một người kia sắp đi xa, liền gọi
các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc,
người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ theo khả năng của mỗi người, đoạn
ông ra đi.
"Sau một thời
gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh
năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: "Thưa ông, ông trao
cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Hãy Canh Thức Và Tỉnh Táo
Chúa nhật này tiếp nối
Chúa nhật trước. Chúng ta đang sống cuối năm Phụng vụ. Hội Thánh hướng chúng ta
về ngày cánh chung để dạy chúng ta biết sống cuộc đời hiện tại.
Những bài đọc của Chúa
nhật trước nói rằng Chúa sẽ trở lại bất thần, nên chúng ta phải sẵn sàng, tức
là phải luôn luôn giữ cháy lòng mến Chúa và tìm kiếm Người. Ðó là thái độ của
người "khôn". Những bài đọc hôm nay khai triển chiều hướng ấy và mở
ra trước mắt chúng ta đời sống cụ thể hàng ngày của những con người khôn có
lòng mến Chúa. Họ không thụ động ngồi yên chờ ngày Chúa đến, nhưng cần mẫn và đảm
đang, làm việc sinh lời lãi và giúp ích cho đời.
Chúng ta hãy đọc bài
Thánh thư trước để hiểu rõ hơn về ngày Chúa trở lại; rồi sẽ đọc bài Tin Mừng và
bài sách Cách ngôn để thấy rõ nếp sống cụ thể của chúng ta hiện nay phải thế
nào?
A. Hãy Canh Thức Và Tỉnh
Táo
Thánh Phaolô hôm nay
thấy không cần nói thêm với chúng ta về ngày giờ Chúa trở lại nữa. Chúng ta đã
biết Người sẽ đến bất thần như kẻ trộm trong đêm tối. Nhưng ngày đó sẽ thế nào?
Thánh Tông đồ mượn nhiều
ý kiến trong Kinh Thánh và nhất là trong Cựu Ước để gợi lên cho chúng ta một số
suy nghĩ.
Ðối với những người vô
tư, những người khờ như Tin Mừng Matthêô lần trước đã nói, thì "Bây giờ là
lúc tiêu diệt thình lình ập đến". Họ cứ chè chén, say sưa, buôn đi bán lại,
hết xây lại đập (Lc 17,26-30) như thời Noe. Ðang lúc ông này cặm cụi đóng tàu để
tránh lụt thì chung quanh người ta cứ sống phây phây, bình chân như vại. Nhưng
chính lúc đó tưởng là bình an chắc chắn thì mưa đã đổ xuống bất thần, diệt vong
ập đến trên họ.
Quả thật, đối với họ,
ngày của Chúa sẽ là diệt vong. Vì kể từ thời Amos (5,18-20) nhiều đoạn Cựu Ước
đã nói như vậy. Các tiên tri đã thẳng thắn tuyên bố cho dân cứng đầu cứng cổ biết:
họ ảo tưởng quá chừng khi vịn lẽ là dân được tuyển chọn rồi cứ chạy theo các dục
vọng của mình và tưởng rằng sẽ chẳng sao vì Chúa sẽ cứu mình. Không! Chúa sẽ
không đến cứu, nhưng để trừng phạt. Và ngày của Người sẽ trở nên tăm tối, khóc
lóc, thê thảm cho dân lầm lạc ấy. Bấy giờ họ sẽ đau đớn quằn quại như đàn bà
lúc lâm bồn, chẳng thể nào trốn thoát được.
Hôm nay thánh Phaolô
cũng mượn lại những hình ảnh ấy để nói với những người khờ, những kẻ vô tư
không sẵn sàng cho ngày Chúa trở lại rằng: ngày đó sẽ ập xuống trên họ như nước
lụt xuống trên thời Noe. Nó sẽ đem lại diệt vong, đau đớn cho kẻ không tìm kiếm
Chúa và yêu mến Người.
Còn đối với những người
khôn, những người tìm kiếm và mến yêu Chúa, thì không có gì phải sợ vì họ không
ở trong tối tăm, nhưng vẫn sống như con cái sự sáng. Ngày Chúa đến, đối với họ
sẽ là ngày đầy vinh quang, ngày chan hòa ánh sáng.
Làm sao cũng là một
ngày mà đối với hạng khờ thì là đen tối, còn đối với người khôn thì là sự sáng?
Thiên Chúa vừa tối vừa sáng hay sao? Không phải thế! Người chỉ là sự sáng, sự
sáng tuyệt đối. Những kẻ đau mắt sẽ chỉ thấy tối tăm khi Người đến. Còn người
có mắt trong sáng sẽ thấy Người đem lại vinh quang. Chính Chúa Yêsu trong Tin Mừng
Matthêô đã có đoạn nói con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt lành thì thân thể
được ở trong ánh sáng; nhưng nếu mắt đau thì toàn thân sẽ ở trong u tối.
Như vậy, Ngày Chúa đến
sẽ là tối tăm cho kẻ dữ và là ánh sáng cho người lành. Chúng ta phải sống như
người lành để chờ đợi Chúa, tức là phải sống như con cái sự sáng, con cái của
ban ngày. Thế mà ban ngày không phải là thời gian để ngủ và để say sưa. Những
việc này người ta chỉ làm về đêm. Thành ra bài thư Phaolô hôm nay kết luật: hãy
canh thức và tỉnh táo.
Nhưng lời khuyên này
cũng phải được hiểu cho đúng. Dĩ nhiên trong chiều hướng coi Ngày Chúa đến có
tính cách bất thần như kẻ trộm đột xuất lúc đêm khuya. Thánh Phaolô cũng như
nhiều tác giả khác hay khuyên người ta phải "canh thức". Nhưng canh
thức ở đây chỉ có nghĩa là cảnh giác và sẵn sàng, là thao thức tìm kiếm Chúa và
chờ đợi Người. Và tỉnh táo không say sưa, là không bắt chước người thời Noe cứ
mải miết đi trong đường tội lỗi mà không biết tai ương sắp ập đến. Tựu trung, với
bài Thánh Thư hôm nay, Hội Thánh khuyên nhủ chúng ta trong cuộc sống tại thế phải
biết nhớ đến Chúa, tìm kiếm Người và thi hành những lệnh truyền của Người.
Ðó là điều mà Ðức Yêsu
đã nói trong bài Tin Mừng hôm nay được mệnh danh là dụ ngôn các nén bạc.
B. Hãy Làm Việc Chăm
Chỉ
Thánh Matthêô kể dụ
ngôn này tiếp ngay sau dụ ngôn 10 trinh nữ đọc trong Chúa nhật trước. Và người
mở đầu: về Nước Trời cũng giống như người kia đi xa, đã gọi tôi tớ lại và giao
tiền của cho họ.
Như vậy bài dụ ngôn
hôm nay muốn khai triển tư tưởng của bài Tin Mừng lần trước. Hôm nay Chúa cũng
tự ví như người đi xa nhà một thời gian rồi sẽ trở về. Và cũng như chàng rể đến
trễ, người đi xa hôm nay cũng chậm về (câu 19). Nhưng đang khi bài học lần trước
dạy phải sẵn sàng vì ngày Chúa đến sẽ bất thần, hôm nay bài dụ ngôn bảo phải
chăm chỉ làm việc sinh nhiều quả phúc đức.
Quả vậy bài dụ ngôn đã
tập trung vào việc tính sổ, tức là việc phán xét trong thời cánh chung. Ba tên
đầy tớ đến trước mặt chủ. Hai người đầu tiên đưa đến cả vốn lẫn lãi. Ông chủ
khen họ lương hảo và trung trực và đưa họ vào sống trong hoan lạc của ông. Còn
người thứ ba đến, chỉ mang theo tiền vốn và nói rằng y biết chủ là người hà khắc,
và tham lam, nên vì sợ, y đã đem chôn tiền vốn và bây giờ xin nộp lại cho chủ.
Y tưởng như vậy là thoát thân. Ai ngờ chính luận lý của y lại lên án y. Không
biết làm ra của cải, tại sao y không đặt tiền vào ngân hàng để ít ra tiền cũng
sinh lời? Vì thế chủ gọi ý là tên tôi tớ bất hảo và lười biếng.
Thánh Matthêô muốn chú
trọng đến từ ngữ "lười biếng" này. Nó đối với từ ngữ "trung trực"
ở trên khi người chủ khen hai tôi tớ đã biết làm việc. Và trong sách Tin Mừng của
Matthêô từ ngữ "trung trực" luôn được dùng để nói về người tôi tớ,
trong khi chủ vắng nhà, vẫn làm việc chăm chỉ, phân phát của ăn thức uống hẳn
hoi cho mọi người trong nhà; đang khi tên quản gia gian ác thấy chủ về trễ, thì
ăn uống với lũ say sưa và đánh đập các bạn tôi tớ (24,48-49).
Vậy, nếu được ghép những
tư tưởng ấy lại chúng ta có thể nói rằng: thánh Matthêô bảo chúng ta trong thời
gian chờ Chúa trở lại, tức là trong cuộc sống trần gian này, chúng ta không được
lười biếng, ích kỷ, chỉ biết ăn uống say sưa và hành hạ người khác, nhưng phải bắt
chước những người tôi tớ lương hảo, "ngay" khi được giao phó công việc
đã "đi" doanh lợi (câu 16) và vì thế được khen là trung trực, tức là
nhiệt tình với chức năng của mình. Trong ngày chung thẩm, những người tôi tớ
như vậy sẽ được đi vào sự hoan lạc đời đời của Chúa; còn những kẻ lười biếng sẽ
bị đày xuống nơi tối tăm khóc lóc.
Thật ra khi Ðức Yêsu
nói dụ ngôn các nén bạc, Người có ý nhắm vào hàng Biệt phái và Luật sĩ thời bấy
giờ. Họ có một thứ tôn giáo sợ hãi. Họ tưởng cứ giữ các luật buộc là đủ để được
công chính và Chúa sẽ phải công minh trả công cho họ. Nhưng nếu Chúa là Chúa và
họ là tôi tớ thì họ luôn luôn phải tìm hiểu ý Người chứ sao lại bó buộc Người
trong một khuôn khổ. Tôn giáo như vậy không còn là những tương quan sống động
mà chỉ là pháp luật. Thánh Matthêô áp dụng rộng ra và bảo chúng ta phải nhiệt
tình làm theo Ý Chúa.
Và như vậy, bài Tin Mừng
cũng một ý với bài Thánh Thư. Cả hai đều dạy cuộc sống trần gian không phải để
hưởng thụ và sống ích kỷ, nhưng phải cần mẫn chăm chỉ làm việc phục vụ anh em.
Ðó cũng là bài học của
sách Cách ngôn.
C. Hãy Biết Ðảm Ðang
Ðoạn văn này đáng chú
ý. Không thể nói rõ nó đã được viết vào thời nào. Vì cũng như ca dao tục ngữ của
ta, nó là kho tàng khôn ngoan của cả một dân tộc, đã được thu góp từ đời nọ qua
đời kia. Ở đây nói về người đàn bà đảm đang, người phụ nữ có tư cách. Chúng ta
phải ngạc nhiên vì ở những thời đại xa xôi trước ngày Chúa sinh ra, văn chương
Cựu Ước đã tạc ra được một người phụ nữ lý tưởng. Ai thấy nàng bị bóc lột và
đàn áp? Ngược lại, nàng vươn lên như một anh hùng kiệt tác.
Dĩ nhiên các nét tả
còn mang nặng nếp sống của một xã hội thời xưa. Nhưng cũng đã có nhiều nét thật
văn minh. Người phụ nữ lý tưởng, trước hết được sự tin tưởng của chồng con và
vì thế, là hạnh phúc cho cả gia đình. Những nét khiến nàng được tin tưởng thì
thật nhiều. Nhưng nổi bật nhất là tư cách đảm đang, đảm đang việc nội trợ cũng
như việc giáo dục và giao tế với bên ngoài. Vì đảm đang, nàng thắt chặt dây
lưng và phát huy sức mạnh của cánh tay. Nàng dậy sớm thức khuya, chăm lo sản xuất
và tìm kiếm thực phẩm cho gia đình. Chính tay nàng làm lấy nhiều việc, và nàng
biết phân việc cho các tôi tớ. Nàng đề phòng mùa đông và dự trữ lương thực.
Nàng không chểnh mảng dạy con đèn sách và lo cho cả địa vị và uy tín của chồng
nơi xã hội. Ðặc biệt nàng có từ tâm và nhân đạo, chìa tay cho người nghèo khó
và mở cánh tay cho kẻ khốn cùng. Khi cần, nàng mở miệng với giọng khôn ngoan và
trên lưỡi nàng, một giáo huấn về đạo đức. Công, dung, ngôn, hạnh không thiếu gì
ở nơi nàng nên chồng con được hãnh diện.
Chúng ta có thể bảo những
nét tả như thế có thể gặp nơi bất cứ nền văn chương nào. Nhưng nơi văn chương Cựu
Ước, tức là văn chương tôn giáo có điểm đặc biệt này, là mọi đức tính trên được
xây bằng lòng kính sợ Chúa. Thế nên, đoạn văn Cách ngôn đã kết luận: duyên dáng
là giả trá, sắc đẹp là hư vô; người đàn bà kính sợ Chúa là người phải ca ngợi.
Tôi không hiểu chị em
phụ nữ nghĩ thế nào? Nhưng Phụng vụ không muốn đọc bài Cách ngôn hôm nay chỉ có
phụ nữ, mà cho tất cả chúng ta và trước hết là cho Hội Thánh.
Ðã nhiều lần chúng ta
thấy Hội Thánh được mô tả như một phụ nữ hay trinh nữ, hoặc được khuyến khích để
bắt chước và trở nên người phụ nữ lý tưởng. Vì thế, qua bài sách Cách ngôn, Phụng
vụ muốn nói với tất cả Hội Thánh: hãy cố gắng trở thành người đàn bà có tư cách
và tỏ ra đảm đang, tức là nhiệt tình thi hành tốt sứ mệnh của mình.
Và như vậy bài sách muốn
nói trước hết với những ai có trách nhiệm lãnh đạo Giáo hội và giáo xứ. Họ phải
tỏ ra đảm đang để cộng đoàn Dân Chúa được hoàn hảo. Do đó chúng ta phải cầu
nguyện cho họ và khuyến khích họ, để họ tỏ ra là người có tư cách. Vấn đề tài
năng không phải là cốt yếu, vì với bất cứ vốn liếng tài năng nào mà biết chăm
chỉ cần mẫn làm việc và phát huy để phục vụ người khác, thì ai ai cũng sẽ cảm mến
và ca ngợi tinh thần của những con người như vậy.
Nhưng Phụng vụ bao giờ
cũng muốn nói với hết mọi người. Và chủ đề của cả ba bài đọc hôm nay là muốn
thúc giục chúng ta, trong thời gian ngóng chờ ngày Chúa trở lại, phải chăm chỉ
nhiệt tình làm việc. Kẻ lười biếng sẽ bị coi là tôi tớ bất hảo; còn người tôi tớ
chăm chỉ thì đã được bài Tin Mừng gọi là lương hảo.
Dĩ nhiên các tác giả
thánh muốn nói đặc biệt về sự chăm chỉ làm việc đạo đức. Thánh Phaolô bảo chúng
ta phải sống như con cái của ban ngày, tức là của thời gian làm việc, nên không
được say sưa và ngủ thiếp đi. Mà công việc của con cái sự sáng là thi hành các
lệnh truyền của Chúa, tập trung trong quan niệm sống bác ái tức là mến Chúa và
phục vụ anh em. Những công việc này, người ta sẽ chăm chỉ làm, dù có gặp khó
khăn trở ngại, nếu người ta có thái độ sẵn sàng đối với ngày Chúa trở lại, tức
là có lòng tìm kiếm Chúa. Chính bài Cách ngôn cũng đã kết thúc bằng câu: mọi nết
tốt của người phụ nữ lý tưởng xây trên lòng kính sợ Chúa.
Vậy giờ đây chúng ta
được tiếp xúc với Người trong thánh lễ. Người đến thật sự cũng để phán xét và
phân biệt các tôi tớ lương hảo và bất hảo, chăm chỉ và lười biếng. Nhưng nhất
là Người đến để ban sức mạnh giúp tất cả con cái Người thêm nhiệt tình để sống
như con cái của sự sáng và của ban ngày. Người muốn nhờ Thánh Thể và Thánh Thần
của Người biến chúng ta nên những con người đảm đang mọi việc trong đời sống.
Ðáp lại chờ mong của Người là đi vào hoan lạc của Người và tương lai của toàn
thể lịch sử như lời kinh Tin Kính mà giờ đây chúng ta sẽ đọc.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt
Nam
Bài Ðọc I: Kn 3, 1-9
"Chúa chấp nhận
các ngài như của lễ toàn thiêu".
Trích sách Khôn Ngoan.
Linh hồn những người công
chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với
con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các
ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống
trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng
trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các
ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong
lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.
Khi đến giờ Chúa ghé mắt
nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa
chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia,
và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa,
thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và
bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.
Ðó là Lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab.
2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng
tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).
Xướng: 1) Khi Chúa đem
những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người đang mơ, bấy giờ miệng
chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. - Ðáp.
2) Bấy giờ dân thiên hạ
nói với nhau rằng: "Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng". Chúa đã đối
xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin hãy đổi
số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt
trong hân hoan. - Ðáp.
4) Thiên hạ vừa đi vừa
khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Cr 1,
17-25
"Vì tiếng nói
của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta".
Trích thư thứ nhất của
Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Ðức
Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời
nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không.
Vì chưng lời rao giảng
về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được
cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng:
"Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông
thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu?
Người lý sự đời này ở đâu?" Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của
đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn
ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự
điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái
đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi,
chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho
người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những
người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của
Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì
vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn
sức mạnh của loài người.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: 1 Pr 4, 14
Alleluia, alleluia! -
Nếu anh em bị sỉ nhục vì danh Chúa Kitô, thì phúc cho anh em, vì Thánh Thần
Chúa sẽ ngự trên anh em. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 10, 17-22
"Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì
Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp
các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ
bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân
ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ
phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì
chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói
trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và
làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét,
nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Cảm Mến
Công Ơn Của Các Anh Hùng Tử Ðạo
Ngày lễ Các Thánh Tử Ðạo
Việt Nam là dịp để chúng ta ca tụng Thiên Chúa đã làm những việc vĩ đại trên
Quê hương Ðất nước và nơi Dân tộc anh hùng chúng ta. Chúng ta chiêm ngưỡng lại
khuôn mặt đẹp đẽ và ý chí quật cường của bao bậc tiền bối. Chúng ta học để quý
mến sự sống mà chúng ta đang mạng trong mình và do các ngài để lại. Và chúng ta
sẽ cố gắng phát huy cơ nghiệp mà tiền nhân đã hy sinh mạng sống để giữ lại cho
chúng ta.
A. Cảm Mến Công Ơn Của
Các Anh Hùng Tử Ðạo
Bài sách Macabê thuật
lại câu truyện tử đạo của một gia đình 7 mẹ con ở thời Cựu Ước. Ðó là một gia
đình không tên không tuổi; và vì thế được phụng vụ coi như là tiêu biểu cho bao
bậc tử đạo vô danh. Chúng ta có thể tựa vào câu truyện ấy để nhắc tới những bậc
tử đạo quá nhiều trên Ðất nước chúng ta.
Thực vậy, Hội Thánh Việt
Nam có nhiều tử đạo bậc nhất thế giới: xét cả về tổng số, cả về tỷ số... Người
ta đã nói tới con số 300,000 tử đạo ở Việt Nam. Ðược mấy Giáo hội có nhiều tử đạo
như vậy! Và con số 300,000 kia ở thời bấy giờ, chắc phải chiếm tới 3, 4 phần
trăm tổng số tín hữu. Chúng ta rùng mình khi nghĩ đến điều ấy. Nhưng thật như lời
người ta nói: máu tử đạo làm nảy sinh kẻ có đạo. Chính Ðức Yêsu cũng đã dạy
trong Phúc Âm: hạt thóc có rơi xuống đất, thối đi thì mới mọc lên cây, đem lại
mùa màng phong phú. Chúng ta ngày nay có đời sống đạo, là nhờ có đông đảo tiền
nhân đã cương quyết giữ vững niềm tin cho đến cùng� Chắc chắn có nhiều bậc phụ huynh ngồi đây, nhiều gia
đình Công giáo ở bên cạnh chúng ta có thể tính lên đời thứ ba thứ tư và gặp thấy
một hay nhiều tử đạo trong gia tộc của mình. Ít nhất ai cũng nói được rằng tổ
tiên của mình đã phải giữ đạo một cách rất vất vả. Và tất cả chúng ta đều là
con cháu các tử đạo theo cả hai nghĩa thiêng liêng và xác thịt.
Ðiều đó chắc chắn
không cần phải nói thêm. Nhưng phải nói lên điều này, là: 300,000 tử đạo kia là
một đoàn thể đông đảo đủ mọi màu sắc, khác nào một cánh đồng bát ngát đủ mọi sắc
hương. Giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ có; nhưng số giáo dân đông hơn nhiều.
Và già có, trẻ có; thanh niên, phụ nữ, nhi đồng cũng có: không thiếu một hạng
người nào. Ðặc biệt hơn nữa là rất nhiều người đã tử đạo trong y phục lý trưởng
cũng như quân nhân. Họ là những người dân tốt, phục tùng Nhà nước, làm việc tận
tâm, được lòng quan chức nêu gương cho mọi người.
Tổng đốc Trịnh Quang
Khanh là viên chức có lẽ đã giết rất nhiều tín hữu ở miền Bắc. Thế mà dưới quyền
ông vẫn có nhiều người lính có đạo. Và những người này nhiều khi lại gương mẫu
và xuất sắc. Ông quý mến họ và ra sức dụ dỗ họ bỏ đạo... Ông không hiểu rằng
chính đức tin họ đang giữ là động lực cho đời sống công dân tốt lành kia. Thấy
họ cương quyết trung thành với tín ngưỡng đang khi vẫn nhiệt tình với chức
năng, ông tìm cách bao che cho họ. Nhưng họ không chịu. Ông Huy, ông Thể, ông
Hiếu và nhiều người khác dưới quyền Trịnh Quang Khanh đã ra xưng đạo, trước sự
khâm phục và xót thương của bao nhiêu chiến sĩ, không cùng một quan điểm tôn
giáo nhưng không thể không cảm mến những người chiến hữu và đồng bào giá trị
như vậy.
Chúng ta không thể kể
hết ở đây về đời sống gia đình, xã hội của các Tử đạo Việt Nam. Chúng ta thường
chỉ biết các ngài tử đạo nghĩa là chịu chết vì đạo. Cùng lắm chúng ta chỉ hay
nghĩ tới lòng can đảm, chí chịu đựng của các ngài khi bị tra tấn, hành hạ.
Nhưng chúng ta cần phải biết: Tử đạo là ơn rất lớn. Nó đưa thẳng người ta về
thiên quốc và lên bàn thờ các thánh ngay ở đời này. Một ơn như vậy không dành
cho bất cứ một người nào đâu, nhưng chỉ dành để cho những phần tử ưu tú được
Chúa lựa chọn. Ở thời các tử đạo, rất nhiều tín hữu đã bị bắt. Có những người
đã chối Chúa. Vì họ không mến đủ! Và sở dĩ như vậy vì như lời thánh Yoan nói:
người ta không mến Chúa vô hình khi không yêu mến Người nơi anh em hữu hình.
Các tử đạo, dù ở chức năng nào, trước khi tuyên chứng lần cuối cùng về lòng yêu
mến Ðấng vô hình, cũng đã trải qua nhiều thử thách trong đời sống phục vụ tha
nhân. Chúng ta cứ đọc lại mà xem! Hết mọi hạnh thánh tử đạo Việt Nam đều kể rằng
trước khi ra pháp trường hay chịu chết trong ngục để xưng đạo, các ngài đã là
những người mẹ, người cha chu toàn phận sự gia đình; những người chồng người vợ
thi hành tốt mọi phận sự công dân; những người con hiếu thảo và những người
lính dũng cảm; những y sĩ và lý trưởng được đồng bào quý mến việc phục vụ. Bởi
vì không ai có thể trở thành công dân Nước Trời sau này, nếu đã không là những
công dân tốt trên mặt đất.
Ngay cái chết của các
tử đạo Việt Nam cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ về khía cạnh vừa nói. Anh em
Macabê được tử đạo trong một hoàn cảnh đơn giản hơn. Họ là những người Israel bị
ngoại xâm Batư bắt phải bỏ đạo của tổ tiên. Trong một cái chết họ đã tỏ ra
trung thành với Thiên Chúa và Tổ Quốc. Trường hợp các tử đạo Việt Nam éo le
hơn. Những người bắt các ngài bỏ đạo lại là vua quan "phụ mẫu chi
dân". Thế nên các ngài không có một lời nào xúc phạm đối với các quan tòa.
Và cho đến lúc chết các ngài vẫn chứng tỏ đã chu toàn tốt đẹp mọi nghĩa vụ xã hội.
Các ngài đã chết trong tình mến Chúa yêu người và thương nhà thương Nước. Các
ngài đã hy sinh mạng sống cho đức tin và chân lý ở trên giải đất này... Cho nên
Giáo hội toàn cầu chỉ biết các ngài là tử đạo của Việt Nam.
Do đó khi mừng lễ các
ngài, chúng ta phải biết để ý đến nét Việt Nam nơi các ngài. Chúng ta phải soi
gương các ngài chu toàn các nhiệm vụ xã hội một cách thánh thiện. Và cho được
như vậy chúng ta phải tìm hiểu động lực bên trong thúc đẩy đời sống của các
ngài.
Bài thư Phaolô có thể
giúp chúng ta làm công việc này.
B. Ði Theo Ðường Lối Của
Các Tử Ðạo
Quả thật các Tử đạo Việt
Nam có thể mượn những lời thư Phaolô hôm nay để nói với chúng ta. Một đàng các
ngài không giấu giếm sự thật. Bí quyết khiến các ngài có thể vượt thắng trăm
ngàn thử thách là chính sự sống và sự sống lại của Chúa Yêsu trong thân xác yếu
hèn của các ngài. Các ngài nói: chúng tôi chứa đựng những kho tàng ấy trong những
bình sành để biết rằng quyền lực vô song ấy là của Thiên Chúa chứ không phải
phát xuất tự chúng tôi. Các ngài chịu khổ cực tư bề nhưng không bị đè bẹp, bị bắt
bớ nhưng không bị bỏ rơi... bởi vì sự sống của Ðức Kitô tỏ hiện nơi thân xác của
các ngài. Chính Ðức Kitô trong bài Tin Mừng cũng đã nói không phải các tử đạo ở
trước tòa nhưng là Thánh Thần nói trong các ngài.
Và để có Thánh Thần và
sự sống của Ðức Kitô ở trong mình như vậy, các tử đạo đã phải hư vô hóa mình, tức
là chết cho bản thân, không sống theo xác thịt tự nhiên nữa, nhưng theo Thần
trí của Ðức Kitô, tức là đường lối của Người. Hết mọi tử đạo đều đã chết cho đức
tin và vì đức tin; nhưng đức tin ở đây không phải là một hệ thống tư tưởng vũ
trụ nhân sinh quan mà là đức tin sống động, tin Thiên Chúa và tin Ðức Yêsu Kitô
đã yêu thương mình cho đến chết. Ðó là đức tin đầy lòng mến và đầy lòng trông cậy,
chắc chắn rằng nếu cùng chết với Ðức Kitô và vì Ðức Kitô thì sẽ được sống lại với
Ngài và được đồng thừa tự với Ngài. Thế nên, các tử đạo là những người đầy Chúa
Yêsu sau khi đã tát cạn bản ngã và các khuynh hướng xấu xa ở nơi mình.
Và cũng chính nhờ đó
mà đàng khác, các vị tử đạo trước khi hy sinh mạng sống mình vì Chúa, đã có một
đời sống xã hội đáng khâm phục. Ðiều này cũng rất dễ hiểu! Lời thư Phaolô viết:
sự chết hoành hành nơi chúng tôi còn sự sống hoạt động nơi anh em. Các tử đạo
cũng có thể nói: chúng tôi đã chết cho bản thân để sự sống tăng trưởng nơi anh
em. Thật vậy, con người đã chết đi cho chính mình, thì sống cho Chúa. Nhưng đối
với họ, Thiên Chúa không phải chỉ là Ðấng Vô hình, mà hơn nữa còn là Ðấng đang
hiện diện trong Hội Thánh và trong anh em. Mọi hành vi làm cho người anh em nhỏ
mọn nhất là làm cho Chúa. Thành ra các đấng thánh là những người nhìn thấy
Thiên Chúa ngay ở đời này và cụ thể trên mặt đất này nơi Hội Thánh và nơi anh
em. Và vì họ không còn sống cho chính bản thân và vì bản thân nữa, nên mọi phục
vụ của họ chỉ còn quy vào một đối tượng. Ðó là Thiên Chúa nơi tha nhân... Ðó là
tha nhân trong cái nhìn của đức tin và lòng mến. Các tử đạo làm tốt các nhiệm vụ
xã hội là vì thế. Và mọi người thật có lý để nghi ngờ những kẻ đã phản bội đức
tin của mình.
Như thế, nếu hôm nay mừng
lễ các Tử đạo Việt Nam, chúng ta phải để ý đến nét Việt Nam nơi các ngài, tức
là phải soi gương các ngài trong đời sống xã hội phục vụ anh em đồng bào, thì
chúng ta � người có đức tin � phải luôn duy trì và phát
triển động lực thúc đẩy đời sống xã hội kia tức là Thánh Thần và Ðức Kitô ở
trong mình. Và cho được như vậy, chúng ta phải mang sự chết của Ngài trong thân
xác, là biết chết cho bản thân và các khuynh hướng vị kỷ. Phải làm như vậy mới
đi vào được đường lối của các tử đạo và mới có thể theo các ngài cho đến cùng.
Bởi vì muốn nên giống các ngài hoàn toàn, chúng ta không những phải biết sống
như các ngài mà còn phải biết chết như các ngài. Mà muốn chết như các ngài,
chúng ta phải sống đạo như trên mà vẫn không quên Lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng
hôm nay.
C. Tin Tưởng Như Các Tử
Ðạo
Chúa nhắc nhở chúng ta
biết số phận thông thường của các môn đệ Người: "Người ta sẽ bắt bớ các
con". Và trong sách Tin Mừng Yoan, Người còn nói rõ hơn: đó là điều thật dễ
hiểu, vì tôi tớ không trọng hơn Thầy. Có lạ chăng là việc thế gian yêu các con
chứ các con có thuộc về thế gian nữa đâu mà thế gian quý mến các con! Và lịch sử
làm chứng Hội Thánh của Ðức Yêsu, Hội Thánh tiếp nối sứ mạng cứu thế của Người,
luôn luôn có các tử đạo, không ở nơi này thì ở nơi khác, không dưới hình thức
này thì dưới hình thức khác. Ðó là mầu nhiệm, nhưng là mầu nhiệm tương đối dễ
hiểu.
Sứ mệnh của Ðức Yêsu
cũng như của Hội Thánh Người là sứ mệnh tuyên chứng. Tuyên chứng về chân lý, về
những chân lý siêu phàm; thế mà chân lý thì như ánh sáng và thế gian đã bị tối
tăm bao phủ nên luôn luôn muốn vùi dập ánh sáng. Và cũng đồng thời tuyên chứng
về tình yêu, tình yêu của Thiên Chúa yêu thương loài người và chẳng tình yêu
nào lớn bằng tình yêu nơi người hy sinh mạng sống vì người mình muốn yêu.
Thế nên chính khi chịu
chết vì đạo, người tín hữu trở thành chứng tá hoàn toàn hơn cả. Cái chết của họ
vừa nói lên niềm tin chắc chắn, vừa nói lên tình mến tận cùng. Chỉ những kẻ có
niềm tin yếu ớt mới sợ tử đạo. Nhưng nếu chúng ta yếu thì đã có Chúa ban Thánh
Thần của Người đến nâng đỡ sự yếu đuối nơi chúng ta. Và việc này tùy ở chúng ta
trong lúc bình thường có cầu xin và sống đạo để nhận được nhiều Thánh Thần hay
không?
Giờ đây chúng ta cử
hành thánh lễ. Chung quang bàn thờ này hiện diện vô hình đoàn thể các tử đạo Việt
Nam. Các ngài ước mong chúng ta dâng lễ này sốt sắng và hiệu quả. Nếu chúng ta
cầu xin và nhất là phó thác bản thân trong tay Chúa thì Người sẽ ban sự sống của
Chúa Yêsu và Thánh Thần của Người cho chúng ta. Chính Thánh Thần sẽ là sức mạnh
cải tạo cho chúng ta một nếp sống mới để chúng ta dần dần sống bớt đi cho mình
và nhiều hơn cho Chúa, tức là cho Người ở trong anh em. Như vậy chúng ta sẽ có
đời sống trần gian này tốt để chúng ta cũng sẽ chết tốt như các tử đạo. Chúng
ta sẽ tuyên xưng Chúa khi sống và khi chết. Chúng ta sẽ khơi được lòng ngưỡng mộ
của mọi người. Chúng ta sẽ xứng đáng với tổ tiên đức tin của mình, những vị mà
chúng ta mừng lễ hôm nay.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 33 Thường Niên, Năm A
Bài đọc: Prov
31:10-13, 19-20, 30-31; I Thes 5:1-6; Mt 25:14-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chăm chỉ làm việc cho xứng đáng với sự tin tưởng của Thiên Chúa.
Chăm chỉ làm việc là yếu
tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của một người. Truyện ngụ ngôn của
Jean de La Fontaine đã nhiều lần chứng minh điều này qua câu truyện của con ve
sầu và con kiến, con rùa và con thỏ, … Dù không có tài năng nhiều, nhưng nếu
chăm chỉ làm việc, sớm muộn rồi cũng thành công đạt đích; nhưng nếu tài năng xuất
chúng mà lười biếng không chịu làm việc, sẽ không bao giờ thành công được. Các
Bài đọc hôm nay cho chúng ta nhìn thấy sự cần thiết của chăm chỉ làm việc: Bài
đọc I dẫn chứng hình ảnh của người vợ khôn ngoan, bà chuyên cần làm việc để mưu
ích cho gia đình. Bài đọc II dẫn chứng hình ảnh người đầy tớ trung thành, anh
biết tỉnh thức và sống tiết độ để chờ ngày chủ trở về. Phúc Âm dẫn chứng 2 hình
ảnh trái ngược: 2 người đầy tớ trung thành và khôn ngoan, biết lợi dụng tài sản
chủ trao, chăm chỉ làm việc để sinh lợi cho chủ; và người đầy tớ biếng nhác, chẳng
những đã không sinh lời cho chủ, mà còn cay đắng trách luôn cả chủ là người hà
khắc, keo kiệt.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người vợ khôn ngoan
Bài đọc hôm nay nằm
trong chương cuối cùng của Sách Châm Ngôn. Sau khi đã chưng dẫn rất nhiều ý tưởng
khôn ngoan của người xưa và của các dân tộc trong Sách, tác giả tổng kết lại
trong hình ảnh của một người vợ lý tưởng. Khôn ngoan trong Israel ngày xưa
không như khôn ngoan trong triết học ngày nay, lối khôn ngoan rất cách xa với
cuộc sống thực tế và không mấy quan tâm để tìm ra lẽ sống. Khôn ngoan ngày xưa
trước tiên là biết quán xuyến đời mình. Vai trò của người vợ trong gia đình là
phải biết cách tạo nên một tổ ấm cho gia đình được hạnh phúc, và giúp đào tạo những
người con có khả năng phục vụ gia đình và xã hội trong tương lai. Theo tác gỉa,
tìm được một người vợ khôn ngoan như thế là như tìm được một kho tàng: “Nàng
quý giá vượt xa châu ngọc. Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng, chàng sẽ chẳng thiếu
chi lợi lộc. Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc chứ không gây tai hoạ cho chồng.”
Thế nào là một người vợ
lý tưởng? Phải chăng là sắc đẹp hay duyên dáng? Tác giả cho “duyên dáng là giả
trá, sắc đẹp là phù vân.” Giống như quan niệm của cha ông ta ngày xưa, “cái nết
đánh chết cái đẹp.” Sắc đẹp mau tàn, nhiều khi đã chẳng sinh lợi, lại còn làm
cho gia đình tan nát; nhưng các đức tính tốt sẽ tồn tại và chắc chắn sinh lợi
ích cho gia đình. Nhưng đâu là những đức tính quan trọng của người vợ lý tưởng?
Tác giả liệt kê 2 nhân đức:
(1) Mến Chúa yêu người:
là 2 tiêu chuẩn quan trọng nhất để xác định một người vợ lý tưởng.
- Kính mến Chúa: Theo
truyền thống khôn ngoan của Do-Thái: “Kính sợ Chúa là đầu mối mọi khôn ngoan.”
Người vợ kính sợ Chúa sẽ biết cách khuyên bảo chồng và dạy dỗ con biết kính sợ
Chúa và giữ các giới răn của Ngài: “Người phụ nữ kính sợ Đức Chúa mới đáng cho
người đời ca tụng.”
- Yêu tha nhân: Ai
kính sợ Thiên Chúa, cũng phải yêu tha nhân. Người vợ khôn ngoan không chỉ biết
lo cho gia đình ở đời này, nhưng còn biết lo liệu sao cho gia đình được đòan tụ
trên Nước Trời đời sau. Giúp đỡ người nghèo khổ là chuẩn bị cho gia đình đời
sau. Vì vậy, người vợ khôn ngoan là người biết “rộng tay giúp người nghèo khổ
và đưa tay cứu kẻ khốn cùng.”
(2) Chuyên cần làm việc:
Vì “ở không là mẹ các tật xấu,” người vợ khôn ngoan không phí thời giờ để bàn
chuyện thiên hạ; “nàng tìm kiếm len và vải gai, rồi vui vẻ ra tay làm việc;
nàng tra tay vào guồng kéo sợi, và cầm chắc suốt chỉ trong tay.” Bằng chăm chỉ
làm việc, người vợ khôn ngoan biết chăm lo mọi sự trong nhà, chăm sóc miếng ăn
cho chồng con. Nàng biết nhìn xa trông rộng, không tiêu xài hoang phí, và biết
kiếm thêm tiền để phòng xa, chứ không chỉ trông vào đồng lương của chồng mà
thôi.
Hậu quả người vợ khôn
ngoan gặt hái đựơc là thành công: cá nhân nàng, gia đình nàng, và xã hội. Thiên
hạ tán dương nàng: “Ước chi nơi cổng thành nàng luôn được tán dương ca tụng do
những việc nàng làm.”
2/ Bài đọc II: Người đầy tớ trung thành biết tỉnh thức và sống tiết độ.
2.1/ Sự bất thình lình của
ngày giờ Chúa đến: “Thưa anh em, về ngày giờ
và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết
rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm.” Điểm “bất ngờ” này đã được Chúa
Giêsu đề cập đến nhiều lần trong các Tin Mừng (x/c Mt 24:43, Lk 12:39). Chính
khi người ta nói: "Bình an biết bao, yên ổn biết bao!" thì lúc ấy tai
hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có
thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được.
2.2/ Người đầy tớ trung
thành biết tỉnh thức và chăm chỉ làm việc: Vì
không biết khi nào Ngày ấy sẽ đến, nên con người phải luôn tỉnh thức sẵn sàng.
Đêm tối là lúc cám dỗ con người nhiều nhất, và con người dễ bị sa ngã trong khỏang
thời gian này vì mê ngủ và vì không chuẩn bị sẵn sàng. Để có thể thắng vượt được
cám dỗ, Thánh Phaolô khuyên: “Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của
ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng
ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ.”
3/ Phúc Âm: Trung thành làm việc cho xứng với niềm tin của chủ.
Chúa Giêsu kể cho dân
một ngự ngôn như sau: Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ
đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến,
người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Yến bạc có giá trị tương
đương khỏang 5000-6000 dennari thời đó; và tiền công nhật mỗi ngày là 1
dennari; như thế, một yến tương xứng với khỏang 18 năm làm việc mỗi ngày, một số
tiền không phải nhỏ.
3.1/ Sự khôn ngoan và tin
tưởng của ông chủ:
- Sự khôn ngoan của
ông chủ: Nhiều người thắc mắc: “Tại sao ông chủ không trao đồng đều để tránh sự
ganh tị?” Lý do là vì ông chủ biết rõ tính các đầy tớ của mình, nên ông giao của
tùy khả năng mỗi người. Điều này chứng tỏ sự khôn ngoan của ông: tiền bạc đầu
tư là phải sinh lời. Nếu là người lười biếng thì có giao cho họ dù chỉ một yến
cũng là vô ích.
- Ông tin tưởng nơi
các đầy tớ: Khi giao cho họ xong là ông trẩy đi phương xa, chứ không ở gần để
xem xét dòm ngó hay khuyên răn chỉ bảo. Họ có tự do hòan tòan để dùng khôn
ngoan mà đầu tư tiền của chủ dưới bất cứ hình thức nào.
3.2/ Đầy tớ khôn ngoan và
phần thưởng trung thành: Điểm đặc biệt của
ông chủ là ông không ra giá phải sinh lợi bao nhiêu, ông để cho các đầy tớ hòan
tòan quyết định điều đó.
(1) Đầy tớ tài giỏi: Lập
tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được
năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Họ bắt
đầu làm việc “ngay lập tức,” chứ không phí thời giờ chờ đợi.
(2) Phần thưởng trung
thành: Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh
toán sổ sách với họ:
- Người đã lãnh năm yến
tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi
năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây." Ông chủ nói với người ấy:
"Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung
thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ
anh!"
- Người đã lãnh hai yến
cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi
đã gây lời được hai yến khác đây." Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm!
hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi
sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!"
3.3/ Đầy tớ lười biếng và
hình phạt:
- Phản ứng của người
lãnh một yến: Đã không sinh lời cho chủ, anh còn tìm lý do để biện minh cho sự
biếng lười của mình bằng cách tố cáo chủ: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người
hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem
chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!”
- Phản ứng của ông chủ:
"Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu
nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi
tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi
tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng
nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”
- Ý hướng của ông chủ:
Ông không đặt nặng vấn đề lời lãi vì ông không ra giá phải sinh lời bao nhiêu
phần trăm. Ông trao cho mỗi người tùy theo khả năng và ông mong họ cũng sinh lời
cho ông tùy theo khả năng của họ. Điểm ông muốn nhắm tới ở đây là sự chăm chỉ
làm việc; qua dấu chỉ này, các đầy tớ chứng tỏ cho ông biết họ có xứng đáng với
lòng tin của ông vào họ hay không. Ông chủ nói rõ: “Vì phàm ai đã có, thì được
cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy
đi.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa cho chúng
ta thời giờ, tài năng, sức khỏe, của cải vật chất trong cuộc đời là để cho
chúng ta chăm chỉ làm việc sinh lời cho Thiên Chúa. Chắc chắn sẽ có ngày chúng
ta phải tính sổ với Ngài. Nếu chúng ta luôn chăm chỉ làm việc, chúng ta sẽ
không quan tâm đến ngày phải tính sổ; nhưng nếu chúng ta ngủ mê lười biếng,
ngày ấy sẽ là ngày kinh hòang cho chúng ta.
- Chúng ta đừng bận
tâm nhìn chung quanh để so sánh bản thân với người khác; nhưng để tâm xét mình
để nhìn ra chúng ta có thể làm gì với những quà tặng Thiên Chúa đã ban. Ngài
ban cho mỗi người tùy khả năng: ban càng nhiều thì phải sinh lời càng nhiều và
ngược lại. Điều quan trọng không phải ở chỗ lời lãi; nhưng ở chỗ chúng ta chăm
chỉ làm việc và trung thành sống xứng đáng với lòng tin tưởng của Thiên Chúa.
- Nếu chúng ta sống xứng
đáng với sự tin tưởng của Thiên Chúa, Ngài sẽ ban cho chúng ta thêm và cho
chúng ta hưởng muôn vàn phúc lành khác; nhưng nếu chúng ta ngủ mê, than phiền,
lười biếng, Ngài sẽ lấy đi tất cả và chúng ta sẽ phải khóc lóc suốt đời.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét