Năm kỷ niệm cuộc Cải Cách của Martin Luther và tương lại
cuộc đối thoại đại kết kitô
Năm kỷ niệm 500 năm phong trào Cải Cách của Martin Luther sắp
kết thúc. Nhân dịp này chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn ĐHY Kurt
Koch, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh hiệp nhất các tín hữu kitô, dành cho phóng
viên Roland Juchem của Trung tâm thông tin công giáo CIC ngày 27 tháng 10 vừa
qua. ĐHY Koch năm nay 67 tuổi nguyên là Giám Mục giáo phận Basel, và từ năm
2010 là Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh hiệp nhất các tín hữu kitô.
Hỏi: Thưa ĐHY, việc cử hành 500 năm phong trào Cải Cách của
Martin Luther sắp kết thúc. Cá nhân ĐHY lượng định nó như thế nào?
Đáp: Một khiá cạnh rất tích cực đó là việc kỷ niệm chung đã
có rất ít tranh luận, thường là điều đã xảy ra trong quá khứ. Thế rồi có việc tập
trung vào những gì chúng ta có chung với nhau, vì thế bên Đức người ta đã quyết
định cử hành việc tưởng niệm cuộc Cải Cách như là lễ hội của Chúa Kitô. Theo
tôi đó đã là tư tưởng đại kết tốt đẹp nhất.
Hỏi: Lễ hội của Chúa Kitô có thành công không thưa ĐHY?
Đáp: Trong lộ trình của 10 năm chuẩn bị nó đã được cải tiến.
Ban đầu tôi đã có cảm tưởng nó hoàn toàn liên quan tới Luther. Nhưng rồi trong
năm kỷ niệm nó đã liên quan nhiều hơn tới những gì hiệp nhất chúng ta trên hết:
đó là niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô.
Hỏi: ĐHY đã tham dự lễ nghi kỷ niệm tại nhiều nước khác
nhau. ĐHY đã sống kinh nghiệm các nổi bật khác nhau như thế nào?
Đáp: Có nhiều kiểu cử hành khác nhau, bởi vì phong
trào Cải Cách đã không chỉ xảy ra bên Đức mà thôi. Việc Cải Cách bên Thuỵ Sĩ
khác với các nước bắc âu, nơi phong trào Cải Cách đã không phải là một phong
trào bình dân, nhưng là quyết định của chính quyền dân sự. Đối với tôi đỉnh cao
đã là việc cử hành tại Lund bên Thụy Điển ngày 31 tháng 10 năm 2016, nơi ĐTC
Phanxicô và vị Tổng thư ký của Liên Hiệp Luther thế giới đã cùng tham dự việc
hai Giáo Hội Luther Công Giáo kỷ niệm phong trào Cải Cách. Đó đã là một dấu chỉ
đại kết mạnh mẽ.
Hỏi: Mới đây ĐHY Woelki, TGM Koeln đã phê bình tình hình
đại kết: ngài nói rằng giải thích các khác biệt nền tảng một cách đơn sơ như là
“các chiều kích làm giầu cho nhau” là “quảng cáo sai lầm”. ĐHY có đồng ý với
lương định này không?
Đáp: Trong việc kỷ niệm phong trào Cải Cách dấu nhấn đã ở
trên tất cả những gì chúng ta có chung với nhau, nhưng các câu hỏi vẫn còn rộng
mở như trước. Chính tôi đã gợi ý rằng khi theo Tuyên ngôn chung liên quan tới
việc Công chính hoá, giờ đây chúng ta phải đi tới một Tuyên ngôn chung mới liên
quan tới Giáo Hội, bí tích Thánh Thể và chức thừa tác. Tôi biết ơn, vì
sáng kiến này đã được tiếp nhận trong nhiều phần một cách tích cực. Cuộc đối
thoại Luther Công giáo bên Mỹ đã công bố một tài liệu về vấn đề này, và
hiện nay tôi đã tìm thấy trên bàn làm việc của tôi các tài liệu mới đến từ
Phần Lan. Cộng thêm với các đề tại về Giáo Hội, bí tích Thánh Thể và chức thừa
tác, có các đề tài luân lý đạo đức mà chúng ta cần đào sâu nhiều hơn trong các
cuộc đối thoại đại kết để cũng phát triển một quan niệm chung về các vấn đề
này. Đó cũng là các vấn đề mà ĐHY Woelki nói tới.
Hỏi: Thưa ĐHY, có thể tóm tắt tình trạng đại kết một cách
sắc nhọn bằng cách nói rằng: Chúng tôi chấp nhận liên quan tới Thiên Chúa,
nhưng không chấp nhận liên quan tới Giáo Hội không?
Đáp: Tôi sẽ trình bầy nó một cách thần học hơn, và kinh thánh
hơn như thế này: Chúng tôi chấp nhận liên quan tới Chúa Kitô, nhưng chúng tôi
không chấp nhận liên quan tới Thân Mình Ngài, nghĩa là Giáo Hội. Cả hai tuỳ thuộc
nhau một cách không thể phân chia được, vì Chúa Kitô muốn là và muốn hiện diện
trong Thân Mình Ngài. Nhưng tương quan giữa Chúa Kitô và Thân Mình Ngài vẫn còn
là vấn để bỏ ngỏ.
Hỏi: Có một chướng ngại lớn hơn đối với phong trào đại kết
thường được nhắc tới đó là hai phiá Tin Lành và Công Giáo không có ý tưởng
chung về mục đích của phong trào đại kết. ĐHY trình bầy mục đích này như thế
nào?
Đáp: Thật ra đó là vấn đề chính. Chúng tôi đã đạt được sự đồng
thuận trên nhiều vấn đề đức tin, nhưng chưa đạt sự đồng thuận trên mục đích của
phong trào đại kết là gì. Không có một mục đích chung, tới một lúc nào đó thật
khó có thể xem xét bước tiếp theo trên con đường dài. Vấn đề đó là ngày nay
cùng một từ được cả hai bên dùng, nhưng với ý nghĩa khác nhau.
Hỏi: Đó là điều gọi là “sự khác biệt được hoà giải”, có
phải thế không thưa ĐHY?
Đáp: Vâng, đúng thế. Tôi nghe nói rằng đối với nhiều tín hữu
Luther điều này có nghĩa như được miêu tả sau đây: chúng ta đã hoà giải với
nhau, nhưng còn chia rẽ và phải thừa nhận nhau như là Giáo Hội; và thế là đạt mục
đích. Theo quan điểm công giáo “sự khác biệt đuợc hoà giải” là một định nghĩa mục
đích: chúng ta phải làm việc trên các vấn đề còn bỏ ngỏ này, làm sao để chúng
không còn là lý do của sự chia rẽ giữa các Giáo Hội nữa. Khi chúng được hoà giải
với nhau, các khác biệt chắc chắn có thể còn.
Hỏi: Trong truyền thống công giáo chúng ta quen với ảnh
hưởng của phụng vụ và việc thực hành đức tin dựa trên sự phát triển của giáo
thuyết, chẳng hạn công thức rửa tội và giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi, việc
tôn kính Đức Maria và các tín điều về Đức Mẹ. Có cái gì giống như thế trong đại
kết không?
Đáp: Sự đồng thuận liên quan tới các vấn đề đức tin và cuộc
sống đức tin trong thói quen thường ngày của một người và trong phụng vụ
cũng tuỳ thuộc nhau trong một sự tôn trọng đại kết. Người ta càng cùng
nhau sống và cử hành đức tin bao nhiêu, thì cũng càng đi đến các thấu hiểu
chung trong đức tin bấy nhiêu. Điều quan trong hơn cả là bạn không chia rẽ hai
thực tại, bằng cách tuân giữ khẩu hiệu: Điều định đoạt là điều chúng ta sống,
chứ không phải là điều ở trong kinh Tin Kính.
Hỏi: Từ các thúc đẩy cải cách của Luther, Zwingli và
Calvin đã khai triển một năng động bên trong khối Tin Lành dẫn đến nhiều giáo hội
độc lập khác nhau, và vài giáo hội tin lành có rất nhiều thành viên. Các cộng
đoàn này có hình thức thích hợp, hay ít nhất ngày nay có hình thức sống Kitô
giáo lôi cuốn hơn các Giáo Hội cổ điển không?
Đáp: Thoạt nhìn xem ra là như thế. Vì trong Giáo Hội tự do,
và đặc biệt là trong các phong trào Pentecotist, chúng ta tìm thấy sức lớn mạnh
to lớn. Ngày nay Tin Lành Pentecotist là Giáo Hội lớn thứ hai sau Giáo Hội Công
Giáo. Ta có thể nói tới việc Pentecotist hoá Kitô giáo, hay hình thức thứ tư của
Kitô giáo: là Công giáo, Chính thống, Tin lành và bây giờ là Pentecotist. Tuy
nhiên tôi không nghĩ rằng các phong trào này sẽ trở thành hình thức duy nhất của
Kitô giáo trong tương lai. Vì chúng cũng được dưỡng nuôi trên các Giáo Hội lịch
sử rộng lớn hơn, và không thể một cách đơn thuần thay thế các Giáo Hội này được.
Hỏi: Phong trào này có thể kích thích Giáo Hội công giáo
như thế nào thưa ĐHY?
Đáp: Đối với các Giáo Hội Pentecotist, kinh nghiệm cụ thể về
đức tin trong cuộc sống thường ngày, trước hết niềm tin vào hoạt động của Chúa
Thánh Thần là trung tâm điểm. Không thể nói điều này trong cùng nghĩa cho truyền
thống tây phương, chúng tôi không đau khổ vì bị nuôi dưỡng nhiều quá bởi chiều
kích thánh thần trong truyền thống quy uớc của chúng tôi. Trong khiá cạnh này
chúng tôi có thể học một chút từ các phong trào Pentecotist.
Hỏi: Trên hết là lòng hăng say, có đúng thế không thưa
ĐHY?
Đáp: Đúng vậy. Lòng hăng say là ý nghĩa ban đầu của cuộc sống
trong sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Được nối liền một cách chặt chẽ với
lòng hằng say là sự kiện đức tin và công việc hằng ngày không phải là các thế
giới phân rẽ, nhưng đức tin trái lại được tháp nhập vào cuộc sống thường ngày.
Hỏi: Thưa ĐHY, trong các năm gần đây người ta đã thường
nói về một đại kết của các vị tử đạo. Các kitô hữu bị bách hại, bị giết
vì đạo của mình một cách không phân biệt. ĐHY đã sống kinh nghiệm này một cách
đặc biệt tại đâu?
Đáp: Đại kết tử đạo đối với tôi là thách đố chính yếu nhất của
phong trào đại kết, đặc biệt vì 80% những người bị bách hại vì đức tin của họ
ngày này là các kitô hữu. Đại kết của các vị tử đạo đã là đề tài quan trọng đối
với Đức Gioan Phaolô II, là vị Giáo Hoàng đã học được trong các chế độ độc tài
đức quốc xã và cộng sản rằng các kitô hữu chúng ta tuỳ thuộc nhau. Đề tài này
ngày nay được Đức Phanxicô tiếp tục một cách dễ thương. Ngài thường nhắc cho
chúng ta nhớ tới các vị tử đạo ở Luebeck, và đã trình bầy thách đố của các vị tử
đạo ngày nay khi nói: “Nếu các kẻ độc tài hiệp nhất chúng ta là các kitô hữu
trong cái chết, thì làm sao chúng ta lại chia rẽ nhau trong khi sống được?”
Hỏi: Năm nay Thụy sĩ kỷ niệm 600 năm thánh Nicola thành
Flue sinh ra. Việc kỷ niệm như thế có khiến cho các bên tiếp tục trở thành xa lạ
hay nó giúp chúng gần gũi nhau hơn trên bình diện đại kết thưa ĐHY?
Đáp: Có hai biến cố quan trọng đã trợ giúp nhiều trên
bình diện đại kết. Thứ nhất là lễ nghi đại kết ngày mùng 1 tháng 4 trong đó việc
tưởng niệm 500 năm Cải Cách và 600 năm ngày sinh của thánh Nicola thành Flue được
nhắc nhớ và có sự tham dự của mục sư Gottfried Locher, Chủ tịch Liên Hiệp các
Giáo Hội Tin Lành Thụy Sĩ , và ĐC Felix Gmuer của Basel chủ sự. Vào tháng 9 vừa
qua chính tôi đã chủ sự lễ nghi đại kết với mục sư Locher tại Sachseln. Cả hai
biến cố cho thấy rõ rằng thánh Nicola thành Flue không ở giữa các Giáo Hội khác
nhau, nhưng nối liền chúng và hiệp nhất chúng với nhau. Thánh Nicola thành
Flue, nói cho cùng, là một gương mặt diễn tả trước sự Cải Cách, và điều nền tảng
của ngài, việc kiếm tìm hoà bình trong Chúa là một đề tài đại kết. Người cải
cách Huldrýc Zwingli chẳng hạn, trân trọng “Thầy Klaus” không phải chỉ vì sự hữu
hiệu chính trị của ngài, nhưng cũng bởi chứng tá đức tin của ngài nữa.
Hỏi: Kết luận, với một cái nhìn trong hướng khác. ĐHY đã
nhận thấy ở đâu phong trào đại kết nhất trong các trường hợp của Giáo Hội Chính
Thống và Giáo Hội Tây phương ?
Đáp: Vào đầu tháng 9 tại đảo Leros của Hy Lạp chúng tôi đã
đưa ra chương trình đối thoại xa hơn giữa Giáo Hội chính thống và Giáo Hội công
giáo. Như đề tài chính chúng tôi chọn: “Trên đường hiệp nhất trong đức tin: các
vấn đề thần học và giáo luật”. Như là vấn đề đầu tiên cần thảo luận chúng tôi
nhận diện ra trong đó vấn đề quyền tối thượng và tính cách thượng hội đồng giám
mục trong ngàn năm thứ hai và ngày nay. Trong bối cảnh rộng rãi hơn này sẽ được
thảo luận vấn đề của các Giáo Hội uniát, tái hiệp nhất với Giáo Hội công giáo.
Trong cuộc đối thoại với các Giáo Hội chính thống tây phương chúng tôi thường
xuyên thảo luận về các bí tích, đặc biệt là các bí tích khai tâm.
Hỏi: Bên cạnh cuộc đối thoại thần học, ở đâu có sự chung
sống đại kết mạnh mẽ nhất thưa ĐHY ?
Đáp: Khi nghe nói đến phong trài đại kết quý vị nghĩ ngay đến
cuộc đối thoại thần học. Đây là điều quan trọng, nhưng đại kết liên quan tới
nhiều lãnh vực khác nhau. Trong chuyến viếng thăm của ĐTGM chính thống Hilarion
hồi tháng 9 vừa qua chúng tôi đã thảo luận nhiều chương trình chung như:
các cuộc triển lãm, việc trao đổi các vật dụng tôn giáo cũng như các cuộc hoà
nhạc. Đại kết văn hoá này rất quan trọng, đặc biệt vì trong quá khứ Đông Tây
chia rẽ nhau không phải vì các lý do thần học cho bằng vì các lý do văn hoá. Vì
thế thật là một ý tưởng tốt hai bên tái xích lại gần nhau trên bình diện văn
hoá. Chẳng hạn hồi tháng 12 năm ngoái trong một buổi hoà nhạc ca đoàn Toà Thượng
Phụ Matscơva và ca đoàn Sistina của Toà Thánh đã trình diễn chung với nhau tại
Roma.
Hay chúng ta hãy nghĩ tới thánh tích của thánh Nicola đã được
mang từ Bari sang Nga trong vòng 2 tháng, và đã có 2,5 triệu tín hữu đến kính
viếng. Đại kết các thánh này là một con đường tốt cũng giúp lôi cuốn tín hữu
vào trong phong trào đại kết. Chắc chắn là điều tốt đẹp, khi các vị lãnh đạo của
các Giáo Hội khác nhau gặp gỡ nhau. Tuy nhiên đối với tương lai, thật định đoạt
là tín hữu có thể tham dự vào các phát triển đại kết này.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét